Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 327/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 05 tháng 02 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN AN MINH NĂM 2021

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 147/NQ-HĐND ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân huyện An Minh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 27/TTr- SKHĐT ngày 29 tháng 01 năm 2021 về phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện An Minh năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội huyện An Minh năm 2021 với các nội dung sau:

1. Mục tiêu tổng quát

Bảo đảm ổn định phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm thực hiện mục tiêu kép “vừa tập trung chống dịch, vừa lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội”, nâng cao giá trị tăng trưởng trên các lĩnh vực kinh tế. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khai thác có hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đầu tư; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội. Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng phục vụ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

- Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) của một số ngành chủ yếu đạt 9.118,12 tỷ đồng, tăng 3,19% so với cùng kỳ. Trong đó:

Ngành nông - lâm - thủy sản đạt 6.512,12 tỷ đồng, tăng 2,78% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành thủy sản, tăng 4,02%.

Ngành công nghiệp đạt 1.411 tỷ đồng, tăng 4,83% so với cùng kỳ.

Ngành xây dựng đạt 1.195 tỷ đồng, tăng 3,64% so với cùng kỳ.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt 5.886 tỷ đồng. Trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 5.621 tỷ đồng, tăng 6,46% so với cùng kỳ, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 265 tỷ đồng, tăng 15,22% so với cùng kỳ.

- Tổng sản lượng lúa cả năm đạt 118.818 tấn.

- Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng 74.568 tấn (khai thác 13.000 tấn, nuôi trồng 60.568 tấn); trong đó tôm nuôi 24.413 tấn.

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 34,70 tỷ đồng.

- Tổng chi ngân sách trên địa bàn là 403,52 tỷ đồng.

- Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 1.900 tỷ đồng, tăng 2,31% so với năm 2020.

- Tỷ lệ nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường giao thông nông thôn đạt 85%.

- Phấn đấu có thêm 02 xã đạt nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt nông thôn mới 08/10 xã.

- Tỷ lệ huy động học sinh 6-14 tuổi đến trường đạt 98,62%.

- Số người được tư vấn giới thiệu việc làm từ 3.800 lượt người.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 39,5%.

- Tỷ lệ sinh dưới 13,6‰.

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 7,2‰.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%.

- Giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 9%.

- Tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch 98,5%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh 79%.

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,9%. Trong đó: Tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia an toàn là 94%.

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,6%.

- Công tác tuyển quân đạt 100% chỉ tiêu.

3. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể

a) Theo dõi chặt chẽ diễn biến và sự tác động của đại dịch Covid-19 đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện kế hoạch ứng phó với tình hình dịch Covid-19 cụ thể theo cấp độ lây lan dịch; nghiêm túc, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống với tinh thần “chủ động, quyết liệt, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho Nhân dân”. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra tổ chức thực hiện, nhằm chủ động ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát huy lợi thế nuôi trồng thủy sản theo hướng đa canh, xen canh, nâng cao hiệu quả sản xuất mô hình tôm - lúa bền vững, đầu tư hợp lý để phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường công tác theo dõi, dự báo tình hình thời tiết để chỉ đạo sản xuất phù hợp; quản lý, vận hành tốt hệ thống cống, đập, thủy lợi nội đồng, khẩn trương phối hợp khắc phục tình trạng sạt lở đê biển, phục vụ sản xuất đạt hiệu quả. Tiếp tục rà soát, bố trí sản xuất hợp lý cho từng tiểu vùng phù hợp với biến đổi khí hậu. Tăng cường kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp, khuyến khích nông dân sản xuất các giống lúa cao sản, chất lượng cao, các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

- Quan tâm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác tốt tiềm năng kinh tế khu vực ven biển. Thực hiện tốt công tác quản lý khai thác thủy sản, nhất là quản lý các phương tiện khai thác vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ.

- Củng cố, hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã đầu tư sản xuất, kinh doanh; phát huy những mặt tích cực trong phong trào phát triển kinh tế tập thể, sản xuất theo hướng cộng đồng, chú trọng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích phát triển chăn nuôi; phòng, chống có hiệu quả các loại dịch, bệnh trên gia súc, gia cầm.

- Tập trung xây dựng nông thôn mới; ưu tiên đầu tư cho các xã gần đạt 19 tiêu chí của các địa phương; vận động Nhân dân tích cực thực hiện các phần việc đã đăng ký, tích cực sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

- Tuyên truyền, giáo dục về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng; phát động trồng cây gây rừng chống sạt lở, bảo vệ hệ sinh thái rừng; chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn. Chú trọng mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, nhằm bảo đảm yêu cầu về bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, theo hướng: giữ nguyên diện tích rừng hiện có trên địa bàn, đặc biệt là diện tích rừng phòng hộ.

- Thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư và mở rộng nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến. Thường xuyên theo dõi tình hình giá cả thị trường, phối hợp quản lý chặt chẽ việc niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết, kiên quyết ngăn chặn không để tình trạng khan hiếm hàng hóa gây tăng giá đột biến. Quản lý chặt chẽ các dịch vụ vận tải thủy, bộ. Tăng cường quản lý xây dựng nhất là xây dựng nhà nuôi yến, xử lý nghiêm các hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng lề đường, hành lang an toàn giao thông. Tăng cường quản lý, thường xuyên kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh có điều kiện. Tăng cường quản lý đối với tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà.

- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài chính, ngân sách theo quy định, thực hiện bổ sung có mục tiêu, bổ sung cân đối đảm bảo có hiệu quả, đảm bảo theo quy định. Chủ động kế hoạch phối hợp chống thất thu thuế và tập trung xử lý nợ thuế tồn đọng, phấn đấu thu hoàn thành vượt chỉ tiêu dự toán thu ngân sách được giao. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, quản lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích và hiệu quả.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng. Tập trung huy động tối đa các nguồn vốn tại địa phương, tổ chức cho vay đúng đối tượng, ưu tiên cho vay phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển các mô hình, dự án sinh kế; các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách pháp luật về tín dụng.

b) Phát triển văn hoá, xã hội, đầu tư cho giáo dục và đào tạo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, công tác tôn giáo, dân tộc

- Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên các cấp; chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học. Thực hiện đề án sáp nhập trường, lớp; kết hợp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng, số lượng trường đạt chuẩn. Đẩy mạnh vận động học sinh ra lớp đảm bảo thời gian theo yêu cầu. Phát huy hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng.

- Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức ngành y tế trong công tác khám, chữa bệnh. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, hành nghề y, dược tư nhân. Thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền kịp thời về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; ý nghĩa các ngày kỷ niệm, các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng như: Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc Hội và Hội đồng nhân dân các cấp; tiếp tục tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về văn hóa và dịch vụ văn hóa; duy trì các phong trào văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao kết hợp với phòng, chống dịch bệnh. Tập trung nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

- Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề gắn kết với nhu cầu thị trường lao động; nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề và lao động có việc làm ổn định. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách ưu đãi đối với người có công, người nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời hỗ trợ giúp đỡ những hộ gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn ổn định cuộc sống. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chú trọng các giải pháp giảm nghèo bền vững. Các chế độ chính sách được chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực.

- Thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- Triển khai thực hiện kịp thời các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung triển khai tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

c) Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai

- Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Nâng cao tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường, tăng cường áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Quản lý tốt chất thải rắn nông thôn, đô thị và chất thải y tế.

- Chủ động lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm và quản lý tốt quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, đất đai.

- Chú trọng phát triển khoa học, công nghệ, tập trung đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; thu hút đầu tư công nghệ tiên tiến vào phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

- Chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống thiên tai nhằm bảo vệ sản xuất và đời sống Nhân dân. Tăng cường kiểm tra việc xây dựng kế hoạch và thực hiện các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các cơ quan, đơn vị, nhất là phương án ứng phó với bão mạnh, lốc xoáy, đảm bảo các yêu cầu khi có tình huống xảy ra.

d) Đảm bảo quốc phòng, an ninh; giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo, tăng cường phòng chống tham nhũng

- Tiếp tục tăng cường xây dựng khu vực phòng thủ, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng vũ trang, các ngành, các cấp trong công tác quốc phòng an ninh. Chỉ đạo công tác tuyển quân năm 2021 phấn đấu đạt 100%; triển khai tốt công tác tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, Nhân dân. Các ngành, địa phương được phân công triển khai thực hiện nghiêm túc, có chất lượng các văn kiện trong tác chiến phòng thủ và kế hoạch phòng thủ dân sự.

- Tăng cường nắm tình hình an ninh nông thôn, tình hình trong các tôn giáo, dân tộc; tình hình tranh chấp, khiếu kiện, kiên quyết ngăn chặn kịp thời, kịp thời ngăn chặn và xử lý các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Kiểm soát chặt chẽ các đối tượng mua bán và sử dụng ma túy. Chủ động các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm, kiềm chế tai nạn giao thông. Làm tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước; thường xuyên tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống cháy, nổ.

- Chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn rà soát và nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND huyện liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; thực hiện tốt công tác tiếp công dân thường xuyên và định kỳ. Tích cực chỉ đạo công tác phối hợp giải quyết kịp thời các đơn thư tố cáo phát sinh, nhất là thời điểm trước, trong thời gian diễn ra cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

- Tăng cường việc triển khai thực hiện các quyết định có hiệu lực pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không chấp hành; thực hiện tốt công tác thanh tra và xử lý sau thanh tra theo kế hoạch phê duyệt. Triển khai tốt Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; triển khai kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở; quản lý hiệu quả công tác tư pháp, hộ tịch. Tiếp tục chỉ đạo tốt công tác xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

đ) Xây dựng chính quyền, cải cách hành chính

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp từ huyện đến xã; chỉ đạo thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo đề án. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các trường học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, điều chỉnh quy mô trường lớp, thu gọn các điểm trường, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn và tổ dân phố; tổ chức tốt cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026 trên địa bàn.

- Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính nhà nước. Tập trung các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử. Giải quyết kịp thời các hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông các cấp. Thường xuyên cập nhật kịp thời các thủ tục hành chính đang có hiệu lực, niêm yết công khai đúng quy định. Tiếp tục triển khai áp dụng, vận hành tốt Hệ thống Quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2015.

- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ có liên quan.

Điều 2. Giao cho UBND huyện An Minh chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tổ chức thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trên địa bàn huyện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện An Minh, lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành cấp tỉnh;
- Huyện ủy An Minh;
- HĐND huyện An Minh;
- UBND huyện An Minh;
- LĐVP; CVNC;
- Lưu: VT, ckbich (02).

CHỦ TỊCH




Lâm Minh Thành

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 327/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang năm 2021

  • Số hiệu: 327/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/02/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Lâm Minh Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản