Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2006/QĐ-UBND | Bạc Liêu, ngày 03 tháng 10 năm 2006 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 27/3/2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp đến năm 2010;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp tại tờ trình số 368/TTr-SCN ngày 25/6/2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động phát triển công nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.
Điều 2. Giao Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị thuộc ngành công nghiệp tổ chức thực hiện chương trình này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các đơn vị thuộc ngành công nghiệp căn cứ quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN 2020
(Ban hành kèm theo quyết định số 22/2006/QĐ-UBND ngày 03/10/2006 của UBND tỉnh)
I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
- Mục tiêu của Chương trình nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 27/3/2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp đến năm 2010.
- Chương trình đề ra những nhiệm vụ cụ thể bao gồm các vấn đề trọng tâm cần phải được triển khai thực hiện nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Tỉnh ủy. Phấn đấu tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm 20,3%, đưa tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh lên 33%, giá trị sản xuất đạt 4560 tỷ đồng (giá cố định năm 1994) vào năm 2010.
- Yêu cầu của chương trình là các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, các đơn vị và doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp tỉnh Bạc Liêu quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu và nội dung của Nghị quyết, chủ động và tích cực thực hiện các nội dung Chương trình đề ra có chất lượng và hiệu quả.
Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ thiết thực đảm bảo quá trình thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra, các vấn đề sau đây cần được các ngành, các cấp chú trọng chỉ đạo triển khai thực hiện.
1. Tích cực hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, điều chỉnh trình UBND tỉnh ban hành chính sách thu hút đầu tư của tỉnh phù hợp với Luật Đầu tư và các quy định hiện hành của Nhà nước, trong đó chú trọng việc ưu đãi đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Sở Công nghiệp nghiên cứu soạn thảo để ban hành Quy chế Quản lý khu - cụm - điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) địa phương theo văn bản hướng dẫn của Bộ Công nghiệp.
- Phê duyệt đề án thành lập Trung tâm khuyến công theo Nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Giao Sở Công nghiệp xúc tiến thành lập để nhanh chóng đưa Trung tâm đi vào hoạt động, nhằm hỗ trợ thiết thực quá trình đầu tư phát triển công nghiệp - TTCN tỉnh nhà.
- Triển khai phổ biến và thực hiện các quy hoạch sau: Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp - TTCN tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006- 2010 và tầm nhìn 2020; Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006 - 2010 có xét đến 2015; Quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn các huyện, thị xã (đã được phê duyệt).
- Sở Công nghiệp tiếp tục phối hợp các ngành chức năng và các địa phương triển khai phổ biến Luật điện lực và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn có liên quan đến các đối tượng là cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã, ấp và phổ biến rộng rãi trong nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời theo dõi, kiểm tra việc thực hiện tại các địa phương.
- Thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp hành động giữa Sở Công nghiệp với Liên minh hợp tác xã, Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh đoàn về các biện pháp phối hợp đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
- Tiếp tục thực hiện chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh theo lộ trình đã đề ra.
- Thực hiện triệt để công tác cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền, đặc biệt chú trọng lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nên mối quan hệ thân thiện, cởi mở và ấn tượng tốt đẹp của cơ quan và chính quyền địa phương đối với các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế mong muốn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp TTCN trên địa bàn tỉnh.
2. Định hướng thực hiện phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu:
a) Công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản:
- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì thực hiện nghiên cứu lập quy hoạch hoặc điều chỉnh lại quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung, vùng sản xuất chuyên canh (sản xuất lương thực, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, sản xuất muối ...) nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu chế biến của các cơ sở sản xuất hiện đại, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Sở Công nghiệp nghiên cứu lập danh mục dự án đầu tư sản xuất công nghiệp dự kiến đến năm 2010 trình UBND tỉnh xem xét quyết định. Từ đó lập dự án theo từng danh mục về các lĩnh vực sản xuất, chế biến lương thực - thực phẩm có lợi thế về nguyên liệu trong tỉnh (chế biến lương thực, thực phẩm, gia súc - gia cầm, các sản phẩm thủy hải sản, muối thực phẩm, muối công nghiệp... kể cả các dự án hỗ trợ phục vụ ngành khai thác biển), xem đó như những sản phẩm, chương trình cơ bản nhằm giới thiệu, khuyến khích, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư.
b) Công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng:
- Sở Tài chính phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển và các Ngân hàng xây dựng chính sách về hỗ trợ vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, từng bước nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tiêu dùng trong tỉnh như: bánh kẹo, mì, hủ tiếu, bún, thức uống, các loại nước chấm, củ cải muối ... Tiếp tục khuyến khích đầu tư các ngành hàng đang có xu thế phát triển như: đồ nhựa gia dụng, bao bì, đồ gỗ trang trí nội thất, vật liệu xây dựng... đặc biệt hàng thủ công mỹ nghệ với nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có tại địa phương (tre, trúc, lục bình ...).
- Các Sở, ngành có liên quan tích cực thực hiện các thủ tục có liên quan về phía địa phương để hỗ trợ Tổng công ty rượu - bia - nước giải khát Sài Gòn triển khai xây dựng nhà máy bia Bạc Liêu. Giao Sở Công nghiệp tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ từ Bộ Công nghiệp, các Tổng công ty dệt may, da giày để tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển ngành da giày và may mặc xuất khẩu tại Bạc Liêu.
- Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp tích cực tranh thủ Chính phủ hỗ trợ đầu tư thêm nhà máy chế biến muối thực phẩm tại huyện Hòa Bình nhằm khôi phục phát triển nghề làm muối và khai thác đúng lợi thế nguồn nguyên liệu muối của tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng dự án liên doanh chế biến thịt heo, gà, vịt, cá đóng hộp tại huyện Giá Rai nhằm thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi trong tỉnh. Nghiên cứu lập dự án xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ vỏ tôm, chế biến bột cá, nhà máy xử lý rác thải ... để mời gọi đầu tư.
c) Công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu:
- Sở Thủy sản, Sở Công nghiệp, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Tài chính phối hợp đề xuất các chính sách ưu đãi thích hợp về đất, thuế... nhằm kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư thêm một số nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu nhằm tiêu thụ triệt để nguồn nguyên liệu thủy sản của địa phương, đồng thời khuyến khích các nhà máy chế biến thủy sản hiện có đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ nhằm đa dạng hóa các mặt hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.
- Sở Công nghiệp, Sở Kế hoạch và đầu tư phối hợp nghiên cứu và tích cực tranh thủ sự hỗ trợ từ các Bộ - ngành Trung ương có liên quan để lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy sang, chiết và cung cấp khí hóa lỏng (gas) phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong tỉnh; nghiên cứu lập dự án sản xuất các sản phẩm hóa chất tận dụng sự hưởng lợi từ nguồn nguyên liệu khí của tổ hợp khí - điện - đạm Cà Mau.
d) Công nghiệp cơ khí và điện tử:
- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về vốn ưu đãi đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển cơ sở kinh doanh điện máy, sửa chữa điện tử; chú trọng các cơ sở cơ khí sửa chữa các loại máy nông ngư nghiệp, phương tiện đi lại; sửa chữa và đóng tàu; chế tạo thiết bị cơ khí đơn giản phục vụ các ngành xây dựng, nông, ngư nghiệp, thủy sản và giao thông.
- Chỉ đạo Công ty Cổ phần cơ khí và xây lắp điện Bạc Liêu xúc tiến xây dựng dự án thành lập Xí nghiệp cơ khí đa năng nhằm tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại, đủ sức đáp ứng nhu cầu sửa chữa, chế tạo cơ khí phục vụ các ngành sản xuất của tỉnh và trọng tâm là phục vụ quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
e) Công nghiệp xây dựng:
- Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Xây dựng nghiên cứu lập đề án liên kết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, khuyến khích hình thành một số công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có đủ điều kiện năng lực, khả năng tham gia đấu thầu và thực hiện các công trình xây dựng lớn trong và ngoài tỉnh.
- Sở Công nghiệp, Sở Xây dựng lập các dự án đầu tư nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nhà máy sản xuất gạch tuynel, gạch lát vỉa hè, bê tông đúc sẵn, tấm lợp các loại, lưới thép B40, khung nhà tiền chế, nhựa công nghiệp và dân dụng, các vật dụng, phụ kiện về cơ khí trong xây dựng.
f) Đối với xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật:
- Sở Xây dựng phối hợp với UBND các huyện, thị xã tích cực triển khai quy hoạch xây dựng hệ thống khu đô thị và khu dân cư nông thôn giai đoạn 2006-2010 và đến năm 2020. Trước mắt, tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng nội ô thị xã Bạc Liêu, trung tâm các huyện và các khu tái định cư của tỉnh (phường5, phường 2, phường 8, cầu Xáng và các khu đô thị mới) đã được phê duyệt dự án.
- Ban chuẩn bị dự án KCN, Công ty Phát triển hạ tầng KCN Bạc Liêu và các Sở ngành có liên quan nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ và trình duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Trà Kha để triển khai thực hiện (chú trọng việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng khu tái định cư KCN). Trước mắt, ưu tiên nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu trong KCN để sớm có mặt bằng mời gọi các nhà đầu tư.
- Sở Công nghiệp phối hợp UBND các huyện, thị xã xây dựng quy hoạch chi tiết các khu - cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn (theo định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp - TTCN tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn 2020) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhanh chóng triển khai các bước xây dựng tiếp theo đúng quy trình đối với những nơi hội đủ điều kiện.
- Ưu tiên đầu tư các công trình trọng yếu phục vụ sản xuất, phát triển du lịch và nối liền các cụm kinh tế ven biển: đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường trên đê biển Đông (đoạn giáp huyện Vĩnh Châu đến Gành Hào), đường Hiệp Thành - Gò Cát; triển khai quy hoạch cảng Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng để từng bước xây dựng các nơi này trở thành các khu đô thị ven biển của tỉnh; Sở Tài nguyên và môi trường lập dự án đầu tư xây dựng các trạm quan trắc môi trường phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong phạm vi toàn tỉnh.
- Các cơ quan quản lý chuyên ngành tiếp tục đẩy mạnh phát triển và thực hiện hiện đại hóa các loại hình dịch vụ thông tin, kỹ thuật, thương mại, tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, tư vấn pháp lý... góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy công nghiệp phát triển.
- Sở Thương mại thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hệ thống chợ tại trung tâm tỉnh lỵ và các chợ huyện. Chú trọng việc kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh thành lập các trung tâm mua sắm lớn trên địa bàn.
1. Phát triển nguồn nhân lực:
- Khẩn trương quy hoạch đào tạo và đào tạo lại, bố trí sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý trên các lĩnh vực. Thực hiện chính sách đãi ngộ nhằm thu hút cán bộ kỹ thuật giỏi có kinh nghiệm thực tiễn phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động qua đào tạo tìm được việc làm đúng ngành nghề và có thu nhập phù hợp.
- Sở Công nghiệp phối hợp các Sở ngành chức năng có liên quan lập dự án và triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trường Trung học kỹ thuật và dạy nghề của tỉnh đủ quy mô, tiêu chuẩn, trình độ đào tạo các loại ngành nghề phục vụ quá trình phát triển công nghiệp tỉnh nhà, cũng như tạo việc làm cho người lao động.
2. Huy động, phân bổ và sử dụng vốn một cách tối ưu:
- Đẩy mạnh huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư phát triển công nghiệp, gồm vốn ngân sách, vốn các thành phần kinh tế trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi... Ưu tiên bố trí vốn ngân sách đầu tư xây dựng hệ thống giao thông các vùng sản xuất nguyên liệu, cơ sở hạ tầng các khu - cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư.
- Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Thương mại xúc tiến thành lập Trung tâm xúc tiến thương mại, Trung tâm xúc tiến đầu tư.
- Mở rộng quyền hạn, trách nhiệm của các ngành và các huyện, thị trong việc tạo vốn, huy động vốn và duyệt dự án đầu tư trên một số lĩnh vực về phát triển công nghiệp - TTCN... Mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư hỗ trợ quá trình phát triển công nghiệp.
- Các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giải quyết nhanh gọn thủ tục đầu tư, khắc phục tình trạng đùn đẩy gây phiền hà cho các nhà đầu tư. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng tinh thần cởi mở, thân thiện với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tạo ấn tượng tốt đẹp với các đối tác có mong muốn đầu tư sản xuất phát triển công nghiệp tỉnh nhà.
3. Đầu tư nghiên cứu, hướng dẫn về khoa học công nghệ liên quan đến phát triển công nghiệp:
- Sở Khoa học và công nghệ, Sở Tài nguyên - Môi trường nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ xử lý môi trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; đổi mới công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất bền vững, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất... nhằm hạ giá thành sản phẩm, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường và tăng hiệu quả sản xuất cho các doanh nghiệp.
- Các Sở ngành chức năng tăng cường liên kết với các Viện, trường Đại học, các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực, sản phẩm, các ngành sản xuất, công nghệ sinh học, nông nghiệp, thủy sản, y dược... đặc biệt là những sản phẩm đang có điều kiện phát triển như: cá sấu, cá chình, trăn, cá đồng, các sản phẩm từ phụ phẩm trong chế biến nông sản, thủy sản.
- Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Công nghiệp phối hợp đề xuất chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu dân cư di dời vào các khu - cụm công nghiệp tập trung nhằm đảm bảo môi trường và mỹ quan đô thị.
4. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp:
- Các doanh nghiệp có cổ phần do Nhà nước chi phối, nhất là các doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
- Tích cực mở rộng quan hệ với các tỉnh, thành; trong năm 2006 ký kết hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ trong hoạt động xúc tiến đầu tư, liên kết mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là việc giới thiệu với các nhà đầu tư những lĩnh vực mà tỉnh có nhu cầu.
- Thực hiện cơ chế khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư khu vực nông thôn; hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại... nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
5. Tăng cường hoạt động mở rộng thị trường cho hàng công nghiệp của tỉnh:
- Chấn chỉnh công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh xuất khẩu đi đôi với khai thác đúng mức thị trường trong nước cho việc tiêu thụ hàng hóa; tăng cường hoạt động thu thập thông tin và cung cấp thông tin kịp thời cho các ngành, các cấp, các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh, thích ứng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các trung tâm thương mại, các siêu thị phù hợp với mức độ phát triển trên các địa bàn trong tỉnh.
- Thông qua hoạt động quản lý Nhà nước hướng dẫn hoạt động thương mại phát triển đúng hướng, hợp lý cả trong khâu bán buôn và bán lẻ trên các địa bàn, nhất là khu vực nông thôn, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, lưu thông thông suốt, thúc đẩy phát triển sản xuất.
- Sở Thương mại tiến hành khảo sát kỹ thị trường trong nước, nhất là thị trường liên quan đến các sản phẩm có lợi thế của tỉnh như muối thực phẩm, cá sấu... sản phẩm có khối lượng lớn và ổn định như thủy sản, gạo...; trong năm 2006 tiến hành thăm dò, khai thác thị trường một số tỉnh biên giới của Campuchia và Trung Quốc.
6. Nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển công nghiệp của các cấp, các ngành:
- Kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có cổ phần do Nhà nước chi phối hội đủ phẩm chất và năng lực. Hình thành hệ thống doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng lớn mạnh.
- Thực hiện cải tiến mạnh mẽ công tác xét duyệt các dự án đầu tư, đăng ký kinh doanh, thuê đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật... cho các dự án đầu tư phát triển công nghiệp.
- Ban hành cơ chế thích hợp và năng động để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm xúc tiến thương mại, Trung tâm xúc tiến đầu tư, Trung tâm khuyến công... để các trung tâm này trở thành những công cụ hỗ trợ các ngành sản xuất công nghiệp - TTCN của tỉnh phát triển.
- Quan tâm nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, từng bước hình thành môi trường quản lý hiệu quả, tạo hình ảnh tốt đẹp thông qua mối quan hệ gắn bó, thân thiện, lành mạnh giữa các cơ quan Nhà nước với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
- Chương trình hành động của UBND tỉnh đề ra những nhiệm vụ cụ thể, bao gồm các vấn đề trọng tâm cần phải được triển khai nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 27/3/2006 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp đến năm 2010. Đây là những vấn đề cơ bản, quan trọng phải được các ngành, các cấp chính quyền địa phương quán triệt đầy đủ, làm cơ sở cụ thể hóa thành chương trình hành động của đơn vị mình.
- Chương trình hành động của các Sở, ngành và UBND các cấp phải được xây dựng và báo cáo về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo thực hiện. Mỗi 06 tháng và cuối năm có tổ chức sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm và đề xuất các vấn đề mới.
- Quá trình triển khai thực hiện có vấn đề gì vướng mắc phát sinh phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét xử lý./
- 1Kế hoạch 2273/KH-UBND năm 2013 hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp cơ khí phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2020
- 2Quyết định 1120/QĐ-UBND năm 2013 Kế hoạch hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
- 3Quyết định 2782/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp cơ khí đóng, sửa chữa tàu cá tỉnh Nghệ An đến năm 2020
- 1Luật Điện Lực 2004
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn
- 4Kế hoạch 2273/KH-UBND năm 2013 hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp cơ khí phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2020
- 5Quyết định 1120/QĐ-UBND năm 2013 Kế hoạch hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
- 6Quyết định 2782/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp cơ khí đóng, sửa chữa tàu cá tỉnh Nghệ An đến năm 2020
Quyết định 22/2006/QĐ-UBND chương trình hành động phát triển công nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 do tỉnh Bạc Liêu ban hành
- Số hiệu: 22/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/10/2006
- Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
- Người ký: Phạm Hoàng Bê
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra