Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 215-TD/CN

Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 1961 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHO VAY VỐN PHƯƠNG TIỆN CƠ BẢN VẬN TẢI CƠ GIỚI ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH VẬN TẢI ĐỊA PHƯƠNG, CÔNG TƯ HỢP DOANH, VÀ HỢP TÁC XÃ VẬN TẢI

Kính gửi: Các Chi nhánh, Chi điếm Ngân hàng các tỉnh 

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu cải tiến và phát triển phương tiện vận tải, mở rộng kinh doanh của các xí nghiệp và hợp tác xã vận tải, bảo đảm phục vụ kịp thời và đầy đủ cho các nhu cầu vận chuyển của các ngành kinh tế, góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1961 và 5 năm lần thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước trung ương chủ trương mở rộng dần loại cho vay vốn phương tiện cơ bản vận tải cơ giới đối với các xí nghiệp quốc doanh vận tải địa phương, công tư hợp doanh và hợp tác xã vận tải.

Trong khi chờ đợi xây dựng biện pháp chính thức Ngân hàng trung ương tạm thời quy định một số điểm sau đây để các chi nhánh, chi điếm làm căn cứ giải quyết cho vay ở địa phương mình:

1. Trên cơ sở số phương tiện vận tải và bộ phận sửa chữa sẵn có của các xí nghiệp quốc doanh vận tải địa phương, công tư hợp doanh và hợp tác xã vận tải, Ngân hàng cho vay vốn phương tiện cơ bản cơ giới nhằm giúp cho các xí nghiệp và hợp tác xã vận tải có thêm điều kiện thực hiện việc cải tiến phương tiện, nâng cao năng suất của phương tiện, phát triển thêm phương tiện vận tải, cải tiến kỹ thuật bộ phận sửa chữa của các xí nghiệp, rút ngắn thời gian phương tiện nằm chờ sửa chữa để sớm huy động vào phục vụ vận chuyển.

2. Đối với các xí nghiệp quốc doanh vận tải địa phương và công tư hợp doanh vận tải, việc đầu tư vốn cơ bản chủ yếu là do Ngân sách địa phương bảo đảm, do đó, Ngân hàng chỉ cho vay thêm một phần trong trường hợp ngân sách địa phương thực tế chưa có khả năng cấp được đủ số cần thiết.

Nói chung, đối với các xí nghiệp vận tải quốc doanh địa phương hoàn toàn do địa phương mới tổ chức. Ngân hàng không cho vay toàn bộ vốn cơ bản; trường hợp xét đặc biệt cần thiết Chi nhánh Ngân hàng trung tâm phải lập hồ sơ cụ thể, báo cáo lên Ngân hàng trung ương nghiên cứu và quyết định.  

3. Đối tượng cho vay là những chi phí và mua sắm vật tư trực tiếp dùng vào việc cải tiến phương tiện sẵn có như lắp máy ca nô vào thuyền, mở rộng và phát triển thêm phương tiện vận tải như đóng mới, mua sắm ca nô kéo thuyền (kèm theo cả sà lan và thuyền gỗ nếu cần), đóng mới rơ-moóc ôtô, khôi phục lại những phương tiện bị hư hỏng đã hết thời gian sử dụng và thiết bị thêm máy móc dùng cho bộ phận sửa chữa nhỏ của các xí nghiệp vận tải như máy nổ, máy tiện, máy bào, máy hàn xì…

4. Thời hạn cho vay tạm thời quy định tối đa không quá 4 năm.

5. Trong lúc chờ đợi chỉ thị mới, lợi suất tạm thời áp dụng 0,4% một tháng theo tinh thần chỉ thị số 219/a ngày 30-5-1960 nói về cho vay phương tiện cơ bản đối với hợp tác xã vận tải.

6. Ngân hàng trung ương giao quyền phán quyết cho Chi nhánh Ngân hàng trung tâm được giải quyết cho vay mỗi kế hoạch của một đơn vị vay vốn không quá 15.000đ. Nếu toàn bộ nhu cầu vốn của xí nghiệp và hợp tác xã vận tải dùng để cải tiến, phát triển thêm phương tiện và thiết bị cho bộ phận sửa chữa trong mỗi kế hoạch vượt mức phán quyết nói trên thì Chi nhánh trung tâm phải lập hồ sơ cụ thể báo cáo Ngân hàng trung ương quyết định. Trong phạm vi mức phán quyết ấn định tối đa ở trên, Chi nhánh trung tâm căn cứ tùy theo tình hình và trình độ cán bộ từng nơi quy định mức phán quyết cho Chi nhánh nghiệp vụ và Chi điếm trong địa phương mình.

7. Cách tính toán cho vay thu nợ đối với loại cho vay này tiến hành như sau: Căn cứ vào kế hoạch cải tiến, phát triển thêm phương tiện và kế hoạch thiết bị máy móc cho bộ phận sửa chữa của các xí nghiệp và hợp tác xã vận tải được cơ quan giao thông và Ủy ban kế hoạch địa phương duyệt căn cứ vào bảng tính toán dự trù chi phí toàn bộ nhu cầu vốn của kế hoạch trừ số vốn cơ bản được ngân sách địa phương cấp cho xí nghiệp (nếu là xí nghiệp địa phương và công tư hợp doanh) và trừ số vốn tự có của hợp tác xã vận tải trên tài khoản khấu hao cơ bản, quỹ tích lũy, còn thiếu ngân hàng cho vay thêm. Việc thu nợ đối với các xí nghiệp dựa trên các khoản trích khấu hao cơ bản và số lãi tăng thêm hàng tháng do hiệu quả kinh tế của các phương tiện vay vốn đem lại và dựa vào một phần ngân sách địa phương cần bổ sung cho xí nghiệp theo kế hoạch đã ghi trên dự toán ngân sách địa phương hàng năm. Đối với hợp tác xã vận tải, nguồn thu nợ chủ yếu dựa vào quỹ tích lũy, khấu hao cơ bản của toàn hợp tác xã. Chi nhánh cần bàn bạc thống nhất chủ trương và biện pháp thu nợ với Ty Tài chính, xí nghiệp và hợp tác xã vận tải (kèm theo mẫu tính toán cho vay thu nợ).

8. Vốn cho vay phương tiện cơ bản phải được kế hoạch hóa thành một loại riêng - Hàng quý Chi nhánh trung tâm phải lập được kế hoạch cho vay vốn phương tiện cơ bản riêng thành từng khoản, mục và Ngân hàng trung ương sẽ phân phối cho từng chi nhánh các chỉ tiêu về loại cho vay này. Việc sử dụng các chỉ tiêu đó cũng cần được theo dõi riêng, không được lẫn lộn với các loại cho vay khác.

9. Khi cho vay: Chi nhánh cần phối hợp chặt chẽ với các ngành và các cơ quan hữu quan, đi sâu nghiên cứu kỹ càng về các mặt cung cấp vật tư, kỹ thuật, máy móc, nắm lực lượng vận tải và khối lượng hàng hóa cần vận chuyển ở địa phương, tính toán làm sao bảo đảm cân đối giữa phương tiện vận tải với khối lượng hàng hóa, giữa vận tải địa phương với vận tải quốc doanh trung ương, cân đối với việc cung cấp vật tư của Nhà nước, nhằm bảo đảm cho vay đạt được hiệu quả kinh tế tốt và thu nợ đúng hạn.

*

*   *

Trên đây là môt số điểm quy định tạm thời để hướng dẫn các chi nhánh, chi điếm giải quyết cho vay. Trong khi thi hành các chi nhánh, chi điếm cần phản ảnh kịp thời cho Ngân hàng trung ương những khó khăn cần giải quyết và góp thêm ý kiến, kinh nghiệm để sau này Ngân hàng trung ương có thể ban hành một biện pháp cho vay vốn phương tiện cơ bản đối với vận tải địa phương được đầy đủ hơn.

 

 

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
 


 
Lê Viết Lượng

 

 

Mẫu số 1

ĐƠN XIN VAY VỐN PHƯƠNG TIỆN CƠ BẢN

(của xí nghiệp vận tải địa phương và công tư hợp doanh vận tải)

Kính gửi: Chi nhánh, Chi điếm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam………………………

Chúng tôi Ban Quản đốc xí nghiệp vận tải………......…… ở…….……….. dây nói số………..........Tài  khoản tiền gửi số…........……….. tại Chi nhánh (chi điếm) Ngân hàng……………….. ......

Kính gửi đơn này xin vay Ngân hàng Nhà nước …….....……………. số tiền……………......... để:

……………………… ca nô trọng tải…….…………….. tấn

………………………. rơ-moóc  "……………………… tấn

………………………. thuyền  "………………………... tấn

………………………. thiết bị   "………………………... (máy hàn xì, máy tiện v.v…)

Số tiền vay sẽ trả trong thời hạn……….. năm……….. tháng.

Chúng tôi hứa tuân theo đúng thể lệ chỉ thị cho vay phương tiện cơ bản và thực hiện đầy đủ những kế hoạch vay vốn và trả nợ đã ký kết với Ngân hàng Nhà nước…………

Chúng tôi xin kèm theo:

1 bản kế hoạch vay vốn và trả nợ Ngân hàng.

1 bàn dự trù chi phí cho các phương tiện đóng mới hay cải tiến (nếu là đặt mua thì phải kèm theo hợp đồng đặt mua hàng) đã được Ty Giao thông duyệt y.

……… ngày……… tháng………. năm 1961

Phụ trách tài vụ

xí nghiệp

Quản đốc xí nghiệp

 

Mẫu số 2

KẾ HOẠCH VAY VỐN PHƯƠNG TIỆN CƠ BẢN

(xí nghiệp công tư hợp doanh vận tải và  vận tải địa phương)

1961

Kế hoạch sản lượng do Ủy ban kế hoạch tỉnh giao …….. tấn

Kế hoạch sản lượng do Bộ và Cục giao……………….. tấn

Cộng: ……….. tấn

Đã ký hợp đồng vận chuyển được: ………………….. tấn

Phương tiện đã có

 

…… ca nô, trọng tải……. tấn

…… rơ-moóc, -      ……. tấn

…… thuyền ,    -     ..... .... tấn

…… ô-tô,         -      ... …. tấn

Cộng:………tấn 

 

LOẠI PHƯƠNG TIỆN

PHƯƠNG TIỆN CẦN VAY VỐN

Toàn bộ chi phí cần thiết để mua sắm và khôi phục phương tiện theo dự trù

Tài chính đã cấp và sẽ cấp

Còn thiếu xin vay vốn Ngân hàng

Thời gian và số tiền nhận ở Ngân hàng

Chú thích

Cải tiến

Mua sắm, đóng mới, khôi phục phương tiện

Đã cấp

Sẽ cấp

Thời gian

Số tiền nhận

 

Số lượng

Trọng tải mỗi cái

Số lượng

Trọng tải

Ca nô

Thuyền

v.v….

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(1)

(2)

 

 

 

(1) Kèm theo bản kế hoạch dự trù chi phí đã được cấp trên duyệt.

(2) Nếu đặt mua ngoài thì ghi số và ngày của hợp đồng.

Ý kiến giải quyết

của Ngân hàng

Số tiền cho vay….. ......đ

Thời hạn trả tối đa….. năm

Cán bộ trực tiếp giải quyết

DUYỆT Y

Trưởng Chi nhánh

(Ký tên đóng dấu)

Phụ trách tài vụ

xí nghiệp

Ngày….. tháng…. năm 195….

Quản đốc xí nghiệp

 

Mẫu số 3

KẾ HOẠCH TRẢ NỢ PHƯƠNG TIỆN CƠ BẢN VẬN TẢI

(của xí nghiệp vận tải địa phương và công tư hợp doanh vận tải)

 

Hiệu quả kinh tế do việc cho vay của N.H. (tính bình quân 1 năm)

Khấu hao cơ bản sẽ trích của phương tiện vay vốn Ngân hàng bình quân một năm

Số tiền có thể trả nợ trong một năm

Tổng số trả được trong một năm

Bình quân mỗi tháng phải trả về khoản lãi và khấu hao cơ bản

Thời hạn trả nợ (bao nhiêu tháng)

Chú thích

Doanh thu sẽ tăng (do phương viện vay vốn đưa lại)

Lãi sẽ tăng (do phương tiện vay vốn đưa lại)

Tính lãi trả nợ

Tính khấu hao cơ bản trả lại

Tài chính sẽ cấp

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

 

 

 

 

Nhận xét của cán bộ Tín dụng Ngân hàng

……………………………

……………………………

……………………………

Duyện y của Trưởng Chi nhánh hay chi điếm

………………………….

………………………….

………………………….

Phụ trách tài vụ của xí nghiệp

…………………

…………………

…………………

Ngày….. tháng…. năm 196….

Quản đốc xí nghiệp

 

----------

CHÚ THÍCH: - ở cột 7 ghi số tiền phải trả trong một năm gồm có lãi + khấu hao + tài chính cấp kinh phí cơ bản và xí nghiệp dùng để trả. Nhưng nếu trong năm đó tài chính chưa cấp thì cột 7 chỉ ghi phần lãi + khấu hao cơ bản tính để trả Ngân hàng, không ghi phần tài chính cấp, vì tài chính có thể năm sau mới cấp.

- ở cột 8 chỉ tính bình quân số tiền phải trả một tháng về lãi và khấu hao để biết mức độ trả một tháng do đó không tính phần tài chính cấp để trả ở cột 6 vào.

Ví dụ: trong năm 1961 lãi xí nghiệp tăng thêm do phương tiện vay vốn đưa lại là 30.000đ

khấu hao cơ bản tính của phương tiện vay vốn của Ngân hàng:                           6.000đ

Cộng:                     36.000đ : 12 =

(bình quân một tháng trả)…………………….. 3.000đ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 215-TD/CN năm 1961 về cho vay vốn phương tiện cơ bản vận tải cơ giới đối với các xí nghiệp quốc doanh vận tải địa phương, công tư hợp doanh, và hợp tác xã vận tải do Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 215-TD/CN
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/05/1961
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Lê Viết Lượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: 07/06/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản