Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5503/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 20 tháng 7 năm 2009 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành Công nghiệp Việt Nam theo vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 1281/TTr-KH-ĐT ngày 9 tháng 7 năm 2009 về việc Đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển Công nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
a) Phát triển công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành một đô thị lớn của cả nước, trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.
b) Phát triển công nghiệp hiệu quả bền vững và làm nền tảng phát triển các ngành dịch vụ; phát huy được lợi thế của Đà Nẵng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đảm bảo tính liên kết trên cơ sở phân bố hợp lý về không gian lãnh thổ, về cơ cấu ngành công nghiệp.
c) Phát triển công nghiệp có chọn lọc, tập trung ưu tiên phát triển những ngành hàng và sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng cao; coi trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp và hàng xuất khẩu. Tạo ra chuyển biến cơ bản về cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch và giá trị gia tăng cao; thay đổi về chất lượng nội bộ ngành phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
d) Phát triển công nghiệp trên cơ sở phát triển của khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có trình độ cao; phát huy tối đa mọi nguồn nội lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế, hợp tác liên tỉnh, liên vùng và liên ngành.
e) Chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống và các ngành nghề tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, rút ngắn dần khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa nông thôn và thành thị, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn.
g) Phát triển công nghiệp phải gắn liền với yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo ổn định xã hội và an ninh quốc phòng.
a) Mục tiêu tổng quát:
Từ nay đến năm 2020, công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung, là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước. Đà Nẵng phấn đấu để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phần mềm, trung tâm thời trang của khu vực miền Trung và cả nước, là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) giai đoạn 2011-2015 là 13,24% và giai đoạn 2016-2020 là 12,2%.
- Tỷ trọng Công nghiệp-Xây dựng trong cơ cấu kinh tế thành phố đến năm 2010 là 47,5%, năm 2015 là 45,4% và năm 2020 là 42,8%.
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và hướng vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin.
- Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp công nghệ thông tin.
- Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm công nghiệp-TTCN, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 650 triệu USD vào năm 2010, trên 1.500 triệu USD vào năm 2015 và trên 3.300 triệu USD vào năm 2020.
- Nâng cao chất lượng nguồn lao động công nghiệp và trình độ quản lý doanh nghiệp tại thành phố.
a) Định hướng chung:
Ngành công nghiệp thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ phát triển theo những định hướng sau:
- Phát triển công nghiệp có chọn lọc, tập trung ưu tiên phát triển những ngành hàng và sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao; coi trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch và giá trị gia tăng cao, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
- Ưu tiên nguồn lực, ưu đãi về chính sách cho một số ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực, đại diện cho công nghiệp thành phố trong tương lai như: công nghiệp công nghệ thông tin (phần mềm, phần cứng), điện tử, cơ khí chính xác, dược phẩm, hàng tiêu dùng cao cấp...
- Đẩy mạnh ngành khai thác và chế biến hải sản phục vụ xuất khẩu, phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ cảng và vận tải biển; các loại hình công nghiệp gắn liền với hệ thống cảng.
- Chuyển đổi dần cơ cấu công nghiệp theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, hình thành ngành nghề, sản phẩm mới; tăng cường kêu gọi hợp tác đầu tư nước ngoài; chủ động tham gia vào mạng lưới công nghiệp ASEAN (AICO) và thế giới; tăng tỷ trọng của khu vực công nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài.
- Đối với các doanh nghiệp đã có, cần phải tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ để tăng năng suất, hạ giá thành nhằm đứng vững và mở rộng thị phần trong cạnh tranh. Đối với các doanh nghiệp xây dựng mới, ngay từ đầu phải có quan điểm tiếp nhận công nghệ tiên tiến, đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường, đón đầu, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chuẩn cơ bản để định hướng phát triển, lựa chọn các dự án đầu tư và công nghệ.
- Phát triển và phân bố các cơ sở sản xuất công nghiệp phải trên việc sử dụng hợp lý tài nguyên, lao động và đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Kết hợp chặt chẽ các loại quy mô, loại hình sản xuất. Khu vực kinh tế địa phương cần chú trọng hơn đối với phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển các khu công nghiệp tập trung, gắn sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp với sự phát triển của hệ thống đô thị, dịch vụ.
- Xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, phát triển mạnh các ngành công nghiệp công nghệ cao (điện, điện tử, điện lạnh, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới…) và các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông.
b) Định hướng ưu tiên phát triển các chuyên ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chính được phát triển theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin:
Phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin thành một ngành kinh tế quan trọng. Ngành công nghiệp phần cứng tập trung vào sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử, điện lạnh, thiết bị điện, công nghệ thông tin và viễn thông. Công nghiệp phần mềm hướng vào xuất khẩu, phục vụ nhu cầu cả nước, miền Trung và Tây Nguyên. Chú trọng xây dựng phần mềm phục vụ điều khiển các quá trình tự động hoá sử dụng trong công nghiệp chế biến, lọc dầu, khai khoáng, điều khiển giao thông… Phấn đấu đưa Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về ứng dụng và phát triển CNTT của cả nước và là trung tâm phát triển về công nghiệp phần mềm, công nghiệp công nghệ cao của khu vực miền Trung.
- Công nghiệp chế biến nông-lâm-thuỷ sản và thực phẩm:
Phát triển ngành công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản và thực phẩm, trong đó trọng tâm là chế biến hải sản hướng vào xuất khẩu với nguồn nguyên liệu khai thác và tại chỗ, có tính đến yếu tố toàn vùng; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất các mặt hàng phù hợp với yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; giảm nhanh các sản phẩm sơ chế, tăng nhanh các sản phẩm tinh chế có giá trị gia tăng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; kiểm soát nguồn nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Từng bước nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các chế phẩm sinh học, phụ gia thực phẩm, các loại thực phẩm, đồ uống chức năng... Chú trọng bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực chế biến thủy sản.
Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Phấn đấu năm 2015 có 100% nhà máy chế biến thuỷ sản đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế vào các thị trường EU, Mỹ.
- Công nghiệp cơ khí:
Phát huy ưu thế sản xuất cơ khí thay thế nhập khẩu và từng bước có hướng xuất khẩu. Tập trung phát triển các lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, thiết bị toàn bộ, công nghiệp phụ trợ cơ khí, khuôn mẫu; phụ trợ công nghiệp ô tô, xe máy; Tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy, thiết bị cơ điện tử, dây chuyền thiết bị chế biến nông, lâm, thủy sản; máy móc-thiết bị phục vụ ngành xây dựng, giao thông, thủy lợi, thuỷ điện, nông nghiệp; thiết bị y tế, giáo dục. Phát triển các nhà máy chế tạo kết cấu định hình và đặc thù cho các KCN; sản xuất, gia công các chi tiết cơ khí siêu trường, siêu trọng cho khu vực miền Trung và nâng cao khả năng sửa chữa, bảo hành các phương tiện vận tải, bao gồm cả thiết bị hàng không. Đổi mới, sử dụng công nghệ tiên tiến đối với các dự án sản xuất thép để đảm bảo môi trường.
- Công nghiệp hóa chất-cao su-nhựa:
Tập trung phát triển mạnh một số sản phẩm Đà Nẵng đang có lợi thế như săm lốp cao su, dược phẩm, các sản phẩm nhựa xây dựng. Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm có công nghệ sản xuất sạch, giá trị gia tăng cao như dược phẩm, mỹ phẩm cao cấp, bao bì mềm cao cấp phục vụ bao gói hàng xuất khẩu, các sản phẩm nhựa kỹ thuật, chi tiết, phụ tùng nhựa phục vụ ngành sản xuất-lắp ráp ô tô, xe máy, thiết bị điện-điện tử, viễn thông và công nghiệp công nghệ thông tin.
Tập trung đầu tư phát triển theo hướng hiện đại hóa một số đơn vị có qui mô tương đối lớn và có sản phẩm thế mạnh để trở thành những đơn vị đầu đàn, có năng lực cạnh tranh cao, sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường trong nước và để xuất khẩu. Tăng cường đổi mới công nghệ - thiết bị, hợp lý hóa sản xuất ở các doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ. Ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm phục vụ các ngành kinh tế - kỹ thuật của địa phương và khu vực Miền Trung. Chuẩn bị tốt mọi nguồn lực (vốn, nhân lực, kỹ thuật, công nghệ) để đón đầu các dự án lớn có khả năng tạo ra bước phát triển đột phá cho ngành Hóa chất - Cao su - Nhựa của thành phố.
- Công nghiệp dệt may, da giầy:
Duy trì phát triển công nghiệp dệt may, da giày trên cơ sở tái cấu trúc ngành này theo hướng tăng nhanh giá trị sản phẩm xuất khẩu trực tiếp (theo phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm); giảm nhanh tỷ trọng sản phẩm gia công, tăng thị phần và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Khuyến khích các dự án đầu tư phát triển sản xuất nguyên liệu, phụ liệu cho ngành dệt, may, giày như sợi, vải lót, đế giày, mũ giày, nút, chỉ, dây kéo... nhằm tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu nội địa; đầu tư các cơ sở dệt kim, dệt len với nhiều chủng loại đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Coi trọng phát triển sản phẩm để khai thác thị trường trong nước. Chú ý phát triển các cơ sở sản xuất vệ tinh ở nông thôn để khai thác nguồn lao động tại chỗ, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Ưu tiên phát triển lĩnh vực thiết kế thời trang, hướng đến các sản phẩm cao cấp, đưa Đà Nẵng trở thành một trong các trung tâm thời trang của cả nước.
- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng:
Phát triển đa dạng các chủng loại vật liệu xây dựng trên cơ sở nguồn nguyên liệu sẵn có của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu các loại vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình xây dựng trong thành phố. Tiếp tục đầu tư chiều sâu, đổi mới và nâng cấp công nghệ để đạt trình độ tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm đã có, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp như: gạch ceramic, sứ vệ sinh, gạch ốp tường; nghiên cứu đầu tư sản xuất các loại vật liệu xây dựng mới, công nghệ mới, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Từng bước loại bỏ công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, gây ô nhiễm môi trường.
c) Định hướng phát triển các ngành công nghiệp khác:
- Công nghiệp khai khoáng: Phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản trên cơ sở tài nguyên đã được đánh giá đầy đủ, gắn với tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và trật tự an toàn xã hội tại những nơi khai thác và chế biến khoáng sản. Đổi mới, nâng cấp công nghệ khai thác chế biến khoáng sản đối với các mỏ nằm trong quy hoạch khai thác nhằm đảm bảo môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.
- Ngành sản xuất-phân phối điện: Phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện từ nguồn đến các phụ tải, tập trung xây mới một số trục ĐZ 220 KV, 110 KV, tiến tới chỉ dùng ĐZ trung thế phân phối 22 KV. Giảm tổn thất, tăng hiệu quả khai thác lưới điện; ưu tiên các phụ tải dùng cho sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, phụ tải để đảm bảo an ninh - quốc phòng. Khuyến khích phát triển các nguồn điện mới như thủy điện, nhiệt điện từ khí gas, rác thải, điện mặt trời, điện gió… để đảm bảo cân bằng cung cầu điện năng trên địa bàn, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, giảm một phần sự phụ thuộc vào nguồn điện truyền tải từ xa về.
- Ngành cung cấp nước: Khai thác hợp lý, có hiệu quả công suất các nhà máy, trạm cấp nước hiện có và tăng cường đầu tư mở rộng, đầu tư mới và đồng bộ hoá hệ thống ống dẫn các loại. Kết hợp đầu tư tập trung ở thành phố và đầu tư nhỏ ở huyện theo chương trình cung cấp nước sạch cho dân cư nông thôn. Duy trì và bảo vệ các nguồn nước (sông, hồ, ngầm), hạn chế tối đa tác động của môi trường, tác động thiên nhiên và con người gây ra.
d) Định hướng phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực:
- Giai đoạn từ nay đến năm 2015: Tập trung các sản phẩm thiết bị điện, điện tử, chế phẩm sinh học, săm lốp ô tô, dược phẩm, thủy sản chế biến, bia, sợi, vải, sản phẩm may sẵn các sản phẩm công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng...
- Giai đoạn 2016-2020: các sản phẩm công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng, điện tử, lốp ô tô, dược phẩm, các sản phẩm cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, tự động hoá, các máy CNC, cấu kiện kim loại, sản phẩm sau hóa dầu, thủy sản chế biến, bia...
đ) Định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp: Tập trung đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp hiện có, đặc biệt chú trọng đầu tư các trạm xử lý chất thải tập trung trong các khu công nghiệp. Thúc đẩy xây dựng các khu công nghiệp mới, trong đó ưu tiên phát triển nhanh Khu công nghiệp công nghệ cao và Khu công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn huyện Hòa Vang.
4. Giải pháp và chính sách thực hiện:
a) Giải pháp và chính sách về huy động và sử dụng vốn:
- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trên cơ sở phát huy các nguồn nội lực, đồng thời tạo mọi điều kiện để tranh thủ khai thác các yếu tố, nguồn vốn từ bên ngoài. Huy động vốn và tổ chức có hiệu quả hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, nhằm hỗ trợ nguồn lực để đầu tư phát triển các dự án ưu tiên của thành phố.
- Duy trì và tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.
- Xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, đặc biệt là các đơn vị có tiềm lực tài chính tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Áp dụng huy động vốn ứng trước đối với khách hàng để đầu tư hạ tầng, trước tiên là đầu tư cho điện và nước, giao thông.
- Tạo vốn thông qua tín dụng ngân hàng, đẩy mạnh cho vay theo hình thức bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Áp dụng chính sách tạo vốn đầu tư bằng cách thuê mướn tài chính, nhất là thuê mướn tài chính của các tổ chức nước ngoài.
- Về phía các doanh nghiệp, phải tăng cường tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, quay nhanh vòng vốn để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
b) Giải pháp về nguồn nhân lực:
- Khuyến khích xã hội hóa công tác đào tạo nghề. Khuyến khích liên doanh, liên kết với nước ngoài trong đầu tư các cơ sở đào tạo nghề, đặc biệt là các nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.
- Xây dựng kế hoạch liên kết với các địa phương khác để tạo ra nguồn lao động ổn định cho các doanh nghiệp, các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh việc liên kết với các trung tâm đào tạo lớn của cả nước để tiến hành đào tạo theo chuyên ngành công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp nền tảng và các ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến. Chú trọng đào tạo “đón đầu” các dự án, đặc biệt là các dự án yêu cầu số luợng lao động lớn, kỹ thuật cao.
- Xây dựng bổ sung các chính sách mới để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề, kể cả trường hợp cần thiết đào tạo ở nước ngoài. Mở rộng đối tượng trong chính sách thu hút nguồn nhân lực của thành phố đối với các cán bộ quản lý giỏi, các chuyên gia khoa học kỹ thuật đầu đàn, công nhân có tay nghề cao trong một số lĩnh vực công nghiệp ưu tiên.
- Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đổi mới chương trình, gắn lý thuyết với thực hành, coi trọng rèn luyện kỹ năng thực hành nghề và các yếu tố khác như ngoại ngữ, tác phong và văn hoá ứng xử công nghiệp hiện đại, tinh thần chấp hành kỷ luật lao động và kỷ luật công nghệ, hiểu biết pháp luật, khả năng thích nghi, sức khỏe dẻo dai…
- Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng, săp xếp bộ máy gọn nhẹ, hợp lý, hiệu quả, đảm bảo cả đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; coi trọng xây dựng văn hoá doanh nghiệp, tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa người lao động và doanh nghiệp.
c) Giải pháp và chính sách về khoa học và công nghệ:
- Hướng chính trong đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất là tiến hành hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước. Chú trọng phát triển khoa học công nghệ theo hướng mua hoặc nhập công nghệ mới của các nước phát triển, không nhập khẩu công nghệ và thiết bị đã lạc hậu.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức, cá nhân nghiên cứu với các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng kết quả. Khuyến khích và hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố cho các doanh nghiệp tự đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tạo cơ chế hợp tác thuận lợi giữa các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp nước ngoài với các tổ chức và các doanh nghiệp trong nước trong quá trình nghiên cứu phát triển công nghệ mới.
- Tăng cường huy động vốn trong và ngoài nước, các khoản đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của thành phố. Tăng ngân sách cho nghiên cứu khoa học công nghệ, cung cấp tín dụng và bảo lãnh tín dụng cho việc ứng dụng công nghệ mới.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế, nhất là đối với hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp thuê các chuyên gia giỏi về kỹ thuật, quản lý, đồng thời xây dựng cơ chế giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Có cơ chế thích hợp để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học. Có chính sách khuyến khích và đãi ngộ xứng đáng các phát minh sáng chế, các sáng tạo công nghệ mới, sản phẩm mới....
- Về phía các doanh nghiệp, cần chú trọng xây dựng, đầu tư thích đáng và phát huy hiệu quả hoạt động của bộ phận nghiên cứu và phát triển để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của doanh nghiệp.
d) Giải pháp và chính sách về thị trường:
- Chú trọng khai thác và ổn định thị trường trong nước; giữ vững và mở rộng các thị trường xuất khẩu truyền thống, khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản; có chiến lược tiếp thị các thị trường mới như Trung Cận Đông, Mỹ La Tinh, Châu Phi, ASEAN. Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng thị trường phi hạn ngạch.
- Xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của thành phố. Tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương thông qua các Chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công quốc gia... Hoàn thiện và phát huy vai trò của Cổng giao tiếp thương mại điện tử thành phố. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường trong và ngoài nước. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thị trường.
- Xây dựng mối liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cung cấp nguyên vật liệu... Tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong việc phổ biến thông tin thị trường và điều phối thị trường. Làm tốt công tác dự báo thị trường để giúp các doanh nghiệp chủ động và nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển thị trường. Coi trọng việc xây dựng và đăng ký nhãn mác cho các thương hiệu sản phẩm của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng thông qua Internet, hội chợ, đại lý, Tham tán Thương mại, Việt kiều...
đ) Giải pháp và chính sách về đất đai:
- Quy hoạch tổng thể không gian đô thị của thành phố với tầm nhìn dài hạn (30-50 năm) làm cơ sở xác định quỹ đất cho phát triển công nghiệp thành phố ổn định. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng các Khu CN Hoà Khánh, Liên Chiểu, Hoà Cầm, KCN chế biến và dịch vụ thuỷ sản Thọ Quang; thúc đẩy việc triển khai xây dựng khu Công nghệ cao và khu Công nghiệp Công nghệ thông tin. Dành một phần diện tích đất trong các khu công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ thuê để tiến hành sản xuất, trong đó ưu tiên cho các đơn vị di dời theo quy hoạch của thành phố.
- Áp dụng linh hoạt, phù hợp các hình thức cho thuê đất, giao đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đáp ứng yêu cầu về mặt bằng cho sản xuất. Có chính sách ưu đãi phù hợp đối với các dự án, sản phẩm thuộc lĩnh vực ưu tiên và đầu tư vào các địa bàn khó khăn của thành phố; khuyến khích và có chính sách giao đất hoặc ưu đãi để doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân.
- Kiểm tra, rà soát lại thời hạn cho thuê đất đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, đảm bảo thời gian cho thuê đất ít nhất là 20 năm để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong khâu cho thuê đất đối với các dự án trong và ngoài khu CN, nhằm tạo ra môi trường ngày càng thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư.
- Xây dựng lộ trình di dời-giải tỏa đối với các doanh nghiệp trong diện di dời, đặc biệt là các doanh nghiệp có qui mô lớn, chi phí di dời cao, để giúp doanh nghiệp có kế hoạch chủ động thực hiện việc di chuyển, bố trí, đầu tư nơi sản xuất mới cho phù hợp.
e) Giải pháp về tổ chức và quản lý:
- Thực hiện tích cực, nhất quán, ổn định các chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương và thành phố, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh trong phạm vi cho phép để tạo sự hấp dẫn mạnh mẽ hơn nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
- Tiếp tục cải cách hành chính trong các cơ quan quản lý nhà nước; thực hiện tốt cơ chế "một cửa" trong thu hút đầu tư; có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời các cá nhân, tổ chức đóng góp lớn vào kết quả thu hút đầu tư, đồng thời kiểm tra và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân gây nhũng nhiều, làm xấu môi trường đầu tư của thành phố.
- Phát huy tính tự chủ sáng tạo của các cơ sở sản xuất, tạo môi trường thuận lợi, hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ cho hoạt động của các doanh nghiệp, đảm bảo mọi cơ sở sản xuất kinh doanh được bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong cơ chế thị trường.
- Khuyến khích, tạo điều kiện thành lập và hỗ trợ hoạt động của các hiệp hội trong các chuyên ngành công nghiệp để cùng tham gia vào quá trình quản lý, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.
- Các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, xây dựng bộ máy quản lý gọn nhẹ, có hiệu lực; thường xuyên ứng dụng các thành tựu mới trong công tác quản lý vào hoạt động của doanh nghiệp; phát huy tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của doanh nghiệp.
g) Giải pháp bảo vệ môi trường:
- Tiến hành việc đánh giá hiện trạng môi trường đối với toàn bộ các khu công nghiệp hiện có và các cơ sở sản xuất, để có phương án xử lý chung trên địa bàn cũng như từng khu vực. Kiểm kê các nguồn gây ô nhiễm chính trong quá trình sản xuất công nghiệp ở tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; định kỳ quan trắc, phân tích thành phần các chất thải độc hại. Hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư vốn, bố trí nhân lực cho công tác quan trắc, thanh tra và quản lý môi trường.
- Các dự án đầu tư, các nhà máy phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép đầu tư, xây dựng. Các dự án gây ô nhiễm phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Đối với những dự án, nhà máy đã được cấp giấy phép đầu tư xây dựng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường định kỳ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
- Đối với các cơ sở nằm ngoài địa điểm quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp, phải tiến hành khảo sát và đánh giá tổng thể các yếu tố phát triển của các doanh nghiệp về vị trí, điều kiện sản xuất kinh doanh, năng lực sản xuất - công nghệ, tác động môi trường để xây dựng phương án bố trí, di chuyển hợp lý vào các khu, cụm công nghiệp tập trung. Thông báo công khai cho các doanh nghiệp biết trước về kế hoạch di chuyển để các doanh nghiệp chuẩn bị phương án sản xuất, đầu tư mới phù hợp.
- Khẩn trương xây dựng Hệ thống xử lý nước thải tại các Khu, cụm công nghiệp của thành phố, trong đó ưu tiên hoàn thành sớm hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Hòa Khánh và Khu công nghiệp chế biến thủy sản Thọ Quang.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp và nhân dân hiểu rõ và cùng thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường; tôn vinh, khen thưởng xứng đáng các doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường, đồng thời xử lý nghiêm minh các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường.
1. Sở Công Thương: Là đầu mối quản lý nhà nước về Công nghiệp, Thương mại trên địa bàn thành phố, có nhiệm vụ trực tiếp triển khai, kiểm tra thực hiện nội dung của quy hoạch và tiến hành triển khai các chương trình, dự án theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phối hợp xúc tiến đầu tư; Triển khai xúc tiến tìm kiếm các thị trường trong và ngoài nước, tổ chức các dịch vụ hỗ trợ sản xuất cho ngành công nghiệp.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Căn cứ quy hoạch công nghiệp đã được UBND thành phố phê duyệt, tính toán cân đối, huy động các nguồn lực, xây dựng các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn để thực hiện. Trong khi triển khai có phát sinh cần tính toán điều chỉnh và thông báo kịp thời cho các ngành để thực hiện.
3. Sở Tài chính: Tham mưu cho UBND Thành phố cân đối bố trí kinh phí ngân sách hàng năm theo quy định.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Triển khai sớm quy hoạch các vùng chuyên canh cây con nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến.
5. Sở Giao thông vận tải: Lập kế hoạch và thực hiện nâng cấp các tuyến giao thông tới các KCN, cụm CN phù hợp với quy hoạch của từng thời kỳ.
6. Sở Khoa học và Công nghệ: Xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp xúc tiến đầu tư Khu công nghệ cao Hòa Ninh.
7. Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng: Tổ chức quy hoạch không gian phát triển công nghiệp; hướng dẫn, triển khai thực hiện các thủ tục về quy hoạch mặt bằng, đất đai cho các chủ đầu tư theo quy định.
8. Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất: Lập quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng của các Khu CN; huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật; xúc tiến đầu tư các dự án vào khu CN.
9. Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng: Tổ chức xúc tiến đầu tư các dự án trong nước và nước ngoài theo định hướng phát triển công nghiệp đã được quy hoạch.
10. Các ngành Điện, Nước, Bưu chính, Viễn thông: Có kế hoạch đưa điện, đảm bảo thông tin liên lạc và cung cấp nước đến hàng rào cho các KCN phù hợp với tiến độ thực hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 2057/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 do thành phố Cần Thơ ban hành
- 2Quyết định 809/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 3Quyết định 1265/QĐ-UBND về phê duyệt đề cương quy hoạch phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Bình Định ban hành
- 4Quyết định 1120/QĐ-UBND năm 2013 Kế hoạch hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
- 1Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 2Quyết định 73/2006/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 6Quyết định 2057/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 do thành phố Cần Thơ ban hành
- 7Quyết định 809/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 8Quyết định 1265/QĐ-UBND về phê duyệt đề cương quy hoạch phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Bình Định ban hành
- 9Quyết định 1120/QĐ-UBND năm 2013 Kế hoạch hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
Quyết định 5503/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt quy hoạch phát triển Công nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020
- Số hiệu: 5503/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/07/2009
- Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Người ký: Trần Văn Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra