NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 09-VP/0-53 | Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 1962 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM TRONG VIỆC THỰC HIỆN VAY VỐN PHƯƠNG TIỆN CƠ BẢN ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH ĐỊA PHƯƠNG, CÔNG TƯ HỢP DOANH CÔNG NGHIỆP VÀ VẬN TẢI, CÁC HỢP TÁC XÃ THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ VẬN TẢI
Tiếp theo các chỉ thị của Ngân hàng trung ương đã ban hành về việc cho vay vốn phương tiện cơ bản: Chỉ thị số 188-TD/CN ngày 08-05-1961 và Chỉ thị số 492-TD/CN … ngày 02-10-1961(Đối với xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương, công tư hợp doanh và hợp tác xã thủ công nghiệp); Chỉ thị số 215-TD/CN, ngày 23-05-1961 và số 44-TD/CN, ngày 05-09-1961 (đối với xí nghiệp vận tải quốc doanh địa phương, công tư hợp doanh và hợp tác xã vận tải), Ngân hàng trung ương ra chỉ thị này nhằm tiếp tục bổ sung một số điểm trong việc cho vay vốn phương tiện cơ bản đối với các xí nghiệp quốc doanh địa phương, công tư hợp doanh công nghiệp và vận tải, các hợp tác xã thủ công nghiệp và vận tải.
1. Về việc không cho vay “hỗ trợ tài chính”:
Để phân biệt dứt khoát về nguyên tắc giữa việc cấp phát vốn của ngân hàng Nhà nước với tín dụng của Ngân hàng, hơn nữa vì nguồn vốn của Ngân hàng có hạn, từ nay trở đi, Ngân hàng không cho vay “hỗ trợ tài chính” đối với tất cả các xí nghiệp quốc doanh địa phương, công tư hợp doanh công nghiệp và vận tải. Tất cả số nợ đã cho vay “hỗ trợ tài chính” từ trước ngày Ngân hàng địa phương nhận được chỉ thị này, nói chung, phải thu hồi về hết trong năm 1962, do đó, các Chi nhánh có cho vay khoản này phải yêu cầu các Sở Ty Tài chính ghi vào ngân sách năm 1962 để cấp cho xí nghiệp hoàn lại vốn cho Ngân hàng dần dần trong từng tháng hay quý.
2. Phân biệt loại xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương với loại xí nghiệp công nghiệp huyện:
Hiện nay, bên cạnh các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh còn có các xí nghiệp công nghiệp huyện chưa phải là quốc doanh. Giữa 2 loại xí nghiệp đó có sự khác nhau về trình độ tổ chức và quản lý hạch toán, cho nên việc áp dụng các chủ trương, biện pháp nghiệp vụ cần được phân biệt thích đáng
a) Xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương là những xí nghiệp thuộc sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất; vốn hoạt động (cố định và lưu động) do ngân sách địa phương cấp phát; xí nghiệp phải nộp lợi nhuận, khấu hao cho ngân sách địa phương, thực hiện hạch toán kinh tế và chấp hành các chế độ quản lý xí nghiệp của Nhà nước đã quy định. Đối với các xí nghiệp này, trong việc cho vay vốn phương tiện cơ bản, trước đây Ngân hàng trung ương có đề ra trường hợp cho vay “hỗ trợ tài chính” thì nay không cho vay trường hợp đó nữa, mà chỉ cho vay các trường hợp xí nghiệp cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất xét có hiệu quả kinh tế nhưng vì không thấy trước nên không ghi vào kế hoạch cấp phát của ngân sách địa phương .
b) Xí nghiệp công nghiệp huyện (có nơi gọi là xí nghiệp địa phương huyện) là những xí nghiệp mà hiện nay thường do chính quyền hoặc đoàn thể ở huyện đứng ra tổ chức và quản lý; có nơi huy động nhân, vật, tài lực của nhân dân trong huyện, rồi xây dựng nên xí nghiệp mới; có nơi mua lại các cơ sở sản xuất cũ của hợp tác xã mua bán; có nơi tổ chức sát nhập các hợp tác xã thủ công nghiệp sẵn rồi đầu tư thêm một ít vốn, xây dựng thành xí nghiệp có quy mô tương đối lớn hơn… Trong bước đầu xây dựng các xí nghiệp đó, có nơi, cơ quan tài chính địa phương cũng trích trong ngân sách một số vốn nhỏ để giúp đỡ thêm; nhưng thực chất các xí nghiệp này vẫn chưa phải là quốc doanh, vì hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất chưa phải là toàn dân; vốn hoạt động (cố định và lưu động) không do ngân sách địa phương bảo đảm cấp phát; xí nghiệp cũng không nộp lợi nhuận, khấu hao cho ngân sách; trình độ hạch toán và kế toán hóa ở các xí nghiệp này còn thấp kém; do đó biện pháp cho vay không thể áp dụng như các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương mà áp dụng như là các tổ hợp các tổ hợp tác xã thủ công nghiệp cấp cao, cụ thể là trong việc cho vay vốn phương tiện cơ bản cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất, các xí nghiệp loại này được xét cho vay như các hợp tác xã thủ công nghiệp về điều kiện vay, đối tượng vật tư cho vay, lợi suất, mức phán quyết, và về các chỉ tiêu vốn, kế toán, thống kê cũng ghi vào cho vay hợp tác xã thủ công nghiệp. (Khi nào các xí nghiệp này chuyển lên quốc doanh địa phương thì lúc đó áp dụng biện pháp cho vay đối với xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương ).
3. Về việc cho vay xây dựng nhà xưởng sản xuất:
Tinh thần chung đối với đối tượng kiến thiết cơ bản như xây dựng nhà xưởng, nhà kho… là không cho vay, vì hiện nay nguồn vốn Ngân hàng có hạn, hơn nữa, vật liệu xây dựng có thiếu thốn. Nhưng để chiếu cố một số trường hợp thật cần thiết cho việc cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất, đồng thời phù hợp với khả năng vốn của Ngân hàng, nay Ngân hàng trung ương quy định một số điểm sau đây để các Chi nhánh, Chi điếm có thể tự giải quyết cho vay xây dựng nhà xưởng sản xuất trong phạm vi mức phán quyết hiện hành.
a) Chỉ xét cho vay đối với hợp tác xã thủ công nghiệp (kể cả xí nghiệp huyện) mà không cho vay các xí nghiệp quốc doanh địa phương và công tư hợp doanh công nghiệp và vận tải;
b) Chỉ xét cho vay xây dựng nhà xưởng sản xuất mà không cho vay xây dựng nhà kho, nhà ăn, ở hoặc các công trình gián tiếp sản xuất khác;
c) Chỉ xét cho vay xây dựng nhà xưởng sản xuất với quy mô nhỏ, có tính chất bổ sung vào cơ sở sản xuất sẵn có (ví dụ dựng thêm gian nhà, lại thêm mái nhà để đặt thêm máy móc, dụng cụ sản xuất mở rộng sản xuất hoặc sửa lại, dựng lại một bộ phận nhà xưởng đã hư hỏng đang đe dọa tính mệnh của người lao động); còn các trường hợp xây dựng toàn bộ cơ sở sản xuất mới, di chuyển đến địa điểm mới hoặc vẫn trên địa điểm cũ, nói chung là không cho vay. (Trong trường hợp này, nếu có hợp tác xã nào đó đã bỏ vốn xây dựng dở dang hiện đang còn thiếu một phần vốn nhỏ để hoàn thành, cần vay Ngân hàng, thì các Chi nhánh, Chi điếm phải lập hồ sơ báo cáo cho Ngân hàng trung ương xét từng trường hợp cụ thể, coi đó là trường hợp cá biệt, mà không giao cho Ngân hàng địa phương giải quyết, mặc dầu số tiền xin vay chưa vượt mức phán quyết);
d) Khi xét cho vay phải chú ý tận dụng các nguồn vốn của hợp tác xã có thể sử dụng được như quỹ tích lũy, quỹ khấu hao, tránh tình trạng cho vay đồng loạt toàn bộ yêu cầu vốn và cho vay tràn lan.
Khi xét cho vay phương tiện cơ bản cần chú ý đến mức thu nhập của hợp tác xã, mức phân phối cho xã viên, nếu mức phân phối cao hơn mức thu nhập chung của địa phương thì yêu cầu hợp tác xã tăng thêm tích lũy hoặc huy động của xã viên làm vốn mở rộng sản xuất. Đây cũng là một mặt của việc tận dụng khả năng tự có của hợp tác xã.
4. Việc gửi các quỹ chuyên dụng của hợp tác xã vào các tài khoản ở Ngân hàng coi như là một điều kiện để vay vốn phương tiện cơ bản.
Để giúp đỡ thúc đẩy hợp tác xã đi dần vào thực hiện chế độ hạch toán, tài vụ, nâng cao ý thức cần kiệm xây dựng hợp tác xã và để thi hành chính sách quản lý tiền mặt, thanh toán của Nhà nước đã quy định, từ nay các hợp tác xã thủ công nghiệp và hợp tác xã vận tải muốn được vay vốn phương tiện cơ bản, phải mở tài khoản ở Ngân hàng Nhà nước để gửi các quỹ tích lũy, quỹ khấu hao, quỹ đặc biệt v.v… coi đó là một điều kiện vay vốn phương tiện cơ bản, nếu hợp tác xã không gửi các quỹ nói trên vào Ngân hàng thì không được vay vốn phương tiện cơ bản.
Tuy nhiên, để tiến tới thi hành một cách chặt chẽ điều kiện đó, cũng cần có thời gian nhất định và trong quá trình cũng cần có sự vận dụng một cách linh hoạt mềm dẻo. Các Chi nhánh, Chi điếm phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan như các Ban Liên hợp hợp tác xã thủ công nghiệp địa phương, các Sở Ty Giao thông vận tải để tổ chức phổ biến, giải thích, vận động các hợp tác xã thực hiện từng bước và mở rộng dần, chú ý trước hết là các hợp tác xã cấp cao, các hợp tác xã đang có quan hệ vay mượn với Ngân hàng rồi dần dần đến tất cả các hợp tác xã khác.
Khi hợp tác xã đã gửi từng loại quỹ riêng biệt vào từng tài khoản, tiểu khoản thích ứng (biểu đồ kế toán của Ngân hàng năm 1962 đã quy định ) các Chi nhánh, Chi điếm cần lưu ý: một mặt có kế hoạch phối hợp với các cơ quan quản lý hợp tác xã đôn đốc hợp tác xã tiếp tục gửi thường xuyên các số tiền đã trích được của từng quỹ vào các tài khoản đã mở; mặt khác cần đảm bảo cho các hợp tác xã có thể rút tiền từ các tài khoản đó ra một cách dễ dàng khi hợp tác xã sử dụng vào đúng mục đích của từng loại quỹ theo những nguyên tắc sử dụng vốn của điều lệ tổ chức và điều lệ tài vụ hợp tác xã do liên hiệp hợp tác xã trung ương quy định. (Trong việc này, các Chi nhánh, Chi điếm cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý hợp tác xã để hưởng dẫn sử dụng các quỹ đó một cách linh hoạt và đúng đắn).
5. Về việc nâng thêm mức phán quyết cho các Chi nhánh trung tâm trong việc cho vay vốn phương tiện cơ bản.
Căn cứ vào tình hình và trình độ chung của các Chi nhánh, Chi điếm trong việc cho vay vốn phương tiện cơ bản cải tiến kỹ thuật mở rộng sản xuất năm qua, Ngân hàng trung ương thấy có thể nâng mức phán quyết lên một bước, do đó, quy định mức phán quyết từ nay như sau:
- Đối với hợp tác xã thủ công nghiệp (kể cả xí nghiệp huyện, xí nghiệp hợp tác) 20.000đ (hai chục nghìn đồng).
- Đối với xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương, xí nghiệp công nghiệp công tư hợp doanh 30.000đ (ba chục nghìn đồng).
Còn đối với các xí nghiệp và hợp tác xã vận tải, vẫn thi hành mức phán quyết cũ (15.000đ).
Các Chi nhánh trung tâm sẽ tùy tình hình và trình độ nghiệp vụ cụ thể của từng chi nhánh nghiệp vụ và chi điếm trong địa phương mình mà giao mức phán quyết cho thích đáng.
6. Xác định tính chất thời hạn của loại cho vay vốn phương tiện cơ bản cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất:
Vì thực chất của việc cho vay vốn phương tiện cơ bản cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất là tham gia vào tài sản cố định của xí nghiệp và hợp tác xã, nói chung không thể thu hồi vốn về trong một thời hạn ngắn; mặt khác, nguồn vốn cho vay loại này của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu phải do Ngân sách Nhà nước cấp, cho nên Ngân hàng trung ương quy định tất cả số vốn cho vay phương tiện cơ bản đối với xí nghiệp quốc doanh địa phương, công tư hợp doanh công nghiệp và vận tải, hợp tác xã thủ công nghiệp và hợp tác xã vận tải đều thuộc loại cho vay dài hạn (kể cả các khoản cho vay phương tiện cơ bản có thể hoàn lại trong 12 tháng).
Tất cả số dư nợ đã vay về vốn phương tiện cơ bản đối với các xí nghiệp và hợp tác xã nói trên, trước đây ghi trong tài khoản kế toán (và thống kê) ngắn hạn, thì nay sẽ chuyển sang tài khoản kế toán (và thống kê) dài hạn. Các số dư nợ cũ chuyển qua đó tính vào trong chỉ tiêu vốn phương tiện cơ bản dài hạn năm 1962, cũng như số vốn mới cho vay từ nay trở đi đều tính vào chỉ tiêu cho vay dài hạn kế toán và thống kê vào loại cho vay dài hạn.
Nội dung hành tự kế toán như sau:
Khi bắt đầu thi hành theo tinh thần chỉ thị này thì kế toán tiến hành đối chiếu sổ sách giữa Ngân hàng và các đơn vị vay. Đối chiếu xong, kế toán lập phiếu chuyển số dư nợ ở các tài khoản của các đơn vị nói trên thuộc mục cho vay ngắn hạn sang các tài khoản cho vay thuộc mục, cho vay dài hạn (chú ý khi chuyển thì chỉ chuyển số dư, chứ không chuyển doanh số).
Lợi suất vẫn tạm thời tính theo mức cũ là mức hiện nay các Chi nhánh, Chi điếm áp dụng theo tinh thần chỉ thị trước đây đã hướng dẫn. Thời gian tới, khi chính phủ cho phép ban hành biểu lợi suất mới, lúc đó sẽ điều chỉnh sau cho thống nhất.
Trên đây là những điểm bổ sung thuộc về chủ trương cho vay vốn phương tiện cơ bản cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất đối với các xí nghiệp quốc doanh địa phương, công tư hợp doanh công nghiệp và vận tải, các hợp tác xã thủ công nghiệp và vận tải, cần được Chi nhánh, Chi điếm tổ chức và nghiên cứu kỹ cho các cán bộ tín dụng cũng như kế toán, thống kê nắm vững tinh thần chỉ thị này, đồng thời phổ biến cho các cơ quan hữu quan (Tài chính, công nghiệp, Liên hiệp hợp tác xã, giao thông vận tải) và các xí nghiệp, các hợp tác xã biết rõ.
Gặp những khó khăn hoặc có những kinh nghiệm gì, mong các Chi nhánh, Chi Điếm phản ảnh cho Ngân hàng trung ương biết để giải thích, bổ sung thêm, tiến tới trong năm 1962 này có thể xây dựng được biện pháp cho vay vốn phương tiện cơ bản cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất một cách tương đối hoàn chỉnh.
| Q. TỔNG GIÁM ĐỐC |
Chỉ thị 09-VP/0-53 về bổ sung một số điểm trong việc thực hiện vay vốn phương tiện cơ bản đối với các xí nghiệp quốc doanh địa phương, công tư hợp doanh công nghiệp và vận tải, các hợp tác xã thủ công nghiệp và vận tải do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 09-VP/0-53
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 05/04/1962
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Tạ Hoàng Cơ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 15
- Ngày hiệu lực: 20/04/1962
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định