Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Trà Vinh, ngày 27 tháng 02 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

Từ cuối tháng 02 năm 2014, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã xảy ra 25 ổ dịch cúm gia cầm tại 04 huyện, thành phố: Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè và thành phố Trà Vinh với tổng số gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh là 21.925 con, số chết: 16.242 con, số tiêu hủy: 9.484 con. Riêng ngày 26 tháng 02 năm 2014, dịch cúm gia cầm đã phát sinh thêm 2.203 con mắc bệnh tại 6 xã, thị trấn: An Trường, Tân An (huyện Càng Long), Long Thới, thị trấn Cầu Quan (huyện Tiểu Cần), Ninh Thới (huyện Cầu Kè) và Long Đức (thành phố Trà Vinh), hiện nay tình hình dịch bệnh đang có sự diễn biến phức tạp. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương thì việc phát dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh là do nhiều nguyên nhân (khách quan và chủ quan), trong đó nguyên nhân chủ yếu do thời tiết bất lợi làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, việc tái đàn và nuôi tự phát tăng nhanh nên việc thống kê, kiểm soát đàn không kịp thời, thiếu chặt chẽ, công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm chưa đạt yêu cầu nên chưa có miễn dịch bảo hộ; nhánh vi rút 2.3.2.1 xâm nhập vào các tỉnh phía Nam và gây bệnh; tỷ lệ lưu hành vi rút trên đàn thuỷ cầm gần 6%, các hoạt động vận chuyển trong dịp Tết Nguyên Đán, các tỉnh trong khu vực như: Vĩnh Long, Cần Thơ và Cà Mau đang có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày; tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ và ý thức của người nuôi chưa cao đối với công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, ...

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm và nguy cơ bùng phát của dịch cúm gia cầm trên người; để nhanh chóng dập tắt dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công thương, các Sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giáo dục cụ thể bằng mọi hình thức để nhân dân có nhận thức đúng, đầy đủ về tính chất, đặc điểm, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nguy cơ lây truyền dịch bệnh và sẽ xảy ra đại dịch nếu không chấp hành đúng quy định của cơ quan chuyên môn về thú y, y tế, có biện pháp tự bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng, không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm trong thời gian tiêm phòng và khi đang có dịch; đồng thời chủ động tham gia tích cực các biện pháp phòng, chống dịch. Việc tuyên truyền phải đảm bảo kịp thời, chính xác, không gây hoang mang, lo sợ cho người dân.

a) Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Trà Vinh kết hợp việc tuyên truyền công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm với việc thông tin công tác tiêm phòng vắc xin, tiến độ thực hiện tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch cúm gia cầm và nêu gương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt để phát huy, nhân rộng. Công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng mọi hình thức.

b) Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, chỉ đạo theo hệ thống dọc từ tỉnh đến cơ sở thực hiện chiến dịch tuyên truyền bằng hình thức xe lưu động, loa phóng thanh, băng rôn, áp phích, tài liệu bướm.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế chuẩn bị và cung cấp tài liệu thông tin, tuyên truyền.

2. Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng kế hoạch ứng phó nhanh với dịch cúm gia cầm, các chủng vi rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người và chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phát động thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm” từ nay đến hết ngày 21 tháng 3 năm 2014. Nội dung thực hiện cụ thể như sau:

a) Đối với chợ buôn bán, khu vực tập kết, thu gom gia cầm:

- Phân tách khu bán gia cầm riêng biệt tại chợ; bố trí hố khử trùng có chứa vôi bột hoặc thuốc sát trùng tại các lối ra, vào khu vực buôn bán, tập kết, thu gom gia cầm;

- Hàng ngày quét dọn vệ sinh và xử lý chất thải rắn trong chợ bằng biện pháp chôn hoặc đốt; tổ chức phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán, tập kết, thu gom gia cầm và các vật dụng liên quan vào cuối mỗi buổi chợ.

- Định kỳ hàng tuần thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chợ buôn bán, tập kết, thu gom gia cầm và khu vực xung quanh.

b) Đối với phương tiện, dụng cụ chuyên chở gia cầm, sản phẩm gia cầm và thức ăn chăn nuôi: Vệ sinh sạch sẽ, thu gom rác thải, phân để chôn hoặc đốt trước và sau mỗi lần chuyên chở gia cầm, sản phẩm gia cầm, trước khi ra, vào cơ sở chăn nuôi gia cầm, cơ sở giết mổ gia cầm, chợ buôn bán, điểm tập kết, thu gom gia cầm, khu vực tiêu hủy gia cầm.

c) Đối với khu vực tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm: Quét dọn, thu gom phân, rác thải để xử lý chôn hoặc đốt; sau đó phun thuốc khử trùng khu vực nhốt, giữ, khu vực tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm ngay sau khi hoàn thành việc tiêu hủy.

d) Đối với cơ sở, điểm giết mổ gia cầm:

- Nơi nhốt gia cầm chờ giết mổ: Tổ chức vệ sinh, thu gom rác thải để chôn hoặc đốt, sau đó phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực nhốt, giữ gia cầm sau khi gia cầm được đưa đi giết mổ.

- Nơi giết mổ gia cầm: Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca sản xuất và cuối ngày sản xuất, giết mổ.

- Phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng; khơi thông cống rãnh.

- Định kỳ thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ cơ sở, điểm giết mổ gia cầm.

đ) Đối với cơ sở chăn nuôi gia cầm:

- Đối với các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung:

+ Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, hàng ngày quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh.

+ Bố trí hố sát trùng có chứa vôi bột hoặc thuốc sát trùng tại đường vào khu vực chăn nuôi.

+ Định kỳ thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận.

- Đối với hộ gia đình chăn nuôi gia cầm:

+ Hàng ngày quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia cầm; thu gom phân rác, độn chuồng để đốt hoặc chôn.

+ Định kỳ phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia cầm và vùng phụ cận.

- Cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm:

+ Phát quang cây cỏ xung quanh và hàng ngày quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp, thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu hủy.

+ Bố trí hố sát trùng có chứa vôi bột hoặc thuốc sát trùng tại lối ra, vào khu vực ấp nở.

+ Định kỳ phun tiêu độc khử trùng toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp trứng

- Khu vực công cộng, đường làng ngõ xóm:

+ Thường xuyên vệ sinh, quét dọn và thu gom rác thải để xử lý.

+ Định kỳ tổ chức phun tiêu độc, khử trùng.

e) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế chuẩn bị vật tư, hóa chất và nhân lực, cung cấp và hỗ trợ cho các địa phương đảm bảo thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng; đồng thời hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật đúng theo quy định.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh (Khoa Nông nghiệp) trong việc huy động, tập huấn, hướng dẫn lực lượng sinh viên các trường về các quy định phòng, chống dịch cúm gia cầm, kỹ thuật tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, công tác tiêu độc, khử trùng,... để lực lượng này phối hợp, hỗ trợ các địa phương, nhân dân trong việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; trực tiếp tham gia công tác tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng trong “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm”.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đúng theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuyệt đối không giao vắc xin cho người nuôi tự tiêm.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Công an tỉnh phối hợp chỉ đạo, củng cố các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông (thủy, bộ) ra, vào tỉnh và vùng có dịch trong tỉnh để kiểm dịch, kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm. Kiên quyết không cho nhập tỉnh đối với gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; không cho vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào vùng có dịch cúm gia cầm; xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm.

6. Giám đốc Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với cơ quan thú y, y tế kiểm tra việc buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm. Nếu phát hiện gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được kiểm dịch thì xử lý theo quy định của pháp luật về thú y.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương chỉ đạo lực lượng liên ngành kiểm tra chặt chẽ về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm bày bán ở các chợ.

8. Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh cúm gia cầm trên thế giới, trong nước, trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó, dự đoán, dự báo và hướng dẫn cách phòng tránh bệnh cúm A/H5N1, A/H7N9 ở người.

9. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Chấn chỉnh ngay công tác tổ chức chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm tại địa phương; kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các cấp (huyện, thị trấn; xã, phường); lập kế hoạch cụ thể và phân công người chịu trách nhiệm thực hiện từng nội dung chống dịch. Trên cơ sở đó, tổ chức kiểm tra việc thực hiện trên từng địa bàn; đối với các địa phương chưa có dịch cần chú trọng khu vực ổ dịch cũ, cơ sở chăn nuôi, khu vực có nguy cơ cao,...

b) Chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng của địa phương và xây dựng phương án huy động lực lượng để đối phó khi dịch xảy ra;

c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp quản lý chặt chẽ đàn vịt chạy đồng; hướng dẫn, vận động người nuôi hạn chế tối đa việc chăn thả vịt trên các tuyến sông, kênh, rạch có cùng dòng nước đi qua liên xã, liên huyện nhằm hạn chế việc lây lan dịch bệnh.

d) Chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp với lực lượng thú y: Thực hiện nghiêm, chính xác việc rà soát, thống kê tổng đàn vật nuôi hiện có trên địa bàn.

- Tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của người chăn nuôi vịt chạy đồng, kiểm tra các lò ấp trứng gia cầm. Xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm.

- Thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo quy định.

- Thực hiện tốt “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm”.

10. Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức họp giao ban 02 ngày/01 lần (trong thời gian dịch chưa qua 21 ngày) và hàng tuần (thời gian sau 21 ngày) về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh.

11. Thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh được phân công phụ trách địa bàn phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố nơi địa bàn được phân công phụ trách, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn khẩn trương tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phong

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2014 triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

  • Số hiệu: 07/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/02/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
  • Người ký: Nguyễn Văn Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản