Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 5 Thông tư 222/2009/TT-BTC hướng dẫn thí điểm thủ tục hải quan điện tử do Bộ Tài chính ban hành

Mục 2. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA CỦA DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN

Điều 58. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp chế xuất được Chính phủ cam kết tạo thuận lợi trong thực hiện thủ tục hải quan hoặc doanh nghiệp chế xuất đáp ứng đủ các điều kiện: hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao; chấp hành tốt pháp luật hải quan; có hệ thống sổ sách kế toán minh bạch.

2. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cung cấp hàng hoá cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ưu tiên. Doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp ưu tiên phải là doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan.

3. Thủ tục hải quan đối với doanh nghiệp ưu tiên được quy định tại Mục 2 Chương V, các thủ tục khác không quy định tại Mục này được quy định tại Mục 1 Chương V.

Điều 59. Thủ tục công nhận doanh nghiệp ưu tiên

1. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiêp chế xuất được ưu tiên, bao gồm:

1.1. Đơn đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên;

1.2. Văn bản của Chính phủ cho phép tạo thuận lợi trong thực hiện thủ tục hải quan (bản sao) và xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu;

1.3. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư doanh nghiệp chế xuất;

2. Trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký và xét công nhận doanh nghiệp ưu tiên:

Tổng cục Hải quan thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký và xét công nhận doanh nghiệp ưu tiên theo trình tự:

2.1. Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký. Trường hợp không chấp nhận có văn bản trả lời nêu rõ lý do;

2.2. Trong thời hạn 30 ngày doanh nghiệp ưu tiên có trách nhiệm cung cấp các thông tin để chứng minh đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 58 Thông tư này. Trường hợp doanh nghiệp ưu tiên không chuẩn bị đủ thông tin trong thời gian yêu cầu thì phải có văn bản đề nghị, Tổng cục Hải quan xem xét gia hạn thời hạn bổ sung thông tin thêm 30 ngày.

Nếu doanh nghiệp ưu tiên không cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu hoặc không làm rõ được các thông tin cần cung cấp hoặc từ chối cung cấp thông tin thì Tổng cục hải quan sẽ có văn bản thông báo từ chối việc xét công nhận doanh nghiệp ưu tiên;

3. Tổng cục Hải quan và những doanh nghiệp đã đáp ứng các điều kiện trên thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ trong đó quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được ưu tiên trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan hải quan quản lý doanh nghiệp. Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Hải quan với doanh nghiệp là cơ sở để thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá của doanh nghiệp ưu tiên.

Điều 60. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp ưu tiên

Ngoài các quyền và nghĩa vụ đã được quy định tại Điều 7 Thông tư này, Doanh nghiệp ưu tiên còn có các quyền và nghĩa vụ sau:

1. Quyền của doanh nghiệp được ưu tiên:

1.1. Được thực hiện thủ tục hải quan điện tử trong thời gian 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần;

1.2. Được khai hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và xuất khẩu ra nước ngoài trên tờ khai điện tử rút gọn, tờ khai tháng theo đúng các tiêu chí và khuôn dạng chuẩn được quy định tại Mẫu “Tờ khai điện tử rút gọn/tờ khai điện tử tháng”;

1.3. Đối với hàng hóa đưa vào doanh nghiệp ưu tiên (đưa từ nội địa, từ doanh nghiệp chế xuất thông thường, từ doanh nghiệp ưu tiên khác, từ kho ngoại quan) doanh nghiệp ưu tiên định kỳ vào 5 ngày đầu của tháng tiếp theo được khai tờ khai điện tử tháng cho tổng lượng hàng hóa nhận được của tháng trước đó theo từng đối tác;

1.4. Doanh nghiệp được ưu tiên đăng ký định mức nguyên liệu, vật tư để sản xuất sản phẩm xuất khẩu đối với các nguyên liệu quản lý theo định mức;

1.5. Được cơ quan hải quan thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận đăng ký, kiểm tra hải quan và chấp nhận ngay trên cơ sở tờ khai điện tử đơn giản, tờ khai tháng, định mức nguyên liệu, vật tư đăng ký theo Mẫu “Thông báo chấp nhận/từ chối cho phép đưa hàng vào nội địa, đưa hàng vào doanh nghiệp chế xuất”;

1.6. Được kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hoá tại trụ sở của doanh nghiệp ưu tiên hoặc tại địa điểm khác do doanh nghiệp ưu tiên đăng ký và được cơ quan hải quan chấp nhận;

1.7. Được sử dụng Lệnh thông quan in ra từ hệ thống khai hải quan điện tử theo Mẫu Phiếu giải phóng hàng hoá đã đăng ký với cơ quan hải quan (không cần đóng dấu, chữ ký của đại diện doanh nghiệp) đối với lô hàng đã được cơ quan hải quan chấp nhận thông quan trên hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử để thông quan hàng hoá và làm chứng từ vận chuyển hàng hóa trên đường;

1.8. Được sử dụng hóa đơn in ra từ hệ thống, đóng dấu, ký tên của đại diện doanh nghiệp để thông quan hàng hóa trường hợp Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan có sự cố, tạm dừng hoạt động.

2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp ưu tiên:

2.1. Đăng ký định mức nguyên liệu, vật tư đối với các nguyên liệu doanh nghiệp quản lý theo định mức đúng thực tế và chịu trách nhiệm về định mức nguyên liệu, vật tư đã đăng ký;

2.2. Đối với các nguyên liệu doanh nghiệp không quản lý theo định mức thì doanh nghiệp thông báo bằng văn bản cơ chế sử dụng, quản lý và phương pháp tính toán nguyên liệu tiêu hao, hải quan sẽ quản lý dựa trên thực tế quản lý từng loại nguyên liệu đó của doanh nghiệp;

2.3. Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết theo yêu cầu của cơ quan hải quan để xem xét, đánh giá trong quá trình đánh giá sự tuân thủ của Doanh nghiệp;

2.4. Chấp hành yêu cầu kiểm tra, thẩm định sự tuân thủ định kỳ theo kế hoạch có thông báo trước hoặc yêu cầu kiểm tra đột xuất của cơ quan hải quan;

2.5. Xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận quản lý kho với bộ phận làm thủ tục xuất nhập khẩu để kịp thời khai báo bổ sung với cơ quan hải quan trường hợp có sự không phù hợp giữa thông tin khai báo và thực tế nhận hàng hóa;

2.6. Đối chiếu giữa thông tin khai báo của doanh nghiệp đối tác do cơ quan hải quan phản hồi với thực tế nhận hàng. Trường hợp phát hiện không phù hợp trong vòng 1 ngày doanh nghiệp ưu tiên phải thông báo ngay với cơ quan hải quan. Trong vòng 2 ngày kể từ ngày phát hiện không phù hợp Doanh nghiệp ưu tiên làm việc, trao đổi với đối tác làm rõ nội dung sai lệch và yêu cầu đối tác khai bổ sung với cơ quan hải quan;

2.7. Cung cấp, cập nhật thường xuyên danh sách các đối tác và gửi văn bản cho cơ quan hải quan để xem xét chấp nhận. Yêu cầu đối tác thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục hải quan quản lý doanh nghiệp ưu tiên;

2.8. Cùng cơ quan hải quan kiểm soát để các đối tác tuân thủ pháp luật hải quan;

2.9. Thực hiện đúng, đầy đủ các cam kết trong biên bản ghi nhớ đã ký kết với cơ quan hải quan. Doanh nghiệp ưu tiên phải đảm bảo các điều kiện phù hợp với yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan đơn giản.

Điều 61. Thủ tục bãi bỏ công nhận doanh nghiệp ưu tiên:

1. Đối với doanh nghiệp được ưu tiên

1.1 Trường hợp bãi bỏ:

Vi phạm một trong các nghĩa vụ được quy định trong biên bản ghi nhớ, các điều kiện quy định tại Điều 58 Thông tư này và không duy trì được các điều kiện quy định tại Điều 60 Thông tư này sẽ bị bãi bỏ công nhận doanh nghiệp ưu tiên;

1.2. Thủ tục bãi bỏ:

a. Khi có đủ cơ sở xác định doanh nghiệp ưu tiên đã vi phạm các nghĩa vụ quy định của doanh nghiệp ưu tiên, cơ quan hải quan nơi lập biên bản vi phạm quyết định tạm dừng quyền hưởng các ưu tiên thủ tục hải quan của doanh nghiệp ưu tiên tại địa bàn quản lý của mình, có ngay báo cáo kèm hồ sơ gửi Tổng cục Hải quan.

Tổng cục hải quan xem xét, quyết định tạm dừng quyền hưởng ưu tiên về thủ tục hải quan của doanh nghiệp ưu tiên đó trên phạm vi toàn quốc. Trường hợp xác định doanh nghiệp ưu tiên đã vi phạm điều kiện được hưởng ưu tiên về thủ tục, Tổng cục Hải quan ra quyết định bãi bỏ công nhận doanh nghiệp chế xuất được hưởng ưu tiên thủ tục hải quan.

b. Khi có thông tin về dấu hiệu vi phạm các nghĩa vụ của doanh nghiệp ưu tiên, cơ quan hải quan nơi có thông tin gửi ngay báo cáo kèm hồ sơ đến Tổng cục Hải quan để tiến hành các biện pháp xác minh làm rõ, kiểm tra đột xuất nếu cần thiết;

Trường hợp xác minh doanh nghiệp ưu tiên không vi phạm các nghĩa vụ, Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo cho cơ quan hải quan nơi gửi báo cáo biết;

Trường hợp xác định doanh nghiệp ưu tiên vi phạm các nghĩa vụ, Tổng cục hải quan thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định tại Điểm a Khoản này.

2. Đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cung cấp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ưu tiên.

Vi phạm một trong các nghĩa vụ được quy định tại Điều 62 Thông tư này sẽ bị xóa tên khỏi danh sách được hưởng ưu tiên thủ tục hải quan.

Điều 62. Quyền và nghĩa vụ của đối tác cung cấp cho doanh nghiệp ưu tiên

1. Quyền của đối tác cung cấp cho doanh nghiệp ưu tiên:

1.1. Được thực hiện thủ tục hải quan điện tử trong thời gian 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần cho hàng hóa mà đối tác cung cấp cho doanh nghiệp ưu tiên;

1.2. Được khai hải quan trên tờ khai điện tử rút gọn theo đúng các tiêu chí và khuôn dạng chuẩn được quy định tại Mẫu “Tờ khai điện tử rút gọn/tờ khai điện tử tháng” đối với các hàng hóa mà đối tác cung cấp cho doanh nghiệp ưu tiên;

1.3. Được cơ quan hải quan thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận đăng ký, kiểm tra hải quan và chấp nhận ngay trên cơ sở tờ khai điện tử đơn giản theo Mẫu “Thông báo chấp nhận/từ chối cho phép đưa hàng vào nội địa, đưa hàng vào doanh nghiệp chế xuất” đối với các hàng hóa mà đối tác cung cấp cho doanh nghiệp ưu tiên.

2. Nghĩa vụ của đối tác cung cấp hàng cho doanh nghiệp ưu tiên:

2.1. Đối tác của doanh nghiệp ưu tiên phải tự khai và tự chịu trách nhiệm đối với việc làm thủ tục hải quan đơn giản. Các đối tác của doanh nghiệp ưu tiên chỉ được hưởng các quyền nêu tại Khoản 1 Điều 62 đối với hàng hóa phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp ưu tiên;

2.2. Trường hợp có sự không phù hợp về thông tin khai của đối tác và thực tế nhận hàng của doanh nghiệp ưu tiên, đối tác của doanh nghiệp ưu tiên có nghĩa vụ báo cáo kết quả làm việc với doanh nghiệp ưu tiên cho Chi cục hải quan quản lý doanh nghiệp ưu tiên và khai bổ sung trong thời gian quy định (nếu có).

Điều 63. Trách nhiệm của cơ quan hải quan trong quản lý doanh nghiệp ưu tiên

1. Kiểm tra, chấp nhận định mức nguyên liệu, vật tư do doanh nghiệp ưu tiên khai;

2. Kiểm tra, tiếp nhận tờ khai điện tử rút gọn; chấp nhận thông quan hàng hoá ngay đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và xuất khẩu ra nước ngoài, hàng hóa đưa vào từ doanh nghiệp chế xuất giao hàng, hàng hóa đưa vào từ kho ngoại quan; gửi thông báo chấp nhận thông quan hàng hóa đồng thời cho người khai và doanh nghiệp ưu tiên;

3. Kiểm tra, tiếp nhận đăng ký và thông báo chấp nhận ngay thông tin khai tờ khai điện tử tháng của doanh nghiệp ưu tiên;

4. Nhận thông báo từ doanh nghiệp ưu tiên về các thông tin khai không phù hợp của đối tác. Sau 03 ngày kể từ ngày nhận được thông báo mà Chi cục hải quan quản lý doanh nghiệp ưu tiên không nhận được báo cáo kết quả làm việc giữa Doanh nghiệp ưu tiên và đối tác thì yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên, đối tác đến Chi cục hải quan quản lý doanh nghiệp ưu tiên làm việc và xử lý theo quy định.

Quá 02 lần đối với cùng một đối tác mà không thực hiện khai bổ sung trong thời gian cho phép mà không có lý do chính đáng, Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp ưu tiên có quyền đề nghị Tổng cục Hải quan không cho phép đối tác cung cấp hàng cho doanh nghiệp ưu tiên được thực hiện thủ tục hải quan đơn giản;

5. Chi cục trưởng chi cục hải quan nơi thực hiện thủ tục hải quan điện tử quản lý doanh nghiệp ưu tiên quyết định kiểm tra thực tế hàng hoá của doanh nghiệp ưu tiên trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan;

6. Thông báo cho doanh nghiệp ưu tiên biết hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan có sự cố, tạm dừng hoạt động;

7. Cho phép giải phóng hàng trên cơ sở hóa đơn do người khai xuất trình trong trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử có sự cố, tạm dừng hoạt động. Chi cục hải quan quản lý doanh nghiệp ưu tiên thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin trên hóa đơn với thông tin do doanh nghiệp chế xuất cập nhật vào hệ thống sau khi hệ thống hoạt động trở lại;

8. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của doanh nghiệp ưu tiên, Tổng Cục Hải quan trả lời cho doanh nghiệp ưu tiên những đối tác được chấp nhận, những đối tác không được chấp nhận thực hiện thủ tục hải quan đơn giản, nêu rõ lý do.

Thông tư 222/2009/TT-BTC hướng dẫn thí điểm thủ tục hải quan điện tử do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 222/2009/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/11/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 581 đến số 582
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH