Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 177-BCNN-CBLĐ | Hà Nội, ngày 17 tháng 07 năm 1964 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 118 NGÀY 17-12-1963 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC HỘI HỌP, HỌC TẬP CỦA CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC
Sau một thời gian thi hành Quyết định số 118 ngày 17-12-1963 của Hội đồng Chính phủ về quy định việc hội họp, học tập của cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước, Bộ thấy cần hướng dẫn thêm một số điểm để các cơ quan và xí nghiệp thuộc Bộ nghiên cứu thực hiện nhằm chấp hành nghiêm chỉnh quyết định trên, bảo đảm cho cán bộ, công nhân, viên chức sử dụng tốt thì giờ làm việc đồng thời bảo đảm thì giờ hội họp, học tập, nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe cho cán bộ, công nhân, viên chức.
Học tập ngoài giờ làm việc.
Các cơ quan và xí nghiệp căn cứ tinh thần điều 1 quy định: "... về thời gian học tập ngoài giờ làm việc... ba buổi trong một tuần..." để tùy theo điều kiện làm việc của đơn vị mình mà bố trí cho thích hợp. Điều cần chú ý là trong ba buổi học phải dành lại một buổi để học viên ôn tập. Để việc ôn tập được tốt, các ban lãnh đạo học tập ở các cơ sở cần có kế hoạch hướng dẫn đảm bảo chất lượng học tập. Thủ trưởng và các cơ quan lãnh đạo khác trong các đơn vị tuyệt đối không nên tổ chức hội họp xen lẫn vào thì giờ này.
Hội họp ngoài giờ làm việc.
Điều 2 quy định: "... các loại hội họp ngoài giờ làm việc nói chung không được quá bốn buổi trong một tháng". Bốn buổi hội họp ngoài giờ làm việc được quy định cụ thể trong quyết định là căn cứ vào quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Ban Thường vụ Tổng công đoàn, của Ban Chấp hành trung ương Đoàn thanh niên lao động. Do đó các cơ quan và xí nghiệp phải nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định này.
Trong khi thực hiện quy định này, một số cơ quan và xí nghiệp, ngoài ba cuộc họp chính là họp chi bộ, họp công đoàn, họp chi đoàn thanh niên lao động, một buổi còn lại thì tùy theo nhu cầu mà họp tổ đảng hoặc tổ công đoàn hoặc phân đoàn thanh niên lao động. Trong trường hợp thật cần thiết thì có thể bố trí hai cuộc họp của tổ đảng và phân đoàn thanh niên lao động vào một tối. Nếu người nào có nhiệm vụ tham gia hai cuộc họp này sẽ tùy theo tính chất cần thiết mà tham dự một bên, phần hội nghị của bên không tham dự được, có thể phát biểu trước ý kiến của mình về những vấn đề cần bàn cũng như sau đó sẽ nghe truyền đạt lại nghị quyết trong cuộc họp đó.
Điều 3 quy định: "Các cánbộ, công nhân, viên chức làm việc đêm vào khoảng từ 22 giờ đến 6 giờ sáng được miễn hội họp và học tập trong cả ngày hôm sau...". Vậy từ nay, các nơi cần phải chấm dứt tình trạng triệu tập những người làm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng đi họp hoặc học tập để khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, công nhân viên chức và đảm bảo sản xuất bình thường của xí nghiệp.
Ngoài quy định điều 2 và 3, một tuần lễ, các đơn vị chỉ được lưu lại một giờ cho từng tổ sản xuất kiểm điểm, rút kinh nghiệm sản xuất.
Điều 5 quy định: "Việc tham dự các cuộc vui và các cuộc nói chuyện tổ chức ngoài giờ làm việc phải là hoàn toàn tự nguyện...". Do đó các đơn vị cần chú ý nâng cao chất lượng các cuộc vui và nói chuyện ngoài giờ làm việc và có những hình thức động viên để cán bộ, công nhân, viên chức tự giác tham dự các buổi sinh hoạt đó. Mặt khác, cần hạn chế những buổi sinh hoạt mà nội dung xét ra không thiết thực để cán bộ, công nhân viên chức có thêm thì giờ học tập và nghỉ ngơi. Những buổi sinh hoạt trên, trừ những buổi tối mà ngày hôm sau là ngày nghỉ hoặc ngày lễ thì không hạn định thời gian, còn các buổi tối mà ngày hôm sau phải làm việc thì không được quá 21 giờ 30.
Hội họp và học tập trong giờ làm việc.
Điều 6 quy định: "Việc hội họp để bàn về công tác chuyên môn... do thủ trưởng đơn vị quyết định tùy theo nhu cầu của công việc...". Việc hạn định về thời gian các cuộc họp để bàn công tác chuyên môn trong quyết định của Hội đồng Chính phủ tuy không định rõ, song không phải vì vậy mà chúng ta không nên quy định một cách hợp lý các cuộc hội họp nói trên.
Hiện nay, các cơ quan lãnh đạo và xí nghiệp thường triệu tập cán bộ trực tiếp phụ trách sản xuất ngay trong giờ sản xuất đi họp quá nhiều, gân nên tình trạng, do thiếu người điều kiển sản xuất, công nhân muốn làm việc thế nào thì làm hoặc gặp khó khăn không có người giải quyết.
Để hạn chế bớt các cuộc hội họp trên, nay Bộ tạm thời quy định một số hội họp định kỳ như sau:
a) Giữa giám đốc xí nghiệp với các trưởng phòng, ban, với quản đốc, trưởng ngành trực thuộc:
- Một tháng họp hai lần, mỗi lần một buổi để kiểm điểm tình hình, xây dựng chương trình công tác, kế hoạch sản xuất đồng thời phổ biến những chủ trương, chính sách cần thiết;
- Ba tháng và sáu tháng, tùy từng xí nghiệp, họp sơ kết công tác từ hai đến ba buổi;
- Một năm, tùy từng xí nghiệp, họp tổng kết công tác từ ba đến bốn tuổi.
Trong thời gian có các cuộc họp nói trên, cần cố gắng bố trí một cán bộ phụ trách ở lại cơ sở sản xuất để giải quyết công việc. Trường hợp cán bộ phụ trách đi họp cả, cần có kế hoạch cụ thể giao lại cho trưởng ca hoặc tổ trưởng sản xuất và trong mỗi buổi, cán bộ phụ trách cần về đơn vị sản xuất trực tiếp giải quyết những công việc cần thiết. Các cuộc họp trên đều phải chuẩn bị chu đáo trước để đảm bảo đúng thời gian và nội dung tốt.
b) Ngoài những cuộc họp trên, các cuộc họp đột xuất nên hết sức hạn chế triệu tập cán bộ phụ trách các đơn vị sản xuất đi họp trong giờ làm việc. Khi cần thiết thủ trưởng đơn vị nên tiến hành hội ý với những cán bộ phụ trách các bộ phận có liên quan hay bàn bạc trong giám đốc và các cán bộ lãnh đạo ở xí nghiệp, sau đó phân công đi phổ biến trực tiếp cho từng bộ phận chấp hành.
Điều 7 quy định: "... đối với các cuộc hội họp để tổng kết công tác, để phổ biến chủ trương công tác v.v... tránh việc triệu tập cấp dưới đến họp nhiều và bất thường làm cho cấp dưới bị động, mất thì giờ và gặp khó khăn trong công tác...". Để giám đốc và cán bộ phụ trách các bộ môn nghiệp vụ của xí nghiệp biết trước và chuẩn bị công việc của mình, căn cứ vào kinh nghiệm thực tế của ngành ta thực hiện từ trước đến nay, nay Bộ quy định về thời gian một số hội họp trọng yếu giữa Bộ và xí nghiệp như sau:
- Với giám đốc và một số cán bộ lãnh đạo Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên lao động ở xí nghiệp một năm có hai lần họp. Họp sơ kết sáu tháng vào giữa năm và họp tổng kết vào cuối năm. Thời gian cho từng cuộc họp, Bộ sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể định sau;
- Về hội họp tổng kết nghiệp vụ ngành dọc giữa thủ trưởng các cơ quan Cục, Vụ ở Bộ với trưởng phòng, ban ở xí nghiệp một năm một lần. Thời gian tối đa không quá ba ngày;
- Các hội họp chuyên đề khác cần họp giữa các cơ quan Cục, Vụ với cán bộ nghiệp vụ ở xí nghiệp do các Cục, Vụ đề nghị Bộ xét và chuẩn y;
- Đối với hội nghị có tính chất nghiệp vụ, các Cục, Vụ có thể nghiên cứu xây dựng đề án rồi phân công đi họp từng khu vực. Khi nào thật cần thiết mới họp tập trung. Như vậy sẽ tránh cho cán bộ bên dưới khỏi phải đi xa mà tổ chức hội nghị cũng có phần gọn, nhẹ.
Điều 8 quy định: "... Từ nay chỉ các cán bộ, công nhân, viên chức cần học tập... và được thủ trưởng cơ quan đồng ý mới được phép dùng giờ chiều thứ ba hàng tuần để học tập. Các buổi học tập vào chiều thứ bảy nay bãi bỏ". Trên tinh thần vừa bảo đảm yêu cầu công tác và học tập, từ nay, các thủ trưởng đơn vị cần bố trí cho cán bộ, công nhân, viên chức tham gia học tập luân phiên các lớp tại chức các đợt khác nhau để khỏi ảnh hưởng đến công tác chung của đơn vị.
Điều 9 quy định: "... cán bộ phụ trách ... phải dành thì giờ đi xuống trực tiếp chỉ đạo sản xuất và kinh doanh tại chỗ...". Căn cứ tinh thần trên, đối với mọi cán bộ phụ trách nhất là cán bộ trực tiếp chỉ đạo sản xuất, ngoài việc tổ chức làm việc ở văn phòng, cần phải bố trí thì giờ đi sát hiện trường sản xuất,, nắm tình hình thực tế ngay trong sản xuất, kịp thời giải quyết phục vụ cho sản xuất.
Ở các xí nghiệp, các cán bộ, nhân viên trong bộ máy quản lý sản xuất cũng áp dụng tinh thần trên với thời gian mỗi tuần có từ một đến hai buổi đi nghiên cứu, kiểm tra, giúp đỡ cho cán bộ nghiệp vụ ở phân xưởng và tổ trưởng sản xuất nhằm phát hiện những khó khăn, mắc vướng để giải quyết tốt về mặt công tác nghiệp vụ của bộ phận mình.
Ở cơ quan Bộ, thủ trưởng các Cục, Vụ trong từng thời gian công tác, cần bố trí thì giờ đi nghiên cứu và kiểm tra công tác thực tế ở xí nghiệp đồng thời phải nêu những vấn đề cần nghiên cứu để giúp cán bộ thực hiện.
Các cán bộ nghiên cứu nghiệp vụ nói chung phải bố trí sắp xếp tùy theo yêu cầu công tác, cần tiến hành trong từng thời gian có kế hoạch kết hợp làm việc tại cơ quan và việc nghiên cứu tại xí nghiệp để có sự hiểu biết thực tế cần thiết. Các cán bộ này cần có trung bình khoảng 1/4 thời gian công tác nghiên cứu tình hình thực tế tại xí nghiệp.
Để cho việc đi sát thực tế đạt được kết quả tốt, trước khi đi, cán bộ phải xác định yêu cầu, nội dung những vấn đề cần nghiên cứu và giải quyết để sắp xếp kế hoạch tiến hành cho cụ thể sao cho khi xuống xí nghiệp công tác khỏi lúng túng và làm cho xí nghiệp bị động. Cần tránh lối đi công tác không có mục đích rõ ràng, không có kế hoạch cụ thể.
Điều 10 quy định: "... cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước không nên kiêm nhiệm quá hai chức vụ của đoàn thể... có thể dùng thì giờ làm việc của Nhà nước để hội họp và làm việc đoàn thể nhiều nhất là mỗi người bốn giờ trong một tháng (trừ các trường hợp đã được quy định theo luật tổ chức công đoàn)". Để thực hiện điều này, các đơn vị cần xem xét lại trong nội bộ đơn vị mình. Hiện nay còn có người kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ nên không thể làm tốt công tác chuyên môn cũng như việc của đoàn thể. Mặt khác, các đơn vị cần phải quản lý chặt chẽ thời gian các cán bộ, công nhân, viên chức dùng thì giờ làm việc của Nhà nước để hội họp và làm việc đoàn thể quá mức quy định. (Các đơn vị cần chấp hành đúng nghị định thi hành Luật Công đoàn số 188-TTg ngày 09-4-1958 của Thủ tướng Chính phủ).
Tất nhiên, những người kiêm nhiệm công tác đoàn thể ngoài việc sử dụng số giờ trên còn cần phải dùng một thời gian cần thiết vào giờ nghỉ, ngày nghỉ của mình để làm phần trách nhiệm đã được các đoàn thể giao cho.
Hội họp, học tập bất thường và trong các cuộc vận động lớn.
Điều 11 quy định: "... trong cùng một thời gian các cơ quan và xí nghiệp không nên làm song song hai cuộc thí điểm...". Các thí điểm quy định ở đây là các thí điểm nhằm thực hiện các chính sách lớn của Đảng và của Nhà nước (như ba xây ba chống, định mức kinh tế kỹ thuật v.v...) có tính chất ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động hoặc phần lớn các hoạt động của xí nghiệp. Đối với những thí điểm mà phạm vi chỉ ảnh hưởng đến một vài tổ sản xuất hoặc một vài bộ phận nhỏ thì không nhất thiết hạn chế "hai thí điểm". Nhưng nói chung dù vậy các thí điểm cũng không nên làm nhiều ở một nơi để ảnh hưởng đến hoạt động của xí nghiệp.
Những điều quy định trong Quyết định số 118 của Hội đồng Chính phủ là một cải tiến đối với chế độ hội họp, học tập của cơ quan và xí nghiệp. Những quy định đó được thực hiện tốt sẽ có tác dụng trong việc đẩy mạnh sản xuất và đảm bảo sinh hoạt bình thường của cán bộ, công nhân, viên chức. Các thủ trưởng đơn vị phải phổ biến rộng rãi quyết định trên và thông tư hướng dẫn của Bộ, bàn bạc thống nhất với cấp ủy Đảng và Ban Chấp hành các đoàn thể để bố trí việc hội họp, học tập cho thích hợp, đồng thời trực tiếp kiểm tra, đôn đốc thực hiện ở các bộ môn trực thuộc tiến hành cho tốt nhằm xây dựng những điều quy định trên thành nề nếp sinh hoạt của đơn vị mình.
Trong quá trình thi hành, các cơ quan và xí nghiệp có gặp khó khăn cần báo cáo và xin ý kiến của Bộ.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ |
- 1Quyết định 118-QĐ năm 1963 về hội họp, học tập của cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 306-BCNNh-CBLĐ-1964 quy định chế độ đối với cán bộ đi công tác ở Xí nghiệp do Bộ Công nghiệp nhẹ ban hành
- 3Nghị định 188-TTg năm 1958 hướng dẫn Luật công đoàn 103-SL/L10 về quan hệ giữa các cấp chính quyền do Thủ Tướng ban hành
Thông tư 177-BCNN-CBLĐ-1964 hướng dẫn Quyết định 118-QĐ-1963 về việc hội họp, học tập của Cán bộ, công nhân viên chức do Bộ Công nghiệp nhẹ ban hành
- Số hiệu: 177-BCNN-CBLĐ
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 17/07/1964
- Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp nhẹ
- Người ký: Nguyễn Đức Tâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 25
- Ngày hiệu lực: 01/08/1964
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra