BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT |
Số: 26-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 13 tháng 08 năm 1960 |
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHỔ BIẾN LUẬT LỆ LAO ĐỘNG
I. TÌNH HÌNH, MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA
Việc phổ biến luật lệ lao động sâu rộng trong cán bộ của các ngành, các cơ sở và quần chúng công nhân, lao động là một vấn đề rất cần thiết, một số nơi đã đạt được kết quả tương đối, nhưng nói chung tình hình phổ biến luật lệ lao động còn có nhiều thiếu sót:
- Nhiều cơ sở xí nghiệp không có các văn bản hay hồ sơ tài liệu về luật lệ lao động hiện hành, nhất là một số đơn vị xí nghiệp, công trường mới xây dựng.
- Một số nơi còn coi nhẹ trách nhiệm phổ biến hoặc phổ biến còn qua loa đại khái, chưa thấy hết tác dụng của việc phổ biến đến nơi đến chốn luật lệ lao động.
- Việc phân công trách nhiệm phổ biến không rõ ràng, dứt khoát giữa các cơ quan lao động, ngành dọc, công đoàn… Có văn bản 2, 3 cơ quan cùng phổ biến một lúc, nhưng có nhiều văn bản thì không ai chịu trách nhiệm phổ biến hay là nơi được phổ biến, nơi không.
- Tài liệu soạn để phổ biến còn ít ỏi, và chưa phục vụ đối tượng chủ yếu là công nhân, lao động.
Những thiếu sót trên đã có ảnh hưởng không tốt về nhiều mặt: cán bộ chế độ ở nhiều cơ sở không quán triệt tinh thần nội dung của quy định nên thi hành chính sách, luật lệ lao động không đầy đủ, công nhân không nắm chắc các quyền lợi mình được hưởng nên thắc mắc, thiếu phấn khởi trong sản xuất.
Sau khi thống nhất ý kiến với các ngành sử dụng công nhân và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Lao động ra thông tư này để chấn chỉnh và đẩy mạnh công tác phổ biến luật lệ lao động làm cho luật lệ tới cán bộ, tới công nhân, lao động, giúp cho cán bộ nắm được các văn bản hiện hành để thi hành và kiểm tra, theo dõi đôn đốc việc thi hành được tốt các chính sách lao động tiền lương của Đảng và Chính phủ, động viên công nhân lao động phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước.
Nguyên tắc, phương châm để chấn chỉnh và đẩy mạnh công tác phổ biến luật lệ lao động là:
- Phân công trách nhiệm để phổ biến phải hợp lý và rõ ràng dứt khoát, tránh để sót trong khi phổ biến.
- Phổ biến phải kịp thời, tài liệu cung cấp phải đầy đủ và tùy theo từng vấn đề, hình thức phổ biến phải thích hợp với từng đối tượng.
- Sau khi phổ biến phải có kế hoạch hướng dẫn theo dõi, kiểm tra, phổ biến tốt đồng thời phải kết hợp với lưu trữ giữ gìn hồ sơ tài liệu chu đáo.
III. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ BIỆN PHÁP CỤ THỂ
A. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM PHỔ BIẾN:
Giữa cơ quan Lao động, các ngành và Ủy ban hành chính địa phương, phân công trách nhiệm phổ biến như sau:
1. Đối với các văn bản do Bộ Lao động dự thảo trình Quốc hội, Hội đồng Chính phủ hay Thủ tướng phủ ban hành để quy định các chế độ lao động và tiền lương áp dụng chung cho công nhân, lao động thì Bộ Lao động chịu trách nhiệm phổ biến cho các ngành và cơ quan ở trung ương, các Ủy ban hành chính và cơ quan Lao động ở địa phương. Ở địa phương, Ủy ban hành chính là cơ quan tập trung chỉ đạo việc phổ biến hướng dẫn thực hiện mọi chủ trương chính sách của trung ương, chịu trách nhiệm chính trong việc phổ biến các văn bản nói trên, còn cơ quan lao động trực tiếp làm công tác phổ biến dưới sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính. Như vậy, ở địa phương các cơ quan, xí nghiệp, công trường do trung ương quản lý phổ biến để áp dụng văn bản theo kế hoạch chung của địa phương, trừ đơn vị nào vì lý do đặc biệt không thể theo kế hoạch phổ biến chung của địa phương được thì cần báo cáo với Ủy ban hành chính và cơ quan Lao động.
Các ngành dọc sẽ chịu trách nhiệm phổ biến các văn bản do ngành mình ban hành để giải thích hay quy định chi tiết thi hành các văn bản về luật lệ lao động cho các cơ quan, xí nghiệp, công trường thuộc ngành mình, đồng thời sao gửi cho Bộ Lao động và các Ủy ban hành chính địa phương.
2. Về việc cung cấp các văn bản đã ban hành mà hiện nay nhiều nơi còn thiếu hay cung cấp các văn bản luật lệ hiện hành cho các cơ quan, đơn vị xí nghiệp mới thành lập hay mới xây dựng thì trước hết các ngành chủ quản phải có kế hoạch để cung cấp dần và đầy đủ, nhưng cơ quan Lao động ở địa phương phải tích cực giúp đỡ để các đơn vị xí nghiệp đó có thể nhanh chóng nắm được các chế độ cần thiết để thi hành cho công nhân, lao động.
3. Các Vụ nghiệp vụ của Bộ Lao động có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các văn bản hiện hành mà các cơ Lao động địa phương còn thiếu. Đối với các văn bản do Bộ khác ban hành và có sao gửi cho Bộ Lao động thì Vụ hay Phòng nghiệp vụ có liên quan cùng với Văn phòng có trách nhiệm sao gửi lại cho các cơ quan Lao động địa phương và Phòng luật lệ của Bộ.
B. THỜI GIAN PHỔ BIẾN:
Việc phổ biến cần phải được kịp thời. Nguyên tắc là sau khi văn bản đã ban hành là phải được phổ biến để thi hành. Trừ trường hợp đặc biệt, tùy theo nội dung vấn đề hay đối tượng cần phổ biến nếu phải kéo dài tới 15 ngày mới phổ biến được thời phải được cấp trên đồng ý (đối với địa phương và cơ sở xí nghiệp thời cấp trên là Ủy ban hành chính địa phương).
C. CÁCH THỨC PHỔ BIẾN VÀ CÁC HÌNH THỨC PHỔ BIẾN:
1. Trừ một số vấn đề không cần thiết phải phổ biến rộng rãi hay chỉ cần phổ biến cho những đối tượng nhất định, nói chung văn bản phổ biến phải phân phối đầy đủ. Các cơ sở xí nghiệp, công trường lớn cần căn cứ trên số lượng phân xưởng hay ban, kíp để cung cấp văn bản mục đích là để việc phổ biến văn bản được mau chóng xuống dưới và giúp cho công nhân, lao động, nếu muốn, có thể dễ dàng tìm đọc văn bản.
2. Mặt khác, hình thức phổ biến phải phong phú để đạt được mục đích yêu cầu của việc phổ biến và đáp ứng yêu cầu của quần chúng công nhân, lao động.
Bên cạnh các hình thức phổ biến thông thường, sao gửi nguyên văn để thi hành, sao gửi nguyên văn có kèm theo giải thích hướng dẫn thi hành, hay các hình thức hội nghị, học tập hay hội nghị phổ biến những chủ trương, chính sách lớn, cần sử dụng các hình thức phổ biến có tính cách đại chúng như viết bài đăng báo, mở mục giải đáp thắc mắc trên báo chí, nói chuyện tại đài phát thanh, biên soạn những cuốn vấn đáp nhỏ, viết giản dị dễ hiểu chủ yếu nhằm phục vụ đối tượng công nhân, lao động.
Ngoài những hình thức phổ biến trên đối với văn bản mới ban hành, qua từng thời gian ban hành chính sách luật lệ tương đối dài, Bộ Lao động sẽ biên soạn những tài liệu phổ biến có tính chất tổng hợp như:
- Lập mục lục các văn bản luật lệ lao động nhằm xác định rõ văn bản nào còn có hiệu lực, văn bản nào chỉ còn hiệu lực một phần, văn bản nào đã hoàn toàn hết hiệu lực để giúp cho các địa phương cơ sở nắm được chắc hiệu lực của văn bản trong khi giải quyết quyền lợi cho công nhân, lao động.
- Biên soạn những cuốn tóm tắt luật lệ lao động hiện hành để giúp cho các địa phương và cơ sở xí nghiệp nắm được một cách tập trung và có hệ thống các thể lệ hiện hành, tiện việc tham khảo tra cứu, ngoài ra còn có tác dụng nâng cao nghiệp vụ của cán bộ mới. Việc biên soạn những cuốn tóm tắt luật lệ lao động hiện hành để phổ biến rộng rãi có tác dụng tốt, nhưng thời gian qua chưa làm được nhiều, số sách in ra lại ít không đủ để phân phối cho các cơ sở. Nay cần tiến hành mạnh mẽ hơn việc tập hợp đầy đủ mọi chế độ lao động tiền lương đáp ứng yêu cầu của các nơi.
D. KIỂM TRA, THEO DÕI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN:
Các Vụ, Phòng trong Bộ cũng như cơ quan Lao động địa phương sau mỗi kế hoạch phổ biến phải có kế hoạch theo dõi nắm tình hình phổ biến ở bên dưới, nếu cần cử cán bộ xuống giúp đỡ địa phương cũng như cơ sở làm tốt công tác phổ biến để chuẩn bị tốt cho việc thi hành áp dụng văn bản luật lệ, đồng thời đối với những chủ trương, chính sách lớn các địa phương phải đúc rút kinh nghiệm phổ biến báo cáo lên trên.
Đ. TỔ CHỨC, CHẤN CHỈNH HỒ SƠ NGUYÊN TẮC THỂ LỆ, XÂY DỰNG NỘI QUY SỬ DỤNG VÀ GÌN GIỮ HỒ SƠ TÀI LIỆU:
Để đảm bảo kết quả của công tác phổ biến, phải tổ chức chấn chỉnh hồ sơ nguyên tắc thể lệ, xây dựng nội quy sử dụng và gìn giữ hồ sơ tài liệu cho tốt. Các tổ chức lao động tiền lương ở các cơ sở cần được kiện toàn hơn và phân công cán bộ chuyên trách về vấn đề đó. Phòng Luật lệ của Bộ Lao động có trách nhiệm giúp đỡ các phòng nghiệp vụ và các cơ quan Lao động địa phương trong công tác đó và các cơ quan Lao động địa phương có trách nhiệm giúp đỡ các cơ quan, đơn vị xí nghiệp, công trường tại địa phương.
Cán bộ của Bộ hay địa phương đi kiểm tra về việc thi hành chế độ sẽ kết hợp giúp đỡ cơ sở trong công tác trên.
Phổ biến luật lệ lao động là một công tác quan trọng. Phổ biến làm được tốt tức là chuẩn bị cho việc thi hành luật lệ lao động được tốt. Chúng ta cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa quan trọng của việc chấn chỉnh và đẩy mạnh công tác phổ biến; đối với một số cán bộ cơ sở hiện nay còn ngại khó, cần làm cho họ thấy rõ phổ biến luật lệ được sâu rộng thì công nhân, lao động sẽ phấn khởi, sản xuất được đẩy mạnh hơn. Mặt khác cần gắn liền công tác phổ biến luật lệ với việc thi hành luật công đoàn. Luật lệ có phổ biến được sâu rộng, thời qua các cuộc hội nghị công nhân viên, anh chị em công nhân mới phát hiện được kịp thời những lệch lạc trong việc thi hành để bổ khuyết và mới đề cao thêm tinh thần trách nhiệm làm chủ xí nghiệp và tích cực tham gia quản lý xí nghiệp, hoàn thành kế hoạch sản xuất. Phổ biến luật lệ tốt tức là tạo điều kiện cho việc thi hành luật công đoàn được tốt.
Các cơ quan Lao động địa phương, các cơ sở xí nghiệp, công trường cần kiểm điểm kỹ việc phổ biến luật lệ lao động đã làm từ trước đến nay, tăng cường các tổ chức lao động tiền lương và có kế hoạch cụ thể để thực hiện những điểm đã đề ra ở trên.
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
- 1Nghị định 188-TTg năm 1958 hướng dẫn Luật công đoàn 103-SL/L10 về quan hệ giữa các cấp chính quyền do Thủ Tướng ban hành
- 2Thông tư 07-LĐ/TT năm 1959 Bổ sung Thông tư 33-LĐ/TT hướng dẫn thi hành Luật công đoàn và Nghị định thi hành Luật công đoàn trong các xí nghiệp, cơ quan trường học Nhà nước và cơ quan, đoàn thể, nhân dân do Bộ Lao Động ban hành
- 3Thông tư 26-LĐTT năm 1958 hướng dẫn thi hành Luật công đoàn và Nghị định Thủ tướng Chính phủ thi hành Luật công đoàn trong các xí nghiệp tư bản tư doanh do Bộ Lao động ban hành
- 1Nghị định 188-TTg năm 1958 hướng dẫn Luật công đoàn 103-SL/L10 về quan hệ giữa các cấp chính quyền do Thủ Tướng ban hành
- 2Thông tư 07-LĐ/TT năm 1959 Bổ sung Thông tư 33-LĐ/TT hướng dẫn thi hành Luật công đoàn và Nghị định thi hành Luật công đoàn trong các xí nghiệp, cơ quan trường học Nhà nước và cơ quan, đoàn thể, nhân dân do Bộ Lao Động ban hành
- 3Thông tư 26-LĐTT năm 1958 hướng dẫn thi hành Luật công đoàn và Nghị định Thủ tướng Chính phủ thi hành Luật công đoàn trong các xí nghiệp tư bản tư doanh do Bộ Lao động ban hành
Thông tư 26-LĐ/TT năm 1960 về việc chấn chỉnh và đẩy mạnh công tác phổ biến luật lệ lao động do Bộ Lao động ban hành
- Số hiệu: 26-LĐ/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 13/08/1960
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Nguyễn Văn Tạo
- Ngày công báo: 31/08/1960
- Số công báo: Số 37
- Ngày hiệu lực: 28/08/1960
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định