Hệ thống pháp luật

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 613 NGÀY 3 THÁNG 10 NĂM 1947

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu Quyết định của Hội đồng Chính phủ ngày 19-7-47 thành lập Bộ thương binh Cựu binh;

Chiểu Sắc lệnh số 57 ngày 3-5-47 ấn định quy tắc tổ chức các Bộ;

Chiểu Quyết định của Hội đồng Chính phủ ngày 12-9-47;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương binh và Cựu binh;

RA SẮC LỆNH:

Điều thứ nhất

Bộ Thương binh và Cựu binh gồm có:

a) Văn phòng

b) Các Phòng sự vụ.

Điều thứ hai

Văn phòng Bộ thương binh và Cựu binh đặt dưới quyền điều khiển của Đổng lý Văn phòng, gồm có những Phòng:

1- Phòng Văn thư và viên chức

2- Phòng Chính trị và tổ chức

3- Phòng Kiểm tra.

Mỗi phòng có một Trưởng phòng, một phó phòng giúp Đổng lý Văn phòng điều khiển công việc riêng từng phòng và tuỳ theo sự quan hệ có thể chia làm nhiều ban do các Trưởng ban phụ trách.

Ngoài số Trưởng phòng và phó phòng kể trên, tuỳ theo sự cần thiết trong công việc chung của Văn phòng, Đổng lý Văn phòng có thể có một Bí thư và ba Tham chính giúp việc.

Điều thứ ba

Các Phòng sự vụ Bộ Thương binh và Cựu binh đặt dưới quyền điều khiển của Đổng lý Sự vụ và phó Đổng lý Sự vụ gồm có:

1- Phòng Quản lý kế toán và vật liệu.

2- Phòng nhân sự và hưu bổng.

3- Phòng chuyên môn.

Mỗi phòng có một trưởng phòng và phó phòng giúp Đổng lý và phó Đổng lý sự vụ điều khiển công việc riêng từng phòng và tuỳ theo sự quan hệ có thể chia làm nhiều ban do các Trưởng ban phụ trách.

Điều thứ tư

Ngoài những nhân viên so Sắc lệnh Chính phủ bổ dụng, việc tuyên bố các nhân viên khác giúp việc trong Văn phòng và các Phòng sự vụ Bộ Thương binh và Cựu binh sở do Bộ trưởng Bộ Lương bổng và phụ cấp các nhân viên đều do Bộ trưởng Bộ Thương binh Cựu binh ấn định sau khi thoả hiệp với Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.

Điều thứ năm

Nhiệm vụ của các Phòng trong Văn phòng và sự vụ Bộ Thương binh và Cựu binh ấn định như sau:

A/ Văn phòng:

1- Phòng Văn thư và Viên chức:

- Thu, phát, gửi, để ký, lưu trữ công văn;

- Liên lạc giữa các phòng giấy trong Bộ;

- Đặt liên lạc giao thông với các cơ quan Thương binh các Khu với Văn phòng Chủ tịch, các Bộ khác và các cơ quan kháng chiến.

- Giữ thư viện của Bộ;

- Lập biên bản các kỳ hội đồng do Bộ trưởng hay Thủ trưởng Chủ toạ;

- Giữ việc tuyên bổ, thuyên chuyển, thăng thưởng, trừng phạt... viên chức;

- Lập, giữ hồ sơ, danh bạ viên chức.

2- Phòng Chính trị và Tổ chức:

- Nâng cao tinh thần Thương binh và phát triển phong trào ủng hộ Thương binh (xuất bản sách báo; tổ chức đoàn ca kịch uỷ lạo; đào tạo cán bộ chính trị cung cấp cho các an dưỡng đường; đôn đốc công tác chính trị trong các cơ quan Thương binh, Tử sĩ; liên lạc với Nha thông tin; các đoàn thể, các hội thiện, các cơ quan ngôn luận trong nước và ngoài nước; dùng mọi hình thức làm cho dân chúng thiết thực ủng hộ Thương binh).

- Tổ chức và kiểm soát các an dưỡng đường Trung ương và các Khu.

- Lập các trại thiếu nhi và Trường thiếu sinh quân cho cô nhi.

3- Phòng Kiểm tra:

- Xem xét và kiểm soát công việc của các tổ chức Thương binh trong toàn quốc;

- Thu nhận những thích cầu và khiếu nại;

- Kiểm soát hành vi, hạnh kiểm của nhân viên trong các cơ quan thuộc Bộ thương binh Cựu binh.

B/ Các phòng sự vụ:

1- Phòng quản lý vật liệu và kế toán:

Mua bán vật liệu, dụng cụ cần thiết thuộc Bộ Thương binh Cựu binh;

- Phân phát vật liệu, dụng cụ cho các cơ quan (Trung ương và các Khu).

- Lập và giữ sổ sách, động sản, bất động sản, mục súc, đồ đạc, dụng cụ của Bộ (Trung ương và các Khu).

- Lập ngân sách của toàn Bộ;

- Thanh toán chỉ tiêu của Bộ;

- Lập, giữ sổ sách kế toán, phiếu kê toán;

- Làm sổ lương bổng, nhu cầu ngân phiếu lệnh phát ngân

- Giữ quỹ của Bộ, tiền quyên của dân chúng;

- Xét và thi hành các khoản dự chi ghi trong ngân sách;

- Cứu xét về lương bổng và phụ cấp cho nhân viên trong toàn Bộ.

2- Phòng Nhân sự và Hưu bổng:

- Lập giữ danh sách và hồ sơ Thương binh, tử sĩ, vợ hoá, con côi, cha mẹ liệt sĩ;

- Sưu tập các luật lệ và quy tắc về hưu bổng Thương tật, tiền tuất và trợ cấp cho gia đình tử sĩ;

- Dự hội đồng đạt tỷ lệ tàn phế;

- Lập và phát sổ hưu bổng thương tật, sổ tiền tuất, đồ trưng cấp;

- Tìm công việc cho Thương binh.

3- Phòng Chuyên môn:

- Chế tạo dụng cụ chuyên môn cho Thương binh (lập tại Trung ương một xưởng, và mỗi khu một xưởng).

- Lập xưởng tiểu công nghệ cho Thương binh (Trung ương và các Khu nếu có điều kiện).

- Trù bị thuốc men cho Thương binh trong toàn quốc (mua, chế tạo, phân phát).

- Đào tạo và gửi cán bộ y tế cho các cơ quan Thương binh từng các địa phương.

Điều thứ sáu

Ông Bộ trưởng Bộ Thương binh và Cựu binh chiểu Sắc lệnh thi hành.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Sắc lệnh số 613/SLĐB về việc tổ chức Bộ thương binh và Cựu binh do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 613/SLĐB
  • Loại văn bản: Sắc lệnh
  • Ngày ban hành: 03/10/1947
  • Nơi ban hành: Chủ tịch nước
  • Người ký: Hồ Chí Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản