Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 951/QĐ-UBND

Đắk Nông, ngày 06 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH XÂY DỰNG QUY CHUẨN KỸ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC SẠCH SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH SINH HOẠT TẠI TỈNH ĐẮK NÔNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt;

Căn cứ Thông tư số 26/2021/TT-BYT ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt;

Căn cứ Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định chi tiết xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Thông tư số 27/2020/TT-BTC ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 122/TTr-SYT ngày 23 tháng 5 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông.

Điều 2. Giao Sở Y tế là cơ quan chủ trì, đầu mối để tham mưu phối hợp với các Sở, Ban, ngành và địa phương liên quan, tổ chức triển khai các hoạt động theo đúng tiến độ Kế hoạch đạt hiệu quả, đúng quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Y tế; Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành, thay thế Quyết định số 1434/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Bộ Khoa học và Công nghệ:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3 (t/h);
- Các Sở, Ban, ngành, hội, đoàn thể cấp tỉnh;
- Lưu: VT, CTTĐT, KGVX (S).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tôn Thị Ngọc Hạnh

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG QUY CHUẨN KỸ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC SẠCH SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH SINH HOẠT TẠI TỈNH ĐẮK NÔNG
(Kèm theo Quyết định số 951/QĐ-UBND ngày 06/6/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông (sau đây gọi tắt là quy chuẩn nước sạch) trước ngày 01/01/2024, góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; làm cơ sở hướng dẫn theo dõi, kiểm soát tốt chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

2. Yêu cầu

- Bảo đảm sự phù hợp với quy định tại các Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ về Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;

- Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải dựa trên nền tảng quy chuẩn Quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ, theo dõi, kiểm tra, giám sát tốt nhất, có tính đặc thù riêng của địa bàn tỉnh Đắk Nông;

- Phù hợp với đặc thù riêng, tình hình thực tế tại địa phương về đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, công nghệ xử lý nước tại các đơn vị cấp nước, chất lượng nguồn nước nguyên liệu (nước mặt, sông, hồ, nước ngầm...), chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

II. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Từ tháng 5/2022 đến tháng 12/2023.

III. NỘI DUNG NHIỆM VỤ

1. Kiện toàn Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (Ban soạn thảo thành lập theo Quyết định số 1510/QĐ-UBND ngày 09/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

2. Biên soạn dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt: tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng chất lượng các nguồn nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt với nhiều kênh thu thập thông tin (dữ liệu quan trắc môi trường nước của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ các nhà cung cấp nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...); tổng hợp thông tin, tư liệu và dự thảo khung dự thảo Quy chuẩn.

3. Tổ chức hội thảo góp ý, chỉnh sửa, hoàn chỉnh nội dung dự thảo Quy chuẩn nước sạch.

4. Lấy ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo Quy chuẩn nước sạch.

5. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo hoàn chỉnh Quy chuẩn nước sạch và lập hồ sơ theo quy định.

6. Hoàn thiện, chuyển hồ sơ dự thảo Quy chuẩn nước sạch đến Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, cho ý kiến về việc ban hành Quy chuẩn nước sạch.

7. Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông đúng theo quy định hiện hành.

IV. BIỆN PHÁP TRIỂN KHAI

Chi tiết tại Phụ lục 2 “Dự án xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông” kèm theo Kế hoạch này.

V. TRÌNH TỰ CÁC BƯỚC THỰC HIỆN

Chi tiết Phụ lục 1 “Lộ trình thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông” kèm theo Kế hoạch này.

VI. KINH PHÍ

1. Kinh phí cho các hoạt động xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của địa phương theo phân cấp hiện hành; từ nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức cá nhân khác; các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc sử dụng kinh phí xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông thực hiện theo Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan đang có hiệu lực thi hành.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung theo yêu cầu của Bộ Y tế tại Văn bản số 2696/BYT-MT ngày 18/5/2019, cụ thể:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định kiện toàn Ban soạn thảo xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (giao Sở Y tế chủ trì, thống nhất với các đơn vị liên quan, đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế);

- Lập dự án chi tiết xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông và tổ chức triển khai thực hiện;

- Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan thu thập, hồi cứu số liệu về chất lượng các nguồn nước (kết quả xét nghiệm các nguồn nước) sử dụng cung cấp sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong 5 năm (2017 - 2021);

- Tổng hợp báo cáo về các chỉ tiêu xét nghiệm để đánh giá chất lượng các nguồn nước trên địa bàn tỉnh và các chỉ tiêu thu thập liên quan trong 5 năm (từ 2017 - 2021), trên cơ sở đó xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông;

- Tổ chức khảo sát và lấy mẫu nước để xét nghiệm đánh giá chất lượng các loại nguồn nước theo từng khu vực trên địa bàn tỉnh để có số liệu tổng quát về thực trạng chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh;

- Tổ chức Hội thảo xin ý kiến các Sở, ngành, đơn vị, chuyên gia lĩnh vực liên quan về Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông;

- Trình Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công Nghệ thẩm định hồ sơ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ban hành.

- Dự toán kinh phí hàng năm làm việc với Sở Tài chính trong nguồn ngân sách được giao.

2. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Y tế tham mưu bố trí kinh phí trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

- Hướng dẫn Sở Y tế trong việc triển khai kế hoạch, xin ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định hiện hành.

- Phối hợp với Sở Y tế trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục xây dựng Quy chuẩn nước sạch.

4. Sở Tư pháp

Tổ chức thẩm định dự thảo văn bản Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông đảm bảo chất lượng, nội dung, hình thức trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ban hành.

5. Sở Xây dựng

Cung cấp thông tin về các đơn vị cấp nước thuộc quản lý của Sở Xây dựng và tổng hợp số liệu về chất lượng nước nguồn khai thác và chất lượng nước thành phẩm theo thời gian của các đơn vị đó trong 5 năm (từ 2017 - 2021), gửi Sở Y tế tổng hợp.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Cung cấp, tổng hợp số liệu quan trắc môi trường nước mặt, nước ngầm trên địa bàn tỉnh trong 5 năm (từ 2017 - 2021);

- Cung cấp kết quả quan trắc đối với chất lượng các nguồn xả thải từ các khu công nghiệp hoặc các cơ sở sản xuất công nghiệp; sản xuất nông nghiệp; đặc biệt đối với những khu công nghiệp hoặc cơ sở sản xuất có xả thải vào hoặc gần nguồn nước, khu vực khai thác nước của đơn vị cấp nước.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Cung cấp và tổng hợp thông tin số liệu về chất lượng nước thành phẩm và chất lượng nước bề mặt và nước dưới đất được các đơn vị cấp nước khai thác thuộc quản lý của Sở hoặc Trung tâm Nước sạch & Môi trường nông thôn trong 5 năm (từ 2017 - 2021), gửi cho Sở Y tế;

- Cung cấp thông tin về loại hình sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng lúa/cây lương thực...), hình thức sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... trên địa bàn, đặc biệt tập trung ở những khu vực hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khai thác nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

8. Sở Công Thương

Cung cấp thông tin về các loại hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc trừ sâu (gồm cả thành phần) được phép sử dụng trên địa bàn tỉnh.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Chỉ đạo các đơn vị, ban, ngành liên quan điều tra, đánh giá tổng hợp số liệu kết quả xét nghiệm mẫu nước của các công trình cấp nước tập trung và của hộ gia đình trên địa bàn trong 5 năm (từ 2017 - 2021) và gửi báo cáo cho Sở Y tế để tổng hợp.

10. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Là đơn vị đầu mối tham mưu Sở Y tế toàn bộ các bước quy trình, dự toán kinh phí và triển khai thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông sau khi Kế hoạch được ban hành.

11. Các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh

Cung cấp số liệu, tài liệu có liên quan đến chất lượng nước nguồn và nước thành phẩm cho Ban soạn thảo khi có yêu cầu; tham gia đóng góp ý kiến soạn thảo quy chuẩn nước sạch.

Trên đây là Kế hoạch xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương chủ động, phối hợp, triển khai thực hiện theo quy định, đạt hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, nếu có nội dung chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động thông tin phối hợp với Sở Y tế để tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh cho phù hợp tình hình địa phương./.

 

PHỤ LỤC 1

LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
(Kèm theo Kế hoạch xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông)

Trình tự các bước thực hiện

Nội dung công việc

Thời gian

Chủ trì

Phối hợp

Bước 1: Kiện toàn Ban soạn thảo

Kiện toàn Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tỉnh Đắk Nông

Tháng 5/2022

Sở Y tế chủ trì tham mưu thành phần Ban soạn thảo

Các Sở, ngành, đơn vị liên quan cử thành viên tham gia Ban soạn thảo

Bước 2: Biên soạn dự thảo quy chuẩn kỹ thuật địa phương[1]

Ban soạn thảo thực hiện các công việc sau:

* Chuẩn bị việc biên soạn dự thảo:

- Xây dựng kế hoạch hồi cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng nước các nguồn nước

- Kế hoạch và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm các nguồn nước

- Tổng hợp báo cáo các chỉ tiêu xét nghiệm nước và các chỉ tiêu xét nghiệm của các Ban, ngành liên quan để dự thảo chỉ tiêu vào quy chuẩn

- Chuẩn bị thông qua đề cương chi tiết việc triển khai dự án xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương kèm theo khung nội dung dự thảo quy chuẩn kỹ thuật địa phương

- Các công việc khác có liên quan.

Tháng 6- 11/2022

Ban soạn thảo

Các Sở, ngành, đơn vị liên quan

* Triển khai việc biên soạn dự thảo:

- Biên soạn dự thảo dựa trên cơ sở khung nội dung dự thảo đã được Ban soạn thảo thống nhất và viết thuyết minh cho dự thảo

- Tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến đối với dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

- Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa dự thảo và trình Ủy ban nhân dân tỉnh

Tháng 9- 12/2022

Ban soạn thảo

Các Sở, ngành, đơn vị liên quan

Bước 3: Lấy ý kiến các Ban, ngành góp ý dự thảo

- Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, gửi hồ sơ dự thảo quy chuẩn kỹ thuật địa phương đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến

- Thông báo về việc lấy ý kiến về dự thảo trên trang thông tin điện tử hoặc tạp chí, ấn phẩm chính thức của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở chuyên ngành tương ứng

- Ban soạn thảo hoàn chỉnh dự thảo và lập hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định

- Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển hồ sơ dự thảo đến Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia tương ứng quy định tại Điều 23 của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 để tổ chức xem xét, cho ý kiến

Tháng 01/2023- 4/2023

Sở Y tế chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh

Ban soạn thảo; Các Sở, ngành, đơn vị liên quan

Bước 4: Xem xét cho ý kiến về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

Chỉnh sửa Quy chuẩn kỹ thuật địa phương theo góp ý của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Tháng 6/2023- 7/2023

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Ban soạn thảo

Bước 5: Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có ý kiến đồng ý với việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

Tháng 11- 12/2023

Ủy ban nhân dân tỉnh

Ban soạn thảo

 

PHỤ LỤC 2

DỰ ÁN

XÂY DỰNG QUY CHUẨN KỸ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC SẠCH SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH SINH HOẠT TẠI TỈNH ĐẮK NÔNG
(Kèm theo Kế hoạch xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông)

1. Tên gọi Quy chuẩn kỹ thuật

Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông

2. Phạm vi và đối tượng áp dụng của Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện một phần hoặc tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn, bán lẻ nước sạch theo hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh (gọi chung là đơn vị cấp nước).

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị

Tên cơ quan: Sở Y tế tỉnh Đắk Nông

Địa chỉ: đường Trần Hưng Đạo, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

Điện thoại: 02613.545304. - Fax: 02613.545312

Email: soyte@daknong.gov.vn

Tên cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Đắk Nông.

4. Tình hình quản lý đối tượng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương hoặc đối tượng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng tại địa phương

- Đối tượng: Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình đặc thù của địa phương x

- Tên Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý đối tượng trong lĩnh vực Quy chuẩn kỹ thuật dự kiến ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương: Bộ Y tế.

- Tình hình quản lý cụ thể đối tượng Quy chuẩn kỹ thuật:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 94 đơn vị cấp nước tập trung đang hoạt động (07 đơn vị có công suất thiết kế 1.000m3/ ngày.đêm trở lên và 87 đơn vị có công suất thiết kế dưới 1.000m3/ngày.đêm) cung cấp nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị này khai thác nguồn nước ngầm và nước bề mặt để làm nước nguyên liệu đầu vào. Việc quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại đơn vị cấp nước tuân thủ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 01:2009/BYT) được ban hành theo Thông tư số 04/2009/TT - BYT ngày 17/6/2009 của Bộ Y tế và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT) ban hành theo Thông tư số 05/2009/TT - BYT ngày 17/6/2009 của Bộ Y tế.

Ngày 14/12/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT - BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt và có hiệu lực từ ngày 15/6/2019. Theo đó tại khoản 2, Điều 5 Thông tư quy định “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt bảo đảm có hiệu lực trước ngày 01/7/2021”.

Ngày 15/12/2021 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 26/2021 về việc sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.

5. Lý do và mục đích xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

- Quy chuẩn kỹ thuật địa phương nhằm đáp ứng những mục tiêu quản lý sau đây:

Đảm bảo an toàn

x

Đảm bảo vệ sinh, sức khoẻ

x

Bảo vệ môi trường

x

Bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia

x

Bảo vệ động, thực vật

x

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

x

- QCĐP dùng để chứng nhận hoặc công bố hợp quy

x

- Căn cứ về nội dung quản lý nhà nước có liên quan:

Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9;

Nghị định số 127/2007/NĐ-CP, ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;

Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;

Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN ngày 25/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về xây dựng, thẩm định và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật;

Thông tư số 41/2018/TT - BYT ngày 14/12/2018 về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt Quy định chất lượng nước ăn uống sinh hoạt.

Thông tư 26/2021/TT-BYT ngày 15/12/2021 của Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Thông tư 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018.

- Căn cứ thực tiễn:

Việc áp dụng quy chuẩn quốc gia về quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích ăn uống và sinh hoạt trên cả nước lần lượt theo quy chuẩn (QCVN 01:2009/BYT) và (QCVN 02:2Ỏ09/BYT) với tổng 114 chỉ tiêu áp dụng chung cho các đối tượng có liên quan trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, do đặc thù mỗi tỉnh có phương thức sản xuất, có thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên khác nhau. Việc phải áp dụng 114 chỉ tiêu thông số kỹ thuật về chất lượng theo quy chuẩn quốc gia vô hình đã tạo nên rào cản, gây lãng phí về thời gian và kinh phí để minh chứng đảm bảo về chất lượng nước cung cấp của các đơn vị cấp nước cũng như cơ quan thực hiện chứng năng giám sát ngoại kiểm.

Để tháo gỡ những rào cản, khó khăn nói trên, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018, trong đó quy định mỗi địa phương (tỉnh) phải nghiên cứu ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt riêng cho từng tỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng tỉnh. Điều này, góp phần xóa bỏ sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn nước sạch, tăng tính chủ động của địa phương và vai trò trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước.

6. Loại quy chuẩn kỹ thuật

Quy chuẩn kỹ thuật chung

x

Quy chuẩn kỹ thuật an toàn

x

Quy chuẩn kỹ thuật môi trường

x

7. Những vấn đề sẽ quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

- Những vấn đề sẽ quy định (hoặc sửa đổi, bổ sung):

Yêu cầu về an toàn, vệ sinh trong sản xuất, khai thác, chế biến sản phẩm, hàng hóa đặc thù

Yêu cầu về an toàn, vệ sinh trong bảo quản, vận hành, vận chuyển, sử dụng, bảo trì sản phẩm, hàng hóa đặc thù

An toàn trong dịch vụ môi trường

An toàn, vệ sinh trong các lĩnh vực khác thuộc lĩnh vực được phân công (nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt)

- Bố cục, nội dung các phần chính của quy chuẩn kỹ thuật dự kiến:

Chương I. Phần quy định chung

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh;

Điều 2: Đối tượng áp dụng;

Điều 3: Giải thích từ ngữ (nếu có).

Chương II. Quy định về kỹ thuật

Điều 4: Danh mục các thông số chất lượng nước sạch và ngưỡng giới hạn cho phép;

Điều 5: Thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch (tần suất thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch);

Điều 6: Số lượng và vị trí lấy mẫu thử nghiệm;

Điều 7: Phương pháp lấy mẫu và phương pháp thử.

Chương III. Quy định về quản lý

Điều 8: Công bố hợp quy.

Chương IV. Tổ chức thực hiện

Điều 9: Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân;

Điều 10: Quy định chuyển tiếp.

Phụ lục 01. Danh mục các phương pháp lấy mẫu và thử nghiệm.

Phụ lục 02. Mẫu Bản công bố hợp quy.

- Nhu cầu khảo nghiệm Quy chuẩn kỹ thuật trong thực tế:

Có □              Không □

8. Phương thức thực hiện và tài liệu làm căn cứ xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

Xây dựng QCVN trên cơ sở tiêu chuẩn

Xây dựng QCVN trên cơ sở tham khảo tài liệu, dữ liệu khác

Xây dựng QCVN kết hợp cả tiêu chuẩn và tham khảo các tài liệu, dữ liệu

- Tài liệu chính làm căn cứ xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật:

Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9;

Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;

Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;

Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN ngày 25/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về xây dựng, thẩm định và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật;

Thông tư số 50/2015/TT-BYT ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế quy định về việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt;

Thông tư số 41/2018/TT - BYT, ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt quy định chất lượng nước ăn uống sinh hoạt;

Các TCVN, số hiệu tiêu chuẩn về cách lấy mẫu, phương pháp phân tích mẫu, giới hạn cho phép đối với các thông số chất lượng nước;

Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công Nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương pháp đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/03/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Các quy định liên quan đến quản lý về tài chính:

Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính về việc quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật;

Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính về việc quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;

Thông tư số 240/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính về Quy định giá tối đa dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập;

Thông tư số 27/2020/TT-BTC ngày 17/4/2020 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật, có hiệu lực từ ngày 5/6/2020;

Thông tư số 109/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia;

Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;

Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính: Quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật;

Quy định liên quan đến hoạt động chi hội thảo, hội nghị và công tác phí của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông.

9. Kiến nghị Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định kiện toàn Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương gồm các thành viên sau:

- Trưởng ban: Lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội.

- Phó ban thường trực: Lãnh đạo Sở Y tế.

- Thành viên: Lãnh đạo hoặc chuyên viên các Sở, ngành:

Các Sở: Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Các đơn vị cấp nước có công suất thiết kế > 1000 m3/ngày, đêm trên địa bàn tỉnh.

Mời Tiến sĩ Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên: cố vấn.

10. Cơ quan phối hợp xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

- Dự kiến cơ quan, tổ chức phối hợp xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị cấp nước và kiểm định chất lượng nước;

- Dự kiến cơ quan quản lý có liên quan bắt buộc phải lấy ý kiến về dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật: Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công Nghệ;

- Dự kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân cần lấy ý kiến về dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, các tổ chức hoạt động lĩnh vực nước sạch trên địa bàn tỉnh.

11. Kế hoạch khảo sát đánh giá chất lượng nước làm cơ sở cho việc lựa chọn các tiêu chí chất lượng nước để xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước sạch

a) Phương pháp chọn mẫu

- Dựa vào nguồn nước:

Các đơn vị cung cấp nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sử dụng 2 loại nguồn nước để làm nước nguyên liệu đầu vào:

Nước mặt (chủ yếu ở sông, hồ): đơn vị cấp nước có công suất trên 1.000 m3/ngày, đêm sử dụng nguồn nước mặt đưa về nhà máy xử lý để sản xuất và cung cấp nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt cho cộng đồng dân cư ở các khu vực đô thị (thị trấn các huyện và thành phố Gia Nghĩa).

Nước ngầm (nước ở tầng sâu): được các đơn vị khai thác chủ yếu thông qua việc khoan giếng để lấy làm nguyên liệu cấp trực tiếp hoặc thông qua hệ thống lọc với quy mô nhỏ sản xuất nước cho khu vực dân cư ở vùng nông thôn của tỉnh.

- Dựa vào công suất nhà máy:

100% đơn vị cấp nước có công suất > 1.000 m3/ngày, đêm được chọn lấy mẫu nước nguyên liệu và nước thành phẩm, đánh giá chất lượng cũng như việc áp dụng công nghệ xử lý và công tác vận hành thiết bị xử lý nước.

Đối với các đơn vị cấp nước có công suất < 1.000 m3/ngày, đêm thì chọn mẫu chủ đích ở những đơn vị có số hộ dân cung cấp cao nhất đại diện cho quy mô của huyện (mỗi huyện chọn ít nhất 02 đơn vị, mỗi đơn vị lấy 01 mẫu nước nguyên liệu và 01 mẫu nước thành phẩm).

Trên cơ sở đó, đã chọn được tên đơn vị cấp nước trên địa bàn như sau:

STT

Tên đơn vị cấp nước

Địa bàn

Công suất thiết kế (m3/ngày, đêm)

Nguồn nước nguyên liệu

1

Nhà máy cấp nước Gia Nghĩa, thuộc Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị Đắk Nông

TP. Gia Nghĩa

12.000

Hồ thủy điện Đắk R’Tih (P Nghĩa Phú)

2

Trạm sản xuất nước Quảng Khê

Xã Quảng Khê

1.000

Nước mặt Hồ Trung tâm xã Quảng Khê

3

Trạm cấp nước huyện Cư Jút

Thị trấn Ea T’Ling và xã Trúc Sơn

2.000

Nước mặt Sông Sêrêpốk

4

Trạm cấp nước huyện Krông Nô

Thị trấn Đắk Mâm

1.000

Nước mặt Hồ Thủy lợi Đắk Drô

5

Trạm cấp nước xã Đức Xuyên

Xã Đức Xuyên

500

Nước mặt Sông Krông Nô

6

Trạm cấp nước và môi trường huyện Đắk R’Lấp

Thị trấn Kiến Đức

1.000

Nước mặt hồ Đắk Blao

7

Trạm cấp nước và môi trường huyện Đắk Song

Thị trấn Đức An

1.000

Nước mặt Hồ Thị trấn Đức An

8

Nhà máy nước Đắk Mil

Thị trấn Đắk Mil

2.000

Nước mặt Hồ Tây, Đắk Mil

9

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Quảng Tín

Xã Quảng Tín, Đắk R’Lấp

240

Nước ngầm, giếng khoan

10

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Nhân Cơ

Xã Nhân Cơ, Đắk R’Lấp

240

Nước ngầm, giếng khoan

11

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Đắk Mol

Xã Đắk Mol, Đắk Song

345

Nước ngầm, giếng khoan

12

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Đắk ND’rung

Xã Đắk Mol, Đắk Song

374

Nước ngầm, giếng khoan

13

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Đắk Rla

Xã Đắk R’La, Đắk Mil

375

Nước ngầm, giếng khoan

14

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Đắk Gằn

Xã Đắk Gằn, Đắk Mil

125

Nước ngầm, giếng khoan

15

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Tân Thành

Xã Tân Thành, Krông Nô

326

Nước ngầm, giếng khoan

- Dựa vào điều kiện khí hậu:

Điều kiện khí hậu tỉnh Đắk Nông có hai mùa rõ rệt: mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 10, tập trung 90% lượng mưa hàng năm; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Dựa vào điều kiện khí hậu việc tổ chức lấy mẫu nước chia thành 02 đợt:

Đợt 1: vào tháng 5-7/2022, ngay sau khi Kế hoạch được phê duyệt, đánh giá chất lượng nguồn nước ở thời điểm giữa mùa mưa;

Đợt 2: Vào cuối tháng 10-11/2022, đánh giá chất lượng nước ở thời điểm nửa đầu mùa khô, đồng thời thuận tiện để có nguồn cơ sở dữ liệu kịp bắt tay vào biên soạn dự thảo, đủ thời gian hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh ban hành quy chuẩn.

Số mẫu nước thành phẩm lấy xét nghiệm của các đơn vị cấp nước được lựa chọn lấy mẫu: 15 mẫu x 2 đợt = 30 mẫu. Những mẫu nước này được lấy cuối đường ống chính của hệ thống ống của mỗi đơn vị ở vòi nước hộ gia đình (nước không đi qua bồn chứa), phân tích 99 thông số kỹ thuật theo QCVN 01-1:2018/BYT. Quy trình lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu được đảm bảo theo đúng quy định hiện hành.

Số mẫu nước nguyên liệu lấy xét nghiệm của các đơn vị cấp nước: 15 mẫu x 2 đợt = 30 mẫu, được chia thành 02 nhóm, trong đó:

Đối với nguồn nước bờ mặt: sẽ lấy tại 8 đơn vị x 02 đợt =16 mẫu, những mẫu nước này được lấy ngay tại giếng thu của nhà máy (nước chưa qua xử lý), phân tích 36 thông số theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT theo giới hạn mức A1.

Đối với nguồn nước ngầm (nước dưới đất) mẫu nước được lấy tại 7 đơn vị sử dụng nước ngầm là nguyên liệu x 02 đợt = 16 mẫu. Nước được bơm trực tiếp lên (để cho chảy hết nước tồn trong đường ống từ bơm lên mặt đất), phân tích 32 thông số theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT.

Tổng số mẫu nước lấy xét nghiệm: 60 mẫu; trong quá trình thực hiện có xuất hiện những giá trị bất thường của các thông số đánh giá về chất lượng nước, sẽ tổ chức lấy mẫu bổ sung để đánh giá.

b) Các chỉ tiêu giám sát chất lượng nước của quy chuẩn kỹ thuật địa phương được lựa chọn dựa trên cơ sở:

- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước dưới đất QCVN 09-MT:2015/BTNMT; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước bờ mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

- Báo cáo hiện trạng cung cấp nước và chất lượng nguồn nước cấp của tỉnh Đắk Nông.

- Kết quả quan trắc định kỳ chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

- Dựa vào kết quả khảo sát đánh giá chất lượng nước gồm: nước nguyên liệu và nước thành phẩm của các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

- Hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về chất lượng nước (WHO).

12. Tiến độ thực hiện

TT

Nội dung công việc

Thời gian

Đơn vị chủ trì, tham mưu

Đơn vị phối hợp

Bắt đầu

Kết thúc

1

Chuẩn bị biên soạn dự thảo Quy chuẩn địa phương

Tháng 3- 5/2022

Sở Y tế

Các Sở, ngành liên quan

2

Biên soạn dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương:

- Lấy ý kiến chuyên gia

- Khảo nghiệm dự thảo

- Hoàn chỉnh dự thảo và lập hồ sơ dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

Tháng 6- 8/2020

Sở Y tế

Các Sở, ngành liên quan, Bộ Y tế (Cục QLMT, Viện Pasteur Nha Trang)

3

Tổ chức thông báo và lấy ý kiến rộng rãi

Tháng 9 và tháng 11/2022;

Sở Y tế

Các Sở, ngành liên quan

4

Tổ chức hội nghị chuyên đề

Tháng 12/2022

Ban soạn thảo

Các Sở, ngành liên quan, Bộ Y tế (Cục QLMT, Viện Pasteur Nha Trang)

5

Hoàn chỉnh, lập hồ sơ dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật trình duyệt

Tháng 01- 04/2023

Ban soạn thảo

Sở Y tế, các Sở, ngành, các chuyên gia

6

Thẩm định dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật trình duyệt

Tháng 5- 9/2023

Ban soạn thảo

Các Sở, ngành liên quan, Bộ Y tế (Cục QLMT, Viện Pasteur Nha Trang)

7

Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

Trước ngày 30/12/2023

UBND tỉnh

Sở Y tế, các Sở, ngành, các chuyên gia

 

 

 

 

 

 

13. Kinh phí thực hiện: Từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của địa phương theo phân cấp hiện hành; từ nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức cá nhân khác; các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

 

PHỤ LỤC 3

KẾ HOẠCH XÂY DỰNG

QUY CHUẨN KỸ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC SẠCH SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH SINH HOẠT TẠI TỈNH ĐẮK NÔNG
(Kèm theo Kế hoạch xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông)

TT

Lĩnh vực, đối tượng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

Tên Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

Cơ quan, tổ chức biên soạn Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

Thời gian thực hiện

Kinh phí dự kiến

Cơ quan, tổ chức đề nghị

Bắt đầu

Kết thúc

1

- Lĩnh vực: Y tế

- Đối tượng: Nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt

Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông

Sở Y tế

Tháng 5/2022

Tháng 12/2023

Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính thống nhất tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí phù hợp với tình hình của địa phương và đảm bảo theo nhiệm vụ được giao để thực hiện hiệu quả Kế hoạch được phê duyệt

Sở Y tế tỉnh Đắk Nông

 

 



[1] Đã xây dựng năm 2021 (thực hiện điều chỉnh nếu cần).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 951/QĐ-UBND năm 2022 Kế hoạch xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông

  • Số hiệu: 951/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/06/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Tôn Thị Ngọc Hạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/06/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản