Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ LAO ĐỘNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 27tháng 12năm 1958 |
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi:Các Bộ, các ngành trung ương
Các Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh.
Căn cứ Luật Công đoàn và Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật Công đoàn và sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động ban hành Thông tư này nhằm mục đích hướng dẫn thi hành những điều khoản về: cung cấp phương tiện hoạt động cho công đoàn; trả lương và các quyền lợi khác cho cán bộ làm công tác công đoàn; trích nộp kinh phí công đoàn trong các xí nghiệp, cơ quan, trường học Nhà nước và cơ quan đoàn thể nhân dân
1. Cung cấp phương tiện hoạt động cho công đoàn
Căn cứ Điều 12 của Luật Công đoàn và Điều 17 của Nghị định Thủ tướng Chính phủ thì các cấp chính quyền, các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước kể cả các cơ quan đoàn thể nhân dân, tuỳ theo yêu cầu công tác và hoàn cảnh từng nơi để cung cấp những phương tiện cần thiết cho các cơ quan công đoàn các cấp, như: nhà cửa để làm trụ sở làm việc, hội họp, giải trí, những dụng cụ, bàn ghế để làm việc, hội họp, những phương tiện giao thông liên lạc như ô tô, xe đạp, điện thoại và làm việc như máy chữ, máy in, v.v... để cho công đoàn hoạt động được dễ dàng.
Nguyên tắc để thực hiện
Để thi hành đúng những điều khoản quy định nói trên, việc cung cấp thực hiện theo hai nguyên tắc dưới đây:
1. Căn cứ theo yêu cầu và khối lượng công tác của mỗi cơ quan công đoàn từng cấp để cung cấp phương tiện hoạt động cho công đoàn thích hợp với tính chất quần chúng của tổ chức công đoàn phù hợp với hoàn cảnh khả năng của mỗi địa phương.
2. Cơ quan chính quyền ở cấp nào thì cung cấp phương tiện hoạt động cho cơ quan công đoàn cấp đó, thích hợp với tình hình địa phương và có sự tương quan với các cơ quan ở mỗi cấp. Cụ thể là:
- Đối với cơ quan Tổng liên đoàn lao động Việt Nam kế cả các đơn vị trực thuộc, đơn vị sự nghiệp (trừ những tổ chức kinh doanh) và Liên hiệp công đoàn các cơ quan trung ương thì do Bộ Tài chính cung cấp thống nhất qua Tổng liên đoàn lao động.
- Đối với Liên hiệp công đoàn các cấp (khu, thành phố, tỉnh). Ở cấp nào thì do Uỷ ban hành chính cấp đó cung cấp.
- Đối với các công đoàn ngành dọc (toàn quốc, khu, thành phố, tỉnh), Công đoàn trực thuộc Tổng liên đoàn lao động ở nơi nào thì do cơ quan chính quyền cùng cấp trong Bộ hay trong ngành đó cung cấp.
- Đối với công đoàn các xí nghiệp, cơ quan, trường học Nhà nước và cơ quan đoàn thể nhân dân (dưới đây sẽ gọi chung là xí nghiệp, cơ quan) do Giám đốc xí nghiệp, Thủ trưởng cơ quan, trường học cung cấp.
Phương pháp thực hiện:
Để thực hiện cụ thể việc cung cấp cứ mỗi đầu năm Ban Chấp hành công đoàn mỗi cấp căn cứ theo tinh thần nói trên và dựa trên cơ sở những phương tiện đã sẵn có để lập bản dự trù nói rõ những yêu cầu hoạt động của mình và những phương tiện hoạt động cần thiết cần được cung cấp thêm, những phương tiện nào đã có đủ rồi thì thôi. Trong dự trù tính cả những chi chí về sửa chữa, sử dụng như: tiền dự trù sửa chữa nhà cửa, phương tiện, dụng cụ; tiền xăng dầu mỡ cho máy móc, ô tô nhưng không kể văn phòng phí, điện, bưu phí Bản dự trù phải thông qua Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp và gửi cho cơ quan chính quyền (hoặc đoàn thể) cung cấp dần theo kế hoạch. Trường hợp đột xuất cần được cung cấp thêm thì Ban Chấp hành Công đoàn lập dự toán bổ sung.
Việc cung cấp có thể thực hiện bằng tiền hoặc bằng hiện vật tuỳ theo hoàn cảnh và khả năng của mỗi nơi.
Việc bảo quản và sử dụng:
Những phương tiện hoạt động của cơ quan, Tổng liên đoàn lao động, các liên hiệp công đoàn, công đoàn ngành dọc, công đoàn trực thuộc Tổng liên đoàn lao động do chính quyền cùng cấp cấp đều ghi vào sổ thống kê tài sản của công đoàn. Ban Chấp hành công đoàn bảo quản và sử dụng, khi không dùng đến sẽ giao trả lại cho cơ quan chính quyền. Những chi phí về sửa chữa, sử dụng do cơ quan chính quyền cấp phát từng tháng hoặc từng quý theo đề nghị của công đoàn, trong tài khoản đã dự trù hàng năm cho công đoàn.
Nhưng ở xí nghiệp, cơ quan thì những phương tiện hoạt động của công đoàn do chính quyền (hoặc đoàn thể) cung cấp vẫn ghi vào sổ thống kê tài sản của xí nghiệp, cơ quan (hoặc đoàn thể), Ban chấp hành công đoàn bảo quản, sử dụng. Những chi phí về sửa chữa, sử dụng do xí nghiệp, cơ quan (hoặc đoàn thể) đảm nhận và chi trong tài khoản đã dự trù về việc này cho công đoàn.
2. Việc trả lương và các quyền lợi khác của cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn
Việc trả lương và các quyền lợi khác cho cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn hoặc khi cán bộ hay đoàn viên công đoàn được cử đi học, đi họp, theo Điều 15, 16 của Luật Công đoàn và điều 18a của Nghị định thủ tướng chính phủ là nhằm bảo đảm sinh hoạt bình thường cho những cán bộ, đoàn viên đó trong khi làm công tác công đoàn để phát huy tính tích cực của cán bộ, đoàn viên đó trong công tác đoàn thể ở xí nghiệp, cơ quan.
Cụ thể là:
Đối với cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn ở xí nghiệp, cơ quan được trả lương và các phụ cấp phụ vào tiền lương như phụ cấp khu vực, phụ cấp ở những vùng đặc biệt (nếu có) như khi đang sản xuất hoặc làm công tác chuyên môn và do quỹ công đoàn đài thọ. Ngoài ra cán bộ đó vẫn được hưởng các quyền lợi về học tập, khen thưởng, phúc lợi, bảo hiểm xã hội như: quyền lợi về ốm đau, sinh đẻ, già yếu, tai nạn, trợ cấp con, các khoản tiền thưởng v.v... do xí nghiệp hoặc cơ quan đài thọ.
Đối với cán bộ làm công tác công đoàn trong giờ sản xuất (không thoát ly công tác chuyên môn ở xí nghiệp, cơ quan (theo điều 18a Nghị định Thủ tướng Chính phủ) được trả lương, phụ cấp và các quyền lợi khác như khi đang sản xuất hoặc làm công tác chuyên môn và do xí nghiệp hoặc cơ quan đài thọ.
Những cán bộ đoàn viên công đoàn (không thoát ly công tác chuyên môn) được cử đi học, đi họp do Liên hiệp công đoàn hay công đoàn ngành từ cấp tỉnh trở lên triệu tập thì công đoàn cơ sở thương lượng với cấp phụ trách xí nghiệp, cơ quan để sắp xếp công việc, tránh làm ảnh hưởng đến kế hoạch công tác của xí nghiệp, cơ quan. Tiền lương và những khoản phụ cấp phụ vào tiền lương như phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt (nếu có) kể cả tiền công tác phí của những người đó do cấp công đoàn triệu tập đài thọ. Cơ quan hành chính của xí nghiệp, cơ quan sẽ thanh toán với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở. Ngoài ra các quyền lợi khác như quyền lợi về học tập, khen thưởng, phúc lợi, bảo hiểm xã hội, phụ cấp con v.v.. đều do xí nghiệp, cơ quan đài thọ như khi cán bộ, đoàn viên đó đang sản xuất hoặc công tác chuyên môn.
3. Việc trích nộp kinh phí công đoàn:
Nay nói rõ thêm việc thi hành Điều 21c của Luật Công đoàn và các Điều 19,20,21,22,23 của Nghị định Thủ tướng Chính phủ như sau:
Ở các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước kể cả cơ quan toàn thể nhân dân có tổ chức công đoàn (tổ hoặc công đoàn cơ sở) thì Giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng cơ quan hàng tháng nộp vào tài khoản của công đoàn tại Ngân hàng Quốc gia Việt Nam một số tiền gọi là kinh phí công đoàn bằng hai phần trăm (2%) tổng số tiền lương cấp phát trong tháng cho toàn thể công nhân, viên chức, không phân biệt công nhân viên chức ở trong hay ngoài biên chế, ở trong hay ở ngoài tổ chức công đoàn, làm việc dài hạn hoặc ngắn hạn.
Khi tính tổng số tiền lương để trích nộp kinh phí công đoàn thì không phân biệt chế độ, hình thức trả lượng và dựa vào bản "quy định thành phần của tổng mức tiền lương" của Uỷ ban kế hoạch nhà nước để định các khoản chi thuộc về quỹ tiền lương, nhưng không kể khoản tiền thù lao cho dân công, tiền nhuận bút cho tác giả và những khoản đã ghi tại điều 20 trong Nghị định Thủ tướng Chính phủ.
Đối với những đội công nhân bốc vác đã có tổ chức công đoàn (theo điều 21 Nghị định Thủ tướng Chính phủ) thường xuyên bảo đảm yêu cầu vận chuyển cho xí nghiệp, cơ quan, không kể làm nhiều hoặc làm ít ngày trong một tháng thì xí nghiệp, cơ quan thuê mượn phải căn cứ vào giá khoán, giá cước để nộp thêm 2% tiền kinh phí công đoàn vào tài khoản của công đoàn tại Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Xí nghiệp, cơ quan có thể thương lượng với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở để nộp một lần vào đầu tháng theo Điều 22 của Nghị định Thủ tướng Chính phủ.
Tiền trích nộp kinh phí công đoàn ở xí nghiệp dự trù vào quỹ kinh doanh của xí nghiệp và tính vào giá thành. Tiền trích nộp kinh phí công đoàn ở cơ quan dự trù vào quỹ kinh phí hành chính hoặc sự nghiệp.
Mỗi tháng sau khi phát xong các khoản tiền lương cho toàn thể công nhân viên chức (trừ những khoản không phải tính để trích nộp) thì xí nghiệp, cơ quan sẽ trích nộp kinh phí công đoàn của tháng đó trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 10 tháng sau.
Sau khi đã nộp kinh phí công đoàn rồi thì các khoản tiền trước đây xí nghiệp, cơ quan đã chi cho công tác công đoàn như tiền sách báo, thể dục thể thao, văn phòng phí v..v... nay sẽ do công đoàn đảm nhận. Những vấn đề nào mà ranh giới chi tiêu giữa công đoàn cơ sở và xí nghiệp, cơ quan còn chưa rõ sẽ do Bộ Tài chính và Tổng liên đoàn lao động Việt nam hướng dẫn sau.
Để việc nộp kinh phí công đoàn được chính xác, hàng tháng bộ phận hành chính của xí nghiệp, cơ quan phải thống nhất ý kiến với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở về số tiền kinh phí công đoàn trong tháng. Bản kê tiền kinh phí công đoàn nộp vào Ngân hàng do Giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng cơ quan (hoặc người thay mặt có uỷ quyền) và đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở ký tên, đóng dấu Ban Chấp hành công đoàn cơ sở ký tên, đóng dấu và lưu chiểu cả hai nơi.
Thể thức về việc nộp kinh phí công đoàn vào Ngân hàng Quốc gia Việt Nam sẽ do Tổng liên đoàn lao động và Ngân hàng Quốc gia Việt Nam hướng dẫn.
Một số ngành chủ quản xí nghiệp, cơ quan có thể thống nhất nộp kinh phí công đoàn thay cho các đơn vị trực thuộc của ngành mình. Thể thức thi hành sẽ do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và ngành sở quan quyết định.
Trường hợp quá hạn định mà đơn vị có trách nhiệm chưa nộp đủ kinh phí công đoàn (điều 23 Nghị định Thủ tướng Chính phủ) thì Ban Chấp hành công đoàn cơ sở báo cho Giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm để giải quyết. Nếu không giải quyết được thì công đoàn sẽ báo cho Uỷ ban Hành chính và cơ quan lao động địa phương giải quyết. Trường hợp cần thiết phải làm thể thức chuyển khoản theo điều 23 của Nghị định Thủ tướng Chính phủ sẽ có quy định riêng. Điều chủ yếu là các xí nghiệp, cơ quan thấy rõ trách nhiệm của mình đối với quần chúng, các cấp chỉ đạo thường xuyên nhắc nhở cấp dưới thi hành cho tốt.
Để cho công đoàn kịp thời sử dụng quỹ kinh phí 2% kể từ đầu năm 1959, các xí nghiệp, cơ quan tính kinh phí công đoàn bắt đầu từ tháng 12/1958 và nộp vào đầu tháng 1 năm 1959.
Yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan chỉ thị cho các xí nghiệp, cơ quan trong ngành mình chuẩn bị để thi hành cho tốt.
Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 1958
| BỘ TRƯỞNG |
- 1Thông tư 09-LĐ/TT-1977 hướng dẫn thi hành Luật công đoàn trong các Xí nghiệp tư bản tư doanh do Bộ Lao động ban hành
- 2Thông tư 26-LĐTT năm 1958 hướng dẫn thi hành Luật công đoàn và Nghị định Thủ tướng Chính phủ thi hành Luật công đoàn trong các xí nghiệp tư bản tư doanh do Bộ Lao động ban hành
- 3Công văn 1189/VPCP-KTGVX năm 2014 kiến nghị ban hành bổ sung Nghị định quy định hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động và Luật công đoàn do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Thông tư 09-LĐ/TT-1977 hướng dẫn thi hành Luật công đoàn trong các Xí nghiệp tư bản tư doanh do Bộ Lao động ban hành
- 2Nghị định 188-TTg năm 1958 hướng dẫn Luật công đoàn 103-SL/L10 về quan hệ giữa các cấp chính quyền do Thủ Tướng ban hành
- 3Thông tư 26-LĐTT năm 1958 hướng dẫn thi hành Luật công đoàn và Nghị định Thủ tướng Chính phủ thi hành Luật công đoàn trong các xí nghiệp tư bản tư doanh do Bộ Lao động ban hành
- 4Thông tư 07-TC/HCP năm 1959 về việc nộp kinh phí công đoàn do Bộ Tài Chính ban hành.
- 5Luật Công đoàn 1957
- 6Công văn 1189/VPCP-KTGVX năm 2014 kiến nghị ban hành bổ sung Nghị định quy định hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động và Luật công đoàn do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông tư 33-LĐ/TT năm 1958 hướng dẫn thi hành một số điều khoản của Luật Công đoàn và Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật Công đoàn trong các xí nghiệp, cơ quan trường học nhà nước và cơ quan đoàn thể Nhân dân do Bộ Lao động ban hành
- Số hiệu: 33-LĐ/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 27/12/1958
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Nguyễn Văn Tạo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra