Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/2006/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2006

NGHỊ ĐỊNH

VỀ TÍN DỤNG ĐẦU TƯ VÀ TÍN DỤNG XUẤT KHẨU CỦA NHÀ NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 12 tháng 02 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 5 năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định, gồm:

a) Tín dụng đầu tư, bao gồm: cho vay đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư;

b) Tín dụng xuất khẩu, bao gồm: cho vay xuất khẩu (cho nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu vay), bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

2. Đối tượng điều chỉnh, bao gồm:

a) Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có dự án thuộc diện vay vốn đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư (sau đây gọi là chủ đầu tư);

b) Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước có hợp đồng xuất khẩu hoặc các tổ chức nước ngoài nhập khẩu hàng hóa thuộc diện có vay vốn, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu;

c) Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong quá trình thực hiện tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Điều 2. Nguyên tắc tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu

1. Cho vay, bảo lãnh những dự án đầu tư, hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu hàng hoá do Việt Nam sản xuất, có thu hồi vốn trực tiếp.

2. Một dự án đầu tư chỉ được áp dụng một hình thức của tín dụng đầu tư; một hợp đồng xuất khẩu hoặc nhập khẩu chỉ được áp dụng một hình thức của tín dụng xuất khẩu nếu hội đủ các điều kiện theo quy định.

3. Dự án đầu tư, hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu khi vay vốn, bảo lãnh phải được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay.

4. Chủ đầu tư, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu vay vốn hoặc được bảo lãnh, hỗ trợ sau đầu tư phải sử dụng vốn vay đúng mục đích; trả nợ gốc và lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký; thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng bảo lãnh, hỗ trợ sau đầu tư và các quy định của Nghị định này.

5. Danh mục dự án vay vốn tín dụng đầu tư và Danh mục mặt hàng vay vốn tín dụng xuất khẩu do Chính phủ quy định.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Nhà xuất khẩu" là các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế Việt Nam xuất khẩu hàng hoá do Việt Nam sản xuất.

2. “Nhà nhập khẩu nước ngoài" (sau đây viết tắt là nhà nhập khẩu) là tổ chức nước ngoài mua hàng hoá do Việt Nam sản xuất.

3. “Thời hạn cho vay” là khoảng thời gian từ khi rút vốn lần đầu đến khi trả hết nợ vay theo hợp đồng tín dụng.

4. “Thời hạn ân hạn” là khoảng thời gian thực hiện dự án, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu mà chủ đầu tư, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu chưa phải trả nợ gốc; nhưng phải trả nợ lãi.

5. “Thời hạn trả nợ” là khoảng thời gian từ khi trả nợ khoản vay lần đầu tiên cho đến khi trả hết nợ vay theo hợp đồng tín dụng.

6. “Kỳ hạn trả nợ” là khoảng thời gian quy định cho từng lần trả nợ trong thời hạn trả nợ.

7. “Cho vay” là việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho các chủ đầu tư, nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu vay vốn để thực hiện dự án đầu tư, hợp đồng xuất khẩu hoặc hợp đồng nhập khẩu hàng hoá.

8. “Bên bảo lãnh” là Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

9. “Bên được bảo lãnh” là chủ đầu tư, nhà xuất khẩu được Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh.

10. “Bên nhận bảo lãnh” là các tổ chức cho chủ đầu tư, nhà xuất khẩu vay vốn hoặc bên mời thầu các hợp đồng xuất khẩu.

11. “Bảo lãnh vay vốn” là cam kết của Ngân hàng Phát triển Việt Nam với tổ chức cho vay vốn về việc sẽ trả nợ thay cho chủ đầu tư, nhà xuất khẩu trong trường hợp chủ đầu tư, nhà xuất khẩu không trả hoặc trả nợ không đủ cho bên nhận bảo lãnh.

12. “Bảo lãnh dự thầu” là cam kết của Ngân hàng Phát triển Việt Nam với bên mời thầu, để bảo đảm nghĩa vụ tham gia dự thầu của nhà xuất khẩu. Trường hợp nhà xuất khẩu phải nộp phạt do vi phạm quy định đấu thầu mà không nộp hoặc nộp không đầy đủ tiền phạt cho bên mời thầu thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ thực hiện thay.

13. “Bảo lãnh thực hiện hợp đồng” là cam kết của Ngân hàng Phát triển Việt Nam với bên nhận bảo lãnh, bảo đảm việc thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của nhà xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp nhà xuất khẩu vi phạm hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại cho bên nhận bảo lãnh mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ thực hiện thay.

14. “Hỗ trợ sau đầu tư” là việc Nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất cho chủ đầu tư vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư dự án, sau khi dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và trả được nợ vay.

Điều 4. Kế hoạch tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước

1. Kế hoạch tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước được thông báo hàng năm, bao gồm các chỉ tiêu sau:

a) Tổng mức tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước;

b) Nguồn vốn để thực hiện tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước;

c) Ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất, hỗ trợ sau đầu tư.

2. Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kế hoạch tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước hàng năm và kế hoạch dài hạn để tổng hợp chung trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Chương 2:

TÍN DỤNG ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC

Mục 1:

CHO VAY ĐẦU TƯ

Điều 5. Các hình thức cho vay đầu tư

1. Cho vay các dự án đầu tư trong nước.

2. Cho vay các dự án đầu tư ra nước ngoài.

Điều 6. Đối tượng cho vay

Đối tượng cho vay là chủ đầu tư có dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư được ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 7. Điều kiện cho vay

1. Thuộc đối tượng quy định tại Điều 6 Nghị định này.

2. Thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.

3. Chủ đầu tư có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

4. Chủ đầu tư có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trả được nợ; được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ và chấp thuận cho vay.

5. Chủ đầu tư phải bảo đảm đủ nguồn vốn để thực hiện dự án và các điều kiện tài chính cụ thể của phần vốn đầu tư ngoài phần vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.

6. Chủ đầu tư thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định này.

7. Chủ đầu tư phải mua bảo hiểm tài sản tại một công ty bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc trong suốt thời hạn vay vốn.

8. Trường hợp dự án đầu tư ra nước ngoài theo Hiệp định giữa hai Chính phủ và dự án đầu tư ra nước ngoài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì thực hiện theo Điều 11 Nghị định này.

Điều 8. Mức vốn cho vay

1. Mức vốn cho vay đối với mỗi dự án tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án đó (không bao gồm vốn lưu động).

2. Mức vốn cho vay đối với từng dự án do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp đặc biệt, dự án nhất thiết phải vay với mức cao hơn 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động) mới đủ điều kiện để thực hiện, thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 9. Thời hạn cho vay

1. Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm.

2. Một số dự án đặc thù (dự án Nhóm A, trồng cây thông, cây cao su) cần có thời gian vay vốn trên 12 năm mới đủ điều kiện thực hiện thì thời hạn cho vay tối đa là 15 năm.

3. Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều này.

Điều 10. Đồng tiền và lãi suất cho vay

1. Đồng tiền cho vay là đồng Việt Nam. Việc cho vay bằng ngoại tệ được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi đối với một số dự án có nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị mà chủ đầu tư có khả năng cân đối ngoại tệ trả nợ.

2. Lãi suất cho vay đầu tư bằng đồng Việt Nam bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm cộng 0,5%/năm.

3. Đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn và dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 135 và các xã biên giới thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm.

4. Lãi suất cho vay bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, giao Bộ Tài chính quyết định theo nguyên tắc có ưu đãi trên cơ sở lãi suất Sibor 6 tháng cộng thêm tỷ lệ %.

5. Lãi suất cho vay được xác định tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng lần đầu tiên và không thay đổi cho cả thời hạn vay vốn.

6. Lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn ghi trong hợp đồng tín dụng.

7. Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố lãi suất cho vay đầu tư để Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện. Số lần công bố lãi suất hàng năm tối đa là 2 lần.

Điều 11. Cho các dự án vay theo Hiệp định của Chính phủ và dự án đầu tư ra nước ngoài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ

1. Điều kiện, lãi suất, thời hạn, mức vay và những nội dung có liên quan đến khoản vay của dự án được thực hiện theo các quy định ghi trong Hiệp định.

2. Trường hợp Hiệp định không quy định cụ thể về điều kiện, lãi suất, thời hạn, mức vay và bảo đảm tiền vay thì thực hiện theo quy định về cho vay đầu tư tại Nghị định này.

3. Các dự án đầu tư ra nước ngoài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo quy định về cho vay đầu tư của Nghị định này.

MỤC 2:

HỖ TRỢ SAU ĐẦU TƯ

Điều 12. Đối tượng được hỗ trợ sau đầu tư

Đối tượng được hỗ trợ sau đầu tư là các chủ đầu tư có dự án trong Danh mục dự án vay vốn tín dụng đầu tư, gồm:

1. Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

2. Các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

3. Các dự án đầu tư tại: địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc chương trình 135 và các xã biên giới thuộc chương trình 120, các xã vùng bãi ngang.

Điều 13. Điều kiện hỗ trợ sau đầu tư

1. Dự án thuộc đối tượng hỗ trợ sau đầu tư quy định tại Điều 12 Nghị định này.

2. Được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định và ký kết hợp đồng hỗ trợ sau đầu tư.

3. Dự án đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng và đã trả được nợ vay.

Điều 14. Mức hỗ trợ sau đầu tư

1. Mức hỗ trợ sau đầu tư bằng chênh lệch giữa lãi suất vay vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng và 90% lãi suất vay vốn đầu tư áp dụng cho các đối tượng quy định tạiĐiều 10 Nghị định này.

2. Ngân hàng Phát triển Việt Nam cấp hỗ trợ sau đầu tư theo kết quả trả nợ của chủ đầu tư.

MỤC 3:

BẢO LÃNH TÍN DỤNG ĐẦU TƯ

Điều 15. Đối tượng được bảo lãnh

Chủ đầu tư có dự án thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư theo quy định tại Nghị định này và có nhu cầu được bảo lãnh để vay vốn tại các tổ chức tín dụng khác.

Điều 16. Điều kiện bảo lãnh

1. Thuộc đối tượng bảo lãnh tín dụng đầu tư quy định tại Điều 15 Nghị định này.

2. Hội đủ các điều kiện được quy định tại các khoản 2, 3, 4, 6 và 7 Điều 7 Nghị định này.

Điều 17. Thời hạn bảo lãnh

Được xác định phù hợp với thời hạn vay vốn theo hợp đồng tín dụng giữa chủ đầu tư với tổ chức tín dụng.

Điều 18. Mức bảo lãnh và phí bảo lãnh

1. Mức bảo lãnh tương ứng với mức vốn vay, nhưng không vượt quá tổng mức đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động).

2. Chủ đầu tư được bảo lãnh không phải trả phí.

Điều 19. Trách nhiệm tài chính khi chủ đầu tư không trả được nợ

Trường hợp chủ đầu tư không trả được nợ vay theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký thì:

1. Sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày khoản vay đến hạn, chủ đầu tư không trả được nợ, tổ chức tín dụng có yêu cầu bằng văn bản gửi Ngân hàng Phát triển Việt Nam trả nợ thay.

2. Ngân hàng Phát triển Việt Nam có trách nhiệm trả nợ cho tổ chức tín dụng thay chủ đầu tư phần vốn vay quá hạn đã nhận bảo lãnh khi nhận được yêu cầu trả nợ thay.

3. Chủ đầu tư phải nhận nợ bắt buộc và có trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam về số tiền trả nợ thay với lãi suất phạt bằng 150% lãi suất vay vốn của tổ chức tín dụng.

Chương 3:

TÍN DỤNG XUẤT KHẨU

MỤC 1:

CHO VAY XUẤT KHẨU

Điều 20. Các hình thức cho vay xuất khẩu

1. Cho nhà xuất khẩu vay, bao gồm cho vay trước hoặc sau khi giao hàng.

2. Cho nhà nhập khẩu vay.

Điều 21. Đối tượng cho vay

Nhà xuất khẩu có hợp đồng xuất khẩu và nhà nhập khẩu có hợp đồng nhập khẩu hàng hoá thuộc Danh mục mặt hàng vay vốn tín dụng xuất khẩu được ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 22. Điều kiện cho vay

1. Thuộc đối tượng vay vốn theo quy định tại Điều 21 của Nghị định này.

2. Nhà xuất khẩu đã ký kết hợp đồng xuất khẩu. Nhà nhập khẩu có hợp đồng nhập khẩu đã ký kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế Việt Nam.

3. Phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định và chấp thuận cho vay.

4. Nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

5. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này:

a) Nhà xuất khẩu phải thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay tại Nghị định này; phải mua bảo hiểm tài sản tại một công ty bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc trong suốt thời hạn vay vốn;

b) Nhà nhập khẩu phải được Chính phủ hoặc Ngân hàng trung ương của nước bên nhà nhập khẩu bảo lãnh vay vốn.

Điều 23. Mức vốn cho vay

1. Mức cho vay tối đa bằng 85% giá trị hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu đã ký hoặc giá trị L/C đối với cho vay trước khi giao hàng hoặc trị giá hối phiếu hợp lệ đối với cho vay sau khi giao hàng.

2. Mức vốn cho vay đối với từng trường hợp do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 24. Thời hạn cho vay

1. Thời hạn cho vay xác định theo khả năng thu hồi vốn phù hợp với đặc điểm của từng hợp đồng xuất khẩu và khả năng trả nợ của nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu nhưng không quá 12 tháng.

2. Trường hợp cần thiết, thời hạn cho vay trên 12 tháng thì nhà xuất khẩu mới đủ điều kiện thực hiện hợp đồng xuất khẩu, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính xem xét, quyết định.

Điều 25. Đồng tiền và lãi suất cho vay

1. Đồng tiền cho vay là đồng Việt Nam (VNĐ). Việc cho vay bằng ngoại tệ được thực hiện bằng đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi đối với hợp đồng xuất khẩu có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu mà nhà xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ.

2. Lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, giao Bộ Tài chính quyết định theo nguyên tắc phù hợp với lãi suất thị trường.

3. Lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn theo hợp đồng tín dụng.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu để Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện. Số lần công bố lãi suất hàng năm tối đa là 2 lần.

Điều 26. Thực hiện giải ngân, thu nợ

Ngân hàng Phát triển Việt Nam trực tiếp giải ngân, thu nợ hoặc ủy thác cho các tổ chức tài chính, tín dụng hoạt động hợp pháp ở trong nước và ngoài nước thực hiện giải ngân và thu nợ.

MỤC 2:

BẢO LÃNH TÍN DỤNG XUẤT KHẨU

Điều 27. Đối tượng bảo lãnh

Đối tượng bảo lãnh là nhà xuất khẩu có hợp đồng xuất khẩu hàng hoá thuộc Danh mục mặt hàng vay vốn tín dụng xuất khẩu, nhưng không vay vốn tín dụng xuất khẩu của nhà nước.

Điều 28. Điều kiện bảo lãnh

1. Thuộc đối tượng bảo lãnh theo quy định tại Điều 27 Nghị định này và có nhu cầu bảo lãnh để vay vốn của các tổ chức tín dụng khác.

2. Có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

3. Hội đủ các điều kiện quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 22 Nghị định này.

Điều 29. Thời hạn bảo lãnh

Thời hạn bảo lãnh phù hợp với thời hạn vay vốn theo Hợp đồng tín dụng đã ký giữa nhà xuất khẩu với tổ chức tín dụng nhưng tối đa là 12 tháng.

Điều 30. Mức bảo lãnh, phí bảo lãnh

1. Mức bảo lãnh cho nhà xuất khẩu vay vốn không quá 85% giá trị hợp đồng xuất khẩu hoặc giá trị L/C.

2. Nhà xuất khẩu được bảo lãnh phải trả phí bảo lãnh bằng 1%/năm trên số dư tín dụng được bảo lãnh.

Điều 31. Trách nhiệm tài chính khi nhà xuất khẩu không trả được nợ được áp dụng theo quy định tại Điều 19 Nghị định này.

MỤC 3:

BẢO LÃNH DỰ THẦU VÀ BẢO LÃNH THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

Điều 32. Đối tượng bảo lãnh

Nhà xuất khẩu tham gia dự thầu hoặc thực hiện hợp đồng xuất khẩu hàng hoá thuộc Danh mục mặt hàng vay vốn tín dụng xuất khẩu.

Điều 33. Điều kiện bảo lãnh

1. Thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 32 Nghị định này, có nhu cầu bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng xuất khẩu.

2. Có tài liệu hợp pháp chứng minh yêu cầu của phía nước ngoài về bảo lãnh dự thầu hoặc bảo lãnh thực hiện hợp đồng xuất khẩu.

3. Nhà xuất khẩu được bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng xuất khẩu phải có năng lực tài chính để tham gia dự thầu hoặc thực hiện hợp đồng xuất khẩu được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định và chấp thuận bảo lãnh.

Điều 34. Thời hạn bảo lãnh

Thời hạn bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng xuất khẩu phù hợp với thời hạn thực hiện nghĩa vụ của nhà xuất khẩu.

Điều 35. Mức bảo lãnh, phí bảo lãnh

1. Mức bảo lãnh tối đa không quá 3% giá dự thầu đối với bảo lãnh dự thầu và tối đa không quá 15% giá trị hợp đồng xuất khẩu đối với bảo lãnh thực hiện hợp đồng xuất khẩu.

2. Nhà xuất khẩu được bảo lãnh phải trả phí bảo lãnh là 0,5%/năm trên giá trị bảo lãnh nhưng tối đa bằng 100 triệu đồng/1 hợp đồng bảo lãnh.

Điều 36. Trách nhiệm tài chính của nhà xuất khẩu khi Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên nước ngoài

Nhà xuất khẩu được bảo lãnh phải nhận nợ bắt buộc số tiền Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã trả cho bên nước ngoài và phải chịu lãi suất phạt bằng 150% lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu tính trên số tiền nhận nợ.

Chương 4:

BẢO ĐẢM TIỀN VAY, TRẢ NỢ VAY VÀ XỬ LÝ RỦI RO TÍN DỤNG ĐẦU TƯ VÀ TÍN DỤNG XUẤT KHẨU

Điều 37. Bảo đảm tiền vay

1. Các chủ đầu tư, khi vay vốn hoặc được bảo lãnh được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm tiền vay và bảo lãnh. Trường hợp tài sản hình thành từ vốn vay không đủ điều kiện bảo đảm tiền vay và bảo lãnh, chủ đầu tư phải sử dụng tài sản hợp pháp khác để bảo đảm tiền vay và bảo lãnh với giá trị tối thiểu bằng 15% tổng mức vay vốn và bảo lãnh.

2. Nhà xuất khẩu khi vay vốn hoặc được bảo lãnh tín dụng xuất khẩu phải thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định hiện hành của pháp luật; được miễn tài sản thế chấp khi bảo lãnh dự thầu hoặc bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

3. Chủ đầu tư, nhà xuất khẩu không được chuyển nhượng, bán, cho thuê, cho mượn hoặc thế chấp, cầm cố tài sản bảo đảm khi chưa trả hết nợ. Trường hợp chủ đầu tư, nhà xuất khẩu không trả được nợ hoặc giải thể, phá sản, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được áp dụng biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức tín dụng để thu hồi nợ.

Điều 38. Trả nợ vay

1. Chủ đầu tư, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu có trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký.

2. Trong thời gian ân hạn, chủ đầu tư chưa phải trả nợ gốc nhưng phải trả lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký.

3. Sau thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày đến hạn trả nợ, chủ đầu tư, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu vay vốn không trả được nợ vay của kỳ hạn đó thì số nợ gốc và lãi chậm trả phải chịu lãi suất quá hạn theo quy định.

4. Trường hợp nhà nhập khẩu không trả được nợ hoặc trả nợ không đủ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam có trách nhiệm thu hồi nợ từ các tổ chức bảo lãnh của nước nhập khẩu theo đúng hợp đồng bảo lãnh.

Điều 39. Rủi ro, xử lý rủi ro

1. Rủi ro được xem xét xử lý nợ tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu bao gồm:

a) Rủi ro bất khả kháng: thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị, chiến tranh trực tiếp gây thiệt hại tài sản của chủ đầu tư hoặc nhà xuất khẩu; chủ đầu tư, nhà xuất khẩu bị phá sản, giải thể; chủ đầu tư, nhà xuất khẩu bị chết, mất tích không có người thừa kế trong trường hợp chủ đầu tư, nhà xuất khẩu vay vốn là cá nhân;

b) Khó khăn về tài chính của doanh nghiệp nhà nước nhất thiết phải được xử lý khi thực hiện chuyển đổi sở hữu.

2. Biện pháp xử lý rủi ro được xem xét áp dụng gồm: điều chỉnh thời hạn trả nợ, gia hạn nợ, khoanh nợ, xoá nợ (gốc, lãi).

Điều 40. Phân loại nợ, trích, lập quỹ dự phòng rủi ro

1. Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện việc phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Ngân hàng Phát triển Việt Nam được lập Quỹ dự phòng rủi ro để xử lý các rủi ro do các chủ đầu tư, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu không trả được nợ.

3. Tiền trích lập Quỹ dự phòng rủi ro được hạch toán vào chi phí hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

4. Mức trích lập và sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro được quy định tại cơ chế tài chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Điều 41. Thẩm quyền xử lý rủi ro

1. Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam điều chỉnh thời hạn trả nợ, kỳ hạn trả nợ và mức trả nợ trong mỗi kỳ hạn, gia hạn nợ, tổng thời gian gia hạn nợ không vượt quá 1/3 thời hạn cho vay đã ký trong hợp đồng tín dụng đầu tiên và tổng thời hạn vay vốn không vượt thời hạn vay vốn tối đa theo quy định của Nghị định này.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định khoanh nợ, xoá nợ lãi cho chủ đầu tư, nhà xuất khẩu trên cơ sở đề nghị của Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các trường hợp xóa nợ gốc trên cơ sở đề nghị của Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Chương 5:

NGUỒN VỐN THỰC HIỆN TÍN DỤNG ĐẦU TƯ VÀ TÍN DỤNG XUẤT KHẨU CỦA NHÀ NƯỚC

Điều 42. Vốn ngân sách nhà nước

1. Vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

2. Ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất, hỗ trợ sau đầu tư.

3. Vốn ngân sách nhà nước cấp cho các chương trình, mục tiêu của Chính phủ.

Điều 43. Vốn huy động

1. Phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam và kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi theo quy định của pháp luật.

2. Vay của Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện, Bảo hiểm xã hội và các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước.

3. Các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.

4. Việc huy động vốn bằng ngoại tệ phải xem xét trên cơ sở nhu cầu thực tế sử dụng vốn và ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chương 6:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM VÀ CHỦ ĐẦU TƯ,NHÀ XUẤT KHẨU, NHÀ NHẬP KHẨU

Điều 44. Bộ Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách liên quan về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

2. Hướng dẫn hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách liên quan về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước để Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện; giám sát hoạt động về tài chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

3. Quyết định theo thẩm quyền về lãi suất cho vay, xử lý rủi ro và thời hạn cho vay xuất khẩu trên 12 tháng.

4. Kiểm tra, giám sát Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong việc: vay vốn và trả nợ các nguồn vốn huy động; sử dụng vốn để cho vay đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư, cho vay xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng, cho vay nhập khẩu và thu nợ; thực hiện một số nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao.

5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hàng năm đánh giá tình hình thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và kết quả hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 45. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Tổng hợp kế hoạch tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và dài hạn; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về kế hoạch tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước hàng năm; phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm cho hoạt động tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

3. Phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong việc vay vốn, nhận nợ và trả nợ các nguồn vốn huy động, sử dụng vốn để thực hiện tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; xử lý rủi ro tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo quy định.

Điều 46. Bộ Thương mại

1. Xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược và các chương trình phát triển hàng xuất khẩu trong từng thời kỳ; phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

2. Công bố rộng rãi thông tin về thị trường xuất khẩu; đề xuất các giải pháp và hướng dẫn thực hiện để mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Điều 47. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, ngoại hối, tín dụng và thanh toán có liên quan đến tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

2. Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Điều 48. Ngân hàng Phát triển Việt Nam

1. Tổ chức thực hiện chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo đúng quy định tại Nghị định này.

2. Đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

3. Xử lý rủi ro theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tính chính xác, minh bạch trong các đề xuất xử lý rủi ro lên các cơ quan thẩm quyền xem xét, quyết định.

4. Thu nợ gốc và lãi vốn tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu theo quy định.

Điều 49. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo chức năng và thẩm quyền

1. Công bố quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển và các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành, lĩnh vực, sản phẩm, vùng lãnh thổ làm căn cứ thực hiện chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

2. Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để các chủ đầu tư triển khai thực hiện đầu tư theo đúng quy định của Nhà nước về đầu tư; giải quyết các vấn đề có liên quan đến thực hiện chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Điều 50. Chủ đầu tư, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu

1. Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn, bảo lãnh, hỗ trợ sau đầu tư, tình hình sử dụng vốn vay cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

2. Sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đầy đủ, đúng hạn và thực hiện đầy đủ các nội dung đã cam kết trong các hợp đồng tín dụng, bảo lãnh, hỗ trợ sau đầu tư.

3. Doanh nghiệp nhà nước được Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay, bảo lãnh khi thực hiện chuyển đổi sở hữu phải thông báo bằng văn bản cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam để giải quyết khoản nợ vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

Chương 7:

BÁO CÁO, THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 51. Thanh tra, kiểm tra, báo cáo

1. Các hoạt động tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu theo quy định tại Nghị định này đều phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Việc thanh tra, kiểm tra có thể thực hiện ở từng khâu hoặc ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh và hoàn trả vốn vay.

3. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

4. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất, Ngân hàng Phát triển Việt Nam tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, đồng thời gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thống kê.

Điều 52. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân vay vốn, được bảo lãnh, hỗ trợ sau đầu tư, nếu vi phạm các quy định của Nghị định này, gây thiệt hại về tài sản, tiền vốn thì phải bồi thường và xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; mọi hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này đều bị: xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 8

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 53. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Nghị định số 106/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, Quyết định số 133/2001/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tín dụng hỗ trợ xuất khẩu và các quy định khác có liên quan đến tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Điều 54. Các trường hợp đã ký hợp đồng

1. Đối với các dự án vay vốn tín dụng đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đã ký hợp đồng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trước đây là Quỹ Hỗ trợ phát triển) trước ngày Nghị định này có hiệu lực, tiếp tục được thực hiện theo các cam kết ghi trong hợp đồng đã ký.

2. Các hợp đồng vay vốn tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng đã ký với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trước đây là Quỹ Hỗ trợ phát triển) trước ngày Nghị định này có hiệu lực, tiếp tục được thực hiện theo các cam kết ghi trong hợp đồng đã ký.

Điều 55. Trách nhiệm hướng dẫn thực hiện

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan căn cứ chức năng và thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 56. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản lý và Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ban Quản lý KKTCKQT Bờ Y;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

DANH MỤC

CÁC DỰ ÁN VAY VỐN TÍN DỤNG ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ)

STT

NGÀNH NGHỀ, LĨNH VỰC

I

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (Không phân biệt địa bàn đầu tư)

1

Dự án đầu tư đường bộ, cầu đường bộ, đường sắt và cầu đường sắt

2

Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch phục vụ công nghiệp và sinh hoạt

3

Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, rác thải tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, bệnh viện và các cụm công nghiệp làng nghề

4

Dự án xây dựng quỹ nhà ở tập trung cho công nhân lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; ký túc xá cho sinh viên

5

Dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế: mở rộng, nâng cấp, đầu tư thiết bị, xây dựng mới bệnh viện

6

Dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề

7

Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại làng nghề tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề ở nông thôn

II

Nông nghiệp, nông thôn (Không phân biệt địa bàn đầu tư)

1

Dự án xây dựng mới, mở rộng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung

2

Dự án phát triển giống thuỷ, hải sản; đầu tư hạ tầng nuôi trồng thuỷ, hải sản

3

Dự án phát triển giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp

III

Công nghiệp (Không phân biệt địa bàn đầu tư)

1

Dự án đầu tư chế biến sâu từ quặng khoáng sản:

- Phôi thép, gang có công suất tối thiểu 200 nghìn tấn/năm;

- Sản xuất Alumin có công suất tối thiểu 300 nghìn tấn/năm; sản xuất nhôm kim loại có công suất tối thiểu 100 nghìn tấn/năm;

- Sản xuất fero hợp kim sắt có công suất tối thiểu 1 nghìn tấn/năm;

- Sản xuất kim loại màu có công suất tối thiểu 5 nghìn tấn/năm;

- Sản xuất bột màu đioxit titan có công suất tối thiểu 20 nghìn tấn/năm.

2

Dự án sản xuất động cơ Diezel từ 300CV trở lên

3

Dự án đầu tư đóng mới toa xe đường sắt và lắp ráp đầu máy xe lửa

4

Dự án đầu tư bào chế, sản xuất thuốc kháng sinh, thuốc cai nghiện, vắc xin thương phẩm và thuốc chữa bệnh HIV/AIDS

5

Dự án đầu tư xây dựng thủy điện nhỏ công suất nhỏ hơn hoặc bằng 100MW; xây dựng nhà máy điện từ gió

6

Dự án đầu tư sản xuất DAP và phân đạm

IV

Các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc chương trình 135 và các xã biên giới thuộc chương trình 120, các xã vùng bãi ngang

V

Các dự án cho vay theo Hiệp định Chính phủ; các dự án đầu tư ra nước ngoài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ

DANH MỤC

MẶT HÀNG VAY VỐN TÍN DỤNG XUẤT KHẨU
(Ban hành kèm theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ)

STT

DANH MỤC MẶT HÀNG

I

Nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản

1.

Lạc nhân

2

Cà phê

3

Chè

4

Hạt tiêu

5

Hạt điều đã qua chế biến

6

Rau quả (hộp, tươi, khô, sơ chế, nước quả)

7

Đường

8

Thuỷ sản

9

Thịt gia súc, gia cầm

10

Trứng gia cầm

11

Quế và tinh dầu quế

II

Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ

1

Hàng mây, tre đan và sản phẩm đan lát, tết bện thủ công bằng các loại nguyên liệu khác

2

Hàng thêu, ren

3

Hàng gốm, sứ mỹ nghệ

4

Đồ gỗ thủ công mỹ nghệ

5

Sản phẩm tơ tằm và sản phẩm lụa sản xuất từ tơ tằm

6

Sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu

III

Nhóm sản phẩm công nghiệp

1

Cấu kiện thiết bị toàn bộ và thiết bị toàn bộ

2

Động cơ điện, động cơ diezen

3

Máy biến thế điện các loại

4

Sản phẩm nhựa phục vụ công nghiệp và xây dựng

5

Sản phẩm dây điện, cáp điện sản xuất trong nước

6

Tầu biển

7

Cáp điện

8

Bóng đèn

IV

Máy tính nguyên chiếc, phụ kiện máy tính và phần mềm tin học

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 151/2006/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước

  • Số hiệu: 151/2006/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 20/12/2006
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1 đến số 2
  • Ngày hiệu lực: 16/01/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 20/10/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản