Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
PHỦ THỦ TƯỚNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 196-BT | Hà Nội, ngày 08 tháng 09 năm 1977 |
VỀ VIỆC BỔ SUNG CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ CÁN BỘ XÃ Ở CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ PHÍA NAM
Hội đồng Chính phủ đã ban hành quyết định số 130-CP ngày 20-6-1975 bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã.
Đối với cán bộ xã ở các tỉnh phía Nam, chỉ thị số 229-TTW ngày 20-1-1976 của Bộ Chính trị trung ương Đảng về một số chủ trương công tác cấp bách ở miền Nam đã ghi: “Đối với cán bộ xã áp dụng chế độ phụ cấp hiện hành ở miền Bắc”.
Tuy nhiên, tình hình các xã ở các tỉnh phía Nam có những điểm khác với các xã ở các tỉnh phía Bắc: xã ở phía Nam nói chung dân số đông, địa dư rộng; nhiệm vụ của cấp xã sau ngày giải phóng nặng nề và phức tạp, trật tự, trị an chưa thật ổn định, vừa tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, các hợp tác xã nông nghiệp, mua bán, tín dụng chưa được thành lập; cơ sở Đảng, chính quyền và các đoàn thể còn đang củng cố; cán bộ xã thiếu và yếu, nhiều nơi phải đưa cán bộ cấp trên về tăng cường; ngân sách xã nhiều nơi chưa có.
Thông tư này hướng dẫn thi hành quyết định số 130-CP và bổ sung một số điểm cụ thể nhằm bảo đảm thống nhất chính sách, chế độ trong cả nước, đồng thời đáp ứng với tình hình thực tế, đặc điểm cấp xã ở các tỉnh phía Nam.
I. VỊ TRÍ CÔNG TÁC CỦA CÁN BỘ XÃ VÀ YÊU CẦU KIỆN TOÀN CẤP XÃ
Về vị trí công tác của cán bộ xã và yêu cầu kiện toàn cấp xã, quyết định số 130-CP của Hội đồng Chính phủ và thông tư số 45-BT của Bộ trưởng Phủ thủ tướng đã xác định:
1. Xã là cấp cơ sở trực tiếp với nhân dân, với sản xuất. Cán bộ xã là những người vừa chịu trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức, động viên nhân dân, vừa cùng với nhân dân thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở nông thôn. Cán bộ xã là những người vừa công tác, vừa sản xuất, khác với cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế là những người thu nhập chủ yếu bằng tiền lương. Trong điều kiện hiện nay, nước ta còn nghèo, chưa giải quyết được chế độ tiền lương cho cán bộ xã mà chỉ phụ cấp hàng tháng nhằm bù đắp một phần về sinh hoạt trong những ngày cán bộ xã vì bận công tác không tham gia sản xuất được, còn đối với các chế độ đào tạo bồi dưỡng, bảo vệ sức khỏe, phụ cấp đi đường, trợ cấp khó khăn, nữ cán bộ xã khi nghỉ đẻ, và chế độ mai táng phí đều được đãi ngộ tương đương như cán bộ trong biên chế Nhà nước. Ngoài ra, khi cán bộ xã đi dự các hội nghị do cấp trên triệu tập, được đài thọ toàn bộ sinh hoạt phí.
2. Tổ chức bộ máy của xã cần gọn, nhẹ, bảo đảm chất lượng và có hiệu lực, không nên bố trí nhiều người ảnh hưởng đến sản xuất. Không nhất thiết cấp trên có ngành nào thì xã phải có cán bộ chuyên trách hoặc nửa chuyên trách phụ trách ngành ấy, cần bố trí kiêm nhiệm cho hợp lý, những việc có liên quan với nhau, thì có thể một người phụ trách để bảo đảm mọi công tác của Đảng và Nhà nước đều có người đảm nhiệm và thực hiện tốt, đồng thời ngân sách địa phương và đủ khả năng đài thọ.
A. CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH VÀ NỬA CHUYÊN TRÁCH:
- Những xã có số dân từ dưới 10 000 nhân khẩu trở xuống thì thực hiện theo quyết định số 130-CP ngày 20-6-1975 của Hội đồng Chính phủ về bổ sung chính sách, chế độ cán bộ xã: có từ 5 đến 6 cán bộ chuyên trách và từ 9 đến 10 cán bộ nửa chuyên trách. Những xã có trên 7000 nhân khẩu, thì thực hiện theo thông tư số 249-BT ngày 28-12-1976 của Phủ thủ tướng nếu đã bầu hai Phó chủ tịch, thì cả hai Phó chủ tịch đều được hưởng định suất chuyên trách.
- Những xã có từ 10 000 nhân khẩu trở lên: có từ 6 đến 7 cán bộ chuyên trách và từ 11 đến 7 cán bộ chuyên trách và từ 11 đến 13 cán bộ nửa chuyên trách.
- Những xã có từ 20 000 nhân khẩu trở lên: có từ 7 đến 8 cán bộ chuyên trách và từ 12 đến 16 cán bộ nửa chuyên trách.
- Đối với xã miền núi, xã rẻo cao, xã biên giới, xã hải đảo và xã xa xôi hẻo lánh, tuy số dân ít hơn các xã đồng bằng và trung du nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào quy định chung nói trên và tình hình đặc điểm mỗi vùng và khối lượng công tác mà định số cán bộ chuyên trách, nửa chuyên trách và phân công cán bộ cho thích hợp.
Số cán bộ chuyên trách tăng thêm là để phụ trách những công việc có khối lượng lớn như sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, nghề muối.
Số cán bộ nửa chuyên trách tăng thêm chủ yếu là để phụ trách những thôn, ấp, bản đông dân hoặc ở xa và phụ trách những ngành công tác có khối lượng lớn.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố căn cứ vào đặc điểm tình hình mỗi vùng, căn cứ vào khối lượng công việc và trình độ, khả năng, sức khỏe của cán bộ và tham khảo công văn số 101 ngày 5-4-1977 của Ban tổ chức của Chính phủ về phân công trong Ủy ban nhân dân các cấp mà hướng dẫn phân công cán bộ chuyên trách, nửa chuyên trách ở xã cho thích hợp, bảo đảm mọi công việc đều có cán bộ đảm nhiệm. Đối với xã ở phía Nam có thể phân công như sau:
Số cán bộ chuyên trách:
1. Bí thư Đảng ủy (hoặc bí thư chi bộ nơi chưa lập Đảng ủy) chịu trách nhiệm chung mọi mặt công tác của xã; trực tiếp phụ trách công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng hợp tác xã, thường trực công tác Đảng và phụ trách tổ chức, xây dựng Đảng.
2. Phó bí thư (hoặc ủy viên thường vụ) thường trực Đảng kiêm phụ trách tổ chức, tuyên huấn và văn phòng Đảng ủy; những xã khối lượng công tác Đảng chưa nhiều chỉ nên bố trí cán bộ nửa chuyên trách làm các công tác nói trên.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm chung về công tác chính quyền; phụ trách công tác kế hoạch, công tác chăm lo đời sống của nhân dân, kiêm trưởng ban tài chính xã, và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà nước, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân.
4. Phó chủ tịch chuyên trách công tác sản xuất nông nghiệp, công tác thu mua lương thực, thực phẩm, nông sản và phân phối hàng hóa cho nhân dân.
5. Phó chủ tịch phụ trách nội chính, trực tiếp làm trưởng công an xã, phụ trách công tác tư pháp, công tác pháp chế.
6. Ủy viên thư ký thường trực Ủy ban nhân dân phụ trách công tác văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội và văn phòng Ủy ban nhân dân xã. Nếu đồng chí này là đảng ủy viên thì có thể kiêm công tác tuyên huấn của Đảng.
7. Ủy viên Ủy ban nhân dân phụ trách công tác quân sự trực tiếp làm xã đội trưởng.
8. Bí thư nông hội xã có thể do một cán bộ chuyên trách hoặc nửa chuyên trách đảm nhiệm công tác này.
Những công tác khác như kiểm tra, chính trị viên xã hội, phụ trách dân vận… thì tùy theo phẩm chất, năng lực và sức khỏe của cán bộ mà phân công kiêm nhiệm cho thích hợp.
SỐ CÁN BỘ NỬA CHUYÊN TRÁCH:
1. Cán bộ phụ trách công tác tài chính kiêm quản lý thị trường. Riêng những xã có nguồn thu ngân sách hàng năm từ 20 000 đồng trở lên thì cán bộ tài chính được hưởng phụ cấp cán bộ chuyên trách, do Ủy ban nhân dân tỉnh xét và quyết định.
2. Công an phó phụ trách công tác hộ tịch, hộ khẩu, công tác trật tự trị an.
3. Xã hội phó kiêm công tác thể dục thể thao.
4. Cán bộ phụ trách công tác văn hóa thông tin.
5. Cán bộ phụ trách công tác thống kê và giúp chủ tịch làm công tác kế hoạch.
6. Cán bộ phụ trách công tác thương binh xã hội kiêm chính trị viên phó xã đội.
7. Cán bộ phụ trách công tác thủy lợi, giao thông kiêm công tác quản lý lao động.
8. Cán bộ phụ trách công tác văn phòng Ủy ban nhân dân kiêm công tác tổ chức chính quyền.
9. Cán bộ phụ trách công tác Mặt trận.
10. Cán bộ phụ trách Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh kiêm công tác thiếu niên nhi đồng.
11. Cán bộ phụ trách phụ nữ kiêm công tác bảovệ bà mẹ trẻ em.
Hiện nay các xã ở tỉnh phía Nam chưa lập các hợp tác xã nông nghiệp nên cán bộ phụ trách ấp, thôn và các bản xa xôi hẻo lánh là rất cần thiết, trừ các đồng chí bí thư Đảng ủy, chủ tịch và ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân xã phải thường trực lo công việc chung của xã còn các cán bộ khác ngoài phần công tác được phân công nói trên đều nên phân công phụ trách trực tiếp các ấp, thôn, bản xa xôi hẻo lánh. Nếu số cán bộ theo quy định chưa đủ để phụ trách các ấp, thôn, bản thì được bố trí thêm để bảo đảm mỗi ấp, thôn, bản đều có một cán bộ chuyên trách và một cán bộ nửa chuyên trách. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xét và quyết định lấy số cán bộ bổ sung trong số đại biểu Hội đồng nhân dân xã có năng lực làm việc, được nhân dân trong ấp, thôn tín nhiệm.
Nhiệm vụ chủ yếu của cán bộ phụ trách ấp, thôn, bản là phổ biến, truyền đạt những chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, những chủ trương của xã, động viên, đôn đốc kiểm tra nhân dân trong ấp, thôn, bán thực hiện mọi nhiệm vụ của cấp trên và của xã giao cho; nắm tình hình và phản ánh tình hình trong ấp, thôn, bản lên Ủy ban nhân dân xã giải quyết.
Trường hợp địa phương có nhiều công tác đột xuất, cần giúp đỡ những xã phong trào yếu thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và huyện có thể điều động một số cán bộ biên chế Nhà nước về tăng cường cho xã, không nên tăng nhiều số cán bộ chuyên trách và nửa chuyên trách.
Những xã hiện nay số cán bộ chuyên trách, nửa chuyên trách quá nhiều thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hướng dẫn sắp xếp lại cho đúng với quy định của Chính phủ.
Chế độ đối với du kích tập trung, thường trực, cán bộ bưu điện xã, cán bộ y tế xã sẽ do Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và Tổng cục Bưu điện có hướng dẫn riêng, nhưng phải bảo đảm mối tương quan chung về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã.
B. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP HÀNG THÁNG CHO CÁN BỘ XÃ:
Xã có từ dưới 10 000 nhân khẩu trở xuống thì thi hành mức phụ cấp theo quyết định số 130-CP ngày 20-6-1976 của Hội đồng Chính phủ.
Xã có từ 10 000 nhân khẩu trở lên, mức phụ cấp hàng tháng cho cán bộ xã như sau:
- Bí thư, chủ tịch 40 đồng (tiền miền Bắc)
- Chuyên trách khác 32 đồng
- Nửa chuyên trách 20 đồng.
Xã có từ 20 000 nhân khẩu trở lên, mức phụ cấp hàng tháng cho cán bộ xã như sau:
- Bí thư, chủ tịch 45 đồng
- Chuyên trách khác 37 đồng
- Nửa chuyên trách 25 đồng.
C. CÁN BỘ TRONG BIÊN CHẾ CỦA CƠ QUAN ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC ĐƯA VỀ XÃ:
Cán bộ trong biên chế Nhà nước đưa về trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, hoặc cán bộ chuyên trách khác, được giữ nguyên lương và các khoản phụ cấp khác cho đến khi có chủ trương mới, không hưởng khoản phụ cấp của cán bộ xã. Việc rút bớt cán bộ chuyên trách xã căn cứ vào tình hình cụ thể và công tác, yêu cầu đào tạo cán bộ mà Ủy ban nhân dân huyện đề nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố xét và quyết định.
D. CÁC CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ KHÁC:
1. Đối với các chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chế độ bảo vệ sức khỏe; giúp đỡ gia đình cán bộ xã gặp khó khăn túng thiếu; chế độ nghỉ việc khi già yếu; chế độ đối với nữ cán bộ xã khi nghỉ đẻ và gửi con vào nhà trẻ khi đi họp, chế độ hội nghị, chế độ công tác phí và mai táng phí, v.v… vẫn thi hành theo quyết định số 130-CP ngày 20-6-1975 của Hội đồng Chính phủ về bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã và thông tư liên bộ số 18-TT/LB ngày 25-8-1965.
2. Một số trường hợp cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có thể vận dụng như sau:
- Đối với cán bộ xã trong kháng chiến đã bị địch bắt giam, tra tấn nên đau ốm, hoặc bị thương tật, sức khỏe giảm sút, không đảm đương nổi nhiệm vụ nữa, được huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện quyết định cho nghỉ việc, thì các điều kiện vẫn thi hành theo quy định chung của quyết định số 130-CP ngày 20-6-1975. Riêng về thời gian giữ chức vụ công tác thì có thể được giảm từ 3 đến 5 năm, do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xét và quyết định.
- Về chế độ mai táng phí, ngoài số tiền trợ cấp quy định trong thông tư số 18-TT/LB ngày 25-8-1965 của liên Bộ Nội vụ - Tài chính – Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và hoàn cảnh của gia đình cán bộ ở những nơi thương nghiệp chưa tổ chức bán áo quan theo giá chỉ đạo thì có thể xét trợ cấp thêm một phần để mua áo quan.
- Chế độ trợ cấp khó khăn, để bảo đảm cho cán bộ xã yên tâm công tác. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương mà vận dụng chính sách để giải quyết được kịp thời và có tác dụng thiết thực. Thủ tục phải đơn giản, tiêu chuẩn phải phù hợp với tình hình địa phương.
Văn phòng Phủ thủ tướng, Bộ Tài chính và Ban tổ chức của Chính phủ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành mình mà theo dõi việc thực hiện thông tư này.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, căn cứ vào quyết định số 130-CP ngày 20-6-1975 của Hội đồng Chính phủ về bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã và thông tư này mà quy định cụ thể loại xã, số định suất, nửa định suất cho mỗi xã và có kế hoạch cụ thể hướng dẫn thi hành ở địa phương mình, trường hợp gặp khó khăn hoặc có điều gì cần bổ sung thì báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Đối với cán bộ xã thì căn cứ vào ngày Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký quyết định mà hưởng phụ cấp, không đặt vấn đề truy lĩnh.
BỘ TRƯỞNG PHỦ THỦ TƯỚNG |
- 1Thông tư liên bộ 18-TT/LB năm 1965 bổ sung về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã do Bộ Nội vụ - Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 130-CP năm 1975 Bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 07-LĐTL-1978 hướng dẫn thi hành chế độ đãi đối với trưởng trạm bưu điện xã và bưu tá xã do Tổng cục Bưu điện ban hành
- 1Thông tư liên bộ 18-TT/LB năm 1965 bổ sung về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã do Bộ Nội vụ - Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 130-CP năm 1975 Bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 07-LĐTL-1978 hướng dẫn thi hành chế độ đãi đối với trưởng trạm bưu điện xã và bưu tá xã do Tổng cục Bưu điện ban hành
Thông tư 196-BT-1977 bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ cán bộ xã ở các tỉnh, thành phố phía Nam do Phủ thủ tướng ban hành
- Số hiệu: 196-BT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 08/09/1977
- Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
- Người ký: Vũ Tuân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 17
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra