Hệ thống pháp luật

Điều 72 Thông tư 222/2009/TT-BTC hướng dẫn thí điểm thủ tục hải quan điện tử do Bộ Tài chính ban hành

Điều 72. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đã xuất khẩu nhưng bị trả lại

1. Các trường hợp hàng hoá đã xuất khẩu bị trả lại, bao gồm:

1.1. Tạm nhập hàng trả lại để sửa chữa, tái chế (gọi chung là tái chế) sau đó tái xuất;

1.2. Tái nhập hàng trả lại để tiêu thụ nội địa (không áp dụng đối với hàng gia công cho doanh nghiệp nước ngoài);

1.3. Tái nhập hàng trả lại để tiêu huỷ tại Việt Nam (không áp dụng đối với hàng gia công cho doanh nghiệp nước ngoài).

2. Nơi làm thủ tục hải quan:

2.1. Chi cục Hải quan đã làm thủ tục xuất khẩu hàng hoá đó;

2.2. Trường hợp một lô hàng bị trả lại là hàng hoá của nhiều lô hàng xuất khẩu thì thủ tục tái nhập được thực hiện tại một trong những Chi cục Hải quan đã làm thủ tục xuất khẩu hàng hoá đó;

2.3. Hàng hoá sau khi tái chế được làm thủ tục tái xuất tại Chi cục Hải quan nơi đã làm thủ tục tái nhập hàng hoá đó. Trường hợp Chi cục Hải quan làm thủ tục tái nhập và tái xuất hàng hoá là Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu (không phải là Chi cục Hải quan cửa khẩu) thì hàng hoá được thực hiện theo thủ tục đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu.

3. Thời hạn tái chế

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập hàng trả lại để tái chế, người khai hải quan phải làm thủ tục hải quan tái xuất toàn bộ sản phẩm tái chế. Trường hợp có lý do chính đáng thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập xem xét gia hạn, mỗi lần tối đa 30 ngày, số lần gia hạn tối đa 02 lần.

Quá thời hạn này mà chưa tái xuất thì cơ quan hải quan xử lý về thuế theo hướng dẫn tại điểm b, điểm c khoản 7 Điều 112 Thông tư số 79/2009/TT-BTC.

4. Thủ tục nhập khẩu hàng trả lại

4.1. Hồ sơ hải quan gồm:

a. Văn bản đề nghị tái nhập hàng hoá, nêu rõ hàng hoá thuộc tờ khai xuất khẩu nào, đã được cơ quan hải quan xét hoàn thuế, không thu thuế và đã kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào với cơ quan thuế chưa? (ghi rõ số quyết định hoàn thuế, không thu thuế) đồng thời nêu rõ lý do tái nhập (để tái chế hoặc để tiêu thụ nội địa hoặc để tiêu huỷ; hàng nhập khẩu để tái chế phải ghi rõ địa điểm tái chế, thời gian tái chế, cách thức tái chế, những hao hụt sau khi tái chế): nộp 01 bản chính;

b. Tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu (trên tờ khai tạm nhập khẩu phải thể hiện thông tin tham chiếu đến tờ khai xuất khẩu trước đó), bản kê chi tiết hàng hoá, vận tải đơn: như đối với hàng hoá nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa;

c. Tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu trước đây: nộp 01 bản sao;

d. Văn bản của bên nước ngoài thông báo hàng bị trả lại: nộp 01 bản chính.

4.2. Cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan như đối với hàng hoá nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa. Hàng tái nhập phải kiểm tra thực tế hàng hoá. Công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hoá phải đối chiếu hàng hoá nhập khẩu với mẫu lưu nguyên liệu (nếu sản phẩm xuất khẩu thuộc loại hình gia công, SXXK và có lấy mẫu nguyên liệu; nguyên liệu không bị biến đổi trong quá trình sản xuất sản phẩm) và hàng hoá mô tả trên tờ khai xuất khẩu để xác định phù hợp giữa hàng hoá nhập khẩu trở lại Việt Nam với hàng hoá đã xuất khẩu trước đây; lấy mẫu hàng tái nhập hoặc chụp hình (đối với lô hàng tạm nhập không thể lấy mẫu được) để đối chiếu khi tái xuất.

5. Thủ tục tái xuất hàng đã tái chế

5.1. Hồ sơ hải quan gồm:

a. Tờ khai hàng hoá xuất khẩu (trên tờ khai tái xuất khẩu phải thể hiện thông tin tham chiếu đến tờ khai tạm nhập khẩu trước đó): nộp 02 bản chính;

b. Tờ khai hàng hoá nhập khẩu (để tái chế): nộp 01 bản sao.

5.2. Cơ quan hải quan làm thủ tục như đối với hàng hoá xuất khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa. Hàng tái xuất phải kiểm tra thực tế hàng hoá, công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hoá phải đối chiếu thực tế hàng tái xuất với mẫu hàng hoá khi tái nhập (hoặc hình ảnh chụp hàng hoá khi làm thủ tục tái nhập).

5.3. Nếu hàng tái chế không tái xuất được thì doanh nghiệp phải có văn bản gửi Chi cục Hải quan làm thủ tục tái nhập giải trình rõ lý do không tái xuất được, trên cơ sở đó đề xuất Chi cục Hải quan làm thủ tục tái nhập xem xét, chấp nhận các hình thức xử lý như sau:

a. Đối với sản phẩm tái chế là hàng gia công:

a.1. Làm thủ tục hải quan theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ để tiêu thụ nội địa, nếu đáp ứng đủ điều kiện như đối với xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP; hoặc

a.2. Tiêu huỷ, nếu bên thuê gia công đề nghị được tiêu huỷ tại Việt Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương cho phép tiêu huỷ tại Việt Nam.

b. Đối với sản phẩm tái chế không phải là hàng gia công thì chuyển tiêu thụ nội địa như hàng tái nhập để tiêu thụ nội địa.

6. Trường hợp hàng tái nhập là sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu; hàng hoá kinh doanh thuộc đối tượng được hoàn thuế nhập khẩu thì Hải quan làm thủ tục tái nhập phải thông báo cho Hải quan làm thủ tục hoàn thuế nhập khẩu biết (nếu 02 đơn vị Hải quan này là 02 Chi cục Hải quan khác nhau) về các trường hợp nêu tại điểm 1.2, 1.3 khoản 1 và điểm 5.3 khoản 5 Điều này hoặc trường hợp quá thời hạn nêu tại khoản 3 Điều này để xử lý thuế theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 7 Điều 112 Thông tư số 79/2009/TT-BTC.

Thông tư 222/2009/TT-BTC hướng dẫn thí điểm thủ tục hải quan điện tử do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 222/2009/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/11/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 581 đến số 582
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH