Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/KH-UBND

Cà Mau, ngày 26 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH CÀ MAU NĂM 2022

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10/10/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 50-KH/TU ngày 06/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Văn bản số 4698/BVHTTDL-TCDL ngày 16/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Để phát huy kết quả đạt được, tiếp tục xây dựng và phát triển du lịch tỉnh Cà Mau theo định hướng, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Cà Mau năm 2022 cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 24/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Kế hoạch số 50-KH/TU của BanThường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Khai thác và phát huy có hiệu quả giá trị các công trình tại Khu Du lịch Mũi Cà Mau. Đồng thời, tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế, có sức cạnh tranh cao so với khu vực và quốc gia theo định hướng.

Phấn đấu năm 2022 thu hút khoảng 1.200.000 lượt khách du lịch (2.000 lượt khách quốc tế), tổng thu đạt 1.500 tỷ đồng; góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

2. Yêu cầu

Triển khai thực hiện từng nội dung bằng giải pháp cụ thể, thiết thực phù hợp với thực tế và định hướng phát triển du lịch, đảm bảo yêu cầu mục tiêu đề ra.

Tập trung nguồn lực xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở tiềm năng, lợi thế; nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách. Xây dựng sản phẩm du lịch Cà Mau qua các loại hình phù hợp như: du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch cộng đồng để du lịch Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút với du khách trong và ngoài nước.

Phát triển du lịch bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh; bảo vệ môi trường thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề về lao động, việc làm và an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đảm bảo các hoạt động diễn ra phù hợp với điều kiện, diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh hiện nay.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Hoàn thiện nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau trong quý I/2022; Quản lý vận hành có hiệu quả các hạng mục đã được đầu tư tại Khu Du lịch Mũi Cà Mau.

- Công an tỉnh:

Hoàn thành và đưa vào khai thác, hoạt động Dự án mở rộng Khu Di tích Hòn Đá Bạc vào quý II/2022 phục vụ du lịch.

- Sở Xây dựng:

Chủ trì, phối hợp thu hút nhà đầu tư chiến lược có uy tín phối hợp thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch sinh thái Đầm Thị Tường.

- Sở Giao thông Vận tải:

Quản lý, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư nâng cấp tuyến đường từ cầu 7 kênh đến Điểm Du lịch sinh thái Sông Trẹm, tuyến đường kết nối vào khu vực Đầm Thị Tường.

Nâng cấp, mở rộng tuyến đường vào Điểm di tích Bác Ba Phi đấu nối với Khu Du lịch di tích Hòn Đá Bạc.

- Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau:

Chủ trì, phối hợp rà soát thủ tục đất đai, hỗ trợ, thu hút đầu tư Thiền viện Trúc lâm tại khu dân cư phường Tân Xuyên để hình thành sản phẩm du lịch tâm linh.

- Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau:

Hoàn thiện Phương án Quản lý rừng bền vững; Xây dựng, hoàn thiện Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

- Vườn Quốc gia U Minh hạ:

Hoàn thiện Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia U Minh hạ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

2. Phát triển sản phẩm du lịch

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Chỉ đạo Ban Quản lý Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau khai thác hiệu quả các tài sản công, xây dựng các sản phẩm mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn, thuyết minh, ngoại ngữ tại Khu Du lịch Mũi Cà Mau.

Phối hợp, hỗ trợ thực hiện Đề án Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi.

Phối hợp, hỗ trợ Công an tỉnh đưa vào khai thác, hoạt động trở lại Khu Du lịch di tích Hòn Đá Bạc.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng các mô hình liên kết phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn... gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị các nghề, làng nghề thủ công truyền thống có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch.

Phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để phục vụ cho phát triển du lịch.

Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, đánh giá và hoàn thiện các sản phẩm du lịch cộng đồng trên cơ sở chương trình OCOP quốc gia và tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

- Sở Công thương:

Phối hợp xây dựng phương án nâng cao giá trị gia tăng, tập huấn, học tập mô hình, kinh nghiệm, chuyển giao máy móc, thiết bị tiên tiến hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm đặc trưng, đặc sản tiêu biểu (OCOP) phát triển sản phẩm. Phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch.

- Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau:

Xây dựng hoàn thiện và triển khai thực hiện phương án thí điểm khu phố ẩm thực, mua sắm hàng đặc sản, hàng lưu niệm gắn với không gian văn hóa, nghệ thuật biểu diễn.

Trưng bày sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP , ấn phẩm quảng bá du lịch của Cà Mau và cung cấp thông tin cho khách du lịch tại Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao thành phố.

- Ủy ban nhân dân huyện Thới Bình:

Chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức Lễ hội Đền Hùng gắn với Giỗ Đức Quốc Tổ, kết nối điểm di tích lịch sử Đền Hùng Phú Thọ và Cà Mau; tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với văn hóa dân gian, tập quán (như đua xuồng ba lá trên dòng Sông Trẹm, tham quan mô hình nuôi tôm càng xanh...)

Tạo điều kiện hỗ trợ mở rộng, phát triển tài nguyên du lịch hiện có trên địa bàn (vườn chim, nghề thủ công…)

- Ủy ban nhân dân huyện U Minh:

Chủ trì phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ, hướng dẫn phát triển các điểm du lịch cộng đồng: Vườn cây ăn trái, nghề đan đát, gác kèo ong (tại các xã Nguyễn Phích, Khánh An...); đồng thời, hỗ trợ người dân xây dựng điểm sản xuất, trưng bày kinh doanh sản phẩm lưu niệm, phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm, mua sắm của du khách.

- Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước:

Chủ trì, phối hợp iPEC xây dựng phương án nâng cao giá trị cây bồn bồn thông qua các món ăn, bố trí trưng bán tại điểm dừng chân trên tuyến quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện.

- Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân:

Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu xây dựng phương án thí điểm sản phẩm du lịch bằng ghe, xuồng trên Đầm Thị Tường gắn với Khu Di tích lịch sử Xẻo Đước; hướng dẫn, hỗ trợ người dân, hợp tác xã tham gia xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng ven đầm.

- Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời:

Tiếp tục sắp xếp dân cư khu vực trước Khu Du lịch Hòn Đá Bạc và chợ Kinh Hòn tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động mua bán hàng hóa, đặc sản địa phương cho khách du lịch.

Phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân đủ điều kiện phát triển du lịch cộng đồng trên tuyến Vồ Dơi - Hòn Đá Bạc.

Xây dựng phương án trùng tu, tôn tạo Di tích Bác Ba Phi, xây dựng hạ tầng cơ sở Điểm Du lịch di tích Bác Ba Phi theo quy hoạch xây dựng được duyệt, từng bước tổ chức các mô hình khai thác du lịch, xã hội hóa và thu hút đầu tư.

Phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm, đặc sản của địa phương.

- Ủy ban nhân dân huyện Năm Căn:

Chủ động tổ chức Ngày hội Cua Năm Căn gắn với ẩm thực địa phương.

Xây dựng phương án bố trí bến tàu phát triển sản phẩm du lịch sông nước.

- Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển:

Tập trung triển khai thực hiện Đề án Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi.

Đầu tư, chỉnh trang chợ Đất Mũi đảm bảo phục vụ khách du lịch, phát triển kinh tế đêm.

- Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau:

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần đơn vị quản lý và phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển trong công tác triển khai thực hiện Đề án Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi.

Phối hợp các sở, ngành, đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển du lịch trên diện tích được giao quản lý phù hợp với Luật Lâm nghiệp và các quy định khác có liên quan.

- Vườn Quốc gia U Minh hạ:

Xây dựng phương án, kế hoạch và triển khai thực hiện phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch, hoạt động trải nghiệm, phát huy giá trị tài nguyên rừng.

- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ:

Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch đầu tư, chỉnh trang Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, tài nguyên rừng bằng nhiều hình thức phù hợp.

3. Giới thiệu, quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Tổ chức, phối hợp tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch theo Chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2022” gắn với Chương trình Xúc tiến du lịch năm 2022.

Khai thác ứng dụng Cổng thông tin du lịch Cà Mau, phục vụ công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về du lịch Cà Mau.

- Sở Công thương:

Phối hợp thực hiện các nội dung xúc tiến thương mại; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh thương mại phối hợp các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn… tổ chức giới thiệu các chương trình khuyến mại hàng hóa, kích cầu tiêu dùng các sản phẩm đặc sản địa phương.

Tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, sinh viên trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Tiếp tục thực hiện Chương trình liên kết, hợp tác phát triển công thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2025; vận động kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa với thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Tiếp tục phát huy hiệu quả của việc xây dựng điểm trưng bày, bán các sản phẩm OCOP gắn với khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn :

Chủ trì, phối hợp iPEC quảng bá hình ảnh, danh hiệu, giá trị tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường Khu Dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; nghiên cứu xây dựng nhãn sinh thái các đặc sản xuất xứ từ Cà Mau.

- Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (iPEC):

Giới thiệu, quảng bá du lịch Cà Mau đến các thị trường trọng điểm (tập trung khai thác thị trường du lịch tại các tỉnh phía Bắc).

Xây dựng hình ảnh du lịch Cà Mau nhằm tuyên truyền và quảng bá thích ứng với điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19: Xây dựng hình ảnh du lịch Cà Mau (đặc điểm văn hóa, ẩm thực, điểm đến…) trên không gian mạng; Xây dựng cơ sở dữ liệu 3D các điểm đến du lịch Cà Mau giúp cho khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới có thể trải nghiệm được không gian số hóa bằng công nghệ thực tế ảo (sử dụng kính VR).

Tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm như “Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2022” (phía Bắc), “Ngày Hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022” (phía Nam) và sự kiện tại các tỉnh thành khác trong cả nước.

Tổ chức Hội nghị Xúc tiến du lịch kêu gọi đầu tư và giới thiệu sản phẩm du lịch kết hợp với việc kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành trong nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch của Cà Mau.

4. Quản lý nhà nước về du lịch

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: phối hợp các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các quy định của pháp luật về du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm tại các khu, điểm du lịch (kể cả du lịch cộng đồng). Triển khai xây dựng Đề án Phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2025.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau: tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch theo phân cấp và chức năng, nhiệm vụ.

5. Thực hiện tốt các quy định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của Trung ương và địa phương

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Chương trình Phát động du lịch nội địa thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Các sở ngành, địa phương chủ động, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 trên tinh thần an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, đúng quy định.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện được bố trí trong dự toán chi ngân sách giao đầu năm theo phân cấp ngân sách hiện hành. Đối với những nhiệm vụ trong Kế hoạch này nằm ngoài Chương trình Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trong nước năm 2022, đề nghị đơn vị chủ trì xin chủ trương cấp thẩm quyền trước khi thực hiện.

2. Các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển dịch vụ phục vụ du lịch (nguồn xã hội hóa).

Giao Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển du lịch theo dõi, hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm theo kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Luân

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 19/KH-UBND về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau năm 2022

  • Số hiệu: 19/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 26/01/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Nguyễn Minh Luân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản