Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3206/KH-UBND

Bến Tre, ngày 02 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Thực hiện Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; với những nội dung chủ yếu như sau:

I. THỰC TRẠNG XUẤT NHẬP KHẨU GIAI ĐOẠN 2011-2020

1. Về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh có mức tăng trưởng khả quan qua các năm. Cụ thể, giai đoạn 2011-2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 11.077,06 triệu USD, tăng bình quân 18,34%/năm; trong đó xuất khẩu đạt 7,865 triệu USD, tăng 18,13%/năm; nhập khẩu đạt 3.213 triệu USD, tăng 18,95%/năm. Tuy nhiên so với các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), kim ngạch xuất nhập, khẩu của Bến Tre còn thấp, kim ngạch xuất khẩu hiện nay chỉ đứng thứ 6/13 tỉnh trong vùng và chiếm khoảng 6 - 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của vùng; kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ chiếm khoảng 5% so với kim ngạch nhập khẩu của vùng.

2. Cơ cấu xuất nhập khẩu

a) Về xuất khẩu: Giai đoạn 2011-2020, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với 27,95%; dệt may đứng thứ hai với 23,7%; bộ dây điện đứng thứ ba với 20,5%, túi xách da chiếm vị trí thứ tư với 11,17%, hàng rau quả và hàng thủy sản đứng thứ năm và thứ sáu tương ứng 7,94% và 8,6%.

b) Về nhập khẩu: Cơ cấu hàng nhập khẩu của tỉnh có sự thay đổi, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu may mặc và da giày tăng từ 18,4% năm 2011 lên 30,1% năm 2020. Các mặt hàng còn lại đều có xu hướng giảm. Năm 2020, tỷ trọng nhập khẩu hàng điện tử và linh kiện đạt 3,8%, giảm 16,8% so với năm 2011 (20,5%), các mặt hàng máy móc thiết bị giảm 4,8% và nguyên liệu dược, mỹ phẩm giảm 5,6%. Thị trường nhập khẩu tập trung chủ yếu ở các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

3. Thị trường xuất khẩu

Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, đến cuối năm 2020, đã xuất khẩu sang 128 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bến Tre sang các thị trường giai đoạn 2011-2020

 

châu Á

châu Mỹ

châu Âu

châu Phi

châu Đại Dương

Kim ngạch xuất khẩu (triệu USD)

4.723,69

1.616,81

982,744

199,016

47,315

Tỷ trọng (%)

60,06

20,56

12,5

2,53

0,6

Tốc độ tăng trưởng bình quân/năm (%)

15,43

35,61

15,9

3,87

20,71

- Củng cố được thị trường truyền thống, tập trung xuất khẩu vào thị trường mục tiêu, mở rộng thị trường tiềm năng, thâm nhập được một số thị trường mới. Năm 2011, hàng hóa của tỉnh được xuất khẩu sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến năm 2020 được 128 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ và châu Á có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất.

- Các nước châu Á: Đây có thể được xem là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh, chiếm 60,06% trong giai đoạn 2011-2020, tương đương đạt 4.723 triệu USD với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm dừa, cơ khí điện tử, hàng dệt may, túi xách, thủy hải sản…đây cũng là nhóm thị trường nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng bình quân 15,43%/năm.

- Các nước châu Mỹ: Đây là thị trường tiềm năng, trọng tâm là ở khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ (Hoa Kỳ, Canada). Đồng thời, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được chính thức ký kết vào tháng 03/2018, tạo thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vào thị trường châu Mỹ. Bến Tre xuất khẩu sang thị trường này các sản phẩm như: hàng dệt may, thủy hải sản, sản phẩm từ dừa, nhân điều, trái cây. Kết quả, giai đoạn 2011-2020, đạt 1.617 triệu USD, chiếm tỷ trọng 20,56% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân 35,61%/năm.

- Các nước khu vực châu Âu: Được xem đây là thị trường mục tiêu của Bến Tre. Giai đoạn 2011-2020, đạt 982,744 triệu USD, tăng 15,9%/năm, chiếm tỷ trọng 12,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này gồm: thủy sản, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, than hoạt tính, trái cây,…

- Các nước khu vực châu Phi: Do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua hàng trả chậm, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở Thư tín dụng L/C (do chi phí cao). Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin thị trường và khoảng cách địa lý cùng một số rào cản về mặt bảo hộ thương mại cũng khiến việc xử lý rủi ro đối với các DN còn gặp khó khăn. Việc giao dịch giữa các DN thường diễn ra trên mạng, rất nhiều rủi ro. Do đó, kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này còn ít. Do đó, giai đoạn 2010-2020 chỉ đạt 199,016 triệu USD, chiếm 2,53% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tăng bình quân 3,87%/năm.

4. Về các kênh truyền thông hỗ trợ xuất khẩu

Ngoài các hình thức hỗ trợ xuất khẩu truyền thống, trong thời gian qua tỉnh còn thực hiện hỗ trợ thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và chuyển đổi số. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tập trung hỗ trợ để thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia thương mại điện tử1. Bên cạnh đó, đã xây dựng sàn giao dịch Thương mại điện tử “Đặc sản Bến Tre”; bộ công cụ quảng bá thương hiệu trực tuyến sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre,... Qua đó, từng bước tạo dựng môi trường, hệ sinh thái phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai, ứng dụng việc mua bán, trao đổi, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên môi trường mạng và thu được những kết quả nhất định từ việc thiết lập các website riêng, tham gia các sàn giao dịch Thương mại điện tử đến việc tạo lập các tài khoản trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber,...

5. Đánh giá chung

Trong giai đoạn 2011-2020, hoạt động xuất nhập khẩu Bến Tre đã đạt được những kết quả nhất định: Kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng và có thặng dư thương mại; cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực; thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, thị trường xuất khẩu trực tiếp chiếm tỷ trọng cao, thị trường trung gian giảm dần, đảm bảo duy trì được thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới có nhiều tiềm năng; mặt hàng xuất khẩu có sự đa dạng về chủng loại, hàng qua chế biến tăng dần và giảm xuất khẩu hàng thô...

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu Bến Tre còn một số hạn chế: Kim ngạch xuất nhập khẩu còn thấp; thị trường xuất khẩu hàng hoá mặc dù đã có bước tiến đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn ít bạn hàng, phụ thuộc vào chỉ định của bên giao gia công, nhiều doanh nghiệp còn xuất khẩu qua trung gian và chưa chủ động được thị trường; hàng công nghiệp gia công còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hàng xuất khẩu, tỉnh có nguồn nguyên liệu tôm dồi dào nhưng chưa xuất khẩu được; đầu ra một số sản phẩm từ dừa và hàng nông sản còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống....

Nguyên nhân của những hạn chế trên là: (i) Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, bó hẹp trong mô hình kinh tế hộ, do đó, chưa thu hút được DN tiêu thụ nông sản theo liên kết vào chuỗi giá trị. (ii) Hoạt động xúc tiến thương mại chưa có bước đột phá mới. (iii) Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh mặc dù đã có nhiều cải thiện, các Chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tăng cao nhưng vẫn chưa tạo ra nhiều cơ hội để nhà đầu tư, DN mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh. (iv) Nguồn nhân lực có chất lượng cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được cho nhu cầu của các DN. (v) Việc tiếp cận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại các DN nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn, do nguồn lực của các DN này còn hạn chế. (vi) Cơ sở hạ tầng giao thông chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các tuyến đường từ huyện trở xuống còn hạn chế tải trọng làm tăng chi phí vận chuyển....

II. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA ĐẾN NĂM 2030

1. Mục tiêu tổng quát

Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre (gọi tắt là Kế hoạch hành động) nhằm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, hướng tới mục tiêu: phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường, cán cân thương mại, các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng ổn định

- Tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 đạt 13,5-14,5%, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 13,22% và giai đoạn 2026-2030 có mức tăng trưởng bình quân 15%.

- Tốc độ tăng trưởng của kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2030 đạt 7-8%, trong đó giai đoạn 2021-2025 có mức tăng bình quân đạt 8- 9% và giai đoạn 2026-2030 có mức tăng trưởng bình quân tăng 6-7%.

- Phấn đấu đến năm 2030 Bến Tre là tỉnh có kim ngạch xuất khẩu khá cao khu vực vùng ĐBSCL (top 3) và trở thành tỉnh có kim ngạch xuất khẩu ở mức khá của cả nước (top 30).

b) Xuất khẩu, nhập khẩu phát triển với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối, hài hòa

- Tập trung phát triển xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng nâng dần quy mô sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và khai thác nguồn nguyên liệu trên địa bàn một cách hợp lý, khoa học; mở rộng diện tích nuôi trồng các mặt hàng chủ lực, đầu tư phương tiện đánh bắt xa bờ, nghiên cứu ngư trường đánh bắt, tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao.

- Thực hiện đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến và nâng cấp mặt hàng truyền thống, tích cực đầu tư, nâng cấp, đổi mới dây chuyền công nghệ trong chế biến thuỷ sản, nông nghiệp, gia công may mặc, giảm hàm lượng lao động giản đơn, nâng cao hàm lượng công nghệ, chất xám để tăng sức cạnh tranh của hàng hoá.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiên tiến, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm quốc tế theo tiêu chuẩn ISO, đạt tiêu chuẩn HACCP, Code EU, SA8000,… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký bản quyền, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm để tránh hàng gian, hàng giả, tranh chấp thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

- Khuyến khích mời gọi các chuyên gia nghiên cứu các sản phẩm mới từ các nguồn nguyên liệu sẵn có của tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất mặt hàng mới, có thị trường mà Bến Tre chưa sản xuất.

- Xây dựng đội ngũ thương nhân của tỉnh ngày càng lớn mạnh, tham gia tích cực vào quá trình phát triển thị trường trong và ngoài nước. Đổi mới mô hình tổ chức, công nghệ quản lý và phương thức kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá để xây dựng các loại hình doanh nghiệp thương mại.

- Đẩy mạnh hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa theo hướng vừa mở rộng thị trường, mặt hàng, vừa nâng cao hiệu quả xuất - nhập khẩu phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường. Cụ thể như sau:

+ Nhóm hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu với 88% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; nhóm hàng rau quả chiếm tỷ trọng 8% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030; nhóm hàng thủy hải sản chế biến 4% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030.

+ Tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực Liên minh châu Âu (EU) chiếm 14-15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 16-17% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 27-28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 29-30% vào năm 2030; khu vực châu Á lên 55-56% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 49-50% vào năm 2030.

+ Tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), trong đó tập trung vào Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định này ưu tiên tập trung với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản - là một trong những mặt hàng này có lợi thế rất lớn đối với tỉnh Bến Tre. Phấn đấu tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ các nước phát triển khu vực Liên minh châu Âu chiếm khoảng 6-7% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 7-8% vào năm 2030; khu vực Bắc Mỹ (chủ yếu là Hoa Kỳ) lên khoảng 6-7% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 8-9% vào năm 2030; Nhật Bản lên khoảng 7-7,5% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 8-8,5%, Hàn Quốc lên khoảng 16-17% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 18-19% vào năm 2030; giảm tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Á xuống còn 79-80% vào năm 2030, trong đó Trung Quốc 30-31%, ASEAN 10-11%.

+ Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: Bến Tre có vùng nguyên liệu dừa và trái cây, (bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm,...) lớn trong vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó có thế mạnh để phát triển kinh tế biển, nên định hướng phát triển các mặt hàng chủ lực là: sản phẩm chế biến từ thủy sản như tôm, cá, nghêu…; sản phẩm từ dừa như cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa, mật hoa dừa,…; sản phẩm công nghiệp mà Bến Tre có khả năng phát triển như dệt may, mặt hàng túi xách, bộ dây điện dùng cho ô tô.

- Trong giai đoạn 2021-2025, với việc tiếp tục tận dụng được lộ trình miễn giảm thuế quan từ các FTA thế hệ mới đã có hiệu lực như Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đặc biệt là các Hiệp định mới như Việt Nam - EU (EVFTA), Asean - Hồng Kông (AHKFTA), EVFTA, RCEP,…với lộ trình xóa bỏ tới trên 90% dòng thuế, các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh sẽ có xu hướng tăng mạnh, nhất là các sản phẩm như sản phẩm từ dừa, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, da giày, dệt may, nông sản và nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ,…Chi tiết cụ thể như sau:

- Nhóm hàng công nghiệp:

+ Mặt hàng dệt may: Các dự án sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may đã hoạt động tương đối ổn định, sản phẩm đã chiếm lĩnh được nhiều thị trường lớn, dự kiến đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu đạt 1.300 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,8%/năm cho cả giai đoạn 2021-2025.

+ Mặt hàng túi xách da: Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của tỉnh, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sẽ đạt 868 triệu USD, tăng bình quân 17,45%/năm.

+ Sản phẩm từ dừa: Đây là mặt hàng có thế mạnh của tỉnh và vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2025, dự kiến sẽ đạt 560 triệu USD vào năm 2025, tăng 10,05%/năm.

+ Bộ dây điện dùng cho ô tô: Đây là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ổn định. Dự kiến đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 230 triệu USD, tăng bình quân khoảng 14,08%/năm.

- Nhóm hàng rau quả:

Bến Tre có vùng nguyên liệu dừa và trái cây như bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn…với một số nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ tạo nguồn hàng dồi dào cho xuất khẩu. Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu có hiệu lực mặt hàng nông sản của tỉnh sẽ hưởng lợi rất lớn từ lộ trình cắt giảm thuế quan. Dự kiến đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ đạt 165 triệu USD, tăng bình quân 6,99%/năm.

- Nhóm hàng thủy hải sản chế biến:

Nhóm mặt hàng bao gồm: cá, nghêu, tôm… trong thời gian qua gặp không ít khó khăn về nguyên liệu, tuy nhiên tỉnh có con nghêu đã được chứng nhận của Hội đồng biển quốc tế (MSC) và tôm có nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng trong những năm qua chưa xuất khẩu được, do đó cần ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Dự kiến đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sẽ đạt 105 triệu USD, tăng với mức tăng trưởng hàng năm đạt 11,38%/năm.

- Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ:

Nhóm này có mặt hàng xuất khẩu khá đa dạng như cói, mây, tre, thảm và đặc biệt là các sản phẩm mỹ nghệ từ dừa. Đây là sản phẩm có nhiều tiềm năng của tỉnh, có giá trị gia tăng cao, tận dụng được các phụ phẩm từ cây dừa và giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương do đó cần ưu tiên hỗ trợ để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Dự kiến đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 35 triệu USD, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn đạt 14,42%/năm.

c) Định hướng phát triển thương mại điện tử

- Phát triển thương mại điện tử nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh, thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước cho hàng hóa, sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh. Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và khuyến khích người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại điện tử, mua bán trực tuyến.

- Xây dựng các hạ tầng cơ bản và triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, đưa thương mại điện tử trở thành một hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phát triển nguồn nhân lực về thương mại điện tử; tuyên truyền, tăng cường đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về thương mại điện tử để nhân lực có đủ khả năng về chuyên môn, nghiệp vụ về giao dịch thương mại điện tử.

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Xây dựng lực lượng cán bộ có chuyên môn đáp ứng được công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử; xây dựng cơ chế, bộ máy phù hợp và triển khai hoạt động thống kê về thương mại điện tử và các hoạt động hỗ trợ thương mại điện tử; xây dựng các cơ sở dữ liệu sử dụng chung cho các lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, thống kê…

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Tích cực tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, nhất là tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để triển khai Dự án “Liên kết xây dựng vùng sản xuất dừa theo hướng an toàn, chất lượng cao ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh”.

- Hoàn thiện và triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Bến Tre đến năm 2030. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu; Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, an toàn thực phẩm và tăng cường bảo quản sau thu hoạch; phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết, hợp tác, tiêu thụ gắn với du lịch. Gắn chăn nuôi với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Rà soát, điều chỉnh vùng nuôi, hình thức nuôi và đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với định hướng thị trường thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn nuôi thủy sản với chế biến, xuất khẩu. Thực hiện tốt việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định.

- Tập trung củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với nông dân.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp để chứng nhận vùng trồng cho các sản phẩm đủ tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu. Đồng thời, rà soát các chuỗi sản phẩm của tỉnh để xem xét, thành lập mới các chuỗi sản phẩm có tiềm năng phát triển bền vững để tạo điều kiện, đầu tư cho phát triển.

b) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tập trung triển khai Chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030. Ưu tiên phát triển công nghiệp về hướng Đông, thu hút công nghiệp năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời, điện khí), chế tạo, phụ trợ, dược - y sinh, chế biến thủy sản và công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn. Huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng công nghiệp, hoàn thiện và đưa vào khai thác khu công nghiệp Phú Thuận; chuẩn bị điều kiện để triển khai các khu công nghiệp theo định hướng phát triển về hướng Đông; có cơ chế hỗ trợ vốn để mỗi huyện triển khai đầu tư ít nhất một cụm công nghiệp quy mô 70ha (riêng huyện Chợ Lách có quy mô phù hợp) để tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư, tạo năng lực sản xuất mới. Có chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu theo chuỗi giá trị, nhất là các chuỗi nông sản chủ lực của tỉnh; khuyến khích các DN đổi mới công nghệ, thiết bị và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng quốc gia và toàn cầu. Phát triển mạnh DN và các cơ sở sản xuất công nghiệp, mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến; củng cố, phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống gắn với giải quyết việc làm và hoạt động du lịch.

- Đẩy mạnh công tác khuyến công nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đổi mới thiết bị, tiến hành hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất nhằm giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất và bảo vệ môi trường. Xác định cụ thể mặt hàng xuất khẩu tiềm năng. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách nhằm phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới như hàng hóa thân thiện với môi trường, hàng dệt may kỹ thuật....

c) Sở Khoa học và công nghệ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tập trung triển khai Đề án phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh hỗ trợ triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, thay đổi công nghệ, thiết bị phù hợp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

- Hỗ trợ áp dụng các công nghệ tiên tiến trong các khâu chế biến nông thủy sản và các ngành công nghiệp chế tác khác để gia tăng giá trị cho sản phẩm; có các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư đưa công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất. Tập trung hỗ trợ, nhằm từng bước đưa hàm lượng khoa học công nghệ và các ngành hàng, các sản phẩm của các chuỗi xuất khẩu, phát triển thêm nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản có chứng nhận địa lý, chứng nhận vùng trồng, khâu đóng gói, công bố sản phẩm hàng hóa.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp để hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

d) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khi có chủ trương của Trung ương; cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc, ưu tiên những ngành có công nghệ và tạo giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng đất và lao động, thân thiện môi trường; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả, ổn định.

- Xác định mục tiêu thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp dẫn đầu từng năm và cả giai đoạn để tập trung hỗ trợ, chăm lo phát triển doanh nghiệp và doanh nghiệp dẫn đầu; bên cạnh đó, cần tranh thủ sự hỗ trợ từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hải quan và các tổ chức khác có liên quan.

đ) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm xuất khẩu chủ lực, phát triển thương hiệu đi cùng với chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

- Lựa chọn một số sản phẩm nông sản thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác để hình thành vùng sản xuất tập trung phục vụ xuất khẩu. Chủ động ban hành kế hoạch xây dựng vùng sản xuất tập trung phục vụ xuất khẩu trong từng giai đoạn và hàng năm trên địa bàn; tập trung củng cố, phát triển các Hợp tác xã, vận động các tổ chức, doanh nghiệp có tiềm năng tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm trong vùng sản xuất tập trung.

2. Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn

a) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cụ thể như sau:

a.1) Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại (XTTM)

- Thông tin thương mại và tuyên truyền, quảng bá để tiêu thụ hàng hóa ở trong nước và nước ngoài. Hàng năm, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương; các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên các trang thông tin điện tử của các Bộ, ngành Trung ương, trên Sàn giao dịch thương mại điện tử và các kênh, truyền hình, Báo, đài; tăng cường trao đổi thông tin về thị trường, thông tin hội nhập, các hiệp định thương mại… thông tin đến doanh nghiệp trong tỉnh. Một số nội dung thực hiện cụ thể như: Duy trì chuyên trang thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách về XTTM trên Bản tin Công Thương Bến Tre,…Xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu hàng năm về sản phẩm, hàng hóa và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; biên soạn và phát hành bộ tài liệu giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa đặc sản, chủ lực và tiềm năng của tỉnh Bến Tre; xây dựng video clip giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc trưng và sản phẩm nông sản của tỉnh, cung cấp các thông tin về sản phẩm, về doanh nghiệp, hợp tác xã phục vụ tại các hội nghị kết nối cung cầu, các sự kiện XTTM trong và ngoài nước.

- Tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm thương mại trong nước, nước ngoài trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm được Bộ Công Thương ban hành; hỗ trợ Doanh nghiệp, hợp tác, cơ sở làng nghề, chủ thể OCOP của tỉnh tham dự hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; đề xuất tham gia Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

- Tổ chức đoàn giao thương tham gia các sự kiện xúc tiến tiêu thụ hàng hóa; xúc tiến tổng hợp, hội nghị, hội thảo; khảo sát thị trường, quảng bá, hỗ trợ thâm nhập thị trường thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa ở trong nước và nước ngoài.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu và nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển năng lực và kỹ năng kinh doanh cho doanh nghiệp, HTX và thương nhân trong tỉnh.

- Hỗ trợ cho công tác quản lý; hội nghị, hội thảo, hội nghị kết nối; đưa doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm; khảo sát, học tập kinh nghiệm; quảng bá sản phẩm; tham dự hoạt động XTTM khác tại các tỉnh trong nước và ngoài nước; đón tiếp các đoàn XTTM của các tỉnh, thành phố; mua sắm, trang bị dụng cụ, thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại,…

- Thực hiện các chương trình, sự kiện XTTM mang tính mới, thực hiện các hoạt động XTTM thông qua thương mại điện tử; hỗ trợ xây dựng các Trung tâm, điểm bán sản phẩm OCOP, điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh.

a.2) Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa; tạo thuận lợi cho các DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể phát triển

- Tích cực thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, ưu tiên vùng nông thôn; xây dựng các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, góp phần phát triển hệ thống bán lẻ phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân. Tập trung hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hàng hóa; duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu; hình thành mối liên kết giữa các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập nhanh và phát triển hiệu quả; tăng nhanh các sản phẩm xuất khẩu qua chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao.

a.3) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích của thương mại điện tử đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh; vận hành hiệu quả Sàn giao dịch thương mại điện tử đặc sản Bến Tre, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

a.4) Thực hiện các chương trình liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối, nhằm mục đích tổ chức hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa một cách hợp lý, thông suốt, giải quyết các vấn đề trong lưu thông và phân phối hàng hóa.

a.5) Phát triển thị trường xuất khẩu

Hoạt động xuất khẩu của Bến Tre cần mở rộng quan hệ hợp tác, liên doanh, liên kết kinh tế giữa Bến Tre với các địa phương khác, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn trong nước, kêu gọi đầu tư nước ngoài để tổ chức sản xuất, chế biến và khai thác các nguồn hàng xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước có mặt hàng mới và thị trường xuất khẩu đầu tư vào tỉnh; tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu; hàng năm lựa chọn và tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp phát triển được nhiều sản phẩm mới và được tiêu thụ tốt trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nghiên cứu kỹ và tranh thủ tận dụng các điều khoản trong các hiệp ước, hiệp định, cam kết mà Việt Nam ký kết, tham gia có lợi cho xuất khẩu của tỉnh. Trong đó, tập trung, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hướng đến và đủ điều kiện để xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh, nhất là vào các nước châu Âu.

Đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ bằng việc thu hút du khách nước ngoài, tăng thu ngoại tệ là hoạt động khá hiệu quả mà tỉnh cần phát huy. Tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy du lịch kết hợp mua sắm như: tổ chức các phố mua sắm, phố nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ; các chiến dịch bán hàng giảm giá,... Các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch đăng ký cung cấp thẻ ưu đãi hoặc vé mua sắm cho khách du lịch. Phát triển mạnh các dịch vụ phục vụ xuất khẩu.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý lĩnh vực chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản, gắn bó chặt chẽ với sản xuất nông nghiệp trong việc đảm bảo nguyên liệu cho chế biến và quyền lợi của nông dân.

- Triển khai, đồng bộ cơ sở dữ liệu về các biện pháp an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu chính từ trung ương, công bố để các doanh nghiệp tham khảo; tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu này để các doanh nghiệp chủ động và kịp thời điều chỉnh kế hoạch hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

- Cập nhật, phổ biến kịp thời cho các doanh nghiệp cần tài liệu, cẩm nang quy định liên quan tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông, lâm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New-Di-lân,….

c) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương: Tăng cường các biện pháp hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ và chỉ dẫn địa lý của sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của tỉnh ở những thị trường nước ngoài trọng điểm; tăng cường tuyên truyền, tập huấn, đào tạo về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

3. Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi phát triển thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới công bằng

a) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, XTTM, đẩy mạnh thực hiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi hóa thương mại.

- Triển khai kịp thời các văn bản, chính sách về phòng vệ thương mại và các văn bản có liên quan đến phòng vệ thương mại đến các doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan.

- Phối hợp với các cơ quan trong quá trình xử lý các vụ việc về phòng vệ thương mại; tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của tỉnh.

b) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn áp dụng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm xuất nhập khẩu tỉnh; áp dụng công nghệ tin học, tự động kết nối điện thoại thông minh, xây dựng các phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất nhập khẩu, tăng niềm tin của người tiêu dùng và trách nhiệm, uy tín nhà sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đơn vị sản xuất áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong các cơ sở chế biến xuất khẩu để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Nghiên cứu, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng chứng chỉ xanh, bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu.

c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bến Tre điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững theo đúng quy định.

d) Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác theo dõi, dự báo, đảm bảo an ninh các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phòng ngừa, đấu tranh, chống các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

đ) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất nhập khẩu.

4. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đẩy mạnh mời gọi, thu hút các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án sản xuất xuất khẩu, ưu tiên những dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sản phẩm có tính cạnh tranh cao và khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực, giải quyết vấn đề thiếu hụt và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu như lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử và linh kiện.

- Thu hút các doanh nhân và lao động thương mại có tay nghề cao đến công tác và làm việc lâu dài ở Bến Tre, đồng thời có chính sách ưu đãi khuyến khích sinh viên đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành kinh tế, thương mại về làm việc xây dựng quê hương sau khi tốt nghiệp.

- Khuyến khích phát triển các cơ sở dạy nghề, mở rộng dạy nghề thương mại bằng nhiều hình thức thích hợp; có chính sách đào tạo nghề cho lao động hướng nghiệp chuyển đổi từ nông nghiệp, nghề chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ nông lâm thủy sản để phục vụ xuất khẩu; tổ chức tốt các hình thức hỗ trợ và giới thiệu việc làm; nâng cao chất lượng đào tạo lên mức ngang tầm khu vực và thế giới.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại về đào tạo để phát triển nguồn nhân lực bao gồm: thương mại điện tử, đào tạo cán bộ quản trị doanh nghiệp, quản trị chuỗi cung ứng, quản lý trung tâm logistics...và đào tạo các nhân viên có kỹ năng hiện đại, chuyên nghiệp trong nghiệp vụ kinh doanh thương mại…

- Chú trọng đào tạo nghề để có đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ nhất là tại các loại hình thương mại hiện đại cần phân hạng và có kế hoạch đào tạo phù hợp với trình độ và độ tuổi của người lao động; khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà quản lý được tham quan, học tập kinh nghiệm ở các cơ sở trong nước và nước ngoài...

c) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì đề xuất kế hoạch xây dựng năng lực của các tổ chức thí nghiệm, tổ chức chứng nhận, phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ việc đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn riêng đối với hàng hóa xuất khẩu.

d) Sở Thông tin và Truyền thông triển khai, thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia, ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển các hoạt động logistics thông minh để nâng cao tính hiệu quả và bền vững cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

đ) Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông và đầu tư nâng cấp một số tuyến đường tỉnh, đường huyện quan trọng, thiết yếu, có tính chất kết nối vùng có tiềm năng phát triển. Kêu gọi đầu tư cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển hàng hóa phục vụ hoạt động logictics. Bên cạnh đó cần tập trung hỗ trợ các dịch vụ cho xuất khẩu, tranh thủ các hỗ trợ từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hải quan, phát triển logictic làm nền tảng thúc đẩy cho xuất khẩu.

e) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

g) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ trì nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch và thu hút đầu tư để xây dựng các trung tâm logistics nông sản, kho lạnh nhằm phân loại, bảo quản, sơ chế, nâng cao giá trị và giữ chất lượng nông sản, thủy sản, trái cây tươi trước khi tiêu thụ, xuất khẩu.

5. Nâng cao vai trò của Hiệp hội và doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn

a) Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Hiệp hội tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

b) Sở Công Thương chủ trì tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, tuyên truyền để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp về các cam kết ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do, kỹ năng xúc tiến thương mại, marketing quốc tế, xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, tuyên truyền để nâng cao năng lực thực thi các cam kết thương mại, các quy định thị trường (an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn kỹ thuật,...) đáp ứng các quy định của thị trường cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân.

d) Các Hiệp hội phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan chủ động xây dựng, tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực các doanh nghiệp hội viên gồm:

- Các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng thâm nhập vào các thị trường mục tiêu, các cam kết ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt rào cản và các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài; kỹ năng triển khai xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.

- Các khóa tập huấn, đào tạo về phát triển thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, marketing nhằm nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu.

- Các Hiệp hội phát huy vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế.

6. Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu

Sở Công Thương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Hải quan,… cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp về các yêu cầu, quy định nhập khẩu máy móc thiết bị mới, nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng...Hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh đầu tư máy móc, thiết bị, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất ở một số ngành nghề có thế mạnh, có mức đóng góp cao vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh như: chế biến nông sản, dừa, cơ khí gia công,...

IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước: Hàng năm, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện và dự toán kinh phí theo các nhiệm vụ được giao, gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.

Nguồn vốn xã hội hóa (vốn của các tổ chức, cá nhân, Hợp tác xã, doanh nghiệp, nguồn viện trợ, tài trợ hợp pháp khác (nếu có)).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện kế hoạch này, định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng và nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch, rà soát lại các kế hoạch đã ban hành, theo nhiệm vụ được phân công tại Phụ lục kèm theo xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện. Định kỳ hàng năm (trước ngày 20/12) báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Cơ quan truyền thông tăng cường xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự tuyên truyền về lợi ích của xuất nhập khẩu bền vững, lợi ích của việc tham gia các chuỗi cung ứng và liên kết sản xuất - tiêu thụ về các tác động của các thách thức trong thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Trên đây là Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công Thương (báo cáo);
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh (thay báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PT&TH, Báo Đồng Khởi;
- Chánh, các Phó CVP.UBND tỉnh;
- Phòng: TH, KT, TCĐT, C.TTĐT;
- Lưu: VT, LHT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Cảnh

 

PHỤ LỤC

CÁC ĐỀ ÁN, KẾ HOẠCH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Kế hoạch số 3206/KH-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

TT

Tên Đề án/Kế hoạch

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

1

Kế hoạch phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy xuất khẩu một số mặt hàng có tiềm năng của tỉnh giai đoạn 2026-2030

Sở Công Thương

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố

2025-2026

2

Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ sau thu hoạch, kho lạnh, công nghệ bảo quản, dự trữ hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố

2023-2025

3

Đề án phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố

2023-2025

4

Kế hoạch xúc tiến thương mại tỉnh giai đoạn 2026-2030 phù hợp với định hướng Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030

Sở Công Thương

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố

2025

5

Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030

Sở Khoa học và Công nghệ

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố

2025

 

PHỤ LỤC I

TỔNG KIM NGẠCH XUẤT KHẨU CỦA BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2011-2020
(Kèm theo Kế hoạch số 3206/KH-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Đơn vị tính: Triệu USD

Diễn giải

Giai đoạn 2011-2015

Thực hiện

Tổng GĐ 2011-2020

Kim ngạch

Tốc độ TT

2016

2017

2018

2019

2020

Kim ngạch

Tốc độ TT

Tổng kim ngạch XK

2.593,11

27,66

738,71

900,84

1.080,42

1.154,29

1.397,33

7.864,70

18,13

Tổng kim ngạch NK

1.104,25

19,99

319,09

398,40

467,52

424,03

499,08

3.212,36

18,95

Tổng KN XNK

3.697,36

22,09

1.057,80

1.299,24

1.547,94

1.578,32

1.896,41

11.077,06

18,34

 

PHỤ LỤC II

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU MỘT SỐ MẶT HÀNG CHỦ LỰC CỦA BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2011-2020
(Kèm theo Kế hoạch số 3206/KH-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

 

Đơn vị tính

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

GĐ 2021-2020

Tổng KN

Tốc độ tăng trưởng

I. Kim ngạch xuất khẩu

1. Hàng rau quả

Tr. USD

48,512

21,876

38,821

30,776

123,164

131.687

12,056

101,33

129,27

117,672

775,172

15,92

2. Hàng thủy sản

Tr. USD

42,917

57,404

60,477

62,516

72,305

57,141

70,558

68,224

69,117

61,258

621,887

2,11

3.Hàng CN-TTCN

Tr. USD

275,298

354,825

422,230

510,354

461,123

549,885

818,21

910,87

955,902

1.201,408

4.453,266

20,58

4. Các sản phẩm từ dừa

Tr. USD

156,00

114,00

126,00

181,00

183,00

177,00

212,00

268,00

297,00

362,00

2.076

16,34

5. Dệt may

Tr. USD

49,913

51,743

62.76

51,801

151.16

151.16

189,00

242,00

309,831

505,441

1.397,432

30,09

6. Túi xách

Tr. USD

5,190

31,047

60,554

51,394

110,240

113,130

146,88

116,30

109,900

85,001

829,636

32,26

7. Bộ dây điện

Tr. USD

47,089

118,060

134,805

157,149

168,021

148,955

178,39

219,62

236,520

119,044

1.527,655

13,29

II. Sản lượng một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu

- Thủy sản chế biến

Tấn

16.205

22.691

27.856

30.215

38.060

33.908

35.221

31.760

31.760

32.098

308.241

4,33

- Chỉ sơ dừa

Tấn

66.017

76.290

78.011

75.641

75.641

47.446

38.422

47.653

47.653

47.653

47.653

-5,38

- Cơm dừa nạo sấy

Tấn

22.864

23.572

13.128

20.494

26.129

18.754

11.791

11.791

26.600

22.542

207.689

2,92

- Sữa dừa

1000 lít

20.349

24.532

35.961

33.161

37.135

38.509

60.889

59.231

66.784

65.700

442.251

12,43

- Nước dừa đóng lon

1000 lít

0

0

0

0

0

65.700

27.280

28.003

32.660

34.904

136.255

-

 

PHỤ LỤC III

KIM NGẠCH NHẬP KHẨU MỘT SỐ MẶT HÀNG CHỦ LỰC CỦA BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2011-2020
(Kèm theo Kế hoạch số 3206/KH-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Diễn giải

Đơn vị tính

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

GĐ 2021-2020

Tổng KN

Tốc độ tăng trưởng

Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng chủ yếu

1. Nguyên liệu dược

Triệu USD

10,669

12,203

12,452

15,663

12,069

7,06

11,49

14

13,1

16,651

125,357

8,58

2. Nguyên liệu thuốc lá

Triệu USD

0,462

0,722

0,333

0,912

0,361

0,551

0,225

0,134

0,115

0,3

4,115

-20,34

3. Nguyên phụ liệu dệt may

Triệu USD

22,015

26,401

27,447

39,368

104,822

132,4

151,97

195,8

120,6

150,573

971,396

26,45

4. Linh kiện điện tử

Triệu USD

24,518

47,224

69,967

83,178

83,747

99,37

92,069

101,111

76,4

18,8

696,384

-2,62

5. Máy móc thiết bị

Triệu USD

12,794

14,866

22,328

20,598

22,345

11,836

17,588

19,289

22,8

29,7

194,144

15,59

 

PHỤ LỤC IV

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU HÀNG HÓA CỦA BẾN TRE SANG CÁC THỊ TRƯỜNG 2011-2020
(Kèm theo Kế hoạch số 3206/KH-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

ĐVT: Triệu USD,%

Chỉ tiêu

GĐ 2011-2015

2016

2017

2018

2019

2020

Tổng GĐ 2011-2020

KNXK

Tốc độ TTBQ

KNXK

Tốc độ TTBQ

Tổng KN xuất khẩu

1.795,57

19,99

738,713

900,833

1.080,42

1.154,29

1.397,33

7.864,70

18,13

Thị trường XK

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Châu Á

354,49

23,33

484,376

545,063

602,564

624,337

671,755

4.723,67

15,43

- Châu Mỹ

111,957

30,55

128,737

174,946

221,766

366,442

463,921

1.616,81

35,61

- Châu Âu

16,187

9,38

84,571

95,013

110,633

124,38

213,656

982,744

15,9

- Châu Phi

1.795,57

8,66

11,203

14,175

19,662

17,966

24,052

199,016

3,87

- Châu Đại Dương

260,998

7,48

1,509

2,582

4,915

8,896

13,226

47,315

20,71

 

PHỤ LỤC V

KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU GIAI ĐOẠN 2021-2030
(Kèm theo Kế hoạch số 3206/KH-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Số TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Mục tiêu Kế hoạch

 

Thực hiện

Kế hoạch

SS với cùng kỳ nhiệm

2011-2020

2020

2021

2022

2023

2024

2025

2030

1

Tổng kim ngạch xuất khẩu

Tr.USD

10.000

7.865

1.397

1.261

1.510

1.700

2.250

2.600

3.500

165,66

 

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Thủy sản chế biến các loại

1000 tấn

205

308

32

29

33

36

43

45

50

87,03

 

- Các sản phẩm từ dừa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Chỉ xơ dừa

1000 tấn

176

48

45

43

31

33

38

41

45

82,51

 

+ Cơm dừa nạo sấy

1000 tấn

106

208

23

12

12

12

21

23

28

75,01

 

+ Nước cốt dừa

Triệu lít

340

442

66

51

67

71

70

72

85

117,89

 

+ Nước dừa đóng lon

Triệu lít

200

136

35

36

40

48

42

44

48

179,50

 

+ Than hoạt tính

1000 tấn

74

100

17

11

13

15

16

16

16

110,15

 

- Hàng may mặc

Tr.USD

4.690

1.397

505

428

654

717

800

900

1.500

266,10

 

- Túi xách da

Tr.USD

870

830

85

77

137

144

182

190

220

86,89

 

- Bộ dây điện ô tô

Tr.USD

1.055

1.528

119

130

183

192

210

230

260

102,42

2

Tổng kim ngạch nhập khẩu

Tr.USD

4.415

3.212

470

369

552

650

700

750

1.000

125,54

 

Mặt hàng chủ yếu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Nguyên liệu dược, dược phẩm

Tr.USD

92

125

13

17

19

21

20

21

32

194,56

 

- Nguyên phụ liệu thuốc lá

Tr.USD

6

4

0

1

3

2

2

2

4

796,92

 

- Nguyên phụ liệu may, da, giày

Tr.USD

1.041

971

121

151

127

212

220

240

300

389,71

 

- Điện tử và linh kiện

Tr.USD

552

696

76

19

46

146

120

130

160

49,82

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



1 như: (i) Hỗ trợ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng website thương mại điện tử. (ii) Hỗ trợ doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng thông minh. (iii) Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch điện tử: Lazada, Alibaba, Amazon...; tham gia Cổng Thương mại điện tử Quốc gia (ECVN), Cổng thông tin thị trường xuất khẩu (vietnamexport). (iv) Hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, đặc sản Bến Tre (giới thiệu, quảng bá thông tin doanh nghiệp, sản phẩm trên các công cụ trực tuyến như: YouTube, Google, Tạp chí điện tử...).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3206/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 3206/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 02/06/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Nguyễn Minh Cảnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/06/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản