Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 191/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 12 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÀ ĐẢM BẢO AN NINH TRẬT TỰ VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2019 – 2025” TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025”;

Căn cứ thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2019 - 2025” tại tỉnh Thừa Thiên Huế, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự,góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng DTTS với các địa bàn trong tỉnh, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

2. Yêu cầu

- Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng CNTT nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc thiểu số với các địa bàn trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phòng chống các tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến địa phương.

- Phấn đấu đến năm 2025, 100% đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường. Thúc đẩy đồng bào dân tộc ứng dụng CNTT góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số.

- Tăng cường ứng dụng CNTT để đồng bào dân tộc thiểu số chủ động nắm bắt thông tin chính thống, không bị bất ngờ trong mọi tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin

- Tăng cường nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT, viễn thông, internet vùng đồng bào DTTS.

- Chú trọng ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS trong các lĩnh vực thông tin báo chí, giáo dục, y tế, môi trường…

- Ưu tiên đầu tư cho các dự án nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ phù hợp với các định hướng phát triển của vùng.

- Áp dụng thống nhất các giải pháp và tiêu chuẩn an toàn thông tin nhằm đảm bảo kết nối thông suốt, đồng bộ, nâng cao khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin an toàn, thuận tiện giữa các cơ quan, đơn vị và người dân.

- Xây dựng, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sẵn có thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin.

- Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về các dân tộc thiểu số, tập trung vào các lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán các dân tộc thiểu số; các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; thông tin địa lý vùng dân tộc thiểu số có tích hợp dữ liệu thông tin đa phương tiện.

2. Phát triển nguồn nhân lực CNTT

- Xây dựng và tổ chức các lớp đào tạo, phổ cập các kiến thức về công nghệ thông tin nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng là cán bộ, lãnh đạo vùng dân tộc thiểu số.Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập thường xuyên cho cán bộ, công chức vùng đồng bào DTTS nhất là cán bộ cấp xã về kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT, an toàn an ninh thông tin. Đồng thời, tiến hành đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công chức tuyển dụng mới về kỹ năng sử dụng, khai thác hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào.

- Phát triển các hình thức liên kết đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ về CNTT. Chú trọng đào tạo chuyên sâu về kỹ năng ứng dụng, sử dụng và khai thác hiệu quả hệ thống CNTT cho cán bộ vùng dân tộc thiểu số.

- Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức, phát huy năng lực của thanh niên, lực lượng nòng cốt đi đầu để ứng dụng CNTT phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

3. Đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về vai trò của CNTT

- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phổ cập các kiến thức về CNTT, hướng dẫn sử dụng Internet tra cứu thông tin trước hết cho cán bộ, lãnh đạo DTTS rồi đến người dân vùng đồng bào DTTS.

- Tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tìm kiếm, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 do các cơ quan, đơn vị và địa phương cung cấp.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thông tin phổ biến kiến thức về CNTT và xã hội thông qua điện thoại di động/thiết bị thông minh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác kết hợp với các chương trình hội thảo, các chương trình đào tạo phổ cập, bồi dưỡng về CNTT cho đồng bào DTTS.

- Xây dựng và triển khai việc đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Xây dựng các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng CNTT để phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh trật tự.

- Thông qua việc ứng dụng CNTT để tuyên truyền các lĩnh vực khác như cung cấp thông tin, hỗ trợ, tư vấn cho đồng bào DTTS về bình đẳng giới, quyền phụ nữ, quyền trẻ em, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, môi trường, sức khỏe.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước; tăng cường sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các chương trình, đề án khác liên quan;

- Cụ thể hóa các nội dung của Đề án thành các chương trình, kế hoạch hàng năm trong thực hiện công tác dân tộc;

- Chủ trì triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên mọi lĩnh vực;

- Tổ chức hướng dẫn, đôn đốc và định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;phối hợp tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị, các địa phương liên quan lập dự toán, bố trí kinh phí thực hiện hằng năm trong kế hoạch ngân sách của tỉnh; tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì thực hiện các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công nghệ thông tin, phát triển nhân lực công nghệ thông tin, giám sát, bảo đảm an toàn thông tin, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các vùng dân tộc thiểu số; hướng dẫn tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phối hợp với Ban Dân tộc tổ chức các lớp tuyên truyền về ứng dụng CNTT cho đồng bào DTTS.

- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, Đài phát thanh truyền hình tỉnh tăng cường đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2019 - 2025” tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Ban Dân tộc) để tổng hợp báo cáo Ủy ban Dân tộc.

4. Các sở, ngành liên quan

Căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lồng ghép với các chương trình, đề án liên quan của bộ, ngành đang thực hiện triển khai các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có đồng bào DTTS: Chỉ đạo các phòng ban liên quan phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch;Chỉ đạo việc lồng ghép trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình, đề án liên quan tại địa phương;Chủ động cân đối, bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện trong dự toán chi thường xuyên được giao hằng năm và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật. Định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Ban Dân tộc) để tổng hợp báo cáo Ủy ban Dân tộc.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2019 - 2025” tại tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan căn cứ theo Kế hoạch và chức năng nhiệm vụ của đơn vị tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Dân tộc;
- TVTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị nêu tại mục IV;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT,CT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Thiên Định

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 191/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2019-2025 tại tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 191/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 12/08/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Phan Thiên Định
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản