Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: 232-VP

Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 1969

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH THỂ LỆ CHO VAY DÀI HẠN ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC HỢP TÁC SẢN XUẤT TIỂU CÔNG NGHIỆP VÀ THỦ CÔNG NGHIỆP

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Để giúp các tổ chức hợp tác sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp có thêm vốn xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật, nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất các mặt hàng theo yêu cầu của kế hoạch Nhà nước, đồng thời giúp đỡ các tổ chức đó tăng cường quản lý, củng cố hạch toán tài vụ, góp phần vào việc tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất mới;

Sau một thời gian thi hành thông tư số 188-TD/CN ngày 08-5-1961 và các chỉ thị bổ sung hướng dẫn tiếp theo về cho vay dài hạn đối với các tổ chức hợp tác sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, nay nhận thấy cần được hệ thống hoá và cải tiến thêm để thống nhất thi hành và bảo đảm hiệu quả cao nhất của vốn tín dụng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành thể lệ cho vay vốn dài hạn đối với các tổ chức hợp tác sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

Điều 2. Thể lệ này có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thay thể tất cả những văn bản cũ về cho vay dài hạn đối với các tổ chức hợp tác sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp đã ban hành từ trước đến ngày ban hành thể lệ này.

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng, Cục trưởng Cục tín dụng công nghiệp, vận tải và các ông Trưởng chi nhánh, chi điếm ngân hàng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Sỹ Đồng

 

THỂ LỆ

CHO VAY VỐN DÀI HẠN ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC HỢP TÁC SẢN XUẤT TIỂU CÔNG NGHIỆP VÀ THỦ CÔNG NGHIỆP

Chương 1:

MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN CHO VAY

Điều 1. Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức hợp tác sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp ([1]) vay vốn dài hạn để thực hiện trang bị kỹ thuật, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, áp dụng kỹ thuật mới và mở rộng cơ sở sản xuất nhằm giúp cho các tổ chức ấy có thêm điều kiện vật chất, kỹ thuật để tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất các mặt hàng theo yêu cầu của kế hoạch Nhà nước.

Thông qua việc cho vay, giúp đỡ các tổ chức hợp tác sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp tăng cường quản lý kinh tế và tài vụ, góp phần vào việc tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất mới.

Điều 2. Tổ chức kinh tế được vay vốn dài hạn của Ngân hàng Nhà nước trước hết là các hợp tác xã sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, các hợp tác xã cung tiêu sản xuất. Đối với các tổ sản xuất hợp tác có triển vọng trở thành hợp tác xã sản xuất thì cũng có thể xét cho vay. Riêng đối với các xí nghiệp hợp tác hay xí nghiệp công nghiệp huyện do chính quyền hoặc các cơ quan khác của địa phương tổ chức, trước khi xét cho vay, phải được cơ quan quản lý địa phương xác định dứt khoát về tính chất của tổ chức (hoặc quốc doanh hoặc hợp tác xã ). Nếu là quốc doanh thì không cho vay theo thể lệ này.

Điều 3. Đối tượng cho vay dài hạn bao gồm:

- Các chi phí mua sắm hoặc tự trang tự chế máy móc thiết bị (bao gồm thiết bị phát động lực, phát điện), công cụ sản xuất thủ công, nửa cơ giới và cơ giới, phương tiện vận tải.

- Các chi phí đặt đường dây điện từ trạm hạ thế đến xưởng máy, chi phí đặt ống dẫn nước vào nơi sản xuất.

- Các chi phí về cải tiến công cụ sản xuất, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, cải tiến phương pháp công nghệ và cải tiến, tăng thêm mặt bằng sản xuất có tác dụng trực tiếp hoặc phục vụ cho các công trình trang bị, cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất.

- Các chi phí về mua sắm vật liệu, phụ tùng, nhân công phục vụ cho yêu cầu chuyển hướng kỹ thuật thích ứng với khó khăn thời chiến (từ cơ giới chuyển sang nửa cơ giới hay thủ công) bảo đảm cho máy móc thiết bị có thể sử dụng được trong mọi tình huống (thiếu điện hay mất điện). Đây chỉ là một loại đối tượng có tính chất tạm thời phát sinh trong chiến tranh.

- Các chi phí về xây dựng nhà xưởng sản xuất, nhà kho với quy mô vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện và quy hoạch xây dựng của địa phương trong từng thời kỳ (không cho vay xây dựng nhà ăn, nhà ở, câu lạc bộ hoặc các công trình gián tiếp phục sản xuất).

Điều 4. Các tổ chức hợp tác muốn vay vốn dài hạn phải có những điều kiện sau đây:

1. Có tư cách pháp nhân: được cơ quan quản lý sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp địa phương cho phép thành lập và hoạt động đúng theo quy tắc tổ chức hợp tác sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp do Chính phủ ban hành. Phải có vốn tự có bao gồm vốn cổ phần công hữu và vốn sản xuất bằng tiền hoặc bằng hiện vật.

2. Phải được ổn định về quy hoạch địa điểm xây dựng hướng sản xuất, được bảo đảm về lao động kỹ thuật và phải có hợp đồng về cung cấp nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm.

3. Các công trình xây dựng, mở rộng cơ sở sản xuất và cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới phải bảo đảm có hiệu quả kinh tế rõ rệt, đã trãi qua thí nghiệm (nếu cần thiết) được cơ quan quản lý sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp địa phương xác nhận, và phải được cơ quan cung cấp vật tư kỹ thuật bảo đảm phân phối những vật tư cần thiết cho việc thực hiện công trình.

4. Phải lập được kế hoạch sản xuất, tài vụ, kế hoạch vay vốn và trả nợ dài hạn. Hàng tháng, quý, năm, phải lập được bảng cân đối tài khoản (hoặc bảng cân đối thu chi) và gửi cho ngân hàng địa phương.

5. Phải mở tài khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi các quỹ chuyên dùng và trích gửi thường xuyên đầy đủ vào ngân hàng Nhà nước, sử dụng đúng nguyên tắc và có kế hoạch.

Chương 2:

CÁCH CHO VAY, THU NỢ

Điều 5. Các tổ chức hợp tác muốn vay dài hạn làm đơn xin vay kèm theo các tài liệu sau đây:

- Bản đồ án thiết kế của công trình xin vay,

- Bản dự toán chi phí;

- Bản tính toán hiệu quả kinh tế và kế hoạch vay trả nợ ngân hàng do tổ chức hợp tác và cán bộ tín dụng ngân hàng cùng xây dựng (mẫu số 1).

- Hợp đồng cung cấp, sản xuất, tiêu thụ.

- Các báo biểu kế toán tháng hay quý gần nhất.

Điều 6. Sau khi trực tiếp thẩm tra, giúp đỡ tổ chức hợp tác tính toán chi phí và xác định hiệu quả kinh tế, ngân hàng sẽ quyết định cho vay. Mức cho vay sẽ bằng tổng số chi phí theo dự toán trừ (-) đi vốn tự có có thể huy động được (số dư vốn khấu hao, quỹ tích lũy và các khoản khác có thể huy động). Khi tính mức cho vay, cần xét khả năng hoàn trả nợ trong phạm vi thời hạn cho vay tối đa quy định ở điều 8. Trường hợp không bảo đảm hoàn trả nợ trong phạm vi thời hạn cho vay tối đa quy định thì hoặc là tổ chức hợp tác phải nâng mức trả nợ cao hơn (nếu có đụng chạm đến thu nhập của xã viên thì phải được đại hội xã viên đồng ý) hoặc giảm bớt yêu cầu vay vốn.

Điều 7. Ngân hàng phát tiền vay dần dần theo mức thực hiện công trình và mức cho vay đã được duyệt.

- Mỗi lần nhận tiền vay, tổ chức hợp tác phải lập bản kê chứng từ xin vay (mẫu số 2) kèm theo các chứng từ mua vật tư kỹ thuật hoặc giấy đòi tiền của các tổ chức bao thầu đã hoàn thành từng phần hay toàn bộ công trình (trường hợp thuê ngoài).

- Đối với các chi phí chưa có chứng từ thì cần làm bản kê khai (mẫu số 3), ngân hàng sẽ kiểm tra sau.

- Đối với chi phí nhân công phải có bản kê danh sách trả lương kèm theo.

Ngân hàng phải kiểm soát tính chất hợp lệ của chứng từ, tính chất hợp pháp của nguồn cung cấp, giá cả và đối chiếu với các khoản chi trong dự toán để quyết định phát tiền vay.

Điều 8. Thời hạn cho vay mỗi công trình quy định như sau:

- Xây dựng cơ bản mới, mở rộng cơ sở sản xuất tối đa không quá 5 năm, trường hợp cá biệt có thể kéo dài đến 7 năm.

- Cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quá trình công nghệ, sản xuất thêm mặt hàng mới tối đa không quá 3 năm.

Thời hạn cho vay tính từ ngày tổ chức hợp tác nhận món vay đầu tiên, trong đó thời gian hoàn thành mỗi công trình tối đa không quá 5 tháng. Nếu do những nguyên nhân nào đó hoàn thành không đúng thời hạn thì ngân hàng địa phương có thể gia hạn thêm một thời gian thích hợp, nhưng thời gian hoàn thành công trình cũng không được kéo dài quá 8 tháng.

Điều 9. Nguồn trả nợ của tổ chức hợp tác là một phần quỹ tích lũy chung và toàn bộ quỹ khấu hao cơ bản của những tài sản cố định được ngân hàng cho vay. Nếu tổ chức hợp tác còn nợ dài hạn cũ chưa trả xong thì khi tính mức trả của món nợ mới vay phải chú ý trừ phần nợ cũ trong số tích lũy khấu hao trích được hàng tháng. Trong khi tính toán trích quỹ tích lũy để trả nợ sẽ dành cho tổ chức hợp tác một phần vốn nhất định cho các nhu cầu chi phí khác không thuộc đối tượng cho vay của ngân hàng, hoặc để bổ sung một phần vốn lưu động cần tăng thêm trong quá trình mở rộng sản xuất, nhưng cần chú ý mức nợ cho ngân hàng phải bảo đảm thanh toán xong trong thời hạn cho vay tối đa đã quy định.

Điều 10. Thời hạn trả nợ của từng công trình được vay vốn ngân hàng ấn định như sau: số tiền vay chia (:) cho mức nợ trả hàng tháng. Ngân hàng bắt đầu thu nợ sau khi công trình hoàn thành và đi vào sản xuất được 1 tháng.

Điều 11. Mỗi tháng, ngân hàng sẽ thu nợ dần một vài lần theo mức quy định cho tháng đó, bảo đảm đến cuối mỗi tháng phải thu đủ mức đã quy định cho từng tháng. Trường hợp tổ chức hợp tác không trả được hết nợ cho mỗi kỳ hạn (tháng) ngân hàng sẽ xét lý do, nếu là chính đáng thì có thể cho tổ chức hợp tác gia hạn sang tháng sau. Nếu quá 2 tháng số nợ đó vẫn không trả được thì ngân hàng sẽ chuyển số nợ trả thiếu qua nợ quá hạn.

Ngược lại, nếu quá trình hoạt động, các công trình được vay đưa lại hiệu quả vượt quá sự tính toán ban đầu thì ngân hàng yêu cầu tổ chức hợp tác trả nợ nhiều hơn mức phải trả đã quy định hàng tháng cho hợp lý để rút ngắn thời hạn trả nợ.

Điều 12. Trường hợp tổ chức hợp tác bị thiệt hại vì thiên tai, địch họa phải tạm ngừng sản xuất thì ngân hàng sẽ hoãn trả nợ và miễn lãi cho số nợ được hoãn.

Chương 3:

KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ

Điểm 13. Ngoài việc kiểm tra trước khi cho vay, chi nhánh nghiệp vụ, chi điếm ngân hàng Nhà nước phải thường xuyên tiến hành kiểm tra trong quá trình phát tiền cho vay để bảo đảm việc sử dụng tiền vay theo mục đích và đôn đốc giúp đỡ các tổ chức hợp tác hoàn thành công trình trong thời hạn quy định, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm vốn và nhanh chóng phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điều 14. Nếu phát hiện tổ chức hợp tác cố ý sử dụng tiền vay sai mục đích, hoặc có những thủ đoạn lợi dụng tiền vay làm những việc sai trái, ngân hàng sẽ tùy tình hình cụ thể, tạm hoãn việc phát tiền vay để kiểm điểm bổ cứu kịp thời, thu hồi số tiền sử dụng không đúng mục đích. Nếu việc vi phạm đó vẫn tiếp tục xảy ra, ngân hàng báo cho cơ quan quản lý tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp biết, đồng thời đình chỉ cho vay và thu hồi số tiền đã cho vay về trước thời hạn. Nếu tổ chức hợp tác không có khả năng trả thì chuyển sang nợ quá hạn. Việc đình chỉ cho vay, thu hồi về trước thời hạn và xét tiếp tục cho vay trở lại do trưởng chi nhánh ngân hàng tỉnh, thành phố quyết định.

Điều 15. Trường hợp đặc biệt nếu bị giải tán, tổ chức hợp tác kiểm kê lại tài sản, trong khi kiểm kê phải có đại diện của chính quyền, ngân hàng và cơ quan quản lý địa phương chứng kiến, để quyết định việc thanh lý tài sản, nợ ngân hàng phải được thu hồi trước hết cùng với các khoản nợ khác của cơ quan Nhà nước.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Thể lệ cho vay này thay thế tất cả những văn bản về cho vay dài hạn đối với các tổ chức hợp tác sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp đã ban hành trước đây (thông tư số 188-TDCN ngày 08-5-1961, các chỉ thị số 492-TDCN ngày 02-10-1961; số 09-VP ngày 05-4-1962, số 99-054 ngày 27-4-1963, số 45-VP ngày 30-9-1965, số 34-VP/CN ngày 28-9-1966).

Điều 17. Thể lệ này ban hành kèm theo quyết định số 232-CP ngày 08-5-1969 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.



[1] Từ đây xuống dưới, gọi tắt là: “các tổ chức hợp tác”

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 232-VP năm 1969 về thể lệ cho vay dài hạn đối với các tổ chức hợp tác sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp do Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 232-VP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/05/1969
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Sỹ Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 08/05/1969
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản