Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2006/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 18 tháng 9 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM VÀ CÚM A (H5N1) Ở NGƯỜI

Từ đầu năm đến nay, trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng không xảy ra dịch cúm gia cầm và không có trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) ở người. Do vậy, ở một số địa phương và trong nhân dân đã xuất hiện tư tưởng lơ là chủ quan, buông lỏng công tác phòng chống dịch. Trong khi đó hiện nay dịch cúm gia cầm đang diễn biến hết sức phức tạp, một số nước trong khu vực đã tái bùng phát dịch và phát hiện thêm những bệnh nhân nhiễm và tử vong do virut cúm A (H5N1). Để phát huy những kết quả đã đạt được và kiên quyết không để dịch tái bùng phát, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện và thị xã phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên cần khẩn trương tập trung chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các ban ngành và đoàn thể thuộc địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch do ngành chuyên môn hướng dẫn; tổ chức triển khai nhanh công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt 2 cho đàn gia cầm; xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh theo quy định của Pháp lệnh Thú y; thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ gia cầm và tăng cường quản lý kiểm soát giết mổ, không để xảy ra tình trạng giết mổ trái phép trên địa bàn quản lý. Kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm việc cấm nuôi gia cầm trong nội thị và khu dân cư tập trung.

Trường hợp phát hiện các ổ dịch hoặc nghi ngờ người bệnh mắc cúm A (H5N1) phải báo cáo ngay về Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, Trạm Thú y, Trung tâm Y tế dự phòng để có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời báo cáo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm tỉnh và Sở Y tế để cùng phối hợp và chỉ đạo thực hiện.

Các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm tỉnh với chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công cần tăng cường đôn đốc kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn giúp đỡ UBND các huyện, thị hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng Sở Y tế, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị hướng dẫn nhân dân những biện pháp về phòng chống dịch cúm gia cầm và xử lý ổ dịch theo quy định của Pháp lệnh Thú y; triển khai thực hiện phun thuốc khử trùng tiêu độc các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi, giết mổ gia cầm và chợ buôn bán gia cầm sống; chỉ đạo, giám sát chặt chẽ công tác quản lý chăn nuôi, tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm, chấn chỉnh ngay việc bảo quản và sử dụng vắc xin, chống thất thoát lãng phí; chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch; phân công các thành viên kiểm tra địa bàn nắm tình hình và đôn đốc việc thực hiện.

3. Giao Sở Y tế hướng dẫn những biện pháp phòng tránh lây nhiễm cúm A (H5N1) ở người và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch ở các địa phương; chỉ đạo hệ thống bệnh viện công lập, các cơ sở hành nghề y tế tư nhân hàng ngày phải có báo cáo thống kê số người mắc bệnh viêm phổi cấp tính có liên quan đến virut cúm A (H5N1). Chỉ đạo các cơ sở y tế công lập chuẩn bị dự trữ đủ hóa chất khử khuẩn, thuốc men, phương tiện, thiết bị, các loại vật tư chuyên dụng phòng chống dịch và nguồn nhân lực để chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận bệnh, cấp cứu nhanh và tiếp ứng cho các địa phương khi có bệnh xảy ra, quyết tâm ngăn chặn kịp thời không để phát dịch.

4. Giao Sở Văn hóa – Thông tin, Đài Phát thanh – Truyền hình, Báo Bình Dương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn và các đoàn thể chính trị – xã hội xây dựng các chuyên đề; sử dụng nhiều hình thức phong phú để tổ chức thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm, viêm nhiễm cúm A (H5N1) ở người, các dấu hiệu để phát hiện bệnh, phòng trừ, phòng tránh cho nhân dân. Qua đó nâng cao nhận thức người dân về tác hại của dịch bệnh, không bán chạy gia cầm mắc bệnh, chủ động khai báo và hợp tác với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống dịch.

5. Các ngành Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra giao thông, Chi cục Thú y, các Đội kiểm tra liên ngành phòng chống dịch tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp nhập lậu, vi phạm quy định về vận chuyển, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm; chống người thi hành công vụ, làm dấu giả…; tịch thu, tổ chức tiêu hủy không bồi thường khi phát hiện gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu hoặc nhiễm bệnh.

6. Sở Thương mại – Du lịch tăng cường chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ kiểm tra các chợ đầu mối, các lò giết mổ tập trung, xử lý nghiêm các lò giết mổ không có giấy phép kinh doanh và cố tình vi phạm nhiều lần.

7. Sở Tài chính cùng các ngành liên quan đảm bảo bố trí đủ kinh phí phòng chống dịch và kịp thời theo dự toán được duyệt.

8. Giao Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Sở Y tế phối hợp với các địa phương và các ngành chức năng tổ chức thực hiện Chỉ thị này, thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh biết, tiếp tục chỉ đạo./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Kim Vân

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 32/2006/CT-UBND tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người do tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 32/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/09/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Trần Thị Kim Vân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/09/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 15/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản