Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3841/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 11 tháng 9 năm 2014.

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN "NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG HÀNG NÔNG LÂM THỦY SẢN TRONG CHẾ BIẾN VÀ GIẢM TỔN THẤT SAU THU HOẠCH" TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020.

Thực hiện Quyết định số 1003/QĐ-BNN-CB , ngày 13/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông, lâm, thuỷ sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch; Quyết định số 1016/QĐ-BNN-CB , ngày 13/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thuỷ sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch.

UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm sản thuỷ sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch” tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 với các nội dung cụ thể sau:

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung:

Nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các ngành hàng nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh thông qua việc tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm GTGT cao, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ chế biến theo hướng hiện đại và giảm tổn thất sau thu hoạch (cả số lượng và chất lượng), nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2020, giá trị gia tăng các ngành hàng nông lâm thủy sản của tỉnh tăng bình quân 25% so với hiện nay.

Cụ thể đối với một số ngành hàng chủ lực: Gạo tăng 12%; chè tăng 30%; đồ gỗ tăng trên 20%, giảm 50% lượng nguyên liệu đưa vào chế biến dăm gỗ.

- Đến năm 2020, tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản giảm 50% so với hiện nay.

II. Nhiệm vụ cụ thể:

1. Phổ biến và quán triệt chủ trương, nội dung của Đề án:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Đề án và Kế hoạch hành động thực hiện Đề án đến các cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở, thông qua các hình thức như: Tổ chức Hội nghị; tuyên truyền, đưa tin trên các phương tiện thông tin, đại chúng ở các cấp: báo, đài PTTH tỉnh, huyện; đài phát thanh cấp xã phường, thị trấn nhằm thống nhất về quan điểm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án và Kế hoạch hành động từ tỉnh đến cơ sở.

2. Tổ chức sản xuất theo tăng cường liên kết sản xuất nguyên liệu - chế biến - tiêu thụ.

- Cụ thể hóa, xây dựng chính sách cụ thể để triển khai có hiệu quả Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tăng cường liên kết doanh nghiệp - nông dân, nông dân - nông dân, doanh nghiệp - doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, nâng tỷ lệ diện tích các vùng sản xuất nông sản hàng hóa được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và các chứng chỉ khác (ASC, 4C, RainForest…). Trên cơ sở liên kết sản xuất, giảm thiểu đầu mối trung gian, tổ chức hệ thống kiểm tra, giám sát ATTP theo chuỗi sản xuất sản phẩm.

- Tiếp tục đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đồng bộ với việc cải tạo ruộng đồng, đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện…) để áp dụng cơ giới hóa, tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, cung cấp cho chế biến và xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho các doanh nghiệp có đủ khả năng tự đầu tư vùng nguyên liệu để chủ động trong sản xuất kinh doanh.

- Hình thành các doanh nghiệp “đầu tàu” và doanh nghiệp vệ tinh, tập trung hỗ trợ đầu tư để đổi mới công nghệ và thiết bị cho các doanh nghiệp thật sự có năng lực và hiệu quả. Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO… trong chế biến, nhằm kiểm soát tốt chất lượng và ATTP.

Nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, thông qua:

+ Ưu tiên các dự án nhằm nâng cao chất lượng nguyên liệu cho chế biến, xây dựng các mô hình liên kết doanh nghiệp – nông dân.

+ Hỗ trợ tập huấn về công nghệ thông tin, xây dựng và áp dụng chứng chỉ FSC, CoC, ISO…cho doanh nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu.

+ Ưu tiên phổ biến các công nghệ phù hợp, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho các doanh nghiệp chế biến.

3. Về chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có GTGT cao, nâng cao chất lượng và ATTP, hạ giá thành sản phẩm.

Trên cơ sở thị trường, đầu tư, tổ chức sản xuất theo hướng:

- Chuyển dịch hợp lý cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh, nâng cao chất lượng và tỷ trọng các sản phẩm có GTGT cao, hạn chế đến mức thấp nhất việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thô.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình sản xuất tiên tiến đối với từng loại sản phẩm, đảm bảo chất lượng, giảm tỷ lệ tiêu hao vật tư, nguyên liệu và quản lý tốt ATTP.

- Xử lý nghiêm các cơ sở chế biến không đảm bảo các điều kiện theo Quy chuẩn kỹ thuật về ATTP và xử lý ô nhiễm môi trường.

- Không ngừng cải tiến, đa dạng hóa hình thức bao bì, mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Cụ thể đối với một số ngành hàng:

(1) Lúa gạo:

- Ứng dụng quy trình cơ giới hoá đồng bộ (từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến).

+ Về giống: Tăng cường công tác khảo nghiệm, chọn lọc bổ sung các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu cây trồng của tỉnh; duy trì diện tích lúa lai toàn tỉnh đạt khoảng 45%; mở rộng diện tích lúa chất lượng cao.

+ Về thời vụ: Thực hiện đảm bảo theo khung lịch thời vụ của tỉnh theo hướng tăng diện tích trà xuân muộn, mùa sớm; giảm diện tích trà xuân trung, mùa muộn.

+ Về biện pháp canh tác: Mở rộng diện tích áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo thẳng, mạ khay. Tập trung đẩy mạnh đầu tư thâm canh, bón phân đủ lượng và cân đối N-P-K, bón phân NPK theo quy trình khép kín; thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại; tăng cường sử dụng các loại phân vi sinh, phân bón lá để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất cao. Đẩy mạnh việc ứng dụng đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất nhất là khâu làm đất và thu hoạch.

- Về bảo quản, chế biến lúa gạo: Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phơi sấy lúa trên nền cứng và sử dụng bạt để giảm tổn thất sau thu hoạch. Sử dụng hòm gỗ và thùng tôn để bảo quản lúa. Tuân thủ các quy trình công nghệ trong chuỗi sản xuất sản phẩm từ thu mua, sấy bảo quản, xay xát, dự trữ, lưu thông, đưa tỷ lệ gạo thu hồi trên 68%; giảm tổn thất sau thu hoạch lúa xuống dưới 5-6%.

(2) Chè:

- Giữ ổn định diện tích chè toàn tỉnh đến năm 2020 là 15.500 ha; tỷ lệ cơ cấu giống chè mới chiếm trên 80% diện tích; năng suất chè búp tươi trên diện tích cho sản phẩm đạt trên 11 tấn/ha; sản lượng chè búp tươi đạt 160 nghìn tấn; Tổng diện tích chè được chứng nhận theo quy trình sản xuất an toàn đạt 6.500 ha với năng suất chè búp tươi bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt trên 12,5 tấn/ha và sản lượng chè búp tươi đạt 81 nghìn tấn.

- Chế biến chè: Từ 80 - 100% các cơ sở chế biến phải thực hiện ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; 100% cơ sở đầu tư cải tiến dây chuyền, thiết bị chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm và 70% cơ sở chế biến xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, HACCP,..). Tăng cường đầu tư chế biến sâu, gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến chè xanh và các sản phẩm cao cấp chế biến từ chè: Nước giải khát đóng chai chè xanh, chè xanh hòa tan, tinh dầu chiết xuất từ chè xanh... Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chè theo hướng: 70% chè đen và 30% chè xanh; đến năm 2020 giá chè xuất khẩu ngang bằng giá bình quân thế giới.

(3) Gỗ:

Để giảm tối đa xuất khẩu dăm gỗ, ván bóc và các sản phẩm thô sang chế biến các sản phẩm phù hợp với quy mô nguyên liệu từng vùng. Phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ sản phẩm gỗ dăm, ván bóc và các sản phẩm thô xuống 6%, gỗ ghép thanh tăng lên 12%; sản phẩm ngoại thất là 25%; ván dăm 7%; MDF 26%; sản phẩm gỗ mỹ nghệ, nội thất là 24%.

Các giải pháp cụ thể như sau:

- Tổ chức lại ngành công nghiệp chế biến gỗ của địa phương; đổi mới công nghệ chế biến gỗ theo hướng hiện đại, ưu tiên sử dụng gỗ rừng trồng. Đẩy mạnh trồng rừng thâm canh nâng cao năng suất, phát triển có quy hoạch các loại hình chế biến gỗ; khuyến khích chế biến sản phẩm từ gỗ có GTGT cao phục vụ xuất khẩu.

- Chú trọng tới quy hoạch, bố trí hợp lý các nhà máy theo vùng, trong đó ưu tiên xây dựng các nhà máy ở miền núi có đủ nguyên liệu để tạo việc làm, nâng thu nhập cho người dân, đồng thời phát triển các dịch vụ hỗ trợ. Quy mô là nhà máy chế biến từ 60.000-100.000 m3 sản phẩm/năm đối với ván sợi MDF; 20.000m3 sản phẩm/năm đối với ván dăm và 10.000 m3 sản phẩm/năm trở lên đối với chế biến đồ gỗ.

- Xây dựng Dự án đầu tư phát triển giống cây lâm nghiệp chất lượng cao tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2015 sớm đưa vào sử dụng để nâng cao chất lượng giống cây trồng cũng như góp phần ổn định giá và bổ sung những tập đoàn giống mới như Keo mô, Bạch đàn mô, các loài cây trồng mới có chất lượng cao vào sản xuất kinh doanh đáp ứng yêu cầu thị trường cũng như thị hiếu người tiêu dùng.

- Thực hiện Quyết định số 774/QĐ-BNN-TCLN ngày 18/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2014-2020 trong đó điều chỉnh cơ cấu rừng trồng cho phù hợp, ổn định khoảng 112 nghìn ha rừng trồng sản xuất. Nâng cao chất lượng rừng để đạt sản lượng gỗ thương phẩm bằng 80% trữ lượng, trong đó có 40% là gỗ lớn; đến năm 2020 quy hoạch trồng 6.000 ha cây gỗ lớn trên địa bàn các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ hòa, Thanh Thủy. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích rừng trồng sản xuất áp dụng tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC) đạt trên 15% (16.500 ha).

- Quy hoạch chi tiết vùng trồng sơn và có cơ chế ưu đãi để thúc đẩy vùng nguyên liệu đảm bảo đời sống người trồng sơn. Khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sơn gắn với vùng nguyên liệu tại Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn…

4. Về giảm tổn thất sau thu hoạch:

- Triển khai có hiệu quả Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, đồng thời thực hiện các giải pháp cụ thể đối với từng ngành hàng.

- Triển khai Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

Cụ thể đối với một số lĩnh vực:

(1) Lúa gạo:

- Giảm tổn thất sau thu hoạch từ 11-13% hiện nay xuống dưới 5-6% bằng các biện pháp cơ giới hóa thu hoạch, đầu tư trong phơi sấy.

- Thực hiện thu hoạch lúa bằng máy đạt 60% vào năm 2020, sử dụng các loại máy gặt đập liên hợp có tính năng kỹ thuật cao.

- Về bảo quản, chế biến lúa gạo: Đầu tư phát triển các loại máy sấy phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phơi lúa trên nền cứng (sân gạch, sân bê tông…) và sử dụng bạt để giảm tổn thất sau thu hoạch. Chuyển giao các mẫu hình bảo quản lúa, gạo quy mô hộ gia đình theo hướng tiện ích, an toàn. Từng bước xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kho chứa thóc, kết hợp các hệ thống sấy. Ở những khi vực sản xuất tập trung quy mô lớn tuân thủ các quy trình công nghệ trong chuỗi sản xuất sản phẩm từ thu mua, sấy bảo quản, xay xát, dự trữ, lưu thông.

(2) Chè:

Áp dụng VietGAP, QCVN 132:2013/BNNPTNT trong thu hoạch, vận chuyển bảo quản chè để giảm tổn thất về chất lượng. Đến năm 2020, đảm bảo trên 80% chè nguyên liệu được thu hoạch, vận chuyển, bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật.

5. Về nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm và phát triển công nghiệp hỗ trợ

Đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm xử lý và tận dụng triệt để các phế phụ phẩm nông nghiệp tạo ra sản phẩm có GTGT cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể đối với một số lĩnh vực như sau:

(1) Lúa gạo:

- Toàn bộ phế phụ phẩm (trấu, cám) trong xay xát lúa gạo được chế biến thành các sản phẩm có giá trị như: củi trấu, trấu viên, ván ép, dầu cám, thức ăn chăn nuôi,… và góp phần bảo vệ môi trường.

- Đối với rơm: sử dụng trong sản xuất nấm; làm thức ăn chăn nuôi, làm chất đốt làm phân hữu cơ…

(2) Gỗ:

- Đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm xử lý và tận dụng triệt để các phế phụ phẩm trong lâm nghiệp như: củi, cành ngọn, mùn cưa… tạo các viên ép làm chất đốt tinh dầu.

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất gồm: sơn, keo, các phụ tùng, linh kiện lắp ráp đồ gỗ.

6. Về thị trường:

(1) Thị trường nội địa:

- Tiếp tục thực hiện có kết quả cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Xây dựng hình ảnh sản phẩm thông qua chất lượng cao, đảm bảo ATTP và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

- Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống thương mại, kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối, hình thành các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh đưa sản phẩm nông nghiệp tiếp cận người tiêu dùng thuận lợi.

- Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại thông qua hoạt động Hội chợ triển lãm với sự tham gia của cộng đồng và các doanh nghiệp tiêu biểu.

(2) Thị trường xuất khẩu:

- Tổ chức nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường về nhu cầu xu hướng tiêu thụ sản phẩm, biến động thị trường để xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm mới, có tiềm năng GTGT cao.

- Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, chế biến xây dựng, phát triển thương hiệu.

- Đa dạng hóa thị trường nhất là phát triển các thị trường tiềm năng, tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm có GTGT cao, trong đó không chỉ là thị trường Trung Quốc mà cần chú trọng cả thị trường “khó tính” như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

- Xử lý nghiêm và công bố công khai các hành vi gian lận thương mại, vi phạm các quy định về chất lượng, ATTP, cạnh tranh không lành mạnh làm mất uy tín sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam.

7. Về đào tạo phát triển nguồn nhân lực

- Tố chức đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia về quản lý nhà nước ngành chế biến nông, lâm, thủy sản; bồi dưỡng kỹ năng quản trị, nghiệp vụ kinh doanh cho các doanh nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật trình độ cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất.

- Thực hiện hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với sử dụng lao động tại chỗ hoặc đặt hàng về đào tạo.

- Lồng ghép các chương trình đào tạo khác nhau, thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg.

8. Về khoa học công nghệ

- Xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hàng năm, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thiết bị chế biến sâu đối với các sản phẩm chủ lực, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, tận dụng phế phụ phẩm; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao GTGT sản phẩm và bảo vệ môi trường.

- Đổi mới công tác khuyến nông, gắn khuyến nông nhà nước với khuyến nông xã hội, thông qua việc dành một phần kinh phí khuyến nông của Nhà nước kết hợp với nguồn lực của các doanh nghiệp để xây dựng các mô hình, dự án khuyến nông ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

- Đề xuất cơ chế hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mua công nghệ sản xuất các sản phẩm có GTGT cao, áp dụng công nghệ sản xuất sạch và sạch hơn, bảo vệ môi trường.

9. Về cơ chế chính sách

- Triển khai có hiệu quả Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; bổ sung chính sách hỗ trợ bảo vệ vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu đãi thuế trong đầu tư chế biến nông lâm thủy sản.

- Tăng cường đầu tư của nhà nước và ưu tiên nguồn vốn ODA để hỗ trợ cho lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản.

- Thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp; đề xuất danh mục kêu gọi dự án thu hút vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thuỷ sản theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có GTGT cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

- Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đầu tư đặc thù cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2014-2020 của tỉnh.

III. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động này.

- Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện theo quy định, báo cáo UBND tỉnh và các Bộ, ngành liên quan.

2. Các Sở, ban, ngành:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, xây dựng, đề xuất các Chương trình, dự án, chính sách để triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh.

3. UBND các huyện, thành, thị:

Tăng cường phối kết hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong công tác chỉ đạo, triển khai Kế hoạch; có cơ chế hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách địa phương gắn kết với các chương trình, chính sách của tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch. Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư đầu tư xã hội cho phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thuỷ sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch” tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành, thị và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch đề ra./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT;
- Các sở, ngành: NN&PTNT, TC, KHĐT, CT, LĐTBXH, KHCN, YT, TTTT, TNMT;
- Hội nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- CVP, PCVPTH;
- Lưu: VT, KT5 (40b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Công Thủy

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3841/KH-UBND năm 2014 thực hiện Đề án "Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch" tỉnh Phú Thọ đến năm 2020

  • Số hiệu: 3841/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/09/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Hoàng Công Thủy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản