Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 283/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 15 tháng 12 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH TIỀN GIANG NĂM 2015

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Nghị định 64/2007/NĐ-CP, ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước;

Quyết định 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;

Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”;

Công văn số 2016/BTTTT-THH ngày 18/7/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đôn đốc triển khai Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 và hướng dẫn xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2015,

Xem xét Tờ trình số 60/TTr-STTTT ngày 15/12/2014 của Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước tỉnh Tiền Giang năm 2015, các nội dung cụ thể như sau:

II. HIỆN TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

1. Môi trường pháp lý

Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành các văn bản về ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh:

- Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 17/02/2009 về tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 20/05/2009 Ban hành Quy chế quản lý, sử dụng hệ thống thư điện tử tỉnh Tiền Giang.

- Quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 30/7/2009 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin tỉnh Tiền Giang đến năm 2020.

- Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 13/6/2011 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2015.

- Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 10/9/2013 về triển khai thực hiện Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

- Quyết định số 17/2011/QĐ-UBND ngày 06/6/2011 ban hành quy định về quản lý và vận hành cổng thông tin điện tử tỉnh.

- Quyết định số 05/2011/QĐ-UBND ngày 15/02/2011 ban hành Quy định về hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

- Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 05/4/2013 ban hành Quy định về quản lý và vận hành mạng tin học diện rộng của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

- Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 11/12/2013 về thực hiện sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2015;

- Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 17/3/2014 ban hành Quy chế quản lý, sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;

- Quyết định số 875/QĐ-UBND ngày 11/4/2014 về việc ủy quyền quản lý thuê bao chứng thư số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;

- Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND ngày 26/4/2014 ban hành Quy định về trình tự thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;

- Kế hoạch số 28/KH-STTTT ngày 24/4/2014 của Sở Thông tin và Truyền thông về triển khai ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2014;

2. Hạ tầng kỹ thuật

a) Đối với cấp tỉnh

- Hạ tầng máy chủ, máy trạm tại các sở, ngành tỉnh.

+ Máy chủ: 59 máy, tỷ lệ: 2,68 máy/đơn vị.

+ Máy trạm: 671 máy, tỷ lệ: 33,5 máy/đơn vị ~ 0,88 máy/cán bộ, công chức.

+ Máy in: 389 máy, tỷ lệ: 19,45 máy/đơn vị.

- Tỷ lệ cơ quan có mạng LAN: 22/22 đơn vị, đạt 100%.

- Tỷ lệ cơ quan có kết nối internet tốc độ cao.

+ Đơn vị: 22/22 đơn vị, đạt 100%.

+ Số lượng máy kết nối: 671 máy.

- Tỷ lệ cơ quan có kết nối mạng chuyên dùng của các cơ quan Đảng và nhà nước: 523 điểm (110 cơ quan Nhà nước và 413 cơ quan Đảng) đã triển khai cáp quang, và kết nối bằng cáp đồng đến toàn bộ các xã, phường, thị trấn.

- Hạ tầng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin:

+ Số đơn vị cài đặt phần mềm tường lửa: 22/22 đơn vị.

+ Số đơn vị trang bị phần mềm diệt virus: 22/22 đơn vị.

+ Số đơn vị trang bị thiết bị bảo mật 22/22 đơn vị.

+ Tập huấn, đào tạo cán bộ phụ trách an toàn, an ninh thông tin tại các đơn vị.

- Hạ tầng Trung tâm tích hợp dữ liệu: được trang bị hệ thống máy chủ; hệ thống lưu trữ; hệ thống bảo mật; đường truyền,...đảm bảo cho các ứng dụng đang được triển khai. Hướng phát triển có thể triển khai các ứng dụng dùng chung của tỉnh như: văn phòng điện tử, một cửa điện tử, cổng thông tin điện tử ... chỉ cần lắp thêm các máy chủ ảo hóa và đĩa lưu trữ vào hệ thống lưu trữ SAN kết hợp với việc nâng cấp băng thông đường truyền.

- Tổng số cán bộ, công chức có trình độ, bằng cấp hoặc đã được đào tạo cơ bản về công nghệ thông tin: 964/1124 cán bộ.

b) Đối với cấp huyện

- Tỷ lệ máy tính trung bình:

+ Máy chủ: 14 máy, tỷ lệ: 1,4 máy/đơn vị huyện.

+ Máy trạm: 868 máy, tỷ lệ: 86,8 máy/đơn vị huyện ~ 0,78 máy/cán bộ, công chức.

+ Máy in: 415 máy, tỷ lệ: 41,5 máy/đơn vị huyện.

- Tỷ lệ cơ quan có mạng LAN: 11/11 đơn vị, đạt 100%

- Tỷ lệ cơ quan có kết nối internet tốc độ cao

+ Đơn vị: 11/11 đơn vị, đạt 100%

+ Số lượng máy kết nối: 538/868 máy, tỷ lệ: 62%

- Tỷ lệ cơ quan có kết nối mạng WAN

+ Đơn vị: 11/11 đơn vị, đạt 100%

+ Số lượng máy kết nối: 11 máy chủ

- Hạ tầng về an toàn, an ninh thông tin:

+ Số đơn vị trang bị phần mềm diệt virus: 11/11 đơn vị.

+ Số đơn vị cài đặt phần mềm tường lửa: 11/11 đơn vị.

+ Số đơn vị trang bị thiết bị bảo mật: chưa trang bị.

- Tổng số cán bộ, công chức: có trình độ, bằng cấp hoặc đã được đào tạo cơ bản về công nghệ thông tin: 783/1050 cán bộ.

3. Ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan nhà nước

- Tình hình triển khai ứng dụng phần mềm quản lý hồ sơ công việc trên địa bàn tỉnh: Đã triển khai thử nghiệm phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho 35 đơn vị theo danh sách được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt (các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện). Hiện tại, Sở Thông tin và Truyền thông (đơn vị Chủ đầu tư) đang tập trung triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức vào cuối năm 2014.

- Tình hình triển khai ứng dụng phần mềm “một cửa” điện tử: Đã triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” cho các đơn vị huyện Gò Công Tây, huyện Chợ Gạo.

- Tỷ lệ cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử phục vụ công việc 98%; 95% cán bộ công chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; 80% cán bộ công chức sử dụng thành thạo hệ thống thư điện tử.

4. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên mạng 1.435 dịch vụ công, trong đó cung cấp trực tuyến đạt mức độ 1: 0 dịch vụ; mức độ 2: 1.320 dịch vụ; mức độ 3: 115 dịch vụ.

- Tình hình tin học hóa thống kê thủ tục hành chính theo Đề án 30: Thực hiện tin học hóa thống kê 1.435 thủ tục hành chính theo Đề án 30.

- Hoàn thành và đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử của tỉnh (www.tiengiang.gov.vn), gồm 01 cổng chính và 35 cổng thành phần, cung cấp các thông tin tra cứu, các tin tức tổng hợp về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh phục vụ hoạt động điều hành của các cơ quan và nhu cầu khai thác thông tin của người dân và các doanh nghiệp; tiếp tục triển khai nâng cấp Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang.

5. Hiện trạng về nguồn nhân lực ứng dụng CNTT

- Tình hình nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng CNTT về số lượng, trình độ và kỹ năng, cụ thể: Tổng số cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT). 89; Trong đó:

+ Số cán bộ chuyên trách tại các cơ quan chuyên môn: 67;

+ Số cán bộ chuyên trách tại UBND các quận, huyện và tương đương: 22;

+ Số cơ quan chuyên môn có cán bộ chuyên trách CNTT: 21;

+ Số UBND các quận, huyện và tương đương có cán bộ chuyên trách CNTT: 11

- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ chuyên trách về CNTT (văn bằng trong lĩnh vực CNTT): Tiến sỹ: 00; Thạc sỹ: 05; Đại học: 45; Cao đẳng: 14; Trung cấp: 11.

- Thực hiện Chỉ thị số 58/CT-TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, đến nay, nhận thức về công nghệ thông tin của các ngành, các cấp đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin cũng được quan tâm (có 89 cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và huyện); đội ngũ cán bộ, công chức từng bước tăng cường làm việc qua hệ thống máy tính. Tuy nhiên vẫn còn đa số các đơn vị thiếu cán bộ, công chức chuyên trách phụ trách kỹ thuật công nghệ thông tin nên việc hướng dẫn, sử dụng, bảo trì hệ thống còn hạn chế.

- Công tác bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cho các cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo chương trình Đề án 47 và Đề án 112 và kế hoạch hàng năm của tỉnh. Đa số cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tin học cơ bản và sử dụng các thiết bị văn phòng phục vụ trong công việc hiệu quả hơn. Trong năm, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Viễn Thông Tiền Giang đã tổ chức 53 lớp tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, vận hành phần mềm này cho hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị được triển khai.

6. Các nội dung và kinh phí thực hiện kế hoạch năm 2014

a) Các nội dung, dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp tỉnh

Trong năm 2014, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai cài đặt và tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, nguồn vốn sự nghiệp tỉnh dự kiến sử dụng trong năm 2014 là 2.000 triệu đồng.

b) Các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt và bố trí vốn thực hiện trong năm 2014

- Xây dựng và nâng cấp mạng LAN cho Ủy ban nhân dân các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, Thị xã Gò Công và Thành phố Mỹ Tho

- Mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng diện rộng của tỉnh.

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “Một cửa - Một cửa liên thông” tỉnh Tiền Giang (giai đoạn 1).

- Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nhân khẩu ngành công an.

- Ứng dụng hệ thống thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Tiền Giang.

- Tin học hóa công tác quản lý của Sở Tư pháp (giai đoạn 2)

(Xem Phụ lục 1: Danh mục các nội dung/dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt và bố trí vốn thực hiện trong năm 2014).

III. MỤC TIÊU ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NĂM 2015

1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh

Tiếp tục ban hành các văn bản quản lý nhà nước nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, các văn bản như: Quy trình số hóa thông tin điện tử; Quy định sử dụng chữ ký số trong hệ thống thư điện tử; Chuẩn nghiệp vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên mạng; Quy trình cập nhật, sử dụng, chia sẻ thông tin số dùng chung;...

a) Hệ thống thư điện tử tỉnh Tiền Giang: https://mail.tiengiang.gov.vn

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg ngày 03/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước; văn bản của tỉnh. Tăng cường việc tin học hóa xử lý hồ sơ công việc.

- Tỷ lệ cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử phục vụ công việc 98%; 95% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; 80% cán bộ, công chức sử dụng thành thạo hệ thống thư điện tử.

b) Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống quản lý văn bản và điều hành

- Xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành thiết yếu của các ngành Nội vụ, Tư pháp, Công an, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh - Xã hội,...

- Triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hành chính cho các đơn vị sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện; đến năm 2015, đạt tỷ lệ 50% các văn bản, tài liệu được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử giữa các cơ quan, đơn vị.

c) Xây dựng và triển khai hệ thống họp trực tuyến từ tỉnh đến huyện.

- Tiếp tục thực hiện duy trì hệ thống họp trực tuyến từ tỉnh đến huyện nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành giữa UBND tỉnh và UBND cấp huyện trên mạng truyền số liệu chuyên dùng.

- Triển khai thực hiện Đề án tổ chức hội nghị bằng hình thức trực tuyến phục vụ triển khai Nghị quyết, học tập chuyên đề, thông tin thời sự đến cấp huyện và cấp xã, phường, thị trấn.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông hiện đại. Ưu tiên triển khai tại những khu vực có mật độ dân số cao, có đòi hỏi lớn hơn về nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính, trước mắt là tại UBND cấp huyện, các sở, ngành tỉnh.

- Đầu tư nâng cấp Cổng thông tin điện tử tỉnh đảm bảo hoạt động có hiệu quả, có đầy đủ thông tin theo quy định tại Điều 28 của Luật Công nghệ thông tin và Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ.

- Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, nâng cấp tối thiểu 150 dịch vụ công trực tuyến lên mức 3 phục vụ người dân và doanh nghiệp (đối với các cơ quan có cung cấp dịch vụ).

- Tập huấn kỹ năng sử dụng truy cập Internet cho nông dân phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

3. Ứng dụng các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin

- Tăng cường triển khai quản lý an toàn, an ninh thông tin số theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 27001:2009;

- Xây dựng và áp dụng quy trình và quy định đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, an ninh thông tin và có biện pháp khắc phục, phòng ngừa hiệu quả; triển khai các giải pháp bảo đảm chống virus, mã độc hại cho máy tính cá nhân; triển khai giải pháp lưu nhật ký đối với các hệ thống thông tin quan trọng, các cổng, trang thông tin điện tử;

- Bố trí cán bộ, công chức chuyên trách quản lý về an toàn, an ninh thông tin cho đơn vị; tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh thông tin; ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng để bảo đảm an toàn cho các trao đổi thư điện tử, văn bản điện tử;

- Triển khai và áp dụng các quy định và giải pháp chia sẻ, trao đổi dữ liệu an toàn để từng bước thay thế việc sử dụng ổ lưu trữ USB (ví dụ sử dụng đĩa CDROM, máy chủ chia sẻ tệp tin - FileServer).

IV. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

Đảm bảo việc xây dựng, kết nối và khai thác triệt để hạ tầng kỹ thuật, xây dựng và hình thành mạng thông tin điện tử địa phương phù hợp với lộ trình xây dựng hệ thống thông tin quốc gia, đồng thời có khả năng mở rộng, kết nối, liên thông giữa các hệ thống thông tin các cấp trong tương lai. Một số nội dung cơ bản như sau:

1. Hạ tầng kỹ thuật

- Ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin các cấp theo hướng hiện đại, đồng bộ, đảm bảo phục vụ hiệu quả các mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin cụ thể trong hoạt động các cơ quan nhà nước tỉnh Tiền Giang.

- Tập trung triển khai thực hiện các nội dung, dự án đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin: trang bị máy tính, mạng máy tính kết nối trong mỗi đơn vị, giữa các đơn vị các cấp; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; ứng dụng chữ ký số;...

+ Dự án Xây dựng mạng LAN cho UBND các xã, phường, thị trấn, kết nối với mạng chuyên dùng của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

+ Dự án Nâng cấp, mở rộng Cổng thông tin điện tử tỉnh, triển khai các dịch vụ công trực tuyến (cung cấp một số dịch vụ công đạt mức độ 3).

+ Triển khai ứng dụng các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin: tăng cường triển khai quản lý an toàn thông tin số theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 27001:2009; triển khai các giải pháp bảo đảm chống virus, mã độc hại cho máy tính cá nhân; triển khai giải pháp lưu nhật ký đối với các hệ thống thông tin quan trọng, các cổng, trang thông tin điện tử;...

2. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước

- Tăng cường sử dụng văn bản dạng điện tử, chữ ký số trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh. Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành cho các sở, ngành và UBND cấp huyện theo hướng tăng cường chức năng chỉ đạo, điều hành, mở rộng sự kết nối liên thông giữa các cấp, đảm bảo tính liên thông giữa các hệ thống quản lý văn bản và điều hành theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Nâng cấp, mở rộng hệ thống thư điện tử tỉnh đảm bảo cung cấp hộp thư điện tử công vụ cho 98% cán bộ, công chức, đảm bảo 95% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng; 80 % cán bộ, công chức sử dụng thành thạo hộp thư điện tử công vụ phục vụ công việc chuyên môn.

- Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đảm bảo tính tích hợp dùng chung của tỉnh và đồng bộ với cơ sở dữ liệu ngành trong cả nước; phải phù hợp với quy định của các Bộ chuyên ngành được giao chủ trì xây dựng khung; đồng thòi đảm bảo tính tương thích, tính kế thừa các cơ sở dữ liệu hiện có. Khi triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các sở, ban, ngành tỉnh khi làm chủ đầu tư cần phối hợp với Bộ chuyên ngành để triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả, tránh trùng lắp.

- Tập trung triển khai thực hiện các nội dung, dự án:

+ Xây dựng hệ thống mạng máy tính cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.

+ Số hóa tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh Tiền Giang

+ Nâng cấp Trung tâm mạng máy tính nội bộ Công an Tiền Giang

+ Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành lao động, thương binh và xã hội

+ Xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “Một cửa - Một cửa liên thông” tỉnh Tiền Giang (giai đoạn 2).

+ Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nhân khẩu ngành công an

+ Ứng dụng hệ thống thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Tiền Giang

+ Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình "Một cửa" - "Một cửa" liên thông tỉnh Tiền Giang (giai đoạn 1).

+ Tin học hóa công tác quản lý của Sở Tư pháp (giai đoạn 2)

+ Nâng cấp, mở rộng phần mềm quản lý văn bản và điều hành

+ Triển khai ứng dụng chữ ký số cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh

+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý phát triển sản xuất nông nghiệp

+ Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giao thông vận tải

3. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Xây dựng quy trình cập nhật, chia sẻ thông tin số nhằm đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho cổng thông tin điện tử của tỉnh; đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin chung về kinh tế, xã hội; thông tin theo quy định tại Điều 28 Luật Công nghệ thông tin.

- Đảm bảo 100% website của các sở, ban, ngành và các huyện, thị, thành cung cấp 100% thủ tục hành chính công ở mức độ tương tác, có biểu mẫu (mức độ 2). Đến năm 2015, cung cấp tối thiểu 150 dịch vụ công ở mức độ 3 phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thuộc nhóm dịch vụ công được ưu tiên triển khai nêu tại Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Các dịch vụ công chủ yếu như:

+ Đăng ký kinh doanh trực tuyến;

+ Cấp phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;

+ Cấp phép đầu tư trực tuyến;

+ Cấp phép xây dựng trực tuyến;

+ Kê khai, đăng ký thuế qua mạng;

+ Đăng ký giới thiệu việc làm qua mạng;

+ Đăng ký tạm trú, tạm vắng;

+ Cấp, đổi giấy phép lái xe;

+ Tra cứu trạng thái hồ sơ, thủ tục hành chính (triển khai từng bước, ưu tiên triển khai cho lĩnh vực có điều kiện thuận lợi);

+ Cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

+ Cấp bản sao hộ tịch.

- Đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa; phát triển các hệ thống thông tin thiết yếu như dân cư, đất đai nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “Một cửa - Một cửa liên thông” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phục vụ các lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Giao thông vận tải, ...

4. Nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin

- Tập huấn, cập nhật kiến thức công nghệ mới phục vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn của cán bộ, công chức.

- Đào tạo kiến thức quản trị mạng và nâng cao, các lớp chuyên đề về công nghệ thông tin cho chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện.

- Học tập kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới về phát triển Chính phủ điện tử: mô hình chính phủ điện tử; lộ trình xây dựng; định hướng công nghệ;...

- Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức bảo mật, an toàn, an ninh thông tin mạng cho cán bộ, công chức cơ quan quản lý nhà nước các cấp (lãnh đạo các cơ quan, chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin).

V. GIẢI PHÁP

1. Giải pháp về tài chính

Huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau như: các nguồn vốn xây dựng cơ bản, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học, vốn đầu tư nước ngoài,...; thực hiện xã hội hóa, tranh thủ nguồn vốn từ các ngành Trung ương... để thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin cho từng ngành quản lý.

a) Vốn ngân sách nhà nước

Cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phục vụ phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước tỉnh Tiền Giang, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án công nghệ thông tin cấp thiết của các ngành.

b) Huy động vốn đầu tư nước ngoài

Tận dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, của các tập đoàn công nghệ thông tin như: IBM, MicroSoft,... đầu tư phục vụ ứng dụng phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

2. Giải pháp về triển khai

- Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại đến các cơ quan cấp xã đảm bảo triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ mục tiêu phát triển công nghệ thông tin chung của tỉnh.

- Triển khai nâng cấp, mở rộng Cổng thông tin điện tử tỉnh, đảm bảo hoạt động hiệu quả, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phù hợp với lộ trình chung của cả nước.

- Đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước gắn chặt với công tác cải cách hành chính.

- Triển khai và cải tiến phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai thí điểm các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, sau đó nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

- Xây dựng các chính sách, qui chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước (TCVN ISO/IEC 27001:2009).

3. Giải pháp về tổ chức

a) Vai trò của lãnh đạo

- Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp; lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh phải quan tâm chỉ đạo chặt chẽ công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, chịu trách nhiệm về công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan thuộc ngành, địa phương quản lý; gương mẫu, tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc hàng ngày.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo chương trình về công nghệ thông tin tỉnh.

- Học tập kinh nghiệm quốc tế về phát triển Chính phủ điện tử cấp địa phương.

- Chú trọng công tác xây dựng và kiện toàn bộ máy chuyên trách công nghệ thông tin các cấp.

b) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước

- Triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của Chính phủ.

- Xây dựng các cơ chế chính sách về tài chính, định mức, hướng dẫn triển khai các dự án công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo hoạt động đầu tư công nghệ thông tin đạt hiệu quả cao nhất.

c) Tiến độ đầu tư

- Bố trí đầu tư đầy đủ vốn đáp ứng kịp thời và đồng bộ tiến độ triển khai các dự án công nghệ thông tin.

- Ưu tiên đầu tư trước cho ứng dụng công nghệ thông tin những lĩnh vực nòng cốt và khu vực trọng điểm của tỉnh.

đ) Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin

- Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho tỉnh. Đối với đội ngũ lãnh đạo chính quyền các cấp phải chú ý đào tạo cán bộ lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO) để thực hiện tốt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử và các dự án công nghệ thông tin của tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin; đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công nghệ thông tin cho các sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành.

- Tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng đào tạo. Quy hoạch, nâng cấp các trường, các trung tâm đào tạo công nghệ thông tin vừa đáp ứng phổ cập và vừa đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu và hướng tới hợp tác đào tạo chuyên gia công nghệ thông tin.

- Xây dựng kế hoạch phổ cập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức tin học, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước.

4. Giải pháp về môi trường chính sách

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án, Quy hoạch, Kế hoạch liên quan đến phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản như:

+ Các tiêu chuẩn, quy định xây dựng các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống lưu trữ dữ liệu, phần mềm ứng dụng dùng chung;

+ Thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc công nghệ thông tin;

+ Thu hút vốn đầu tư, hỗ trợ ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin cho tỉnh;

+ Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

5. Các giải pháp khác

- Đảm bảo triển khai đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phải hiệu quả, hiện đại và đồng bộ với lộ trình xây dựng chính phủ điện tử trong cả nước, hình thành mạng thông tin điện tử địa phương.

- Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân trong xã hội về ứng dụng công nghệ thông tin

- Tổ chức tuyên truyền, quảng bá để mọi người dân biết và sử dụng dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên mạng.

- Giới thiệu, phổ biến các thành tựu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đạt hiệu quả cao của tỉnh, của cả nước và trên thế giới thông qua hội thảo, hội nghị chuyên đề về công nghệ thông tin và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tổ chức hội thảo về ứng dụng công nghệ thông tin, các giải pháp, an toàn, bảo mật thông tin mạng.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư trong năm 2015: 20.032 triệu đồng.

Trong đó:

- Nguồn vốn sự nghiệp tỉnh: 359 triệu đồng.

- Nguồn vốn đầu tư tỉnh: 19.673 triệu đồng.

Bao gồm 03 nhóm dự án:

1. Nhóm dự án cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin: cho 02 dự án. Tổng vốn đầu tư: 1.350 triệu đồng.

Trong đó:

- Nguồn vốn đầu tư tỉnh: 1.350 triệu đồng.

2. Nhóm dự án ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành: 13 dự án. Tổng vốn đầu tư: 18.571 triệu đồng.

Trong đó:

- Nguồn vốn sự nghiệp tỉnh: 248 triệu đồng.

- Nguồn vốn đầu tư tỉnh: 18.323 triệu đồng.

3. Nhóm dự án đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin: 03 dự án.

Nguồn vốn sự nghiệp tỉnh: 111 triệu đồng.

(Xem Phụ lục 2: Danh mục các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước tỉnh Tiền Giang năm 2015).

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông (Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình về công nghệ thông tin tỉnh) chịu trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch này đồng bộ, có hiệu quả; điều phối vốn ngân sách bố trí triển khai các nội dung, nhiệm vụ và dự án về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thẩm định các dự án về công nghệ thông tin có sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá định kỳ tiến độ thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin có sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chế độ báo cáo định kỳ đúng quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cân đối mức ngân sách tỉnh bố trí cho kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh.

3. Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc ngành, địa phương mình quản lý; báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện Kế hoạch về UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông)./.

Kèm:

- Phụ lục 1: Danh mục các nội dung/dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt và bố trí vốn thực hiện trong năm 2014.

- Phụ lục 2: Danh mục các dự án ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh trong hoạt động cơ quan nhà nước Tiền Giang năm 2015./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ VN tỉnh;
- CT các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- BCĐ Chương trình CNTT tỉnh;
- Các sở, ban ngành tỉnh;
- UBND các huyện, TP, TX;
- Công báo tỉnh; Cổng TTĐT tỉnh;
- VPUB: CVP; các PVP, các PNC, PTD;
- Lưu: VT, Sơn.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Đức

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CÁC NỘI DUNG/DỰ ÁN ĐÃ ĐƯỢC UBND TỈNH PHÊ DUYỆT VÀ BỐ TRÍ VỐN THỰC HIỆN TRONG NĂM 2014.
(Kèm theo Kế hoạch số 283/KH-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Tên dự án/ nhiệm vụ

Mục tiêu, quy mô

Thời gian thực hiện

Đơn vị chủ trì

Dự kiến tổng kinh phí đầu tư tỉnh

Vốn đầu tư tỉnh bố trí năm 2014

Nhu cầu, kế hoạch vốn đầu tư tỉnh năm 2015

I. CÁC DỰ ÁN HOÀN THÀNH NĂM 2014

1

Xây dựng và nâng cấp mạng LAN cho Ủy ban nhân dân các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, Thị xã Gò Công và Thành phố Mỹ Tho

Xây dựng và nâng cấp mạng LAN các phòng, ban thuộc UBND cấp huyện phục vụ công tác quản lý điều hành, chia sẻ thông tin.

2013-2014

Sở Thông tin và Truyền thông

3.810

2.100

0

2

Nâng cấp, mở rộng hạ tầng mạng diện rộng tỉnh Tiền Giang

Mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng diện rộng của tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp

* Đơn vị phối hợp: các sở, ban ngành có liên quan, các huyện, thị, thành.

2013-2014

Văn phòng UBND tỉnh

6.492

3.465

0

II. CÁC DỰ ÁN ĐANG TRIỂN KHAI

1

Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nhân khẩu ngành công an

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý hộ khẩu thường trú, tạm trú, cấp giấy CMND,...

2014-2015

Công an tỉnh

8.591

3.400

5.191

2

Ứng dụng hệ thống thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Tiền Giang

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức tỉnh

2014-2015

Sở Nội vụ

2.997

1.500

1.497

3

Tin học hóa công tác quản lý của Sở Tư pháp (giai đoạn 2)

Ứng dụng CNTT vào công tác quản lý của Sở Tư pháp

2014-2015

Sở Tư pháp

4.653

1.500

3.153

4

Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “Một của - Một cửa liên thông” tỉnh Tiền Giang (giai đoạn 1)

Xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình "Một cửa" các ngành KHĐT, TNMT, XD, Tư pháp, GTVT, ...

2014-2016

Sở Thông tin và Truyền thông

8.615

3.600

5.015

Tổng cộng

 

 

35.158

15.565

14.856

 

PHỤ LỤC 2

DANH MỤC DỰ ÁN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH TIỀN GIANG NĂM 2015
(Kèm theo Kế hoạch số 283/KH-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Đơn vị tính: Triệu đồng

Stt

Tên dự án/ nhiệm vụ

Mục tiêu, quy mô

Thời gian thực hiện

Đơn vị chủ trì

Tổng kinh phí

Nội dung/hạng mục công việc 2015

Dự kiến kinh phí năm 2015

Ghi chú

Vốn đầu tư tỉnh

Vốn sự nghiệp tỉnh

Cộng (năm 2015)

Tổng cộng

 

 

62.205

 

19.673

359

20.032

 

I. Nhóm dự án cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin

 

 

 

5.050

 

1.350

0

1.350

 

1

Xây dựng mạng LAN cho UBND các xã, phường, thị trấn, kết nối với mạng chuyên dùng của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Đầu tư mạng máy tính cho Ủy ban nhân dân cấp xã kết nối với mạng chuyên dùng của Ủy ban nhân dân cấp huyện

2015-2016

Sở Thông tin và Truyền thông

3.750

- Xin chủ trương đầu tư

- Lập Báo cáo nghiên cứu khả thi

50

 

50

Dự án theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông

2

Nâng cấp, mở rộng Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang

Nâng cấp, mở rộng Cổng thông tin điện tử, tích hợp, cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến trên mạng; nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước; hướng đến phát triển Chính phủ điện tử...

* Đơn vị phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh, huyện

2015-2016

Sở Thông tin và Truyền thông

1.300

- Nâng cấp, bổ sung thiết bị, cài đặt phần mềm, cấu hình dịch vụ hệ thống Cổng.

- Xây dựng, mở rộng các subportal

1.300

 

1.300

Kế hoạch số 58/KH- UBND, ngày 13/6/2011

II. Nhóm dự án ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành

 

 

57.044

0

18.323

248

18.571

 

1

Xây dựng hệ thống mạng máy tính cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh

Đầu tư mạng máy tính, các thiết bị mạng và máy tính tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và các cơ quan, đơn vị trực thuộc để phục vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương nhằm xử lý kịp thời các tình huống trong sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ và sẵn sàng kết nối với mạng diện rộng của Quân khu, Bộ Quốc phòng khi cần thiết.

2015-2016

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh

2.000

- Xin chủ trương đầu tư

- Xây dựng và trình phê duyệt Báo cáo đầu tư của dự án

50

 

50

Dự án theo đề nghị của Bộ CHQS tỉnh

2

Số hóa tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh Tiền Giang

Chuyển đổi dần việc khai thác tài liệu lưu trữ ở dạng giấy sang khai thác dưới dạng file điện tử, giúp cho việc cung cấp thông tin được nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm thời gian, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hoạt động ứng dụng CNTT trong công tác lưu trữ. Tạo cơ sở bước đầu cho công tác bảo hiểm tài liệu lưu trữ, phục vụ hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu lưu trữ lịch sử tỉnh.

2015-2017

Sở Nội vụ

7.600

- Xây dựng và trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án

3.117

 

3.117

Dự án bổ sung theo đề nghị Sở Nội vụ

3

Nâng cấp Trung tâm mạng máy tính nội bộ Công an Tiền Giang

Đầu tư nâng cấp trung tâm mạng máy tính nội bộ Công an tỉnh nhằm tạo nền tảng cơ sở hạ tầng đảm bảo việc triển khai các hệ thống phần mềm và dịch vụ trên mạng máy tính nội bộ, đảm bảo triển khai đưa vào sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nhân khẩu; hình thành cơ sở hạ tầng tập trung, đồng bộ để xử lý thông tin nhằm phục vụ tốt hơn công tác chỉ đạo, điều hành và chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan.

2015-2016

Công an tỉnh

3.800

- Xây dựng và trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án

50

 

50

Dự án bổ sung theo đề nghị của Công an tỉnh

4

Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành lao động, thương binh và xã hội

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý lực lượng lao động, phục vụ cho hoạt động chuyên môn ngành lao động - thương binh- xã hội, phục vụ dịch vụ hành chính công trực tuyến, kết nối với Cổng thông tin điện tử tỉnh.

2015-2017

Sở Lao động - Thương binh - Xã hội

1.700

- Xây dựng và trình phê duyệt Báo cáo đầu tư của dự án

50

 

50

Kế hoạch số 58/KH- UBND, ngày 13/6/2011

5

Xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “Một cửa - Một cửa liên thông” tỉnh Tiền Giang (giai đoạn 2)

Nâng cấp, mở rộng phạm vi triển khai ứng dụng CNTT vào công tác giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình một cửa - Một cửa liên thông đến các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.

2015-2017

Sở Thông tin và Truyền thông

13.840

- Xin chủ trương đầu tư

- Lập Báo cáo nghiên cứu khả thi

100

 

100

Dự án theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông

6

Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nhân khẩu ngành công an

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý hộ khẩu thường trú, tạm trú, cấp giấy CMND,... phục vụ cho hoạt động chuyên môn ngành công an, phục vụ cho các dịch vụ hành chính công trực tuyến, kết nối với Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

* Đơn vị phối hợp: huyện và các sở, ban ngành có liên quan

2014-2015

Công an tỉnh

8.591

- Triển khai cài đặt phần mềm và tập huấn hướng dẫn sử dụng

5.191

 

5.191

Kế hoạch số 58/KH- UBND, ngày 13/6/2011

7

Ứng dụng hệ thống thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Tiền Giang

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ công chức, viên chức tỉnh

* Đơn vị phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh, huyện và các sở, ban ngành có liên quan

2014-2015

Sở Nội vụ

2.997

- Triển khai cài đặt phần mềm và tập huấn. Hoàn thành dự án

1.497

 

1.497

Kế hoạch số 58/KH- UBND, ngày 13/6/2011

8

Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình "Một cửa" - "Một cửa" liên thông tỉnh Tiền Giang (giai đoạn 1).

Xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình "Một cửa" các ngành KHĐT, TNMT, XD, Tư pháp, GTVT, ...

*Đơn vị phối hợp: các sở, ban ngành, huyện, thị, thành

2014-2016

Sở Thông tin và Truyền thông

8.615

- Triển khai cài đặt phần mềm và tập huấn đến một số đơn vị huyện

5.015

 

5.015

Kế hoạch số 58/KH- UBND, ngày 13/6/2011

9

Tin học hóa công tác quản lý của Sở Tư pháp (giai đoạn 2)

Ứng dụng CNTT vào công tác quản lý của Sở Tư pháp

* Đơn vị phối hợp: huyện và các sở, ban ngành có liên quan

2014-2015

Sở Tư pháp

4.653

- Triển khai cài đặt phần mềm và tập huấn

- Hoàn thành dự án

3.153

 

3.153

Kế hoạch số 140/KH-UBND, ngày 10/9/2013

10

Nâng cấp. mở rộng phần mềm quản lý văn bản và điều hành

Triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành đến các cơ quan nhà nước, các cơ quan có yêu cầu

* Đơn vị phối hợp: ước tính 15 cơ quan, đơn vị; triển khai theo yêu cầu, dự kiến các trường đại học, cao đẳng; cơ quan thuộc ngành dọc; các cơ quan đoàn thể; các tổ chức chính trị xã hội...

2015

Sở Thông tin và Truyền thông

150

- Triển khai cài đặt phần mềm và hướng dẫn sử dụng.

150

150

Kế hoạch số 58/KH- UBND, ngày 13/6/2011

11

Triển khai ứng dụng chữ ký số cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh

Tiếp tục mở rộng triển khai chữ ký số cho các cơ quan, đơn vị chưa được cấp trong năm 2014 và triển khai chữ ký số cho lãnh đạo các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

* Đơn vị phối hợp: Các sở, ban ngành, huyện, thi, thành có liên quan

2015

Sở Thông tin và Truyền thông

98

- Xây dựng và trình phê duyệt kế hoạch triển khai;

- Triển khai ứng dụng chữ ký số cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh (chữ ký số cho tổ chức) chưa dược cấp trong năm 2014; dự kiến 50 cơ quan, đơn vị.

- Triển khai chữ ký số cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, huyện.

98

98

Kế hoạch số 58/KH- UBND, ngày 13/6/2011

12

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý phát triển sản xuất nông nghiệp

Phát triển sản xuất nông nghiệp Tiền Giang theo hướng hiện đại, đảm bảo chất lượng an toàn hiệu quả và bền vững

2015-2016

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

1.000

- Xây dựng và trình phê duyệt Báo cáo đầu tư của dự án

50

 

50

Kế hoạch số 140/KH- UBND ngày 10/9/2013

13

Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giao thông vận tải

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý ngành giao thông vận tải

* Đơn vị phối hợp: huyện và các sở, ban ngành có liên quan

2015-2016

Sở Giao thông Vận tải

2.000

- Xây dựng và trình phê duyệt Báo cáo đầu tư của dự án

50

 

50

Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 10/9/2013

III. Nhóm dự án đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin

 

 

111

 

0

111

111

 

1

Tập huấn kiến thức chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước

Tập huấn, cập nhật kiến thức công nghệ mới phục vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn của cán bộ công chức

2015

Sở Thông tin và Truyền thông

30

Tổ chức tập huấn

 

30

30

Kế hoạch số 58/KH- UBND, ngày 13/6/2011

2

Đào tạo và nâng cao trình độ phụ trách mạng, các lớp chuyên đề công nghệ thông tin cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015

Đào tạo kiến thức quản trị mạng và nâng cao, các lớp chuyên đề về công nghệ thông tin cho chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện.

2015

Sở Thòng tin và Truyền thông

31

Tổ chức tập huấn

 

31

31

Kế hoạch số 58/KH- UBND, ngày 13/6/2011

3

Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức bảo mật, an toàn, an ninh thông tin mạng cho cán bộ công chức cơ quan quản lý nhà nước các cấp

Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức bảo mật, an toàn thông tin mạng cho cán bộ công chức cơ quan quản lý nhà nước các cấp (lãnh đạo các cơ quan, chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin)

2015

Sở Thông tin và Truyền thông

50

Tổ chức tập huấn

 

50

50

Kế hoạch số 58/KH- UBND, ngày 13/6/2011

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 283/KH-UBND năm 2014 ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước tỉnh Tiền Giang năm 2015

  • Số hiệu: 283/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/12/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Trần Thanh Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản