Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1440/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 26 tháng 5 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BNNPTNT ngày 07 tháng 6 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1194/TTr-SNN ngày 06 tháng 4 năm 2022 về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch Phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, kết quả lấy ý kiến ủy viên UBND thành phố Đà Nẵng bằng phiếu theo Công văn số 691/VP-KT ngày 12 tháng 3 năm 2022 và kết quả lấy ý kiến Ủy viên UBND thành phố Đà Nẵng bằng phiếu theo Công văn số 1476/VP-KT ngày 09 tháng 5 năm 2022 của Văn phòng UBND thành phố.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày ký.

Điều 3. Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố; Chánh Văn phòng UBND thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện; Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ NN và PTNT (để b/c);
- BCĐ QG về PCTT (để b/c);
- UBQG ƯPSCTT và TKCN (để b/c);
- TT: TU, HĐND Tp (để b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND Tp;
- UB MTTQ VN Tp;
- Các tổ chức hội, đoàn thể;
- Đài Khí tượng Thủy văn KV TTB;
- Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng;
- Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải KV2;
- VP UBND Tp: CPVP, các phòng chuyên môn trực thuộc;
- Cổng Thông tin điện tử Tp;
- Lưu: VT, SNN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Phước Sơn

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành theo Quyết định số: 1440/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Chương I

CÁC CĂN CỨ PHÁP LÝ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về việc Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BNNPTNT ngày 07 tháng 6 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương;

Chương II

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. MỤC ĐÍCH

1. Xây dựng kế hoạch nhằm triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; đảm bảo chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; khắc phục khẩn trương, kịp thời và hiệu quả sau thiên tai.

2. Huy động mọi nguồn lực để chủ động ứng phó có hiệu quả trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn thành phố, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, di sản văn hóa, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu do thiên tai gây ra; góp phần quan trọng phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố.

3. Các sở, ban, ngành, các địa phương trên địa bàn thành phố trên cơ sở kế hoạch tổng thể của thành phố, chủ động xây dựng, rà soát kế hoạch của ngành, địa phương sát với tình hình thiên tai và điều kiện thực tế nhằm ứng phó kịp thời, đạt hiệu quả với từng tình huống thiên tai diễn ra.

4. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó, khắc phục hậu quả khi có thiên tai.

5. Kế hoạch là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị đề xuất kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ thuật để phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, ngành và người dân chủ động ứng phó có hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra thiên tai.

II. YÊU CẦU

1. Phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, các chiến lược, quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kế hoạch phòng, chống thiên tai của Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố; năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; tình hình thực tế và nguồn lực của thành phố và các cấp, ngành.

2. Phát huy mọi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả sau thiên tai.

3. Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả của các cấp, các ngành.

4. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật.

5. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh và ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

6. Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của người dân.

7. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban ngành, các cấp trên cơ sở chủ động tại chỗ từ cơ sở, kết hợp ứng cứu nhanh, huy động vật tư, phương tiện, lực lượng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để cứu người, sơ tán nhân dân, cứu tài sản. Phương tiện, trang thiết bị được huy động trưng dụng của các đơn vị, cá nhân vào hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ bị thiệt hại sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương III

ĐẶC ĐIỂM VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, DÂN SINH, KINH TẾ - XÃ HỘI, CƠ SỞ HẠ TẦNG

I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

1. Vị trí địa lý

Thành phố Đà Nẵng có diện tích tự nhiên: 1.285,43 km2 (trong đó huyện đảo Hoàng Sa: 30.500 ha) bao gồm 06 quận và 02 huyện: Quận Hải Châu, quận Thanh Khê, quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu, quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa. Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Nam và Tây giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp Biển Đông. Thành phố Đà Nẵng có tọa độ địa lý từ 15°15’ đến 16°40’ Vĩ độ Bắc và từ 107°17’ đến 108°20’ Kinh độ Đông.

Hình 1. Bản đồ hành chính thành phố Đà Nẵng[1]

2. Đặc điểm địa hình, địa chất, thổ nhưỡng

a) Địa hình

Địa hình thành phố Đà Nẵng có thể chia thành 4 dạng địa hình chính:

- Địa hình núi cao: Phân bổ ở phía Tây của thành phố (Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú), có độ cao trung bình (500÷1000m) gồm nhiều núi nối tiếp nhau đâm ra biển. Nhìn chung địa hình núi cao có hướng dốc từ Tây Nam xuống Đông Bắc.

- Địa hình đồi gò: Phân bố ở phía Tây, Tây Bắc thành phố, gồm các xã: Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Phong, Hòa Nhơn và một phần các xã: Hòa Khương, Hòa Ninh của huyện Hoà Vang. Đây là khu vực chuyển tiếp giữa núi cao và đồng bằng, đặc trưng của vùng này là dạng đồi bát úp.

- Địa hình đồng bằng: Phân bố chủ yếu ở phía Đông và phía Nam thành phố, dọc theo các con sông lớn như Sông Yên, sông Túy Loan, sông Cẩm Lệ, sông Cu Đê, Sông Hàn và dọc theo biển. Ngoài ra, dọc theo bờ biển có nhiều cồn cát và bãi cát lớn như Xuân Thiều, Hòa Khánh, Bắc Mỹ An,...

- Địa hình cồn cát: Phân bố chủ yếu ở phía Đông sông Hàn - Vĩnh Điện và ven Vịnh Đà Nẵng.

b) Thổ nhưỡng

Theo phân loại đất theo nguồn gốc phát sinh, Đà Nẵng có 7 nhóm đất chính sau: đất cồn cát và đất cát ven biển, đất mặn, đất phèn mặn, đất phù sa, đất dốc tụ, đất mùn vàng đỏ trên đá mác ma axit, đất đỏ vàng.

c) Địa chất

- Địa tầng

Trên phạm vi phần đất liền thành phố Đà Nẵng phân bố các phân vị địa chất có tuổi từ Paleozoi đến Kainozoi. Dưới đây sẽ trình bày tóm tắt các đặc điểm cơ bản của các phân vị địa tầng (bao gồm trầm tích, trầm tích bị biến chất) có mặt trong diện tích nghiên cứu.

Hình 2. Sơ đồ địa chất khu vực thành phố Đà Nẵng

Hệ tầng A San (Єasn): Các thành tạo biến chất thuộc hệ tầng A San có diện lộ nhỏ, chỉ gặp ở xã Hòa Khương và Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Thành phần thạch học gồm đá phiến thạch anh - mica, đá phiến thạch anh - mica - silimanit - granat, đá phiến thạch anh - biotit, đá phiến thạch anh - felspat - biotit - silimanit - granat, đá phiến thạch anh - muscovit - turmalin, xen kẹp các lớp mỏng đá hoa, đá phiến carbonat, đá phiến mica, thấu kính ampihibolit.

Hệ tầng A Vương (Є2-Olav): Các thành tạo của hệ tầng A Vương phân bố ở phía tây nam của các xã Hòa Ninh, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang); chỉ có tập 2 và 3 tập với thành phần thạch học chính gồm: đá phiến thạch anh - felspat, đá phiến thạch anh - sericit, đá phiến thạch anh sericit có clorit, đá phiến thạch anh - clorit, đá phiến lục, thấu kính đá hoa, đá vôi bị hoa hoá; cát kết dạng quarzit, cát kết, cát - bột kết, đá phiến giàu vật chất hữu cơ; chuyển tiếp lên trên là đá phiến silic, đá phiến sét đen, lớp mỏng đá phiến sét sericit, đá hoa sọc dải.

Hình 3. Chỉ dn sơ đồ địa chất khu vực thành phố Đà Nẵng

Hệ tầng Long Đại (O1-Slđ): Các thành tạo phân bố rải rác ở phía giáp ranh với địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế (phía tây nam huyện Hòa Vang) được chia làm 3 tập, có thành phần thạch học chính gồm: Đá phiến sericit, đá phiến thạch anh sericit - clorit, cát kết, bột kết, cát kết dạng quarzit, đá vôi và sét vôi; chuyển tiếp lên trên là đá phiến sét, đá phiến sericit, cát kết và đá phiến sét đen.

Hệ tầng Bol Atek (O-Sbat): Các thành tạo của hệ tầng phân bố rộng rãi ở phía đông của huyện Hòa Vang. Thành phần thạch học gồm đá phiến thạch anh - mica, đá phiến thạch anh - mica - granat, đá phiến thạch anh - felspat - mica, đá phiên thạch anh - plagioclas - sericit, đá phiến thạch anh - sericit, đá phiến sét - sericit, phiến thạch anh - sericit - clorit, đá phiến thạch anh - epidot - mica, cát bột kết bị phiến hoá, đá phiến sét than, đá phiến thạch anh, quarzit.

Hệ tầng Tân Lâm (D1tl): Các thành tạo của hệ tầng phân bố thành dải theo phương á vĩ tuyến của huyện Hòa Vang; được chia làm 2 tập, thành phần thạch học chính gồm: cuội kết, sạn kết ít khoáng, cát kết, cát - bột kết, cát kết dạng quarzit; chuyển lên trên là đá phiến sét và đá phiến sét sericit, ít sạn kết.

Hệ tầng Ngũ Hành Sơn (C-Pnhs): Các thành tạo của hệ tầng chỉ lộ thành các chỏm nhỏ phân bố ở quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà. Thành phần thạch học đá hoa màu xám trắng, vân dải, xám hồng, vàng, đen xen kẽ đá phiến thạch anh - sericit, đá phiến sericit, quarzit.

Trầm tích Hệ Đệ tứ: Phân bố ở các thung lũng sông suối và dải đồng bằng ven biển. Các trầm tích Đệ tứ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đa dạng về nguồn gốc, biến đổi mạnh mẽ theo không gian và thời gian. Theo chiều từ lục địa ra biển, các trường chuyển tiếp cho nhau liên tục tạo thành tập hợp các tướng Aluvi - proluvi (ap), Aluvi (a), Aluvi - trầm tích biển (am), trầm tích sông - biển - vũng vịnh (amb), trầm tích biển - gió (mv), trầm tích biển (m).

- Magma xâm nhập

Trong phạm vi thành phố Đà Nẵng phát triển phong phú các đá magma xâm nhập có tuổi từ Paleozoi đến Mesozoi, bao gồm các phức hệ sau:

Phức hệ Bol Kol (ѵPZ1bk): Bao gồm các đá gabro, gabronorit, gabro horblendit, grabrodiabas. Chúng phân bố ở khu vực xã Hòa Ninh (phía Đông Nam huyện Hòa Vang) và bán đảo Sơn Trà, xuất lộ thành các thể nhỏ dạng thấu kính, kéo dài theo phương Đông Bắc - Tây Nam.

Phức hệ Đại Lộc (γD1đl): Phức hệ có diện lộ khá lớn, phân bố dọc theo đứt gãy phương Đông Bắc - Tây Nam (phía nam thành phố). Thành phần thạch học gồm granit biotit dạng gneis, granit biotit, granit hai mica, granitogneis biotit, granitogneis hai mica, granosyenitogneis biotit có muscovit.

Phức hệ Cha Val (ѵT1cv): Phức hệ phân bố thành các chỏm nhỏ ở phía đông huyện Hòa Vang. Thành phần gồm gabro, gabropyroxenit, gabronorit, gabrodiorit, hacbuazit, pyroxenit, gabrodiabas.

Phức hệ Hải Vân (T1hv): Phức hệ gồm 3 pha xâm nhập:

• Pha 1 (γT1hv1): Các đá thuộc pha 1 phân bố chủ yếu ở phía bắc huyện Hòa Vang và các quận: Liên Chiểu, Sơn Trà. Thành phần gồm granit biotit hạt vừa - lớn, granit hai mica, granit biotit dạng porphyr hạt vừa lớn, granodiorit biotit có muscovit hạt vừa - lớn.

• Pha 2 (γT1hv2): Có thành phần gồm granit biotit có muscovit, granit hai mica, granit alaskit hạt nhỏ. Các đá pha 2 phân bố ở cùng khu vực với các thành tạo thuộc pha 1.

Phức hệ Bà Nà (T2bn): Phức hệ gồm 3 pha xâm nhập:

• Pha 1 (γT2bn1): Các đá của pha 1 lộ thành các khối, chỏm dọc theo đứa gãy phân bố ở phía Tây Nam của huyện Hòa Vang và phần nhỏ ở quận Liên Chiểu. Thành phần gồm granit biotit, granit hai mica, granosyenit biotit có muscovit.

• Pha 2 (γT2bn2); Chỉ gặp dạng khối nhỏ phân bố rải rác trong khu vực xuất hiện pha 1 ở các xã: Hòa Phú, Hòa Ninh (phía tây nam huyện Hòa Vang). Thành phần gồm granit hai mica, granit biotit, granit alaskit.

• Pha 3 (a-pT2bn3): Gồm đá mạch granit aplit và pegmatit. Chúng lộ ra thành các đai mạch rải rác trong các khu vực xuất hiện pha 1 và pha 2.

Phức hệ Hòa Khương (J3-K1hk): Phân bố ở khu vực Thôn 5, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Thành phần thạch học gồm gabrodiorit, diorit porphyr.

Các thể xâm nhập tuổi không xác định: Đây là các thể lambroid (ѵπ), pyroxenit (σ), spesartit (χδ), gabro - pyroxenit (ѵσ), gabrodiabas (μѵ), diabas (μ), diorit porphyr (δπ), granit aplit (a), pegmatit (p), granit poiphyr (γπ), diorit (δ), pycrit (π), ryolit và dacit (λ) có kích thước quá nhỏ gặp rải rác ở nhiều nơi trong phạm vi nghiên cứu.

3. Khí tượng, thủy văn

Thành phố Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với các đặc trưng là nền nhiệt độ cao và ít biến động, là nơi chuyển tiếp đan xen giữa khí hậu miền Bắc và khí hậu miền Nam. Mỗi năm có 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa kéo dài từ tháng tháng IX đến tháng XII và mùa khô từ tháng I đến tháng VIII. Số giờ nắng bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2019 là 2.139 giờ, nắng nhiều nhất là vào tháng V, VI với số giờ nắng trung bình từ 182 - 288 giờ/tháng, ít nhất là vào tháng XII và tháng I (40 - 119). Các yếu tố thời tiết trên kết hợp với đặc điểm địa hình làm cho thành phố hội tụ đầy đủ các dạng thiên tai đặc trưng của khu vực.

a) Lượng mưa

Lượng mưa trong từng tháng, từng mùa cũng như từng năm có sự khác nhau rất nhiều. Năm năm qua, diễn biến mưa tại thành phố Đà Nẵng khá phức tạp. Tổng lượng mưa năm trung bình trong cả giai đoạn 2016 - 2020 là 2.516 mm, thấp hơn giá trị giai đoạn trước (118,5 mm). So với lượng mưa TBNN, lượng mưa giai đoạn này thấp hơn hoặc xấp xỉ so với các giai đoạn trước. Lượng mưa giữa 2 mùa phân hóa rõ hơn so với quy luật nhiều năm. Số liệu quan trắc cho thấy, lượng mưa các tháng mùa khô cao hơn TBNN cùng kỳ và các tháng mùa mưa thì ít hơn TBNN cùng kỳ.

b) Bốc hơi

Lượng nước bốc hơi trung bình năm tại thành phố Đà Nẵng là 1.045,4mm, lượng nước bốc hơi mạnh trong thời kỳ gió Tây Nam khô nóng. Trong các tháng mùa mưa và đầu mùa ít mưa lượng nước bốc hơi thấp.

c) Độ ẩm

Vào các tháng mùa mưa độ ẩm không khí vùng đồng bằng ven biển có thể đạt 85÷88%, vùng núi có thể đạt 90÷95%. Các tháng mùa khô vùng đồng bằng ven biển chỉ còn dưới mức 80%, vùng núi còn 80÷85%. Độ ẩm không khí vào những ngày thấp nhất có thể xuống tới mức 20÷30%.

d) Nhiệt độ

Nhiệt độ trung bình năm giai đoạn 2016 - 2020 cao hơn giá trị TBNN là 0,7°C. Xu hướng nhiệt độ trung bình năm trong vòng 20 năm gần đây tại thành phố Đà Nẵng có xu hướng tăng rõ rệt so với nhiều năm trước. Như vậy giai đoạn 2016-2019 nằm trong chu kỳ tăng nhiệt độ tại thành phố Đà Nẵng.

Tại thành phố Đà Nẵng, đường nhiệt độ trong năm có xu hướng dạng đỉnh vào giữa năm, cao dần từ tháng III và giảm dần từ tháng VIII. Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhiệt độ trung bình giữa và cuối kỳ mùa đông bằng với nhiệt độ TBNN cùng thời kỳ, các tháng mùa hạ lại có xu hướng tăng nhiệt độ, nhiệt độ các tháng mùa hè cao hơn nhiệt độ TBNN cùng kỳ do chịu áp thấp nóng phía Tây và đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn mạnh. Tuy nhiên còn nguyên nhân khác có quy mô lớn hơn, đó là do tác động của hiện tượng El Nino (hiện tượng nóng lên của nước biển) bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2018 đến nay, cộng thêm hiệu ứng đô thị và những thay đổi mặt đệm của khu vực trạm quan trắc,...

Nhiệt độ cao nhất trung bình các tháng trong năm từ 25,9°C ÷ 31,4°C, cho thấy sự phân hóa mùa nhiệt độ rất rõ rệt ở Đà Nẵng. Biến động nhiệt độ cao nhất trung bình vào mùa khô tại thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn qua là rõ nét nhất.

đ) Số giờ nắng

Thành phố Đà Nẵng có số giờ nắng phong phú, vùng núi cao số giờ nắng đạt trên 1.800 giờ trong một năm, vùng đồng bằng và bán đảo số giờ nắng trên 2.200 giờ.

e) Gió

Từ tháng 5 đến tháng 9 hướng gió Đông Nam và Tây Nam, từ tháng 10 đến tháng 4 hướng Đông và Đông Bắc. Tốc độ gió bình quân hằng năm vùng núi đạt 0,7÷1,3 m/s, trong khi đó vùng đồng bằng ven biển đạt 1,3÷1,6 m/s.

4. Mạng lưới sông ngòi

Thành phố Đà Nẵng có mạng lưới sông rất phức tạp, thuộc hạ lưu hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, phần lớn diện tích lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam, chỉ có sông Cu Đê và Túy Loan có lưu vực nằm trong địa phận thành phố Đà Nẵng.

a) Sông Vu Gia: bắt nguồn từ sườn tây đỉnh Ngọc Linh (2.596m) tỉnh Kon Tum chảy qua tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng rồi đổ ra biển qua cửa Hàn. Hạ lưu sông Vu Gia có 2 nhánh nhập lưu là sông Vĩnh Điện, sông Túy Loan và nhiều phân lưu. Sông Vu Gia có những chi lưu chính: Sông Cái (Đăk Mi), Sông Bung (có chi lưu là sông A Vương), Sông Kôn. Diện tích lưu vực sông Vu Gia đến Ái Nghĩa là 5.180 km2. Tại Ái Nghĩa sông Vu Gia có hai phân lưu: sông Ái Nghĩa và sông Quảng Huế.

b) Sông Thu Bồn bắt nguồn từ ngọn núi cao trên 1.500m, diện tích lưu vực tính đến Giao Thủy là 3.825 km2. Sông Thu Bồn có những chi lưu chính: Sông Tranh, Sông Tiên, Sông Lâu, Khe Diên, Khe Cầu. Sông Thu Bồn tại Giao Thủy có nhánh nhập lưu là sông Quảng Huế, sông Vĩnh Điện là nhánh phân lưu của sông Thu Bồn về hạ lưu sông Vu Gia (Sông Hàn) và ở hạ lưu có sông Ly Ly.

c) Các sông thuộc hạ lưu sông Vu Gia

- Sông Yên là phân lưu của sông Ái Nghĩa, có độ dốc lớn, lòng sông rộng nên phần lớn lưu lượng của sông Ái Nghĩa tập trung chảy vào nhánh sông này. Phần hạ lưu Sông Yên thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng có đập dâng An Trạch;

- Sông Lạc Thành cũng là một phân lưu của sông Ái Nghĩa, có chiều dài 4,245 km tính từ ngã ba giao nhau với sông Ái Nghĩa và sông Yên chảy theo hướng Đông đến ngã ba sông La Thọ và Bầu Sấu. Lưu lượng sông chiếm 18,5÷25% lưu lượng sông Ái Nghĩa. Sông Lạc Thành phần lưu thành 2 nhánh là sông La Thọ và sông Bầu Sấu.

- Sông Bầu Sấu chảy theo hướng Tây Đông, đến Bích Bắc sông tách ra làm 2 nhánh: Quá Giáng tả (đập dâng Hà Thanh) và Quá Giáng hữu (đập dâng Bàu Nít), ở hạ lưu hai nhánh sông này nhập lại và chảy vào sông Vĩnh Điện.

- Sông La Thọ chảy theo hướng hướng Đông Nam và phân ra 2 nhánh là sông Thanh Quýt (đập dâng Thanh Quýt) đổ về sông Vĩnh Điện và sông Cổ Cà (Bình Long) đổ về sông Thu Bồn.

- Sông Thanh Quýt là phân lưu của sông La Thọ, trên sông Thanh Quýt có đập dâng Thanh Quýt, ở hạ lưu sông Thanh Quýt chảy vào sông Vĩnh Điện.

- Sông Cổ Cà ở hạ lưu có cống Bình Long chảy vào sông Thu Bồn.

- Sông Túy Loan có lưu vực nằm trong lãnh thổ thành phố Đà Nẵng, bắt nguồn từ sườn phía Đông Núi Mang (1.708m) và núi Bà Nà (1.487m) với diện tích 309 km2, sông Túy Loan được hình thành bởi 3 nhánh sông chính: Sông An Lợi, sông Lỗ Trào và sông Lỗ Đông. Trên lưu vực sông Túy Loan có hồ Đồng Nghệ.

- Sông Cầu Đỏ là hợp lưu của Sông Yên và sông Túy Loan nên dòng chảy chịu ảnh hưởng rất lớn đến quy trình vận hành của các công trình ở thượng lưu, đồng thời còn chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều, vào mùa khô nước trên sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Sông Cầu Đỏ ở hạ lưu còn gọi là sông Cẩm Lệ.

- Sông Vĩnh Điện là sông nối giữa sông Thu Bồn và Sông Hàn, dòng chảy sông Vĩnh Điện chịu ảnh hưởng bởi chế độ triều vùng biển Cửa Đại và Sông Hàn.

- Sông Hàn là sông tiếp nhận lượng dòng chảy của sông Cẩm Lệ và sông Vĩnh Điện, đổ ra biển qua Cửa Hàn. Chế độ dòng chảy Sông Hàn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chế độ thủy triều vùng biển Đà Nẵng.

d) Các sông khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

- Sông Cu Đê nằm ở phía Bắc thành phố Đà Nẵng, có diện tích lưu vực là 425,2 km2. Sông Cu Đê được hình thành bởi 2 nhánh sông chính là Sông Bắc và Sông Nam, hướng chảy chính của sông Cu Đê là Tây - Đông đổ ra vịnh Đà Nẵng. Dòng chảy sông Cu Đê chủ yếu phân bố trong mùa mưa, mùa khô dòng chảy khá nhỏ nên thủy triều ảnh hưởng rất cao.

- Sông Phú Lộc là sông nhỏ, diện tích lưu vực 29 km2 bắt nguồn từ núi Phước Tường đổ ra vịnh Đà Nẵng.

- Sông Kim Liên là sông nhỏ bắt nguồn từ núi Bạch Mã gần đèo Hải Vân đổ vào vịnh Đà Nẵng.

Hình 4. Bản đồ sông, suối thuộc thành phố Đà Nẵng

II. ĐẶC ĐIỂM DÂN SỐ VÀ LAO ĐỘNG [2]

1. Dân số

a) Quy mô

Thành phố Đà Nẵng hiện là địa phương có tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị cao nhất nước đạt 87,3% năm 2020 (dân số thành thị cả nước là 36,8%, thành phố Hồ Chí Minh là 80,1%, Hà Nội là 49,3%) nhưng thực chất là kết quả của quá trình xác lập địa giới hành chính, không phải là của luồng di cư nông thôn.

Dân số trung bình của thành phố Đà Nẵng hiện trên 1,16 triệu người, bằng 84,1% so với mục tiêu quy hoạch 2020 (1,38 triệu người), tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 2011 - 2020 vào khoảng 2,17%/năm. Trình độ dân trí người Đà Nẵng nhìn chung tương đối cao. Số người biết dọc viết chiếm tỷ lệ 98,4% trong dân số từ 15 tuổi trở lên, xếp vị trí thứ 09 trong cả nước.

Dân số thành phố Đà Nẵng trong 9 năm qua tăng bình quân 2,54%/năm; từ 937.217 người năm 2010 lên 1.134.310 người năm 2019. Trong đó, dân số thành thị tăng nhanh hơn: 2,25%/năm, nông thôn tăng 1,98%/năm. Dân số từ 15 tuổi trở lên cũng tăng tương ứng (2,15%/năm) từ 715.748 người năm 2010 lên 866.531 người.

Với tốc độ phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng tăng bình quân 7,89% GRDP giai đoạn 2010 - 2019 làm cho tốc độ tăng dân số cơ học của thành phố Đà Nẵng tăng bình quân từ 1,0%-1,2%/năm. Đặc biệt những năm gần đây tốc độ một số ngành kinh tế phát triển nhanh như du lịch, công nghệ thông tin,... nên tốc độ tăng dân số, lao động cũng tăng nhanh.

b) Mật độ dân số

- Mật độ dân số của Đà Nẵng khoảng 883 người/km2 với dân số thành thị là gần 990.000 người, nhân khẩu thực tế thường trú là 3,6 người/hộ.

- Dân số đô thị thường tập trung trong trung tâm thành phố, trong khi mật độ dân số càng xa trung tâm càng thấp. Sự chênh lệch lớn về phân bố dân cư dao động từ mật độ thấp nhất 180 người/km2 ở huyện Hòa Vang đến cao nhất là 8.746 người/km2 ở quận Hải Châu và 19.712 người/km2 ở quận Thanh Khê.

- Bên ngoài trung tâm thành phố, mật độ dân số thấp hơn nhiều ở các khu đô thị mới các quận: Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, khoảng 2.000 đến 3.000 người/km2

2. Lao động và việc làm

Lực lượng lao động của thành phố Đà Nẵng năm 2020 là 589,8 ngàn người với tỷ lệ lao động có việc làm là 50,4%, trong giai đoạn 2011 - 2020 đã giải quyết việc làm cho 147,1 ngàn lao động, bình quân mỗi năm là 14,7 ngàn lao động có việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 3,55%.

Số lượng lao động có trình độ có sự chuyển biến lớn, cụ thể năm 2019 lao động sơ cấp là 6,36%, trung cấp 6,34%, cao đẳng 7,47% và đại học trở lên 24,41%. Với sự cải thiện về chất lượng lao động, năng suất lao động cũng có sự gia tăng nhanh, năm 2020 tăng gấp hơn 2,2 lần so với đầu năm 2011, từ 77,23 triệu đồng tăng lên 171,6 triệu đồng năm 2020, cao gấp gần 1,45 lần so với năng suất lao động bình quân chung của cả nước (năm 2020 đạt hơn 117 triệu đồng).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Đà Nẵng cao nhất, nhì cả nước (cao nhất vào năm 2010 và đứng thứ hai vào năm 2020, chỉ sau Hà Nội và cao hơn cả thành phố Hồ Chí Minh).

Cơ cấu lao động đang làm việc theo loại hình kinh tế có sự thay đổi mạnh mẽ và chuyển dịch theo hướng tăng số lượng lao động trong các ngành thương mại dịch vụ, giảm lao động trong ngành nông nghiệp theo sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế thành phố. Cơ cấu lao động phân theo loại hình kinh tế cũng có sự dịch chuyển mạnh mẽ, số lao động làm việc cho doanh nghiệp ngoài nhà nước ngày càng tăng (từ 71,3% năm 2011 lên 76,8% năm 2020).

3. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội

Thành phố đã xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá thực hiện Chương trình an sinh xã hội giai đoạn 2017 - 2020; xây dựng được phần mềm phục vụ cho việc quản lý và thực hiện chính sách như: Hộ nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người có công, cơ sở dữ liệu cung cầu lao động, cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT,... Hàng năm thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành trên các lĩnh vực về bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, xã hội, xây dựng, vệ sinh môi trường để đánh giá các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện nội dung của Nghị quyết. Bên cạnh đó, công tác tự kiểm tra giám sát ở các đơn vị, địa phương cũng được triển khai định kỳ hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ qua đó kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Để đảm bảo đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án liên quan đến chính sách xã hội, thành phố huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các nguồn từ ngân sách địa phương; huy động các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, sự đóng góp của nhân dân; nguồn lực vận động từ các quỹ “Vì người nghèo", “Đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ Khuyến học, Quỹ chăm sóc sức khỏe các cấp”,... để bổ sung nguồn lực thực hiện các chương trình.

Tính đến nay, toàn thành phố có 32.890 đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP (NQ 134/2017/NQ-HĐND thành phố), với kinh phí 250 tỷ đồng/năm và có trên 5.000 đối tượng hưởng chính sách đặc thù của thành phố, với kinh phí trên 25 tỷ đồng/năm. Thành phố có 11 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 2 cơ sở công lập và 9 cơ sở ngoài công lập, nuôi dưỡng tập trung 1.260 đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người lang thang xin ăn. Hàng năm, ngân sách thành phố bố trí kinh phí 100% cho hoạt động của các cơ sở công lập. Đối với các cơ sở ngoài công lập, ngân sách thành phố hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng cho các đối tượng đúng theo quy định của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.

Thực hiện chính sách giảm nghèo, trên cơ sở khung kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng đã ban hành 02 Đề án, 01 Kế hoạch giảm nghèo với chuẩn nghèo riêng của thành phố cao hơn mức chuẩn nghèo của Trung ương. Đồng thời, bên cạnh thực hiện đầy đủ các chính sách do Trung ương quy định, thành phố còn có các chính sách đặc thù trợ giúp cho hộ nghèo như: Hỗ trợ xây mới từ 25 đến 35 triệu đồng/nhà; sửa chữa từ 10 triệu đến 20 triệu đồng/nhà; miễn giảm 60% tiền thuê nhà chung cư cho hộ nghèo và 100% hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khi thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; ưu tiên xem xét bố trí chung cư cho hộ nghèo, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt.

Đối với chính sách về tín dụng, thành phố hỗ trợ cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn sức lao động vay vốn với lãi suất ưu đãi 0%, mức vay tối đa 30 triệu đồng/hộ, hoàn trả vốn vay đúng hạn và thoát nghèo được thành phố hỗ trợ 04 triệu đồng/hộ. Hộ nghèo chuẩn thành phố được vay lãi suất như hộ nghèo chuẩn Trung ương. Thực hiện chính sách về giáo dục, y tế, thành phố Đà Nẵng mở rộng đối tượng là trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có người giám hộ thuộc diện hộ nghèo và thoát nghèo 2 năm theo chuẩn thành phố được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với hộ nghèo thoát nghèo 2 năm và hỗ trợ 90% mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo. Bằng các chính sách và giải pháp giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên phương diện giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển các ngành nghề, mô hình. Tổng nguồn lực huy động đầu tư cho chương trình giảm nghèo gần 3.000 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho 43.000 lượt hộ vươn lên thoát nghèo theo chuẩn từng giai đoạn.

Trong 8 năm (2012-2019), toàn thành phố đã bố trí kinh phí 368 tỷ để mua thẻ BHYT cấp cho người nghèo; miễn giảm học phí cho 88.731 lượt học sinh, với kinh phí 23 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 5.320 nhà ở cho hộ nghèo, với kinh phí trên 84 tỷ đồng; bố trí chung cư cho 1.384 hộ nghèo; hỗ trợ lắp đặt điện nước, công trình vệ sinh, nước sạch, đầu thu truyền hình kỹ thuật số cho 7.694 hộ, với kinh phí trên 6 tỷ đồng; đào tạo nghề miễn phí cho 10.086 lao động và có 26.647 lượt lao động nghèo được giải quyết việc làm; cho 43.293 lượt hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, với kinh phí 874 tỷ đồng;... Ngoài các chính sách do Trung ương quy định, thành phố đã chủ động áp dụng một số chính sách đặc thù như: Nâng mức trợ cấp cho tất cả các đối tượng BTXH (cả đối tượng không nằm trong hộ nghèo); trợ cấp hằng tháng cho đối tượng ốm đau thường xuyên thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trợ cấp hàng tháng cho người mắc bệnh hiểm nghèo cho 23.350 lượt người, với kinh phí trên 67 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm từ 2% trở lên.

4. Hiện trạng nhà ở

Qua Điều tra thống kê năm 2020 của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố chiếm 99,5% tổng số hộ có nhà ở, trong đó tỷ lệ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố ở khu vực thành thị là 99,6% và khu vực nông thôn là 98,8%. Tỷ lệ nhà kiên cố không ngừng tăng lên, không chỉ trong khu vực thành thị mà cả trong khu vực nông thôn, không chỉ những hộ có thu nhập cao mà những hộ có thu nhập thấp. Hộ sống trong những ngôi nhà đơn sơ, thiếu kiên cố chỉ một phần nhỏ tập trung chủ yếu ở quận Liên Chiểu (487 hộ) và huyện Hòa Vang (474 hộ) nguyên nhân là của hộ nhà tạm trong khu vực chờ giải tỏa và các hộ miền núi.

Bảng thống kê hộ có nhà phân theo loại nhà và đơn vị hành chính

Đơn vị tính: Hộ

 

Tổng số

Phân theo loại nhà

Kiên cố

Bán kiên cố

Thiếu kiên cố

Đơn sơ

Toàn thành

299.341

248.215

49.608

664

854

Quận Liên Chiểu

56.573

41.766

14.320

343

144

Quận Thanh Khê

48.050

42.963

5.085

-

2

Quận Hải Châu

54.316

44.319

9.812

84

101

Quận Sơn Trà

37.520

31.412

5.914

89

105

Quận Ngũ Hành Sơn

22.144

16.844

5.170

53

77

Quận Cẩm Lệ

42.669

37.117

5.506

14

32

Huyện Hòa Vang

38.069

33.794

3.801

81

393

Huyện Hoàng Sa

 

 

 

 

 

Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng

III. ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ CƠ SỞ HẠ TẦNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

1. Đặc điểm kinh tế - xã hội

Trong năm 2020, thành phố Đà Nẵng chịu tác động bởi 02 đợt dịch Covid-19. Trong đó đợt dịch thứ hai đã gây ra những tác động nặng nề đối với phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đời sống nhân dân, nhất là tính mạng của người dân, gây ngưng trệ sản xuất kinh doanh và các hoạt động khác của thành phố.

a) Về kinh tế - xã hội

Kinh tế thành phố Đà Nẵng tăng trưởng nhanh và ổn định, gắn với tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao quy mô, chất lượng tăng trưởng một cách hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn GRDP (giá so sánh) của thành phố Đà Nẵng tăng trung bình 8%/năm. Quy mô kinh tế tăng gấp 3 lần sau 10 năm. Năm 2020, do phải chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid, tăng trưởng kinh tế thành phố Đà Nẵng ghi nhận mức tăng trưởng âm. Quy mô kinh tế bị thu hẹp gần 10 nghìn tỷ đồng so với năm trước đó.

Trong những năm gần đây, tốc độ tăng GRDP của thành phố Đà Nẵng mặc dù cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước, nhưng nếu so với một số tỉnh/thành phố lớn thì tốc độ tăng GRDP của Đà Nẵng đã có dấu hiệu thấp hơn. Đặc biệt, trong năm 2020 do bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, tăng trưởng GRDP của thành phố Đà Nẵng giảm mạnh. Trong mức sụt giảm của toàn nền kinh tế thành phố, khu vực dịch vụ giảm 8,21%, chiếm 5,28 điểm phần trăm trong mức giảm chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 12,23%, chiếm 1,91 điểm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 15,55%, chiếm 1,79 điểm; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực duy nhất tăng trưởng ở mức 2,4%.

Quy mô toàn nền kinh tế năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 100 nghìn tỷ đồng, thu hẹp hơn 10,1 nghìn tỷ đồng so với năm 2019. Trong đó, quy mô khu vực dịch vụ bị thu hẹp nhiều nhất với 5,3 nghìn tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng hơn 3 nghìn tỷ đồng; thuế sản phẩm giảm gần 2 nghìn tỷ đồng.

b) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trong vòng 10 năm (2010 - 2020), cơ cấu kinh tế tại thành phố Đà Nẵng có sự chuyển dịch nhẹ, nhưng khu vực dịch vụ vẫn là khu vực chủ chốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nhiều năm. Cụ thể:

- Tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,6 điểm %.

- Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng giảm 0,5 điểm %.

- Tỷ trọng dịch vụ tăng 1,4 điểm % (là khu vực có xu hướng tăng duy nhất trong 3 khu vực).

Trong giai đoạn 2011 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực “Nông, lâm nghiệp và thủy sản” đạt mức thấp (2,59%/năm). Tốc độ tăng trưởng của khu vực này thấp nhất vào năm 2012 (-0,63%) và cao nhất vào năm 2015 (đạt 4,83%). Đóng góp của năng suất lao động vào tăng trưởng của khu vực “Nông, lâm nghiệp và thủy sản” có một số năm tăng đột biến (đạt mức tăng 3 - 400%/năm). Nguyên nhân là do quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các khu vực trong nền kinh tế làm cho tốc độ tăng lao động của khu vực “Nông, lâm nghiệp và thủy sản” suy giảm đáng kể trong các năm đó. Số liệu cho thấy, tăng trưởng của khu vực “Nông, lâm nghiệp và thủy sản” mặc dù bền vững nhung duy trì ở mức khá thấp so với mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Số liệu của khu vực “Công nghiệp và xây dựng” cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2019 có tới 5/9 năm quan sát đạt tốc độ tăng trưởng trên 7,5%/năm (trung bình 8,35% cả giai đoạn). Tốc độ tăng trưởng của khu vực này thấp nhất vào năm 2019 (đạt 4,39%).

- Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Đất nông nghiệp khoảng 6.810,74 ha, chiếm 5,3 % diện tích tự nhiên, bình quân 60 m2/người. Nhiều khu vực trồng lúa có diện tích nhỏ, rải rác nên việc giữ ổn định diện tích đất lúa là khó khăn. Diện tích đất lâm nghiệp thành phố Đà Nẵng khoảng 63.017,3 ha, chiếm 49,0% diện tích tự nhiên. Bao gồm 03 loại: Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất. Ngành thủy sản của thành phố Đà Nẵng chủ yếu ở lĩnh vực khai thác hải sản và chế biến thủy sản, hậu cần nghề cá,... Đối với nuôi trồng thủy sản chủ yếu ở quy mô nhỏ và ngày càng giảm dần do đô thị hóa.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định, ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và duy trì được nhịp độ tăng trưởng. Tuy chiếm tỷ trọng rất thấp, nhưng có thể xem là một trong những điểm sáng góp phần kiềm chế sự sụt giảm kinh tế năm 2020. Tăng trưởng của cả khu vực ước đạt 2,40%. Trong đó, nông nghiệp tăng 0,77%; lâm nghiệp tăng 3,07%; thủy sản tăng 2,94%; quy mô giá trị tăng thêm toàn ngành năm 2020 ước đạt hơn 2.251 tỷ đồng, tăng hơn 184 tỷ đồng so với năm 2019.

Nông nghiệp

* Trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2020 trên địa bàn ước thực hiện như sau: lúa đạt 4.867 ha, giảm 4,2% so với năm trước. Diện tích các loại cây hàng năm khác ước đạt 2.868 ha, giảm 3,8% so với năm trước; bao gồm các loại cây như: ngô 185 ha; khoai lang 264 ha; sắn 109 ha; mía 456 ha; lạc 348 ha; mè 213 ha; rau 938 ha; đậu 108 ha; hoa 111 ha. Hầu hết diện tích gieo trồng các loại cây đều giảm ngoại trừ diện tích rau tăng 1,8%; cây mía tăng 0,8%, cây hoa tăng 0,5% so với năm 2019.

* Chăn nuôi: Năm 2020, tình hình chăn nuôi trên địa bàn phát triển ổn định, không có dịch bệnh. Các cơ quan chuyên môn khẩn trương thực hiện các phương án phòng chống dịch bệnh trên động vật trong mùa mưa lũ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển, kiểm soát an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, tổ chức hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học, nhằm khôi phục và phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn.

Lâm nghiệp

Lâm nghiệp thành phố tuy chiếm tỷ trọng thấp nhưng tăng trưởng ổn định, đạt mức tăng VA 3,07% nhờ sản lượng gỗ khai thác rừng trồng tăng. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng mới tập trung có xu hướng giảm so với năm 2019. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng năm 2020 ước đạt 140.092 m3, tăng 1,4%; sản lượng củi khai thác ước đạt 103.228 Ster, giảm 1,8% so với năm 2019.

Thủy sản

Năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn thành phố gần 245 ha, trong đó: diện tích nuôi cá ước đạt 203,8 ha; diện tích nuôi tôm (tôm thẻ chân trắng) ước đạt 36 ha; diện tích nuôi thủy sản khác ước đạt 5,16 ha. Sản phẩm nuôi trồng chủ yếu là cá rô phi, cá trắm, cá diêu hồng, cá mè, cá leo và tôm thẻ chân trắng.

Hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 1.765 tàu thuyền đang hoạt động, với tổng số công suất là 384.028CV, trong đó có 539 tàu công suất từ 400 CV trở lên với công suất 341.045CV. Thành phố đã thực hiện việc hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá và kinh phí thuê bao năm đầu tiên đã tạo điều kiện cho ngư dân chủ động giám sát được hoạt động của tàu cá, kịp thời phối hợp xử lý các tình huống tàu cá vi phạm vùng biển, phòng tránh thiên tai, 6 cứu hộ, cứu nạn. Công tác cập nhật 100% số liệu tàu cá vào hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia Vnfishbase đến nay được đảm bảo.

- Công nghiệp

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 01 khu công nghệ cao, 01 khu công nghệ thông tin tập trung (131 ha), 07 khu công viên phần mềm, 06 khu công nghiệp (tổng diện tích 1.337,14 ha) và 01 cụm công nghiệp (diện tích 29,6 ha) đang hoạt động; 03 khu công nghiệp mới (tổng diện tích 880,14 ha) đang được triển khai công tác đấu thầu dự án có sử dụng đất để việc lựa chọn nhà đầu tư; 01 khu (102 ha) đang làm thủ tục chuyển đổi thành khu công nghiệp hỗ trợ.

Đánh giá tổng quan, ngành công nghiệp thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2020 có mức tăng trưởng khá, nhưng vì thiếu quỹ đất (hạ tầng công nghiệp tập trung) và chủ trương không tập trung phát triển các ngành thâm dụng lao động, hướng vào các ngành gia tăng hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các dự án sạch, không gây tác hại đến môi trường nên tốc độ phát triển chậm hơn các địa phương khác.

Tuy không phải là hướng đột phá, trọng tâm phát triển của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn 2011 - 2020, nhưng các ngành công nghiệp của thành phố vẫn duy trì tỷ trọng lớn trong quy mô GRDP của nền kinh tế; từ 14,6% trong cơ cấu GRDP thành phố năm 2010, đến năm 2019 đã đạt 16,8%, và đến năm 2020 đạt 15,6% (giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19). Đồng thời, nếu không tính đến tác động của đại dịch COVID-19 gây ra vào năm 2020, thì đến năm 2019, quy mô công nghiệp của thành phố Đà Nẵng vẫn xếp thứ 7/19 so với các tỉnh của vùng miền Trung - Tây Nguyên, và thứ 29/63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2020 ước giảm 11% so với năm 2019. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm sâu nhất 37,8%; 7 công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,2%, công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 3,7%; sản xuất nước và xử lý nước thải, rác thải giảm 7,5%.

- Thương mại và dịch vụ

Ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đã tạo được thương hiệu du lịch trong nước và quốc tế với sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, du lịch Đà Nẵng chưa có những sản phẩm đặc thù, nổi trội. Hoạt động du lịch chủ yếu tập trung khu vực trung tâm thành phố gây quá tải về hệ thống hạ tầng, áp lực lên môi trường, cảnh quan. Các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng,… trong thời gian qua phát triển nhanh, đòi hỏi nhu cầu về lượng lao động lớn, trong khi nguồn cung lao động không đủ đáp ứng. Có sự tăng trưởng cao về khách du lịch tại một số thời điểm, đặc biệt vào các dịp lễ hội, sự kiện.

Tuy nhiên, năm 2020 lĩnh vực thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh đã làm suy giảm động lực phát triển chung của toàn nền kinh tế

Những ngành chịu tác động nặng nề của dịch bệnh có mức tăng trưởng giảm khá sâu so với năm trước như: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (-37,33%); dịch vụ vận tải; bưu chính và chuyển phát (-18,32%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (-41,25%, riêng hoạt động lữ hành và hỗ trợ du lịch chỉ bằng 28% năm 2019); nghệ thuật vui chơi và giải trí (-7,42%);...

Ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 cũng đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng, hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình do lo ngại dịch lây lan, đặc biệt với làn sóng dịch lần hai, thành phố Đà Nẵng là 9 địa phương bùng phát và trở thành tâm dịch của cả nước, một loạt các biện pháp cấp bách được thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt, trong đó chủ trương giãn cách xã hội đã được người dân thực hiện khá nghiêm túc.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước tính đạt hơn 83 nghìn tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 56 nghìn tỷ đồng, giảm 4,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 13,4 nghìn tỷ đồng, giảm 35,8%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 651,5 tỷ đồng, giảm 73,3%; dịch vụ tiêu dùng khác đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng.

2. Hệ thống kết cấu hạ tầng

a) Hệ thống giao thông

- Đường bộ

Cao tốc: Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua địa phận thành phố và tuyến La Sơn - Túy Loan, dài 7,97km

Quốc lộ: Tổng chiều dài 119,28km gồm các tuyến: Quốc lộ 1, Quốc lộ 14B, Quốc lộ 14G, tuyến hầm Hải Vân - Túy Loan.

Bến xe: Có hai bến xe là bến xe Trung Tâm (nằm trên quốc lộ 1A (đường Tôn Đức Thắng) có diện tích 60.000 m2) và bến xe phía Nam (nằm trên quốc lộ 1A (nút giao quốc lộ 1A và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) với công suất khai thác bến được tính toán tới 800 - 1.000 lượt xe xuất bến/ngày).

- Đường sắt

Tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua thành phố có chiều dài khoảng 30km, với các ga Đà Nẵng, Thanh Khê, Kim Liên, Hải Vân Nam, Lệ Trạch. Ngoài các chuyến tàu Bắc - Nam, ga Đà Nẵng còn có thêm những chuyến tàu địa phương đáp ứng lượng khách rất lớn giữa các tỉnh, Đà Nẵng - Huế, Đà Nẵng - Quảng Bình, Đà Nẵng - Vinh, Đà Nẵng - Quy Nhơn, Đà Nẵng - thành phố Hồ Chí Minh. Ga Đà Nẵng nằm trên địa bàn quận Thanh Khê, đây là ga trung tâm và là đầu mối giao thông đường sắt chính của thành phố Đà Nẵng. Diện tích đất của ga và các công trình liên quan là 24 ha, chiếm 2,6% diện tích đất toàn quận, hàng ngày khoảng 20 lượt tàu, với lượng hành khách và hàng hóa rất lớn. Ga Đà Nẵng hiện có 13 đường (4 đường đón gửi, 6 đường tập kết, 2 đường xếp dỡ và 1 đường sửa chữa), diện tích nhà ga 1.000 m2.

- Đường hàng không

Sân bay quốc tế Đà Nẵng (Danang International Airport - DIA73) là sân bay hỗn hợp quân sự và dân dụng, có diện tích đường bao khoảng 1.100 ha, diện tích phần sân bay khoảng 850 ha, trong đó diện tích phần dân dụng khoảng 150 ha. DIA đạt tiêu chuẩn yêu cầu cho các loại máy bay cỡ lớn hoạt động. Sân bay quốc tế Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn yêu cầu cho các loại máy bay cỡ lớn.

Cách trung tâm thành phố 5 km, DIA có vị trí quan trọng trong hệ thống sân bay dân dụng Việt Nam tại khu vực miền Trung, là điểm trợ giúp quản lý điều hành bay, cung ứng dịch vụ không lưu cho các tuyến bay quốc tế Đông - Tây qua Việt Nam, có khả năng tiếp nhận hàng hóa và có khả năng phục vụ hành khách tăng cao hằng năm.

- Đường thủy

Cảng biển: Cảng Đà Nẵng là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I); về lâu dài có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung

Đường thủy nội địa

Thành phố Đà Nẵng là thành phố có mạng lưới sông ngòi trải khắp các vùng với tổng chiều dài khoảng 155 km, phương tiện đường sông có hơn 300 tàu thuyền lớn nhỏ, ngoài ra có hàng trăm lượt phương tiện thủy nội địa từ tỉnh Quảng Nam ra vào tham gia hoạt động vận chuyển hàng hóa trên mạng lưới sông ngòi thành phố mỗi ngày.

Sông ngòi của thành phố Đà Nẵng đều bắt nguồn từ phía Tây, Tây Bắc thành phố và tỉnh Quảng Nam đổ ra cửa biển Đà Nẵng, luồng lạch thay đổi theo hai mùa chính là hè và đông, lòng sông rộng, chiều ngang trung bình là 120 m, độ sâu trung bình là 3,5 m. Hiện nay có 14 tuyến sông trong đó 06 tuyến sông chính: Tuyến sông Vĩnh Diện, sông Yên là hạ lưu sông Ái Nghĩa và sông Vu Gia, sông Cẩm Lệ hợp lưu của 2 sông là Túy Loan và sông Yên, sông Túy Loan, sông Hàn, sông Cu Đê (hay còn gọi là sông Trường Định). Ngoài ra, những tuyến sông Cổ Cò (cầu Biện), Quá Giáng (Bầu Xấu), Phú Lộc, Thủy Tú (khu công nghiệp Liên Chiểu), Lỗ giáng (Trung Lương - Hòa Xuân), Lỗ Đông (Túy Loan Hòa Phú), sông Nam, sông Bắc (Hòa Bắc) là những tuyến sông ngắn, nhỏ, độ dài trung bình 3km, độ sâu 1,5 đến 2,5m.

Trên địa bàn thành phố gồm có 07 tuyến đường thủy nội địa đang tổ chức khai thác với tổng chiều dài 63,2 km, trong đó gồm 19,9 km đường thủy nội địa quốc gia (gồm 02 sông: sông Hàn, sông Vĩnh Điện) và 43,3km đường thủy nội địa địa phương (gồm 05 sông: sông Cu Đê, sông Cẩm Lệ, sông Tuý Loan, sông Yên, sông Quá Giáng).

- Hệ thống giao thông đô thị: Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 2.342 tuyến đường với tổng chiều dài 1396,36 km và 72 cầu có chiều dài lớn hơn 25 m (chưa tính các cầu trên đường cao tốc) với tổng chiều dài 14.798,44 m, trong đó diện tích đất giao thông bình quân trên đầu người (m2/người) chỉ mới đạt từ 3,516,42 m2/người, thấp hơn nhiều so với quy định (15,5-17,5 m2/người).

b) Hệ thống y tế

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 908 cơ sở khám bệnh chữa bệnh, trong đó:

- 27 Bệnh viện: 10 bệnh viện đa khoa (01 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, 04 bệnh viện Bộ, ngành và 05 bệnh viện tư nhân); 10 bệnh viện chuyên khoa (09 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế và 01 bệnh viện Bộ, ngành); 07 Trung tâm Y tế quận huyện.

- 56 trạm y tế xã, phường.

- 21 phòng khám đa khoa; 746 phòng khám chuyên khoa; 7 phòng y tế cơ quan/doanh nghiệp và 51 cơ sở dịch vụ y tế.

Trong tổng số 908 cơ sở khám chữa bệnh đóng trên địa bàn thành phố, hiện có 98 cơ sở tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và 89 cơ sở tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đạt 97,7%.

Bên cạnh các cơ sở khám chữa bệnh, ngành Y tế còn có 06 đơn vị y tế thuộc khối không giường bệnh.

Về nhân lực: Tổng số nhân lực ngành y tế, bao gồm cả bệnh viện tư là 9.439 người (trong đó có 7.049 nhân lực công lập, chiếm tỷ lệ 74,68%). Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân năm 2020 đạt 18,09; cao hơn gấp 02 lần so với tỷ lệ trung bình toàn quốc (8,6 bác sĩ/vạn dân).

Ngoài ra, thành phố duy trì đội ngũ 1.089 cộng tác viên dân số - y tế tại 56 xã, phường và 119 nhân viên y tế thôn tại huyện Hòa Vang.

Về quy mô giường bệnh trên địa bàn thành phố: Tính đến năm 2020, toàn thành phố quản lý 7.288 giường bệnh kế hoạch (ước đạt 62,75 giường bệnh/vạn dân) và 8.497 giường bệnh thực kê (ước đạt 73,16 giường bệnh/vạn dân); cao hơn gấp 03 lần so với tỷ lệ trung bình toàn quốc (28 GB/vạn dân).

c) Giáo dục - đào tạo

Thành phố Đà Nẵng là một trong những trung tâm giáo dục và đào tạo lớn nhất của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Mạng lưới trường, lớp được xây dựng và phát triển theo quy hoạch, kịp thời điều chỉnh, bổ sung theo hướng chuẩn hóa và xã hội hóa. Đến cuối năm học 2020 - 2021, toàn ngành có 04 trường mẫu giáo, có 203 trường mầm non, trong đó có 135 trường ngoài công lập; có 99 trường tiểu học, trong đó có 01 trường ngoài công lập; có 60 trường THCS và trường tiểu học và THCS, trong đó có 02 trường ngoài công lập; có 37 trường THPT, trong đó có 12 trường ngoài công lập; có 03 trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố.

Hệ thống giáo dục Đại học có 17 trường, gồm 12 trường công lập và 5 trường ngoài công lập. Trong đó, Đại học Đà Nẵng có 6 trường đại học thành viên và 2 viện, khoa có đào tạo Đại học; 2 trường Đại học thuộc bộ và 4 trường tư thục. Ngoài ra, còn có 7 trường Đại học có cơ sở đặt tại thành phố Đà Nẵng.

Các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có các ngành, lĩnh vực thành phố có thế mạnh và ưu tiên phát triển trong thời gian tới như: ngành du lịch, ngành công nghệ thông tin, ngành công nghệ cao, ngành logistics - kinh doanh quốc tế,...

Bên cạnh đó, đến nay thành phố Đà Nẵng có 2 hệ thống trường quốc tế, đó là: Hệ thống trường Quốc tế Singapore đào tạo từ bậc mẫu giáo đến dự bị đại học, trường Cao đẳng Quốc tế Pegasus (PIC) tại Đà Nẵng được thành lập vào năm 2014. Phần lớn các khóa học tại PIC được thiết kế phù hợp với nội dung và tiêu chuẩn chất lượng của khung và sau khi hoàn tất chương trình học tại PIC, học viên sẽ có cơ hội tham gia các chương trình chuyển tiếp tại các trường học hàng đầu và được cấp những chứng chỉ được công nhận trên thế giới.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được chuẩn hóa; công tác quản lý giáo dục, cơ sở vật chất trường học được tăng cường, tạo sự chuyển biến cả về giáo dục chất lượng cao và giáo dục đại trà. Hoạt động đào tạo nghề được chú trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đặc biệt, việc thực hiện đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đạt kết quả tích cực cả về thu hút, đào tạo và bồi dưỡng, nhất là trong khu vực công. Chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng được nâng lên. Hiện nay 100% xã, phường duy trì phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục THCS đúng độ tuổi, 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập bậc trung học. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị trường học thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, 100% học sinh tiểu học được học 02 buổi/ngày. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

d) Hệ thống điện lưới, chiếu sáng đô thị

- Nguồn điện

Nguồn điện cấp cho các phụ tải khu vực Thành phố Đà Nẵng được lấy từ lưới điện quốc gia, thông qua các trạm nguồn sau:

Trạm 500/220kV Đà Nẵng: Công suất 2x450MVA được đặt tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ do Công ty truyền tải điện 2 quản lý.

Trạm 220kV: Trạm 220kV Đà Nẵng (Nối cấp trong trạm 500kV Đà Nẵng) công suất 2x250MVA; trạm 220kV Hòa Khánh công suất 125 250MVA; Trạm 220kV Ngũ Hành Sơn công suất 1x250MVA. Hiện nay tình trạng vận hành của 3 trạm 220kV là tương đối tốt, tuy nhiên mức mang tải cực đại có lúc đã lên tới gần 72% công suất đặt.

Trạm 110kV: Bao gồm 12 trạm.

Trạm biến áp phân phối xây dựng trên địa bàn thành phố có cấp điện áp 22/0,4kV, gồm 4.063 trạm biến áp với tổng công suất là 2.200MVA.

- Lưới điện

Lưới điện 500KV: Tuyến Đà Nẵng - Pleiku ; tuyến Đà Nẵng - Hà Tĩnh; tuyến Đà Nẵng - Dung Quất, Tổng chiều dài đường dây 500kV trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 64,72 km,

Lưới điện 220KV: Tuyến Đà Nẵng - Hòa Khánh - Huế; tuyến Đà Nẵng - Ngũ Hành Sơn; tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ. Tổng chiều dài đường dây 220 kV là 70,04 km.

Lưới điện 110KV: Tuyến Đà Nẵng - Thạch Mỹ; Đà Nẵng - Điện Nam; tuyến Đà Nẵng - Duy Xuyên; tuyến Đà Nẵng - Cầu Đỏ - Xuân Hà - Hòa Khánh; tuyến Đà Nẵng - Hòa Xuân - trạm 220kV Ngũ Hành Sơn; tuyến Đà Nẵng - Liên Trì - trạm 220kV Ngũ Hành Sơn; tuyến Hòa Khánh - Hòa Khánh 2 - Hòa Liên - Liên Chiểu - Đèo Hải Vân - Huế; tuyến Ngũ Hành Sơn - Điện Nam; tuyến Ngũ Hành Sơn - An Đồn. Tổng chiều dài đường dây 110kV là 175,988 km.

Lưới điện trung thế: Hiện tại, lưới điện trung thế đã phủ kín trên toàn bộ khu vực nghiên cứu và 100% hộ dân cư đã được nhận điện từ lưới điện quốc gia. Lưới điện trung thế chủ yếu là lưới điện trên không, sử dụng cấp điện áp 22kV, vận hành theo chế độ trung tính nối đất trực tiếp thuộc hệ 3 pha 4 dây. Một số tuyến đường 22kV đã được ngầm hóa, chủ yếu ở các tuyến đường chính và khu vực trung tâm thành phố như các đường: Lê Duẩn, Trần Phú, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Cách Mạng Tháng Tám, Hoàng Sa, Trường Sa và một số khu dân cư mới. Tổng chiều dài đường dây trung thế 22 kV là 1.178 km.

Lưới điện hạ thế: Được xây dựng chủ yếu với kết cấu trục chính là 3 pha 4 dây, các nhánh rẽ với kết cấu đa dạng gồm 3 pha 4 dây và 1 pha 2 dây, với tiết diện dây dẫn từ 35-95 mm2; đường dây hạ thế là 1.786,12 km.

Lưới điện chiếu sáng: Tất các các tuyến đường đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng đáp ứng yêu cầu đi lại và sinh hoạt của người dân. Đèn chiếu sáng đường giao thông hiện trạng phần lớn sử dụng các bộ đèn Sodium, có hiệu suất thấp, tiêu hao năng lượng cao. Hệ thống điện chiếu sáng đường giao thông được điều khiển bằng tủ điều khiển chiếu sáng riêng.

đ) Hệ thống cấp nước sinh hoạt

Thành phố Đà Nẵng hiện có 4 nguồn nước chính: Chuỗi sông Yên - Cầu Đỏ; Sông Cu Đê; nguồn nước suối; nguồn nước hồ. Cụ thể như sau:

- Chuỗi sông Yên - Cầu Đỏ: Cung cấp nước thô cho Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ, NMN Sân bay. Lưu lượng đảm bảo cho nhu cầu cấp nước hiện tại. Chất lượng nước mặt vào mùa khô nước bị nhiễm mặn, còn lại vẫn đảm bảo chuẩn A theo QCVN 08:2015/BTNMT. Công suất khai thác nước thô: 286.000 - 300.000 m3/ngày.

- Sông Cu Đê: Là nguồn nước thô cho NMN Hòa Liên, thuộc dự án mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Đà Nẵng. Lưu lượng và chất lượng đảm bảo khi có giải pháp công trình (đập Phò Nam, đập Sông Bắc). Công suất khai thác: 264.000 m3/ngày.

- Nguồn nước suối: Suối Đá, suối Tình cấp nước thô cho NMN Sơn Trà, Suối Lương cung cấp nước thô cho NMN Hải Vân. Lưu lượng và chất lượng đều không ổn định theo mùa.

- Nguồn nước hồ: Hồ Hòa Trung cấp nước thô cho nhà máy nước Hòa Trung, công suất hiện trạng 10.000 m3/ngđ.

Trên địa bàn thành phố có 5 nhà máy nước (NMN) với tổng công suất thiết kế là 272.000 m3/ngày; công suất hoạt động là 295.164 m3/ngày. Trong đó, chất lượng nước từ các NMN trên địa bàn thành phố đều đạt chuẩn QCVN 01:2009/BYT: "Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống". Mạng lưới đường ống cấp nước Đà Nẵng có cấu tạo ba cấp, bao gồm mạng cấp I, mạng cấp II, mạng cấp III và các công trình phụ trợ có liên quan. Hiện tại tổng chiều dài các đường ống mạng cấp I, cấp II khoảng: 278 km. Trên mạng lưới hiện có 06 trạm bơm tăng áp công suất 70÷300 m3/giờ. Ngoài ra còn có hệ thống cấp nước nông thôn lấy nguồn nước chủ yếu từ nguồn sông Yên và nguồn nước suối.

Hiện nay thành phố Đà Nẵng đang triển khai xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000 m3/ngày và Cải tạo nâng công suất trạm bơm cấp 1 (tại đập An Trạch) thêm 210.000 m3/ngày lên đến 420.000 m3/ngày và tuyến ống nước thô về NMN Cầu Đỏ để cung cấp bổ sung nguồn nước sạch cho nhu cầu dùng nước của thành phố Đà Nẵng.

e) Hệ thống công trình thủy lợi và đê, kè

Hệ thống công trình thủy lợi và đê, kè là hệ thống công trình quan trọng nhằm mục tiêu khai thác, sử dụng tổng hợp đa mục tiêu và phòng, chống thiên tai.

- Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có 69 công trình thủy lợi (bao gồm 19 hồ chứa nước, 25 đập dâng, 25 trạm bơm), cụ thể:

Về hồ chứa: Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng quản lý, khai thác và bảo vệ 19/20 hồ chứa trên địa bàn huyện Hoà Vang.

Về trạm bơm: Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng quản lý 19/24 trạm; UBND quận Ngũ Hành Sơn quản lý 04/24 trạm; UBND huyện Hoà Vang quản lý 02/24 trạm.

Về đập dâng: Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng quản lý 23/29 cái; UBND quận Liên Chiểu quản lý 01/29 cái; UBND quận Ngũ Hành Sơn 01/29 cái.

- Hệ thống đê, kè biển, đê, kè cửa sông, kè sông thành phố Đà Nẵng có tổng chiều dài khoảng 56 km, Các công trình đê, kè biển, đê kè cửa sông có kết cấu chủ yếu là dạng kè tường đứng bằng bê tông cốt thép; các công trình kè sông có kết cấu chủ yếu là kè mềm, lát đá hộc gia cố bờ.

- Tổng chiều dài kênh mương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay khoảng 406 km, trong đó Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng quản lý các tuyến kênh chính, cấp 1 và cấp 2 với tổng chiều dài 117 km (đã bê tông hóa được khoảng 110 km đạt tỷ lệ 90%). Số km kênh mương địa phương quản lý 277 km (đã kiên cố hóa khoảng 70 km).

g) Hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông

Thành phố Đà Nẵng có hạ tầng Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) với quy mô khá lớn và hiện đại. Đến nay, hạ tầng CNTT-TT tại thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, được mở rộng theo hướng dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng ngày càng cao đáp ứng các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, cũng như sẵn sàng cho việc triển khai xây dựng thành phố thông minh.

- Hạ tầng viễn thông đường trục

Trạm cáp quang cập bờ Hòa Hải là nút truyền dẫn cáp quang quốc tế quan trọng của quốc gia gồm 02 tuyến cáp SWM3 và APG. Dung lượng truyền dẫn toàn tuyến lên đến 40,3Tbps. Về mặt tuyến cáp, trạm cập bờ Hòa Hải được kết nối đến các trung tâm điều hành mạng lưới của VNPT tại Công ty VNPT - Net ở khu công nghiệp Đà Nẵng, Trung tâm dịch vụ Vinaphone tại 04 Nguyễn Văn Linh, tại Tòa nhà của Viễn thông Đà Nẵng tại 344 đường 2 Tháng 9.

Tổng số các đơn vị có hạ tầng cáp viễn thông trên địa bàn thành phố hiện có 13 đơn vị gồm các nhà mạng viễn thông như VNPT, Viettel, FPT- Telecom, CMC, MobiFone, SPT, SCTV, HTC, PITC, các đơn vị của quân đội như Lữ đoàn 572, 575, Công an thành phố, Bộ Công an.

Hệ thống cáp trục viễn thông đã được quang hóa gần như toàn bộ. Hiện trạng mạng truyền dẫn trên địa bàn thành phố có khoảng 3.400 km cáp viễn thông (do doanh nghiệp đầu tư). Trong đó, lượng cáp đi treo trên các cột điện lực, cột viễn thông khoảng 3.000 km.

- Hệ thống mạng truy cập Internet, truyền hình cáp

Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng đã chuyển hoàn toàn qua Internet băng rộng và đến cấp thôn, tổ dân phố. Internet ADSL giảm dần; Internet cáp quang (cáp quang đến tận nhà/cơ quan FTTx và thuê kênh riêng Leased line), 4G phát triển nhanh, mạnh. Trên địa bàn Thành phố có nhiều đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ Internet như: VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telcom, SCTV (Internet có dây); Vinaphone, Mobifone, Viettel, Vietnamobile (Internet 3G).

Tính đến hết năm 2019: Trên địa bàn thành phố có tổng số 1.332.507 thuê bao truy cập dịch vụ Internet, trong đó: 245.059 thuê bao Internet cố định và 1.087.448 thuê bao Internet di động.

- Hạ tầng công nghệ thông tin

Mạng đô thị thành phố (mạng MAN): Có tổng chiều dài trên 350km, kết nối 116 cơ quan sở, ban, ngành; quận, huyện, xã, phường; kết nối các cơ quan Đảng qua đầu mối Văn phòng thành ủy, kết nối Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố, một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn (Công an thành phố); các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công. Mạng MAN có 14 vòng (RING) cáp quang; băng thông kết nối nối mạng cho từng cơ quan từ 1.000 Mbps đến 20.000Mbps; bảo đảm cho các cơ quan kết nối, sử dụng phần mềm, ứng dụng dùng chung trên Trung tâm dữ liệu và kết nối ra Internet ngoài qua cổng Internet tập trung.

Mạng Internet không dây: Bao gồm 430 điểm thu phát sóng (AP) chuyên dụng; phủ sóng các khu vực chức năng quan trọng trong trung tâm thành phố, các khu vực công cộng, tại Trung tâm hành chính thành phố và tất cả UBND quận, huyện, phường, xã,...

3. Định hướng phát triển của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và Tầm nhìn đến năm 2045

Theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Mục tiêu phát triển và tầm nhìn:

a) Mục tiêu phát triển

- Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.

- Là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước.

- Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.

- Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

- Trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

b) Tầm nhìn đến năm 2045

Trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững. Trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững.

Chương IV

ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

I. HỆ THỐNG VĂN BẢN PHÁP LUẬT, CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN ĐẾN PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

1. Các Luật, Nghị định, Quyết định

- Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH 13 ngày 19 tháng 6 năm 2013;

- Luật Đê điều số 79/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;

- Luật sửa đổi Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều;

- Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017;

- Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015;

- Luật Đầu tư số 39/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019;

- Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

- Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

- Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro do thiên tai trên biển;

- Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

- Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về phòng chống thiên tai;

- Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

- Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo toàn diện về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

- Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biên;

2. Các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị, Kế hoạch,... của thành phố Đà Nẵng

- Quyết định số 5247/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2015 của UBND thành phố Đà Nẵng về thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng;

- Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2016 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

- Quyết định số 6943/QĐ-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2016 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành phương án sử dụng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn trên sông, vịnh và vùng biển thành phố Đà Nẵng;

- Quyết định số 6944/QĐ-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2016 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc thành lập Đội cứu hộ, cứu nạn trên sông, biển;

- Kế hoạch số 574/KH-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2019 về triển khai thực hiện Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

- Quyết định số 10/2019/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2019 ban hành quy định hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

- Kế hoạch số 8066/KH-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2019 của UBND thành phố về triển khai thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 03/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai;

- Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Thành ủy Đà Nẵng về triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

- Kế hoạch số 5628/KH-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2020 của UBND thành phố về ứng phó thảm họa động đất, sóng thần của thành phố Đà Nẵng;

- Kế hoạch số 6623/KH-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2020 của UBND thành phố về Kế hoạch triển khai Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Thành ủy Đà Nẵng về triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

- Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2021 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng;

- Quyết định số 74/QĐ-PCTT ngày 26 tháng 5 năm 2021 của Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng;

- Quyết định số 2609/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2021 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050;

- Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2021 của UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

- Nghị quyết 30/NQ-HĐND ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng quy định nội dung, nhiệm vụ chi duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều;

- Nghị quyết 31/NQ-HĐND ngày 12 tháng 08 năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng quy định mức chi phục vụ hoạt động của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp;

- Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 12 tháng 08 năm 2021 của HĐND thành phố về việc Thông qua mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong đó có hỗ trợ cho người dân có nhà ở bị hư hỏng do thiên tai hoặc di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ thiên tai;

- Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 25/08/2021 của UBND thành phố Đà Nẵng về triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Các Quyết định phê duyệt hàng năm của Chủ tịch UBND thành phố về Phương án Phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Phương án phòng chống lụt bão và đảm bảo an toàn hồ chứa nước Đồng Nghệ và Hòa Trung và 19 hồ chứa nhỏ trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Trên cơ sở các Luật và các Nghị định về Phòng chống thiên tai, Tài nguyên nước, Thủy lợi, các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính Phủ, Thành ủy, UBND thành phố và BCH PCTT, TKCN và PTDS thành phố đã ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản triển khai, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, về kế hoạch kế hoạch đảm bảo nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự và lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, thành phố đã có quy định tại Quyết định số 74/QĐ-PCTT ngày 26 tháng 5 năm 2021 của Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 12 tháng 8 năm 2021 Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng quy định mức chi phục vụ hoạt động của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp. Hằng năm, các sở, ngành, Cơ quan thường trực và Văn phòng Ban chỉ huy các cấp xây dựng kế hoạch, kinh phí hoạt động theo các hướng dẫn, định mức đã ban hành gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Hội đồng nhân dân, UBND thành phố bố trí nguồn lực thực hiện.

3. Hệ thống chỉ huy ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp và quy chế phối hợp

a) Cấp thành phố

- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2021 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng; được kiện toàn hằng năm, tham mưu UBND thành phố quản lý hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chỉ huy, điều hành trên phạm vi toàn thành phố. Trong đó, thành phần tham gia Ban Chỉ huy gồm:

Trưởng ban: Chủ tịch UBND thành phố.

Phó Trưởng ban thường trực: Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Các Phó Trưởng ban gồm có: Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố được phân công phụ trách về tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự, Giám đốc Công an thành phố được phân công phụ trách về tìm kiếm cứu nạn, cứu sập; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố được phân công phụ trách về tìm kiếm cứu nạn trên sông, trên biển, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công phụ trách lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

Các Ủy viên thường trực BCH gồm có: Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng; Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng; Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng.

Các Ủy viên Ban Chỉ huy gồm có đại diện các sở, ngành: Văn phòng UBND thành phố, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng, Sở Ngoại vụ, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Chi cục Thủy lợi trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang, chưa tính huyện đảo Hoàng Sa.

- Thành phần mời tham gia Ban Chỉ huy còn có đại diện lãnh đạo một số ban, ngành, đoàn thể tại Đà Nẵng: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Đà Nẵng, Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, Trung tâm truyền hình Việt Nam khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, Đài thông tin Duyên hải Đà Nẵng, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực 2, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng, Công ty cổ phần tàu lai Cảng Đà Nẵng. Ngoài ra mời đại diện lãnh đạo của các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trên địa bàn thành phố Đà Nẵng: Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân, Quân chủng Hải quân; Sư đoàn Không quân 372, Quân chủng Không quân; Sư đoàn Phòng không 375, Quân chủng Phòng không Không quân; Lữ đoàn 74, Tổng cục 2; Lữ đoàn vận tải 683, Cục Vận tải; Lữ đoàn Công binh 83, Bộ Tư lệnh Hải quân; Trung đoàn Cảnh sát cơ động Trung bộ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

- Ngày 21 tháng 01 năm 2019, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 344/QĐ-UBND về thành lập các Đội Cứu hộ - Cứu nạn để thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, gồm: Đội Cứu hộ trên biển, trên sông, Đội Cứu nạn, cứu sập và Đội Cứu hộ, cứu nạn trên đất liền và các tình huống thảm họa, khẩn cấp.

b) Cấp quận, huyện, xã, phường

- UBND các địa phương thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp và được kiện toàn hằng năm để chỉ huy, điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn quản lý.

Đối với cấp quận, huyện: phòng Kinh tế (đối với các quận) và phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với huyện Hòa Vang) là Văn phòng thường trực;

Đối với cấp xã, phường, UBND xã, phường sử dụng một số cán bộ chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường làm bộ phận thường trực;

- Đến nay, hầu hết các xã, phường trên địa bàn thành phố đã thành lập Đội xung kích phòng chống thiên tai tại xã, phường và Đội xung kích phòng chống thiên tai tại các khu dân cư với lực lượng nòng cốt là Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, dân quân tự vệ, Ban công tác mặt trận, Đoàn thanh niên, nông dân,...

c) Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp

Trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm đầu tư của Thành ủy, UBND thành phố, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp, nhất là cấp thành phố đã dần được trang bị cơ bản đầy đủ, bước đầu được hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu cơ bản để trực ban, thông tin liên lạc, tổ chức tổng hợp, tham mưu,... trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. (Xem Phụ lục II đính kèm).

d) Quy định về phân công nhiệm vụ các thành viên, quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan

- Hằng năm, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đều được kiện toàn hằng năm, được tổ chức phân công nhiệm vụ, phụ trách chỉ đạo, tham gia ứng phó tại địa bàn, ngành, lĩnh vực cụ thể.

- Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố đã ban hành Quyết định số 74/QĐ-PCTT ngày 26 tháng 5 năm 2021 về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố.

- Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố đã ban hành Quyết định số 03/QĐ-PCTT ngày 03 tháng 8 năm 2021 về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố.

- Quy chế số 181/TTII-BCH BĐBP ngày 11 tháng 7 năm 2014 về việc phối hợp trong thực hiện tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh (thành phố), Hải đoàn 48 với Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực II.

II. NĂNG LỰC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

1. Công tác dự báo, cảnh báo sớm

Theo quy định của Chính phủ tại Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng tiếp nhận các bản tin dự báo khí tượng thủy văn trên địa bàn chủ yếu từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ và Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Các sản phẩm dự báo bao gồm nhận định, dự báo theo mùa vụ: đông xuân, hè thu và theo thời gian một tháng, tuần; các bản tin cảnh báo, dự báo bão, lũ và các loại hình thiên tai khác khi có nguy cơ xảy ra trên địa bàn. Công tác dự báo thiên tai của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ trong thời gian qua đã được chú trọng đầu tư, hiện đại hóa và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, các mô hình tiên tiến để nâng cao chất lượng dự báo, chất lượng các bản tin dự báo dần dần được cải thiện, tính chính xác và độ tin cậy cao; hệ thống truyền tin giữa các đơn vị đo đạc, dự báo được nâng cấp, chủ yếu qua mạng Internet; tự động hóa dần quá trình truyền số liệu nhằm đảm bảo về mặt thời gian, chất lượng dữ liệu quan trắc phục vụ dự báo đã cung cấp kịp thời diễn biến thiên tai cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả với thiên tai; nội dung bản tin dự báo, cảnh báo bão, lũ được cải tiến về hình thức và nội dung, là cơ sở giúp địa phương triển khai phương án phòng, chống lụt bão phù hợp, sát với diễn biến thiên tai.

Ngoài các trạm đo khí tượng, thủy văn do Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ quản lý (08 trạm đo: 01 trạm Khí tượng, 01 trạm Hải văn, 01 trạm Thủy văn, 05 trạm đo mưa). Để gia tăng mật độ và tự động hóa hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn nhằm cung cấp số liệu chính xác, kịp thời phục vụ cho công tác cảnh báo sớm mưa, lũ, lũ quét và an toàn hồ chứa cho các lưu vực sông Túy Loan, Cu Đê và các hồ chứa nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã đầu tư xây dựng 11 trạm đo mưa tự động, 04 trạm đo mực nước tự động, 02 trạm cảnh báo lũ tự động; tiếp nhận 10 trạm đo mưa tự động do Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai hỗ trợ. Các trạm trên được vận hành, khai thác và tích hợp dữ liệu vào chung một giao diện trên website và ứng dụng App trên điện thoại thông minh phục vụ nhu cầu theo dõi của nhân dân và công tác quản lý phòng chống thiên tai của chính quyền địa phương các cấp.

Ngoài ra, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4111/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2019 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: “Đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn thành phố”; hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai thực hiện xây dựng 02 trạm quan trắc tự động chất lượng nguồn nước tại khu vực Trạm thủy văn Ái Nghĩa và cầu Tứ Câu để giám sát chất lượng nguồn nước sông Vu Gia - Thu Bồn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch của UBND thành phố về nâng cao năng lực quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trong lĩnh vực thủy lợi tại Quyết định số 5237/QĐ-UBND ngày 31/12/2020.

2. Phương tiện, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai

Trong những năm gần đây, trên cơ sở đề xuất nhu cầu của các sở, ngành, lực lượng vũ trang và địa phương, UBND thành phố cùng với các quận, huyện đã đầu tư hơn 18,5 tỷ đồng để mua sắm và cấp phát các trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần thiết để các ngành, địa phương sẵn sàng chủ động triển khai phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn[3].

Đồng thời, hằng năm, trên cơ sở các trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố cấp phát số trang thiết bị này cho các sở, ngành, địa phương để sẵn sàng ứng phó với thiên tai[4].

Trong Dự án WB5 đã tiến hành cung cấp cho 10/11 xã thuộc địa bàn huyện Hòa Vang (trừ xã Hòa Nhơn) các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Năm 2020, xã Hòa Nhơn đã được Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy cấp phát một số trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi thực hiện nội dung thí điểm xã nông thôn mới về phòng, chống thiên tai do Tổng cục Phòng, chống thiên tai triển khai thực hiện.

Công tác tổ chức tiếp nhận các phương tiện, trang thiết bị và phân bổ về cho các các sở, ngành, địa phương, đơn vị đảm bảo công khai, cơ bản phục vụ yêu cầu công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Sau khi được UBND thành phố cấp phát, các phương tiện, trang thiết bị được quản lý, sử dụng và bảo dưỡng tốt, phát huy công năng trong quá trình sử dụng đảm bảo yêu cầu cứu hộ cứu nạn.

Nhìn chung, trong thời gian qua, các trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được chú trọng đầu tư, tuy nhiên, trang thiết bị, phương tiện, vật tư phòng chống thiên tai, cứu hộ - cứu nạn (CH- CN), thông tin liên lạc tại các địa phương và các lực lượng cứu hộ - cứu nạn vẫn còn hạn chế, chưa phù hợp, chưa được hiện đại hoá, tính chuyên nghiệp chưa cao cần tiếp tục được tăng cường.

3. Công tác cứu nạn, cứu hộ

Các đơn vị lực lượng vũ trang của thành phố: Quân đội, biên phòng, công an và các lực lượng của Quân khu 5, Bộ Quốc phòng đứng chân trên địa bàn thành phố là lực lượng chủ lực, nòng cốt trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; tham gia, hỗ trợ trong công tác phòng chống, ứng phó, sơ tán, giúp dân chằng chống nhà cửa, cứu hộ, cứu nạn, thông tin, kêu gọi tàu thuyền và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, tập trung lực lượng, phương tiện sẵn sàng, chủ động ứng cứu trên từng địa bàn, nhất là các khu vực xung yếu, địa bàn trọng điểm.

4. Công tác thông tin, truyền thông trong phòng, chống thiên tai

Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2021 về việc truyền thông phòng, chống thiên tai đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhằm tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, để triển khai có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Thông qua tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp và người dân thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là người dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra bão, lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt,... và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để hình thành văn hóa phòng ngừa, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của toàn dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai.

Theo đó, tập trung tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tuyên truyền cho người dân các kỹ năng ứng phó trước các tình huống của thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, chủ động phối hợp với chính quyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; xu thế biến đổi khí hậu, diễn biến tình hình thiên tai trên thế giới và Việt Nam; những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu tới kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống Nhân dân.

Tuyên truyền về tầm quan trọng của việc lồng ghép công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; rà soát, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát an toàn thiên tai trong tất cả các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro do thiên tai. Thông tin việc triển khai các giải pháp thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở các địa phương như: đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực trọng yếu, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét...

Truyền tin về công tác chỉ đạo, chỉ huy: UBND các cấp và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp có trách nhiệm phổ biến nội dung văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai đến cộng đồng và người dân. Phương thức truyền phát văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thông qua: văn bản điện tử, fax, email, SMS, hệ thống truyền hình, phát thanh, hệ thống thông tin cảnh báo sớm, truyền đạt trực tiếp và các hình thức khác.

Truyền tin về thiên tai và công tác chỉ đạo, chỉ huy đến tổ chức, cá nhân quản lý phương tiện hoạt động trên biển thông qua Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố, hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam, hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng và các hệ thống thông tin khác như hộ gia đình, cá nhân.

5. Năng lực và nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai

- Công tác tập huấn, huấn luyện

Về nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng: Các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng được thực hiện với nhiều hình thức: tập huấn, tuyên truyền, tổ chức các Hội thi, diễn tập phòng, chống thiên tai, thực hiện các phóng sự trên đài phát thanh, truyền hình... Tổng kinh phí từ ngân sách thành phố và các tổ chức phi chính phủ quốc tế chi cho việc thực hiện các hợp phần của Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng từ 2010 - 2020 khoảng 60 tỷ đồng, kết quả là đã tổ chức gần 1.000 buổi đào tạo, tập huấn, hội thi,... về phòng tránh, ứng phó với thiên tai với sự tham gia của gần 25.000 lượt người, đạt tỷ lệ khoảng 12% so với tỷ lệ dân số sống trong khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai,...

Qua đó, năng lực, kiến thức, ý thức về phòng tránh thiên tai của một bộ phận cán bộ, Nhân dân dần được nâng cao do các cơ quan Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, các cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng đã chú trọng đến công tác nâng cao năng lực, thường xuyên tổ chức tập huấn, phổ biến, nâng cao kiến thức, năng lực để chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố triển khai huấn luyện CH-CN theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Cử cán bộ tham gia 02 lớp tập huấn nghiệp vụ ngành CH-CN và 07 lớp đào tạo nhân viên điều khiển phương tiện thủy nội địa phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn do Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức; 01 lớp tập huấn CH-CN, 06 lớp lái ca nô máy đẩy do Quân khu tổ chức; 01 lớp huấn luyện kỹ năng ứng phó sập đổ công trình do Công an thành phố tổ chức; 01 lớp tập huấn ứng phó sự cố môi trường và hải đảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức; 01 lớp đào tạo Quản lý thiên tai do Tổng cục Khí tượng thủy văn tổ chức; Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tổ chức 01 lớp tập huấn CH-CN và 01 lớp nhân viên điều khiển phương tiện thủy nội địa. Tổng quân số tham gia: 143 đồng chí.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã tổ chức huấn luyện kỹ thuật, nghiệp vụ về PCGNTT, PCCN, CR, CS và tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS) với 90 buổi/2.200 lượt CBCS tham gia, bảo đảm cho CBCS sử dụng thành thạo các trang thiết bị, phương tiện và nắm vững các kỹ thuật về tìm kiếm cứu nạn; cử 14 lượt CBCS tập huấn các lớp nghiệp vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ kiêm nhiệm theo kế hoạch, 100% các đơn vị đã tổ chức tập huấn công tác nghiệp vụ CH-CN theo kế hoạch đề ra.

Công an thành phố luôn quan tâm chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho CBCS, đặc biệt là nâng cao trình độ nghiệp vụ, biện pháp công tác, xây dựng mô hình quản lý chặt chẽ, toàn diện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động đề xuất bổ sung cán bộ nghiệp vụ từ các trường Công an và đại học kỹ thuật ngoài ngành Công an.

- Về diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Từ năm 2015 đến nay có thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 21 đợt diễn tập về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phòng cháy chữa cháy; ứng phó sự cố tràn dầu; ứng phó sự cố hóa chất, bức xạ hạt nhân;...

- Trong những năm gần đây thành phố Đà Nẵng chịu nhiều tác động của các đợt thiên tai như bão số 11 năm 2013, bão số 4 năm 2016, lũ năm 2017, lũ năm 2020,... nhưng thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm đi rất nhiều, qua đó có thể thấy năng lực chủ động phòng, chống thiên tai của thành phố và người dân đã được nâng cao.

6. Cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai

- Toàn thành phố hiện có 16 nhà phòng, chống thiên tai cộng đồng. Các nhà phòng, chống thiên tai cộng đồng do UBND các xã, phường quản lý giao cho ban nhân dân thôn sử dụng, khi không có thiên tai, công trình sử dụng cho việc dạy và học cho học sinh mầm non, nơi sinh hoạt định kì của các hội đoàn thể trong thôn và diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của thôn,... Nhìn chung, tất cả các công trình đã phát huy tối đa công năng sử dụng, đáp ứng được yêu cầu phòng tránh thiên tai, đồng thời giải quyết được nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng về nhà văn hóa và trường học, góp phần hoàn thiện tiêu chí trường học và tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Qua điều tra thống kê năm 2020 của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố chiếm 99,5% tổng số hộ có nhà ở, trong đó tỷ lệ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố ở khu vực thành thị là 99,6% và khu vực nông thôn là 98,8%. Tỷ lệ nhà kiên cố không ngừng tăng lên, không chỉ trong khu vực thành thị mà cả trong khu vực nông thôn, không chỉ những hộ có thu nhập cao mà những hộ có thu nhập thấp. Hộ sống trong những ngôi nhà đơn sơ, thiếu kiên cố chỉ một phần nhỏ tập trung chủ yếu ở quận Liên Chiểu (487 hộ) và huyện Hòa Vang (474 hộ) nguyên nhân là của hộ nhà tạm trong khu vực chờ giải tỏa và các hộ miền núi.

- Từ sau cơn bão Xangsane 2006, thành phố đã chú trọng hơn trong việc xây dựng, nâng cấp các trường học, hầu hết các trường học đã được kiên cố hóa, đặc biệt các trường học tại vùng nông thôn còn được tích hợp sử dụng làm nơi tập kết sơ tán nhân dân khi có thiên tai.

- Hệ thống quan trắc, đo đạc, cảnh báo thiên tai ngày càng được đầu tư nâng cấp. Công tác dự báo bão, lũ của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ trong thời gian qua đã được chú trọng đầu tư, hiện đại hóa và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng dự báo nhằm cung cấp kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả với thiên tai.

- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tiến hành rà soát, kiểm tra đánh giá nhu cầu, đề xuất UBND thành phố đầu tư một số trang thiết bị, công cụ phục vụ cho công tác điều hành, chỉ huy, ứng phó thiên tai cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy thành phố. Đến nay, Văn phòng Ban Chỉ huy thành phố đã được trang bị một số trang thiết bị phục vụ công tác tham mưu, điều hành chỉ đạo ứng phó phòng, chống thiên tai như: biển cảnh báo khu vực lũ quét, sạt lở, ngầm, tràn, trạm đo mưa tự động, hệ thống phần mềm quản lý báo cáo thiên tai, trạm đo mực nước,...

- Trên địa bàn thành phố hiện có 12 trạm đo khí tượng, thủy văn do Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ quản lý và 21 trạm đo mưa tự động, 04 trạm đo mực nước tự động trên sông Cu Đê và Túy Loan, 02 trạm cảnh báo lũ tự động do Chi cục Thủy lợi quản lý cung cấp số liệu chính xác, kịp thời phục vụ cho công tác cảnh báo sớm mưa, lũ, lũ quét và an toàn hồ chứa cho các lưu vực sông Túy Loan, Cu Đê và các hồ chứa nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, Chi cục Thủy lợi đã cắm 105 biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; cắm 60 biển cảnh báo đuối nước tại các hồ điều tiết, phân phát 20.000 vở và sổ tay tuyên truyền về đuối nước cho học sinh các trường học...

- Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang là âu thuyền và cảng cá lớn nhất miền Trung, trong các đợt thiên tai vừa qua, đây là nơi trú tránh của rất nhiều tàu thuyền không chỉ của Đà Nẵng mà còn của các tỉnh bạn. Trong điều kiện thời tiết có bão, lũ, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng, Âu thuyền Thọ Quang chứa trên 1.140 chiếc (cơn bão số 9 năm 2020), khu vực hậu phương cảng phường Thọ Quang và khu vực cồn Mân Quang chứa 450 chiếc, khu vực đầm Nại Nam 150 chiếc, khu vực Hói Kiểng 50 chiếc và tàu được kéo lên bờ và trên triền đà sửa chữa 185 chiếc.

- Hệ thống thủy lợi: Thành phố có 19 hồ chứa nước thủy lợi cùng với hệ thống đập dâng và trạm bơm khai thác nguồn nước trên lưu vực sông Yên, Túy Loan, Vĩnh Điện, Quá Giáng, Cu Đê phục vụ sản xuất nông nghiệp khoảng 5.500ha lúa/năm. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi còn điều tiết một phần lớn dung tích lũ, giảm và chậm lũ cho vùng hạ du. Đến nay đã hoàn thành nâng cấp 08 hồ chứa lớn và vừa đảm bảo an toàn với mưa, lũ lớn theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Hai hồ chứa nước lớn Hòa Trung và Đồng Nghệ đã được đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn của Việt Nam và tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới đưa ra, đảm bảo an toàn tần suất thiết kế P = 1% và tần suất kiểm tra P = 0,1%; 06 hồ chứa vừa và nhỏ đã hoàn thành nâng cấp đảm bảo an toàn với mưa, lũ lớn theo tiêu chuẩn của Việt Nam và tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB). Đồng thời, năm 2021 đã thực hiện nâng cấp, sửa chữa hoàn thành 08 hồ chứa nhỏ Hố Trảy, Phú Túc, An Nhơn, Tân An, Diêu Phong, Hố Cái, Hố Thung, Truông Đá Bạc, Hố Lăng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021.

- Hệ thống đê, kè phục vụ công tác phòng chống thiên tai: Tổng chiều dài đê, kè đã được xây dựng trên địa bàn thành phố khoảng 52 km (đê, kè biển, cửa sông và kè sông) bảo vệ các khu dân cư, cơ sở hạ tầng chịu ảnh hưởng của thiên tai tại các khu vực Sông Yên, Túy Loan, Vĩnh Điện, Quá Giáng và Cu Đê, bờ biển đường Nguyễn Tất Thành, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, hiện do Chi cục Thủy lợi thành phố Đà Nẵng quản lý.

- Hệ thống điện, thông tin liên lạc: Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã chuyển hoàn toàn qua Internet băng rộng và đến cấp thôn, tổ dân phố.

Mạng đô thị thành phố (mạng MAN) có tổng chiều dài trên 350km, kết nối 166 cơ quan sở, ban, ngành; quận, huyện, xã.

Hệ thống Trung tâm Dữ liệu: Sử dụng công nghệ điện toán đám mây, có khoảng 300 máy chủ ảo, dung lượng 100TB; đưa vào sử dụng năm 2013; phục vụ cho các mục đích: lưu trữ, cài đặt nền tảng chính quyền điện tử, các phần mềm, ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung,... Trung tâm Dữ liệu được trang bị hệ thống bảo đảm an toàn thông tin như: tường lửa, thiết bị IDS/IPS,...

Viễn thông Đà Nẵng cung cấp hệ thống mạng Truyền số liệu chuyên dùng cho 38 cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn thành phố.

Hệ thống hạ tầng viễn thông bao gồm hơn 2.500 trạm thu phát sóng di động, tuyến cáp viễn thông (đồng và quang) với hơn 3,4km đi treo và hơn 3km đi ngầm sẵn sàng phục vụ thông tin liên lạc trong công tác phòng chống thiên tai.

- Hệ thống giao thông đường bộ xuyên suốt từ tuyến Quốc lộ đến tỉnh lộ, giao thông nông thôn đến các xã miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các vùng có nguy cơ thiên tai nhanh chóng và thuận tiện, kịp thời giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản.

Ngoài ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy còn xây dựng phần mềm hỗ trợ đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, phần mềm nhắn tin cảnh báo thiên tai SMS, tạo lập trang Facebook “Thông tin Phòng, chống thiên tai Đà Nẵng”, nhóm Zalo, trang web của Ban Chỉ huy https://pclb.danang.gov.vn ... để phục vụ cho công tác điều hành, ứng phó và cảnh báo thiên tai tại địa phương. Năm 2020, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy đã phối hợp Công ty cổ phần NetPlus xây dựng phần mềm ứng dụng hỗ trợ việc điều hành, quản lý, ứng phó trong công tác sơ tán dân để phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

- Cơ sở hạ tầng đã từng bước được đầu tư, song chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiều hệ thống chưa được hoàn chỉnh nên hiệu quả chưa cao (hệ thống đê, kè sông...).

- Khi có thiên tai xảy ra, các trụ sở UBND quận, huyện, xã, phường, trường học, cơ sở tôn giáo, trụ Sở các cơ quan và một số khách sạn được trưng dụng để làm nơi tập kết sơ tán nhân dân khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Các công trình này đã được Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện tiến hành thẩm định hằng năm để đảm bảo về chất lượng công trình. Danh sách các công trình sử dụng là nơi tập kết sơ tán dân trong trường hợp thiên tai theo Phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai được phê duyệt hằng năm.

7. Đánh giá thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong chương trình, dự án, kế hoạch, quy hoạch của các ngành, phát triển kinh tế - xã hội

- Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 3799/QĐ-UBND ngày 22/5/2009 về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

- Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 25/8/2021 về việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo số 1398/SKHĐT-TH ngày 29 tháng 5 năm 2020 về việc báo cáo tình hình thực hiện nội dung lồng ghép phòng chống thiên tai.

- Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2021 về việc thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Năm 2020 và 2021, UBND thành phố đã quyết định bố trí kế hoạch vốn XDCB cho các dự án liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai với tổng số vốn là 337 tỷ đồng cho các công trình đê, kè chống sạt lở, các công trình cấp nước phục vụ công tác PCCC rừng,...

Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng cũng đã và đang tiếp nhận nhiều dự án do các tổ chức Quốc tế tài trợ, phối hợp thực hiện, điển hình như:

- Dự án Quản lý thiên tai WB5, từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới, nội dung: Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhóm hỗ trợ kỹ thuật cấp huyện về Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và giám sát, đánh giá; cho nhóm hỗ trợ kỹ thuật cấp xã, nhóm cộng đồng thôn, tuyên truyền viên về Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.[5]

- Dự án cung cấp trang thiết bị thông tin do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ tài trợ với các nội dung: Dự án triển khai xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, đồng thời cung cấp các trang thiết bị liên lạc qua sóng VHF bao gồm: bộ đàm cầm tay, bộ đàm trạm cố định, bộ đàm cơ động lắp trên xe, trạm lắp kỹ thuật số băng tần VHF, hệ thống liên lạc băng tần HF và hệ thống nhận dạng tự động... Mục đích của dự án là phục vụ công tác thông tin liên lạc và điều hành nhằm chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời, có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra;

- Dự án xây dựng Trung tâm Tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh (Trung tâm ENSURE Đà Nẵng) do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn quốc Koica tài trợ để phát hiện sớm và cung cấp kịp thời các thông tin về thiên tai, quản lý thông tin bão, lũ; liên kết với các cơ quan để cung cấp dịch vụ cứu hộ, cứu nạn trong lúc thiên tai theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 163/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 về việc thông qua Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế“ xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tình hình thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội theo Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT

- Các nội dung phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng hồ chứa, đê kè, hạ tầng giao thông,... với mục tiêu chủ động phòng, chống lụt bão, nước dâng, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại do thiên tai, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, góp phần bảo vệ, phát triển và cải tạo môi trường sinh thái.

- Các biện pháp ứng phó với thiên tai liên quan đến hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, BĐKH, đặc biệt là các giải pháp công trình để dự trữ nước, đảm bảo cấp nước an toàn đã được lồng ghép hiệu quả vào Đề án Tài nguyên nước mặt thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và triển khai thành các kế hoạch cụ thể: Kế hoạch dự trữ nước để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng mùa khô năm 2020 (Kế hoạch số 3076/KH-UBND ngày 11/5/2020); Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020 (Quyết định số 3583/QĐ-UBND ngày 3/7/2018); Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó các sự cố trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố (Kế hoạch số 698/KH-UBND ngày 10/2/2020); Kế hoạch số 2335/KH-UBND ngày 9/4/2020 của UBND thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch số 111-KH/TU của Thành ủy Đà Nẵng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;...

- Ở địa phương, các nội dung phòng, chống thiên tai được lồng ghép vào các hoạt động tại cộng đồng, các sự kiện văn hóa, biểu diễn văn nghệ; xây dựng pano, áp phích, bản đồ và bảng hướng dẫn, các bước cơ bản về phòng ngừa thích nghi, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; phổ biến kỹ năng xây nhà, chòi chống bão, lũ cho người dân,... Các địa phương xây dựng phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai ứng với các kịch bản hàng năm, phương án nêu rõ các nội dung ứng cứu cũng như kịch bản các tình huống khẩn cấp khi xảy ra thiên tai.

- Trong các đợt thiên tai, bão, lũ quét có tình trạng rác từ biển, hệ thống thoát nước trôi dạt dọc bờ biển thành phố Đà Nẵng, rác ứ đọng trên các tuyến đường phố, thành phố đã triển khai, huy động các lực lượng (Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, UBND các quận, các tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể,...) ra quân dọn vệ sinh môi trường sau bão lũ; kiểm tra việc vận hành an toàn các hạng mục kỹ thuật môi trường (các trạm xử lý nước thải tập trung, các cửa xả ven biển, khu xử lý rác Khánh Sơn,...).

- Hàng năm, thành phố tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về biến đổi khí hậu, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai tại cộng đồng và dành cho sinh viên; tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả Chương trình thí điểm về mô hình “Giảm rác thải nhựa”; thực hiện công tác báo cáo tổng hợp về chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hạn chế sau:

- Việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng của một số ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nên việc đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng giao thông đã ít nhiều có ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ, suy giảm diện tích mặt chứa, làm gia tăng nguy cơ rủi ro của thiên tai, ngập lụt.

- Nguồn kinh phí bố trí hằng năm từ ngân sách nhà nước để thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chưa được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, nhất là việc thực hiện các chương trình mục tiêu Kế hoạch thực hiện chiến lược giảm nhẹ thiên tai giai đoạn từ 2010 - 2020, Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, đê, kè.

8. Đánh giá về công tác phục hồi, tái thiết

Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã kiện toàn Ban cứu trợ thành phố Đà Nẵng tại Quyết định số 189/QĐ-MTTQ-BTT ngày 15 tháng 12 năm 2020 nhằm tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối, quản lý và sử dụng tiền, hàng từ các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ Nhân dân trong nước và trong thành phố khắc phục hậu quả do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng gây ra theo Nghị định số 64/2008NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 5 năm 2008 về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo nên công tác cứu trợ, phân phối tiền hàng cứu trợ đến nạn nhân nhanh hơn, công bằng hơn, kêu gọi được nhiều tổ chức tham gia cứu trợ; đã tổ chức động viên được toàn dân, các lực lượng xã hội, quân đội tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.

Công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai luôn được Thành ủy, UBND thành phố quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, lực lượng vũ hang. Ngay khi kết thúc đợt thiên tai, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá thiệt hại, xác định ưu tiên và xây dựng phương án khôi phục và tái thiết, huy động nguồn lực tại địa phương, bao gồm nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức và nhân dân tổ chức khôi phục và tái thiết. Trường hợp nhu cầu vượt quá khả năng nguồn lực của địa phương, Chủ tịch UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ. Trường hợp trong năm tài chính không đủ nguồn kinh phí khôi phục, tái thiết, địa phương bố trí vào kế hoạch tài chính năm sau để xử lý khôi phục và tái thiết.

Sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các sở, ngành, địa phương, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, đặc biệt là lực lượng vũ trang đã điều động nhiều lượt chiến sĩ, cán bộ nên công tác khắc phục thiên tai được kịp thời và nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ khó khăn trước mắt để nhân dân khôi phục sản xuất.

Giai đoạn 2013 - 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan khảo sát, lập kế hoạch bố trí ổn định dân cư tránh vùng thiên tai sạt lở, lũ quét và đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt gồm:

- Kế hoạch di dân tránh vùng thiên tai sạt lở, lũ quét, rừng phòng hộ đầu nguồn, giai đoạn 2013 - 2015 được phê duyệt tại Quyết định số 1502/QĐ-UBND ngày 26 tháng 3 năm 2013.

- Kế hoạch bố trí dân cư tránh vùng thiên tai, sạt lở, lũ quét, rừng phòng hộ đầu nguồn giai đoạn 2016-2020 và được phê duyệt tại Quyết định số 3013/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2016.

Trên cơ sở các Kế hoạch đã được phê duyệt, quận, huyện đã tổ chức thực hiện công tác bố trí ổn định dân cư như sau:

- Giai đoạn 2013 - 2015: Hỗ trợ bố trí ổn định dân cư cho 08 hộ, trong đó: Di dời xen ghép khu dân cư: 03 bộ. Di dời bố trí vào vùng dự án: 05 hộ.

- Trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã thực hiện di dân và bố trí ổn định dân cư 117 hộ (năm 2016: 17 hộ, năm 2017: 22 hộ, năm 2018: 40 hộ, năm 2019: 38 hộ, năm 2020: 31 hộ). Trong đó:

Hộ di dời xen ghép vào khu dân cư tránh vùng sạt lở bờ sông: 11 hộ.

Hộ nằm trong vùng ngập lụt sâu ổn định tại chỗ: 137 hộ.

Tổng kinh phí để thực hiện công tác di dân vốn sự nghiệp kinh tế đã giải ngân từ năm 2016 - 2020 là 3.179.000.000 đồng.

9. Nguồn lực tài chính

Nguồn lực tài chính thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố bao gồm, đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua nội dung lồng ghép) bao gồm: Ngân sách chi thường xuyên, ngân sách chi đầu tư phát triển, dự phòng ngân sách nhà nước, các quỹ dự trữ tài chính, nguồn vốn ODA, nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn hợp pháp khác.

- Hằng năm, ngân sách thành phố và ngân sách quận, huyện có trích nguồn dự phòng ngân sách để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Quỹ Phòng, chống thiên tai thành phố được tổ chức thực hiện từ năm 2016 đến nay là nguồn kinh phí chi hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

- Ngân sách các sở ngành, đơn vị, địa phương đầu tư, trang bị những điều kiện thiết yếu phục vụ công tác thông tin phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố theo phương châm “bốn tại chỗ”.

- Huy động nguồn lực khác: Kêu gọi, vận động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.

Trong những năm gần đây, nguồn lực tài chính của thành phố là cơ bản đáp ứng nhu cầu thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố.

Chương V

CÁC LOẠI HÌNH THIÊN TAI VÀ ĐÁNH GIÁ RỦI RO THIÊN TAI

I. XÁC ĐỊNH VÀ ĐÁNH GIÁ RỦI RO THIÊN TAI

1. Xác định loại hình thiên tai thường gặp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Các loại hình thiên tai điển hình thường xảy ra hoặc có nguy cơ tác động trực tiếp và ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng là: Lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, nước dâng, hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, mưa lớn, cháy rừng do tự nhiên, lốc, sét, mưa đá.

2. Phân loại cấp độ rủi ro thiên tai

Cấp độ rủi ro là sự phân định mức độ thiệt hại do thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội. Cấp độ rủi ro thiên tai theo Quyết định số Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai. Trong đó rủi ro thiên tai được phân thành 5 cấp, từ cấp 1 đến cấp 5:

- Cấp 1: màu xanh dương nhạt là rủi ro nhỏ.

- Cấp 2: màu vàng nhạt là rủi ro trung bình.

- Cấp 3: màu da cam là rủi ro lớn.

- Cấp 4: màu đỏ là rủi ro rất lớn.

- Cấp 5: màu tím là thảm họa.

Dưới đây là cấp độ rủi ro thiên tai do một số thiên tai chính đối với thành phố Đà Nẵng:

a) Bão, áp thấp nhiệt đới: thường xảy ra từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm, tập trung chủ yếu vào các tháng 9, 10 và 11; một số năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, có khi xuất hiện sớm và kết thúc muộn hơn, cường độ mạnh và diễn biến bất thường. Cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 3 đến cấp 5.

Cấp ATNĐ, bão

Loại bão

Cấp độ rủi ro

6-9

ATNĐ, bão

3

3

10-11

Bão mạnh

3

3

12-13

Bão rất mạnh

3

 

14-15

Bão rất mạnh

 

 

≥16

Siêu bão

 

 

Khu vực ảnh hưởng

Đất liền

Biển Đông

Cấp độ rủi ro thiên tai bão, áp thấp nhiệt đới được xem xét xác định tăng lên 1 cấp khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

- Áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông, vùng biển ven bờ kết hợp với hoạt động của gió mùa Đông Bắc, gió mùa Tây Nam mạnh.

- Áp thấp nhiệt đới, bão trên đất liền nơi đang xảy ra mưa lớn, lũ, ngập lụt lớn hoặc trùng với thời kỳ triều cường, nước biển dâng cao ở vùng ven bờ.

BẢN ĐỒ PHÂN BỐ TỐC ĐỘ GIÓ MẠNH NHẤT DO BÃO ĐỔ BỘ TRỰC TIẾP VÀO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

PHẦN ĐẤT LIỀN

Nguồn: Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ

b) Cấp độ rủi ro do lũ, ngập lụt vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn

Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt được xem xét xác định tăng lên 1 cấp, đến cấp cao nhất là cấp 5, khi có tổ hợp tác động của áp thấp nhiệt đới, bão có cấp độ rủi ro thiên tai thấp hơn cấp độ rủi ro của lũ, ngập lụt; được tăng lên 2 cấp đến cấp cao nhất là cấp 5 khi có tổ hợp tác động của áp thấp nhiệt đới, bão và sự cố vỡ đập hồ chứa ở thượng nguồn.

Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt khi có tổ hợp tác động của áp thấp nhiệt đới, bão có cấp độ rủi ro thiên tai bằng hoặc lớn hơn cấp độ rủi ro của lũ, ngập lụt, được xem xét xác định theo cấp độ rủi ro thiên tai của bão, áp thấp nhiệt đới.

Mực nước lũ

Cấp độ rủi ro

>BĐ III

3

BĐ II - BĐ III

2

BĐ I - BĐ II

1

Khu vực xảy ra lũ, ngập lụt

Hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn

 

Bản đồ ngập lụt thành phố Đà Nẵng mức báo động III

c) Cấp độ rủi ro do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

Rủi ro thiên tai do lũ quét được xem xét xác định ở mức độ rủi ro cao hơn một cấp, đến cấp cao nhất là cấp 3, trong trường hợp tổ hợp tác động của nhiều thiên tai nguy hiểm khác như mưa rất to kéo dài, sạt lở đất trên diện rộng ở khu vực xảy ra lũ quét.

Vùng có nguy cơ

Cấp độ rủi ro

Rất cao

2

3

3

Cao

1

2

2

Trung bình

-

1

2

Thấp

-

-

1

Tổng lượng mưa 24 giờ (mm)

100-200

200-400

>400

Thời gian mưa trước đó (ngày)

1-2

>2

Khu vực xảy ra

Các xã Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Bắc, Hòa Liên, Hoà Sơn và Hòa Ninh, huyện Hòa Vang; phường Thọ Quang, quận Sơn Trà; Phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu

d) Cấp độ rủi ro do mưa lớn

Lượng mưa phân bố không đều, thường tập trung chủ yếu vào tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Tổng lượng mưa năm trung bình trong cả giai đoạn 2016-2020 là 2.516 mm, các năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu các trận mưa có xu thế tập trung, cường độ cao, nên thường xuất hiện lũ. Rủi ro thiên tai do mưa lớn thường xảy ra từ cấp 1 đến cấp 3 và phạm vi ảnh hưởng trên toàn thành phố.

Lượng mưa (mm)

Cấp độ rủi ro

> 400/24 giờ

3

3

 

3

 

 

200 - 400/24

2

3

3

2

3

 

100 200/24 giờ hoặc 50-100/12 giờ

1

2

2

1

2

3

Khu vực ảnh hưởng

Đồng bằng, ven biển

Trung du, miền núi

Thời gian kéo dài đợt mưa (ngày)

1-2

2-4

>4

1-2

2-4

>4

đ) Cấp độ rủi ro do gió mạnh trên biển

Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển được xem xét xác định tăng thêm một cấp, đến cấp cao nhất là cấp 4, khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

- Gió mạnh trên biển xảy ra đồng thời với hoạt động của áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông hoặc vùng biển ven bờ;

- Gió mạnh trên biển xảy ra vào đầu mùa hoặc cuối mùa bão và duy trì trong nhiều ngày liên tục.

Cấp gió

Cấp độ rủi ro

≥ 9

3

2

7-8

3

2

6

2

 

Khu vực ảnh hưởng

Vùng biển ven bờ

Vùng biển ngoài khơi (bao gồm cả các đảo, quần đảo)

e) Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá

Phạm vi và khu vực ảnh hưởng

Cấp độ rủi ro

Từ 1/2 số quận (huyện), phường (xã) trở lên của thành phố

2

Dưới 1/2 số quận (huyện), phường (xã) trong phạm vi thành phố

1

f) Cấp độ rủi ro do nắng nóng

Nhiệt độ cao nhất trong ngày (°C)

Cấp độ rủi ro

>41

1

2

3

 

39-41

1

2

2

3

37-39

-

-

-

-

Thời gian kéo dài (ngày)

3-5

5-10

10-25

>25

g) Cấp độ rủi ro do hạn hán

Khoảng thời gian lượng mưa tháng thiếu hụt trên 50% trong khu vực (tháng)

Cấp độ rủi ro

Trên 5

2

3

 

Trên 3 đến 5

1

3

 

Từ 2 đến 3

1

2

3

Thiếu hụt nguồn nước trong khu vực hạn hán (%)

20-50

50-70

>70

h) Cấp độ rủi ro do xâm nhập mặn

Khoảng cách xâm nhập sâu trong

Cấp độ rủi ro

sông

3

 

>90 km

3

3

Trên 50-90 km

2

2

Trên 25-50 km

1

2

Từ 15-25 km

 

1

Độ mặn

1 Ê

4 Ê

i) Cấp độ rủi ro nước dâng

Độ cao mực nước ven biển (tính từ mực nước biển trung bình) (m)

Cấp độ rủi ro

>6

 

5-6

 

4-5

 

3-4

 

2-3

3

1-2

2

Khu vực ảnh hưởng

Dải ven biển thành phố Đà Nẵng

k) Cấp độ rủi ro do sóng thần

Độ cao sóng H (m)

Cường độ sóng thần

Cấp độ rủi ro

<2m

VI

1

2-4

VII-VIII

2

4-8

IX-X

3

8-16

XI

4

>16

XII

5

l) Cấp độ rủi ro do cháy rừng tự nhiên

Vùng ảnh hưởng

Nhiệt độ cao nhất ngày (°C)

Độ ẩm không khí trung bình ngày (%)

Tốc độ gió cao nhất ngày (km/h)

Cấp độ rủi ro

Vùng rừng ngập mặn phen, rừng ngập nước mặn ngọt thường xuyên

>40

<40

<1,5

1

1

1

1

1

35-40

40-50

1,5-2

1

1

1

1

1

30-35

50-60

2-2,5

1

1

1

1

1

Rừng phi lao chắn cát ven biển

>40

<40

<1,5

1

1

2

3

4

35-40

40-50

1,5-2

1

1

2

2

3

30-35

50-60

2-2,5

1

1

1

2

3

Rừng trồng hỗn hợp giao cây bản địa, rừng trồng thuần loại cây khó cháy

>40

<40

<1,5

1

2

3

3

4

35-40

40-50

1,5-2

1

2

3

3

4

30-35

50-60

2-2,5

1

2

3

3

4

Rừng tràm, rừng giang, tre, nứa đã thành thục tự nhiên, rừng trồng các loại cây dễ cháy

>40

<40

<1,5

1

2

3

4

5

35-40

40-50

1,5-2

1

2

3

4

5

30-35

50-60

2-2,5

1

2

3

4

5

Thời gian kéo dài (ngày)

3-5

5-10

10-15

15-20

>20


2. Mức độ dễ bị tổn thương do các loại hình thiên tai

a) Bão, áp thấp nhiệt đới

STT

Cấp độ rủi ro

Cấp ATNĐ, bão

Mức độ dễ bị tổn thương

Khu vực ảnh hưởng

Thấp

Trung bình

Cao

 

1

Cấp độ 3

6-9

X

 

 

Đất liền, Biển Đông

10-11

 

X

 

Đất liền, Biển Đông

12-13

 

 

X

Đất liền

2

Cấp độ 4

12-13

 

 

X

Biển đông

14-15

 

 

X

Đất liền, Biển Đông

3

Cấp độ 5

≥ 16

 

 

X

Đất liền, Biển Đông

b) Lũ, ngập lụt vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn

STT

Lưu vc\ Cấp độ rủi ro

Sông Vu Gia

Mực nước lũ (theo cấp báo động)

Mức độ dễ bị tổn thương

Thấp

Trung bình

Cao

1

Cấp độ 1

BĐI-BĐ II

X

 

 

2

Cấp độ 2

BĐ II - BĐ III

 

X

 

3

Cấp độ 3

>BĐ III

 

 

X

c) Lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

STT

Cấp độ rủi ro

Tổng lượng mưa trong 24 giờ (mm)

Thời gian mưa trước đó (ngày)

Mức độ dễ bị tổn thương

Vùng có nguy

Thấp

Trung bình

Cao

 

1

Cấp độ 1

100-200

1-2

 

X

 

Cao

200-400

>2

 

X

 

Trung bình

>400

>2

 

X

 

Thấp

2

Cấp độ 2

100-200

1-2

 

 

X

Rất cao

200-400

>2

 

 

X

Cao

>400

>2

 

 

X

Trung bình

3

Cấp độ 3

200-400

>2

 

 

X

Rất cao

>400

>2

 

 

X

Rất cao

d) Mưa lớn

TT

Cấp độ rủi ro

Chi tiết về lượng mưa

Mức độ dễ bị tn thương

Khu vực ảnh hưởng

Lượng mưa trong 24 giờ (hoặc trong 12 giờ) (mm)

Thời gian kéo dài (ngày)

Thấp

Trung bình

Cao

 

1

Cấp độ 1

100-200/24 hoặc 50-100/12

1-2

X

 

 

Đồng bằng, ven biển và Trung du miền núi

2

Cấp độ 2

100-200/24 hoặc 50-100/12

2-4

 

X

 

Đồng bằng, ven biển và Trung du, miền núi

100-200/24 hoặc 50-100/12

>4

 

 

X

Đồng bằng, ven biển

200-400/24

1-2

 

 

X

Đồng bằng, ven biển và Trung du, miền núi

3

Cấp độ 3

100-200/24 hoặc 50-100/12

>4

 

 

X

Trung du, miền núi

200-400/24

2-4

 

 

X

Đồng bằng, ven biển và Trung du, miền núi

200-400/24

>4

 

 

X

Đồng bằng, ven biển

>400/24

1-2

 

 

X

Đồng bằng, ven biển và Trung du, miền núi

>400/24

2-4

 

 

X

Đồng bằng, ven biển

4

Cấp độ 4

200-400/24

>4

 

 

X

Trung du, miền núi

>400/24

2-4

 

 

X

Trung du, miền núi

>400/24

>4

 

 

X

Đồng bằng, ven biển và Trung du, miền núi

đ) Gió mạnh trên biển

STT

Cấp độ rủi ro

Cấp độ gió mạnh

Mức độ dễ bị tổn thương

Khu vực ảnh hưởng

Thấp

Trung bình

Cao

1

Cấp độ 2

6

X

 

 

Vùng biển ven bờ

7-8

 

X

 

Vùng biển ngoài khơi (bao gồm cả các đảo, quần đảo)

>9

 

 

X

Vùng biển ngoài khơi (bao gồm cả các đảo, quần đảo)

2

Cấp độ 3

7-8

 

X

 

Vùng biển ven bờ

>9

 

 

X

Vùng biển ven bờ

e) Lốc, sét, mưa đá

STT

Cấp độ rủi ro

Phạm vi và khu vực ảnh hưởng

Mức độ dễ bị tổn thương

Thấp

Trung bình

Cao

1

Cấp độ 1

Toàn thành phố

X

 

 

2

Cấp độ 2

Toàn thành phố

 

X

 

f) Nắng nóng

STT

Cấp độ rủi ro

Chi tiết về mức độ nắng nóng

Mức độ dễ bị tổn thương

Nhiệt độ cao nhất (°c)

Thời gian kéo dài (ngày)

Thấp

Trung bình

Cao

1

Cấp độ 1

39-41

3-5

X

 

 

>41

3-5

 

X

 

2

Cấp độ 2

39-41

5-10

 

X

 

39-41

10-25

 

 

X

>41

10-25

 

 

X

3

Cấp độ 3

39-41

>25

 

 

X

>41

10-25

 

 

X

4

Cấp độ 4

>41

>25

 

 

X

g) Hạn hán

STT

Cấp độ rủi ro

Chi tiết lượng nước thiếu hụt

Mức độ dễ bị tổn thương

Khoảng thời gian lượng mưa tháng thiếu hụt trên 50% trong khu vực (tháng)

Thiếu hụt nguồn nước mặt trong khu vực (%)

Thấp

Trung bình

Cao

1

Cấp độ 1

2-5

20-50

X

 

 

2

Cấp độ 2

>5

20-50

 

X

 

2-3

50-70

 

X

 

3

Cấp độ 3

>3

50-70

 

 

X

2-3

>70

 

 

X

3

Cấp độ 4

>3

>70

 

 

X

h) Cấp độ rủi ro do xâm nhập mặn

STT

Cấp độ rủi ro

Chi tiết về mức độ xâm nhập mặn

Mức đ dễ bị tổn thương

Độ mặn (‰)

Khoảng cách xâm nhập sâu trong sông (km)

Thấp

Trung bình

Cao

1

Cấp độ 1

1

25-50

 

X

 

4

15-25

 

 

X

2

Cấp độ 2

1

50-90

 

 

X

4

25-50

 

 

X

3

Cấp độ 3

1

>90

 

 

X

4

50-90

 

 

X

4

Cấp độ 4

4

>90

 

 

X

i) Cấp độ rủi ro nước dâng

STT

Cấp độ rủi ro

Độ cao nước dâng kết hợp với thủy triều (tính từ mực nước biển trung bình) (m)

Mức độ dễ bị tổn thương

Thấp

Trung bình

Cao

2

Cấp độ 2

1-2

X

 

 

3

Cấp độ 3

2-3

 

X

 

4

Cấp độ 4

>3

 

 

X

k) Sóng thần

STT

Cấp độ rủi ro

Độ cao sóng (m)

Cường độ sóng thần

Mức độ dễ bị tổn thương

Thấp

Trung bình

Cao

2

Cấp độ 1

<2

VI

 

X

 

2

Cấp độ 2

2-4

VII-VIII

 

 

X

3

Cấp độ 3

4-8

IX-X

 

 

X

4

Cấp độ 4

8-16

XI

 

 

X

5

Cấp độ 5

>16

XII

 

 

X

l) Cấp độ rủi ro do cháy rừng tự nhiên

STT

Vùng ảnh hưởng

Cấp độ rủi ro

Yếu tố thời tiết

Thời gian kéo dài (ngày)

Mức độ dễ bị tổn thương

Nhiệt độ cao nhất ngày (oc)

Độ ẩm không khí trung bình ngày (%)

Tốc độ gió cao nhất ngày (km/h)

Thấp

Trung bình

Cao

1

Vùng rừng ngập mặn phèn, rừng ngập nước mặn ngọt thường xuyên

Cấp độ 1

>30

<60

<2,5

>20

X

 

 

2

Rừng phi lao chắn cát ven biển

Cấp độ 1

>30

<60

<2,5

>20

X

 

 

Cấp độ 2

>30

<60

<2,5

<20

 

X

 

Cấp độ 3

>30

<60

<2,5

>20

 

 

X

Cấp độ 4

>40

<40

<1,5

>20

 

 

X

3

Rừng trồng hỗn hợp giao cây bản địa, rừng trồng thuần loại cây khó cháy

Cấp độ 1

>30

<60

<2,5

3-5

X

 

 

Cấp độ 2

>30

<60

<2,5

5-10

 

X

 

Cấp độ 3

>30

<60

<2,5

10-20

 

 

X

Cấp độ 4

>30

<60

<2,5

>20

 

 

X

4

Rừng tràm, rừng giang, tre, nứa đã thành thục tự nhiên, rừng trồng các loại cây dễ cháy

Cấp độ 1

>30

<60

<2,5

3-5

X

 

 

Cấp độ 2

>30

<60

<2,5

5-10

 

X

 

Cấp độ 3

>30

<60

<2,5

10-15

 

 

X

Cấp độ 4

>30

<60

<2,5

15-20

 

 

X

Cấp độ 5

>30

<60

<2,5

>20

 

 

X

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

1. Các thiên tai lớn trong thời gian qua trên địa bàn thành phố

Thành phố Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nơi giao thoa giữa khí hậu biển và khí hậu lục địa, nằm gần ổ bão Thái Bình Dương nên thường xuyên phải đối mặt với bão, áp thấp nhiệt đới. Đồng thời nằm ở hạ du của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, một trong 10 hệ thống sông lớn của Việt Nam có diện tích trên 10.000 km2 với đặc điểm chính là có chiều dài sông ngắn, độ dốc địa hình lớn, lũ về hạ du rất nhanh, thường xuyên gây ngập lụt ở vùng trung du và đồng bằng ven biển. Khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng có lượng mưa lớn so với cả nước, lượng mưa trung bình ở vùng đồng bằng từ 2.000 - 3.000mm, vùng trung du và miền núi từ 3.000 - 4.000 mm, đặc biệt vùng núi Trà My và Bà Nà là 02 trung tâm mưa lớn, lượng mưa bình quân năm xấp xỉ 4.000 - 5.000 mm do vậy tình hình mưa lũ ở khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng là tương đối lớn và xuất hiện thường xuyên. Theo thống kê, các loại hình thiên tai điển hình thường xảy ra hoặc có nguy cơ tác động trực tiếp và ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng là Lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, nước dâng, hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, mưa lớn, cháy rừng do tự nhiên, lốc, sét, mưa đá. Trung bình hằng năm thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của 1-2 cơn bão mạnh trên cấp 10, 1-2 đợt lũ, lụt lớn trên mức báo động III.

Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu đến nước ta ngày càng biểu hiện rõ nét hơn khi mà số lượng, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và khó dự báo.

Các thiên tai lớn trong thời gian qua trên địa bàn thành phố là:

a) Bão

- Bão Xangsane số 6 năm 2006 đổ bộ vào Đà Nẵng, cường độ cấp 13, giật cấp 14, cấp 15.

- Bão Ketsana, số 9 năm 2009 ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng với cấp 8, cấp 9.

- Bão số 8 năm 2013.

- Bão Nari, số 11 năm 2013.

- Bão số 3 năm 2015.

- Bão số 9 năm 2020.

b) Lũ và lũ quét

- Lũ đặc biệt lớn năm 1998, đỉnh lũ tại Cẩm Lệ là 3,31 m, cao hơn mức Báo động III đến 0,81 m.

- Lũ đặc biệt lớn năm 1999, đỉnh lũ tại Cẩm Lệ là 4,28 m, cao hơn mức Báo động III đến 1,78 m, tương đương với lũ lịch sử năm Thìn 1964.

- Lũ quét lịch sử năm 1999 trên 2 sông Túy Loan và Cu Đê.

- Lũ quét trên sông Cu Đê năm 2005.

- Lũ đặc biệt lớn năm 2007, đỉnh lũ tại Cẩm Lệ là 3,98m, trên mức Báo động III đến 1,48 m.

- Lũ quét trên 2 sông Cu Đê và Túy Loan năm 2007.

- Lũ đặc biệt lớn năm 2009 trên sông Vu Gia, đỉnh lũ tại Cẩm Lệ là 3,16 m, cao hơn mức Báo động III đến 0,66 m.

- Lũ lớn năm 2011 mực nước tại Cẩm Lệ là 2,81 m.

- Lũ lớn năm 2013, mực nước tại Cẩm Lệ là 2,67 m.

c) Thiếu nước, nhiễm mặn

Trong những năm gần đây tình hình hạn hán, thiếu nước liên tiếp xảy ra với mức độ nghiêm trọng. Đặc biệt từ khi thủy điện ĐakMi4 (trong hệ thống thủy điện sông Vu Gia - Thu Bồn) đi vào hoạt động đã làm tăng hẳn mức độ thiếu nước, nhiễm mặn trên các sông Cầu Đỏ, Vĩnh Điện thuộc thành phố Đà Nẵng. Các nguyên nhân chính của quá trình xâm nhập mặn trong thời gian vừa qua là do dòng chảy thượng lưu về cửa sông không đủ để đẩy mặn. Trong khi đó dòng chảy mùa kiệt về hạ lưu phụ thuộc vào các yếu tố sau:

- Yếu tố khí hậu như lượng mưa trên lưu vực, bốc hơi mặt đất mặt nước, mức độ giữ nước ngầm như bề mặt thảm phủ.

- Do địa hình lòng sông luôn biến động lớn sau mùa lũ, tại nơi phân lưu dòng chảy lũ đã gây bồi lấp như khu vực Quảng Huế và ngã ba sông Ái Nghĩa, Yên, Lạc Thành.

- Thủy điện Đak Mi 4 vận hành phát điện chuyển dòng từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn làm cho dòng chảy cơ bản về sông Vu Gia thiếu hụt.

Trong các năm gần đây xâm nhập mặn thường xảy ra thường xuyên đe dọa nguồn nước ngọt phục vụ cho cấp nước sinh hoạt và nông nghiệp. Trên sông Cầu Đỏ có thời điểm nhiễm mặn vào sâu đến hạ lưu đập dâng An Trạch, không thể lấy nước trực tiếp trên sông phục vụ cho nhà máy nước Cầu Đỏ mà phải sử dụng nguồn nước thô từ An Trạch chuyển về. Trên sông Vĩnh Điện mặn xâm nhập sâu vào sông, để ngăn mặn giữ nước ngọt cho trạm bơm Tứ Câu hằng năm tỉnh Quảng Nam đã xây dựng đập tạm ngăn mặn.

2. Thiệt hại do thiên tai

Theo số liệu thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố về thiên tai cho thấy từ năm 1998 đến năm 2020 đã có hơn 30 cơn bão, 14 áp thấp nhiệt đới và 48 đợt lũ tác động trực tiếp và ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng, gây thiệt hại nặng nề. Trong đó có một số thiệt hại lớn, thường xảy ra trên địa bàn thành phố như sau:

- Người chết, người bị thương: 447 người.

- Nhà sập, hư hỏng: 146.494 cái.

- Tàu thuyền bị hư hỏng, chìm, mất tích: 436 chiếc.

- Diện tích rừng bị hư hại: 33.957 ha.

- Diện tích lúa, hoa màu bị hư hại: 23.073 ha.

- Gia súc, gia cầm bị trôi chết: 3.151.071 con.

- Ngoài ra còn có các công trình hạ tầng, thủy lợi, giao thông bị trôi, sạt lở, hư hỏng, bồi lấp,...

3. Những khu vực thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của thiên tai

a) Khu vực Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa và ven biển thành phố Đà Nẵng

- Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km trải dài từ Bắc tới Nam, Biển Đông nằm trải dài từ xích đạo đến chí tuyến bắc, có diện tích là 3.447.000km2, trong đó vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam nằm ở phía Đông của lãnh thổ có diện tích biển khoảng trên 1.000.000 km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông.

- Vùng Biển Đông và ven biển thành phố Đà Nẵng chủ yếu chịu ảnh hưởng của ba loại hình thiên tai chính là bão, áp thấp nhiệt đới; gió mạnh trên biển và sóng thần:

Ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới trên toàn bộ khu vực Biển Đông. Từ năm 1998 đến năm 2018 đã có 171 cơn bão xuất hiện hoặc di chuyển từ vùng biển khác vào Biển Đông, trong đó có 30 cơn bão và 14 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng. Đối với nước ta nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, đối tượng bị thiệt hại chủ yếu là ngư dân đánh bắt thủy sản trên biển. Từ năm 1998 đến nay, bão và áp thấp nhiệt đới đã làm cho gần 119 ngư dân Đà Nẵng chết và mất tích, 149 tàu bị chìm và mất tích.

Gió mạnh trên biển

Các tác động của gió mạnh và sóng biển tạo áp lực lên vỏ tàu gây ra các vết nứt, gãy lên tàu. Đồng thời làm giảm tính ổn định của tàu (tàu bị tròng trành). Các thiệt hại khi có gió mạnh, sóng lớn thường là: nước tràn vào buồng máy làm động cơ không hoạt động, gãy chân vịt,... Ngoài ra, điều kiện làm việc và sinh hoạt của ngư dân sẽ khó khăn hơn do tàu bị rung lắc mạnh, dễ bị tai nạn. Từ năm 1998 đến nay, có 187 tàu thuyền bị hư hỏng do ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn trên biển.

Ảnh hưởng của sóng thần

Vịnh Đà Nẵng: Toàn bộ vùng biển của vịnh.

Biển ngang: Vùng ảnh hưởng là vùng có độ sâu nhỏ hơn 30m; dự kiến tại đây độ cao sóng là 3,5m, chu kỳ sóng khoảng 5km (nằm trong vùng từ bờ ra đường đẳng sâu 30m; cách về phía đông 5km đối với hòn Sơn Trà con, 7km đối với cửa vịnh Đà Nẵng, 6km đối với mũi Đà Nẵng (Mũi Nghề); 20km đối với núi Ngũ Hành Sơn).

Hải đảo: Vùng nguy hiểm là toàn bộ huyện đảo Hoàng Sa.

b) Khu vực đất liền

Khu vực đất liền thành phố Đà Nẵng bao gồm có 08 quận, huyện là Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa với 56 xã, phường. Mức độ bị ảnh hưởng đối với từng loại hình thiên tai của từng vùng là khác nhau:

- Vùng bị ảnh hưởng của bão, ATNĐ: Toàn thành phố Đà Nẵng đều chịu tác động trực tiếp của bão, trong đó các địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng nề và thiệt hại nhiều nhất là các quận ven biển và huyện Hòa Vang, cụ thể như sau:

Quận Liên Chiểu: Các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc.

Quận Thanh Khê: Các phường Tam Thuận, Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây.

Quận Hải Châu: Các phường Thanh Bình, Thuận Phước.

Quận Sơn Trà: Các phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang, An Hải Bắc, An Hải Tây, Mân Thái, Phước Mỹ.

Quận Ngũ Hành Sơn: Các phường Mỹ An, Khuê Mỹ và Hòa Hải.

Huyện Hòa Vang: 11 xã thuộc huyện Hòa Vang.

- Vùng bị ảnh hưởng của lũ, ngập lụt.

Vùng bị ảnh hưởng của lũ, ngập lụt: chủ yếu nằm ở các địa phương phía Tây Nam thành phố, bao gồm:

Huyện Hoà Vang: Các xã: Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Liên, Hoà Phú, Hoà Bắc, Hoà Nhơn

Quận Cẩm Lệ: Các phường: Hòa Thọ Tây, Hòa Thọ Đông.

Quận Ngũ Hành Sơn: Các phường Hòa Quý, Hòa Hải.

Quận Liên Chiểu: Phường Hòa Hiệp Nam, phường Hòa Hiệp Bắc, phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam.

- Vùng ảnh hưởng của mưa lớn: toàn địa bàn thành phố

Khu vực huyện Hoà Vang, quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu gây lũ, ngập lụt khu dân cư ven sông và vùng trũng thấp.

Khu vực đô thị các quận: Gây ngập các khu vực trũng, thấp, khu vực hệ thống thoát nước đô thị chưa đảm bảo.

- Vùng bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, đá.

Vùng bị ảnh hưởng lũ quét:

Huyện Hòa Vang: Bao gồm 06 xã: Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hoà Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Phong và Hòa Liên nằm dọc theo 02 sông Tuý Loan, Cu Đê.

Quận Liên Chiểu: Phường Hòa Hiệp Bắc nằm dọc theo sông Cu Đê.

Khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất bao gồm 06 xã, phường:

Xã Hòa Phú: Các thôn: Đông Lâm, Hội Phước, Hòa Phước, An Châu và đường ĐT 604 đoạn Dốc Kiền.

Xã Hòa Bắc: Các thôn: Nam Yên, Hội Yên, Nam Mỹ (tổ 1), Phò Nam (tổ 1 và 2), An Định và đường ĐT 601 đoạn từ xã Hòa Liên đi xã Hòa Bắc.

Xã Hòa Ninh: Các thôn: Thôn 1, Đông Son, An Son, An Ngãi Đông và đường ĐT 602 đoạn đèo ông Gấm, khu vực núi Bà Nà.

Xã Hoà Sơn: Khu vực núi Sọ.

Phường Hòa Hiệp Bắc: Khu vực suối Lương và đường Quốc lộ 1 đoạn lên đèo Hải Vân.

Phường Thọ Quang: Khu vực Suối Đá và đường Hoàng Sa đoạn lên núi Sơn Trà.

- Vùng ảnh hưởng của sạt lở bờ biển, xâm thực biển: Bao gồm bờ biển các quận ven biển Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn với chiều dài khoảng 30 km, cụ thể như sau:

Quận Liên Chiểu: Bờ biển các phường: Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc và vùng cửa sông Cu Đê.

Quận Thanh Khê: Bờ biển thuộc các phường: Tam Thuận, Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây.

Quận Sơn Trà: Vùng cửa Sông Hàn, vùng bờ các phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang khu vực vịnh Đà Nẵng; vùng bờ biển Bãi ngang thuộc các phường: Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ.

Quận Ngũ Hành Sơn: Bờ biển các phường: Mỹ An, Khuê Mỹ và Hòa Hải.

- Vùng bị ảnh hưởng sạt lở ven sông: Bao gồm gồm 15 xã, phường với 1.680 hộ dân nằm dọc theo các Sông Yên, sông Cu Đê, sông Túy Loan, sông Quá Giáng, sông Cầu Đỏ, sông Vĩnh Điện, cụ thể:

Huyện Hoà Vang: Bao gồm các xã: Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Liên nằm dọc theo các Sông Yên, sông Cu Đê, sông Túy Loan, sông Quá Giáng, sông Cầu Đỏ, sông Vĩnh Điện.

Quận Cẩm Lệ: Bao gồm các phường: Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Hòa Xuân nằm dọc theo các sông Quá Giáng, sông Cầu Đỏ, sông Vĩnh Điện.

Quận Liên Chiểu: Bao gồm 02 phường: Hoà Hiệp Bắc và Hoà Hiệp Nam nằm dọc theo sông Cu Đê.

Quận Ngũ Hành Sơn: Bao gồm 02 phường: Mỹ An và Hòa Quý nằm dọc theo sông Vĩnh Điện.

- Vùng ảnh hưởng của sóng thần, nước biển dâng: Bao gồm các quận ven biển: Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê và Liên Chiểu với tổng diện tích ước khoảng 25,56 km2, dân số khoảng 153.272 người, cụ thể như sau:

Quận Liên Chiểu: Vùng đất bằng ven biển thuộc các phường: Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc và vùng cửa sông Cu Đê có diện tích ước khoảng 4,7km2, dân số khoảng 39.348 người.

Quận Thanh Khê: Vùng đất bằng ven biển thuộc các phường: Tam Thuận, Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây có diện tích ước khoảng 2,1 km2, dân số khoảng 15.416 người.

Quận Hải Châu: Vùng đất bằng ven biển thuộc các phường: Thanh Bình, Thuận Phước và vùng cửa Sông Hàn (bờ tả) thuộc các phường: Thạch Thang, Hải Châu 1, Phước Ninh, có diện tích ước khoảng 2,8 km2, dân số khoảng 19.135 người.

Quận Sơn Trà: Vùng ven vịnh Đà Nẵng thuộc các phường: Nại Hiên Đông, Thọ Quang; vùng cửa Sông Hàn (bờ hữu) thuộc các phường: Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, An Hải Tây; vùng đất bằng ven biển Bãi ngang thuộc các phường: Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ có diện tích ước khoảng 8,4 km2, dân số khoảng 47.320 người.

Quận Ngũ Hành Sơn: Các phường: Mỹ An, Khuê Mỹ và Hòa Hải, có diện tích ước khoảng 8,56 km2, dân số khoảng 31.260 người.

Du khách tắm biển (lúc cao nhất), trường học, trạm xá, ngư dân trên vịnh Đà Nẵng và ven bờ,... khoảng 32.000 người.

- Vùng ảnh hưởng của hạn hán: Toàn địa bàn huyện Hoà Vang, phường Hoà Quý quận Ngũ Hành Sơn, phường Hoà Thọ Tây quận Cẩm Lệ.

- Vùng ảnh hưởng của nắng nóng, xâm nhập mặn: Xâm nhập mặn trên các sông gây thiếu nguồn nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất và và nắng nóng ảnh hưởng trên toàn địa bàn thành phố.

- Vùng ảnh hưởng của cháy rừng do tự nhiên: Chủ yếu trên địa bàn các địa phương huyện Hoà Vang, quận Liên Chiểu và quận Sơn Trà.

Huyện Hoà Vang: Các xã: Hoà Bắc, Hoà Phú, Hoà Sơn, Hoà Ninh, Hoà Liên, Hoà Khương, Hoà Phong, Hoà Nhơn.

Quận Liên Chiểu: Phường Hoà Hiệp Bắc.

Quận Sơn Trà: Phường Thọ Quang.

- Vùng ảnh hưởng của lốc, sét: Toàn địa bàn thành phố, trong đó chủ yếu là ở huyện Hoà Vang.

4. Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương

a) Về cơ cấu bộ máy tổ chức phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Hiện nay, các cấp, ngành đều thành lập và thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy của ngành, đơn vị. Tuy nhiên, trong công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp vẫn bộc lộ một số hạn chế:

- Thành viên Ban Chỉ huy các cấp, ngành chủ yếu thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm; cấp quận, huyện, xã, phường chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác phòng, chống thiên tai nên vai trò tham mưu trong chỉ huy, chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn.

- Phần lớn các thành viên Ban Chỉ huy các địa phương chưa được tập huấn, nâng cao nghiệp vụ về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đội xung kích phòng, chống thiên tai của địa phương thiếu kiến thức chuyên môn, chưa được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ trong công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ - cứu nạn.

b) Nhà ở

Trong thời gian qua, cùng với việc phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh mẽ, các khu đô thị, khu dân cư với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, kinh tế và đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao vì vậy nhìn chung nhà cửa Nhân dân được xây dựng kiên cố hơn, khả năng chống chịu với thiên tai tốt hơn, thiệt hại do thiên tai được hạn chế.

Qua điều tra thống kê năm 2020, tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố chiếm 99,5% tổng số hộ có nhà ở, trong đó tỷ lệ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố ở khu vực thành thị là 99,6% và khu vực nông thôn là 98,8%. Hộ sống trong những ngôi nhà đơn sơ, thiếu kiên cố chỉ một phần nhỏ tập trung chủ yếu ở quận Liên Chiểu (487 hộ) và huyện Hòa Vang (474 hộ) nguyên nhân là của hộ nhà tạm trong khu vực chờ giải tỏa và các hộ miền núi.

Như vậy, vẫn còn một số khu vực nhà ở chưa được kiên cố hóa, nguy cơ không chống chịu được với bão mạnh, siêu bão, ngập lũ, nhất là khu vực nông thôn, các khu nhà trọ, nhà tạm chờ tái định cư, vùng trũng thấp chưa có gác lửng vượt lũ, ven sông, ven biển, chân đồi núi,...

c) Cơ sở hạ tầng

Sự phát triển mạnh mẽ của các khu đô thị, cơ sở hạ tầng cũng góp phần làm gia tăng mức độ rủi ro thiên tai ở các địa phương. Các khu vực trước đây là vùng ngập lũ, hành lang thoát lũ nhưng nay trở thành các khu đô thị mới, được san lấp với cao độ vượt lũ. Các khu đô thị quy hoạch lấn sát ra bờ sông nên hành lang thoát lũ bị thu hẹp.

Hệ thống công trình giao thông ngày càng được mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, việc đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đã ít nhiều có ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ, chắn ngang tuyến thoát lũ tự nhiên, cản trở khả năng thoát lũ, làm gia tăng nguy cơ rủi ro của thiên tai.

Hệ thống công trình hồ chứa thủy lợi, phòng, chống thiên tai Đà Nẵng không nhiều và chủ yếu là hệ thống công trình vừa và nhỏ. Theo đánh giá, do được đầu tư xây dựng đã lâu với kinh phí hạn chế, công nghệ, kỹ thuật lạc hậu nên hiện nay đã dẫn đến tình trạng nhiều công trình thủy lợi xuống cấp nhanh gây lãng phí nguồn nước, hiệu quả tưới tiêu còn thấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là vào mùa mưa, bão,... Những năm gần đây do ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu, đó là mưa lớn vượt quá tần suất thiết kế, nắng hạn kéo dài bất thường và bão lớn gây nhiều lũ lụt lớn, hiện tượng lũ quét, sạt lở đất nhiều,... Vì vậy cần phải có giải pháp nâng cao năng lực tưới, tiêu, cấp nước và phòng, chống lũ của các hệ thống công trình hiện có. Ngoài ra, khu vực ven biển lại bị ảnh hưởng của mặn nên gây khó khăn cho việc cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất trong mùa kiệt.

Mặc dù công tác dự báo, cảnh báo sớm được đầu tư, tăng cường, hiện đại hóa và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, các mô hình tiên tiến để nâng cao chất lượng dự báo, tuy nhiên do thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, mức độ nguy hiểm ngày càng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay đã gây khó khăn trong công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi và giám sát các hiện tượng thiên tai, nhất là khi có sự thay đổi lớn về địa hình do xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, đặc biệt với sự vận hành của hệ thống thủy điện trên thượng nguồn nên công tác dự báo còn nhiều khó khăn và chưa đảm bảo tính chính xác.

Việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng của một số ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức làm gia tăng rủi ro thiên tai như xây dựng công trình giao thông chưa phù hợp cản lũ; xây dựng những khu đô thị mới không tính đến an toàn cho dân cư,...

d) Tàu, thuyền trên biển

Trong thời gian qua, được nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương và Thành phố như Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 và Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Quyết định 47/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Nghị quyết 255/2019/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân thành phố Quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2025,... Đến nay nhiều tàu đánh bắt hải sản xa bở của thành phố đã được nâng cấp, đóng mới hiện đại hoá, tuy nhiên vẫn còn một số tàu vỏ gỗ, đã được sử dụng qua một thời gian dài nên thường bị hư hỏng, xuống cấp, đồng thời hệ thống trang thiết bị máy móc không đồng bộ (nhất là thường xuyên bị gãy trục lắp và chân vịt) nên thường hay gặp sự cố khi đi biển,...). Nhiều phương tiện, tàu đánh bắt hải sản không trang bị đầy đủ phương tiện cứu sinh, không mua bảo hiểm thân tàu hoặc mua với chi phí thấp, vì vậy khi gặp sự cố thì thường không được chi trả kinh phí thiệt hại hoặc trả với kinh phí thấp.

đ) Nhận thức của người dân

Trong thời gian qua, qua nhiều đợt thiên tai lớn xảy ra cùng với sự tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng, chống thiên tai của các cấp chính quyền và các phương tiện thông tin đại chúng nhận thức của người dân đã được cải thiện. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có khoảng gần 25.000 lượt người, đạt tỷ lệ khoảng 12% so với tỷ lệ dân số sống trong khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai được tuyên truyền, tập huấn, diễn tập về phòng, chống thiên tai, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các cấp chính quyền địa phương, chủ quan trước thiên tai, chưa quan tâm đến việc chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó, trú tránh dẫn đến bị động, lúng túng khi có thiên tai xảy ra.

Đa số ngư dân đã có ý thức trong việc phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tuy nhiên, vẫn còn một số bộ phận ngư dân thiếu hợp tác với chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chỉ thị, thông báo, cảnh báo thiên tai, nhiều phương tiện, tàu đánh bắt hải sản không trang bị đầy đủ phương tiện cứu sinh khi hoạt động trên biển.

5. Bản đồ rủi ro thiên tai

Năm 2017, UBND thành phố đã triển khai xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai phổ biến đến các quận, huyện. Đồng thời, năm 2017 thành phố cũng đã triển khai xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du Vu Gia - Thu Bồn, bản đồ sơ tán nhân dân và các loại bản đồ chuyên đề khác phục vụ công tác điều hành, ứng phó thiên tai.

Tuy nhiên đến nay, do tác động của biến đổi khí hậu, chuỗi số liệu khí tượng, thủy văn đã thay đổi chưa được cập nhật cùng với sự biến động về địa hình và đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông, các khu dân cư,... nên đề nghị tiếp tục được cập nhật, bổ sung cho phù hợp tình hình phát triển của thành phố Đà Nẵng và quy định mới tại Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021.

Chương VI

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

A. BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU

I. BIỆN PHÁP PHI CÔNG TRÌNH

1. Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách phòng chống thiên tai

a) Thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp, các ngành hằng năm.

b) Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp.

c) Xây dựng chính sách hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai; chính sách hỗ trợ di dời, sắp xếp bố trí lại dân cư vùng bị thiên tai;...

d) Điều chỉnh, cập nhật, bổ sung Phương án Phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hằng năm.

đ) Lồng ghép kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu vào quy hoạch của các cấp, các ngành.

2. Thông tin truyền thông, phổ biến pháp luật, kỹ năng, nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

a) Tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức trong phòng, chống thiên tai cho nhân dân khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai và cán bộ phụ trách công tác phòng chống thiên tai các cấp, ngành.

b) Nâng cao năng lực quản lý, di dời dân cư, cơ sở hạ tầng vùng ven sông, suối, vùng thường xuyên ngập lụt, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển.

c) Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030.

d) Xây dựng hệ thống, biển báo cảnh báo phòng chống thiên tai, ngập lụt, sạt lở đất đá, lũ quét, ngầm tràn,... trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

đ) Xây dựng bản đồ chi tiết cho các phường, xã bị chịu ảnh hưởng của ngập lụt.

3. Nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai

a) Tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai

- Kiện toàn tổ chức, bộ máy và xây dựng lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả từ thành phố đến cơ sở.

- Rà soát, củng cố thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp; ban hành quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp; phân công lãnh đạo, chuyên viên đơn vị trực 24/24 trong những ngày thiên tai để chủ động xử lý tình huống.

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường năng lực và trang thiết bị cho các lực lượng tìm kiếm cứu nạn.

- Thường xuyên tổ chức diễn tập phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đối với các ngành, các địa phương.

- Xây dựng, kiện toàn lực lượng xung kích, phòng chống thiên tai ở cơ sở với lực lượng xung kích, dân quân tự vệ làm nòng cốt.

- Xây dựng Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

b) Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo

- Xây dựng hệ thống thông tin, liên lạc trong phòng, chống thiên tai.

- Xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm thiên tai tại những khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai khẩn cấp như lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, đá.

- Đầu tư lắp đặt bổ sung các trạm đo mưa, đo mặn, mực nước tự động để phục vụ dự báo, cảnh báo lũ, lũ quét.

- Huy động sự tham gia của các đơn vị, tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước vào công tác cảnh báo thiên tai.

c) Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo phòng chống thiên tai.

- Đầu tư mua sắm, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp; đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp để thực hiện công tác phòng, chống thiên tai phục vụ hiệu quả việc chỉ đạo, điều hành, ứng phó thiên tai.

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ điều hành, hỗ trợ ra quyết định.

- Trang bị công cụ hỗ trợ công tác phòng, chống thiên tai cho các cơ quan, chính quyền các cấp và bộ dụng cụ giảng dạy về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng cho đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp.

- Xây dựng Đề án mua sắm trang thiết bị chuyên dùng phục vụ phòng chống thiên tai.

d) Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai

- Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai từ thành phố đến cơ sở.

- Diễn tập nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phối hợp hiệp đồng các lực lượng trong tìm kiếm cứu nạn; tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai ở quy mô cấp huyện ứng với một số kịch bản và cấp độ rủi ro thiên tai cụ thể:

Tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai hằng năm quy mô một số cấp huyện và xã.

Tăng cường năng lực và trang thiết bị cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn.

- Thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện, tập huấn, diễn tập sát thực tế, đảm bảo xử lý hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai.

- Chủ động làm tốt công tác phối hợp hiệp đồng, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn và khu vực giáp ranh trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chủ động thúc đẩy hợp tác quốc tế trong huấn luyện, đào tạo, diễn tập; trao đổi kinh nghiệm ứng phó thiên tai và cứu hộ, cứu nạn thiết thực hiệu quả.

4. Điều tra cơ bản, quy hoạch, kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai

a) Điều tra cơ bản: Điều tra hiện trạng về lũ quét, sạt lở đất; hiện trạng về dân cư, cơ sở hạ tầng ở bãi sông, ven sông.

b) Quy hoạch

- Xây dựng quy hoạch thành phố (có nội dung về phòng chống thiên tai).

- Rà soát, bổ sung quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch thủy lợi.

- Quy hoạch xây dựng hệ thống đê, kè trên địa bàn thành phố.

- Rà soát quy hoạch bố trí dân cư các vùng có nguy cơ thiên tai giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển.

c) Kế hoạch

- Xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược Phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông; kế hoạch phòng chống bão mạnh, siêu bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

- Xây dựng, rà soát, cập nhật kế hoạch Phòng chống thiên tai hằng năm, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

d) Xây dựng phương án phòng chống thiên tai

- Rà soát, cập nhật, bổ sung Phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai.

- Xây dựng, rà soát phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Lập, rà soát bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai đối với việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và quản lý, vận hành sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai.

- Lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch thành phố.

5. Chương trình trồng và bảo vệ rừng

- Thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên.

- Thực hiện công tác phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng rừng.

- Các hoạt động khác

Hằng năm thực hiện hỗ trợ chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn từ rừng keo nguyên liệu giấy sang lấy gỗ; khoanh nuôi chuyển hóa cây bản địa thành rừng giống để hình thành nguồn giống tại chỗ phục vụ công tác phát triển trồng rừng.

Khuyến khích hỗ trợ cho nhân dân thực hiện trồng mới cây gỗ lớn, cây phân tán, rừng kinh tế,...

6. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế

a) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ

- Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các giải pháp, công nghệ phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Tiếp thu ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong nước và trên thế giới về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Ứng dụng rộng rãi, phổ cập phương pháp mô hình và phần mềm ứng dụng trong dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là lũ trên các lưu vực sông.

- Tiếp tục xúc tiến đầu tư và tiếp nhận dự án Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh tại Đà Nẵng.

- Hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc.

Đảm bảo trang thiết bị thông tin liên lạc được đầy đủ, hiện đại hoá, hệ thống thông tin liên lạc từ cấp thành phố đến cấp cơ sở được thông suốt, đặc biệt trong thời gian trong và sau thiên tai.

Đầu tư trang thiết bị liên lạc, cứu nạn cho các tàu thuyền đánh cá trên biển; dòng thời nâng cao năng lực cho các cơ quan chức năng quản lý đăng kiểm và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

b) Hợp tác quốc tế

Tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế để tranh thủ các nguồn lực thực hiện các nội dung, chương trình phòng chống thiên tai, đặc biệt là các hoạt động: Ứng dụng công nghệ, khoa học vào công tác cảnh báo sớm phòng, chống thiên tai; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý thiên tai tại địa phương các cấp; quản lý và hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển,...

II. BIỆN PHÁP CÔNG TRÌNH

1. Các giải pháp công trình phòng, chống thiên tai

a) Phòng chống áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh, siêu bão

- Xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các nhà cộng đồng trú tránh thiên tai tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai (ưu tiên các địa phương chưa có hoặc có nhà cộng đồng các xã: Hoà Phú, Hoà Phong, Hoà Bắc huyện Hòa Vang; các phường Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu; các phường Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê).

- Xây dựng, củng cố, nâng cấp mở rộng cảng cá Thọ Quang thành phố Đà Nẵng kết hợp với dịch vụ hậu cần tàu cá.

- Tu bổ, củng cố, nâng cấp hệ thống đê, kè biển và khu vực cửa sông;

Xây dựng các tuyến kè chống sạt lở bờ các sông: Yên, Túy Loan, Cầu Đỏ - Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Quá Giáng, Cổ Cò, Cu Đê,...

- Trồng rừng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng từ các nguồn vốn trồng rừng thay thế và vốn chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và trồng rừng sản xuất.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

- Xây dựng đầu tư vườn ươm giống cây lâm nghiệp.

- Xây dựng mới trụ sở Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Trạm Kiểm lâm Nam Hải Vân, Trạm Kiểm lâm cửa rừng Phú Túc.

- Đầu tư thiết kế xây dựng đường ranh cản lửa.

- Tăng cường công tác bảo vệ nghiêm ngặt từng Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà bằng biện pháp xây dựng thiết lập hàng rào tại các khu vực vùng lõi, vùng trọng điểm, dễ bị tác động, xâm hại dự kiến khoảng 50km.

- Xây dựng hệ thống, mạng lưới cấp nước phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng tại 8 khu vực trên địa bàn thành phố.

b) Phòng chống lũ, ngập lụt

- Xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi; nạo vét, nâng cấp công trình trên sông, ven sông, kênh, tăng cường khả năng thoát lũ.

- Xây dựng công trình phòng chống ngập cho thành phố.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ di dời dân cư khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ, ngập lụt đến nơi an toàn.

- Sửa chữa, nâng cấp các đập dâng: An Trạch - Hà Thanh, Para Phước Hưng,...

- Kiên cố hóa các tuyến kênh chính và kênh nhánh trên địa bàn huyện Hòa Vang (tập trung ưu tiên đầu tư kiên cố đồng bộ các tuyến kênh từ đầu mối đến mặt ruộng để giảm tối đa tình trạng thất thoát, lãng phí nước).

- Nạo vét, chính trị, thoát lũ các sông, trục tiêu chính:

Sông Cổ Cò.

Trục tiêu thoát nước sông Tây Tịnh xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.

Các trục tiêu thoát nước xã Hòa Châu và Hòa Khương, huyện Hòa Vang.

Các trục tiêu thoát lũ và nước mưa về sông Yên và Túy Loan xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.

Nạo vét chống bồi lấp và tăng dung tích chứa hồ chứa nước lớn và vừa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (ưu tiên các hồ: Đồng Nghệ, Hòa Trung và Trước Đông).

- Đầu tư trang thiết bị quan trắc an toàn đập và trang thiết bị quan trắc mưa, mực nước, lưu lượng lũ đến hồ cho việc dự báo định lượng lũ phục vụ công tác quản lý, vận hành và xử lý tình huống khẩn cấp của hai hồ chứa lớn Đồng Nghệ và Hòa Trung.

- Đầu tư xây dựng nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới đường quản lý và cứu hộ, cứu nạn các hồ chứa.

- Cải tạo, sửa chữa 3 trạm bơm lớn An Trạch, Bích Bắc, Túy Loan và các trạm bơm nhỏ còn lại; mở rộng công suất các trạm bơm chống hạn.

- Tiếp tục thực hiện xây dựng đập tạm hàng năm trong mùa khô đập Quảng Huế.

- Xây dựng, nâng cấp công trình xây dựng có xem xét đến phòng, chống thiên tai.

- Xây dựng, nâng cấp hạ tầng cấp, thoát nước.

- Phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chuyên môn liên quan đánh giá lại tổng thể hệ thống tiêu thoát nước, khả năng thoát lũ trên các sông thành phố Đà Nẵng bị ảnh hưởng do các dự án, công trình, khu dân cư,... trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

- Định kỳ nạo vét các hồ điều tiết nhằm tăng khả năng lưu chứa và thoát nước thoát nước cho lưu vực.

- Quy hoạch đô thị có phương án giảm diện tích bê tông hoá nhằm tăng hệ số thấm của đất đảm bảo cho thoát nước mặt đô thị nhằm giảm thiểu ngập úng.

- Xây dựng, nâng cấp công trình giao thông kết hợp phòng, chống thiên tai

- Rà soát tổng thể và xây dựng phương án thoát nước, chống ngập của các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Hòa Vang.

c) Phòng chống lũ quét, sạt lở đất

- Xây dựng công trình phòng chống lũ quét sạt lở đất và cơ sở hạ tầng phục vụ di dời dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở.

- Chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

- Cải tạo, nạo vét, thanh thải vật cản trên các sông, suối tăng cường khả năng thoát lũ.

- Đầu tư, xây dựng các dự án chống sạt lở đất, đá vùng đồi núi huyện Hòa Vang, các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà, Nam Hải Vân, Bà Nà - Suối Mơ ...

- Bố trí tái định cư dân vùng bị thiên tai, sạt lở.

d) Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển

- Xây dựng công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, công trình chính trị sông tại các phân lưu, hợp lưu đảm bảo ổn định tỷ lệ phân lưu; đập Quảng Huế.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ di dời dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Xây dựng đê kè biển Liên Chiểu đoạn Hải Vân đến Nam Ô - Nguyễn Tất Thành, bán đảo Sơn Trà, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa.

đ) Phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn

Xây dựng, nâng cấp các hồ chứa nước, công trình, hệ thống công trình kiểm soát mặn; nạo vét kênh, rạch kết hợp trữ nước chống hạn phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

e) Xây dựng trung tâm điều hành và dữ liệu phòng chống thiên tai

- Xây dựng, củng cố, nâng cấp Trung tâm Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai thành phố.

- Xây dựng, nâng cấp hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo các loại hình thiên tai; Xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm thiên tai tại những khu vực thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai nguy hiểm, sức tàn phá lớn như lũ, lũ quét, sạt lở,...

- Xây dựng công trình đo đạc quan trắc tự động: Trạm đo mưa, mực nước, lưu lượng,...

- Xây dựng hệ thống hạ tầng truyền dẫn phục vụ thông tin quan trắc, đo đạc phục vụ cảnh báo sớm thiên tai (mạng truyền dẫn vô tuyến dùng riêng (LoRaWAN,...), 5G).

2. Danh mục các dự án đầu tư công trong lĩnh vực phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025

Kế hoạch đầu tư công trong lĩnh vực Phòng chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt tại các quyết định: Quyết định số 2939/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2021 về việc phê duyệt Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 4071/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2021 về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 4072/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2021 về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 và Quyết định số 4078/QĐ-UBND 18 tháng 12 năm 2021 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2022 của UBND thành phố Đà Nẵng, cụ thể thực hiện 40 dự án với tổng số tiền 1.344.708.000.000 đồng (Bằng chữ: Một ngàn ba trăm bốn mươi bốn tỷ, bảy trăm lẻ tám triệu đồng). Trong đó:

- Lĩnh vực giao thông vận tải: 05 dự án.

- Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản,...: 32 dự án.

- Lĩnh vực môi trường: 01 dự án.

- Lĩnh vực cấp nước, thoát nước: 02 dự án.

(Chi tiết đính kèm Phụ lục I).

B. BIỆN PHÁP ỨNG PHÓ VÀ TỔ CHỨC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ, TÁI THIẾT SAU THIÊN TAI

Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện theo chức năng nhiệm vụ triển khai ứng phó với các loại hình thiên tai theo Phương án Phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt hằng năm.

Chương VII

LỒNG GHÉP NỘI DUNG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀO QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Thực hiện nội dung lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo Điều 16 của Luật Phòng, chống thiên tai và theo hướng dẫn tại Thông tư 05/2016/TT-BKHĐT ngày 06 tháng 6 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành sau:

- Kế hoạch số 8066/KH-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2019 của UBND thành phố về triển khai thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai.

- Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Thành ủy Đà Nẵng về triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng về chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công thành phố Đà Nẵng.

- Báo cáo số 1398/SKHĐT-TH ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo tình hình thực hiện nội dung lồng ghép phòng chống thiên tai.

Nhiệm vụ phòng, chống thiên tai phải được lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của thành phố. Ưu tiên các công trình đa mục tiêu, kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, hướng tới phát triển bền vững và đối tượng dễ bị tổn thương trong lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai. Huy động các nguồn vốn trong công tác phòng, chống thiên tai được lồng ghép, cân đối trong quá trình lập đề cương, nhiệm vụ quy hoạch, trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư phát triển của thành phố. Căn cứ các nguồn vốn được giao trong kế hoạch trung hạn và hàng năm để thực hiện nội dung lồng ghép phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của địa phương, gồm: Vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư của ngân sách Trung ương, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương, vốn đầu tư nguồn Trái phiếu Chính phủ, Quỹ Phòng, chống thiên tai, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, nguồn kinh phí chi thường xuyên cho công tác lập kế hoạch, điều chỉnh quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Chương VIII

NGUỒN NHÂN LỰC, KINH PHÍ

I. NGUỒN NHÂN LỰC THỰC HIỆN

1. Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai bao gồm

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai.

b) Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền.

c) Quân sự thành phố, Công an thành phố có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền.

d) Tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền.

đ) Người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

2. Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thành lập ở cấp xã, hoạt động kiêm nhiệm, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định trên cơ sở nguồn nhân lực quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, bao gồm dân quân ở thôn, tổ dân phố, khu phố, khối phố; dân quân ở cấp xã và tổ chức khác tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương.

Ngày 12 tháng 8 năm 2021, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đã ban hành công văn số 122/PCTT ngày của về việc triển khai Công văn số 86/TWPCTT ngày 29 tháng 7 năm 2021 của Ban Chỉ đạo TW về PCTT về việc xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã.

Hiện nay, 56 xã, phường đã thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai. Các đội xung kích ở cấp xã, phường có 30 - 40 người là lực lượng thường trực trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với lực lượng nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên, tổ đội của các hội nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ.

3. Về chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã: Ngày 06 tháng 7 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Điều 33 của Nghị định 66/2021/NĐ-CP quy định chế độ tiền lương, tiền công đối với người tham gia lực lượng xung kích được huy động tập huấn, huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cụ thể như sau;

- Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tham gia tập huấn, huấn luyện, diễn tập được hưởng trợ cấp ngày công lao động như sau:

Đối với người được huy động tập huấn, huấn luyện, diễn tập: Mức trợ cấp theo ngày được huy động không thấp hơn 59.600 đồng.

Đối với người được huy động làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai: Mức trợ cấp ngày công lao động mỗi người mỗi ngày không thấp hơn 119.200 đồng.

Nếu huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai vào ban đêm (từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau) được tính gấp đôi mức trợ cấp quy định tại điểm này.

Khi tập trung, tập huấn, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hằng ngày thì được bố trí nơi ăn, nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi và về như cán bộ, công chức cấp xã; được hỗ trợ tiền ăn theo mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 57.000 đồng.

II. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước (bao gồm: Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo phân cấp).

b) Quỹ Phòng, chống thiên tai.

c) Các nguồn huy động hợp pháp khác.

Chương IX

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; thực hiện lồng ghép kế hoạch phòng, chống thiên tai vào kế hoạch thực hiện của ngành, địa phương đảm bảo có hiệu quả, đồng bộ; chủ trì, phối hợp xây dựng, phê duyệt kế hoạch, triển khai thực hiện các nội dung về biện pháp công trình và phi công trình theo Kế hoạch này. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện:

1. Các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức xây dựng Kế hoạch triển khai hằng năm

Căn cứ vào tình hình điều kiện thực tế, theo chức năng, nhiệm vụ, khả năng cân đối ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để tổ chức xây dựng Kế hoạch triển khai chi tiết hàng năm, trong đó bao gồm danh mục các biện pháp phi công trình, công trình và tham mưu, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện theo đúng quy định.

2. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố

a) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch Phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố;

b) Rà soát, triển khai và điều chỉnh Kế hoạch Phòng, chống thiên tai hằng năm;

c) Tổng hợp, báo cáo tiến độ, tình hình thực hiện Kế hoạch Phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố theo định kỳ và theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, UBND thành phố.

d) Xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm để thực hiện các mục tiêu đề ra của kế hoạch 05 năm; rà soát, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai hằng năm và 05 năm.

đ) Triển khai, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh; tổng hợp, báo cáo, giám sát quá trình thực hiện kế hoạch hằng năm và 05 năm.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố

a) Hằng năm chủ trì xây dựng các kế hoạch, phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và các trường hợp tai nạn, sự cố theo lĩnh vực được phân công phụ trách được quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; lập, chủ trì việc triển khai kế hoạch chỉ đạo, hiệp đồng, phối hợp các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Trung ương và địa phương khi xảy ra sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện huấn luyện, đào tạo, diễn tập tìm kiếm cứu nạn; thực hiện nhiệm vụ cảnh báo thiên tai theo quy định.

b) Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan và các lực lượng cứu hộ của các Bộ, ngành, Trung ương tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, sơ tán, ứng cứu người và tài sản, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, thảm họa xảy ra.

c) Chủ động làm tốt công tác phối hợp hiệp đồng, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chủ động thúc đẩy hợp tác quốc tế trong huấn luyện, đào tạo, diễn tập; trao đổi kinh nghiệm ứng phó thiên tai và cứu hộ, cứu nạn thiết thực hiệu quả.

d) Đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị ứng phó thiên tai và cứu hộ, cứu nạn phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị để nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn.

đ) Thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện, tập huấn, diễn tập sát thực tế, đảm bảo xử lý hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tham mưu UBND thành phố chỉ đạo thực hiện: Quy hoạch, kế hoạch, chương trình thực hiện chiến lược, kế hoạch về phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố; quy định hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai gây ra trên địa bàn thành phố; tổ chức thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; kế hoạch sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra và đảm bảo phát triển bền vững.

b) Phối hợp với các sở, ngành có liên quan và địa phương thực hiện chính sách, di dời dân vùng có nguy cơ thiên tai; kiến nghị, đề xuất với các sở, ngành, địa phương thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai với các nhiệm vụ của ngành, địa phương.

c) Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai; tham mưu, đề xuất UBND thành phố (Chủ tịch UBND thành phố) sử dụng nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai cho các mục đích phòng, chống thiên tai của kế hoạch đúng quy định.

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu giúp UBND thành phố trong hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố

đ) Chịu trách nhiệm rà soát, kiểm tra, tổng hợp dự toán kinh phí phòng, chống thiên tai hàng năm của các sở, ngành, địa phương, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (đối với nguồn vốn xây dựng cơ bản), Sở Tài chính (đối với nguồn chi thường xuyên) kiểm tra, tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, trình HĐND thành phố theo đúng quy định.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu; trình UBND thành phố kế hoạch, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

b) Chủ trì phối hợp với Công an thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải và địa phương kiểm tra, giải quyết các trường hợp khai thác tài nguyên trái phép gây sạt lở bờ sông, bờ biển, công trình phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật.

c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cán bộ chính quyền các cấp và cộng đồng về biến đổi khí hậu.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Lập quy hoạch, kế hoạch, phương án và chỉ đạo thực hiện đảm bảo an toàn, thông suốt thông tin liên lạc; bảo đảm an toàn của hệ thống cột ăng-ten thu phát tại các trạm thông tin, truyền thông trên địa bàn thành phố.

b) Chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện việc thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai; phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân kiến thức về phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu; tiếp nhận, giải đáp thông tin cho người dân về phòng, chống thiên tai thông qua Tổng đài dịch vụ công.

c) Tiếp tục xúc tiến đầu tư và tiếp nhận dự án Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh tại Đà Nẵng.

7. Sở Giao thông Vận tải

Lồng ghép, triển khai nội dung phòng chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển, hoạt động của ngành, đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

8. Sở Xây dựng

a) Hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn của công trình xây dựng phù hợp với đặc điểm thiên tai trên địa bàn thành phố.

b) Tham mưu, đề xuất việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao,... trên địa bàn thành phố thuộc phạm vi, thẩm quyền, đảm bảo sự phù hợp đặc điểm thiên tai của thành phố, nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai.

c) Tham mưu, đề xuất xây dựng nhà ở an toàn, công trình phòng tránh thiên tai cho nhân dân vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai cao.

9. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Tổ chức thực hiện việc lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình của các cấp học thuộc phạm vi quản lý theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo phù hợp với điều kiện thiên tai của địa phương;

b) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương lập và trình UBND thành phố quy hoạch, kế hoạch xây dựng các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo kết hợp phòng, chống thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai của từng khu vực trên địa bàn thành phố để đảm bảo an toàn cho người và công trình;

c) Xây dựng phương án ứng phó với thiên tai hằng năm của ngành; chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị, cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố thực hiện quy định về phòng, chống thiên tai;

d) Tổ chức và chuẩn bị lực lượng dự phòng tại các đơn vị thuộc phạm vi quản lý để ứng phó với thiên tai.

10. Sở Y tế

a) Tiến hành rà soát, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đề xuất trình UBND thành phố kế hoạch xây dựng, nâng cấp, cải tạo các cơ sở y tế đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng công trình theo quy định, đảm bảo tốt các hoạt động chuyên môn y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

b) Xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai của ngành; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng và triển khai thực hiện phương án phòng, chống thiên tai hằng năm; đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân trong tình huống thiên tai; bố trí lực lượng y tế thường trực sẵn sàng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn; đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra; dự phòng đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

c) Phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương làm tốt công tác kết hợp quân - dân y trong phòng, chống thiên tai.

d) Tham gia, phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo quản, xác định danh tính nạn nhân để bàn giao cho thân nhân nạn nhân theo quy định; phối hợp, hướng dẫn cơ quan chức năng thực hiện việc mai táng các nạn nhân chưa xác định được danh tính bị thiệt mạng do thiên tai

11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Tham mưu UBND thành phố chỉ đạo thực hiện công tác cứu trợ xã hội trong khắc phục hậu quả thiên tai.

b) Tổng hợp tình hình thiệt hại về dân sinh do thiên tai, trên cơ sở tình hình thiệt hại, nhu cầu cứu trợ, đề xuất chính sách, biện pháp hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị để sớm ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiên tai, trình UBND thành phố quyết định.

c) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các sở, ngành, địa phương tổ chức, hướng dẫn việc thực hiện chính sách cứu trợ xã hội đối với các đối tượng gặp khó khăn do thiên tai; phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra việc thực hiện đảm bảo đúng đối tượng.

12. Sở Ngoại vụ

Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố chỉ đạo thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Báo cáo các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao triển khai công tác bảo hộ công dân gặp nạn, trôi dạt đến các vùng biển quốc tế do thiên tai.

Vận động các tổ chức và cá nhân nước ngoài tài trợ các trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, xây dựng nhà chống bão, lũ lụt và khắc phục hậu quả thiên tai,...

Kết nối hợp tác, trao đổi chuyên môn giữa các cơ quan chức năng thành phố với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong công tác dự báo và phòng, chống thiên tai.

13. Sở Tài chính

Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch và nội dung chi, mức chi theo quy định hiện hành, các sở, ban, ngành, địa phương lập dự toán kinh phí thực hiện (đối với kinh phí chi thường xuyên) và tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách nhà nước của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, gửi cơ quan chủ trì theo từng lĩnh vực thẩm định, tổng hợp, gửi Sở Tài chính kiểm tra, tổng hợp báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết định làm cơ sở thực hiện.

14. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Trên cơ sở tổng hợp, đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kinh phí thực hiện phòng, chống thiên tai (đối với nguồn vốn xây dựng cơ bản): Sở Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, nghiên cứu khả năng cân đối ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác tham mưu, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo xử lý đúng quy định.

15. Sở Công Thương

a) Chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND thành phố chỉ đạo thực hiện đảm bảo an toàn hệ thống điện và các cơ sở công nghiệp trên địa bàn thành phố trong các tình huống thiên tai.

b) Chủ trì, phối hợp với UBND cấp quận, huyện, các sở, ngành liên quan có kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho Nhân dân, chú trọng các vùng thường xuyên bị thiên tai.

c) Phối hợp với Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai nhằm chống các hành vi lợi dụng bão lụt để đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý và thu lợi bất chính.

16. Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng

Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai nhằm chống các hành vi lợi dụng bão lụt để đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý và thu lợi bất chính”.

17. UBND các quận, huyện, xã, phường

a) Rà soát, xây dựng Kế hoạch Phòng, chống thiên tai cấp quận, huyện; chỉ đạo UBND các xã, phường xây dựng Kế hoạch Phòng, chống thiên tai cấp xã, phường phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

b) Phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện các nội dung, công việc được giao trong Kế hoạch; chủ động bố trí ngân sách địa phương để lồng ghép các nguồn lực triển khai.

c) Triển khai, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp quận, huyện; Hằng năm, báo cáo tiến độ thực hiện Kế hoạch Phòng, chống thiên tai cấp quận, huyện cho UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố để theo dõi, chỉ đạo.

18. Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thành phố

a) Thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các quy định về thiên tai, cung cấp kịp thời các chủ trương, Chỉ thị, Công điện của UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố về phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

b) Phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng chương trình để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức cơ bản về phòng, chống thiên tai cho Nhân dân, kinh nghiệm điển hình trong công tác phòng, chống thiên tai.

19. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Hội Chữ thập đỏ thành phố

Phối hợp, chỉ đạo các tổ chức, Hội thành viên thực hiện quy định pháp luật về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai và các quy định của pháp luật về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ.

20. Đề nghị Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ

a) Cung cấp kịp thời bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố và các đơn vị liên quan.

b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, địa phương, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai; tham gia tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức về dự báo, khí tượng thủy văn cho cán bộ, chuyên viên làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các sở, ngành, địa phương thuộc thành phố.

Trên đây là Kế hoạch Phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, địa phương và đề nghị các tổ chức hội, đoàn thể, các cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố chủ trì, phối hợp xây dựng, phê duyệt Kế hoạch, triển khai thực hiện; hàng năm, gửi kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy lợi thành phố) để tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND thành phố./.

 


PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số    /QĐ-UBND ngày     tháng     năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

TT

Danh mục Dự án

Kinh phí (triệu đồng)

Trong đó

Số Quyết định/ Văn bản liên quan

Ghi chú

2021(*)

2022(**)

D kiến giai đoạn 2023-2025

I

LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI

1

Tu sửa, xử lý khẩn cấp sụt lún vỉa hè phía sau tường kè tại khu vực ngã ba đường Võ Nguyên Giáp - Lê Văn Thứ; khu vực bãi tắm Sơn Thủy, quận Ngũ Hành Sơn và đoạn sạt lở lớn dọc bờ kè gần ngã ba đường Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Văn Thoại

1.000

800

-

200

1863/UBND-SNN ngày 02/04/2021

 

2

Khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông bước 2 tuyến đường Như Nguyệt (đoạn từ cầu Thuận Phước đến sàn cảnh quan đầu tiên)

6.126

5.400

315

411

381/QĐ-SGTVT ngày 21/6/2021

 

3

Khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông bước 2 tuyến đường Bà Nà - Suối Mơ tại lý trình Km 10 300

5.924

5.400

252

272

204/QĐ-SGTVT ngày 07/4/2021

 

4

Xử lý sạt lở, bảo vệ hạ tầng kỹ thuật tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa

60.000

-

50

59.950

 

 

5

Dự án khắc phục các điểm ngập úng của các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Hòa Vang

44.300

-

50

44.250

 

 

II

LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP, THỦY LỢI, THỦY SẢN,...

1

Đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp đập dâng An Trạch - Hà Thanh

96.616

-

-

96.676

42/NQ-HĐND ngày 12/8/2021

 

2

Đập dâng Para Phước Hưng

2.051

1.550

451

50

50/QĐ-SKHĐT ngày 30/3/2021

 

3

Đê, kè biển Liên Chiểu (đoạn từ Xuân Thiều đến Nam Ô)

9.000

7.877

-

1.123

 

 

4

Kè chống sạt lở bờ sông Cẩm Lệ bảo vệ vùng rau La Hường

7.573

-

1.700

5.873

2676/QĐ-UBND ngày 19/8/2019

 

5

Đê kè Mân Quang đoạn nối tiếp Đê kè Bạch Đằng Đông

34.000

3.650

8.800

21.550

7221/QĐ-UBND ngày 21/9/2009

 

6

Kè chống sạt lở khẩn cấp sông Cu Đê (xử lý các điểm sạt lở xung yếu)

19.194

-

7.000

12.194

8132/QĐ-UBND ngày 30/10/2015

 

7

Kè chống sạt lở khẩn cấp các đoạn xung yếu trên sông Yên (đoạn qua thôn La Châu xã Hòa Khương, thôn An Trạch và thôn Bắc An xã Hòa Tiến)

25.681

1.500

23.000

1.181

2365/QĐ-UBND ngày 06/7/2020

 

8

Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Yên (đoạn từ hạ lưu đập An Trạch cầu sông Yên - ngã ba sông Cẩm Lệ)

89.477

2.000

23.000

64.477

227/NQ-HĐND ngày 17/5/2019

 

9

Tuyến kè bảo vệ bờ sông Cu Đê (đoạn từ chợ Nam Ô đến đập ngăn mặn)

26.130

300

5.720

20.110

5667/QĐ-UBND ngày 27/11/2018

 

10

Nâng cấp đê, kè vùng cửa sông Hàn đoạn Nam cầu Tuyên Sơn Hòa Hải, đoạn từ Km1 689 (khu di tích lịch sử K20) đến giáp phân khu X4-Khu TĐC Hòa Hải (cuối tuyến đường Trần Hưng Đạo nối dài)

5.000

-

5.000

-

11100/QĐ-UBND ngày 31/12/2008

 

11

Kè chống sạt lở bờ sông Túy Loan, đoạn thượng lưu và hạ lưu cầu Giăng

6.500

1.000

4.000

1.500

7395/QĐ-UBND 28/10/16

 

12

Kè khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ sông khu vực thôn Giáng Nam 2 - xã Hòa Phước và khu vực thôn An Tân - xã Hòa Phong

6.700

500

6.000

200

5024/QĐ-UBND ngày 31/10/2019

 

13

Kè khẩn cấp chống sạt lở sông Cu Đê (bờ tả - xã Hòa Liên) giai đoạn 2

11.340

10.190

1.150

-

 

 

14

Kè chống sạt lở bờ tả sông Vĩnh Điện, đoạn qua khu dân cư Liêm Lạc

13.677

7.050

3.914

2.713

455b/QĐ-SNN ngày 06/11/2020

 

15

Kè chống sạt lở bờ tả sông Túy Loan đoạn qua thôn Ninh An, khu vực nhà cổ Tích Thiện Đường và thôn Thạch Nham, xã Hòa Nhơn.

12.995

2.600

8.200

2.195

456b/QĐ-SNN ngày 06/11/2020

 

16

Kè chính trị sông Vĩnh Điện đoạn qua KDC E2 mở rộng Nam cầu Cẩm Lệ (bờ tả) và qua phường Hòa Quý (bờ hữu)

10.000

4.500

-

5.500

7210/QĐ-UBND ngày 21/10/2016

 

17

Dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp tại các vị trí xung yếu các tuyến sông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

250.000

-

-

250.000

 

 

18

Đầu tư nâng cấp các kè khẩn cấp trên địa bàn TPĐN (bờ sông Túy Loan đoạn qua thôn Phú Túc, Hòa Phước, Hội Phước, bờ tả thượng lưu câu Diêu Phong, thôn Duy Phong, bờ sông Vĩnh Điện khu vực bờ sông Giáng Nam 1)

19.000

100

5.900

13.000

3172/QĐ-UBND ngày 09/10/2021

 

19

Tuyến kè chống sạt lở khu vực dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (tuyến kè số 1 - đoạn từ Miếu Ngư Ông đến phía Nam Ghềnh Nam Ô)

490

-

490

-

DA đã được phê duyệt CTĐT tại QĐ 2056/QĐ-UBND ngày 11/6/2021 và phê duyệt DA tại QĐ 3104/QĐ-UBND ngày 01/10/2021

 

20

Kè khẩn cấp chống sạt lở sông Quá Giáng

52.669

50

12.700

39.919

2665/QĐ-UBND ngày 02/8/2021

 

21

Kiên cố hóa các tuyến kênh mương thủy lợi trên địa bàn xã Hòa Khương

13.000

3.500

6.618

2.882

2904/QĐ-UBND ngày 10/8/20

 

22

Kè chống sạt lở thượng lưu cầu Trường Định, sông Cu Đê

100

-

100

-

83/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 (NSTW)

 

23

Kè khẩn cấp chống sạt lở sông Lỗ Đông

11.072

2.500

4.050

4.522

2656/QĐ-UBND ngày 24/7/2020

 

24

Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận TPĐN); Bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của Âu thuyền Thọ Quang và khả năng thoát nước lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của TP Đà Nẵng - Tiểu dự án 01

420.000

77.000

30.000

313.000

5020/QĐ-UBND ngày 31/10/19

 

25

Kiên cố hóa các tuyến kênh mương thủy lợi trên địa bàn xã Hòa Phong

12.000

9.242

-

2.758

2656/QĐ-UBND ngày 24/7/2020

 

26

Kênh chính trạm bơm Đông Lâm; kênh chính hồ Hố Cau, kênh N1 hô Hố Cau, kênh chính hồ Hốc Gối và kênh chính hồ Diêu Phong

4.725

-

4.725

-

383/QĐ-SKHĐT ngày 25/10/2021

 

27

Tuyến kênh N1-B Đồng Nghệ

7.350

5.500

1.850

-

210/QĐ-SKHĐT ngày 28/8/2020

 

28

Tuyến kênh N2-B, N4, N8-1 trạm bơm An Trạch

7.660

6.550

1.060

50

49/QĐ-SKHĐT ngày 30/3/2021

 

29

Tuyến kênh N5, N5-1, N5-2 trạm bơm An Trạch

2.727

2.350

327

50

51/QĐ-SKHĐT ngày 30/3/2021

 

30

Công trình thủy lợi để thay thế tuyến kênh thủy lợi của hồ chứa nước Hòa Trung đi qua Khu phụ trợ phục và dự án Khu Công nghệ cao Đà Nẵng

10.300

5.050

-

5.250

2032/QĐ-UBND ngày 10/6/2021

 

31

Tháo dỡ đập Đồng Nò và đập Bờ Quang

1.000

-

200

800

5993/QĐ-UBND ngày 05/9/2016

 

32

Nâng cấp mở rộng cảng cá Thọ Quang thành phố Đà Nẵng

16.000

-

16.000

-

4457/QĐ-BNN-TCTS ngày 28/10/2016

 

III

LĨNH VỰC MÔI TRƯỜNG

 

 

 

 

 

 

1

Đầu tư 02 hệ thống quan trắc môi trường nước tự động, liên tục trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn

13.141

-

10.567

2.574

65/QĐ-SKHĐT ngày 26/5/2021

 

IV

LĨNH VỰC CẤP THOÁT NƯỚC

 

 

 

 

 

 

1

Công hình cấp nước PCCC rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên bà nà Núi chúa thuộc địa bàn xã Hòa Ninh và Hòa Bắc

5.731

-

2.000

3.731

4937/QĐ-UBND ngày 31/10/2019

 

2

Công trình cấp nước PCCC rừng tại Khu di tích huyện ủy Hòa Vang, Ngầm đôi thuộc địa bàn xã Hòa Phú, khu vực Núi Sọ thuộc địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang

4.399

-

2.000

2.399

4939/QĐ-UBND ngày 31/10/2019

 

 

Tổng cộng

1.344.708

166.159

197.189

981.360

 

 

Ghi chú:

(*) Phê duyệt tại Quyết định số 4072/QĐ-UBND ngày 18/12/2021 của UBND thành phố Đà Nẵng

(**) Phê duyệt tại Quyết định số 4078/QĐ-UBND ngày 18/12/2021 của UBND thành phố Đà Nẵng


PHỤ LỤC II

BẢNG TỔNG HỢP CÁC TRANG THIẾT BỊ VĂN PHÒNG THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI, TÌM KIẾM CỨU NẠN VÀ PHÒNG THỦ DÂN SỰ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐƯỢC ĐẦU TƯ, TRANG BỊ TỪ NĂM 2016 ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số      /QĐ-UBND ngày     tháng     năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

STT

Trang thiết bị

Số lượng

I

Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cần có

 

1

Phòng họp

 

1.1

Diện tích tối thiểu 200m2 có khả năng kết nối các thiết bị phục vụ giao ban và họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo, các cấp và các cơ quan liên quan

02 phòng họp:

- 1 phòng họp diện tích 30 m2

- 1 hội trường diện tích 75 m2

(Các cuộc họp trực tuyến, hội nghị... số lượng người tham gia đông thì sử dụng phòng họp của Trung tâm Hành chính thành phố)

1.1

Máy chiếu, màn hình chiếu

02 bộ

1.2

Ti vi

02 cái

2

Phòng trực ban

 

2.1

Máy tính để bàn (02 chiếc)

02 bộ

2.2

Tivi

01 cái

2.3

Laptop

03 cái

2.4

Máy photo, fax

02 cái

2.5

Máy in

02 cái

2.6

Máy quay camera, máy ghi hình

01 cái

2.7

Máy ảnh kỹ thuật số

01 cái

2.8

Máy đo độ mặn cầm tay

01 cái

2.9

Máy đo độ sâu cầm tay

01 cái

II

Xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm phục vụ công tác phòng, chống thiên tai

 

1.

Cơ sở dữ liệu

 

1.1

Trang thiết bị phần cứng để lưu các dữ liệu trong công tác phòng chống thiên tai

02 ổ cứng di động

1.2

Bản đồ đường đi của bão

01 bản đồ điện tử LED

 

Bản đồ khí tượng, thủy văn

01 bản đồ điện tử LED

1.3

Bản đồ hạn

01 bộ

1.4

Bản đồ lũ quét

01 bộ

1.5

Bản đồ rủi ro thiên tai khác

04 bộ

1.6

Các bản đồ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai

07 bộ

1.7

Các trận thiên tai điển hình

Lưu hồ sơ các trận thiên tai điển hình:

- Lũ 1998, 1999, 2007, 2009, 2013, 2016, 2017

- Bão: số 1, số 6 năm 2006; bão số 9 năm 2009; bão số 13 năm 2013.

Và các trận thiên tai khác.

III

Hệ thống cảnh báo hỗ trợ ra quyết định cần có ti địa phương

 

1

Biển cảnh báo khu vực lũ quét, sạt lở, ngầm, tràn

105 cái

2

Trạm đo mưa tự động hoặc thuê dịch vụ

21 trạm

3

Hệ thống cảnh báo (báo động) thiên tai (hệ thống cảnh báo lũ quét,..)

01 hệ thống cảnh báo thiên tai trên điện thoại thông minh

4

Trạm đo mực nước

04 trạm đo mực nước

5

Trạm đo mặn

- Trạm quan trắc tự động của Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng.

- Sử dụng số liệu đo của Đài KTTV KV Trung Trung bộ và Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng.

IV

Hệ thống thiết bị phục vụ giao ban trực tuyến

 

1

Camera, micro, màn hình, đường truyền, loa

01

2

Máy tính

01

 



[1] Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý và bản đồ địa hình- Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, 2020.

[2] Nguồn Báo cáo sơ bộ lần 1 Quy hoạch thành phố Đà Nẵng 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

[3] Ngày 28/6/2017, UBND thành phố ban hành Quyết định số 3449/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự toán mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai năm 2017 cho các sở, ngành, địa phương và khối lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí là 14.839.046.200 đồng. Ngày 30/6/2020, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Công văn số 4241/UBND-SNN về việc mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó thống nhất chủ trương mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng vũ trang và quận, huyện từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai thành phố với kinh phí không quá 3.752.980.000 đồng.

[4] Từ năm 2015 đến năm 2020, thành phố cấp phát trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh bao gồm: 7.557 áo phao, 5.997 phao tròn, 95 phao bè, 196 nhà bạt các loại, 12 thiết bị chữa cháy đồng bộ; 03 xuồng các loại; 04 thiết bị khoan cắt; 08 máy cưa cầm tay,... Sau khi nhận số trang thiết bị này, các quận, huyện phân bổ lại cho các xã, phường, tương tự như vậy đối với các ngành.

[5] 10 xã trong khuôn khổ Dự án đã tiến hành lập báo cáo đánh giá rủi ro thiên tai cộng đồng và xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp xã, lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế của xã; mua sắm các trang thiết bị và danh mục đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai quy mô nhỏ. In và cấp phát 115 panô; 21.000 tờ rơi; 11.500 cuốn vở tuyên truyền phòng, chống thiên tai cho địa phương và học sinh; xây dựng 10 tiểu phẩm phòng, chống thiên tai phát trên Đài phát thanh huyện; tổ chức 10 hội thi văn nghệ; 30 cuộc thi rung chuông vàng cho 1500 người tham gia; tập huấn cho 3500 cán bộ xã, thôn và người dân; tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai tại 10 xã; xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai cho các xã.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1440/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch Phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

  • Số hiệu: 1440/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/05/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Trần Phước Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản