Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - BỘ NỘI VỤ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Số: 04-TT/LB

Hà Nội, ngày 23 tháng 2 năm 1962

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP DI CHUYỂN ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC KHI ĐƯỢC DIỀU ĐỘNG CÔNG TÁC ĐẾN CÁC MIỀN RỪNG NÚI, BIÊN GIỚI HẢI ĐẢO

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

Các Bộ và các cơ quan trung ương
Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh
Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh
Các Sở, Ty, Phòng Lao động
Tổng Công đoàn Việt Nam

 

Trong công cuộc kiến thiết đất nước, Nhà nước cần điều động một số công nhân, viên chức đến xây dựng những vùng kinh tế mới hoặc đến công tác ở các miền rừng núi, biên giới và hải đảo. Mỗi lần được điều động, công nhân, viên chức phải chi những món tiền cần thiết cho việc di chuyển và thu xếp gia đình. Nhưng các chế độ đãi ngộ hiện hành chỉ mới giải quyết tiền tàu xe, cước phí hành lý, tiền ăn đường v.v…, chưa chiếu cố đến những chi tiêu tốn kém khác cần thiết cho bản thân và gia đình công nhân, viên chức trong những trường hợp di chuyển đến nơi công tác mới nói trên.

Liên bộ ra Thông tư này bước đầu quy định chế độ phụ cấp di chuyển nhằm giúp đỡ một phần chi tiêu tốn kém cho công nhân, viên chức khi di chuyển đến công tác hẳn ở các miền rừng núi, biên giới hay hải đảo, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc điều động công nhân, viên chức đến công tác tại các miền này.

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Khoản phụ cấp này gọi tắt là “phụ cấp di chuyển” quy định theo nguyên tắc có phân biệt đãi ngộ giữa các trường hợp phải chi tiêu tốn kém khác nhau, chiếu cố nhiều hơn đối với những người đến công tác ở những miền mà điều kiện sinh hoạt khó khăn. Cụ thể:

1. Người được điều động công tác lên miền rừng núi cao hoặc biên giới, hải đảo được phụ cấp nhiều hơn người lên công tác ở vùng rừng núi thấp.

2. Người có đem gia đình theo được phụ cấp nhiều hơn người chỉ đi một mình.

II. QUY ĐỊNH CÁC MỨC PHỤ CẤP DI CHUYỂN ĐỐI VỚI TỪNG TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ KHÁC NHAU THEO SỰ PHÂN LOẠI NHỮNG VÙNG KHÁC NHAU

1. Các trường hợp được hưởng phụ cấp di chuyển:

Người được điều động sẽ được hưởng một trong hai loại phụ cấp dưới đây:

CÁC MIỀN ĐƯỢC ĐIỀU ĐỘNG ĐẾN

CÁC MỨC PHỤ CẤP

Người chỉ đi một mình

Người có đem gia đình theo

1. Từ đồng bằng hay trung du di chuyển đến:

- Miền núi thấp

- Miền rừng núi cao

- Biên giới, hải đảo

2. Từ miền núi thấp di chuyển đến:

- Vùng tiếp giáp cao hơn

- Biên giới, hải đảo

3. Di chuyển trên 30 cây số trong phạm vi 1 trong 3 miền rừng núi, biên giới, hải đảo; hoặc từ các miền trên xuống các miền tiếp giáp ở dưới (cho đến miền núi thấp)

 

20đ

30đ

40đ

 

20đ

30đ

Không

 

40đ

50đ

70đ

 

40đ

50đ

20đ

(Có bảng danh sách các miền được phụ cấp di chuyển kèm theo)

2. Những người trong gia đình đi theo công nhân, viên chức khi Điều động công tác được hưởng phụ cấp di chuyển (và các khoản sẽ nói ở phần sau), gồm:

- Vợ hoặc chồng;

- Con (kể cả con nuôi, con riêng);

- Bố, mẹ và những người thân thích khác mà người công nhân, viên chức phải trực tiếp nuôi dưỡng.

3. Người được điều động lên công tác ở miền rừng núi, biên giới, hải đảo, nếu di chuyển trước một mình, sau một thời gian mới đưa gia đình đi theo, thì phụ cấp tính như sau:

a) Trường hợp người được điều động đã công tác được 1 năm trở lên ở nơi mới, thì phụ cấp di chuyển gia đình được nguyên cả định suất chứ không trừ phần bản thân đã lĩnh khi di chuyển trước.

b) Trường hợp người được điều động đã công tác ở nơi mới chưa được 1 năm, thì phụ cấp di chuyển gia đình sẽ trừ phần bản thân đương sự đã lĩnh lúc điều động.

4. Hai vợ chồng cùng là công nhân, viên chức đều được điều động đến miền rừng núi, biên giới, hải đảo, thì mỗi người được nhận phần phụ cấp của mình theo định suất của người đi một mình.

Nếu đem gia đình theo (không kể đem cả đi một lần hay chia ra hai vợ chồng đem đi hai lượt) thì phụ cấp hưởng như sau:

- Một trong hai người chỉ nhận phụ cấp cho bản thân theo trường hợp “chỉ đi một mình”.

- Người kia được phụ cấp theo trường hợp “có đem gia đình theo”.

5. Trường hợp một người được điều động nhiều lần trong khoảng thời gian 12 tháng, đi một mình hay có đem gia đình theo đều hưởng phụ cấp như sau:

- Đi trong trường hợp 3 (trong bản quy định ở mục II nói trên): chỉ phụ cấp lần đầu (một lần);

- Đi trong các trường hợp 1 và 2 (trong bản quy định ở mục II nói trên): ngoài phụ cấp lần đầu, lần di chuyển thứ hai được hưởng thêm tiền chênh lệch giữa các mức phụ cấp thấp của hai miền (nếu di chuyển từ miền được phụ cấp thấp đến miền được phụ cấp cao hơn); tiền chênh lệch chưa đạt tới 20đ sẽ được nâng lên bằng 20đ.

III. PHỤ CẤP ĐI ĐƯỜNG, TIỀN TÀU XE VÀ CƯỚC PHÍ HÀNH LÝ CHO BẢN THÂN VÀ GIA ĐÌNH CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC MỖI LẦN ĐƯỢC ĐIỀU ĐỘNG CÔNG TÁC ĐẾN MIỀN RỪNG NÚI, BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO

1. Cho bản thân:

- Phụ cấp đi đường như khi đi công tác;

- Tiền tàu, xe hoặc các phương tiện giao thông khác (như thuyền, ca nô v.v… ở nơi không có tàu xe); tiền cước phí hành lý không quá 70 kilô (kể cả tiền thuê vận chuyển hành lý từ nơi ở cũ đến nhà ga, bến tàu, bến xe và từ nhà ga, bến tàu, bến xe đến nơi ở mới); tiền cước phí xe đạp hay xe máy mang theo (nếu có).

2. Cho gia đình:

Mỗi người trong gia đình đi theo (như đã nói ở điểm 2, mục II trên đây) được cấp:

- Tiền tàu, xe hoặc các phương tiện khác ở những nơi không có tàu xe; và cước phí hành lý tính trung bình mỗi đầu người không quá 30 kilô;

- Mỗi người mỗi ngày đi đường được trợ cấp 0đ60 tiền ăn.

Gia đình có người ở lại và di chuyển sau cũng được cấp tiền tàu, xe…, cước phí hành lý và tiền ăn đường như trên.

IV. VẤN ĐỀ NGHỈ PHÉP TRONG DỊP ĐIỀU ĐỘNG CÔNG TÁC

Để có thì giờ chuẩn bị đồ đạc, thu xếp gia đình trong dịp được Điều động công tác lên miền rừng núi, biên giới, hải đảo, tùy trường hợp cần thiết, ngoài những ngày đi đường, công nhân, viên chức có thể được phép nghỉ việc và hưởng đủ lương như sau (trừ trường hợp điều động cấp bách):

- Người có gia đình: tối đa không quá 2 ngày;

- Người không có gia đình: tối đa không quá 1 ngày.

Vấn đề nghỉ phép này là ngoài chế độ nghỉ hàng năm đã quy định trong Nghị định số 028/TTg ngày 28/1/1959 của Phủ Thủ tướng và các văn bản kế tiếp hiện hành.

V. CÁCH ỨNG TRƯỚC VÀ THANH TOÁN CÁC KHOẢN QUY ĐỊNH TRONG THÔNG TƯ NÀY

1. Phụ cấp di chuyển và các khoản tiền thuộc các chế độ nói ở mục III và IV trên đây do cơ quan, xí nghiệp cũ tạm ứng và ghi rõ vào giấy công lệnh. Cơ quan, xí nghiệp nơi người công nhân, viên chức điều động đến chịu trách nhiệm đài thọ và quyết toán theo tiền chi thực tế, thiếu sẽ trả thêm, thừa sẽ thu lại.

2. Các khoản tiền nói ở mục II, III, IV trong Thông tư này chỉ được trả khi:

- Bản thân đã có quyết nghị điều động chính thức của cơ quan có thẩm quyền;

- Gia đình di chuyển theo đã có giấy chứng nhận (ghi rõ danh sách và số người) của Ủy ban hành chính nơi cư trú cũ và mới, và sự đồng ý của cơ quan hay xí nghiệp nơi người công nhân, viên chức đến nhận công tác mới.

3. Tiền lương của công nhân, viên chức được hưởng trong những ngày nghỉ để thu xếp việc nhà và trong những ngày đi đường được tính vào quỹ tiền lương (theo Nghị định số 14/CP ngày 01/2/1961 của Phủ Thủ tướng quy định thành phần tổng mức tiền lương); các khoản tiền khác đều coi là các khoản chi phí không thuộc quỹ tiền lương.

VI. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THI HÀNH

1. Thông tư này thi hành thống nhất trong hai khu vực: sản xuất, và hành chính, sự nghiệp cho công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước và những người tuy hiện nay còn ngoài biên chế nhưng đã làm việc thường xuyên liên tục được 12 tháng và còn làm việc nữa mà được Nhà nước điều động hẳn đến công tác ở miền rừng núi, biên giới, hải đảo.

2. Những trường hợp sau đây không được hưởng phụ cấp di chuyển, mà chỉ được cấp tiền tàu xe, cước phí hành lý, tiền ăn đường cho bản thân và gia đình (nếu di chuyển theo):

a) Điều động đi cách nơi công tác cũ không quá 30 cây số (trong trường hợp 3 ghi ở bảng quy định trong mục II về phụ cấp di chuyển) tính theo đường giao thông thuận tiện nhất.

b) Điều động từ hải đảo, biên giới hay miền rừng núi cao về đồng bằng.

c) Công nhân, viên chức thuộc biên chế hay thuộc quyền quản lý của các cơ quan cấp huyện, châu trở xuống mà được điều động công tác trong phạm vi một huyện, châu (kể cả trường hợp điều động đi xa quá 30 cây số).

d) Điều động trong phạm vi một vùng khai thác, kinh doanh của một đơn vị như khu mỏ, nhà máy, nông trường, công trường, lâm trường, công ty kiến trúc, đoàn thăm dò, khảo sát, đo đạc v.v… (kể cả trường hợp điều động đi xa quá 30 cây số).

đ) Điều động qua lại giữa các miền đồng bằng, trung du và các thành phố.

3. Thông tư này không áp dụng đối với công nhân, viên chức được điều động tạm thời hay biệt phái trong một thời gian ngắn, cũng như những người ngoài biên chế chỉ công tác tạm thời theo mùa, theo hợp đồng ngắn hạn dưới 12 tháng. Những người này nếu được điều động chỉ được cấp tiền tàu xe, tiền ăn đường như chế độ hiện hành.

4. Thông tư này thi hành kể từ ngày ban hành.

Các văn bản quy định trước đây của các Bộ, các ngành về chế độ phụ cấp di chuyển khi công nhân, viên chức được điều động công tác lên miền rừng núi, biên giới, hải đảo trái với Thông tư này đề bãi bỏ.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Lê Tất Đắc

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đăng

 

DANH SÁCH

NHỮNG MIỀN ĐƯỢC PHỤ CẤP DI CHUYỂN
(Kèm theo Thông tư số  04-TT/LB ngày 23/02/1962 của liên Bộ Lao động, Nội vụ)

1. Miền biên giới và hải đảo, gồm có:

- Các châu Mường Tè, Sinh Hồ, Phong Thổ (Khu Tự trị Thái Mèo);

- Các huyện Hoàng Su Phì, Đồng Văn (Hà Giang);

- Huyện Tương Dương (Nghệ An);

- Các đảo Bạch Long Vĩ, Long Châu (Hải Phòng); đảo Cancrelat (Hồng Quảng).

2. Miền núi cao và các đảo được tính theo mức của miền núi cao, gồm có:

- Khu Tự trị Thái Mèo (trừ các châu Mường Tè, Sinh Hồ, Phong Thổ);

- Tỉnh Lào Kay;

- Tỉnh Hà Giang (trừ các huyện Hoàng Su Phì, Đồng Văn);

- Các huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình (Cao Bằng);

- Các huyện Văn Bàn, Lục Yên (Yên Bái);

- Các huyện Quan Hóa, Thường Xuân (Thanh Hóa);

- Huyện Nà Hang (Tuyên Quang);

- Huyện Qùy Châu (Nghệ An);

- Huyện Mai Châu, Đà Bắc (Hòa Bình);

- Huyện Ba Chẽ (Hải Ninh);

- Các đảo: Hòn Mê (Thanh Hóa); Cửa Tùng (Vĩnh Linh); Cô Tô, Tài Sơn, Lợn Lòi, Vinh Thực, Cái chiên và các đảo nhỏ chung quanh (Hải Ninh); Hòn Dâu, Cát Bà (Hải Phòng); Minh Châu, Hàm Rồng, Ba Mun, Cái Bàn, Chính Giữa, Do La và các đảo nhỏ chung quanh (Hồng Quảng).

3. Miền núi thấp và một số vùng biên giới, các đảo được tính theo mức của miền núi thấp, gồm có:

- Tỉnh Lạng Sơn;

- Tỉnh Bắc Kạn;

- Tỉnh Thái Nguyên (trừ các huyện Phổ Yên, Phú Bình hạ huyện Đồng Hỷ);

- Tỉnh Cao Bằng (trừ các huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình);

- Tỉnh Yên Bái (trừ các huyện Văn Bàn, Lục Yên);

- Tỉnh Tuyên Quang (trừ huyện Nà Hang);

- Tỉnh Hải Ninh (trừ huyện Ba Chẽ);

- Tỉnh Hòa Bình (trừ các huyện Mai Châu, Đà Bắc);

- Các huyện Thanh Sơn, Yên Lập (Phú Thọ);

- Các huyện Lang Chánh, Bá Tước, Ngọc Lạc, Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy (Thanh Hóa);

- Các huyện Con Cuông, Nghĩa Đàn, vùng biên giới Lào Việt thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An);

- Vùng biên giới Lào Việt thuộc các huyện Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh);

- Vùng rừng núi ở các huyện Tuyên Hóa và Bố Trạch (Quảng Bình);

- Vùng rừng núi ở các huyện Cẩm Phả và Hoành Bồ (Hồng Quảng);

- Các huyện Sơn Đông, Lục Ngạn Thượng huyện Yên Thế (Bắc Giang);

- Các đảo Hòn Nẹ (Thanh Hóa); đảo Vạn Hoa và các đảo nhỏ chung quanh (Hải Ninh); đảo Kế Bào và các đảo nhỏ chung quanh (Hồng Quảng).

Chú thích: Đối với những vùng biên giới, hải đảo, miền núi khác chưa ghi trong danh sách này, hoặc đã ghi nhưng xét cần điều chỉnh, Ủy ban hành chính các địa phương sẽ đề nghị cụ thể lên liên bộ để quyết định sau.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 04-TT/LB năm 1962 hướng dẫn chế độ phụ cấp di chuyển đối với công nhân, viên chức khi được điều động công tác đến các miền rừng núi, biên giới hải đảo do Bộ Nội vụ - Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 04-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 23/02/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Tất Đắc, Nguyễn Đăng
  • Ngày công báo: 11/04/1962
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 23/02/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản