Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 188-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 04 năm 1958

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT CÔNG ĐOÀN SỐ 103-SL/L10 NGÀY 05-11-1957

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật công đoàn đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 14 tháng 9 năm 1957 và được ban hành do Sắc lệnh số 108-SL/L10 ngày 5 tháng 11 năm 1957;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Lao động và Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động Việt Nam;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nghị định này quy định chi tiết thi hành Luật công đoàn về quan hệ giữa các cấp chính quyền. Giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng cơ quan Nhà nước và các chủ xí nghiệp tư bản tư doanh với tổ Chức công đoàn, với công nhân, viên chức, nhằm tạo điều kiện cho giai cấp công nhân phát triển và củng cố tổ chức của mình, phát huy tác dụng tích cực của Công đoàn trong công cuộc xây dựng chính quyền, kiến thiết kinh tế, phát triển văn hóa.

Chương 1:

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÔNG ĐOÀN TRONG VIỆC THAM GIA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP

TIẾT 1. - TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM, CÁC LIÊN HIỆP CÔNG ĐOÀN, CÔNG ĐOÀN NGÀNH DỌC VÀ CÔNG ĐOÀN TRỰC THUỘC TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM.

Điều 2. - Để thực hiện vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xí nghiệp, mỗi khi họp hội nghị bàn về việc xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước, về vấn đề sản xuất, kinh doanh, các cấp chính quyền cần tranh thủ ý kiến và thực hiện sự nhất trí với tổ chức Công đoàn cùng cấp.

Đối với các chính sách và Luật lệ thuộc về quyền lợi và nhiệm vụ của công nhân viên chức, các cấp chính quyền cần thảo luận và đi đến nhất trí với tổ chức Công đoàn cùng cấp trước khi quyết định. Trường hợp có những vấn đề đã thảo luận kỹ mà chưa nhất trí, thì cả hai bên phải báo cáo và xin ý kiến cấp trên.

Trong các cuộc hội nghị nói trên đại biểu của tổ chức công đoàn cấp nào là đại biểu chính thức thay mặt cho toàn thể công nhân, viên chức thuộc phạm vi tổ chức của công đoàn cấp ấy.

Để đại biểu của Công đoàn các cấp khi tham gia ý kiến với chính quyền có thể mang ý kiến tập thể của Ban chấp hành và của công nhân viên chức, cơ quan chính quyền các cấp mỗi khi triệu tập hội nghị cần gửi trước chương trình, đề án cho Công đoàn. Ban chấp hành công đoàn có trách nhiệm nghiên cứu các chương trình, đề án của chính quyền, chuẩn bị ý kiến và cử đại biểu thảo luận với chính quyền.

Trường hợp cấp bách, hoặc đối với những vấn đề ít phức tạp, cơ quan chính quyền có thể trao đổi ý kiến ngay với đại biểu công đoàn, không theo thủ tục nói trên.

Điều 3. – Trong quá trình thực hiện kế hoạch Nhà nước và các chính sách, luật lệ của Chính phủ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam căn cứ nguyện vọng của quần chúng lao động, khi xét thấy cần thiết, có thể đề nghị với Chính phủ những ý kiến nhằm bổ sung các chính sách, luật lệ hiện hành, hoặc đề nghị ban hành những chính sách, luật lệ mới liên quan đến quyền lợi và nhiệm vụ của công nhân viên chức.

Đối với các chính sách, luật lệ của Chính phủ về nhiệm vụ và quyền lợi của công nhân, viên chức, các Liên hiệp Công đoàn, Công đoàn ngành dọc, Công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn có nhiệm vụ cùng với cơ quan chính quyền cùng cấp quy định những chi tiết và những biện pháp thích hợp để tổ chức thực hiện các chính sách, luật lệ ấy trong phạm vi từng ngành, từng địa phương.

TIẾT 2. – CÔNG ĐOÀN Ở CÁC XÍ NGHIỆP NHÀ NƯỚC:

Điều 4. - Mỗi khi cần giải quyết các vấn đề về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, về tổ chức lãnh đạo xí nghiệp, về thực hiện các chính sách liên quan đến nhiệm vụ, quyền lợi của công nhân, viên chức, Giám đốc xí nghiệp cần triệu tập hội nghị có đại biểu công đoàn tham dự để thảo luận các vấn đề trên, trước khi đưa ra trưng cầu ý kiến công nhân, viên chức.

Ban chấp hành công đoàn có trách nhiệm nghiên cứu chương trình, đề án của Giám đốc, thu thập ý kiến, nguyện vọng của công nhân, viên chức, cử đại biểu đi dự hội nghị thảo luận với Giám đốc xí nghiệp. Sau khi hội nghị đã quyết định, công đoàn có trách nhiệm tổ chức, động viên, hướng dẫn công nhân, viên chức tích cực phát huy sáng kiến, ra sức thi đua thực hiện quyết định ấy.

Điều 5. - Để toàn thể công nhân, viên chức phát huy mọi khả năng, sáng kiến, trực tiếp tham gia quản lý xí nghiệp và thực hiện vai trò giám sát của mình, Giám đốc xí nghiệp có nhiệm vụ thường kỳ báo cáo trước hội nghị công nhân, viên chức hoặc hội nghị đại biểu công nhân, viên chức về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, việc sơ kết, tổng kết thực hiện kế hoạch Nhà nước, việc thi hành các chính sách, luật lệ và chế độ lao động.

Nội dung báo cáo của Giám đốc xí nghiệp trong hội nghị nói trên sẽ do Giám đốc xí nghiệp Ban chấp hành công đoàn thảo luận quyết định.

Những hội nghị nói trên tổ chức thường kỳ hàng tháng, ba tháng, sáu tháng hoặc theo từng thời vụ, từng đợt công tác trong phạm vi tổ sản xuất, phân xưởng, khu vực hoặc toàn xí nghiệp, tùy theo xí nghiệp lớn hay nhỏ, số lượng công nhân, viên chức nhiều hay ít, làm việc tập trung hay phân tán. Những hội nghị này do Ban chấp hành công đoàn tổ chức và lãnh đạo. Thể thức tổ chức lãnh đạo do Công đoàn cấp trên hướng dẫn.

Điều 6. – Trong hội nghị nói trên, công nhân, viên chức có quyền thảo luận báo cáo của Giám đốc xí nghiệp để góp ý kiến về mọi mặt hoạt động của xí nghiệp và sự chỉ đạo của Giám đốc, nhận xét, phê bình công tác của Giám đốc.

Đối với các vấn đề thuộc phạm vi kế hoạch sản xuất, kinh doanh và thi hành những chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về việc quản lý xí nghiệp, hội nghị công nhân, viên chức có quyền góp ý kiến, xây dựng biện pháp thi hành. Trong khi thi hành nếu công nhân, viên chức thấy có khuyết điểm, thì có quyền đề nghị bổ sung, hoặc sửa đổi. Nhưng khi chưa có quyết định của Giám đốc xí nghiệp, công nhân viên chức không được tự ý thay đổi.

Đối với các vấn đề thuộc phạm vi sinh hoạt và phúc lợi của công nhân, viên chức, khi đã có chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, hội nghị công nhân, viên chức có thể quyết định những biện pháp cụ thể để Giám đốc nghiên cứu và tổ chức thực hiện.

Đối với những ý kiến của hội nghị công nhân viên chức, Giám đốc xí nghiệp có nhiệm vụ nghiên cứu và giải quyết.

Đối với những ý kiến đúng, thì ghi vào chương trình để thực hiện.

Đối với những ý kiến không đủ thẩm quyền giải quyết, thì báo cáo lên cấp trên.

Đối với những ý kiến không thể thi hành được, thì trả lời và nói rõ lý do cho công nhân, viên chức biết.

Điều 7. – Trong xí nghiệp Nhà nước, khi công nhân viên chức phát hiện những hiện tượng lãng phí, tham ô và những thiếu sót quan trọng làm tổn hại đến quyền lợi chung của Nhà nước, hoặc của công nhân, viên chức, Ban chấp hành công đoàn sau khi xác nhận, có quyền đề nghị với Giám đốc xí nghiệp kiểm tra và thi hành những biện pháp cần thiết để giải quyết. Sau đó Giám đốc xí nghiệp, tùy từng trường hợp, báo cáo kết quả việc thi hành những biện pháp ấy trước Ban chấp hành công đoàn, hoặc trước hội nghị toàn thể hoặc Hội nghị đại biểu công nhân viên chức hoặc trước bộ phận công nhân viên chức có liên quan.

Điều 8. - Trường hợp cấp bách có thể xảy ra tai nạn nguy hại đến tính mệnh của công nhân, viên chức và đến tài sản của Nhà nước, Ban chấp hành công đoàn có quyền đề nghị Giám đốc xí nghiệp hoặc người phụ trách trực tiếp ra lệnh đình chỉ ngay bộ phận công việc có liên quan và thi hành những biện pháp phòng ngừa cần thiết. Đồng thời, nếu cần, Ban chấp hành công đoàn báo ngay cho cơ quan Lao động địa phương biết.

TIẾT 3. – CÔNG ĐOÀN Ở CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC:

Điều 9. - Để mở rộng dân chủ, phát huy mọi khả năng, sáng kiến của cán bộ, viên chức, đảm bảo hoàn thành công tác chuyên môn, thủ trưởng cơ quan phối hợp với Ban chấp hành công đoàn tổ chức những hội nghị cán bộ, viên chức của cả cơ quan hoặc từng bộ phận để nghe và thảo luận báo cáo của thủ trưởng về chương trình công tác của cơ quan, về việc sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình công tác của cơ quan, hoặc về việc thi hành các chính sách, luật lệ quan hệ đến đời sống vật chất và văn hóa của cán bộ, viên chức.

Những Hội nghị nói trên tổ chức thường kỳ hàng tháng; hoặc ba tháng, sáu tháng tùy theo cơ quan lớn hay nhỏ, tập trung hay phân tán.

Trong các Hội nghị nói trên, cán bộ, viên chưc thảo luận, nhận xét, bổ sung báo cáo của thủ trưởng cơ quan, góp phần xây dựng chương trình công tác, đề nghị những biện pháp cải tiến tổ chức lãnh đạo và lề lối làm việc của cơ quan.

Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu ý kiến của Ban chấp hành công đoàn và của cán bộ, viên chức và giải quyết theo như cách giải quyết đã quy định cho Giám đốc xí nghiệp trong điều 6.

Để đảm bảo sinh hoạt dân chủ trong cơ quan, Ban chấp hành công đoàn có quyền nhắc nhở thủ trưởng cơ quan mở những Hội nghị thường kỳ nói trên.

Điều 10. - Đại biểu công đoàn là người thay mặt chính thức cho toàn thể cán bộ, viên chức của cơ quan tham gia những hội nghị do thủ trưởng cơ quan triệu tập để bàn về những biện pháp thực hiện chương trình công tác của cơ quan, việc tổ chức quản trị cơ quan và thi hành các chính sách, luật lệ có quan hệ đến đời sống vật chất và văn hóa của cán bộ, viên chức.

Điều 11. – Trong cơ quan Nhà nước, khi cán bộ, viên chức phát hiện những hiện tượng lãng phí, tham ô và những thiếu sót quan trọng làm tổn hại đến quyền lợi của Nhà nước hoặc của cán bộ, viên chức, Ban chấp hành công đoàn, sau khi xác nhận, có quyền đề nghị với thủ trưởng cơ quan kiểm tra và thi hành những biện pháp cần thiết để giải quyết. Sau đó thủ trưởng cơ quan tùy từng trường hợp báo cáo kết quả việc thi hành những biện pháp ấy trước Ban chấp hành công đoàn, hoặc trước Hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu cán bộ, viên chức, hoặc trước bộ phận cán bộ, viên chức có liên quan.

TIẾT 4. - CÔNG ĐOÀN Ở XÍ NGHIỆP TƯ BẢN TƯ DOANH:

Điều 12. – Trong các xí nghiệp tư bản tư doanh, Ban chấp hành công đoàn giám sát việc thực hiện hợp đồng, thi hành các chính sách, và góp ý kiến với chủ xí nghiệp nhằm thực hiện tốt các hợp đồng đã ký kết, thi hành đúng đắn các chính sách về sản xuất, kinh doanh, các luật lệ và chế độ lao động.

Điều 13. - Mỗi khi cơ quan Nhà nước thảo luận và định kỳ hợp đồng sản xuất kinh doanh với chủ xí nghiệp tư bản tư doanh thì cơ quan Nhà nước và chủ xí nghiệp phải mời đại biểu công đoàn tham gia. Dự án hợp đồng phải gửi lên Ban chấp hành công đoàn ít nhất là 7 ngày trước khi ký kết.

Khi quyết định việc ký kết hợp đồng, cơ quan Nhà nước và chủ xí nghiệp phải đặc biệt xem trọng ý kiến của Công đoàn. Ban chấp hành công đoàn có nhiệm vụ tổ chức, động viên công nhân, viên chức thực hiện tốt các hợp đồng đã ký kết.

Điều 14. – Hàng tháng, Ban chấp hành công đoàn và chủ xí nghiệp tư bản tư doanh họp Hội nghị để kiểm điểm, nhận xét việc thi hành các hợp đồng, các chính sách, luật lệ của Chính phủ về việc sản xuất, kinh doanh, về quyền lợi của công nhân, viên chức trong xí nghiệp.

Điều 15. – Khi công nhân, viên chức phát hiện những hiện tượng không thi hành đúng những hợp đồng sản xuất, hợp đồng giữa thợ và chủ, điều lệ lao tư hoặc những chính sách khác của Chính phủ,thì Ban chấp hành công đoàn có quyền đề nghị chủ xí nghiệp phải kiểm điểm và đưa ra Hội nghị hiệp thương hoặc Hội nghị công nhân, viên chức để thảo luận và giải quyết. Nếu không giải quyết được thì Công đoàn báo cáo lên cơ quan lao động giải quyết theo luật lệ hiện hành.

Trường hợp có những vi phạm nghiêm trọng pháp luật Nhà nước,Công đoàn có trách nhiệm báo cáo cho cơ quan chính quyền địa phương.

TIẾT 5. – TƯ CÁCH PHÁP NHÂN CỦA CÔNG ĐOÀN:

Điều 16. – Các tổ chức công đoàn có quyền ký kết hợp đồng, yêu cầu Tòa án xét xử về những việc có liên quan đến quyền lợi và danh dự chung của công nhân, viên chức.

Công nhân, viên chức trong hay ngoài công đoàn có thể ủy quyền cho Ban chấp hành Công đoàn cơ quan, xí nghiệp thay mặt mình trước Tòa án về những việc có tổn hại đến quyền lợi chính đáng của công nhân,viên chức.

Ban chấp hành công đoàn có quyền cử người trong tổ chức mình để bào chữa trước Tòa án giúp những công nhân, viên chức trong hay ngoài tổ chức công đoàn, khi người này yêu cầu.

Chương 2:

PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN

Điều 17. - Để các cấp công đoàn có đủ phương tiện hoạt động, chính quyền các cấp có trách nhiệm cung cấp cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các Liên hiệp công đoàn, các Công đoàn ngành dọc và Công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn: nhà cửa, đồ đạc, dụng cụ cần thiết và đủ dùng để làm việc, hội họp, giao thông liên lạc và giải trí.

Ở xí nghiệp và cơ quan, thì tùy theo tính chất phạm vi hoạt động, nhu cầu, hoàn cảnh, khả năng cụ thể, Giám đốc xí nghiệp Nhà nước, thủ trưởng cơ quan, chủ xí nghiệp tư bản tư doanh có trách nhiệm cung cấp cho công đoàn trụ sở làm việc, nơi hội họp, bàn ghế, máy chữ, điện thoại, xe đạp, vv…

Điều 18. – Căn cứ vào tính chất và khối lượng công tác của từng công đoàn cơ sở và theo tinh thần bảo đảm thì giờ để sản xuất và công tác, nay ấn định số thì giờ và số cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn trong giờ làm việc, ở các xí nghiệp Nhà nước, cơ quan và các xí nghiệp tư bản tư doanh như sau:

a) Trong các xí nghiệp:

Thì giờ để làm công tác công đoàn:

Những công đoàn cơ sở và Công đoàn bộ phận (phân xưởng) có từ 80 đến 150 công nhân, viên chức hoặc những công đoàn có trên 150 công nhân, viên chức nhưng xét thấy không cần phải có cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn, mỗi tháng được nhiều nhất 104 giờ trong giờ làm việc để làm công tác công đoàn.

Những công đoàn cơ sở dưới 80 công nhân, viên chức mỗi tháng được nhiều nhất 56 giờ trong giờ làm việc để làm công tác công đoàn.

Số lượng công nhân, viên chức nói trong điều này gồm tất cả công nhân, viên chức của xí nghiệp, trong cũng như ngoài tổ chức công đoàn, không kể những người tạm tuyển ngắn hạn dưới một tháng.

Cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn:

- Những công đoàn cơ sở có từ trên 150 đến 400 công nhân, viên chức có thể có một cán bộ chuyên trách.

- Những công đoàn cơ sở có từ trên 400 đến 800 công nhân, viên chức có thể có hai cán bộ chuyên trách.

- Những công đoàn cơ sở có từ trên 800 công nhân đến 1200 công nhân, viên chức có thể có ba cán bộ chuyên trách.

- Những công đoàn cơ sở có từ trên 1200 đến 2.000 công nhân, viên chức có thể có bốn cán bộ chuyên trách.

- Những công đoàn cơ sở có từ trên 2.000 công nhân viên chức, cứ thêm 1.500 công nhân, viên chức thì có thể thêm một cán bộ chuyên trách.

Tùy theo sự phát triển của phong trào, tùy theo yêu cầu công tác, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ căn cứ vào quy định trên đây để điều chỉnh số cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn cho thích hợp.

Đối với những công đoàn cơ sở mà số lượng công nhân, viên chức dưới mức ấn định, nếu xét thấy cần phải có cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn thì Tổng liên đoàn lao động Việt Nam sẽ cùng với Bộ sở quan quyết định.

b) Trong các cơ quan Nhà nước:

Nói chung, trong các cơ quan Nhà nước, cán bộ làm công tác công đoàn thoát ly công tác chuyên môn. Số thì giờ để làm công tác công đoàn trong thì giờ làm việc chuyên môn nhiều hay ít tùy theo yêu cầu công tác của mỗi công đoàn cơ quan, nhưng nhiều nhất cũng chỉ được 104 giờ mỗi tháng. Trường hợp cần thiết phải có cán bộ thoát ly công tác chuyên môn để chuyên trách làm công tác công đoàn, thì Tổng Liên đoàn lao động Việt nam sẽ cùng với Bộ sở quan quyết định.

Chương 3:

QUỸ CÔNG ĐOÀN

Điều 19. - Để góp phần vào quỹ công đoàn, Giám đốc xí nghiệp Nhà nước, thủ trưởng cơ quan trường học, chủ xí nghiệp tư bản tư doanh, hiệu trưởng trường tư thục, hàng tháng nộp cho quỹ công đoàn thuộc tài khoản của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ở Ngân hàng quốc gia Việt Nam, một số tiền gọi là kinh phí công đoàn bằng 2% (hai phần trăm) tổng số tiền cấp phát trong tháng do toàn thể công nhân, viên chức, không phân biệt trong hay ngoài biên chế.

Điều 20 – Những khoản tiền sau đây không kể vào tổng số tiền lương khi tính kinh phí công đoàn:

a) Lương của chủ hay người thay mặt cho chủ ở các xí nghiệp tư bản tư doanh;

b) Lương hay tiền công của những người học việc, những người lao động độc lập;

c) Lương hay tiền công của những người giúp việc trong những nhà ăn, nhà giữ trẻ cho công nhân, viên chức tự tổ chức và đảm nhiệm việc trả lương;

d) Lương hay tiền công của những người tham gia những tập đoàn sản xuất, những đội bốc vác làm việc không thường xuyên cho các cơ quan, xí nghiệp và khách tư nhân.

Điều 21. – Đối với những đội công nhân bốc vác đã có tổ chức công đoàn cơ sở và làm thường xuyên cho cơ quan, xí nghiệp, nhận việc khoán, trả theo hợp đồng, theo giá cước, thì đơn vị thuê người bốc vác, ngoài giá cước thường lệ sẽ trả thêm hai phần trăm (2%) để bỏ vào quỹ công đoàn của những đội công nhân ấy. Hàng tháng Ban chấp hành công đoàn cơ sở của những đội này phải nộp số tiền hai phần trăm (2%) này vào tài khoản của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại ngân hàng địa phương.

Điều 22. – Kinh phí công đoàn tháng trước phải nộp từ ngày 1 đến ngày 10 tháng sau vào tài khoản của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ở Ngân hàng quốc gia Việt Nam.

Điều 23. – Quá hạn quy định nói trên mà đơn vị có trách nhiệm chưa nộp đủ kinh phí công đoàn thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp báo cho cơ quan Tài chính hoặc Ngân hàng địa phương làm thể thức chuyển khoản số tiền phải nộp từ tài khoản của đơn vị có trách nhiệm sang tài khoản của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Nếu đơn vị có trách nhiệm không có tài khoản ở cơ quan Tài chính hoặc Ngân hàng, thì Ban chấp hành công đoàn sẽ báo cho cơ quan chính quyền và cơ quan lao động địa phương biết để giải quyết.

Điều 24. – Để đảm bảo nộp kinh phí công đoàn đủ số, Ban chấp hành công đoàn cơ sở có nhiệm vụ kiểm tra các sổ sách giấy tờ có liên quan đến số lượng và tiền lương của công nhân, viên chức của xí nghiệp, cơ quan.

Điều 25. – Số tiền trợ cấp của Nhà nước nói trong điều 21-d Luật công đoàn, sẽ do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị và Bộ Tài chính xét, trình Chính phủ duyệt.

Điều 26. – Chi tiết về tổ chức, quản lý, sử dụng, dự toán, quyết toán, kiểm tra quỹ công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ấn định và Thủ tướng Chính phủ xét duyệt.

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 27. – Những xí nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sẽ thi hành Nghị định này như các xí nghiệp Nhà nước nói chung. Nhưng mức độ tham gia quản lý xí nghiệp của công đoàn cơ sở và công nhân viên chức trong một số xí nghiệp đặc biệt của Bộ Quốc phòng sẽ có quy chế riêng thích ứng với những xí nghiệp ấy.

Những trường hợp cần có quy định riêng nói trong điều khoản này sẽ do Bộ Lao động và Bộ sở quan quy định, sau khi hỏi ý kiến của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Điều 28. – Danh từ xí nghiệp nói trong Nghị định này chỉ chung các cơ sở sản xuất, kinh doanh như nhà máy, kho, xưởng, cửa hàng, khách sạn, hầm mỏ, công trường, nông trường, lâm trường.

Danh từ cơ quan nói trong Nghị định này chỉ chung cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp của Nhà nước và các cơ quan của các đoàn thể nhân dân.

Điều 29. – Các ông Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, ông Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, và ông Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 188-TTg năm 1958 hướng dẫn Luật công đoàn 103-SL/L10 về quan hệ giữa các cấp chính quyền do Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 188-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/04/1958
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: 07/05/1958
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 24/04/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản