Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2239/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 16 tháng 10 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TRỢ GIÚP XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2023 -2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030";Nghị định 103/2017/NĐ-CP, ngày 12/9/2017 của Chính phủ Quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25 /11/ 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22 /01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 2096/QĐ-TTg ngày 14/ 12 /2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22 /01 /2021 phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ Lao 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Thông tư số 03/2022/TT-BTC, ngày 12/1/2022 của Bộ Tài chính Quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn Ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 -2030;

Căn cứ Chỉ thị số 33/CT-TU, ngày 06/12/2019 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an sinh xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 45/NQ-HĐND, ngày 12/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về đẩy mạnh thực hiện một số Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 119/TTr-SLĐTBXH, ngày 09/10 /2023 về việc phê duyệt đề án nâng cao chất lượng công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 -2030

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Điều 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành: Lao động -Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và đào tạo và Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TRỢ GIÚP XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2023 - 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2239/QĐ-UBND, ngày 16 tháng 10 năm 2023 của UBND tỉnh)

PHẦN 1

SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TRỢ GIÚP XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2023 - 2030

I. SỰ CẦN THIẾT

Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm trong vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang; phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ; phía Đông và phía Nam giáp thủ đô Hà Nội. Tỉnh có diện tích tự nhiên 1.236,5 km2, dân số khoảng 1.171.000 người, trong đó 77,6% sống ở nông thôn, mật độ dân số 819 người/km2; toàn tỉnh có 136 xã, phường, thị trấn với 9 đơn vị hành chính (trong đó có 40 xã miền núi).

Những năm qua với lợi thế về địa lý, kinh tế và văn hóa Vĩnh Phúc đã có bước tiến nhanh và đạt được những thành tựu to lớn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông- lâm nghiệp- thuỷ sản. Về văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Đi cùng với phát triển kinh tế Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, các ngành cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới chính sách trợ giúp xã hội, chính sách luôn thể hiện được hai chức năng cơ bản là bảo đảm an toàn cho mọi thành viên trong xã hội ở mức tối thiểu về thu nhập, dịch vụ y tế và xã hội để cho phép họ có một cuộc sống xã hội có ý nghĩa và duy trì thu nhập, khi các thành viên xã hội đang hoạt động kinh tế hoặc mọi công dân khi không may gặp rủi ro ốm đau, thai sản, tuổi già, tàn tật, mà không có khả năng tạo thu nhập thông qua chính sách trợ giúp xã hội và cứu trợ xã hội; tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Việc thực hiện trợ giúp xã hội không bị giới hạn bởi bất kỳ rào cản nào, hệ thống chính sách trợ giúp xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện. Chính sách xã hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho các đối tượng yếu thế và các đối tượng dễ bị tổn thương (Các đối tượng Bảo trợ xã hội, khủng hoảng…) trên địa bàn tỉnh, góp phần hình thành xã hội không còn nhóm đối tượng bị loại trừ bị phân biệt đối xử và bảo đảm định hướng an sinh xã hội bền vững.

1. Thể chế hóa

Hệ thống chính sách trợ giúp xã hội được bổ sung và sửa đổi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh, đối tượng thụ hưởng được mở rộng và mức trợ cấp thường xuyên được nâng lên. Xu hướng phát triển trợ giúp xã hội luôn nằm trong nhóm các tỉnh đi trước và cao hơn so với quy định của Trung ương và mặt bằng chung các tỉnh, thành phố, đặc biệt là chính sách với Người cao tuổiGiai đoạn 2016 - 2022, Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân đã ban hành 48 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực trợ giúp xã hội, trong đó, 02 chỉ thị của Tỉnh ủy, 01 Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh; 01 Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh, 11 nghị quyết của Hội đồng nhân dân, và 12 quyết định của Chủ tịch, UBND tỉnh, 08 Kế hoạch của UBND tỉnh và trên 13 hướng dẫn của liên sở, sở ngành triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội.

Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi; từng bước đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đối tượng, tạo thành lưới an toàn xã hội rộng khắp, đan xen. Về cơ bản, các chính sách đã phản ánh được các yếu tố đặc thù của tỉnh và hỗ trợ các nhóm yếu thế. Cơ chế chính sách được đổi mới, dần tạo hành lang pháp lý cho khu vực ngoài công lập tham gia vào cung cấp dịch vụ xã hội.

2. Kết quả thực hiện

Từ năm 2016 đến nay chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được sửa đổi mở rộng về đối tượng, tăng về mức hưởng, được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt hiệu quả. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hàng năm, trong đó người hưởng trợ cấp hàng tháng tăng từ 39.816 người năm 2016, lên 43.435 người (năm 2022) hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng (2,9% dân số toàn tỉnh). Trong đó: 167 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi; 218 người cao tuổi cô đơn; 21.262 người từ 80 tuổi trở lên (Chiếm >50% số đối tượng BTXH); 18.269 người khuyết tật; 1.530 người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo; 79 người nhiễm HIV/AIDS; 1.816 hộ gia đình, cá nhân nhận kinh phí chăm sóc tại cộng đồng… Mức chuẩn trợ cấp được điều chỉnh tăng theo khả năng nguồn lực tỉnh; Các đối tượng Bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng của tỉnh đã được quan tâm chăm sóc thụ hưởng chế độ cao hơn 1,24 lần cao hơn mức chuẩn chung do Trung ương ban hành (Giai đoạn 2016 -2021, mức chuẩn trợ giúp xã hội của Trung ương là 270.000đ/tháng, mức chuẩn trợ giúp xã hội của Vĩnh Phúc là 30% mức lương tối tối thiểu tương đương 447.000đ/tháng; Từ 2021 đến nay, mức chuẩn trợ giúp xã hội của Trung ương là 360.000đ/tháng, mức chuẩn trợ giúp xã hội của Vĩnh Phúc là 447.000đ/tháng) Vĩnh Phúc là 01 trong 07 tỉnh thành phố tự cân đối được ngân sách đã chủ động tăng ngân sách cho trợ giúp xã hội, điều chỉnh nâng mức trợ cấp hàng tháng cao hơn mức chuẩn chung và ban hành chính sách mới đi kèm mở rộng địa bàn cũng như diện thụ hưởng chính sách Quy trình và công tác xác định đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, nhất là trợ cấp tiền mặt được cải tiến theo hướng minh bạch và có sự tham gia của các cấp chính quyền và người dân, do vậy đã làm tăng tính cam kết và hiệu quả thực hiện.

Việc thực hiện và duy trì tốt quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ tập thể của mọi tầng lớp nhân dân, người yếu thế được quan tâm chăm sóc về mọi mặt, các đối tượng yếu thế được miễn/giảm giá vé khi tham gia giao thông, được giảm giá vé khi đi tham quan các khu di tích, lịch sử, các danh lam, thắng cảnh…Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí dành cho mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có trẻ em, cơ bản được đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí nâng cao sức khỏe, tinh thần của nhân dân. Công tác xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, văn hóa ngày càng được chú trọng nâng cao chất lượng, gia đình ngày được quan tâm, củng cố, tình hình bạo lực gia đình, bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng giảm, tỷ lệ gia đình văn hóa ngày càng tăng.

Chính sách trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm hỗ trợ kịp thời người dân khi gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh…. thông qua các phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Hiến máu tình nguyện”; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tháng Nhân đạo”’; Mô hình Nhà Chữ thập đỏ, công trình nhân đạo được Hội Chữ thập đỏ Vĩnh Phúc triển khai sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực với người nghèo, nạn nhân chất độc da cam và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đặc biệt là Dự án “Nuôi bò sinh sản tại các hộ nghèo người khuyết tật và Trẻ em mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới” và các chương trình hỗ trợ sinh kế khác đã mang lại hiệu quả tích cực để các đối tượng được trợ giúp có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Với phương châm: “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hiệu quả”, những năm qua đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác nhân đạo, từ thiện, thu hút ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm tham gia. Trong giai đoạn 2016-2022 tổng giá trị hoạt động nhân đạo, từ thiện hỗ trợ, trợ giúp khẩn cấp đạt trên 297.000 triệu đồng, trợ giúp kịp thời cho hàng nghìn lượt người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội tiếp tục được củng cố, nâng cấp. Tập trung triển khai xây dựng mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh đã từng bước đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đối tượng về giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng đảm bảo tốt hơn các quyền của đối tượng thụ hưởng. Các cơ sở trợ giúp xã hội được xây dựng đồng bộ đảm bảo cả về quy mô, điều kiện chăm sóc đã tạo thành lưới an toàn xã hội rộng khắp, đan xen, có khả năng bao phủ nhiều đối tượng thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trên địa bàn tỉnh.

Cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng của hệ thống trợ giúp xã hội, cơ sở dịch vụ công tác xã hội của tỉnh thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc đối tượng. Phương thức hoạt động của đa phần cơ sở được cải tiến, tăng cường kết nối với cộng đồng, gia đình trong cung cấp các dịch vụ TGXH cho đối tượng theo hướng dựa vào cộng đồng. Triển khai đúng quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống đại đa số đối tượng trợ giúp xã hội, giúp họ được đảm bảo an toàn, tăng thêm vị thế xã hội đối với hoạt động trợ xã hội. Toàn tỉnh hiện có 04 cơ sở trợ giúp xã hội (02 cơ sở công lập và 02 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 01 cơ sở tổng hợp chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi… 01 cơ sở chăm sóc quản lý người tâm thần, 02 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập chăm sóc trẻ em mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vĩnh Phúc là tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở trợ giúp xã hội được khang trang, hiện đại như Dự án xây dựng mới Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng giai đoạn năm 2016-2020, các hạng mục thiết kế theo quy mô tiếp nhận 500 đối tượng, công trình được triển khai xây dựng (tính cả thời gian đền bù, giải phóng mặt bằng) từ 2016 đến 2019, công trình đã hoàn thành, từ đầu năm 2020 đã được bàn giao đưa vào sử dụng, hiện đang chăm sóc, quản lý 350 người khuyết tật tâm thần đặc biệt nặng, người khuyết tật tâm thần nặng và người tâm thần lang thang; Trung tâm Công tác xã hội Vĩnh Phúc hàng năm cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, sửa chữa nâng cấp, hoàn thiện tạo ra môi trường sống xanh, sạch thân thiện, quy mô tiếp nhận 300 đối tượng. Đi cùng với đầu tư xây dựng, củng cố cơ sở vật chất, thì chế độ chính sách chăm sóc nuôi dưỡng cho các đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội xã hội cũng được quan tâm, UBND tỉnh đã ban hành định mức - kinh tế dịch vụ chăm sóc dài hạn cho đối tượng BTXH. Đến nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã cung cấp dịch vụ cho khoảng 45% đối tượng cần trợ giúp xã hội như tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội. Phát triển các mô hình chỉnh hình phục hồi chức năng cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng; các mô hình hỗ trợ các đối tượng đặc biệt như “Ngôi nhà tạm lánh” cung cấp dịch vụ tạm lánh, hỗ trợ tâm lý, bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình; mô hình “Ngôi nhà bình yên” bảo vệ chăm sóc cho phụ nữ và trẻ em bị mua bán trở về… Có thể nói hiện Vĩnh Phúc là 01 trong 03 tỉnh thành phố có cơ sở trợ giúp xã hội khang trang, đồng bộ cùng chế độ chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng cao hơn so với mặt bằng chung trên cả nước.

Về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ Vĩnh Phúc đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều kế hoạch, đề án, nghị quyết, chương trình hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Nhận thức về bình đẳng giới đã có sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng dân cư; các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được triển khai có hiệu quả trên các lĩnh vực với tỷ lệ nữ giới tham gia lãnh đạo, quản lý tăng đáng kể, vị trí và vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội ngày càng được cải thiện và nâng cao; sự quan tâm, chia sẻ và ứng xử với phụ nữ trong mỗi gia đình, tổ chức và cộng đồng có nhiều chuyển biến tích cực, từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước xóa bỏ định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ các hình thức bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do lựa chọn giới tính thai nhi, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hôn nhân có yếu tố người nước ngoài không lành mạnh. Đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng “Ngày quốc tế xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”; “Tháng Hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”. Triển khai xây dựng điểm mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại cơ sở; giúp người dân trong địa bàn mô hình nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tạo cơ hội để các nạn nhân của bạo lực được tiếp cận ít nhất một hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng.

Công tác Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra và cao hơn trung bình cả nước; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của trẻ em ngày càng tốt hơn; các quyền được sống, phát triển, quyền học tập, quyền được tham gia, vui chơi của trẻ em ngày càng được đảm bảo; nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em đến năm 2020 của Vĩnh Phúc đạt 75% (cả nước trung bình 55%); Tình hình sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em được cải thiện đáng kể, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng giảm rõ rệt từ 9,8% năm 2016 xuống còn 7,7% vào năm 2020 (cả nước trung bình 12%); Trẻ em nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi đều được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có đủ điều kiện được đi học tăng từ 98,7% lên 99,52%. Việc xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện được đẩy mạnh. Công tác bảo vệ trẻ em được đặc biệt quan tâm và triển khai hiệu quả. Toàn tỉnh không có tình trạng thương mại hóa trong việc cho, nhận trẻ em làm con nuôi người nước ngoài, không có tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống, không có tình trạng tảo hôn. Tỷ xuất trẻ em bị tai nạn thương tích giảm xuống còn 173/100.000 trẻ em (trung bình cả nước 600/100.000 trẻ em). Tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục 0.0072% trên tổng số trẻ em (cả nước tỉ lệ trẻ em bị xâm hại 4,97% theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội năm 2019). Công tác trợ giúp các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được đặc biệt quan tâm và đạt những kết quả nổi bật. Tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chỉ còn 1,15% (cả nước 6%). Công tác vận động các nguồn lực xã hội cho trẻ em được triển khai hiệu quả; Các hoạt động chăm sóc, trợ giúp trẻ em được tiến hành thường xuyên, với nhiều hoạt động thiết thực. Các chương trình, chính sách hỗ trợ giáo dục cho con em hộ nghèo, dân tộc thiểu số được triển khai hiệu quả. Thực hiện miễn, giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, học sinh các trường dân tộc nội trú và bán trú. Thực hiện hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo có hoàn cảnh khó khăn..

Chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội của tỉnh ngày càng đồng bộ với diện bao phủ không ngừng được mở rộng; Chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng dịch vụ hỏa táng là một chính sách liên quan đến đời sống tâm linh nhưng qua thời gian triển khai đã từng bước thay đổi cơ bản thói quen, phong tục của người dân, từng bước việc hỏa táng sẽ là lựa chọn tất yếu của người dân trong tỉnh; góp phần xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn quỹ tài nguyên đất và bảo vệ môi trường sống. Chính sách góp phần dần làm thay đổi thói quen, phong tục, tập quán chôn cất người chết theo hình thức địa táng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng dân tộc miền núi của tỉnh. Đồng thời hoả táng đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường, y tế; mang lại những lợi ích thiết thực trước thực trạng quỹ đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, giảm sức ép cho các nghĩa trang, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh đối với người dân trên địa bàn tỉnh.

Trước yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới, tỉnh Vĩnh Phúc xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật phòng, chống ma túy, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy là nguyên nhân dẫn đến những hành vi phạm tội và gây mất trật tự, an toàn xã hội, là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm hình sự. Để tăng cường quản lý nhà nước về ma túy, giảm thiểu tác hại của tội phạm ma túy đối với xã hội các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành đồng bộ công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật và công tác phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức, với nhiều lực lượng tham gia và hướng mạnh về cơ sở, tập trung vào các khu vực, tỉnh đã ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ thêm về vật chất, động viên tích cực đến tư tưởng, tinh thần của cán bộ, tạo động lực để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, cùng với đó chính sách hỗ trợ đã giúp gia đình thực sự giảm bớt khó khăn cho gia đình, bản thân người tham gia cai nghiện tự nguyện, từ đó khuyến khích người nghiện tham gia cai nghiện tự nguyện, góp phần giảm các tai tệ nạn ngoài xã hội; tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí của các cơ quan có liên quan trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc. Từ khi triển khai Nghị quyết đến nay, đã đem lại hiệu quả thiết thực, số người nghiện ma túy tự nguyện vào cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh so với các năm chưa có Nghị quyết tăng lên. Công tác tái hòa nhập cộng đồng và quản lý sau cai nghiện, được nhiều địa phương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ tìm kiếm việc làm, vay vốn sản xuất, ổn định cuộc sống, phòng, chống tái nghiện.

3. Khó khăn, hạn chế

Hệ thống quản trị còn bất cập, chưa hiện đại:

Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trợ giúp xã hội của một số tổ chức, cá nhân tính tuân thủ chưa cao dẫn đến hiệu quả thấp. Sự phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, công tác thanh tra, kiểm tra ở nhiều nơi chưa được coi trọng.

Quá trình hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành chính sách xã hội còn chậm. Bước đầu thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhưng chưa đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, giữa tỉnh và địa phương; thiếu cơ chế quản lý, cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu và thông tin; Tại địa phương việc theo dõi, quản lý các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội chưa đảm bảo tính liên tục, liên thông và theo dõi được biến động của đối tượng theo thời gian và địa bàn.

Cơ chế thực thi chưa hiệu quả, chất lượng cán bộ còn hạn chế, công tác quản lý đối tượng còn phân mảng. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, ban ngành chức năng liên quan và địa phương đôi lúc còn chưa kịp thời dẫn đến chậm trễ trong giải quyết, xử lý triển khai các chính sách xã hội. Tại một số địa phương vẫn còn hiện tượng bỏ sót đối tượng, hoặc hưởng trùng chính sách.

Nguồn lực còn hạn chế và thiếu chủ động:

Các chính sách xã hội của tỉnh chủ yếu gắn với bảo đảm từ ngân sách nhà nước, vì vậy việc thực hiện nhiều chính sách xã hội (nhất là các chính sách trợ giúp xã hội, chính sách đối với người nghèo, ..), phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng kinh tế, khả năng cân đối ngân sách; chưa tạo được cơ chế đầy đủ động viên, thu hút được nhiều sự tham gia của xã hội.

Chưa liên kết được các nguồn lực của chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nguồn lực xã hội hóa để đáp ứng một cách linh hoạt, kịp thời và hiệu quả nhu cầu đời sống người dân đảm bảo an sinh xã hội.

Hệ thống chính sách:

Khuôn khổ pháp lý về trợ giúp xã hội vẫn chưa hoàn thiện, độ bao phủ của trợ giúp xã hội vẫn còn hạn chế, mức chuẩn trợ cấp của tỉnh hiện là 447 nghìn đồng (cao hơn so với mức chuẩn quy định của TW 360 nghìn đồng), nhưng nhìn chung vẫn rất thấp, chỉ bằng 28,1% mức sống tối thiểu khu vực nông thôn và 21,6% khu vực thành thị.

Hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội, chăm sóc xã hội còn yếu, nhất là tại cộng đồng. Hiện có rất ít đối tượng bảo trợ xã hội được cung cấp các dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng, dịch vụ công tác xã hội và hỗ trợ, lập kế hoạch hòa nhập cộng đồng, các dịch vụ trợ giúp xã hội khác tại cộng đồng. Nguồn lực huy động xã hội hoá còn hạn chế dù đã có các chính sách, cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân tham gia.

Đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội hiện có khoảng 500 người; trong đó có khoảng 135 người làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội; có khoảng 75,6% cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo chuyên nghiệp làm công tác xã hội; tổ chức bộ máy cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở cộng đồng gần như chưa có ở tất cả các địa phương, điều này ảnh hưởng tới hiệu quả của các chính sách xã hội và trợ giúp các đối tượng yếu thế.

Hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội, chăm sóc xã hội chưa đáp ứng được các yêu cầu về đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa. Hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội chủ yếu là chăm sóc nội trú, cơ sở vật chất mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu, chưa quản lý theo trường hợp và chăm sóc, trợ giúp đối tượng tại gia đình, cộng đồng. Đồng thời, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức và nhân viên công tác xã hội làm việc tại cơ sở trợ giúp xã hội còn nhiều hạn chế, phần lớn các cán bộ nhân viên này chưa qua đào tạo hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau, làm việc không đúng ngành, nghề đào tạo (75% cán bộ, nhân viên tại các cơ sở BTXH làm việc không đúng chuyên ngành, 30% chưa được đào tạo). Vì vậy, năng lực chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở không cao, thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay.

Các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực tại cộng đồng, hỗ trợ hòa nhập xã hội đối với nhóm người nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán trở về…chưa được bao phủ toàn diện. Các dịch vụ hỗ trợ cũng chưa được quan tâm, tiếp cận trên cơ sở giới. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng. Tại cấp cơ sở hệ thống sân chơi cho trẻ em còn thấp, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.

Nhận thức của người dân về sử dụng hình thức hỏa táng đã có những thay đổi nhưng một số nơi vẫn còn nặng tư tưởng thói quen theo tập quán, dân tộc, nhất là ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Công tác thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng kịp thời tình hình phức tạp của tội phạm về ma túy,dẫn đến sự thiếu hiểu biết về tác hại của ma túy và cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp không gây nghiện hoặc coi việc cai nghiện ma túy là nhiệm vụ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Đội ngũ cán bộ tại các cơ sở cai nghiện thiếu về số lượng; chưa được chuẩn hóa theo các quy định về đội ngũ viên chức; chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về cai nghiện ma túy theo quy trình cai nghiện của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Mặc dù tỉnh có cơ chế đặc thù riêng, nhưng người nghiện ma tuý vào Cơ sở cai nghiện tự nguyện theo Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của HĐND tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều người tham gia cai nghiện tự nguyện.

4. Nguyên nhân hạn chế

Những hạn chế, bất cập nêu trên có nguyên nhân khách quan như dịch bệnh.. tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh, sinh kế của người dân, thành quả của công tác giảm nghèo, ảnh hưởng đến tình hình việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân.

Tuy nhiên, các nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bao gồm:

(1) Độ bao phủ của chính sách trợ cấp tiền mặt hiện nay của tỉnh tuy có cao hơn so với quy định của TW và nhiều địa phương khác, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với chuẩn nghèo và mức lương cơ sở (mức trợ cấp quá thấp đối với nhóm đối tượng là người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi không người chăm sóc, người khuyết tật nặng không tự đảm bảo được cuộc sống)

(2) Mặc dù nhận thức về công tác bảo trợ xã hội đã được nâng lên, tuy nhiên một số cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội vẫn còn tư tưởng coi trợ giúp xã hội là làm nhân đạo, chưa thấy vai trò, vị trí của chính sách xã hội... điều này đã tạo ra những rào cản trong tổ chức thực hiện chính sách.

(3) Công tác tuyên truyền chính sách trợ giúp xã hội còn dàn trải, thiếu chiều sâu. Hoạt động tuyên truyền thường được phát động theo phong trào vẫn còn phổ biến, dẫn đến công tác trợ giúp xã hội chỉ mạnh khi mới được triển khai.

(3) Hệ thống chính sách pháp luật được ban hành nhiều nhưng tích hợp chậm, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật chưa kịp thời, thiếu linh hoạt trong triển khai thực hiện; chế tài xử lý sai phạm chưa đủ mạnh.

(4) Tổ chức bộ máy, nhân lực chưa đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới; phương thức quản lý, quản trị trong các lĩnh vực xã hội chưa hiện đại, chưa bảo đảm tính liên thông, linh hoạt và kịp thời vì chưa có đội ngũ cán bộ trợ giúp xã hội mang tính chuyên nghiệp.

(5) Chưa phân định rõ vai trò quản lý, điều hành của nhà nước, trách nhiệm của xã hội và sự tham gia của người dân, sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội còn rất hạn chế.

(6) Chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ nên chưa thu hút được lao động có trình độ chuyên môn sâu về trợ giúp xã hội, đặc biệt đối với các vị trí y sỹ, bác sỹ; gây khó khăn cho hoạt động của cơ sở; chưa nâng cao được chất lượng, hiệu quả.

(7) Chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống ma túy của tỉnh hiện được đánh giá là khá đầy đủ nhưng có một số quy định cần được bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tế; những gia đình có người nghiện ma túy không hợp tác, không tự khai báo, sợ bị lộ danh tính, bị kỳ thị, do đó, họ không đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở Chính trị

Chỉ thị số 33/CT-TU, ngày 6/12/2019 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an sinh xã hội xác định Nâng cao chính sách trợ giúp xã hội, tín dụng xã hội đối với hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội: Mỏ rộng đối tượng, tăng định mức hỗ trợ với hình thức hỗ trợ phù hợp. Xây dựng chính sách giảm nghèo đặc thù. Triển khai thực hiện có hiệu quả, đi vào chiều sâu các chương trình, đề án chăm lo cho trẻ em, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người tâm thần, người có khả năng lao động....tạo điều kiện cho các đối tượng trong diện được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...Củng cố hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội, mở rộng tiêu chí tiếp nhận đối tượng người khuyết tật, tâm thần nặng vào cơ sở trợ giúp xã hội; triển khai các mô hình tư vấn trợ giúp, mô hình chăm sóc phục hồi chức năng cho đối tượng có nhu cầu. Thực hiện tốt hỗ trợ đột xuất, kịp thời người dân khi xảy ra rủi ro..; Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cần quan tâm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phụ nữ, nhất là phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo hành phụ nữ, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo....

Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định tăng cường công tác bảo trợ xã hội: Tập trung nguồn lực hỗ trợ chương trình giảm nghèo vững. Nghiên cứu chuyển từ chính sách phúc lợi thuần túy sang lao động để nhận phúc lợi, trừ các đối tượng mất khả năng lao động; Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật; Thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất của cộng đồng, đảm bảo người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời…

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 25/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động số 01-CTTr/TU ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Nghị quyết số 45/NQ-HĐND, ngày 12/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về đẩy mạnh thực hiện một số Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn tỉnh.

2. Cơ sở pháp lý

Nghị định 103/2017/NĐ-CP, ngày 12/9/2017 của Chính phủ Quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030";

Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; Quyết định số ngày 25 /11/ 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 2096/QĐ-TTg ngày 14/ 12 /2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22 /01 /2021 phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030;

Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ Lao 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Thông tư số 03/2022/TT-BTC, ngày 12/1/2022 của Bộ Tài chính Quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn Ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 -2030.

III. NHỮNG YÊU CẦU ĐẶT RA

Theo xu hướng chung cùng với những mặt tích cực của quá trình đổi mới, phát triển kinh tế là những mặt trái của nó như khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa các nhóm dân cư, giữa nông thôn và đô thị, đặc biệt là với nhóm dân sống ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, sự tăng trưởng kinh tế cũng đã làm thay đổi cấu trúc xã hội và cuộc sống của các gia đình và cộng đồng: tỷ lệ tội phạm, sử dụng ma túy, mại dâm đang diễn biến phức tạp và có nhiều trường hợp xâm hại, bóc lột trẻ em, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật được phát hiện, số vụ ly hôn gia tăng, tình hình dịch bệnh.. tạo ra nhiều nhóm đối tượng cần trợ giúp, bảo trợ. Bên cạnh đó trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng yêu cầu của xã hội về hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội cũng tăng cao, đặc biệt là đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, người khuyết tật và thiểu năng trí tuệ, người già cô đơn, người nghèo, phụ nữ bị bạo hành..

Hiện nay số người cần được tiếp cận các dịch vụ của trợ xã hội ở tỉnh ta là rất lớn có trên 190 nghìn đối tượng cần hỗ trợ, giúp đỡ, chiếm 17,5 % dân số , đa phần nhóm đối tượng này gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ phúc lợi xã hội và là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị tổn hại, rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nên cần có những biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời, từ đó đòi hỏi cần từng bước xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội toàn diện, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân về bảo đảm sinh kế và sự an toàn trong cuộc sống, có tính hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm tính bền vững, có khả năng giúp người dân chủ động trong việc ứng phó với các rủi ro của vòng đời, các cú sốc trong cuộc sống, góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng cho đối tượng trợ giúp xã hội, giúp họ tăng thêm vị thế xã hội trong gia đình và cộng đồng.

Từ cơ sở thực tiễn, Chính trị, pháp lý xây dựng Đề án nâng cao chất lượng công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030 là cần thiết.

PHẦN 2

NỘI DUNG ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TRỢ GIÚP XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2023 - 2030

I. TÊN GỌI ĐỀ ÁN: Nâng cao công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 -2030.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

1.1. Bảo đảm an sinh xã hội nói chung, trợ giúp xã hội nói riêng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành, cả trên địa bàn tỉnh và toàn xã hội. Trong đó, cơ chế chính sách nguồn lực của tỉnh về trợ giúp xã hội giữ vai trò chủ đạo và quan trọng.

1.2. Tỉnh có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia trợ giúp xã hội; đồng thời, tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh, không ngừng cải thiện, nâng cao tinh thần, vật chất, bảo đảm công bằng, ổn định xã hội và phát triển bền vững.

1.3. Trợ giúp xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng huy động, cân đối nguồn lực của tỉnh trong từng thời kỳ, từng năm; đảm bảo sự công bằng cho người dân trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; đồng thời có cơ chế tập trung ưu tiên cho các đối tượng người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo, người vùng dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn, miền núi, nơi có thu nhập thấp, tiếp cận dịch vụ xã hội xã hội hạn chế, nhằm tạo sự công bằng, hài hòa giữa các khu vực, giữa các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đảm bảo mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả của sự phát triển của tỉnh.

1.4. Trợ giúp xã hội phải đa dạng về mô hình, toàn diện cả vật chất và tinh thần phù hợp với vòng đời con người, có tính chia sẻ giữa nguồn lực của tỉnh, xã hội và người dân; bảo đảm người dân gặp rủi ro được hỗ trợ kịp thời từ hệ thống chính trị của tỉnh, các tổ chức và cộng đồng; phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát.

Tăng cường cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội, ưu tiên người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người sống ở thôn, xã dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh; nâng mức trợ giúp xã hội phù hợp với vòng đời, khả năng ngân sách địa phương và xu hướng chung; bảo đảm người cao tuổi, người khuyết tật được chăm sóc, phục hồi chức năng, bảo đảm người dân gặp rủi ro được hỗ trợ kịp thời dưới nhiều hình thức từ Nhà nước, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng; phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội; tạo môi trường thuận lợi, an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Giảm khoảng cách về giới trong các lĩnh vực ngành có bất bình đẳng giới hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới. Nâng cao nhất lượng, hiệu quả cai nghiện ma tuý, tuyên truyền phòng, chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về. Đẩy mạnh xã hội hoá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội, hướng tới mục tiêu công bằng ổn định xã hội và phát triển bền vững.

2.2. Mục tiêu cụ thể

2.2.1. Đến năm 2025

- Đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng chính sách đầy đủ, kịp thời; Đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp xã hội kịp thời.

- 100 % người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 30% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập; củng cố cơ sở vật chất cơ sở các cơ sở trợ giúp xã hội công lập đảm bảo 100% người có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ và quản lý ca từ các cơ sở trợ giúp xã hội công lập.

- 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; 100% trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em bị xâm hại được quản lý theo dõi; 75% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sáng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; Đảm bảo 70% trẻ em và người khuyết tật có nhu cầu được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quản lý theo dõi; Xây dựng được bản đồ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

- 100% người cao tuổi tâm thần nặng, người cao tuổi lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng tại các cơ sở trợ giúp xã hội; 100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm, dột nát; 100% người cao tuổi nghèo, không có người phụng dưỡng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật; Ít nhất 80% người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; Ít nhất 50% gia đình có người cao tuổi bị bệnh suy giảm trí nhớ, khuyết tật nặng và có vấn đề khó khăn khác được tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người cao tuổi;

- 85% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 80% người khuyết tật có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; 100% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định; 100% công trình xây mới và 50% công trình cũ là trụ sở của cơ quan nhà nước và các nhà ga, bến xe, bến tàu, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư xây mới bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật; 60% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông; 100% người khuyết tật tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định; 95% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục; 30% người khuyết tật được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; 80% các huyện, thành phố có Câu lạc bộ thể dục, thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận; 40% người khuyết tật được tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật; 100% thư viện cấp tỉnh tổ chức được không gian đọc cho người khuyết tật; 100% người khuyết tật được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; 100% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới nhiều hình thức khác nhau ; 100% các huyện, thành phố có tổ chức của người khuyết tật; 85% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; 50% gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật; 40% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống.

- Đạt 80 % người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đến năm 2025 đạt 90% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn; có 70% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; 60% dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới;

- Đảm bảo 100% người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng; 100% các xã, phường, thị trấn được tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về phòng chống mại dâm, nhận biết được tác hại và ảnh hưởng của mại dâm đến đời sống xã hội.

- 100% cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội được tập huấn, nâng cao năng lực các kiến thức về quản lý, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật, cai nghiện ma túy….

2.2. Giai đoạn 2026 - 2030

- Tiếp tục duy trì thực hiện các mục tiêu đã đạt đảm bảo 100% giai đoạn 2021 -2025.

- Tối thiểu 60% đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện;

- 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sáng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; Đảm bảo 95% trẻ em khuyết tật có nhu cầu được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp; 98% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục;

- Ít nhất 90% người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; Ít nhất 90% gia đình có người cao tuổi bị bệnh suy giảm trí nhớ, khuyết tật nặng và có vấn đề khó khăn khác được tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người cao tuổi; 70% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống; 30% người khuyết tật đặc biệt nặng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được tặng quà vào ngày 18/4 ngày người khuyết tật Việt Nam và ngày Lễ, Tết.

- Đến năm 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đạt 80% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn; 100% số nạn nhân bị mua bán trở về sau khi được xác minh, phát hiện, xác định có nhu cầu hỗ trợ được tiếp cận, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phù hợp tái hòa nhập cộng đồng; Từ năm 2025 trở đi 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới; Phấn đấu năm 2025 trở đi 100% xã, phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 02 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở; Duy trì từ năm 2025 trở đi, đạt 100% Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh huyện, thành phố và đài truyền thanh ở xã, phường, thị trấn có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới hàng quý.

- Bảo đảm 100% đối tượng cai nghiện bắt buộc được tiếp nhận vào điều trị tại cơ sở cai nghiện ma túy, đối tượng tự nguyện phấn đấu mỗi năm tiếp nhận tăng thêm khoảng 50 người; 100% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị và cai nghiện ma túy; Chính sách về mức đóng góp, hỗ trợ, chế độ miễn, giảm đối với người cai nghiện ma túy, mức trợ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội hàng tháng phù hợp với điều kiện của tỉnh và Trung ương; Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, chính sách mở rộng diện người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp xã hội. Đánh giá và đề xuất HĐND tỉnh tiếp tục ban hành một số chính sách trợ giúp xã hội như: Chính sách đối với hộ không có khả năng thoát nghèo; Mở rộng đối tượng BTXH được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội; Chính sách hỗ trợ công tác Dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh; Chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập; củng cố cơ sở vật chất cơ sở các cơ sở trợ giúp xã hội công lập đảm bảo 100% người có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ và quản lý ca từ các cơ sở trợ giúp xã hội công lập; 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách pháp luật về lĩnh vực bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp, tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội hiện hành; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức vận động, huy động các nguồn lực và thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội. Triển khai thực hiện các chính sách, phát triển dịch vụ trợ giúp khẩn cấp dựa trên mức độ thiệt hại, mức độ tổn thương, hoàn cảnh cụ thể và khả năng khắc phục rủi ro của cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em bị mua bán, bình đẳng giới, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và các cơ sở trợ giúp xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm của các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành thị.

2. Tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc thực hiện chính sách pháp luật về lĩnh vực bảo trợ xã hội, Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến quan điểm chủ trương, chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội, nâng cao nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp xã hội; các biện pháp, giải pháp, mô hình trợ giúp xã hội hiệu quả, gương điển hình tiên tiến vượt khó và nhân rộng trong cộng đồng. Xây dựng nội dung tuyên truyền đa dạng thông tin qua báo, đài, trang tin điện tử, tài liệu tuyên truyền theo hướng gọn, dễ hiểu và đầy đủ thông tin; tuyên truyền về pháp luật, chính sách của Nhà nước và các hoạt động trợ giúp xã hội. Tổ chức các chiến dịch truyền thông, vận động xã hội tham gia thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, trợ giúp đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội nhân Tháng hành động vì trẻ em hàng năm; Tết Nguyên đán; Ngày vì người nghèo; Tháng hành động vì người cao tuổi ; Hỗ trợ đóng góp các quỹ “An sinh xã hội”; “Phòng chống thiên tai”…

Tuyên truyền bình đẳng giới, công tác phòng, chống mại dâm và vai trò vị trí của hệ thống trợ giúp xã hội; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người bán dâm; Bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

3. Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách đối với lĩnh vực trợ giúp xã hội

(1) Triển khai và thực hiện kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến chính sách trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành.

(2) Nghiên cứu đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh từ mức 447.000đ/tháng lên 500.000đ/tháng và điều chỉnh quy định theo đúng thẩm quyền tiếp nhận một số nhóm đối tượng Bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh (Dự kiến năm 2025)

(3) Đề xuất trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết điều chỉnh về thẩm quyền ban hành quy định mở rộng tiêu chí tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh (Giữ nguyên nhóm đối tượng mở rộng tiêu chí theo Quyết định số 917/QĐ-UBND, Quyết định số 891/QĐ-UBND).

(4) Hoàn thiện hồ sơ trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định “Chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho một số đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”, trong đó có chính sách hỗ trợ trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo; Nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ kinh phí đối với Cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em, bổ sung thêm nhiệm vụ cho Cộng tác viên dân số ở các thôn, tổ dân phố thực hiện kiêm công tác gia đình và trẻ em, trong đó: Lồng ghép nhiệm vụ của cộng tác viên dân số với công tác gia đình và bảo vệ trẻ em: Mỗi cộng tác viên đảm nhiệm 03 nhiệm vụ (Công tác dân số, công tác gia đình, công tác trẻ em); Xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng: hỗ trợ can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

(5) Rà soát, nghiên cứu chính sách hỗ trợ hoạt động Hội Người cao tuổi, Ban Đại diện người cao tuổi các cấp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương; Phát triển Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, các mô hình câu lạc bộ, nhất là mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; các phong trào chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi và phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn theo hướng phổ cập theo độ tuổi, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội theo khả năng ngân sách, giá tiêu dùng và tương quan chính sách đối với các nhóm đối tượng khác; Hỗ trợ xây dựng mô hình nhà xã hội chăm sóc người cao tuổi độc thân, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, bảo đảm người cao tuổi không phải sống trong nhà dột, nát.

(6) Xây dựng và triển khai các mô hình hỗ trợ người khuyết tật như: mô hình dạy nghề tạo việc làm cho NKT tại cộng đồng, Hỗ trợ sinh kế cho NKT; Mô hình Việc làm và an sinh xã hội cho người khuyết tật; xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ thanh niên khuyết tật, phụ nữ khuyết tật, người khuyết tật khởi nghiệp và các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật; Xây dựng mô hình trụ sở hội người mù tỉnh là nơi tạo ra không gian cho người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng được phục hồi chức chức năng, tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người khiếm thị …

(7) Tích cực tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển các ngành nghề thu hút nhiều lao động, tạo việc làm, xuất khẩu lao động (ưu tiên ngành nghề tuyển dụng nhiều lao động nữ); xây dựng quy chế phối hợp về đào tạo nghề và giải quyết việc làm giữa các cơ sở đào tạo nghề, Trung tâm dịch vụ việc làm với các doanh nghiệp; Nghiên cứu, xây dựng gói cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cung cấp gói dịch vụ tối thiểu: dịch vụ cho nạn nhân, dịch vụ y tế, chăm sóc, nuôi dưỡng; tư vấn hỗ trợ tâm lý và trợ giúp pháp lý, cung cấp kỹ năng cơ bản để phòng tránh bạo lực tái diễn; liên kết hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm; dịch vụ cho người gây bạo lực gồm tư vấn tâm lý kiềm chế hành vi bạo lực; tư vấn hỗ trợ cai nghiện rượu và các chất kích thích; Xây dựng địa phương an toàn với phụ nữ và trẻ em gái; Thiết lập đường dây nóng hỗ trợ bảo vệ nạn nhân.

(8) Thực hiện rà soát, đánh giá thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của HĐND tỉnh về mức đóng góp, hỗ trợ, chế độ miễn, giảm đối với người cai nghiện ma túy; mức trợ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từ đó nghiên cứu đề xuất HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết mới phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay; Xây dựng cơ chế vận hành kỹ thuật mới đối với các loại hình cơ sở cai nghiện ma túy, điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy; Xây dựng và tổ chức thực hiện thí điểm các mô hình cai nghiện phục hồi phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội các vùng miền; sơ kết, tổng kết và nhân rộng mô hình cai nghiện, đội công tác xã hội tình nguyện có hiệu quả; Xây dựng chương trình học nghề đặc thù cho người nghiện ma túy; tổ chức triển khai thí điểm dạy nghề và đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình; Xây dựng các kỹ năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, hướng dẫn người nghiện ma túy tìm việc làm; xây dựng các chương trình kết nối giới thiệu việc làm cho người nghiện ma túy, người sau cai nghiện.

(9) Xây dựng thử nghiệm, thí điểm một số mô hình: Mô hình cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới.

(10) Xây dựng quy trình, hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại Trung tâm Công tác xã hội và tại cộng đồng, đảm bảo theo hướng bình đẳng giới, chú ý nhu cầu và đặc điểm của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là trẻ em; Thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân tại Trung tâm CTXH như tổ chức tiếp nhận, bố trí nơi lưu trú cho nạn nhân; thực hiện chế độ hỗ trợ cho nạn nhân theo quy định…

4. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng đối với các đối tượng trợ giúp xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội

Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đầy đủ thông tin về các đối tượng bảo trợ xã hội thông tin cá nhân, thông tin nhân thân liên quan, các chính sách cụ thể được hưởng trong từng thời kỳ như cấp thẻ bảo hiểm y tế, trợ giúp...; rà soát cập nhật cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội hàng năm; Ứng dụng công nghệ bản đồ (GIS) trong quản lý, phân tích thông tin về từng nhóm đối tượng hưởng trợ cấp Bảo trợ xã hội trên nền bản đồ hành chính của tỉnh; Đồng bộ hóa dữ liệu BTXH với dữ liệu dân cư.

Tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động an sinh xã hội; Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần phát triển Chính phủ điện tử . Duy trì, phát triển, nâng cấp các cổng, trang tin điện tử hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật; Nghiên cứu phát triển các công nghệ, công cụ, tài liệu phục vụ đào tạo người cao tuổi, người khuyết tật sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ hoạt động học tập, giảng dạy, truyền nghề, sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Đẩy mạnh chi trả các chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể: Trước hết cần chọn lựa chọn đơn vị thí điểm, đánh giá rút kinh nghiệm, sau đó triển khai nhận rộng toàn tỉnh. Các thủ tục, giấy tờ cần đơn giản hóa tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng BTXH dễ dàng tiếp cận, phương pháp chi trả và hỗ trợ thuận tiện.

5. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên công tác xã hội

Xây dựng kế hoạch đào tạo về công tác xã hội phù hợp với nhu cầu hội nhập, đạt yêu cầu theo chuẩn đào tạo của TW nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công tác xã hội từ đó xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhân viên trợ giúp xã hội bảo đảm đủ về số lượng, định mức nhân viên và trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn phù hợp theo quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội và cai nghiện ma túy để thực hiện các nhiệm vụ của cơ sở.

Hàng năm tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ viên chức, nhân viên và cộng tác viên Công tác xã hội ở xã, phường, huyện, thành phố, cơ sở trợ giúp xã hội và các trường học, bệnh viện.

Đẩy mạnh việc trao đổi, học tập các mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện ở một số tỉnh bạn để áp dụng tại địa phương; Xây dựng sổ tay, tài liệu hướng dẫn kỹ năng trợ giúp xã hội cho các cơ sở và cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trợ giúp xã hội…

6. Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh

Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, trong đó tập trung phát triển các mô hình mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực y tế, giáo dục, tư pháp và các tổ chức chính trị xã hội; Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh để phát triển mạng lưới nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trong hệ thống trường học, bệnh viện, tư pháp, và các lĩnh vực khác; trong đó tập trung phát triển các dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, giải quyết vấn đề nghèo và những vấn đề xã hội khác.

Xây dựng các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội lồng ghép các chương trình đề án của Chính phủ, của Bộ ngành Trung ương, về người cao tuổi, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bình đẳng giới và phát triển nghề công tác xã hội.

Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho cơ sở trợ giúp xã hội đạt tiêu chuẩn chăm sóc theo tiêu chuẩn do nhà nước quy định: Thiết kế cơ sở trợ giúp xã hội tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đã được ban hành; việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng bảo đảm cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội khác tiếp cận sử dụng thuận lợi; Các khu chức năng trong cơ sở được thiết kế liên hoàn, bao gồm các hạng mục: khu ở (vệ sinh khép kín); nhà ăn; bếp; khu y tế; khu sinh hoạt văn hóa; nhà làm việc; các hạng mục phụ trợ (sân, cổng, tường rào, nhà bảo vệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật) và các tiêu chuẩn về môi trường, khuôn viên và nhà ở theo quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội và cai nghiện ma túy (Ưu tiên hỗ trợ mua sắm trang thiết bị vận chuyển đối tượng, sơ cấp cứu, sinh hoạt và phục hồi chức năng cho đối tượng), theo quy chuẩn của Bộ Lao động - TB&XH

Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh định mức - kinh tế dịch vụ chăm sóc dài hạn cho đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo đối tượng được chăm sóc phục hồi chức năng tốt nhất. Đồng thời nâng cao thu nhập của đội ngũ nhân viên trợ giúp xã hội.

7. Xã hội hóa các hoạt động về phát triển hệ thống xã hội

Tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, gia đình, cộng đồng, người dân tham gia hoạt động trợ giúp xã hội; khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội trên địa bàn.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện, thành phố phát động các phong trào với mục tiêu xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh với các đối tượng cần trợ giúp xã hội; bảo đảm các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh có cơ hội phát triển hòa nhập với cộng đồng...; Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động nguồn lực trong xã hội để phát triển hệ thống trợ giúp xã hội.

8. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, đặc biệt chính sách trợ cấp xã hội, quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội và các chính sách có liên quan đến hỗ trợ thực hiện. Cải cách thủ tục hành chính rút ngắn thời gian, đảm bảo tính công khai minh bạch, kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng trong công tác giải quyết chính sách. Đồng thời, phát hiện sớm, can thiệp sớm các trường hợp để có hướng bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp cho phù hợp.

9. Huy động, sử dụng nguồn lực

Tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương và vận động các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh và các tổ chức quốc tế, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, giúp đỡ cho nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhóm đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời, phát hiện sớm, can thiệp sớm các trường hợp để có hướng bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp cho phù hợp; Xây dựng kế hoạch, phân bổ ngân sách căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh; nâng mức phân bổ chi bảo đảm xã hội cao hơn mức hiện tại;

Tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và cơ sở ngoài công lập cung cấp theo khung giá và danh mục dịch vụ sự nghiệp công được quy định;

Đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng hoá nguồn lực thực hiện trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp khẩn cấp. Phát huy vai trò Mặt trận tổ quốc các cấp trong việc phối hợp vận động, huy động nguồn lực cho trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp khẩn cấp.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành và huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong ngoài tỉnh và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Hàng năm, căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, các Sở, ban ngành và địa phương xây dựng dự toán ngân sách lồng ghép đưa vào hoạt động chuyên môn thường xuyên của đơn vị, gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí để thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình; lồng ghép với các chương trình MTQG và các chương trình, đề án về trợ giúp xã hội khác.

Phần kinh phí tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, cộng tác viên, gia đình đối tượng; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp cơ sở trợ giúp xã hội và các mô hình được thực hiện lồng ghép với các chương trình, đề án: Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; Trợ giúp phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật; Phát triển nghề công tác xã hội đến năm 2030 và chương trình hành động quốc gia người cao tuổi.

2. Nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện đề án theo quy định

PHẦN 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm

- Xây dựng Đề án thực hiện và điều phối các hoạt động của Đề án;

- Phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư; Sở Tài Chính và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các nội dung trong Đề án theo quy định hiện hành;

- Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá tổng hợp tình hình thực hiện Đề án và định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

- Phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch vận động thêm nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ, hỗ trợ để thực hiện Đề án.

2. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, trên cơ sở đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí đối với nhiệm vụ chi thường xuyên được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định của Luật ngân sách và các văn bản có liên quan.

3. Sở Kế hoạch - Đầu tư

Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước; phối hợp thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển hệ thống trợ giúp xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 05 năm của tỉnh theo quy định.

4. Công an tỉnh

Chủ trì, chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống tội phạm liên quan đến ma túy, mại dâm và mua bán người. Tăng cường quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; phát hiện những bất cập, sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền có các biện pháp khắc phục nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật, xuyên tạc, chống phá Đảng, nhà nước, móc nối, lôi kéo tập trung đông người, biểu tình, bạo loạn, gây rối trật tự. Tăng cường tuyên truyền thực hiện chính sách xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực trợ giúp xã hội, lợi dụng trợ giúp xã hội để trục lợi, lừa đảo, tín dụng đen, vi phạm pháp luật.

Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp quản lý, giúp đỡ người nghiện sau cai, nạn nhân bị mua bán và người mua bán dâm tái hòa nhập cộng đồng, không để tái nghiện, tái phạm pháp.

5. Sở Tư pháp

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ban, ngành hướng dẫn, vận dụng linh hoạt các văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho phát triển công tác trợ giúp xã hội; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực trợ giúp xã hội, xây dựng mô hình về trợ giúp pháp lý cho đối tượng yếu thế.

6. Sở Nội vụ

Có trách nhiệm nghiên cứu áp dụng các chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội; nghiên cứu áp dụng ngạch, bậc lương, các chế độ phụ cấp lương, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập đối với viên chức công tác xã hội khi có văn bản hướng dẫn của trung ương.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, các ngành liên quan trình cơ quan có thẩm quyền mở thêm khoa hoặc ngành đào tạo về nghề công tác xã hội ở các trường Cao đẳng, trung cấp hiện có trên địa bàn tỉnh, đào tạo cử nhân công tác xã hội; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên công tác xã hội và thiết lập các mô hình trợ giúp xã hội trong các trường học, bệnh viện.

Triển khai bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ phụ trách Đoàn, Đội trong trường học về kiến thức Bình đẳng giới; phòng chống ma túy; Xây dựng trường học an toàn, thân thiện, không có bạo lực.

8. Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc nghiên cứu, đề xuất xây dựng Mô hình Câu lạc bộ giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới tại vùng dân tộc miền núi của tỉnh.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

Nâng cao năng lực truyền thông về bình đẳng giới cho các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, cán bộ thông tin cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các lĩnh vực công tác xã hội, đội ngũ báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở; Tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các lĩnh vực công tác trợ giúp xã hội

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thiết lập đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em, thiết lập mạng lưới kết nối với tổng đài quốc gia thực hiện quy trình tiếp nhận và xử lý liên cấp, liên ngành thông tin, thông báo tố giác tội phạm xâm hại trẻ em.

10. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội: Chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên chỉ đạo các cấp hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến làm thay đổi nhận thức trong đoàn viên, hội viên về công tác trợ giúp xã hội; vận động đoàn viên, hội viên tình nguyện tham gia công tác xã hội, tham gia triển khai thực hiện kế hoạch và thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành chức năng;

Xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động của Đề án; lồng ghép việc thực hiện Đề án này với các chương trình xã hội khác có liên quan tại địa phương; Chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, vận động nguồn lực để thực hiện Đề án; Kiểm tra việc thực hiện Đề án tại địa phương và hằng năm thực hiện chế độ báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) về kết quả triển khai Đề án để tổng hợp, báo cáo Tỉnh ủy và Bộ Lao động - TB&XH.

Trên đây là Đề án nâng cao chất lượng công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 -2030. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả. Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để kịp thời chỉ đạo, xử lý theo quy định./.

 



span', 'dctk > span', 'dctd > span']; var hasChild = selectors.some(function(selector) { return clickedElement.closest(selector).find('span').length > 0; }); if (!hasChild) { var totalSubLevels = 1; } else { function findMatchingParent(element) { var parent = element.parent(); if (parent.length === 0) return null; for (var i = 0; i < selectors.length; i++) { if (parent.is(selectors[i])) { superLevel++; return parent; } } return findMatchingParent(parent); } var parentElement = findMatchingParent(clickedElement); while (parentElement !== null) { level++; parentElement = findMatchingParent(parentElement); } var closestElement = clickedElement.closest(selectors.join(', ')); var nodeName = closestElement.prop('nodeName').toLowerCase(); var className = closestElement.attr('class'); var textContent = closestElement.text().trim(); var address = selectors.find(function(selector) { return closestElement.is(selector); }); var totalSubLevels = closestElement.find('span').length + 1; var parent_id = closestElement.parent().attr('id'); var variableName = 'parent_id_' + level; // Gán giá trị của parent_id cho biến động này window[variableName] = parent_id; } if (totalSubLevels>1) { var dynamicVars = {}; var variableName = 'parent_id_' + level; dynamicVars[variableName] = parent_id; var buble_id = dynamicVars[variableName]; } else { buble_id = 'dc_' + $(this).parent().attr('id'); } if ($this.next('.pointy').length === 0) { $this.after('

'); } var $pointer = $this.next('.pointer'); var $canvas = $this.next('canvas'); var $pointy = $canvas.next('div.pointy'); if ($pointy.is(':visible')) { } if ($pointer.is(':visible')) { } else { if ($('#ajax_tra_cuu').is(':visible')) { $('#ajax_tra_cuu').hide(); } $("#right_info_col").css('height', '1px'); $('#rightdocinfo').hide('slow'); $('#r-toc').hide('slow'); if ($('button#toggleSidebar').length) { if (parseInt($('#customSidebar').css('right'),10) == 0) { $('#customSidebar').animate({ right: '-280px' }, 500); $('#toggleSidebar').html(''); } else { } } if ($pointy.is(':visible')) { var $pointer = $canvas.next('.pointer'); if ($pointer.is(':visible')) { $pointer.hide(); $canvas.hide(); } else { } } else { if ($canvas.length==1) { var $canvas = $this.next('canvas'); var $pointer = $canvas.next('.pointer'); if ($pointer.length>0) { $pointer.show(); $canvas.show(); } $('.pointer').removeClass('pointy-active'); $('.pointer').css({'z-index':1}); $('canvas.pointy').removeClass('pointy-active'); $('canvas.pointy').css({'z-index':1}); $pointer.css({'z-index':9999}); $canvas.css({'z-index':9999}); if (level==0) { if (totalSubLevels==1) { scrollTop_offset = $pointer.offset().top - $(window).height() / 4; } else { scrollTop_offset = $pointer.offset().top - $('#nav-tab-vb').height()-10; } $('html,body').animate({ scrollTop: scrollTop_offset }, 'slow'); } } else { $pointer.show(); if ($pointy.length==0) { var elementOffset = $(this).position().top; var windowHeight = $(window).height()-20 - $('#nav-tab-vb').height(); if (level>0 && e.originalEvent === undefined) { //clicked by js var pointerHeight = Math.max(250, Math.min((windowHeight * 0.8)/(level+1), 450)); var newTop = elementOffset - (pointerHeight / 2); var maxTop = $(document).height() - pointerHeight; newTop = Math.max(0, Math.min(newTop, maxTop)); } else { var pointerHeight = Math.max(250, Math.min((windowHeight * 0.8)/totalSubLevels, 450)); var newTop = elementOffset - (pointerHeight / 2); var maxTop = $(document).height() - pointerHeight; newTop = Math.max(0, Math.min(newTop, maxTop)); } if (level>0 && e.originalEvent === undefined) { newTop = newTop+pointerHeight+10; } var position = $this.position(); $pointer.css({ left: $('#doc-left-col, #noi_dung_dk').width() + 50 + "px", width: $('#doc-right-col').width()-30, height: pointerHeight, 'z-index': 9999, top: newTop + "px" }); $this.pointy({ pointer: $pointer, defaultClass: 'zindex', activeClass: 'pointy-active', arrowWidth: 20 }); var initialTop = $pointer.position().top; $pointer.draggable({ containment: 'document', drag: function() { if (screen.width<1280) { var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); } $this.trigger('pointy-update'); } }); $pointer.on('click', '.close_pointy', function(e) { $pointer.hide(); $pointer.prev('canvas.pointy').hide(); }); var isDragging = false, startX, startY, offsetX, offsetY; var startDragging = function(e) { if (checkIfScrollingContent(e)) return; if ($(e.target).is('.close_pointy')) { return; } isDragging = true; var touch = e.originalEvent.touches[0]; var pos = $pointer.position(); startX = touch.pageX; startY = touch.pageY; offsetX = startX - pos.left; offsetY = startY - pos.top-$pointer.height()-$pointer.height()/1.365; var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); //e.preventDefault(); }; var duringDragging = function(e) { if (checkIfScrollingContent(e)) return; if (isDragging) { var touch = e.originalEvent.touches[0]; var moveX = touch.pageX; var moveY = touch.pageY; if (screen.width<1280) { var newLeft = moveX - offsetX; var newTop = moveY - offsetY-$pointer.height()-$pointer.height()/1.365; if (newLeft < 0) { newLeft = 0; } else if (newLeft + $pointer.outerWidth() > $(window).width()) { newLeft = $(window).width() - $pointer.outerWidth(); } if (newTop < initialTop) { newTop = initialTop; } $pointer.css({ left: newLeft, top: newTop }); } else { var newLeft = moveX - offsetX; var newTop = moveY - offsetY-$pointer.height()-$pointer.height()/1.365; if (newLeft < 0) { newLeft = 0; } else if (newLeft + $pointer.outerWidth() > $(window).width()) { newLeft = $(window).width() - $pointer.outerWidth(); } $pointer.css({ left: newLeft, top: newTop }); } $pointer.prev('canvas.pointy').hide(); //e.preventDefault(); } }; var stopDragging = function(e) { $pointer.prev('canvas.pointy').show(); if (checkIfScrollingContent(e)) return; if (screen.width<1280) { var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); } $this.trigger('pointy-update'); }; function checkIfScrollingContent(e) { if ($(e.target).closest('.list_tds').length > 0) { //e.stopPropagation(); return true; } return false; } $pointer.on('touchstart', startDragging); $pointer.on('touchmove', duringDragging); $pointer.on('touchend', stopDragging); var updatePointerPosition = function() { var offset = $this.position(); var windowHeight = $(window).height() - $('#nav-tab-vb').height()-20; var pointerHeight = Math.max(250, Math.min((windowHeight * 0.8)/totalSubLevels, 450)); var elementOffset = $this.position().top; var newTop = elementOffset - (pointerHeight / 2); var maxTop = $(document).height() - pointerHeight; newTop = Math.max(0, Math.min(newTop, maxTop)); $pointer.css({ left: $('#doc-left-col, #noi_dung_dk').width() + 50 + "px", width: $('#doc-right-col').width() - 30, height: pointerHeight, top: newTop + "px" }); }; $(window).on('resize orientationchange', function() { updatePointerPosition(); var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); $this.trigger('pointy-update'); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); }); } } } if ($pointer.is(':visible')) { if (level==0) { if (totalSubLevels==1) { scrollTop_offset = $pointer.offset().top - $(window).height() / 4; } else { scrollTop_offset = $pointer.offset().top - $('#nav-tab-vb').height()-10; } $('html,body').animate({ scrollTop: scrollTop_offset }, 'slow'); } } } $pointer.css('opacity', '1'); $('.pointy').click(function(e) { //e.preventDefault(); //e.stopPropagation(); }); var parent = $(this).parent(); var dataCT = parent.attr('data-ct'); var dataDC = parent.attr('data-dc'); var dataTN = parent.attr('data-tn'); var loai_buble = parent.prop('nodeName').toLowerCase(); var text_html = $(this).text(); if (loai_buble=='cttd' || loai_buble=='a') { pointer_html = ''; } else if(loai_buble=='dctd') { if (this.hasAttribute('o-title')) { tieu_de_dan_chieu = $(this).attr('o-title'); } else { tieu_de_dan_chieu = text_html; } pointer_html = ''; } else if(loai_buble=='dctk') { pointer_html = ''; } if ($pointer.find('#chu_thich_buble_'+buble_id).length) { } else { $pointer.html(pointer_html); } if (loai_buble=='cttd' || loai_buble=='a') { var load_cttd = setInterval(function(){ if (!$pointer.find('#noi_dung_buble_'+buble_id + ' .dc_'+buble_id+'_loading').length) { $.ajax({ type: 'POST', url: '/ajax/vanban/chu-thich/', data: { 'ndct': dataCT, 'id_ct': buble_id, 'dc_text': text_html }, success: function(response) { $("#noi_dung_buble_" + buble_id).html(response); if ($(document).width()>=1280){$this.trigger('pointy-update');} clearInterval(load_cttd); } }); $('#noi_dung_buble_'+buble_id + ' .dc_loading').addClass('dc_'+buble_id+'_loading'); } },500); } else if(loai_buble=='dctd') { var load_cttd = setInterval(function(){ if ($pointer.find('#noi_dung_buble_'+buble_id + ' .dc_loading').length){ if (dataDC.length == 32) { $.ajax({ type: 'POST', url: '/ajax/public/dan-chieu/' + dataDC, data: { 'text_dan_chieu': text_html }, success: function(response) { $("#noi_dung_buble_" + buble_id).html(response); if ($(document).width()>=1280){$this.trigger('pointy-update');} clearInterval(load_cttd); } }); } else { $("#noi_dung_buble_" + buble_id).load('/ajax/public/dan-chieu/' + dataDC + '/'); if ($(document).width()>=1280){$this.trigger('pointy-update');} clearInterval(load_cttd); } } else { clearInterval(load_cttd); } },500); } else if(loai_buble=='dctk') { if ($('#noi_dung_buble_'+buble_id + ' .dc_loading').length){ $.ajax({ type: 'POST', url: '/ajax/vanban/chu-thich/', data: { 'ndct': dataCT, 'id_ct': buble_id, 'loai_hd': 'noi_dung_tham_khao', 'dc_text': text_html }, success: function(response) { $("#noi_dung_buble_" + buble_id).html(response); if ($(document).width()>=1280){$this.trigger('pointy-update');} } }); } } $('.pointer').removeClass('pointy-active'); $('.pointer').css({'z-index':1}); $('canvas.pointy').removeClass('pointy-active'); $('canvas.pointy').css({'z-index':1}); $pointer.css({'z-index':9999}); $canvas.css({'z-index':9999}); $('.pointer').on('mouseenter mouseleave click touchstart', function() { // Khi di chuột vào $('.pointer').removeClass('pointy-active'); $('.pointer').css({'z-index':1}); $(this).css({'z-index':9999}); $('canvas.pointy').removeClass('pointy-active'); $('canvas.pointy').css({'z-index':1}); $(this).prev('canvas.pointy').addClass('pointy-active'); $(this).prev('canvas.pointy').css({'z-index':9999}); } ); var list_tds_max_height_interval = setInterval(function(){ if ($pointer.find('.list_tds').length) { var windowHeight = $(window).height()-20 - $('#nav-tab-vb').height(); var pointerHeight = Math.max(250, Math.min((windowHeight * 0.8)/totalSubLevels, 450)); $pointer.find('.list_tds').css('max-height', pointerHeight + 'px'); clearInterval(list_tds_max_height_interval); } },50); $(window).resize(function() { if ($(document).width()<=768) { $pointer.hide(); $pointer.prev('canvas.pointy').hide(); } var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); var list_tds_max_height_interval = setInterval(function(){ if ($pointer.find('.list_tds').length) { var windowHeight = $(window).height()-20 - $('#nav-tab-vb').height(); var pointerHeight = Math.max(250, Math.min((windowHeight * 0.8)/totalSubLevels, 450)); $pointer.find('.list_tds').css('max-height', pointerHeight + 'px'); clearInterval(list_tds_max_height_interval); } },50); }); var parentElement = $(this).parent(); var selectors = 'cttd.chuthichtudong > span, a.chuthichtudong > span, dctk > span, dctd > span'; // Find and click all matching child elements parentElement.find(selectors).each(function() { $(this).click(); }); var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); }); }); function random_string_id(numstr) { var text = ""; var possible = "abcdefghijklmnopqrstuvwxyz0123456789"; for (var i = 0; i < numstr; i++) text += possible.charAt(Math.floor(Math.random() * possible.length)); return text; } let lastChosen = null; let lastChosentr = null; function scroll_den_hd(ndsh_dich_address) { if (lastChosen) { $(lastChosen).css('background-color', ''); } if (lastChosentr) { $(lastChosentr).css('background-color', ''); } lastChosen = $('[href="javascript:scroll_den_hd(\'' + ndsh_dich_address + '\')"]'); lastChosentr = $('[data-ct="' + ndsh_dich_address + '"]'); $(lastChosen).css('background-color', 'yellow'); $(lastChosentr).css('background-color', 'yellow'); var targetElement = $('[address="' + ndsh_dich_address + '"]'); $('.selected_dchd').removeClass('selected_dchd'); targetElement.addClass('selected_dchd'); targetElement.children('p').children('cttd').click(); targetElement.children('cttd').click(); targetElement.children('p').children('dctk').click(); targetElement.children('dctk').click(); }