Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
*****

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
******

Số: 45-TT-MN

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1962

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC XÉT TRỢ CẤP CHO HỌC SINH MIỀN NAM TRONG NIÊN KHÓA 1962-1963

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Kính gửi:

Ông Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, Hải Phòng
Các ông Trưởng Ty Giáo dục các tỉnh

Căn cứ vào Thông tư số 020-TTg ngày 17-01-1961 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ chính sách đối với học sinh miền Nam. Tại điểm 4 tiểu mục b trong thông tư nói trên có quy định “Từ nay không thu nhận học sinh vào ăn ở trong trường. Tùy từng trường hợp, tùy tình hình và kế hoạch của từng niên học, Bộ Giáo dục có thể xét cấp học bổng cho ở ngoài trường”.

Để xét trợ cấp cho học sinh miền Nam học ngoại trú trong niên khóa 1962-1963 Bộ quy định và hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:

I. CHẾ ĐỘ TIÊU CHUẨN TRỢ CẤP

a) Chế độ trợ cấp:

Các chế độ trợ cấp cho từng loại học sinh miền Nam học ngoại trú, đều áp dụng quy định trong Thông tư số 020-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

Loại 1:

- cấp I: mỗi tháng cấp 20 đ

- cấp II: mỗi tháng cấp 22 đ

- cấp III: mỗi tháng cấp 24 đ

bao gồm tiền ăn, trang phục học phẩm tiêu vặt v.v…

Loại 2:

- cấp I: mỗi tháng cấp 16 đ

- cấp II, III: mỗi tháng cấp 17đ50

chỉ cấp tiền ăn

Loại 3:

- cấp I, II, III: mỗi tháng cấp 12đ

b) Tiêu chuẩn trợ cấp:

Học sinh được xét trợ cấp loại 1 gồm có:

1. Học sinh là con gia đình cán bộ do Trung ương quản lý được Ủy ban Thống nhất xác nhận và giới thiệu, không phân biệt sinh ở miền Nam hay ở miền Bắc, nếu đúng tuổi và đã đi học thì đều được xét trợ cấp loại 1.

2. Học sinh tập kết theo tiêu chuẩn con tử sĩ, liệt sĩ hay con cán bộ, bộ đội cùng theo bố mẹ tập kết ra Bắc mà bố hoặc mẹ hy sinh hoặc ốm đau chết trong lúc làm nhiệm vụ được cơ quan đơn vị xác nhận là tử sĩ, liệt sĩ.

3. Học sinh theo bố mẹ tập kết ra Bắc là con thương binh tàn phế hiện đang ở Trại thương binh hoặc phân tán về địa phương và đang hưởng chế độ thương binh (không phải hưởng lương như cán bộ, công nhân viên trong biên chế của cơ quan hay xí nghiệp).

4. Học sinh mồ côi cả bố mẹ, hoặc mới vượt tuyến ra Bắc nhưng không có bố mẹ hay người đỡ đầu ở miền Bắc.

Tất cả các trường hợp ở tiểu mục 2 và 3 nói trên, nếu gia đình có con đúng tuổi và đã đi học, thì được xét trợ cấp loại 1 cho một em, không phân biệt gia đình đã có con được trợ cấp hay chưa được trợ cấp.

Ngoài các trường hợp nói trên học sinh là con cán bộ, bộ đội miền Nam, theo bố mẹ tập kết ra Bắc, nếu gia đình chưa có con được trợ cấp học nội trú hay ngoại trú, gia đình đang gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân nhân khẩu trong gia đình dưới 18 đồng ở nông thôn và dưới 20 đồng ở thành phố và những địa phương có phụ cấp khu vực từ 10% trở lên thì được xét trợ cấp loại 1 cho một em.

Học sinh được trợ cấp loại 2 và 3 gồm có:

- Học sinh là con cán bộ, bộ đội theo bố mẹ tập kết ra Bắc mà bố hoặc mẹ chết vì ốm đau tuy gia đình đã có con được trợ cấp học nội trú hay ngoại trú, gia đình đang gặp nhiều khó khăn, bình quân nhân khẩu trong gia đình dưới 18 đồng ở nông thôn và 20 đồng ở thành phố và địa phương có phụ cấp khu vực từ 10% trở lên thì được xét trợ cấp loại 2 cho một em. Đối với học sinh là con cán bộ, bộ đội cùng theo bố mẹ tập kết ra Bắc, tuy gia đình đã có con được trợ cấp học nội trú hay ngoại trú nhưng gia đình vẫn còn khó khăn, bình quân nhân khẩu dưới mức quy định thì được xét trợ cấp loại 3 cho một em.

Ngoài những trường hợp học sinh được xét trợ cấp loại 1, 2, 3 nói trên, đối với học sinh là con cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết sinh đẻ ở miền Bắc, gia đình đang gặp nhiều khó khăn thì do Sở, Ty Giáo dục căn cứ vào hoàn cảnh của từng người mà xét cấp học bổng địa phương, nhưng không hạn chế theo tỷ lệ.

c) Cách tính thu nhập nhân khẩu và chia bình quân

Cách tính thu nhập nhân khẩu và chia bình quân áp dụng theo cách tính đã được quy định trong Thông tư số 50-TT-MN ngày 07-10-1962 của Bộ.

II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

Để việc xét trợ cấp cho học sinh miền Nam (số học sinh lâu nay chưa được trợ cấp) trong niên khóa 1962-1963 sát với tình hình và hoàn cảnh của từng cán bộ căn cứ vào tinh thần phân cấp quản lý, Bộ đề nghị các Sở, Ty căn cứ vào chế độ tiêu chuẩn quy định trong thông tư này để xét trợ cấp cho học sinh.

Các Sở, Ty cần có kế hoạch phổ biến chủ trương trong địa phương mình, hướng dẫn các thủ tục làm đơn và xét duyệt quyết định cấp phát cấp phát sau khi có ý kiến của Ủy ban hành chính tỉnh, thành và hoàn thành việc xét trợ cấp niên khóa 1962-1963 trước ngày 30-11-1962.

Học sinh được xét trợ cấp phải từ 7 tuổi (84 tháng) trở lên, tuổi tính từ 30-9-1955 trở về trước và phải học từ lớp 1 trở lên ở một trường phổ thông do Sở, Ty Giáo dục quản lý.

- Thời gian tính trợ cấp kể từ ngày 01-9-1962.

- Kinh phí cấp phát cho các loại học sinh nói trên đều do ngân sách địa phương đài thọ.

Trên đây là một số điểm cụ thể trong việc xét trợ cấp học bổng cho học sinh miền Nam học ngoại trú trong niên khóa 1962-1963, Bộ đề nghị các Sở, Ty nghiên cứu và thực hiện tốt. Sau khi hoàn thành việc xét trợ cấp, các Sở, Ty báo cáo kết quả về Bộ.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Nguyễn Văn Huyên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 45-TT-MN năm 1962 về việc xét trợ cấp cho học sinh miền Nam trong niên khóa 1962-1963 do Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 45-TT-MN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/10/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 44
  • Ngày hiệu lực: 25/10/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản