Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------

Số: 02/1999/TT-BCA(C11)

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 1999

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG

Ngày 26/9/1998 Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 75/1998/NĐ-CP, Nghị định số 76/1998/NĐ-CP, Nghị định số 77/1998/NĐ-CP, Nghị định số 78/1998/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995, Nghị định số 39/CP ngày 5/7/1996, Nghị định số 40/CP ngày 5/7/1996, Nghị định số 49/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị. Để thống nhất thực hiện, Bộ Công an hướng dẫn như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Về hiệu lực của các Nghị định sửa đổi, bổ sung

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 75/1998/NĐ-CP Điều 2 của các Nghị định số 76/1998/NĐ-CP, Nghị định số 77/1998/NĐ-CP, Nghị định số 78/1998/NĐ-CP thì các Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 13/10/1998. Vì vậy:

- Đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính được quy định trong các Nghị định số 76/1998/NĐ-CP, Nghị định số 77/1998/NĐ-CP, Nghị định số 78/1998/NĐ-CP mà xảy ra trước ngày 13 tháng 10 năm 1998, sau đó mới phát hiện được nếu vẫn còn thời hiệu xử phạt thì áp dụng hình thức xử phạt theo quy định của các Nghị định mới ban hành.

- Đối với các nội dung, hành vi, mức phạt đã được quy định trong các Nghị định số 39/CP ngày 5/7/1996, số 40/CP ngày 5/7/1996, Nghị định số 49/CP ngày 26/7/1995 mà các Nghị định số 76/1998/NĐ-CP, Nghị định số 77/1998/NĐ-CP, Nghị định số 78/1998/NĐ-CP không sửa đổi, bổ sung thì vẫn thực hiện theo các quy định trước đây.

2. Các Nghị định số 76/1998/NĐ-CP, Nghị định số 77/1998/NĐ-CP, Nghị định số 78/1998/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi một số điều, khoản cụ thể trong các Nghị định số 39/CP, Nghị định số 40/CP, Nghị định số 49/CP mà không bãi bỏ các Nghị định này. Vì vậy, thống nhất khi lập biên bản, quyết định xử phạt hoặc sử dụng các biểu mẫu khác, người lập biên bản, ra quyết định trong khi xử phạt phải ghi rõ hành vi vi phạm đó được quy định ở điểm … khoản … Điều … của một trong các Nghị định số 39/CP, Nghị định số 40/CP, Nghị định số 49/CP được sửa đổi, bổ sung ngày 26 tháng 9 năm 1998.

3. Về việc kiểm soát giao thông:

- Đối với các trạm giao thông đường thủy vẫn thực hiện như quy định trong Nghị định số 40/CP và Nghị định số 77/1998/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/CP.

- Các trạm kiểm soát giao thông trên tuyến đường bộ đã có quyết định thành lập trước khi Nghị định số 75/1998/NĐ-CP ban hành thì vẫn thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định trong các quyết định thành lập.

- Các hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21/1998/CT-TTg ngày 24/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. Hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995 và Nghị định số 75/1998/NĐ-CP ngày 26/9/1998 của Chính phủ

1. Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân địa phương nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông mà người bị nạn chết (khoản 7 Điều 3 Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP đã được sửa đổi theo khoản 4 Điều 2 Nghị định số 75/1998/NĐ-CP). Sau khi các cơ quan có thẩm quyền làm các thủ tục pháp lý cần thiết và được sự đồng ý của các cơ quan này, UBND có trách nhiệm tổ chức chôn cất người bị tai nạn chết nếu người đó không có gia đình, cơ quan đến nhận về mai táng.

2. Về tín hiệu đèn, còi, màu sơn của các xe ưu tiên:

- Xe chữa cháy: xe sơn màu đỏ, được sử dụng còi ưu tiên, đèn quay trên nóc xe phát sáng màu đỏ;

- Các loại xe được ưu tiên khác của lực lượng công an:

+ Đối với xe dẫn đường, dẫn đoàn: Xe ô tô dẫn đường, dẫn đoàn của Công an phải có đủ đèn quay trên nóc xe phát sáng màu xanh – đỏ; được sử dụng cờ hiệu công an cắm ở đầu xe phía bên trái người lái và được sử dụng còi ưu tiên (âm lượng theo quy định). Xe mô tô của Công an dẫn đường đèn phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau, cờ hiệu Công an cắm ở phía trước đầu xe, có còi ưu tiên (âm lượng theo quy định).

+ Đối với xe ô tô, môtô của công an thi hành nhiệm vụ như xe tuần tra, kiểm soát giao thông, xe đi bắt, khám xét hoặc tiến hành các hoạt động điều tra, dẫn giải phạm nhân, xe giao liên, xe chống biểu tình, bạo loạn, giải tán đám đông, xe chở tài liệu mật, xe chở vũ khí, khí tài và các hoạt động khẩn cấp khác cần ưu tiên thì sử dụng tín hiệu còi ưu tiên (âm lượng theo quy định) hoặc có đèn quay trên nóc xe phát sáng màu xanh hoặc đỏ, hoặc có cờ hiệu Công an cắm ở đầu xe phía bên trái người lái xe.

- Xe cứu thương: đèn quay trên nóc xe phát sáng màu đỏ, trên thành xe có dấu chữ thập đỏ, được sử dụng còi ưu tiên theo quy định;

- Xe quân sự: Cờ hiệu quân sự cắm ở đầu xe phía bên phải người lái.

3. Về các loại giấy tờ cần yêu cầu người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ xuất trình. Theo quy định của điểm c Điều 29 Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP, được sửa đổi theo khoản 12 Điều 2 Nghị định số 75/1998/NĐ-CP, thì cảnh sát giao thông khi tiến hành kiểm tra cần yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình các loại giấy tờ sau:

- Giấy chứng nhận đăng ký xe;

- Giấy phép lái xe (nếu điều khiển xe quy định phải có giấy phép lái xe);

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu loại xe yêu cầu phải có).

Trong trường hợp xe đi vào đường cấm; xe chở quá khổ, quá tải… thì yêu cầu người điều khiển phương tiện phải xuất trình thêm loại giấy phép theo quy định.

4. Theo khoản 1 Điều 52 Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP, được sửa đổi theo khoản 20 Điều 2 Nghị định số 75/1998/NĐ-CP, thì tất cả các loại xe vì lý do đặc biệt cần đi vào đường cấm ở địa phương đều phải có giấy phép do cơ quan Công an cấp.

- Thủ tục xin cấp giấy phép đi vào đường cấm phải có đơn của chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện (kèm theo hồ sơ) gửi đến Phòng cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh (trong đơn phải ghi rõ tên chủ xe, số đăng ký xe, xe loại gì, đi vào đường nào, phố nào, vì lý do gì, đi trong khoảng thời gian nào trong ngày, và cần đi bao nhiêu ngày…). Phòng cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh phải xem xét giải quyết ngay việc cấp giấy phép hay không cấp. Trường hợp không cấp phải nói rõ lý do cho người xin cấp biết. Đối với các trường hợp đặc biệt phải xác minh làm rõ thì chậm nhất 3 ngày phải trả lời có cấp hay không cấp giấy phép đi vào đường cấm. Giấy phép đi vào đường cấm do Công an các địa phương tự in theo mẫu quy định của Bộ Công an (ban hành kèm theo Thông tư này). Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt hướng dẫn cụ thể việc quản lý và sử dụng giấy phép đi vào đường cấm.

5. Khoản 2 Điều 62 Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP quy định: “Cấm tụ tập đông người trên vỉa hè, lòng đường gây ùn tắc, cản trở giao thông. Trường hợp cần thiết phải được Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép”.

- Thủ tục cấp phép quy định như sau:

+ Đơn xin sử dụng lòng đường, vỉa hè (nói rõ mục đích sử dụng, số người, thời gian sử dụng, phạm vi sử dụng).

+ Sơ đồ lòng đường, vỉa hè cần sử dụng.

- Phòng Cảnh sát trật tự hoặc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng vỉa hè, lòng đường, phải xem xét cấp hoặc không cấp giấy phép. Giấy phép do Công an địa phương in theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Khoản 2 Điều 63 Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP quy định: “Trong trường hợp chưa xây được chỗ để phương tiện vận tải thì phải gửi xe tại những nơi quy định do Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp phép” thống nhất hướng dẫn như sau:

- Thủ tục cấp giấy phép sử dụng địa điểm làm nơi đỗ xe tạm thời gồm:

+ Đơn xin sử dụng địa điểm làm nơi đỗ xe tạm thời do cá nhân, tổ chức có nhu cầu để xe;

+ Sơ đồ địa điểm dự kiến sử dụng làm nơi đỗ xe tạm thời;

- Phòng Cảnh sát trật tự hoặc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng địa điểm làm nơi đỗ xe tạm thời, phải xem xét cấp hoặc không cấp giấy phép. Giấy phép do Công an địa phương in theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.

B. Hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 49/CP ngày 26/7/1995 và Nghị định số 78/1998/NĐ-CP ngày 26/9/1998 của Chính phủ

1. Về mức tiền phạt khi xử phạt vi phạm hành chính có tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng khoản 1 Điều 1 Nghị định số 78/1998/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 1998 quy định: “tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mức phạt tiền có thể tăng hoặc giảm so với mức phạt cao nhất không được vượt quá 1,5 lần và mức phạt thấp nhất không được dưới 0,5 lần mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm đã được quy định tại Nghị định này”. Quy định này áp dụng cho các quy định bổ sung, sửa đổi trong Nghị định số 78/1998/NĐ-CP và cả các quy định không bổ sung, sửa đổi trong Nghị định số 49/CP ngày 26 tháng 7 năm 1996.

2. Về việc quy định xử phạt đối với các phương tiện khi qua đường giao nhau có đèn báo, biển báo, các tín hiệu giao thông khác hoặc có Cảnh sát giao thông chỉ dẫn (điểm a khoản 2 Điều 8, điểm d khoản 2 Điều 9 Nghị định số 49/CP, điểm c khoản 2 Điều 11, điểm d khoản 2 Điều 13 Nghị định số 49/CP được sửa đổi theo các khoản 4, 7, 8 Điều 1 Nghị định số 78/1998/NĐ-CP) thống nhất như sau:

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 51 Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP của Chính phủ ngày 29/5/1995 “Nghiêm cấm đi phía trước mặt có tín hiệu đèn đỏ đặt ở các đường giao nhau hoặc đã có hiệu lệnh dừng các phương tiện của cảnh sát giao thông”. Vì thế, khi có tín hiệu đèn đỏ, hoặc chỉ dẫn dừng xe của cảnh sát giao thông thì tất cả các phương tiện không được phép vượt hoặc rẽ ngang (kể cả rẽ ngang về phía bên phải). Trừ các trường hợp được cảnh sát giao thông cho phép được đi, các xe được quyền ưu tiên hoặc khi dưới hộp đèn tín hiệu chính có lắp hộp đèn phụ tín hiệu hình mũi tên được bật sáng xanh cho phép hướng được đi.

3. Đối với các trường hợp xe đạp đi hàng ngang từ 3 xe trở lên theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định số 49/CP được sửa đổi theo khoản 4 Điều 1 Nghị định số 78/1998/NĐ-CP, chỉ xử phạt trong trường hợp những người điều khiển phương tiện này cố ý đi hàng ngang sau khi đã bị nhắc nhở vẫn tiếp tục vi phạm.

4. Hành vi chống người thi hành công vụ của người điều khiển ô tô nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (điểm h khoản 4 Điều 13 Nghị định số 49/CP được sửa đổi theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 78/1998/NĐ-CP) cần được hiểu là hành vi của người có hành vi vi phạm hành chính nhưng khi bị xử lý do bột phát, nổi nóng, đã có hành vi như: lăng mạ, đe doạ, kéo hoặc xô đẩy người thi hành công vụ.

Đối với hành vi đua xe máy, đua mô tô trái phép khi bị người thi hành công vụ ngăn chặn, xử lý mà có hành vi chống lại người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như đã giải thích ở trên thì xử lý theo điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định số 49/CP.

Đối với người có hành vi đua xe ô tô trái phép, khi bị người thi hành công vụ ngăn chặn, xử lý mà có hành vi chống lại người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như đã giải thích ở trên thì xử lý theo khoản 7 Điều 13 Nghị định số 49/CP được sửa đổi theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 78/1998/NĐ-CP.

5. Đối với hành vi không chấp hành hoặc ngăn cản sự kiểm tra, kiểm soát, chỉ dẫn của Cảnh sát khi có vi phạm (điểm h khoản 2 Điều 11, điểm e khoản 3 Điều 13 Nghị định số 49/CP được sửa đổi, bổ sung theo các khoản 7, 8 Điều 1 Nghị định số 78/1998/NĐ-CP) cần được hiểu là các hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, không xuất trình giấy tờ theo yêu cầu, không chấp hành yêu cầu về trụ sở để giải quyết hoặc tự ý bỏ phương tiện vi phạm đi nơi khác mà không có lý do chính đáng.

6. Quy định về tước giấy phép lái xe (điểm a khoản 7 Điều 11, điểm a khoản 8 Điều 13, điểm b khoản 5 Điều 14, khoản 4 Điều 16, điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định số 49/CP được sửa đổi theo các khoản 7, 8, 9, 11, 12 Điều 1 Nghị định số 78/1998/NĐ-CP). Chỉ sau khi chấp hành xong thời hạn bị tước giấy phép, người điều khiển phương tiện mới được trả lại giấy phép.

Khi ra quyết định tước giấy phép lái xe, người ra quyết định tước giấy phép thông báo thời hạn tước giấy phép cho cơ quan cấp giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện biết để tránh tình trạng đưa ra các điều kiện, hoàn cảnh (như nói mất giấy phép lái xe) để xin cấp lại giấy phép lái xe mới trong thời gian bị tước. Thời hạn tước tính từ ngày ra quyết định tạm giữ giấy phép lái xe.

7. Xếp hàng hoá lệch trọng tâm (điểm k khoản 3 Điều 13 Nghị định số 49/CP được sửa đổi theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 78/1998/NĐ-CP) là xếp hàng hoá làm xe nghiêng về bên trái hoặc bên phải hoặc xếp hàng lệch về phía sau hoặc phía đầu xe có khả năng làm đổ xe hoặc nâng đầu xe, ảnh hưởng đến hệ thống lái; xếp hàng không đúng phân bố tải trọng kỹ thuật trên từng trục xe cho từng loại xe.

8. Sử dụng một trong các giấy tờ giả (điểm g khoản 4 Điều 13 Nghị định số 49/CP, đã được sửa đổi theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 78/1998/NĐ-CP) là sử dụng các loại: Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường… mà những giấy tờ đó không do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người điều khiển và phương tiện đó.

9. Điểm a khoản 2 Điều 11, điểm b khoản 2 Điều 13 Nghị định số 49/CP, đã được sửa đổi theo các khoản 7, 8 Điều 1 Nghị định số 78/1998/NĐ-CP quy định việc điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định cần hiểu thống nhất là: Vượt quá tốc độ tại Điều 34 Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP đã quy định cho từng loại xe, từng loại đường hoặc vượt quá tốc độ quy định trên biển báo hiệu cho từng đoạn đường, tuyến đường cụ thể.

10. Đối với hành vi dùng ô, dù để che nắng, mưa hoặc sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe đạp, mô tô, xe máy (điểm b khoản 1 Điều 8; điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 49/CP đã được sửa đổi theo khoản 4, 7 Điều 1 Nghị định số 78/1998/NĐ-CP). Hành vi này chỉ bị xử phạt khi người đang điều khiển xe đạp, mô tô, xe máy mà sử dụng ô, dù, điện thoại di động.

11. Về xử phạt người điều khiển xe bánh xích, xe quá tải trọng giới hạn của cầu, đường, quá khổ giới hạn của cầu, đường theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 49/CP, đã được sửa đổi theo khoản 11 Điều 1 Nghị định số 78/1998/NĐ-CP, quy định này được áp dụng đối với trường hợp người điều khiển xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ giới hạn cầu, đường. Do vậy khi xác định hành vi vi phạm phải căn cứ vào quy định hiện hành về tải trọng trên từng đoạn đường, tuyến đường và biển báo quy định sức chịu tải và giới hạn về kích thước của cầu và đường.

- Đối với từng trường hợp người điều khiển các loại xe nói trên “chở hàng với tổng trọng tải của xe sau khi trừ sai số cho phép vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường tới mức 2%” tức là bằng đúng 2% thì phải bị xử phạt theo điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định số 49/CP đã được sửa đổi theo khoản 11 Điều 1 Nghị định số 78/1998/NĐ-CP (trừ trường hợp có giấy phép lưu hành đặc biệt); nếu dưới 2% thì không xử phạt.

- Nếu chở hàng có tổng trọng tải sau khi trừ sai số cho phép vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên mức 2% thì xử phạt theo điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định số 49/CP đã được sửa đổi theo khoản 11 Điều 1 Nghị định số 78/1998/NĐ-CP.

- Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cùng một lúc vừa chở hàng vượt quá tải trọng so với thiết kế của xe, vừa vượt quá giới hạn cho phép của cầu, đường theo quy định của khoản 2, khoản 3 Điều 16 thì phải áp dụng theo Điều 48 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính để ra quyết định xử phạt, có nghĩa là người có thẩm quyền quyết định hình thức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm. Nếu các hình thức xử lý là phạt tiền thì phải được cộng lại thành mức phạt chung và chỉ ra một quyết định xử phạt theo thẩm quyền, nếu một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền thì phải chuyển cho cấp có đủ thẩm quyền để ra quyết định xử phạt.

12. Đối với trường hợp lưu hành trên đường xe ô tô có hệ thống điều khiển bên phải, không được phép của cơ quan có thẩm quyền và không có xe cảnh sát dẫn đường thì xử phạt theo khoản 4 Điều 17 của Nghị định số 49/CP.

13. Khoản 5 Điều 22 Nghị định số 49/CP được sửa đổi theo khoản 14 Điều 1 Nghị định số 78/1998/NĐ-CP về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông có quy định “Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền xử phạt như Trưởng Công an cấp huyện”. Như vậy đối với các địa phương có phòng cảnh sát trật tự riêng thì Trưởng phòng Cảnh sát trật tự cũng có thẩm quyền xử phạt như Trưởng phòng quản lý hành chính về trật tự xã hội theo thẩm quyền và mức phạt được quy định tại Điều 29 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Thông tư số 01 ngày 20 tháng 1 năm 1997 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

14. Tạm giữ các loại giấy tờ để đảm bảo xử lý và ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.

Việc tạm giữ giấy tờ, phương tiện vi phạm hành chính nhằm đảm bảo thi hành quyết định xử phạt và ngăn chặn những vi phạm có thể tiếp tục xảy ra trong các trường hợp:

- Đối với những hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt tiền, để đảm bảo cho việc thực hiện quyết định xử phạt thì chỉ tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc giấy tờ tuỳ thân.

- Đối với người có hành vi vi phạm, theo quy định của điều khoản đó ngoài việc bị áp dụng hình thức phạt tiền, còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tước giấy phép lái xe thì tạm giữ giấy phép lái xe để đảm bảo áp dụng biện pháp tước giấy phép lái xe. Nếu cần thiết có thể tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc giấy tờ tuỳ thân để đảm bảo phạt tiền.

Khi tạm giữ giấy tờ phải lập biên bản và hẹn ngày đến trụ sở cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

15. Tạm giữ các loại phương tiện giao thông.

Về nguyên tắc chỉ tạm giữ các loại phương tiện trong trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm hành chính, cần ngăn chặn ngay vi phạm hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử lý. Ví dụ:

- Trường hợp khi kiểm tra nghi vấn là giấy tờ giả hoặc phát hiện giấy tờ cấp không đúng thẩm quyền, giấy tờ đã hết hạn sử dụng mà không có lý do chính đáng;

- Các trường hợp xe không có biển kiểm soát (trừ trường hợp xe trên đường đi đăng ký) hoặc có nhưng đó là biển số xe giả, biển số xe không trùng với số biển trong giấy đăng ký xe; trường hợp thiết bị an toàn phương tiện không đảm bảo nếu lưu hành sẽ dấn đến nguy hiểm; trường hợp lạng lách, đánh võng; đua xe trái phép; trường hợp sử dụng xe trên 175cm3 (không thuộc đối tượng được sử dụng); trường hợp tự thay đổi đặc tính của xe; và các trường hợp sử dụng xe có hệ thống điều khiển bên phải; trường hợp uống rượu bia, các chất kích thích khác quá nồng độ quy định; trường hợp gây tai nạn cần phải tạm giữ để xử lý;

- Đối với các trường hợp thiếu một trong các loại giấy tờ như: giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy phép lái xe (nếu điều khiển xe quy định phải có); giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu loại xe yêu cầu phải có) và các loại giấy tờ khác trong từng trường hợp cụ thể quy định phải có mà có những căn cứ nghi vấn thực sự cần phải kiểm tra, xác minh mới tạm giữ phương tiện.

Khi tạm giữ phương tiện phải thực hiện theo đúng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 41 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Khi tạm giữ phương tiện phải lập biên bản theo thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và thực hiện thời hạn tạm giữ theo đúng quy định của Điều 41 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Trong tất cả các trường hợp tạm giữ giấy tờ và tạm giữ phương tiện, khi chủ sở hữu phương tiện hoặc người điều khiển chấp hành xong quyết định xử phạt và các quyết định hành chính khác thì phải nhanh chóng làm thủ tục hoàn trả giấy tờ và phương tiện.

C. Về một số quy định của Nghị định số 40/CP ngày 5/7/1996 và Nghị định số 77/1998/NĐ-CP ngày 26/9/1998 của Chính phủ

1. Phương tiện chuyên chở ngang sông (khoản 10 Điều 5 Nghị định số 40/CP đã được sửa đổi theo khoản 2 Điều 1 Nghị định số 77/1998/NĐ-CP) là phương tiện thủy nội địa, bao gồm: đò ngang, đò màn, các loại phương tiện thủy nội địa khác chở người, hàng hóa từ bờ này sang bờ bên kia hoặc từ bờ ra phương tiện, công trình nổi và ngược lại.

2. Phương tiện đánh bắt thủy sản trong việc chấp hành pháp luật về giao thông vận tải đường thủy nội địa (khoản 3 Điều 10 Nghị định số 40/CP được sửa đổi theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 77/1998/NĐ-CP). Đối với các phương tiện đánh bắt thủy sản khi hoạt động trên các tuyến giao thông đường thủy nội địa phải chấp hành mọi quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong Nghị định số 40/CP, đồng thời có nghĩa vụ chấp hành sự kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy.

3. Xếp hàng hóa không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển phương tiện (Điều 27 Nghị định 40/CP được sửa đổi theo khoản 10 Điều 1 Nghị định 77/1998/NĐ-CP) là xếp hàng hóa phải đảm bảo để người điều khiển từ vị trí điều khiển (theo thiết kế của phương tiện) luôn luôn nhìn thấy mũi phương tiện và hai bên mạn của phương tiện. Nếu xếp hàng hóa cao quá hoặc rộng quá, mà người điều khiển phương tiện không nhìn thấy mũi phương tiện hoặc hai bên mạn của phương tiện là đã làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển phương tiện và phải bị xử lý.

4. Chở hàng hóa quá trọng tải từ 3% đến dưới 5% (khoản 1 Điều 94 Nghị định số 40/CP được sửa đổi theo khoản 22 Điều 1 Nghị định số 77/1998/NĐ-CP). Khi lập biên bản phải ghi rõ ràng, cụ thể quá tải bao nhiêu phần trăm (%).

Nếu chở quá tải dưới 3% trọng tải phương tiện hoặc đoàn phương tiện thì không xử phạt.

Khi xử lý các hành vi chở quá số khách quy định hoặc chở quá trọng tải từ 3% trở lên, ngoài việc áp dụng mức phạt tiền theo quy định còn buộc người điều khiển phương tiện phải hạ tải, mọi chi phí hạ tải do người điều khiển phương tiện chịu.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Tổng cục, Bộ tư lệnh, các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến quán triệt nội dung các Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995, Nghị định số 39/CP ngày 5/7/1996, Nghị định số 40/CP ngày 5/7/1996, Nghị định số 49/CP ngày 26/7/1995 và các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong các Nghị định số 75/1998/NĐ-CP; Nghị định số 76/1998/NĐ-CP; Nghị định số 77/1998/NĐ-CP, Nghị định số 78/1998/NĐ-CP ngày 26/9/1998, cùng với Nghị định số 49/CP ngày 15/8/1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và Thông tư này đến cán bộ, chiến sĩ. Tổng cục Cảnh sát, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tập huấn quán triệt cho các đơn vị, cá nhân trực tiếp thực hiện việc xử phạt trong lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, đảm bảo việc thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất các quy định mới của Chính phủ và của Bộ.

2. Các Cục Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát trật tự, quản lý hành chính về TTXH phải đặt các hòm thư để nhận đơn khiếu nại, tố cáo của nhân dân về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị theo Quyết định số 729/1998/QĐ ngày 9 tháng 11 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành các quy chế thực hiện dân chủ trong lực lượng Công an nhân dân. Mọi khiếu nại, tố cáo đều phải được giải quyết kịp thời và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày, nếu là trường hợp phức tạp thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, tố cáo theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

3. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt hàng ngày phải thực hiện đúng chế độ hồ sơ, thống kê, báo cáo xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, trật tự đô thị theo quy định của Bộ; cơ quan có thẩm quyền xử phạt phải có nhật ký kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính, sổ theo dõi tình hình ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

4. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký, Tổng cục Cảnh sát hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này./.

Nơi nhận:
- IB9 “để báo cáo”;
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Lãnh đạo TCII;
- Tổng cục I, III, IV;
- V11, C13, C25, C26;
- CA các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu C11(C12), V19.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
THIẾU TƯỚNG




Lê Thế Tiệm

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 02/1999/TT-BCA(C11) hướng dẫn Quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông do Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 02/1999/TT-BCA(C11)
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/02/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Lê Thế Tiệm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/02/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản