Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 164/KH-UBND

Phú Yên, ngày 01 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG DỊCH, BỆNH CHO ĐỘNG VẬT THỦY SẢN NĂM 2017

Căn cứ Luật Thủy sản năm 2003; Luật Thú y 2015;

Căn cứ các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; số 32/2014/TT-BNNPTNT ngày 10/9/2014 quy định hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công văn số 8528/BNN-TY ngày 07/10/2016 về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2017;

Căn cứ tình hình dịch bệnh và kết quả phòng chống dịch bệnh thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh trong năm 2016;

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản hạn chế thiệt hại cho người nuôi; UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2017 trên địa bàn tỉnh, với những nội dung sau:

A. KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH THỦY SẢN NĂM 2016.

I. TÌNH HÌNH NUÔI TRỒNG VÀ DỊCH BỆNH THỦY SẢN NĂM 2016.

Diện tích thả nuôi thủy sản nước lợ mặn đến tháng 9/2016 là 2.006,36 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm 1.780,06 ha (huyện Đông Hòa 1.002 ha, Tuy An 464,1 ha, TX. Sông Cầu 313,96 ha), các đối tượng thủy sản khác 226,3 ha (ốc hương 102,58 ha; cua biển 65,17 ha; ghẹ 2,9 ha; cá biển 55,35 ha; rong biển 0,3 ha). Đối với nuôi thủy sản lồng bè: Tôm hùm thả nuôi được 25.510 lồng, cá biển (cá bớp, cá mú) 3.552 lồng, ốc hương 56 lồng.

Đến tháng 9/2015, toàn tỉnh đã có 186,79 ha nuôi tôm thẻ, tôm sú bị bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng và bệnh do môi trường, chiếm khoảng 10% diện tích nuôi tôm, giảm hơn 50% diện tích dịch bệnh cùng kỳ năm 2015. Trong đó huyện Đông Hòa bị bệnh 132,61 ha, Tuy An 51,96 ha; Sông Cầu 2,22 ha.

Tình hình dịch bệnh trên các đối tượng khác:

- Cá bớp nuôi tại các xã, phường: Xuân Đài, Xuân Thành, Xuân Yên, Xuân Phương, Xuân Cảnh và Xuân Hòa bị bệnh Photobacteriosis chết rải rác, cá chết có kích cỡ chủ yếu từ 1-2,5 kg/con; tỷ lệ chết ước tính 15-30%/3500 con tổng đàn/500 lồng nuôi.

- Cá bớp nuôi tại phường Xuân Yên, TX. Sông Cầu bị bệnh do môi trường, tỷ lệ chết ước tính 60-70%/80 lồng nuôi bị bệnh, cá chết có kích cỡ 0,5-2,5 kg/con.

- Tôm hùm, cá mú nuôi lồng tại xã Xuân Phương bị chết hàng loạt do môi trường, tỷ lệ chết từ 70-90%. Thống kê có 149 hộ nuôi bị thiệt hại, lượng tôm, cá chết gồm: 23.977 kg tôm hùm bông (tương đương 29.97con), 13.770 kg tôm hùm xanh (45.930 con) và 3.159 kg cá mú (3.510 con). Kích cỡ trung bình: 0,8 kg/con đối với tôm hùm bông; 0,3 kg/con đối với tôm hùm xanh và cá mú từ 0,5-1kg/con.

- Cá mú, cá hồng nuôi tại xã An Ninh Đông-Tuy An bị bệnh lở loét do vi khuẩn Vibrio anginolyticus, tổng số cá mú thiệt hại 41.180 con/881 lồng/96 hộ nuôi, cá hồng 32.880 con/881 lồng/94 hộ. Cá bị bệnh có kích cỡ từ 0,3-01 kg/con.

- Cá bớp, cá mú nuôi lồng tại xã Xuân Hòa, Xuân Hải, thị xã Sông Cầu bị chết đột ngột, hàng loạt do môi trường, tỷ lệ chết ước tính lên đến 60-80% tổng đàn (cá biệt có một số hộ nuôi tỷ lệ chết lên đến 90-100%). Thiệt hại ước tính 34.440 con (cá mú 1.200 con, cá bớp 33.240 con)/574 lồng/41 hộ nuôi. Cá bớp chết có kích cỡ từ 1,5-6 kg/con; cá mú 0,8-1,2 kg/con.

- Cá chẽm, cá hồng và cá mú nuôi lồng tại xã An Hải, huyện Tuy An bị chết đột ngột, hàng loạt do môi trường, tỷ lệ chết đến 80%, thiệt hại ước tính 3.5050 con (cá chẽm 1.875 con, cá hồng: 1.100 con, cá mú: 530 con)/32 lồng nuôi/21 hộ nuôi. Cá mú, cá hồng chết kích cỡ 0,3-0,4 kg/con; cá chẽm 0,6-0,7 kg/con.

II. CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH:

1. Về hoạt động giám sát dịch bệnh và ngăn chặn dịch bệnh lây lan:

- Thiết lập hệ thống giám sát dịch bệnh thủy sản từ tỉnh đến cơ sở; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin báo cáo dịch bệnh nhanh chóng để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế lây lan dịch bệnh. Định kỳ hàng tháng tổ chức hội nghị về thú y thủy sản để đánh giá công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh; đề xuất các giải pháp thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi tại các địa phương.

- Định kỳ thu mẫu giám sát và xác định tác nhân gây bệnh, thông báo tình hình dịch bệnh đến địa phương và hộ nuôi để cảnh báo sớm tình hình dịch cho người nuôi, hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, trị bệnh phù hợp, hiệu quả. Tổng số mẫu tôm lấy xét nghiệm, giám sát dịch bệnh định kỳ đến tháng 9/2016 là 682 mẫu (đốm trắng 137 mẫu, hoại tử gan tụy cấp 137 mẫu, đầu vàng 136 mẫu, Taura 21 mẫu, hoại tử cơ 136 mẫu, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô 115 mẫu). Kết quả phát hiện 78 mẫu dương tính với tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp, 04 mẫu dương tính với đốm trắng, 05 mẫu dương tính với hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô. Lấy mẫu đột xuất xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh: 01 mẫu tôm Thẻ chân trắng, kết quả dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp; 01 mẫu cá bớp, kết quả dương tính với vi khuẩn Photobacterium damselae; 01 mẫu cá mú, kết quả dương tính với vi khuẩn Vibrio anginolyticus.

- Tích cực kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương: Tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn con giống thả nuôi đạt chất lượng, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền và phải được xét nghiệm các bệnh nguy hiểm; ý thức việc tuân thủ lịch thời vụ; khai báo dịch bệnh cho cơ quan quản lý khi có dịch bệnh xảy ra; không xả thải mầm bệnh ra môi trường khi chưa xử lý triệt để, chung tay bảo vệ môi trường nuôi.

- Hỗ trợ hóa chất dập dịch cho người nuôi để xử lý ổ dịch, tránh lây lan dịch bệnh. Đến nay, đã cấp hỗ trợ 9.854 kg hóa chất (từ nguồn dự trữ quốc gia 8.399 kg, Dự án CRSD 1.455 kg). Trong đó, huyện Đông Hòa 3.905 kg, Tuy An 5.675 kg, Sông Cầu 274 kg góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh.

- Tập huấn, phổ biến kiến thức về bệnh thủy sản cho các hộ nuôi.

- Thực hiện kiểm dịch giống thủy sản xuất tỉnh. Lũy kế đến nay đã kiểm dịch được 219.673.000 con giống.

2. Hoạt động quan trắc môi trường:

Tổ chức giám sát vùng nuôi, quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản tại 03 vùng nuôi trọng điểm của tỉnh (huyện Đông Hòa, Tuy An, Sông Cầu), tần suất quan trắc 02 lần/tháng, với 12 địa điểm thu mẫu, số lượng thu mẫu 12 mẫu/lần thu, 14 chỉ tiêu quan trắc (12 chỉ tiêu Hóa lý và 02 chỉ tiêu vi sinh): Nhiệt độ, độ mặn, độ pH, độ kiềm, Oxy hòa tan, NH3-N, NO2-N, NO3-N, PO4-P, COD, H2S, tổng Fe, vi khuẩn hiếu khí tống số, Vibrio tổng số… Thông báo kết quả quan trắc môi trường với nhiều hình thức như văn bản, đài phát thanh đến các địa phương có nuôi trồng thủy sản, đồng thời khuyến cáo cho người nuôi biết để phòng chống dịch bệnh kịp thời.

III. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN VÀ NGUYÊN NHÂN TỒN TẠI:

Năm 2016, nhờ sự triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ giảm đáng kể so với năm 2015 (giảm hơn 50% diện tích bệnh), hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến địa phương được thiết lập và hoạt động hiệu quả, nắm bắt thông tin, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh để chủ động thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn chưa được khống chế triệt để, tình hình dịch bệnh xảy ra rải rác, suốt vụ nuôi, ở hầu hết các vùng nuôi. Đặc biệt, tình hình thủy sản nuôi lồng bị chết đột ngột, với tỷ lệ cao do yếu tố môi trường xảy ra ở các vùng nuôi diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Nguyên nhân của tình trạng trên bao gồm:

- Thời tiết nắng nóng, biến động làm sức đề kháng của thủy sản nuôi bị suy giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập, gây bệnh.

- Môi trường nuôi bị suy thoái, ô nhiễm hữu cơ. Đa số người nuôi đều sử dụng nước trực tiếp từ kênh cấp do không có ao chứa để xử lý, diệt khuẩn nước kỹ trước khi cấp vào ao nuôi nên dịch bệnh dễ xảy ra.

- Hoạt động của các Tổ cộng đồng nuôi tôm còn nhiều hạn chế, ý thức một bộ phận không nhỏ hộ nuôi còn kém, chưa có sự đoàn kết trong công tác bảo vệ môi trường nuôi chung; chưa chấp hành các khuyến cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành. Khi dịch bệnh xảy ra, người nuôi không báo cáo cho cơ quan quản lý để xử lý ổ dịch mà tự ý thu hoạch và không xử lý mầm bệnh trước khi xả thải ra môi trường làm lây lan dịch bệnh. Đây được xác định là nguyên nhân chủ yếu làm phát tán, lây lan dịch bệnh dẫn đến công tác chống dịch bệnh trên tôm nuôi kém hiệu quả.

- Chất lượng con giống không đảm bảo. Theo điều tra trực tiếp từ các hộ nuôi thì con giống thả nuôi không được xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm trước khi thả.

- Trình độ kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa được tập huấn thường xuyên về nuôi theo hướng an toàn sinh học cũng như phương pháp phòng bệnh cho thủy sản nuôi hiệu quả.

- Hệ thống công trình nuôi không đảm bảo yêu cầu: hầu hết không có ao lắng, ao xử lý nước cấp, hệ thống cấp thoát nước chưa riêng biệt, hệ thống ao hồ chưa đạt yêu cầu về độ sâu…

- Lực lượng cán bộ thú y thủy sản còn ít, trong khi diện tích vùng nuôi trồng thủy sản rộng; hệ thống thú y cơ sở còn hạn chế về chuyên ngành thủy sản, thiếu kinh nghiệm thực tế. Cho nên công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh thủy sản gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh chưa được khống chế triệt để.

- Đối với tình hình thủy sản nuôi lồng xảy ra sự cố môi trường gây chết hàng loạt: do môi trường nước bị ô nhiễm bởi chất thải trong quá trình nuôi (thức ăn dư thừa, chất thải hữu cơ), mật độ lồng, bè nuôi dày, không theo quy hoạch, tầng đáy tích tụ nhiều chất hữu cơ; những năm trở lại đây không xảy ra lụt lớn, lượng chất thải hữu cơ không được rửa trôi, gây ô nhiễm cục bộ tại một số thủy vực nuôi, gây hiện tượng tôm cá nuôi bị chết do ô nhiễm.

B. KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CHO ĐỘNG VẬT THỦY SẢN 2017

I. MỤC TIÊU:

- Nâng cao nhận thức của người dân, chủ cơ sở nuôi về tác hại của dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; trách nhiệm của người nuôi, các cấp chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

- Chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; hạn chế tối đa thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra.

- Xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở, phát hiện sớm chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh. Từng bước bao vây, khống chế các bệnh nguy hiểm trên các đối tượng thủy sản, nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

- Phân tích, đánh giá chất lượng nước, nguồn cấp và nguồn thải tại khu vực có liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản thuộc các vùng nuôi và các đối tượng nuôi đặc thù của tỉnh. Thông báo, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, hạn chế nguy cơ dịch bệnh do môi trường.

II. NỘI DUNG:

1. Thông tin tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh thủy sản:

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về Luật Thú y; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh; các kỹ thuật, kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi đến tất cả các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tuyên truyền trước mùa vụ nuôi và khi có dịch bệnh xảy ra. Xác định quan điểm phòng chống dịch bệnh thủy sản, phòng là chính, áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, có sự tham gia phối hợp và chia sẻ thông tin của nhiều đơn vị liên quan nhất là người nuôi.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội trong việc tuyên truyền, vận động người nuôi tự giác, tích cực báo cáo dịch bệnh, tham gia phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, có ý thức cao trong việc ngăn ngừa lây lan dịch bệnh khi có bệnh xảy ra.

2. Kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật thủy sản:

Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện nghiêm chế độ kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển theo quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.

- Tăng cường công tác kiểm dịch động vật thủy sản, không để động vật chưa qua kiểm dịch lưu thông, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo kiểm soát toàn bộ động vật thủy sản lưu thông ra, vào địa bàn tỉnh.

- Tổ chức xử lý động vật thủy sản mang mầm bệnh nguy hiểm. Nếu động vật thủy sản vận chuyển vào địa bàn tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc kiểm dịch chưa đúng theo quy định thì phải tổ chức kiểm dịch lại và xử lý theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Thẩm định và chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh:

Phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 Quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Duy trì và quản lý cơ sở an toàn dịch bệnh: Lập kế hoạch và thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với cơ sở đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh.

4. Giám sát dịch bệnh:

a) Thiết lập hệ thống giám sát dịch bệnh từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, tổng hợp thông tin dịch bệnh, phục vụ cho công tác cảnh cảnh báo và phòng chống dịch bệnh. Đội ngũ cán bộ làm công tác cảnh báo dịch bệnh có trách nhiệm tiếp nhận, nắm bắt thông tin, dịch bệnh từ người nuôi, kịp thời báo cáo đơn vị cấp trên để có biện pháp hướng dẫn người nuôi xử lý dịch bệnh hiệu quả, tránh lây lan.

b) Định kỳ họp hàng tháng thú y tỉnh, huyện, xã để đánh giá công tác giám sát dịch bệnh, thảo luận và đề xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả cho thủy sản nuôi.

c) Tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh thủy sản tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh.

d) Thực hiện lấy mẫu định kỳ giám sát chủ động các loại bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tại các vùng nuôi và các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện sớm, cảnh báo tình hình dịch bệnh cho cộng đồng nuôi kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cho động vật thủy sản; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh khi có dịch bệnh xảy ra để phục vụ công tác chẩn đoán, hướng dẫn điều trị bệnh, xử lý ổ dịch tránh lây lan, cụ thể:

- Thời gian thực hiện: Lấy mẫu giám sát định kỳ 08 tháng, từ tháng 02/2017 đến 9/2017; lấy mẫu đột xuất, xác định bệnh khi có dịch bệnh xảy ra.

- Địa điểm: Các vùng nuôi trồng thủy sản, các cơ sở sản xuất giống thủy sản thuộc các huyện Đông Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa.

- Tần suất lấy mẫu giám sát định kỳ: 01 lần/tháng.

- Đối tượng giám sát: Giám sát định kỳ các loại bệnh nguy hiểm trên tôm giống và tôm thương phẩm (đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, đầu vàng, hoại tử cơ, hoại tử cơ quan tạo máu, vi bào tử trùng); giám sát đột xuất, xác định tác nhân gây bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi khi có dịch bệnh xảy ra.

5. Quan trắc môi trường:

Thực hiện lấy mẫu nước tại khu vực có liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản thuộc các vùng nuôi và các đối tượng nuôi đặc thù của tỉnh, phân tích, đánh giá các thông số thủy lý, thủy hóa và thủy sinh. Thông báo, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, hạn chế nguy cơ dịch bệnh do môi trường cho người nuôi, cụ thể:

- Thời gian thực hiện: 12 tháng (từ tháng 01 đến tháng 12/2016). Định kỳ từ 02/2016 kết thúc tháng 09/2016. Thu mẫu đột xuất khi cần thiết, khi được thông tin vùng nuôi xảy ra sự cố môi trường.

- Địa điểm thu mẫu quan trắc: Tại các vùng nước đại diện nước đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, hạ lưu sông Bàn Thạch.

- Tần suất thu mẫu: Định kỳ 02 tuần/đợt.

- Kiểm tra các thông số: Kiểm tra và xét nghiệm mẫu nước gồm: Nhiệt độ, Độ mặn, độ pH, độ kiềm, Oxy hòa tan, NH3-N, NO2-N, NO3-N, PO4-P, Phosphos tổng, COD, H2S, Fe tổng số, SS, Vibrio tổng số và Coliform (14 chỉ tiêu Hóa lý & 02 chỉ tiêu vi sinh).

6. Xử lý, khống chế dịch bệnh:

Thực hiện xử lý, khống chế dịch bệnh theo đúng quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

Công tác tiếp nhận thông tin dịch bệnh, tiến hành điều tra và xử lý, khống chế dịch bệnh đảm bảo nhanh chóng, xử lý ổ dịch triệt để, tránh lây lan đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch.

Hóa chất dập dịch sử dụng từ nguồn Dự trữ quốc gia được Trung ương cấp cho tỉnh Phú Yên trong năm 2015, số lượng còn 10 tấn Sodium Chlorite 20%.

7. Tập huấn phòng chống dịch bệnh thủy sản:

Tổ chức tập huấn kiến thức về bệnh thủy sản, giải pháp phòng trị bệnh và các quy định phòng chống dịch bệnh cho người nuôi trồng thủy sản. Trong đó, chú trọng đến phổ biến các quy định mới của Nhà nước về công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản; các loại bệnh mới trên các đối tượng thủy sản nuôi.

III. KINH PHÍ:

Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh.

Tổng cộng: 396.140.000 đồng, trong đó:

- Chi phí thu mẫu giám sát và xử lý dịch bệnh: 218.000.000 đồng.

- Chi phí thu mẫu quan trắc môi trường: 178.140.000 đồng.

* Bảng Dự trù kinh phí thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2017.

TT

Nội dung

Kinh phí
(đồng)

I

Chi phí giám sát và xử lý dịch bệnh thủy sản

218.000.000

1

Lấy mẫu giám sát dịch bệnh

135.288.000

2

Xử lý, khống chế dịch bệnh

5.000.000

3

Tập huấn phòng chống dịch bệnh

60.579.000

4

Kiểm tra phòng chống dịch bệnh

10.216.000

5

Dự phòng chi

6.917.000

II

Chi phí quan trắc môi trường các vùng nuôi thủy sản

178.140.000

1

Thuê khoán chuyên môn

75.140.000

2

Vật tư & hóa chất phân tích, điện, nước

64.000.000

3

Xây dựng, sửa chữa nhỏ

25.000.000

4

Chi khác

14.000.000

 

Tổng cộng (I+II)

396.140.000

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Là cơ quan thường trực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Có trách nhiệm lập dự toán chi tiết các nội dung theo nội dung dự toán tổng thể kinh phí phòng chống dịch bệnh năm 2016 đúng các quy định hiện hành. Huy động, phân công lực lượng chuyên môn tham gia phòng chống dịch bệnh.

- Chỉ đạo Chi cục Thủy sản xây dựng và hướng dẫn thực hiện lịch mùa vụ, đối tượng và cơ cấu thủy sản nuôi trồng tại địa phương, quy trình sản xuất, thu hoạch, phối hợp cơ quan có liên quan điều phối nước phục vụ nuôi trồng; tham gia thực hiện phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; Hướng dẫn, kiểm tra sản xuất giống thủy sản theo quy định của pháp luật. Phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh thủy sản theo quy định của pháp luật; thực hiện quản lý truy xuất nguồn gốc giống thủy sản và quản lý chất lượng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản chi tiết, tổ chức triển khai và thực hiện kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm phát hiện bệnh sớm, kịp thời, đề xuất bổ sung phương tiện, dụng cụ, thiết bị cần thiết đảm bảo phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, hướng dẫn chuyên môn về công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Phối hợp, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, định kỳ báo cáo về UBND tỉnh.

- Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi, các biện pháp cải tạo ao đìa, vệ sinh lồng bè, quản lý, chăm sóc để người nuôi có đủ kiến thức cơ bản tiến hành quản lý ao, đìa, lồng bè và phòng chống dịch bệnh trên động vật thủy sản nuôi của mình tốt hơn; tuyên truyền về các bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản; hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và an toàn môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

- Chỉ đạo Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản xây dựng kế hoạch chi tiết và thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường cho người nuôi.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố có nuôi trồng thủy sản:

- Căn cứ kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là huyện) chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã), các chủ cơ sở nuôi thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy trình về công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

- Tổ chức triển khai kế hoạch của UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản của huyện. Kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản cấp huyện. Phối hợp chặt chẽ với các ngành cấp tỉnh và thực hiện triệt để các nội dung của công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

- Chủ động bố trí nguồn ngân sách của huyện để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản theo quy định của Nhà nước.

- Chỉ đạo UBND các xã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp con giống đưa về địa phương chưa được kiểm dịch; tổng hợp số lượng con giống, diện tích thả nuôi, diện tích bệnh dịch tại địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện tăng cường giám sát và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh.

- Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng phòng, chống dịch bệnh, tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y.

- Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

3. UBND các xã:

- Là cấp chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý.

- Chủ tịch UBND cấp xã huy động các lực lượng thú y, công an và các tổ chức đoàn thể của địa phương tham gia chống dịch.

- Kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thủy sản cấp xã; trong đó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp con giống đưa về địa phương chưa được kiểm dịch; tổng hợp số lượng con giống, diện tích thả nuôi; hàng tuần báo về UBND huyện và Trạm thú y huyện.

- Theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, kịp thời báo cáo với Trạm thú y khi có dấu hiệu dịch bệnh. Triển khai lực lượng phòng, chống dịch bệnh kịp thời nhằm khống chế, bao vây dịch bệnh khi còn ở diện hẹp.

4. Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản:

- Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và nuôi trồng thủy sản chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi tại Kế hoạch này; tuân thủ mùa vụ thả nuôi theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT; tuân thủ theo đúng quy trình trong việc chuẩn bị hệ thống nuôi, quản lý chất lượng nước và chăm sóc sức khỏe đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh và giảm thiểu các chất độc hại cho thủy sản nuôi; chỉ được phép sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, kháng sinh, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố.

- Thiết kế hệ thống nuôi trồng thủy sản và áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi theo hướng dẫn, quy định của các cơ quan chức năng, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

- Chỉ sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch của cơ quan thú y.

- Hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu môi trường, dịch bệnh.

- Báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh cho cán bộ thú y để có biện pháp khắc phục kịp thời.

5. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố có nuôi trồng thủy sản và các ngành chức năng có liên quan, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt nội dung kế hoạch; tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

 

 

Nơi nhận:
- Tổng cục Thủy sản;
- CT và các PCT UBND Tỉnh;
- CVP và các PVP.UBND Tỉnh;
- Các sở: NNPTNT, TC, KHĐT,
- UBND huyện: Đông Hòa, Tuy An;
- UBND: TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu;
- Chi cục CN-Thú y;
- Lưu: VT, Hg, HK

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hữu Thế

 

THUYẾT MINH

DỰ TRÙ KINH PHÍ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH CHO ĐỘNG VẬT THỦY SẢN NĂM 2017

I. GIÁM SÁT VÀ XỬ LÝ DỊCH BỆNH THỦY SẢN

1. Lấy mẫu giám sát dịch bệnh

- Lấy mẫu định kỳ tôm thương phẩm và tôm giống, tần suất 01 lần/tháng, mỗi lần lấy 02 mẫu tôm thương phẩm/vùng x 03 vùng (Đông Hòa, Tuy An, Sông Cầu) x 08 lần x 06 chỉ tiêu bệnh xét nghiệm, 02 mẫu tôm giống/vùng x 03 vùng (Đông Hòa, Sông Cầu, TP. Tuy Hòa) x 08 lần x 06 chỉ tiêu bệnh xét nghiệm. Tổng số mẫu lấy xét nghiệm = 288 (mẫu tôm thương phẩm) + 288 (mẫu tôm giống) = 576 (mẫu)

- Mua hóa chất xét nghiệm bệnh: 03 bộ/bệnh ( bệnh EHP, IHHNV), 02 bộ/bệnh (bệnh WSSV, AHPND, YHV, IMNV).

- Nhiên liệu mô tô đi lấy mẫu: Đông Hòa 08 đợt-70km/đợt, Tuy An 08 đợt-90km/đợt, Sông Cầu 08 đợt-200km/đợt, TP. Tuy Hòa 08 đợt-18km/đợt. Tổng số km đi = 3.024 (km).

- Công tác phí cho cán bộ đi lấy mẫu: 24 ngày, 02 người/ngày

2. Xử lý, khống chế dịch bệnh: chi phí vận chuyển hóa chất về các địa phương.

3. Tập huấn phòng chống dịch bệnh thủy sản: Tập huấn 05 lớp (Đông Hòa 01 lớp, Sông Cầu 02 lớp, Tuy An 02 lớp), dự kiến 60 người/lớp, cán bộ tổ chức 02 người/lớp, báo cáo viên 01 người/lớp.

4. Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh: Tổ chức kiểm tra 05 đợt, 03 ngày/đợt (Tuy An, Đông Hòa, Sông Cầu). Tổng số ngày đi kiểm tra = 15 ngày; cán bộ đi kiểm tra 04 người/lần đi; số km đi kiểm tra trung bình 120 km/ngày, định mức khoán nhiên liệu ô tô 15 lít xăng/100 km.

* Bảng dự trù chi tiết kinh phí giám sát và xử lý dịch bệnh thủy sản 2017

TT

Nội dung phí

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá
(đồng)

Thành tiền
(đồng)

I

Lấy mẫu giám sát dịch bệnh

 

 

 

135.288.000

1

Chi phí mua mẫu

 

 

 

7.200.000

 

Tôm thẻ, tôm sú thương phẩm

Mẫu

288

15.000

4.320.000

 

Tôm thẻ, tôm sú giống

Mẫu

288

10.000

2.880.000

2

Chi phí mua vật tư thu mẫu

Mẫu

576

10.000

5.760.000

3

Chi phí mua hóa chất xét nghiệm

 

 

 

100.104.000

 

Cồn

lít

30

60.000

1.800.000

 

Kít phát hiện bệnh WSSV

Bộ

02

5.976.000

11.952.000

 

Kít phát hiện bệnh AHPND

Bộ

02

5.976.000

11.952.000

 

Kít phát hiện bệnh YHV

Bộ

02

9.636.000

19.272.000

 

Kít phát hiện bệnh EHP

Bộ

03

5.976.000

17.928.000

 

Kít phát hiện bệnh IMNV

Bộ

02

9.636.000

19.272.000

 

Kít phát hiện bệnh IHHNV

Bộ

03

5.976.000

17.928.000

4

Chi phí điện, nước để hoạt động xét nghiệm

 

 

 

14.400.000

 

Điện

kw/ năm

6000

1.800

10.800.000

 

Nước

m3/năm

400

9.000

3.600.000

5

Nhiên liệu mô tô thu mẫu

km

3.024

1.000

3.024.000

6

Công tác phí cán bộ thu mẫu

ngày

24

200.000

4.800.000

II

Xử lý, khống chế dịch bệnh

 

 

 

5.000.000

 

Vận chuyển hóa chất dập dịch về địa phương

 

 

 

5.000.000

III

Tập huấn phòng chống dịch bệnh

 

 

 

60.579.000

1

Thuê hội trường

ngày

05

500.000

2.500.000

2

Trang trí hội trường

ngày

05

600.000

3.000.000

3

Bồi dưỡng báo cáo viên

Buổi

10

300.000

3.000.000

4

Phô tô tài liệu và văn phòng phẩm (60 bộ/lớp x 05 lớp)

Bộ

300

30.000

9.000.000

5

Giải khác giữa giờ đại biểu, báo cáo viên, cán bộ (64 người/lớp x 05 lớp)

Người

320

30.000

9.600.000

6

Hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu tham dự (60 người/lớp x 05 lớp)

Người

300

100.000

30.000.000

7

Nhiên liệu ô tô đi tập huấn (quãng đường đi 580 km, định mức khoán nhiên liệu 15 lít/100 km)

lít

87

17.000

1.479.000

8

Công tác phí CB tổ chức, báo cáo viên, lái xe (CBTC: 02, báo cáo viên: 01, lái xe: 01, định mức 100.000 đồng/người/ngày)

Ngày

05

400.000

2.000.000

IV

Kiểm tra phòng chống dịch bệnh

 

 

 

10.216.000

1

Nhiên liệu ô tô đi kiểm tra (15 ngày-120km/ngày, định mức khoán nhiên liệu 15 lít/100km)

lít

248

17.000

4.216.000

2

Công tác phí cán bộ đi kiểm tra (15 ngày, 04 người/ngày)

ngày

15

400.000

6.000.000

V

Dự phòng chi

 

 

 

6.917.000

Tổng cộng (I+II+III+IV+V)

218.000.000

II. QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG

1. Số đợt quan trắc: 02 lần/tháng x 08 tháng = 16 đợt

2. Số lượng các điểm quan trắc: 06 điểm (Sông Cầu) + 03 điểm (Tuy An) + 05 điểm (Đông Hòa) = 14 điểm

3. Số lượng mẫu thực hiện cho thu mẫu định kỳ: 14 điểm x 16 đợt = 224 mẫu. Số lượng mẫu thực hiện cho thu mẫu đột xuất dự kiến: ≥ 20 mẫu.

* Bảng dự trù chi tiết kinh phí Quan trắc môi trường 2017

TT

NỘI DUNG

DIỄN GIẢI

THÀNH TIỀN
(1000đ)

I.

Thuê khoán chuyên môn

 

75.140

1

Lương và các khoản chi theo lương:

01 CBKT-Hợp đồng

53.700

2

Chi phí lấy mẫu:

* Tx. Sông Cầu và huyện Tuy An:

- Dầu xe ôtô: 200km x 0,18l/km x 15.000đ = 540.000đ

- Công tác phí: 03 người x 70.000đ = 210.000đ

-Thuê ghe lấy mẫu: 02 điểm x 100.000đ/điểm = 200.000đ

* Huyện Đông Hòa:

- Xăng xe môtô: 100km x 0,05l/km x 20.000 x 2 xe = 200.000đ

- Công tác phí: 02 người x 70.000đ/người = 140.000đ

* Dụng cụ lấy mẫu và đá lạnh bảo quản mẫu

 

 

16 x 540.000đ


16 x 210.000đ

16 x 200.000đ

 

16 x 200.000đ


16 x 140.000đ


16 x 50.000đ

21.440

15.200

8.640


3.360

3.200


5.440

3.200


2.240


800

II.

Vật tý & Hóa chất phân tích, điện, nước:

> 244 mẫu nước

64.000

 

- Test kit thử nghiệm Hóa lý: Test đo HACH (Từ mục 4-10) bao gồm: NH3, NO2, NO3, PO4, ∑ PO4, ∑ Fe, H2S

- Môi trường nuôi cấy Vi sinh: Tổng Vibrio và Coliforms

- Hóa chất, dụng cụ & vật tư thí nghiệm khác

- Điện, nước phân tích mẫu

- 03 bộ (7 chỉ tiêu)

 

- 02 Chai (2 chỉ tiêu)

 

- Hóa lý và Vi sinh

40.000

 

6.000

 

 3.000

15.000

III.

Xây dựng, sửa chữa nhỏ:

 

25.000

 

- Các thiết bị thí nghiệm xuống cấp:

- Điện nước:

- Xe ôtô đi công tác:

 

15.000

2.000

8.000

IV.

Chi khác:

 

14.000

 

- Chi phí lấy mẫu đột xuất và cộng tác viên

- Đào tạo nâng cao năng lực QTMT.

- Quần áo BHLĐ, làm việc ngoài giờ

 

5.000

6.000

3.000

Tổng cộng

178.140

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 164/KH-UBND năm 2016 phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2017 do tỉnh Phú Yên ban hành

  • Số hiệu: 164/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/11/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Trần Hữu Thế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/11/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản