Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 188-TD/CN

Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 1961

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CHO VAY VỐN PHƯƠNG TIỆN CƠ BẢN ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÔNG TƯ HỢP DOANH, CÁC HỢP TÁC XÃ THỦ CÔNG NGHIỆP

Kính gửi: Các Chi nhánh, Chi điếm Ngân hàng các tỉnh.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất ở các xí nghiệp địa phương và hợp tác xã, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1961 và 5 năm lần thứ nhất, Ngân hàng trung ương quyết định chủ trương mở rộng loại cho vay vốn phương tiện cơ bản đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương và công tư hợp doanh, các hợp tác xã thủ công nghiệp.

Trong khi chờ đợi xây dựng biện pháp chính thức, Ngân hàng trung ương tạm thời hướng dẫn một số điểm sau đây để các Chi nhánh, Chi điếm làm căn cứ giải quyết việc cho vay ở địa phương mình:

1. Trên cơ sở sẵn có của các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương và công tư hợp doanh, các hợp tác xã thủ công nghiệp, Ngân hàng cho vay vốn phương tiện cơ bản nhằm giúp các xí nghiệp và hợp tác xã có thêm điều kiện thực hiện việc cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất. Chú ý giúp đỡ trước hết cho các xí nghiệp và hợp tác xã sản xuất tư liệu sản xuất phục vụ nông nghiệp và chế biến nông lâm thổ hải sản.

2. Đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương và công tư hợp doanh, việc đầu tư vốn cơ bản chủ yếu là do ngân sách địa phương (một phần của ngân sách trung ương cấp thêm) bảo đảm, do đó, Ngân hàng chỉ cho vay một phần trong trường hợp ngân sách địa phương thực tế chưa có khả năng cấp được đủ số. Nói chung đối với các cơ sở sản xuất hoàn toàn do địa phương mới tổ chức, Ngân hàng không cho vay toàn bộ vốn cơ bản; trường hợp đặc biệt cần thiết, Chi nhánh Ngân hàng trung tâm phải lập hồ sơ cụ thể, báo cáo Ngân hàng trung ương (Cục Tín dụng Công nghiệp) nghiên cứu và quyết định.

3. Đối tượng cho vay là những chi phí và mua sắm vật tư trực tiếp sử dụng vào việc mở rộng và đẩy mạnh sản xuất, cải tiến kỹ thuật như các chi phí cải tiến thiết bị cũ, lắp ráp thiết bị mới, mua sắm thêm máy móc, phương tiện vận chuyển nội bộ, đặt đường dây điện, ống nước vào xưởng máy, xây dựng nhà xưởng, kho chứa, đắp lò, xây bể, v.v… (trách cho vay xây dựng nhà ăn, ở, câu lạc bộ hoặc các công tác trình tiếp phục vụ sản xuất).

4. Thời hạn cho vay tối đa không quá 4 năm.

5. Lợi suất tạm thời theo biểu cũ đang áp dụng với hợp tác xã thủ công nghiệp. Trong thời gian sắp tới khi có quyết định chính thức của Chính phủ ban hành biểu lợi suất mới, lúc đó sẽ điều chỉnh sau.

6. Ngân hàng trung ương giao quyền phán quyết cho Chi nhánh Ngân hàng trung tâm được giải quyết cho vay mỗi kế hoạch của một đơn vị vay vốn không quá 15.000đ (đối với xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương và công tư hợp doanh) và 10.000đ (đối với hợp tác xã thủ công nghiệp). Chú ý: mỗi kế hoạch của một đơn vị vay vốn tức là mỗi công trình cải tiến kỹ thuật hoặc mở rộng sản xuất được tính toán toàn bộ nhu cầu vốn vào kế hoạch của mỗi xí nghiệp, mỗi hợp tác xã trong một thời gian nhất định. Nếu toàn bộ nhu cầu vốn của công trình đó vượt mức phán quyết nói trên, nhất thiết Chi nhánh trung tâm phải lập hồ sơ cụ thể, báo cáo Ngân hàng trung ương quyết định.

Trong phạm vi mức phán quyết tối đa ấn định trên, Chi nhánh trung tâm, tùy theo tình hình và trình độ cán bộ, quy định mức phán quyết cho Chi nhánh nghiệp vụ và Chi điếm trong địa phương mình.

7. Vốn cho vay phương tiện cơ bản phải được kế hoạch hóa thành một loại riêng - Hàng quý, các Chi nhánh trung tâm phải lập kế hoạch cho vay vốn phương tiện cơ bản riêng ra một khoản mục và Ngân hàng trung ương sẽ phân phối cho từng Chi nhánh trung tâm các chỉ tiêu cho vay thuộc loại này. Việc sử dụng chỉ tiêu đó cần được theo dõi, thống kê, báo cáo riêng thành một khoản mục “cho vay vốn phương tiện cơ bản”, không được lẫn lộn với các loại cho vay khác.

8. Khi giải quyết cho vay, các Chi nhánh, Chi điếm phải hết sức chú ý nghiên cứu, tính toán kỹ càng, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cơ quan hữu quan giải quyết việc quy hoạch toàn diện các mặt sản xuất, cung cấp vật tư, tiêu thụ để bảo đảm vốn cho vay đạt được hiệu quả kinh tế tốt và bảo đảm thu hồi nợ đúng kỳ hạn.

Trên đây là một số điểm tạm thời quy định để hướng dẫn các Chi nhánh, Chi điếm giải quyết cho vay. Trong khi tiến hành, yêu cầu các Chi nhánh, Chi điếm phản ảnh cho Ngân hàng trung ương biết những khó khăn cần giải quyết kịp thời và góp thêm ý kiến, kinh nghiệm để sau này, Ngân hàng trung ương có thể ban hành một biện pháp cho vay vốn phương tiện cơ bản đầy đủ hơn.

TỔNG GIÁM ĐỐC

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Lê Viết Lượng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 188-TD/CN năm 1961 về việc cho vay vốn phương tiện cơ bản đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương và công tư hợp doanh, các hợp tác xã thủ công nghiệp do Ngân hàng nhà nước ban hành.

  • Số hiệu: 188-TD/CN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/05/1961
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Lê Viết Lượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 23/05/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản