Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập
- Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2715 TCT/NV6
V
/v trả lời chính sách thuế

Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2001

 

Kính gửi:

Công ty TNHH Hansan
(88 Phố Huế - Q.Hai Bà Trưng - TP. Hà Nội)

Trả lời công văn số 020701/HS ngày 02/07/2001 của Công ty hỏi về chính sách thuế, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1- Căn cứ quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 16 Mục II Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định ban hành kèm theo Quyết định số 166/1999/QĐ-BTC ngày 30/12/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Quyết định số 1141 TC/QĐ-CĐKT ngày 1/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp:

Trường hợp Công ty trả chi phí chuyển giao công nghệ và sử dụng tên hiệu, logo cho hãng nước ngoài:

Nếu chi phí này có giá trị lớn hơn 5.000.000 đ và phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ 1 năm trở lên thì được coi là tài sản cố định vô hình và được hạch toán vào Tài khoản 2138-Tài sản cố định vô hình khác. Thời gian sử dụng tài sản cố định vô hình này do Công ty tự xác định trong khoảng từ 5 năm đến 40 năm. Định kỳ, Công ty trích khấu hao tài sản cố định vô hình vào chi phí sản xuất, kinh doanh.

Nếu khoản chi phí này không thoả mãn đồng thời hai tiêu chuẩn (có giá trị thấp hơn 5.000.000 đ và thời gian sử dụng dưới 1 năm) thì Công ty được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh Công ty.

Trường hợp phí chuyển giao công nghệ và sử dụng tên hiệu được xác định theo số lượng sản phẩm nhập khẩu thì số phí chuyển giao được phân bổ theo số lượng sản phẩm.

2- Trường hợp Công ty uỷ thác cho một số Công ty xuất nhập khẩu (bên nhận uỷ thác) nhập hàng hoá thì khi trả hàng uỷ thác nhập khẩu bên nhận uỷ thác lập hoá đơn GTGT theo quy định tại điểm 5.3 Mục IV Phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính. Hoá đơn này làm cơ sở tính thuế đầu ra đối với bên nhận uỷ thác nhập khẩu và là thuế đầu vào của bên uỷ thác (Công ty). Việc chuyển giao hàng uỷ thác nhập khẩu vào thời điểm nào là phụ thuộc vào thoả thuận của Công ty (bên uỷ thác) và bên nhận uỷ thác.

Nếu bên nhận uỷ thác trả hàng uỷ thác nhập khẩu làm nhiều lần thì lập hoá đơn GTGT giao cho Công ty (bên uỷ thác) ghi số lượng hàng hoá của từng lần thực giao hàng.

3- Trường hợp Công ty (bên uỷ thác) phải trả tiền lãi cho bên nhận uỷ thác do quá trình thanh toán tiền hàng uỷ thác nhập khẩu kéo dài:

- Tiền lãi phải trả của khoản nợ trong hạn thanh toán được tính theo lãi suất trong hạn của Ngân hàng có hoá đơn, chứng từ được tính vào giá trị hàng hoá nhập khẩu.

- Tiền lãi phải trả của khoản nợ quá hạn chưa thanh toán không được tính vào giá trị hàng nhập khẩu theo quy định tại điểm 15 Mục III Phần B Thông tư số 99/1998/TT-BTC ngày 14/07/1998 của Bộ Tài chính.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty được biết và thực hiện./.

 

 

KT/TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Đức Quế

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2715TCT/NV6 trả lời chính sách thuế do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 2715TCT/NV6
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 19/07/2001
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Nguyễn Đức Quế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản