Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1120/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 11 tháng 06 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC VÀ CÓ LỢI THẾ CẠNH TRANH CỦA TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công;

Căn cứ Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước, từ nguồn kinh phí quỹ đầu tư phát triển Lâm Đồng;

Căn cứ Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 10/5/2011 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đẩy mạnh phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011-2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt và các ngành chức năng liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Xây dựng, Giao thông vận tải; Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Cổng Thông tin Điện tử tỉnh;
- Website VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CN.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Tiến

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC VÀ CÓ LỢI THẾ CẠNH TRANH CỦA TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1120/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Nhằm cụ thể hóa một số chủ trương, chính sách của Chính phủ và của tỉnh Lâm Đồng để hỗ trợ, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp: Bảo quản và chế biến rau quả; chế biến chè, cà phê chất lượng cao; tinh chế gỗ; khai thác và chế biến khoáng sản, được xác định là ngành công nghiệp chủ lực và có lợi thế cạnh tranh (sau đây viết tắt là SPCNCL) trên địa bàn tỉnh.

2. Đưa ra các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất SPCNCL; củng cố và phát triển các doanh nghiệp có các dự án đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường tiêu thụ.

3. Hỗ trợ đầu tư phát triển các SPCNCL của tỉnh để đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp một cách ổn định và bền vững dựa trên cơ sở tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương, gắn liền với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm công nghiệp; chuyển dần từ hình thức gia công sang trực tiếp sản xuất thành phẩm xuất khẩu.

4. Phát triển các SPCNCL gắn với bảo vệ môi trường nhằm phát triển công nghiệp theo hướng bền vững.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

a) Khuyến khích phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, phát triển được những thương hiệu mạnh của ngành công nghiệp Lâm Đồng trên thị trường trong nước và quốc tế.

b) Phát huy được các lợi thế của địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế tỉnh Lâm Đồng nói chung.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đến năm 2020, các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khai thác và chế biến bô xít- nhôm trở thành động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp và đóng góp trên 50%1 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng.

b) Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, phấn đấu bình quân mỗi năm đổi mới công nghệ của 20 - 25% số doanh nghiệp sản xuất các SPCNCL; đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của các SPCNCL chiếm trên 55%2 giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

c) Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2013-2018, tăng trưởng đạt trên 23,5% và đến 2020 đạt tỷ trọng công nghiệp trong GDP của tỉnh trên 30%.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN:

1. Hỗ trợ đầu tư chuyển giao công nghệ và máy móc, thiết bị tiên tiến

a) Hỗ trợ lãi suất vốn vay để thực hiện việc đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ được thực hiện theo khoản 2 Điều 12 Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước, từ nguồn kinh phí quỹ đầu tư phát triển Lâm Đồng.

b) Hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực chế biến nông sản và lâm sản với mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh;

c) Hỗ trợ có thu hồi từ 5% đến 10% giá trị dự án đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến để sản xuất SPCNCL dưới dạng cho vay không tính lãi, thu hồi trong 3 đến 5 năm nhưng không quá 01 tỷ đồng cho một dự án, từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh.

d) Hỗ trợ có đối ứng kinh phí xây dựng một số mô hình trình diễn áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, kinh phí thực hiện từ chương trình sản xuất sạch hơn của tỉnh.

2. Hỗ trợ xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm

Hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo về thương hiệu, tư vấn thương hiệu, thực hiện các bước trong qui trình xây dựng thương hiệu; hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các nhãn hiệu SPCNCL từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh.

3. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực

a) Hỗ trợ đào tạo nghề cho đơn vị sản xuất SPCNCL có tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại công nhân tại các doanh nghiệp theo các các quy định hiện hành của tỉnh Lâm Đồng từ nguồn kinh phí đào tạo nghề hàng năm.

b) Hỗ trợ 50% tổng chi phí tổ chức các khóa bồi dưỡng theo chuyên đề; cập nhật kiến thức cho cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân với thời gian đào tạo không quá 15 ngày, theo quy định tại Thông tư 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh.

c) Hỗ trợ 50% tổng chi phí tập huấn nâng cao trình độ về áp dụng công nghệ mới và quản lý doanh nghiệp; tập huấn về các tiêu chuẩn chất lượng, khảo sát học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước về cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh theo các quy định hiện hành.

d) Hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn sản xuất sạch hơn cho cán bộ quản lý, kỹ sư và tham quan một số mô hình trình diễn áp dụng sản xuất sạch hơn trong và ngoài tỉnh theo kế hoạch được duyệt, kinh phí thực hiện từ Chương trình sản xuất sạch hơn của tỉnh.

4. Về đất đai

Ưu tiên bố trí đủ nhu cầu về đất theo quy hoạch tại các khu, cụm công nghiệp khi có dự án sản xuất SPCNCL đầu tư mới, đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu (kể cả dự án kết hợp với di chuyển địa điểm sản xuất) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Về xúc tiến thương mại, phát triển thị trường:

a) Hỗ trợ 100% kinh phí cho các công việc: Thông tin thương mại, tuyên truyền xuất khẩu, tư vấn xuất khẩu; đào tạo nâng cao năng lực và kỹ năng kinh doanh dịch vụ và xuất khẩu cho doanh nghiệp, từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh.

b) Hỗ trợ một phần nhưng không vượt quá 50% tổng chi phí thực hiện cho các công việc quảng bá thương hiệu cho SPCNCL xuất khẩu của tỉnh, hỗ trợ chi phí thuê gian hàng để trưng bày tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước theo quy định của Bộ Tài chính; khảo sát tìm kiếm thị trường xuất khẩu trong và ngoài nước để phát triển sản xuất và dịch vụ, ứng dụng phát triển thương mại điện tử phục vụ xuất khẩu theo quy mô, tính chất của từng hoạt động được phê duyệt, từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại tỉnh.

6. Hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, sở hữu trí tuệ:

Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến như ISO 9000, ISO 22000, ISO 14000, HACCP, GAP v.v và các công cụ cải tiến như 5S, 6 sigma, Kaizen, TQM để nâng cao năng suất chất lượng; thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; hướng dẫn tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; tham gia hội chợ công nghệ thiết bị; hỗ trợ hướng dẫn, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về thương hiệu từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học tỉnh Lâm Đồng theo Quyết định số 70/QĐ-UBND ngày 11/01/2012 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2012-2015.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

1. Kinh phí để thực hiện Kế hoạch này bao gồm ngân sách nhà nước của Trung ương và địa phương, kinh phí đầu tư của các cơ sở sản xuất công nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

2. Tổng kinh phí (giai đoạn 2013-2020) dự kiến 697 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 6,30 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,9% trong tổng kinh phí;

- Ngân sách địa phương: 23,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,3% trong tổng kinh phí;

- Vốn doanh nghiệp: 667,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 95,7% trong tổng kinh phí.

(Kinh phí doanh nghiệp đầu tư trực tiếp là 660 tỷ đồng và kinh phí đối ứng để thực hiện việc xây dựng và phát triển thương hiệu, khảo sát thị trường là 7,6 tỷ đồng).

Chi tiết và phân kỳ hàng năm kinh phí thực hiện theo Phụ lục đính kèm.

V. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN:

1. Sở Công Thương

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này đảm bảo tiến độ và mục tiêu đề ra.

b) Hàng năm phối hợp với doanh nghiệp lập hồ sơ, dự toán kinh phí hoặc xây dựng đề án theo các quy định hiện hành để được phân bổ ngân sách tỉnh triển khai thực hiện.

c) Tranh thủ nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương; huy động các nguồn tài chính khác của các tổ chức, các doanh nghiệp để thực hiện theo quy định của pháp luật.

d) Thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện; hàng năm tổng hợp, đánh giá, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch này.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì phối hợp với các sở: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm Hỗ trợ xúc tiến đầu tư du lịch và thương mại tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp theo các nội dung tại phần II Kế hoạch này;

b) Thẩm tra các dự án đầu tư sản xuất SPCNCL trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định hiện hành trong thời gian ngắn nhất.

3. Sở Tài chính

a) Cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ, sự nghiệp khuyến công, xúc tiến thương mại, chương trình sản xuất sạch hơn để hỗ trợ triển khai các nội dung, nhiệm vụ tại Phần III của Kế hoạch;

b) Hướng dẫn sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương) để thực hiện các nội dung của Kế hoạch này.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp Đài Phát thanh truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng và chỉ đạo Trung tâm quản lý Cổng thông tin điện tử của tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền về kế hoạch hỗ trợ phát triển các SPCNCL và có lợi thế cạnh tranh của tỉnh;

5. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất SPCNCL trong quá trình thẩm định, cấp phép xây dựng có liên quan.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Thực hiện các chính sách hỗ trợ thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ cho các SPCNCL của doanh nghiệp theo các quy định hiện hành.

b) Thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

c) Đẩy mạnh hoạt động của Quỹ phát triển khoa học - công nghệ và các hoạt động thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ;

d) Cung cấp thông tin về các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, thông tin và hướng dẫn thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp cho doanh nghiệp;

đ) Ưu tiên, bố trí vốn khoa học công nghệ của tỉnh cho các chương trình, đề tài, dự án liên quan đến phát triển sản xuất các SPCNCL của tỉnh.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Giải quyết việc hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp theo quy định;

b) Tập hợp, cung cấp thông tin đào tạo nghề cho doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện việc đào tạo nghề theo nhu cầu;

c) Chủ trì phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề để tổ chức các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp;

8. Sở Giao thông - Vận tải

Tham mưu thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông trong tỉnh theo Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển nguyên nhiên vật liệu và tiêu thụ SPCNCL đồng thời tăng cường giám sát thi công, bảo đảm các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Nội vụ

Tăng cường giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính tại các Sở, ban, ngành nhằm giúp cho các dự án sản xuất SPCNCL được triển khai nhanh chóng.

10. Ban Quản lý các khu công nghiệp Lâm Đồng

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án SPCNCL của tỉnh thuê đất và triển khai xây dựng dự án tại các khu công nghiệp trong tỉnh.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Phối hợp với các Sở, ban ngành của tỉnh tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này tại địa phương; đề xuất Sở Công Thương và hướng dẫn các trường hợp sản xuất SPCNCL lập thủ tục để được hỗ trợ cụ thể theo Kế hoạch.

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CÁC NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC VÀ CÓ LỢI THẾ CẠNH TRANH TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1120/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

TT

Tên nội dung thực hiện

Mô tả nội dung thực hiện

Kết quả dự kiến

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

Kinh phí thực hiện

(Tỷ đồng)

Tổng

NSTW

NSĐP

DN

I

Hỗ trợ đầu tư chuyển giao công nghệ và máy móc, thiết bị tiên tiến

675,90

2,90

13,00

660,00

1

Phát triển chế biến cà phê hòa tan, cà phê bột

Hỗ trợ lãi suất vốn vay, chi phí chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình trình diễn sản xuất sạch hơn, cho vay không tính lãi thu hồi trong 3 đến 5 năm một phần kinh phí đầu tư ứng dụng công nghệ, dây chuyền, máy móc, thiết bị mới để sản suất chế biến sâu, tinh chế các SPCNCL

Dự kiến khoảng 30-40 dự án đầu tư sản xuất các SPCNCL được hỗ trợ

Sở Công Thương

UBND các huyện, TP; Sở KHCN, Trung tâm Khuyến công, TT Tư vấn phát triển công nghiệp và các đơn vị có liên quan

hàng năm

122,60

0,60

2,00

120,00

2

Phát triển chế biến các sản phẩm từ nông sản (rau, củ, quả), dược liệu

286,80

0,80

6,00

280,00

3

Phát triển công nghiệp chế biến chè xuất khẩu

123,90

0,90

3,00

120,00

4

Phát triển các nhà máy tinh chế gỗ

142,60

0,60

2,00

140,00

II

Xây dựng và phát triển thương hiệu

6,80

0,00

2,40

4,40

1

Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu

Hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp sản xuất SPCNCL thực hiện việc nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, phát triển thương hiệu

Đến năm 2020, có đến 80% các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL xây dựng và phát triển được thương hiệu

Sở Khoa học & Công nghệ

Sở Công Thương

hàng năm

6,80

0,00

2,40

4,40

III

Đào tạo nguồn nhân lực

4,20

1,60

2,60

0,00

1

Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động

Nhằm nâng cao trình độ, kiến thức cho người lao động trong vận hành thiết bị, công nghệ mới

Các doanh nghiệp nhận thức được lợi ích, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu

Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Các đơn vị sản xuất SPCNCL

hàng năm

2,60

1,20

1,40

0,00

2

Tổ chức các khóa tập huấn nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, áp dụng công nghệ mới và sản xuất sạch hơn

Tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ kĩ thuật của các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL trong tỉnh

Nâng cao hoạt động điều hành và hiệu quả doanh nghiệp

Sở Công Thương

Sở Khoa học & Công nghệ, Đơn vị có chức năng

hàng năm

1,60

0,40

1,20

0,00

IV

Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường

8,44

1,80

3,44

3,20

1

Xây dựng và vận hành chuyên mục thông tin thương mại, tuyên truyền xuất khẩu các SPCNCL trên đài PTTH và website Lâm Đồng, Công Thương

Xây dựng chuyên mục đăng tải:

- Các tin, bài viết về hoạt động sản xuất, thương mại, xuất khẩu,... SPCNCL.

- Thông tin các chính sách hỗ trợ phát triển SPCNCL

- Điển hình về sản xuất SPCNCL,...

Xây dựng, duy trì thường xuyên để tuyên truyền và phổ biến hoạt động sản xuất SPCNCL

Sở Thông tin & Truyền thông

Sở Công Thương, Đài PTTH Lâm Đồng

hàng năm

0,24

0,00

0,24

0,00

2

Tổ chức tham gia các hội chợ triển lãm (01 năm tham gia 03 kỳ)

Tổ chức đoàn tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành công nghiệp, thương mại để quảng bá, giới thiệu SPCNCL của tỉnh

Thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL

Sở Công Thương

Các đơn vị sản xuất SPCNCL

hàng năm

3,80

0,60

1,60

1,60

3

Khảo sát tìm kiếm thị truờng xuất khẩu để phát triển sản xuất và dịch vụ cho SPCNCL

Tổ chức đoàn công tác trực tiếp đi khảo sát các thị trường tiềm năng tiêu thụ mạnh các SPCNCL của tỉnh

Đẩy mạnh xuất khẩu các SPCNCL của tỉnh

Trang tâm Xúc tiến Đầu tư, thương mại & du lịch LĐ

Sở Công Thương, các đơn vị sản xuất SPCNCL

hàng năm

4,40

1,20

1,60

1,60

V

Xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, sở hữu trí tuệ

1,66

0,00

1,66

0,00

1

Hỗ trợ kinh phí đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn (01 năm hỗ trợ 04 chứng nhận)

Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý

Đến 2020 có khoảng 24 doanh nghiệp sản xuất SPCNCL áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng (ISO 9000, ISO 22000, ISO 14000, HACCP, GAP,...)

Sở Khoa học & Công nghệ

Sở Công Thương

hàng năm

1,18

0,00

1,18

0,00

2

Hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu (trung bình 01 năm hỗ trợ 20 thương hiệu)

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trong nước Việt Nam

Các sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất SPCNCL được đăng ký bảo hộ

Sở Khoa học & Công nghệ

Sở Công Thương

hàng năm

0,48

0,00

0,48

0,00

 

TỔNG KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

697,00

6,30

23,10

667,60

 

PHỤ LỤC 2

KẾ HOẠCH KINH PHÍ THỰC HIỆN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM CHỦ LỰC VÀ CÓ LỢI THẾ CẠNH TRANH TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020

ĐVT: Tỷ VNĐ

TT

Nguồn kinh phí

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2013-2020

1

Kinh phí trung ương (từ Chương trình sản xuất sạch hơn chương trình khuyến công quốc gia và chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại)

0,7

0,8

0,8

0,9

0,9

0,9

0,7

0,6

6,30

2

Ngân sách địa phương (từ nguồn kinh phí sự nghiệp khuyến công, sự nghiệp khoa học, công nghệ, đào tạo nghề, sản xuất sạch hơn và xúc tiến đầu tư của tỉnh)

3,1

3,24

3,24

3,22

3,1

2,7

2,5

2

23,10

3

Đầu tư của doanh nghiệp (đầu tư trực tiếp cho nhà xưởng, thiết bị, công nghệ và xây dựng và phát triển thương hiệu, khảo sát thị trường)

91

131

90,9

101

161

40,9

50,9

0,9

667,60

 

Tổng cộng

94,8

135,04

94,94

105,12

165

44,5

54,1

3,5

697,00

 

 


1 Năm 2012 XK nông lâm sản chế biến được 47,2 triệu USD, đạt 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh

2 Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm, khoáng sản đạt 2.322,8 tỷ đồng chiếm 38,95 % tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (5.960,5 tỷ đồng)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1120/QĐ-UBND năm 2013 Kế hoạch hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020

  • Số hiệu: 1120/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/06/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Xuân Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản