Hệ thống pháp luật

Chương 12 Nghị định 12-CP năm 1997 Hướng dẫn Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Chương 12:

QUY ĐỊNH VỀ HÌNH THÀNH, THẨM ĐỊNH CẤP GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ VÀ TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Điều 91.- Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp các thông tin cần thiết và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư lựa chọn cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Điều 92.-

1- Sau khi nhận được hồ sơ dự án theo quy định tại các Điều 10, 13 và 27 của Nghị định này, Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư tổ chức thẩm định dự án.

2- Nội dung thẩm định dự án đầu tư gồm:

Tư cách pháp lý, năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam;

Mức độ phù hợp mục tiêu dự án với quy hoạch;

Lợi ích kinh tế - xã hội (khả năng tạo năng lực sản xuất mới, ngành nghề mới và sản phẩm mới; mở rộng thị trường; khả năng tạo việc làm cho người lao động; lợi ích kinh tế của dự án và các khoản nộp cho ngân sách,...);

Trình độ kỹ thuật và công nghệ áp dụng, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái;

Tính hợp lý của việc sử dụng đất, phương án đền bù giải phóng mặt bằng, định giá tài sản góp vốn của Bên Việt Nam (nếu có);

Điều 93.- Thẩm quyền xét duyệt dự án đầu tư được quy định như sau:

1- Thủ tướng Chính phủ quyết định các dự án nhóm A gồm:

Xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, các dự án BOT, BTO, BT;

Các dự án có vốn đầu tư từ 40 triệu đô la Mỹ trở lên thuộc các ngành điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, xi măng, hoá chất, cảng biển, sân bay, khu văn hoá, du lịch, kinh doanh bất động sản;

Các dự án vận tải biển, hàng không;

Các dự án bưu chính, viễn thông;

Các dự án văn hoá, xuất bản, báo chí, truyền thanh, truyền hình, đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế;

Các dự án về bảo hiểm, tài chính, kiểm toán, giám định;

Các dự án khai thác tài nguyên quý hiếm;

Các dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;

Các dự án sử dụng đất đô thị từ 5 ha trở lên và các loại đất khác từ 50 ha trở lên.

2- Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định dự án nhóm B (dự án nhóm B là các dự án không quy định tại khoản 1 của Điều này), trừ những dự án quy định tại khoản 3 của Điều này và những dự án uỷ quyền cho Ban quản lý Khu công nghiệp cấp Giấy phép đầu tư;

3- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với những dự án được Chính phủ quyết định phân cấp cấp Giấy phép đầu tư.

Điều 94.-

1- Việc thẩm định dự án được quy định như sau:

Đối với dự án nhóm A, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trường hợp có ý kiến khác nhau về những vấn đề quan trọng của dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng tư vấn gồm đại diện có thẩm quyền của các cơ quan có liên quan và chuyên gia để xem xét dự án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ có thể yêu cầu Hội đồng thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư nghiên cứu và tư vấn để Thủ tướng Chính phủ quyết định;

Đối với dự án nhóm B, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước khi xem xét, quyết định.

2- Thời hạn thẩm định dự án cụ thể như sau:

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nội dung dự án thuộc phạm vi quản lý của mình; quá thời hạn trên mà không có ý kiến bằng văn bản thì coi như chấp thuận nội dung dự án.

- Đối với dự án nhóm A, trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình ý kiến thẩm định lên Thủ tướng Chính phủ. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy phép đầu tư;

- Đối với dự án nhóm B, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành việc thẩm định dự án và cấp Giấy phép đầu tư.

Trong thời hạn 7 ngày sau khi hết thời hạn quy định nêu trên, mà không cấp Giấy phép đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư nêu rõ lý do, đồng sao gửi cho các cơ quan có liên quan.

Thời hạn trên không kể thời gian nhà đầu tư được phép sửa đổi, bổ sung hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư.

Mọi yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với nhà đầu tư về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ dự án được thực hiện trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ.

3- Giấy phép đầu tư được sao gửi cho các cơ quan có liên quan.

4- Việc thẩm định và cấp Giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại Điều 100 của Nghị định này.

5- Việc thẩm định và cấp Giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp, Khu chế xuất được thực hiện theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này và theo quy định của Chính phủ về Khu công nghiệp, Khu chế xuất.

Điều 95.-

1- Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành, triển khai và thực hiện dự án đầu tư gồm:

Hướng dẫn, phối hợp các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc lập quy hoạch, kế hoạch và lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư;

Chủ trì thẩm định, cấp Giấy phép đầu tư và điều chỉnh Giấy phép đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền;

Hoà giải tranh chấp khi có yêu cầu;

Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các dự án đầu tư;

Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án đã được cấp Giấy phép đầu tư;

Quyết định giải thể doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh trước thời hạn đối với các dự án thuộc thẩm quyền.

2- Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tình hình cấp Giấy phép đầu tư và hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo định kỳ (6 tháng, hàng năm).

Điều 96.- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm:

Tham gia ý kiến trong việc thẩm định dự án, điều chỉnh Giấy phép đầu tư;

Ban hành và hướng dẫn việc thực hiện chính sách, tiêu chuẩn về kỹ thuật, công nghệ và môi trường;

Kiểm tra chuyên ngành; đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý ngành.

Điều 97.- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

1- Chủ trì thẩm định, cấp Giấy phép đầu tư và điều chỉnh Giấy phép đầu tư đối với dự án thuộc thẩm quyền; tham gia thẩm định dự án đầu tư tại địa phương;

2- Thực hiện việc quản lý nhà nước đối với mọi dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn lãnh thổ theo các nội dung sau đây:

Giám sát việc thực hiện góp vốn, thực hiện các quy định của Giấy phép đầu tư và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

Giám sát việc thực hiện các quy định về nghĩa vụ tài chính, quan hệ lao động tiền lương, trật tự an toàn xã hội, và bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống cháy nổ;

Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tổ chức thực hiện việc giải phóng mặt bằng; cho phép đặt trụ sở, chi nhánh; đăng ký cư trú đi lại cho người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp; giới thiệu lao động Việt Nam cho các đoanh nghiệp; đăng ký hành nghề,...;

Tham gia cùng các Bộ, ngành kiểm tra, thanh tra chuyên ngành hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn lãnh thổ.

Điều 98.-

1- Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các Bên hợp doanh phải bảo đảm thực hiện đúng chức năng, đúng thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật.

Việc thanh tra, kiểm tra được tiến hành theo định kỳ hoặc bất thường; việc thanh tra, kiểm tra bất thường chỉ thực hiện khi hoạt động của doanh nghiệp, các bên hợp doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Các cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng của mình trước khi thanh tra, kiểm tra chuyên ngành cần thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án đầu tư biết để phối hợp.

2- Tổ chức, cá nhân ra quyết định thực hiện việc kiểm tra không đúng pháp luật hoặc lợi dụng kiểm tra, thanh tra gây sách nhiễu, phiền hà cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3- Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định cụ thể về việc tổ chức, phối hợp công tác kiểm tra, thanh tra đối với các hoạt động đầu tư nước ngoài.

Nghị định 12-CP năm 1997 Hướng dẫn Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

  • Số hiệu: 12-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 18/02/1997
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 01/03/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH