Hệ thống pháp luật

Điều 25 Thông tư 63/2017/TT-BTNMT về quy định kỹ thuật đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Điều 25. Các quy định đo vẽ khác

1. Đường bờ nước (là giới hạn lòng chứa nước cao nhất của mặt nước) và đường mép nước (được xác định tại thời điểm đo vẽ) được xác định theo quy định kỹ thuật đo vẽ và thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1: 5000 phần đất liền. Phạm vi đo vẽ phần biển được tính từ đường mép nước trở xuống:

a) Đối với khu vực đo vẽ đã có bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5000 (hoặc tỷ lệ lớn hơn) thì đường mép nước được lấy theo bản đồ địa hình trên phần đất liền đã xuất bản (hoặc được biên vẽ từ bản đồ địa hình tỷ lệ lớn hơn);

b) Đối với khu vực đo vẽ đã có bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10 000, hoặc tỷ lệ nhỏ hơn thì phải xác định phương án thể hiện đường mép nước. Tùy từng khu vực cụ thể, trên cơ sở các bản đồ, hải đồ đã có sẵn phải nêu rõ giải pháp xác định và biểu thị đường mép nước trong TKKT - DT;

c) Cá biệt, những khu vực không thể xác định chính xác đường mép nước tại thời điểm đo vẽ thì đường mép nước được quy định là đường đẳng sâu “0” m căn cứ theo kết quả đo vẽ địa hình đáy biển.

2. Bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm được quy định như sau:

a) Các bãi có diện tích nhỏ hơn 15mm2 trên bản đồ thì không phải thể hiện; các bãi có diện tích từ 15mm2 trở lên trên bản đồ thì phải thể hiện ranh giới bãi và ký hiệu loại bãi; các bãi có diện tích từ 200mm2 trở lên trên bản đồ phải thể hiện điểm cao nhất của bãi bằng ghi chú độ cao hoặc độ sâu tại vị trí tương ứng;

b) Các bãi ngầm và phần ngập nước của các bãi cạn lúc chìm lúc nổi nếu thể hiện được bằng đường đẳng sâu thì phải vẽ đường đẳng sâu và ghi chú độ sâu; phần nổi trên mặt nước của các bãi nếu thể hiện được bằng đường bình độ thì phải vẽ đường bình độ theo quy định đối với bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5000 trên đất liền và ghi chú độ cao.

3. Các địa vật, công trình nhân tạo trên biển:

a) Các công trình kỹ thuật gồm các giàn khoan, nhà giàn, cầu cảng, vách bờ xây công trình, kè đá ven biển, âu thuyền tránh bão;

b) Các công trình xây dựng trên biển gồm các trạm nghiên cứu biển, phao luồng tàu, đăng tiêu, chập tiêu;

c) Các vùng nuôi hải sản trên biển gồm đầm, phá, khoang, lồng, bè nuôi hải sản cố định trên biển; vùng đăng, chắn đánh bắt cá cố định trên biển. Các vùng nuôi hải sản trên biển thể hiện trên bản đồ theo nguyên tắc:

- Đối với các khoang, lồng, bè nuôi hải sản cố định đứng đơn lẻ được thể hiện trên bản đồ theo tỷ lệ hoặc bằng ký hiệu, phụ thuộc vào độ lớn theo quy định tại Điều 7 Thông tư này;

- Đối với các khoang, lồng, bè nuôi hải sản tập trung, tạo thành các khu vực, thì thể hiện trên bản đồ theo nguyên tắc vẽ ranh giới ngoài cùng của toàn bộ khu vực và lựa chọn để thể hiện ghi chú tên loại hải sản chính; ranh giới ngoài cùng lấy theo hồ sơ được cấp phép giao các khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân sử dụng tài nguyên biển;

- Đối với các khoang, lồng, bè nuôi hải sản không được cấp phép thì thể hiện trên bản đồ theo phạm vi đo vẽ thực tế ở thực địa và lựa chọn để thể hiện ghi chú tên loại hải sản chính;

- Đối với đầm, phá có nuôi hải sản phải khoanh vẽ khu vực nuôi hải sản và ghi chú tên loại hải sản chính;

- Đối với các khu vực đăng, chắn đánh bắt hải sản cố định thì không thể hiện chi tiết số lượng, chủng loại phương tiện đánh bắt chỉ thể hiện ký hiệu và đường bao khu vực.

d) Các công trình, địa vật nhân tạo trên biển thể hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này. Các công trình, địa vật có tên riêng thì phải ghi chú tên.

4. Các địa vật, công trình nhân tạo tại đáy biển phải thể hiện trên bản đồ, gồm xác tàu đắm, ống dẫn dầu, ống dẫn khí, cáp tải điện, cáp viễn thông:

a) Nếu có thông tin chi tiết, xác tàu đắm được thể hiện bằng ký hiệu, đặt tại vị trí có xác tàu tại đáy biển, trường hợp khu vực tàu đắm thuộc đối tượng nguy hiểm hàng hải thì phải khoanh bao khu vực nguy hiểm và thể hiện theo quy định kèm ghi chú. Nếu xác tàu đắm được khảo sát bằng hệ thống quét sườn Sonar thì hình dáng tàu được thể hiện theo tỷ lệ, ký hiệu tàu đắm được vẽ tại vị trí tâm tàu;

b) Các đường ống dẫn dầu, ống dẫn khí, cáp tải điện, cáp viễn thông được thể hiện bằng các ký hiệu hình tuyến tương ứng, bảo đảm đúng vị trí; trường hợp không có điều kiện đo vẽ thực địa thì phải căn cứ theo tài liệu thiết kế và bản vẽ hoàn công được lưu trữ tại các cơ quan liên quan để thể hiện lên bản đồ.

5. Các địa vật tự nhiên tại đáy biển:

a) Các địa vật tự nhiên trên biển và tại đáy biển gồm các mỏm đá, khối đá đứng độc lập hoặc tạo thành cụm, khối nổi trên mặt nước hoặc chìm dưới nước;

b) Các địa vật tự nhiên trên biển và tại đáy biển phải được thể hiện trên bản đồ bằng ký hiệu. Khi thể hiện các mỏm đá, khối đá ngoài ký hiệu cần ghi chú rõ độ cao hoặc độ sâu, điểm cao nhất của mỏm đá; trường hợp các mỏm đá có tên riêng thì phải ghi chú tên; trường hợp địa vật thuộc đối tượng nguy hiểm hàng hải thì phải khoanh bao khu vực nguy hiểm và thể hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều này.

6. Các yếu tố hàng hải, hải văn:

a) Các yếu tố hàng hải, hải văn phải thể hiện trên bản đồ gồm luồng tàu thuyền ra vào cảng, luồng tàu thuyền ra vào khu vực cửa sông, phao tiêu, đèn biển, phao luồng, đèn luồng, phao neo thuyền, bến cảng, nơi neo đậu tàu thuyền tránh bão, trạm quan trắc hải văn, các thước đo mực nước thuỷ triều hoặc triều ký tự động;

b) Luồng tàu thuyền ra vào cảng, luồng tàu thuyền ra vào khu vực cửa sông thể hiện bằng ranh giới luồng, mật độ điểm ghi chú độ sâu tại khu vực thuộc ranh giới luồng và luồng phải lớn hơn 1,5 lần theo quy định tại Điều 8 Thông tư này, phải ghi chú tên luồng (nếu có), ghi chú trọng tải tàu thuyền lớn nhất có thể ra vào luồng;

c) Các bến cảng, nơi neo đậu tàu thuyền tránh bão, các trạm quan trắc hải văn, đèn biển, phao tiêu, phao luồng, đèn luồng, phao neo thuyền thể hiện bằng ký hiệu tương ứng trên bản đồ và phải ghi chú tên nếu có tên riêng; đối với nơi neo đậu tàu thuyền tránh bão thì mật độ điểm ghi chú độ sâu phải bảo đảm mật độ lớn hơn 1,5 lần theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

7. Vùng nguy hiểm hàng hải, vùng cấm:

a) Trên bản đồ phải thể hiện ranh giới vùng nguy hiểm hàng hải và các vùng cấm theo quy định của pháp luật về hàng hải;

b) Vùng nguy hiểm hàng hải gồm các khu vực nước xoáy, bãi đá ngầm, xác tàu đắm, các địa vật ngầm hoặc nổi có khả năng gây nguy hiểm cho giao thông hàng hải phải thể hiện bằng khoanh bao ranh giới khu vực nguy hiểm và ghi chú chữ “nguy hiểm” tại vị trí tương ứng. Vùng cấm phải thể hiện bằng khoanh bao ranh giới vùng cấm kèm theo ghi chú chữ “vùng cấm”.

8. Thực vật:

a) Thực vật thể hiện trên bản đồ gồm các vùng cây ngập mặn trên biển, các vùng thực phủ tại đáy biển;

b) Các vùng cây ngập mặn ven biển, ven đảo thể hiện theo quy định đối với phần thực vật, quy định tại quy phạm và quy định kỹ thuật đo vẽ bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5000 và Ký hiệu 1:5000 phần đất liền;

c) Các vùng thực vật tại đáy biển chỉ thể hiện trên bản đồ khi có đầy đủ các thông tin về phạm vi, loại thực vật thông qua công tác khảo sát thực địa, thu thập tư liệu hoặc có thiết bị phụ trợ để phát hiện trong quá trình đo sâu, lấy mẫu chất đáy và phải được quy định cụ thể trong TKKT - DT.

9. Ghi chú địa danh và các ghi chú cần thiết khác:

a) Các địa danh gồm tên biển, tên vũng, vịnh, cửa sông, tên đảo, quần đảo, mũi đất, cồn, bãi, tên các luồng, lạch, đầm, phá ven biển, tên các bến cảng, đèn biển, tên các địa vật tự nhiên và nhân tạo khác phải được thể hiện trên bản đồ bằng kiểu, cỡ chữ tương ứng. Địa danh ghi chú trên bản đồ phải là địa danh được ghi trong Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trường hợp chưa có thông tư về địa danh thì phải lấy theo tên địa danh được các cơ quan hành chính nhà nước công bố; khi một đối tượng có nhiều tên gọi khác nhau, phải nghiên cứu để xác định tên chính thức, trường hợp khó khăn phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ quyết định;

b) Các ghi chú cần thiết khác gồm ghi chú bằng chữ để giải thích tính chất, thuộc tính của địa vật, ghi chú các tham số kỹ thuật của chúng phải được thể hiện trên bản đồ bằng ký hiệu và kiểu cỡ chữ tương ứng với từng loại địa vật;

c) Kiểu, cỡ chữ ghi chú địa danh và các ghi chú cần thiết khác lựa chọn theo quy định của Ký hiệu 1:5000 phần đất liền.

10. Các đường phân chia trên biển

a) Các đường phân chia trên biển gồm đường cơ sở lãnh hải; đường biên giới trên biển; ranh giới vùng đặc quyền kinh tế trên biển; đường phân chia ranh giới trên biển giữa các quốc gia; ranh giới thềm lục địa; đường địa giới hành chính các cấp;

b) Các đường phân chia trên biển đã có đủ cơ sở pháp lý phải được thể hiện đầy đủ trên bản đồ; các đường phân chia trên biển chưa đủ cơ sở pháp lý được thể hiện bằng đường vẽ nháp; phương pháp thể hiện phải được nêu cụ thể trong TKKT - DT.

11. Các điểm kiểm tra thiết bị đo biển phải được thể hiện chính xác trên bản đồ theo kết quả tính toán bình sai các điểm kiểm tra thiết bị đo biển bằng ký hiệu tương ứng của điểm tọa độ nhà nước và ghi chú liên quan.

12. Sử dụng máy GNSS/DGNSS hoặc máy toàn đạc điện tử để xác định ranh giới các bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm, các công trình, các địa vật tự nhiên, nhân tạo ở trên biển, ở dưới đáy biển với độ chính xác theo quy định tại Điều 6 Thông tư này. Chiều cao của địa vật xác định bằng thước dây hoặc đo cao lượng giác. Vị trí của các yếu tố hàng hải, hải văn: đèn biển, phao tiêu, phao luồng, đèn luồng được xác định tại tâm của địa vật.

Thông tư 63/2017/TT-BTNMT về quy định kỹ thuật đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 63/2017/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/12/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 45 đến số 46
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH