Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/NQ-HĐND

Sóc Trăng, ngày 28 tháng 02 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH SÓC TRĂNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 5 (CHUYÊN ĐỀ)

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới;

Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2227/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”;

Căn cứ Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23 tháng 01 năm 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL”;

Căn cứ Quyết định số 2292/QĐ-BVHTTDL ngày 13 tháng 8 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2020 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 159/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022;

Xét Tờ trình số 34/TTr-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng thông qua Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu chung

Đến năm 2025, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc trưng, có sức cạnh tranh. Hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp.

Đến năm 2030, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Giai đoạn 2022 - 2025

Phấn đấu đến năm 2025:

- Sản phẩm du lịch: Công nhận 04 điểm du lịch, công nhận từ 1 - 3 khu du lịch.

- Cơ sở lưu trú: Có từ 3 - 5 khách sạn 3 sao và 1 khách sạn 4 sao.

- Khách du lịch: Thu hút khoảng 2.600.000 lượt khách, trong đó có 50.000 lượt khách quốc tế; 2.550.000 lượt khách nội địa.

- Doanh thu từ khách du lịch đạt 1.450 tỷ đồng.

- Nguồn nhân lực du lịch: Toàn tỉnh có trên 1.600 lao động trực tiếp. Trong đó, có 75% lao động được đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản phục vụ công tác quản lý và phục vụ hoạt động du lịch.

- Môi trường du lịch: Có 80% các khu, điểm du lịch đạt môi trường tự nhiên xanh - sạch - đẹp; 100% khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn.

b) Định hướng đến năm 2030

Phấn đấu đến năm 2030:

- Sản phẩm du lịch: Công nhận 03 điểm du lịch, công nhận từ 1 - 2 khu du lịch.

- Cơ sở lưu trú: Có từ 2 - 3 khách sạn 4 sao trở lên.

- Khách du lịch: Phấn đấu thu hút khoảng 3.585.000 lượt khách, trong đó có 85.000 lượt khách quốc tế, 3.500.000 lượt khách nội địa.

- Doanh thu từ khách du lịch: Phấn đấu doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng.

- Nguồn nhân lực du lịch: Đến năm 2030 toàn tỉnh có trên 2.200 lao động trực tiếp. Trong đó, có 80% lao động trong ngành du lịch được đào tạo phục vụ hoạt động du lịch.

- Môi trường du lịch: Phấn đấu có 90% các khu, điểm du lịch đạt môi trường tự nhiên xanh - sạch - đẹp.

3. Định hướng phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030

a) Định hướng phát triển sản phẩm du lịch: Phát triển 10 sản phẩm du lịch chủ lực, 06 sản phẩm du lịch bổ sung và 3 điểm dừng chân, cụ thể như sau:

- Phát triển 10 sản phẩm du lịch chủ lực:

+ Du lịch văn hóa tâm linh thành phố Sóc Trăng.

+ Du lịch văn hóa lễ hội - ẩm thực thành phố Sóc Trăng.

+ Du lịch văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên huyện Châu Thành.

+ Du lịch sinh thái biển Mỏ Ó huyện Trần Đề.

+ Du lịch sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước huyện Kế Sách.

+ Du lịch sinh thái biển Cù Lao Dung.

+ Du lịch sinh thái biển Hồ Bể Vĩnh Châu.

+ Điểm du lịch Tân Huê Viên Châu Thành.

+ Du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp văn hóa về nguồn tại Khu Căn cứ Tỉnh ủy huyện Mỹ Tú.

+ Du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm.

- Phát triển 06 sản phẩm du lịch bổ sung:

+ Du lịch cộng đồng cồn Phong Nẫm huyện Kế Sách.

+ Du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Phú Tân và xã Phú Tâm huyện Châu Thành.

+ Du lịch sinh thái, tâm linh vườn cò Sáu Xom huyện Mỹ Xuyên.

+ Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại xã An Thạnh I và An Thạnh Tây huyện Cù Lao Dung.

+ Du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn Mỹ Xuyên - Trần Đề.

+ Du lịch điện gió Vĩnh Châu - Trần Đề - Cù Lao Dung.

- Phát triển 3 điểm dừng chân trên địa bàn huyện Thạnh Trị, huyện Kế Sách và huyện Trần Đề.

b) Định hướng không gian phát triển du lịch theo cụm, bao gồm:

- Cụm du lịch đô thị thành phố Sóc Trăng.

- Cụm du lịch Châu Thành - Mỹ Tú - Ngã năm - Thạnh Trị.

- Cụm du lịch Mỹ Xuyên - Trần Đề - Vĩnh Châu.

- Cụm du lịch Cù Lao Dung - Kế Sách - Long Phú.

4. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

a) Tuyên truyền về quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch.

b) Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch.

c) Tập trung đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.

d) Tăng cường công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch.

đ) Khai thác thị trường khách du lịch.

e) Xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch.

g) Phát triển nguồn nhân lực du lịch.

h) Giải pháp đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững.

i) Nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch.

k) Khuyến khích cộng đồng cư dân và doanh nghiệp phát triển du lịch.

5. Kinh phí thực hiện

Kinh phí để thực hiện Đề án được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm của tỉnh, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, kế hoạch, đề án của Trung ương, của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề án là 3.588,5 tỷ đồng, trong đó:

- Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương: 03 tỷ đồng.

- Nguồn ngân sách tỉnh: 545,7 tỷ đồng (trong đó: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 101 tỷ đồng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 20,5 tỷ đồng; ngân sách huyện, thị xã, thành phố: 424,2 tỷ đồng).

- Nguồn kinh phí xã hội hóa: 3.039,8 tỷ đồng.

Cụ thể:

a) Giai đoạn 2022 - 2025: 2.249,1 tỷ đồng

- Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương: 03 tỷ đồng.

- Nguồn vốn sự nghiệp: 31,8 tỷ đồng.

- Nguồn vốn đầu tư công: 324,5 tỷ đồng.

- Nguồn xã hội hóa: 1.889,8 tỷ đồng.

b) Giai đoạn 2026 - 2030: 1.339,4 tỷ đồng

- Nguồn vốn sự nghiệp: 6,4 tỷ đồng.

- Nguồn vốn đầu tư công: 183 tỷ đồng.

- Nguồn xã hội hóa: 1.150 tỷ đồng.

Điều 2.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng Khóa X, Kỳ họp thứ 5 (chuyên đề) thông qua ngày 28 tháng 02 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội (bộ phận phía Nam);
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; VH - TT&DL;
- TT TU, TT. HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Sóc Trăng;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Hồ Thị Cẩm Đào

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 17/NQ-HĐND năm 2022 thông qua Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 17/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 28/02/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Hồ Thị Cẩm Đào
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản