Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 020-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 1961

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HỌC SINH MIỀN NAM

Trong mấy năm qua, nhờ sự chăm sóc đặc biệt của Đảng và Chính phủ, sự giúp đỡ tận tình của nhân dân và phụ huynh học sinh, và sự cố gắng của giáo viên, cán bộ, công nhân viên nhà trường, việc nuôi dạy học sinh miền Nam đã thu được kết quả tốt: hàng nghìn học sinh đã được tuyển vào các Trường Đại học và Chuyên nghiệp ở trong nước hoặc được gửi đi học ở nước ngoài, hơn một vạn học sinh đang theo học ở trường phổ thông các cấp.

Những chính sách, tiêu chuẩn, chế độ đối với học sinh miền Nam trước đây Phủ Thủ tướng ban hành đã góp phần bảo đảm việc nuôi dạy các cháu được tốt. Trong tình hình hiện nay, một số tiêu chuẩn và chế độ ấy không còn thích hợp nữa, vì tính chất bình quân, chưa chiếu cố thích đáng đến hoàn cảnh của những học sinh con em gia đình liệt sĩ, học sinh mồ côi cả cha mẹ, con thương binh tàn phế, học sinh không có cha mẹ, ở miền Bắc con gia đình cán bộ miền Nam tập kết mà mức lương còn thấp, con gia đình cán bộ đông con, đời sống khó khăn.

Để góp phần đảm bảo công tác nuôi dạy học sinh miền Nam được tốt hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ quy định lại một số tiêu chuẩn, chế độ đối với học sinh miền Nam như sau:

1. Học sinh con gia đình tử sĩ, liệt sĩ, con cán bộ do Ủy ban Thống nhất quản lý, học sinh mồ côi cả cha mẹ hoặc không có cha mẹ ở miền Bắc, con thương binh tàn phế, con cán bộ mà mức sinh hoạt còn tương đối thấp, cần được chú ý trước hết. Học sinh là dân tộc thiểu số miền Nam và học sinh Hoa kiều miền Nam tập kết cần được chiếu cố thích đáng. Học sinh có cha mẹ ở miền Bắc thì tùy khả năng mà cha mẹ phải đóng góp một phần vào việc nuôi dạy con mình.

2. Bãi bỏ chế độ cấp phát đồng loạt ở trường nội trú và chế độ trợ cấp sinh hoạt phí có trang phục hay không trang phục ở ngoại trú, thay bằng chế độ trợ cấp theo các loại sau đây:

a) Đối với học sinh ở trường nội trú:

Tiêu chuẩn và chế độ trợ cấp loại I:

Học sinh là con gia đình liệt sĩ, tử sĩ, con cán bộ do Ủy ban Thống nhất quản lý, con thương binh tàn phế, học sinh mồ côi cả cha mẹ hoặc không có cha mẹ ở miền Bắc, con cán bộ đông con mà thu nhập bình quân nhân khẩu trong gia đình hàng tháng dưới 18 đồng ở nông thôn, và dưới 20 đồng ở thành phố, thì được trợ cấp như sau:

- 16 đồng tiền ăn hàng tháng cho học sinh cấp I,

- 17đ50 tiền ăn hàng tháng cho học sinh cấp II, III,

- 3đ00 tiền tiêu vặt hàng tháng cho học sinh cấp I,

- 3đ50 tiền tiêu vặt hàng tháng cho học sinh cấp II,

- 4đ50 tiền tiêu vặt hàng tháng cho học sinh cấp III và các khoản khác như: trang phục, học phẩm, sách giáo khoa, tập thể phí, vui khỏe... đã quy định trong Thông tư số 115-TTg, ngày 07-03-1957 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiêu chuẩn và chế độ trợ cấp loại II:

Học sinh có cha mẹ hiện ở miền Bắcmà thu nhập bình quân nhân khẩu trong gia đình hàng tháng trên 18 đồng ở nông thôn, và trên 20 đồng ở thành phố, thì được trợ cấp như sau:

- 16 đồng tiền ăn hàng tháng cho học sinh cấp I,

- 17đ50 tiền ăn hàng tháng cho học sinh cấp II, III. Các khoản khác do phụ huynh đài thọ.

b) Đối với học sinh ngoại trú:

Tiêu chuẩn và chế độ trợ cấp loại I:

Học sinh là con gia đình tử sĩ, liệt sĩ, con cán bộ do Ủy ban Thống nhất quản lý, con thương binh tàn phế, học sinh mồ côi cả cha mẹ hoặc không có cha mẹ ở miền Bắc, con cán bộ đông con mà thu nhập bình quân nhân khẩu trong gia đình hàng tháng dưới 18 đồng ở nông thôn, và dưới 20 đồng ở thành phố, nếu trước đây được cấp sinh hoạt phí có trang phục, nay được trợ cấp loại I, ở ngoài trường như sau:

- Mỗi tháng 20 đồng cho học sinh cấp I,

- Mỗi tháng 22 đồng cho học sinh cấp II,

- Mỗi tháng 24 đồng cho học sinh cấp III,

Tiêu chuẩn và chế độ trợ cấp loại II:

Học sinh có cha mẹ hiện ở miền Bắc mà thu nhập bình quân nhân khẩu trong gia đình hàng tháng trên 18 đồng ở nông thôn, và trên 20 đồng ở thành phố, nếu trước đây được cấp sinh hoạt phí có trang phục, nay được trợ cấp loại II ở ngoài trường như sau:

- Mỗi tháng 16 đồng cho học sinh cấp I,

- Mỗi tháng 17đ50 cho học sinh cấp II, III.

Tiêu chuẩn và chế độ trợ cấp loại III:

Học sinh có cha mẹ hiện ở miền Bắc mà thu nhập bình quân nhân khẩu trong gia đình hàng tháng trên 18 đồng ở nông thôn, và trên 20 đồng ở thành phố, nếu trước đây được cấp sinh hoạt phí không trang phục hoặc học bổng 12 đồng, nay được trợ cấp loại III ở ngoài trường: 12 đồng mỗi tháng.

3. Đối với những gia đình có con ăn học trong trường, lại còn có con được trợ cấp học ở ngoài trường, mà đời sống tương đối ít khó khăn thì không trợ cấp cho những người con học ở ngoài trường nữa.

4. Từ nay không thu nhận học sinh vào ăn, ở trong trường. Tùy từng trường hợp, tùy tình hình và kế hoạch từng niên học, Bộ Giáo dục có thể xét và cấp học bổng cho ở ngoài trường.

Đối với những học sinh không phải là học sinh miền Nam tập kết mà trước đây đã được thu nhận vào trường hoặc được trợ cấp học ngoài trường thì nay giao lại cho gia đình và không được hưởng trợ cấp nữa.

5. Học sinh ăn, ở trong trường, nếu ốm thì được khám bệnh và điều trị ở các bệnh viện nhân dân địa phương và được hưởng chế độ thuốc men như cán bộ trong biên chế Nhà nước.

Học sinh ăn, ở ngoài trường, nếu ốm cũng được khám bệnh và điều trị ở các bệnh viện nhân dân địa phương. Tiền bồi dưỡng thuốc men do gia đình đài thọ. Đối với những học sinh là con gia đình tử sĩ, liệt sĩ, con cán bộ do Ủy ban Thống nhất quản lý, con thương binh tàn phế, học sinh mồ côi cả cha mẹ hoặc không có cha mẹ ở miền Bắc, con cán bộ mà mức sinh hoạt còn thấp, thì địa phương sẽ đài thọ sau khi xét hoàn cảnh cụ thể.

6. Bộ Giáo dục có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên miền Nam hiện học ở các trường, và theo dõi, hướng dẫn các địa phương thực hiện các chính sách đối với học sinh miền Nam.

Ủy ban Thống nhất nước có trách nhiệm quản lý những người vì lý do này hay lý do khác không còn là học sinh nữa, và cùng với Ủy ban hành chính địa phương sắp xếp cho đi học nghề, hoặc đi lao động, như vậy đã tạo điều kiện cho những người đó tiến bộ.

Những học sinh bị bệnh kinh niên, có tật, không học được nữa, nếu có cha mẹ ở miền Bắc thì giao lại cho cha mẹ, nếu không có cha mẹ thì tùy bệnh tật mà Bộ Y tế xét cho đi điều trị, điều dưỡng và trợ cấp theo chính sách chung.

Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Ủy ban Thống nhất dựa vào những điều quy định trên đây để hướng dẫn việc thi hành thông tư này trong phạm vi trách nhiệm của mình.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 020-TTg năm 1961 quy định chính sách đối với học sinh miền Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 020-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/01/1961
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 01/02/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản