Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 393-TBXH

Hà Nội, ngày 21 tháng 4 năm 1980

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 393 - TBXH NGÀY 21 THÁNG 4 NĂM 1980 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 351 - CP NGÀY 25 THÁNG 9 NĂM 1979 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Chấp hành Nghị định số 351 - CP ngày 25 tháng 9 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ ban hành bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương binh và xã hội. Nay Bộ ra thông tư hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các cấp về việc xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức của ngành thương binh và xã hội ở địa phương theo Điều 5 trong bản quy định của Hội đồng Chính phủ.

I. CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG TỔ CHỨC NGÀNH THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Ở ĐỊA PHƯƠNG

A. TY, SỞ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Ở TỈNH VÀ THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Ty, Sở thương binh và xã hội là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Thương binh và xã hội quản lý thống nhất và hướng dẫn, tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ đối với liệt sĩ; thương binh, bệnh binh, quân nhân phục viên hoặc chuyển ngành, người về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động; công nhân, viên chức, quân nhân từ trần, người và gia đình có công với cách mạng và các đối tượng của công tác cứu trợ xã hội thuộc phạm vi địa phương.

Ty, Sở thương binh và xã hội có nhiệm vụ, quyền hạn:

1. Nghiên cứu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định những chủ trương, biện pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ, tiêu chuẩn của Đảng và Nhà nước về thương binh và xã hội thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

2. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và của Bộ Thương binh và xã hội, xây dựng những quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm về các mặt công tác của ngành trong địa phương, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố duyệt, tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các huyện, xã và các cơ sở của ngành thực hiện những quy hoạch và kế hoạch đó.

3. Quản lý và tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ, tiêu chuẩn của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng thương binh và xã hội ở địa phương bao gồm:

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, thành phố nhằm xác định đúng và giải quyết kịp thời các chính sách chế độ, cho các đội tượng thương binh và xã hội;

- Xây dựng và lưu trữ hồ sơ, lập sổ sách đăng ký, thống kê số liệu phục vụ cho việc quản lý tốt các đối tượng thương binh và xã hội;

- Phối hợp với các ngành, các đoàn thể tổ chức hướng dẫn xây dựng phong trào quần chúng chấp hành chính sách, chăm lo đời sống, sắp xếp việc làm cho các đối tượng thương binh và xã hội. Chủ động cùng các ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan lập kế hoạch từng bước đào tạo và sử dụng tốt lực lượng lao động là đối tượng củ ngành, bảo đảm cho mỗi đối tượng còn khả năng lao động đều được sắp xếp vào những ngành nghề và công việc thích hợp;

- Tổ chức và chỉ đạo việc quy tập phần mộ các liệt sĩ, xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ ở địa phương.

4. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện:

- Việc điều dưỡng và phục hồi chức năng lao động cho thương binh, bệnh binh và người ở địa phương có thương tật và tàn tật nặng;

- Việc nuôi dưỡng, dạy văn hoá, dạy nghề, tạo điều kiện sắp xếp việc làm hoặc tổ chức sản xuất cho những người có thương tật nhẹ và vừa đã ổn định, do quân đội bàn giao theo chỉ tiêu của Bộ mà chưa có điều kiện về ngay khu vực tập thể hay cơ quan, xí nghiệp Nhà nước;

- Việc nuôi dưỡng trong những cơ sở của tỉnh, huyện hoặc của xã đối với những người về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động; những người già yếu, tàn tật, trẻ mồ côi trong trường hợp những đối tượng đó không có người thân chăm lo;

- Việc quản lý giáo dục, dạy nghề, chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho những người lang thang, lỡ lầm và các đối tượng xã hội khác đi vào con đường làm ăn lương thiện.

5. Tổ chức và quản lý các cơ sở sự nghiệp của ngành thương binh và xã hội, các xí nghiệp hoặc tổ sản xuất riêng của thương binh và người tàn tật được Nhà nước bảo trợ mà các ngành sản xuất chưa quản lý được.

6. Quản lý thống nhất các loại kinh phí về công tác thương binh và xã hội bao gồm kinh phí của địa phương và của Bộ phân về cho địa phương kể cả kinh phí và vật tư hàng năm dành cho cứu trợ đột xuất. Quản lý việc thu chi quỹ bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm của ngành ở địa phương.

Phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng tổ chức và chỉ đạo việc cấp phát các khoản trợ cấp cho các đối tượng thương binh và xã hội. Kiểm tra việc cấp phát các khoản trợ cấp và làm quyết toán với đơn vị quản lý cấp trên.

7. Có kế hoạch cùng với các ngành liên quan tổ chức và hướng dẫn việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách, chế độ về thương binh và xã hội trong các ngành, các cấp, trong nhân dân và các đối tượng của ngành.

Giáo dục động viên các đối tượng của ngành phát huy tinh thần làm chủ tập thể, ý thức tự lực tự cường, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực thực hiện tốt các công tác ở cơ sở và địa phương.

Tổ chức và chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng cho các đối tượng thương binh và xã hội trong các cơ sở của ngành ở địa phương.

8. Nghiên cứu những yêu cầu, kiến nghị, những thư đơn khiếu nại và tố giác của cán bộ, nhân dân và của các đối tượng thương binh và xã hội về những việc liên quan đến công tác của ngành trong địa phương, giải quyết và chỉ đạo giải quyết các việc đó theo đúng chính sách, chế độ, luật pháp của Nhà nước.

9. Kiện toàn hệ thống tổ chức của ngành ở địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao cho.

Đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh và xã hội ở địa phương. Quản lý và thực hiện chuyên môn hoá đội ngũ cán bộ của ngành theo những quy định và phân cấp của Nhà nước. Khen thưởng và đề nghị khen thưởng đối với những đơn vị và cá nhân trong địa phương có thành tích về công tác thương binh và xã hội.

10. Quản lý biên chế, lao động, tiền lương, vật tư, tài sản v.v... của Ty, sở và các cơ sở trực thuộc Ty, Sở theo đúng chính sách, chế độ chung của Nhà nước.

Bộ máy quản lý của Ty, Sở thương binh và xã hội gồm có các phòng hoặc các tổ phụ trách các công tác sau đây:

- Thương binh, liệt sĩ, quân nhân phục viên, người và gia đình có công gọi tắt là thương binh và phục viên;

- Bảo hiểm xã hội;

- Cứu trợ xã hội

- Kế hoạch tài vụ, vật tư kiến thiết cơ bản gọi tắt là kế hoạch - tài vụ;

- Tổ chức, tuyên truyền và thanh tra;

- Hành chính và quản trị;

- Các cơ sở sự nghiệp và cơ sở sản xuất.

Ở những Ty, Sở mà khối lượng công tác thương binh, liệt sĩ, quân nhân phục viên, người và gia đình có công quá lớn thì có thể tách thành hai đơn vị riêng;

- Thương binh và phục viên,

- Liệt sĩ và gia đình có công.

Ở những Ty, Sở mà khối lượng công tác không nhiều thì có thể đưa công tác tổ chức, tuyên truyền vào phòng hành chính quản trị và gọi là phòng tổ chức và hành chính.

Ở những Ty, Sở có nhiều cơ sở sản xuất của thương binh và người tàn tật thì có thể tổ chức thêm phòng hoặc tổ sản xuất, nếu cơ sở không nhiều thì cơ sở thuộc đối tượng của phòng nào do phòng đó giúp Ty, Sở phụ trách.

Căn cứ vào hướng dẫn trên và tuỳ theo khối lượng, tính chất công tác của địa phương mà Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định thành lập các phòng hoặc tổ công tác nói trên cho phù hợp với tình hình thực tế trong địa phương.

Trường hợp xét thấy cần phải thành lập nhiều hoặc ít hơn số phòng hoặc tổ đã hướng dẫn trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cần trao đổi bàn bạc thống nhất với Bộ Thương binh và xã hội trước, rồi mới ra quyết định.

Cơ quan quản lý công tác thương binh và xã hội của đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo là phòng thương binh và xã hội như đã quy định tại Chỉ thị số 216 - TTg ngày 21 tháng 6 năm 1979 của Thủ tướng Chính phủ và phòng thương binh và xã hội đặc khu có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ty, Sở thương binh và xã hội đã hướng dẫn ở trên.

B. PHÒNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ,THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH, KHU PHỐ THUỘC CÁC THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG TRƯỚC ĐÂY, NAY ĐẶT TRONG VĂN PHÒNG UỶ BAN NHÂN DÂN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 139 – CP NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 1978 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ (HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ... GỌI TẮT LÀ HUYỆN).

Bộ máy làm công tác thương binh và xã hội trong văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện là một bộ phận trong hệ thống tổ chức của ngành thương binh và xã hội, có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân huyện và Ty, Sở thương binh và xã hội quản lý các mặt công tác thuộc trách nhiệm của ngành thương binh và xã hội trong phạm vi huyện.

Bộ phận thương binh và xã hội huyện có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Căn cứ vào chủ trương, phương hướng về công tác thương binh và xã hội của Uỷ ban nhân dân và của Ty, Sở thương binh và xã hội, xây dựng những quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm về công tác thương binh và xã hội của huyện, trình Uỷ ban nhân dân huyện duyệt, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các xã, các hợp tác xã thực hiện những quy hoạch và kế hoạch đó.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, các ngành và các xã trong huyện thực hiện các yêu cầu phục vụ cho việc xác định kịp thời đúng tiêu chuẩn các đối tượng của công tác thương binh và xã hội. Tổ chức việc đăng ký, thống kê, lập hồ sơ, sổ sách để quản lý tốt các đối tượng thương binh và xã hội (bao gồm thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, quân nhân phục viên, chuyển ngành, người và gia đình có công với cách mạng, hưu trí, mất sức, tuất từ trần, người già cả cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi không người thân thích chăm lo và các đối tượng khác). Tổ chức việc điều tra nắm chắc các đối tượng cần cứu tế thường xuyên và kịp thời nắm tình hình đột xuất để đề xuất chủ trương, phương hướng và kế hoạch giải quyết trợ cấp cho từng loại.

3. Tổ chức và phối hợp với các ngành, các đoàn thể quần chúng hướng dẫn, xây dựng phong trào quần chúng chấp hành chính sách, chăm lo đời sống, sắp xếp việc làm cho các đối tượng thương binh và xã hội thuộc huyện quản lý. Phối hợp với các ngành y tế, giáo dục và các đoàn thể có kế hoạch chăm sóc, giáo dục con liệt sĩ; tổ chức và hướng dẫn việc nuôi dưỡng những người già cả, tàn tật, trẻ mồ côi trong trường hợp những người đó không có người thân thích chăm lo.

4. Chủ động cùng các ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan và các xã, hợp tác xã trong huyện lập kế hoạch từng bước đào tạo, sử dụng hợp lý lực lượng lao động là đối tượng thương binh và xã hội.

5. Tổ chức và quản lý các cơ sở sự nghiệp, cơ sở sản xuất của thương binh và xã hội thuộc huyện.

6. Tổ chức và hướng dẫn thực hiện việc quy tập mộ liệt sĩ, xây dựng, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ ở huyện và xã.

7. Có kế hoạch và chủ động phối hợp với các đoàn thể, các cơ quan tuyên huấn, thông tin, văn hoá... tổ chức và hướng dẫn việc giáo dục, tuyên truyền các chủ trương chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước về thương binh và xã hội trong cơ quan, đơn vị và trong nhân dân để mọi tổ chức và mọi người thấu suốt và tự giác chấp hành. Tổ chức hướng dẫn, giáo dục, động viên các đối tượng thương binh và xã hội trong huyện, phát huy tinh thần làm chủ tập thể, ý thức tự lực tự cường, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia công tác ở địa phương.

8. Lập dự trù kinh phí thu chi về công tác thương binh và xã hội ở huyện gồm kinh phí thuộc ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Quản lý và sử dụng tốt những khoản kinh phí được giao kể cả vật tư dành cho cứu trợ xã hội, chịu trách nhiệm thanh toán với Ty, Sở thương binh và xã hội và cơ quan tài chính địa phương. Quan hệ chặt chẽ với ngân hàng trong việc trả trợ cấp cho các đối tượng thương binh và xã hội được kịp thời, đúng tiêu chuẩn, chế độ quy định.

9. Nghiên cứu những yêu cầu, kiến nghị, những thư đơn khiếu nại và tố giác của cán bộ, nhân dân và của các đối tượng thương binh và xã hội về những việc liên quan đến công tác của ngành trong phạm vi địa phương, giải quyết và chỉ đạo giải quyết các việc đó theo đúng chính sách, chế độ, luật pháp của Nhà nước.

10. Xây dựng, kiện toàn các tổ chức của ngành từ huyện đến xã, và các cơ sở sự nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc huyện, quản lý theo đúng quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Ty, sở nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành ở địa phương.

Bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh và xã hội ở địa phương. Quản lý đội ngũ cán bộ của ngành ở huyện, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác thương binh và xã hội ở xã. Theo dõi và đề nghị khen thưởng đối với những đơn vị xã, hợp tác xã và cá nhân trong địa phương có thành tích về công tác thương binh và xã hội.

C. BAN THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN (XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN GỌI TẮT LÀ XÃ)

Ban thương binh và xã hội xã là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân xã, có trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân xã và cơ quan thương binh và xã hội huyện quản lý công tác thương binh và xã hội ở xã.

Ban thương binh và xã hội có nhiệm vụ, quyền hạn:

1. Căn cứ vào chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch của Uỷ ban nhân dân xã và của cơ quan thương binh và xã hội cấp trên, nghiên cứu để xuất trình Uỷ ban nhân dân xã quyết định những chủ trương, kế hoạch, biện pháp thích hợp nhằm thực hiện tốt công tác thương binh và xã hội ở xã.

2. Thực hiện tốt các yêu cầu và sự hướng dẫn của cơ quan thương binh và xã hội huyện, tỉnh, thành phố nhằm xác định đúng và kịp thời các đối tượng thương binh và xã hội. Lập danh sách, xây dựng và bảo quản các loại hồ sơ, sổ sách, thống kê số liệu nhằm quản lý tốt các đối tượng thương binh và xã hội (thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, quân nhân phục viên, người và gia đình có công với cách mạng, hưu trí, mất sức, tuất từ trần, người già cả cô đơn, người tàn tật và trẻ mồ côi không người thân thích chăm lo và các đối tượng xã hội khác thuộc xã quản lý). Theo dõi và đề nghị lên trên xét giải quyết kịp thời những trường hợp tăng hoặc giảm định suất trợ cấp, những người chưa được hưởng hoặc hưởng không đúng chính sách, chế độ.

3. Quan hệ chặt chẽ với ngành ngân hàng để việc trả trợ cấp cho các đối tượng của ngành được thuận lợi, nhanh, gọn và chính xác.

4. Cùng với các ngành, các giới và dựa vào hợp tác xã tổ chức tốt việc chăm sóc đời sống, sắp xếp việc làm thích hợp nhằm ổn định đời sống cho các đối tượng thương binh và xã hội; chăm sóc giáo dục bảo đảm việc học tập cho các cháu là con liệt sĩ, các cháu mồ côi cả cha và mẹ.

5. Tổ chức và thực hiện việc quy tập mộ liệt sĩ trong xã, xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ và nhà bia liệt sĩ ở xã.

6. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước về thương binh và xã hội trong toàn xã để mọi người thấu suốt và tự giác chấp hành. Nắm tình hình sức khoẻ, tuổi tác, nghề nghiệp, sở trường, tư tưởng, nguyện vọng của các đối tượng, chủ động cùng các ngành, các giới ở xã tiến hành sắp xếp việc làm thích hợp, hướng dẫn, giúp đỡ các đối tượng của ngành phát huy tinh thần làm chủ tập thể, ý thức tự lực tự cường, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các mặt công tác ở địa phương.

Ban thương binh và xã hội gồm có:

- Trưởng ban, là Phó chủ tịch hoặc Uỷ viên thường trực Uỷ ban nhân dân xã;

- Một Phó trưởng ban chuyên trách, chọn trong số thương binh, quân nhân phục viên, cán bộ về hưu hoặc gia đình liệt sĩ ở xã;

- Một Phó trưởng ban kiêm nhiệm, là Phó chỉ huy của ban chỉ huy quân sự xã;

- Một uỷ viên, là đại diện hợp tác xã hoặc đại diện của nông hội ở những xã chưa có hợp tác xã;

- Một uỷ viên, là đại diện Mặt trận Tổ quốc xã;

- Một uỷ viên, là đại diện của Đoàn thành niên cộng sản Hồ Chí Minh ở xã;

- Một uỷ viên, là đại diện của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam ở xã;

Các xã rẻo cao, hải đảo, nếu khối lượng công tác thương binh và xã hội quá ít thì không nhất thiết phải thành lập ban thương binh và xã hội, nhưng vẫn phải có một uỷ viên thường trực Uỷ ban nhân dân xã phụ trách và một cán bộ chuyên trách công tác thương binh và xã hội.

Trong khi tiến hành nhiệm vụ, nếu công việc có liên quan đến ngành, giới nào ở xã ban thương binh và xã hội có thể mời đại diện của ngành, giới đó đến cùng bàn bạc để tăng cường phối hợp công tác.

II. CÁN BỘ VÀ BIÊN CHẾ CỦA CƠ QUAN THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI CÁC CẤP

Để cơ quan thương binh và xã hội các cấp có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, Uỷ ban nhân dân các cấp cần bố trí đủ số cán bộ cần thiết và chọn những cán bộ có phẩm chất, có nhiệt tình, có năng lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm chuyên môn hoá đội ngũ cán bộ của ngành. Việc cử Phó ban chuyên trách công tác thương binh và xã hội ở xã cần thực hiện đúng như Quyết định số 130 - CP của Hội đồng Chính phủ và các Thông tư số 45 - BT ngày 24 tháng 3 năm 1978 và số 196 - BT ngày 8 tháng 9 năm 1977 của Phủ Thủ tướng.

Về biên chế cho cơ quan thương binh và xã hội ở tỉnh, thành phố, ở quận, huyện và các cơ sở sự nghiệp, cơ sở sản xuất của thương binh và xã hội ở địa phương, hàng năm Uỷ ban nhân dân căn cứ vào yêu cầu thực tế quản lý và khối lượng công tác cụ thể mà có quy định phù hợp để các tổ chức của ngành đủ sức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Biên chế cụ thể cho cơ quan thương binh và xã hội ở từng cấp có bản phụ lục hướng dẫn kèm theo (Không in bản phụ lục kèm theo).

III. CÁC MỐI QUAN HỆ VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

1. Các cơ quan thương binh và xã hội ở địa phương vừa chịu sự lãnh đạo của cơ quan quản lý ngành cấp trên, vừa chịu sự lãnh đạo của Uỷ ban nhân dân cấp mình theo nguyên tắc hai chiều lãnh đạo.

2. Quan hệ giữa Ty, Sở thương binh và xã hội với Bộ Thương binh và xã hội là quan hệ chỉ đạo và chịu sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn cấp trên đối với cơ quan chuyên môn cấp dưới.

Thông qua Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Thương binh và xã hội chỉ đạo các Ty, Sở thương binh và xã hội về mặt chủ trương, kế hoạch công tác và trực tiếp chỉ đạo các Ty, Sở thương binh và xã hội thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ, tiêu chuẩn về thương binh xã hội, về nghiệp vụ và về chuyên môn kỹ thuật của ngành.

3. Quan hệ giữa cơ quan thương binh và xã hội cấp trên và cơ quan thương binh và xã hội cấp dưới ở địa phương là quan hệ chỉ đạo và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ.

4. Trong khi chỉ đạo công tác, nếu ý kiến của cơ quan thương binh và xã hội cấp trên với Uỷ ban nhân dân của cơ quan thương binh và xã hội cấp dưới có chỗ khác nhau thì cơ quan thương binh và xã hội cấp dưới phải báo cáo ngay với cơ quan thương binh và xã hội cấp trên biết để kịp thời trao đổi thống nhất với Uỷ ban nhân dân của cấp mình.

5. Quan hệ giữa cơ quan thương binh và xã hội với Uỷ ban nhân dân cùng cấp là quan hệ lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt.

6. Quan hệ giữa cơ quan thương binh và xã hội của Uỷ ban nhân dân cấp trên với Uỷ ban nhân dân cấp dưới là quan hệ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và giúp đỡ ý kiến để Uỷ ban nhân dân cấp dưới chỉ đạo thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ về thương binh và xã hội trong phạm vi địa phương.

7. Quan hệ giữa cơ quan thương binh và xã hội các cấp với các ngành, các giới cùng cấp là quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa và cộng đồng trách nhiệm. Để thực hiện tốt mối quan hệ này, cơ quan thương binh và xã hội các cấp cần chủ động đề ra kế hoạch phối hợp, nhất là đối với các ngành, các giới có nhiều liên quan để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trên đây là một số điểm chính để thực hiện Nghị định số 351 - CP của Hội đồng Chính phủ về việc xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức của ngành thương binh và xã hội ở địa phương.

Trong khi thực hiện, nếu có gì khó khăn trở ngại, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ty, Sở thương binh và xã hội kịp thời phản ánh cho Bộ biết.

Dương Quốc Chính

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 393-TBXH-1980 hướng dẫn thi hành Nghị định 351-CP-1979 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương binh và xã hội do Bộ Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 393-TBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 21/04/1980
  • Nơi ban hành: Bộ Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Dương Quốc Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản