Hệ thống pháp luật

Điều 29 Thông tư 222/2009/TT-BTC hướng dẫn thí điểm thủ tục hải quan điện tử do Bộ Tài chính ban hành

Điều 29. Quy định về chuyển cửa khẩu

1. Hàng hóa chuyển cửa khẩu

1.1. Hàng hóa xuất khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hóa xuất khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, được vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hóa ở nội địa đến cửa khẩu xuất;

Hàng hoá xuất khẩu miễn kiểm tra thực tế không phải làm thủ tục chuyển cửa khẩu.

1.2. Hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hóa nhập khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, được vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hóa ở nội địa;

Hàng hóa nhập khẩu được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá không phải làm thủ tục chuyển cửa khẩu (trừ hàng hoá phải lấy mẫu tại khu vực ngoài cửa khẩu).

1.3. Hàng hóa nhập khẩu được chuyển cửa khẩu gồm:

a. Thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình được đưa về địa điểm kiểm tra hàng hóa ở nội địa là chân công trình hoặc kho của công trình;

b. Nguyên liệu, vật tư, linh kiện, máy móc, thiết bị, phụ tùng sản xuất được đưa về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hóa là nhà máy, xí nghiệp nơi sản xuất;

c. Hàng hóa nhập khẩu của nhiều chủ hàng có chung một vận tải đơn được đưa về địa điểm kiểm tra tập trung, trạm thu gom hàng lẻ ở nội địa;

d. Hàng hóa tạm nhập để dự hội chợ, triển lãm được chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm; hàng hóa dự hội chợ triển lãm tái xuất được chuyển cửa khẩu từ địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm ra cửa khẩu xuất;

đ. Hàng hoá là thiết bị văn phòng của doanh nghiệp như bàn, ghế, tủ và văn phòng phẩm được đóng chung container với nguyên liệu nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu là tài sản để phục vụ cho hoạt động của chính doanh nghiệp đó, được đăng ký tờ khai hải quan tại Cơ quan hải quan nơi thực hiện thủ tục hải quan điện tử để làm thủ tục chuyển cửa khẩu. Thủ tục hải quan theo đúng loại hình quy định. Nếu hàng hoá thuộc diện phải kiểm tra thì việc kiểm tra thực tế hàng hoá được thực hiện tại địa điểm ghi trong đơn đề nghị chuyển cửa khẩu.

e. Hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất trong khu chế xuất được chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về khu chế xuất; hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất trong khu chế xuất được chuyển cửa khẩu từ khu chế xuất ra cửa khẩu xuất;

g. Hàng hóa nhập khẩu đưa vào kho ngoại quan được phép chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về kho ngoại quan, hàng hóa gửi kho ngoại quan xuất khẩu được chuyển cửa khẩu từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất nếu không thuộc loại: Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hoặc tên gọi xuất xứ Việt Nam; Hàng hoá gây nguy hiểm cho người hoặc ô nhiễm môi trường; Hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

h. Hàng hoá nhập khẩu có vận đơn ghi cảng đích là cảng nội địa (ICD)

h.1. Không được chuyển cửa khẩu về các địa điểm làm thủ tục hải quan, địa điểm kiểm tra thực tế hàng hoá ngoài cửa khẩu. Trừ các ICD thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV - Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại công văn số 7178/VPCP-KTTH ngày 24/10/2008 của Văn phòng Chính phủ.

h.2. Đối với hàng hoá nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất (DNCX); nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công; nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu có vận đơn ghi cảng đích là ICD thì doanh nghiệp được làm thủ tục chuyển cửa khẩu về Chi cục Hải quan quản lý DNCX, Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp đăng ký hợp đồng gia công, Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai nhập sản xuất xuất khẩu để làm tiếp thủ tục hải quan. Đối với hàng hoá thuộc diện phải kiểm tra thực tế, nếu doanh nghiệp đề nghị được kiểm tra thực tế ngay tại ICD thì Chi cục Hải quan ICD tiến hành kiểm tra thực hàng hoá theo đề nghị của Chi cục Hải quan quản lý DNCX, Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp đăng ký hợp đồng gia công, Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai nhập sản xuất xuất khẩu.

i. Hàng hoá chuyển cửa khẩu khác theo quy định pháp luật.

2. Chi cục hải quan cửa khẩu thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hoá trong các trường hợp:

2.1. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan hoặc đảm bảo việc quản lý hải quan. Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu quyết định hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hoá.

2.2. Hàng hoá nhập khẩu thuộc diện được chuyển cửa khẩu nhưng theo quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành phải kiểm tra thực tế tại cửa khẩu nhập.

2.3. Theo đề nghị của Chi cục hải quan nơi thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

2.4. Kết quả kiểm tra tại điểm 2.1, 2.2, 2.3 được cập nhật vào Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc thông báo bằng văn bản cho Chi cục hải quan nơi thực hiện thủ tục hải quan điện tử trong trường hợp không kết nối được với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

3. Đăng ký, quyết định chuyển cửa khẩu hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

3.1. Đăng ký chuyển cửa khẩu cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện đồng thời hoặc sau khi khai tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá. Người khai hải quan phải khai các nội dung đề nghị chuyển cửa khẩu theo bản khai “Đề nghị chuyển cửa khẩu”.

3.2. Quyết định cho phép chuyển cửa khẩu (gồm cả địa điểm, thời gian) hoặc không cho phép được thể hiện tại “Thông báo hướng dẫn làm thủ tục hải quan điện tử” trên hệ thống và được thể hiện trên Tờ khai hải quan điện tử in.

4. Giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu:

4.1. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu phải được chứa trong công ten nơ, thùng, kiện hoặc phải được chứa trong phương tiện vận tải đáp ứng được yêu cầu niêm phong hải quan.

Đối với hàng hóa nhập khẩu không đáp ứng điều kiện niêm phong hải quan (hàng siêu trường, siêu trọng …) và không thể kiểm tra thực tế tại cửa khẩu (hàng có yêu cầu bảo quản đặc biệt ….) thì Chi cục hải quan có hàng chuyển cửa khẩu đi phải thông báo cho Chi cục hải quan nơi có hàng chuyển cửa khẩu đến tình hình hàng hoá vận chuyển không được niêm phong.

4.2. Đối với các lô hàng nhỏ, lẻ nếu không chứa trong công ten nơ phương tiện vận tải đáp ứng yêu cầu niêm phong hải quan thì thực hiện niêm phong từng kiện hàng.

5. Người khai hải quan sử dụng tờ khai hải quan điện tử in đã được cơ quan hải quan cho phép chuyển cửa khẩu để làm chứng từ vận chuyển hàng hoá trên đường. Người khai hải quan chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hoá, nguyên niêm phong hải quan, niêm phong hãng vận tải và đi đúng tuyến đường, địa điểm, cửa khẩu, thời gian như đã đăng ký. Xuất trình và nộp bộ hồ sơ hải quan và hàng hoá chuyển cửa khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu để làm thủ tục theo quy định.

Thông tư 222/2009/TT-BTC hướng dẫn thí điểm thủ tục hải quan điện tử do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 222/2009/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/11/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 581 đến số 582
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH