Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 12-CP năm 1997 Hướng dẫn Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Chương 3:

CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ NHẬP KHẨU THIẾT BỊ, MÁY MÓC

Điều 37.-

1- Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi và bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của bên chuyển giao công nghệ để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam; khuyến khích và ưu đãi đối với chuyển giao nhanh công nghệ, đặc biệt là công nghệ tiên tiến.

2- Công nghệ chuyển giao vào Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Là công nghệ tạo ra sản phẩm mới và cần thiết tại Việt Nam hoặc sản xuất hàng xuất khẩu;

b) Nâng cao tính năng kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất;

c) Tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Nghiêm cấm việc chuyển giao công nghệ có ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, an toàn lao động.

Điều 38.-

1- Việc chuyển giao công nghệ được thực hiện dưới hình thức góp vốn hoặc mua công nghệ trên cơ sở hợp đồng chuyển giao công nghệ. Bên chuyển giao công nghệ phải có công nghệ một cách hợp pháp.

2- Giá trị công nghệ chuyển giao dùng để góp vốn do các bên thoả thuận và trong mọi trường hợp không vượt quá 20% vốn pháp định.

3- Khi góp vốn bằng công nghệ, nhà đầu từ phải lập hồ sơ chuyển giao công nghệ. Hồ sơ chuyển giao công nghệ được gửi kèm theo hồ sơ dự án xin cấp Giấy phép đầu tư và phải có các tài liệu liên quan đến sở hữu công nghiệp, văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và các văn bản xác nhận về tính năng kỹ thuật, nguyên tắc thoả thuận giá trị công nghệ của các bên liên doanh.

Việc góp vốn bằng công nghệ phải được Cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ và môi trường xem xét chấp thuận.

4- Việc chuyển giao công nghệ dưới hình thức mua công nghệ được thực hiện trên cơ sở hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Điều 39.-

1- Căn cứ vào tính chất hoạt động, trình độ công nghệ và mức độ tác động môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường công bố danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Việc lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2- Đối với các dự án ngoài danh mục nói trên, trong hồ sơ xin phép đầu tư, nhà đầu tư chỉ cần giải trình các yếu tố có thể ảnh hưởng đến môi trường, nêu các giải pháp xử lý và cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và hoạt động kinh doanh.

3- Trường hợp nhà đầu tư áp dụng tiêu chuẩn môi trường tiên tiến của quốc tế trong quá trình xây dựng và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thì chỉ cần đăng ký với Cơ quan quản lý Nhà nước về công nghệ và môi trường.

Điều 40.-

1- Thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu vào Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư phải bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, phù hợp với yêu cầu sản xuất, yêu cầu về bảo vệ môi trường, an toàn lao động nêu trong giải trình kinh tế - kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật và các quy định về nhập khẩu thiết bị, máy móc.

2- Thiết bị, máy móc nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư phải được giám định giá trị, chất lượng trước khi nhập khẩu hoặc trước khi lắp đặt.

3- Đối với những dự án đã hoàn thành lắp đặt, xây dựng công trình mà chưa tiến hành giám định theo quy định của Nghị định này, thì việc giám định giá trị thiết bị, máy móc do Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư quyết định nếu xét thấy cần thiết.

4- Tổ chức thực hiện giám định giá trị thiết bị, máy móc nhập khẩu có thể là công ty giám định Việt Nam, công ty giám định liên doanh, công ty giám định 100% vốn nước ngoài hoặc công ty giám định ở nước ngoài. Nhà đầu tư phải cung cấp thông tin cho Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư về công ty giám định mà mình lựa chọn.

Tổ chức giám định phải chịu trách nhiệm pháp lý và vật chất về kết quả giám định. Trong trường hợp kết quả giám định thấp hơn giá trị được nhà đầu tư báo cáo, thì nhà đầu tư phải điều chỉnh lại giá trị thực hiện theo kết quả đó. Nếu phát hiện nhà đầu tư có gian lận, thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

5- Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư có thể chỉ định giám định hoặc yêu cầu giám định lại giá trị các thiết bị, máy móc nhập khẩu.

Nghị định 12-CP năm 1997 Hướng dẫn Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

  • Số hiệu: 12-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 18/02/1997
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 01/03/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH