Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 76/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 1998

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 76/1998/NĐ-CP NGÀY 26 THÁNG 9 NĂM 1998 VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 39/CP NGÀY 05 THÁNG 7 NĂM 1996 CỦA CHÍNH PHỦ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992; Căn cứ Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam ngày 28 tháng 01 năm 1989 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 6 Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân ngày 6 tháng 7 năm 1995;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, ngày 6 tháng 7 năm 1995; Căn cứ Nghị định số 80/CP ngày 05 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/CP ngày 5 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt như sau:

1. Khoản 4 Điều 29 được sửa đổi như sau:

"4. Các cột điện, cột điện thoại thi công sau ngày ban hành Nghị định này phải đặt cách mép vai đường sắt một khoảng cách lớn hơn chiều cao của cột".

2. Bổ sung khoản 6 vào Điều 42 như sau:

"6. Chở khách hoặc chở hàng không vé cước, vé người".

3. Khoản 2 Điều 44 được sửa đổi như sau:

"2. Trường hợp phải dồn hoặc đỗ tầu chiếm dụng đường ngang thì thời gian tạm ngừng giao thông đường bộ phải thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải"

4. Bổ sung khoản 3 vào Điều 45 như sau:

"3. Bộ Giao thông vận tải quy định thời gian đóng chắn cầu chung đường sắt, đường Bộ".

5. Điểm b khoản 3 Điều 54 được sửa đổi như sau:

"b) Không khôi phục lại những đoạn đường sắt được tạm thời cho phép khoan, đào, xẻ, bạt sau khi đã hoàn thành công trình".

6. Khoản 1 Điều 56 được sửa đổi như sau:

"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Để người trên nóc toa xe; đu bám trên đầu máy; đứng, ngồi ở chỗ nối 2 toa xe.

b) Để người bán hàng rong vào ga; lên tầu buôn bán.

c) Cho người không có nhiệm vụ đi tầu hàng; để người lên xuống khi tầu đang chạy; để người nằm trên giá hành lý.

d) Bán vé người, vé cước quá phương án quy định.

đ) Sau khi xảy ra tai nạn không bảo vệ hiện trường; không cấp cứu người bị nạn.

e) Xếp dỡ hàng hoá; hành lý không đúng quy định gây lệch tải, quá tải, vi phạm các quy định về khổ giới hạn và gia cố.

g) Không thực hiện quy định thử hãm, khám hãm theo quy định."

7. Bổ sung vào điểm e, g vào khoản 1 Điều 59 như sau:

e) Người có mặt không được phép trong giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt.

g) Đậu đỗ các phương tiện cơ giới đường bộ hoặc xe thô sơ trong phạm vi bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt"

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Nghị định này. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình, đặc điểm của địa phương và thẩm quyền của mình xây dựng các quy định và kế hoạch thực hiện Nghị định.

Điều 4. Các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)