Hệ thống pháp luật

Điều 32 Thông tư 222/2009/TT-BTC hướng dẫn thí điểm thủ tục hải quan điện tử do Bộ Tài chính ban hành

Điều 32. Thủ tục đăng ký, sửa đổi hợp đồng, phụ lục hợp đồng gia công

1. Nơi làm thủ tục hải quan: Người khai hải quan thực hiện việc đăng ký hợp đồng gia công tại cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử nơi thuận tiện nhất.

2. Thủ tục đăng ký hợp đồng gia công

2.1. Trách nhiệm của doanh nghiệp

a. Trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên của hợp đồng gia công, người khai hải quan phải khai thông tin về hợp đồng gia công kèm theo các thông tin về danh mục, định mức, giấy phép (nếu có) theo đúng các tiêu chí và khuôn dạng chuẩn quy định tại Phụ lục I Thông tư này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã khai.

Tất cả các tiêu chí về tên gọi, mã nguyên liệu, vật tư, máy móc, hàng mẫu; mã HS; đơn vị tính, người khai hải quan phải khai thống nhất từ khi nhập khẩu nguyên liệu đến khi thanh khoản hợp đồng gia công;

Trường hợp một loại nguyên liệu ban đầu được tách ra thành nhiều nguyên liệu để sản xuất ra nhiều loại sản phẩm (như mặt hàng thuỷ sản), nguyên liệu ban đầu dưới đây được gọi là nguyên liệu gốc; các nguyên liệu được chế biến từ nguyên liệu gốc dưới đây được gọi là nguyên liệu thành phần; sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng là sản phẩm tạo nên từ bản thân nguyên liệu thành phần hoặc từ sự kết hợp giữa nguyên liệu thành phần với các nguyên liệu khác. Cả nguyên liệu gốc và nguyên liệu thành phần đều phải được đăng ký trên danh mục nguyên liệu nhập khẩu.

b. Tiếp nhận thông tin phản hồi từ cơ quan hải quan:

b.1. Nhận “Thông báo từ chối hợp đồng gia công” theo Mẫu Thông báo gia công, và sửa đổi, bổ sung thông tin về hợp đồng gia công theo yêu cầu của cơ quan hải quan.

b.2. Nhận “Thông báo hướng dẫn làm thủ tục đăng ký hợp đồng gia công” theo Mẫu Thông báo gia công và thực hiện các công việc dưới đây:

b.2.1. Đối với hợp đồng gia công được chấp nhận đăng ký trên cơ sở thông tin khai hải quan điện tử thì người khai hải quan căn cứ hợp đồng đã được chấp nhận đăng ký để thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu;

b.2.2. Trường hợp cơ quan hải quan yêu cầu phải nộp/ xuất trình hồ sơ để kiểm tra thì người khai hải quan nộp/ xuất trình hồ sơ gồm:

- Hợp đồng gia công và các phụ lục hợp đồng (nếu có): nộp 02 bản (01 bản Hải quan lưu và 01 bản trả lại cho doanh nghiệp sau khi đăng ký hợp đồng). Nếu hợp đồng gia công không được lập bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt thì phải dịch ra tiếng Việt, doanh nghiệp nhận gia công chịu trách nhiệm về tính trung thực của bản dịch: nộp 01 bản;

- Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền đối với hàng hoá gia công thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép: nộp 01 bản sao, xuất trình bản chính;

- Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu (đối với trường hợp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu gia công) của Sở Tài nguyên và môi trường nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp cấp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2007/TT-LT-BCT-BTNMT ngày 30/8/2007 của liên Bộ Công Thương-Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Những doanh nghiệp lần đầu thực hiện hợp đồng gia công thì phải nộp các chứng từ sau:

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: nộp 01 bản sao;

Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế: nộp 01 bản sao;

Văn bản giải trình về việc đủ năng lực thực hiện hợp đồng gia công và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2.2. Nhiệm vụ của cơ quan hải quan

a. Cơ quan hải quan kiểm tra, tiếp nhận đăng ký hợp đồng gia công thông qua hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử và hồ sơ do doanh nghiệp nộp/xuất trình.

b. Kiểm tra cơ sở sản xuất

b.1. Trường hợp phải kiểm tra cơ sở sản xuất:

Khi doanh nghiệp lần đầu đăng ký hợp đồng gia công hoặc trong quá trình sản xuất nếu cơ quan Hải quan chưa có thông tin rõ ràng về cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất thì tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.

b.2. Thẩm quyền quyết định kiểm tra cơ sở sản xuất của doanh nghiệp là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công.

b.3. Xử lý kết quả kiểm tra cơ sở sản xuất đối với các trường hợp không đảm bảo điều kiện thực hiện hợp đồng gia công:

b.3.1. Đối với trường hợp chưa đăng ký hợp đồng: Cơ quan Hải quan không thực hiện đăng ký hợp đồng gia công.

b.3.2. Đối với trường hợp đã đăng ký hợp đồng gia công:

Trường hợp doanh nghiệp không có cơ sở sản xuất hoặc cơ sở sản xuất chưa đảm bảo các điều kiện sản xuất sản phẩm (bao gồm cả cơ sở sản xuất của bên nhận gia công lại) thì cơ quan hải quan tạm dừng làm thủ tục nhập khẩu đối với nguyên liệt, vật tư để thực hiện hợp đồng gia công, yêu cầu doanh nghiệp giải trình và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm xử lý theo quy định của pháp luật.

b.4. Đối với hợp đồng gia công đăng ký tại Cơ quan hải quan quản lý hợp đồng gia công nhưng cơ sở sản xuất hoặc trụ sở của doanh nghiệp đóng trên địa bàn của Chi cục hải quan khác thì việc kiểm tra cơ sở sản xuất do Tổng cục hải quan quy định.

3. Đăng ký phụ lục hợp đồng gia công

3.1. Các loại phụ lục hợp đồng gia công khai đến cơ quan hải quan

a. Nhóm phụ lục sửa đổi hợp đồng:

a.1. Phụ lục sửa thông tin chung của hợp đồng;

a.2. Phụ lục hủy hợp đồng.

b. Nhóm phụ lục bổ sung danh mục:

b.1. Bổ sung danh mục nguyên liệu, vật tư;

b.2. Bổ sung danh mục sản phẩm xuất khẩu;

b.3. Bổ sung danh mục thiết bị tạm nhập khẩu để phục vụ gia công;

b.4. Bổ sung danh mục hàng mẫu nhập khẩu.

c. Nhóm phụ lục sửa đổi danh mục:

c.1. Sửa đổi mã hàng (nguyên liệu, vật tư nhập khẩu; sản phẩm xuất khẩu; thiết bị tạm nhập khẩu; hàng mẫu nhập khẩu);

c.2. Sửa đổi đơn vị tính (nguyên liệu, vật tư nhập khẩu; sản phẩm xuất khẩu; thiết bị tạm nhập khẩu; hàng mẫu nhập khẩu).

3.2. Trách nhiệm của doanh nghiệp

a. Sau khi đăng ký hợp đồng đến trước thời điểm hết hạn hợp đồng gia công, người khai hải quan phải tạo thông tin và khai theo các tiêu chí thông tin quy định tại mẫu Phụ lục hợp đồng;

b. Tiếp nhận thông tin phản hồi từ cơ quan hải quan;

c. Nộp/xuất trình các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng gia công khi cơ quan hải quan yêu cầu.

3.3. Nhiệm vụ của cơ quan hải quan: thực hiện như thủ tục đăng ký hợp đồng gia công.

4. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công

4.1. Sửa đổi, bổ sung trên cơ sở văn bản thỏa thuận của doanh nghiệp với đối tác thuê gia công:

a. Đối với các thông tin chung của hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công: việc sửa đổi, bổ sung được thực hiện từ khi đăng ký hợp đồng/phụ lục hợp đồng đến trước thời điểm hết hạn hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công;

b. Đối với các nội dung còn lại của hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công: việc sửa đổi, bổ sung được thực hiện thông qua các phụ lục hợp đồng trước khi làm thủ tục nhập khẩu hoặc xuất khẩu liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung đó;

c. Trường hợp phát hiện sai sót trong khai báo hợp đồng/phụ lục hợp đồng ngoài thời điểm quy định nêu trên, người khai hải quan được phép sửa đổi nội dung đã khai nếu có cơ sở và được Chi cục trưởng Chi cục hải quan nơi quản lý hợp đồng chấp nhận;

d. Thủ tục sửa đổi, bổ sung hợp đồng/phụ lục hợp đồng thực hiện như thủ tục đăng ký hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công.

4.2. Sửa đổi, bổ sung do doanh nghiệp nhầm lẫn trong khai báo hoặc phục vụ yêu cầu quản lý của hải quan:

a. Sau khi đăng ký hợp đồng đến trước thời điểm hết hạn hợp đồng gia công, người khai hải quan tạo thông tin và khai theo các tiêu chí thông tin quy định tại mẫu Phụ lục hợp đồng;

b. Doanh nghiệp phải xuất trình các chứng từ có liên quan đến nội dung sửa đổi khi cơ quan hải quan yêu cầu ;

c. Thủ tục sửa đổi, bổ sung thực hiện tương tự thủ tục đăng ký phụ lục hợp đồng gia công quy định tại khoản 3 Điều này.

Thông tư 222/2009/TT-BTC hướng dẫn thí điểm thủ tục hải quan điện tử do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 222/2009/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/11/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 581 đến số 582
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH