Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 7-TT/NH7

Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 1994

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 7-TT/NH7 NGÀY 26-3-1994 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ VAY VÀ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

Căn cứ vào Điều 2 bản Quy chế Quản lý vay và trả nợ nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định số 58-CP ngày 30-8-1993 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc quản lý vay và trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp như sau.

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý Nhà nước về vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, kể cả việc vay vốn nước ngoài của các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

2. Doanh nghiệp được trực tiếp vay nước ngoài hoặc vay lại từ nguồn vay nợ nước ngoài của Chính phủ hoặc của Ngân hàng Nhà nước theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ.

- Vay trực tiếp: Doanh nghiệp trực tiếp vay và trả nợ nước ngoài.

- Vay lại: Doanh nghiệp vay Ngân hàng trong nước từ nguồn vốn Chính phủ hoặc của Ngân hàng Nhà nước vay nước ngoài.

3. Ngân hàng Nhà nước quản lý việc vay, trả nợ nước ngoài thông qua kế hoạch tổng hạn mức vay và trả nợ nước ngoài hàng năm và 5 năm được Thủ tướng Chính phủ duyệt.

4. Ngân hàng Nhà nước tổng hợp và lập tổng hạn mức vay, trả nợ nước ngoài trên cơ sở:

- Nhu cầu vốn và khả năng trả nợ của Ngân sách Nhà nước liên quan đến phần vay và trả nợ thương mại;

- Nhu cầu vay vốn và khả năng trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp;

- Tình hình cán cân thanh toán quốc tế;

- Chính sách tiền tệ của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Việc lập kế hoạch vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

5. Vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp chỉ được thực hiện qua các Ngân hàng được phép hoạt động đối ngoại (riêng các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển đã được phép hoạt động đối ngoại thì được trực tiếp vay, trả nợ với nước ngoài). Các doanh nghiệp vay lại từ nguồn vốn Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước vay của nước ngoài được thực hiện qua các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chỉ định, sau đây gọi tắt là Ngân hàng cho vay.

6. Vay nước ngoài gồm:

- Vay nước ngoài của Chính phủ (bao gồm các khoản vay bằng hàng hoá hoặc tiền);

- Vay nước ngoài của doanh nghiệp (kể cả các tổ chức tín dụng), bằng hàng hoá hoặc bằng tiền theo hình thức tự vay tự trả;

- Ngân hàng Nhà nước vay nước ngoài.

II. VAY VÀ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA DOANH NGHIỆP TỪ NGUỒN VỐN CHÍNH PHỦ HOẶC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VAY NƯỚC NGOÀI

1. Doanh nghiệp được vay lại vốn của Chính phủ vay nước ngoài để thực hiện các dự án có yêu cầu hoàn vốn (bao gồm cả những dự án đầu tư cho hạ tầng cơ sở) đã được Chính phủ Việt Nam và phía nước ngoài thoả thuận. Điều kiện vay lại do Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà Nước, Ngân hàng cho vay thoả thuận cụ thể.

Trường hợp khoản vay nước ngoài không phải trả lãi, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thoả thuận mức lãi suất cụ thể.

2. Đối với nguồn vốn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vay nước ngoài thì Ngân hàng Nhà nước chọn Ngân hàng cho vay. Căn cứ vào các điều khoản và điều kiện đã ký với nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước thoả thuận với Ngân hàng cho vay về điều kiện cho doanh nghiệp vay lại. Về nguyên tắc, các điều kiện cho vay lại như thời hạn, lãi suất phí, không ưu đãi hơn các điều kiện Ngân hàng Nhà nước vay của nước ngoài và không cao hơn các điều kiện vay trong nước.

3. Điều kiện để doanh nghiệp được vay lại (bao gồm vốn Chính phủ và vốn Ngân hàng Nhà nước vay nước ngoài):

a) Thuộc các dự án đầu tư: Công trình, hạng mục công trình, xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, đổi mới công nghệ thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

b) Dự án có khả năng hoàn vốn, bảo đảm nguồn vốn trả được nợ (cả gốc và lãi) trong thời hạn quy định.

c) Tình trạng tài chính của doanh nghiệp lành mạnh: không nợ thuế với ngân sách, không có nợ quá hạn với các đơn vị trong và ngoài nước.

d) Doanh nghiệp phải sử dụng vốn đúng mục tiêu, kế hoạch đã được duyệt và chịu sự giám sát của Ngân hàng cho vay.

Ngân hàng cho vay quy định và hướng dẫn cụ thể việc cho vay lại nói tại điều này.

4. Vay bằng ngoại tệ nào thì trả nợ bằng ngoại tệ đó, trường hợp trả bằng ngoại tệ khác hoặc bằng đồng Việt Nam thì phải được thoả thuận trong Hợp đồng tín dụng như tỷ giá chuyển đổi và các điều kiện liên quan khác.

5. Ngân hàng cho vay có quyền quyết định cuối cùng về việc cho doanh nghiệp vay lại dựa trên cơ sở các điều kiện để doanh nghiệp được vay lại theo Điểm 3, phần II của Thông tư này. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, Ngân hàng cho vay có nhiệm vụ thông báo cho doanh nghiệp biết ý kiến của mình. Qua xem xét, nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện theo quy định tại Điểm 3, phần II Thông tư này, Ngân hàng cho vay phải báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính (nếu vốn từ nguồn của Chính phủ vay) đồng thời thông báo cho cấp chủ quản của doanh nghiệp để các bên cùng phối hợp xem xét giải quyết. Đối với nguồn vốn vay lại của Ngân hàng Nhà nước thì Ngân hàng cho vay chỉ báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định.

6. Căn cứ vào lịch trả nợ của Hiệp định vay giữa phía Việt Nam với nước ngoài, Ngân hàng cho vay thoả thuận với doanh nghiệp quy định thời hạn trả nợ cụ thể, có tính đến thời gian chuyển tiền trong và ngoài nước để đảm bảo trả nợ đúng hạn cho nước ngoài.

7. Ngân hàng cho vay có trách nhiệm thu hồi vốn để trả nợ cho Ngân sách và Ngân hàng Nhà nước đầy đủ, đúng thời hạn quy định.

a) Trong quá trình theo dõi sử dụng vốn vay, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ thì Ngân hàng cho vay cùng doanh nghiệp tìm biện pháp giải quyết. Trường hợp cần thiết, phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên của doanh nghiệp để phối hợp giải quyết.

b) Nếu doanh nghiệp không trả được nợ theo quy định của Hợp đồng vay vốn thì Ngân hàng cho vay phải dùng vốn của mình để trả nợ cho Ngân sách, Ngân hàng Nhà nước. Riêng đối với các khoản vay Chính phủ cho các dự án được Chính phủ chỉ định có mức lãi suất cao xấp xỉ lãi suất thị trường mà khả năng hoàn vốn của dự án thấp thì được thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Tài chính.

8. Hàng tháng chậm nhất không quá ngày 10, các Chủ dự án có sử dụng vốn vay lại thông qua Ngân hàng cho vay nào thì báo cáo tình hình rút vốn và trả nợ của tháng trước theo hướng dẫn của Ngân hàng cho vay đó.

9. Hàng quý, năm, Ngân hàng cho vay tổng hợp báo cáo gửi Ngân hàng cho vay cấp trên, đồng thời gửi Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố thuộc địa bàn của doanh nghiệp để biết và theo dõi, quản lý.

10. Hàng quý, năm, Tổng Giám đốc các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả thực hiện, kim ngạch thực tế đã vay và trả nợ của từng doanh nghiệp. Thời hạn gửi báo cáo quy định như sau:

Báo cáo Quý: Chậm nhất trong vòng 10 ngày đầu của tháng đầu quý sau;

Báo cáo năm: Chậm nhất đến ngày 15 tháng 1 của năm sau.

III. DOANH NGHIỆP TRỰC TIẾP VAY NƯỚC NGOÀI

1. Việc thực hiện các khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp quốc doanh cho đầu tư xây dựng cơ bản phải có đủ các điều kiện sau:

a) Khoản vay nằm trong tổng hạn mức vay vốn nước ngoài được duyệt.

b) Luận chứng kinh tế - kỹ thuật hoặc báo cáo Kinh tế kỹ thuật, dự toán được cấp có thẩm quyền duyệt. Trình tự xây dựng và xét duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật theo đúng quy định của điều lệ Quản lý xây dựng cơ bản.

c) Văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính về các điều kiện vay, trả nợ nước ngoài.

d) Văn bản chấp thuận của Ngân hàng bảo lãnh (nếu bên cho vay yêu cầu).

2. Đối với các khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp quốc doanh cho hoạt động sản xuất kinh doanh phải có đủ các điều kiện sau:

a) Khoản vay nằm trong tổng hạn mức vay vốn nước ngoài được duyệt.

b) Phương án sản xuất kinh doanh được cơ quan quản lý cấp trên của doanh nghiệp chấp thuận. Việc xét duyệt các phương án này thực hiện theo hướng dẫn của cấp chủ quản của doanh nghiệp.

c) Doanh nghiệp không nợ thuế với Ngân sách, không nợ quá hạn với các đơn vị trong nước và nước ngoài. Việc vay vốn nước ngoài là để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp.

d) Phương án sản xuất kinh doanh phải tự cân đối được ngoại tệ để trả nợ.

đ) Chấp thuận về nguyên tắc bảo lãnh của Ngân hàng bảo lãnh nếu bên cho vay yêu cầu bảo lãnh.

3. Doanh nghiệp quốc doanh chỉ được ký vay vốn cho dự án đầu tư xây dựng cơ bản với nước ngoài (theo điểm 1, phần III của Thông tư này) sau khi hồ sơ xin vay vốn được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản về điều kiện vay, trả. Đối với các khoản vay cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói tại Điểm 2, phần III của Thông tư này thì hồ sơ xin vay phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

4. Hồ sơ xin được vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp quốc doanh cho đầu tư xây dựng cơ bản và sản xuất kinh doanh bao gồm:

- Đơn xin được vay vốn nước ngoài gửi Ngân hàng;

- Phương án sản xuất kinh doanh và phương án trả nợ của doanh nghiệp đã được cấp chủ quản chấp thuận;

- Chấp nhận bảo lãnh của Ngân hàng nếu bên cho vay yêu cầu;

- Văn bản thoả thuận cuối cùng với bên cho vay nước ngoài về các điều kiện như lãi suất, các loại phí kèm theo, thời hạn vay, trả và ân hạn, điều kiện bảo lãnh, điều kiện rút vốn và trả nợ và các điều kiện khác liên quan đến Hợp đồng vay vốn sẽ ký;

- Đối với doanh nghiệp quốc doanh vay vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thì luận chứng kinh tế - kỹ thuật phải được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt;

- Giấy phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp (đối với xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

5. Các tổ chức tín dụng được phép hoạt động đối ngoại được trực tiếp vay vốn nước ngoài trong phạm vi hạn mức vay, trả nợ nước ngoài được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước duyệt.

6. Việc bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài áp dụng theo Quy chế bảo lãnh và tái bảo lãnh vay vốn nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành.

7. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả với điều kiện khoản vay nằm trong Tổng hạn mức vay, trả nước ngoài được duyệt. Đối với các khoản vay để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cơ bản thì điều kiện vay vốn nước ngoài phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

8. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký chính thức văn bản vay vốn, doanh nghiệp phải cung cấp bản sao các văn bản đã ký kết với bên nước ngoài cho Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng bảo lãnh.

9. Doanh nghiệp chỉ được chuyển tiền trả nợ cho nước ngoài nếu việc chuyển tiền trả nợ này phù hợp với Quy chế Quản lý ngoại hối và khoản vay đã được Ngân hàng xác nhận khi làm thủ tục vay vốn nước ngoài. Tất cả các khoản rút vốn và trả nợ nước ngoài đều phải thực hiện qua các Ngân hàng được phép hoạt động đối ngoại.

10. Cơ quan chủ quản doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính về:

- Tính hiệu quả kinh tế của phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chỉ đạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện phương án đã được duyệt để bảo đảm trả nợ cho nước ngoài đầy đủ, đúng thời hạn quy định cả gốc và lãi.

- Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện vay, trả nợ nước ngoài hàng quý, năm của doanh nghiệp. Thời hạn gửi báo cáo quy định như sau:

- Báo cáo Quý chậm nhất trong vòng 10 ngày đầu của tháng đầu quý sau.

- Báo cáo Năm chậm nhất đến ngày 15 tháng 1 của năm sau.

Báo cáo gửi về Ngân hàng Nhà nước Trung ương và Bộ Tài chính.

IV. VAY, TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA XÍ NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

1. Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả Hợp đồng hợp tác kinh doanh) được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là các đối tượng được xét vay vốn nước ngoài.

2. Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được vay nước ngoài như các doanh nghiệp Việt Nam khác theo hai hình thức:

a) Vay lại qua các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam từ nguồn vốn Ngân hàng Nhà nước vay nước ngoài;

b) Trực tiếp vay nước ngoài (tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ).

3. Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trực tiếp vay nước ngoài như quy định tại các Điểm trong Chương III của thông tư này với các điều kiện:

a) Trường hợp các khoản vay làm tăng vốn đầu tư hoặc vốn để thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh thì phải được chấp thuận của cơ quan cấp giấy phép đầu tư;

b) Khi đã trả nợ nước ngoài cả (gốc và lãi), phải bảo đảm không làm giảm vốn pháp định của xí nghiệp và thực hiện đúng trình tự ưu tiên theo quy định tại Nghị định số 18-CP ngày 16-4-1993 của Chính phủ về quy định chi tiết việc thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

c) Trường hợp phía cho vay nước ngoài yêu cầu chuyển số tiền vay vào tài khoản mở tại Ngân hàng nước ngoài phải được sự chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng nhà nước.

4. Trong trường hợp đặc biệt, Chính phủ sẽ chỉ định việc bảo lãnh các khoản vay nước ngoài của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

V. CÔNG TÁC KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ

1. Định kỳ hoặc khi cần thiết, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và Ngân hàng cho vay tiến hành công tác kiểm tra, thanh tra tình hình vay và trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp do mình xét duyệt hồ sơ vay vốn. Kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý và kiến nghị gửi ngay về Ngân hàng Nhà nước Trung ương. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích (đối với dự án vay lại) thì Ngân hàng cho vay có quyền đình chỉ việc rút vốn và báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và cấp chủ quản của doanh nghiệp biết để bàn biện pháp giải quyết.

2. Mọi vi phạm Thông tư này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

VI. KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

2. Thủ trưởng các Vụ, Cục, Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Trung ương, các Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, các Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển trong phạm vi chức năng của mình chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai, thực hiện Thông tư này.

3. Các Bộ, Ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp thực hiện chỉ đạo Thông tư này.

Lê Văn Châu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 7-TT/NH7 năm 1994 hướng dẫn quản lý vay và trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 7-TT/NH7
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/03/1994
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Lê Văn Châu
  • Ngày công báo: 30/06/1994
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 26/03/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản