Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 847/QĐ-UBND | Ninh Bình, ngày 29 tháng 11 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC MÁN BẠC VÀ NGHỀ GỐM BỒ BÁT (XÃ YÊN THÀNH, HUYỆN YÊN MÔ)”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Kết luận số 90-KL/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26 tháng 6 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XXI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tại Tờ trình số 168/TTr-SVHTT ngày 31 tháng 10 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô)” (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
ĐỀ ÁN
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC MÁN BẠC VÀ NGHỀ GỐM BỒ BÁT (XÃ YÊN THÀNH, HUYỆN YÊN MÔ)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 847/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2023 của UBND tỉnh Ninh Bình)
Phần I
SỰ CẦN THIẾT, CƠ SỞ VÀ PHẠM VI ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN
Hiện nay, trên thế giới và Việt Nam, tài nguyên văn hóa hay nguồn lực văn hóa đang song hành và trong đó bao trùm cả hệ thống di sản văn hóa, kèm theo những cách nhìn nhận, quan điểm và phương pháp bảo tồn, sử dụng và phát triển nguồn tài nguyên này nhằm phát huy vai trò trong phát triển kinh tế, xã hội.
Là một tỉnh có vị trí đặc biệt, nơi giao thoa giữa ba vùng văn hóa: đồng bằng châu thổ sông Hồng, Tây Bắc bộ, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, tiếp xúc và giao lưu với nhiều nền văn hóa trong khu vực và trên thế giới, trữ lượng tài nguyên văn hóa của Ninh Bình từ truyền thống đến đương đại đều phong phú và đa dạng. Điều này được thể hiện trong hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu, di sản hỗn hợp đồ sộ của Ninh Bình đã được vinh danh tầm quốc gia và quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, nhiều năm trở lại đây, Đảng, Nhà nước ta nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng, luôn coi trọng các nguồn lực văn hóa, coi đó như là một trong những sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cũng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Bình luôn đề cao, coi trọng hoạt động khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa. Từ đó, yêu cầu về nghiên cứu, bảo tồn và định hướng phát triển giá trị nguồn lực văn hóa cần được quan tâm. Trong đó, nổi bật lên các vấn đề quy hoạch khảo cổ dưới lòng đất; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; khôi phục và xây dựng các lễ hội văn hóa; xây dựng quy chế quản lý di tích và lễ hội; xây dựng các thiết chế và phát huy ảnh hưởng xã hội của các danh nhân văn hóa, thực hiện các dự án bảo tồn và phát huy các tiềm năng văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ninh Bình là một không gian văn hóa đặc biệt, nằm ở vị trí kết nối văn hóa Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Trong suốt chiều dài lịch sử, Ninh Bình đóng vai trò cầu nối, là nơi hợp lưu của nhiều dòng văn hóa, là mạch nguồn của một không gian văn hóa đặc thù. Từ thời sơ sử, tính hội tụ văn hóa của Ninh Bình đã được thể hiện ở di tích Mán Bạc. Đây là một cộng đồng cư dân quan trọng hợp thành nền văn hóa cổ trên miền Bắc Việt Nam. Tại đây, cư dân cổ Ninh Bình đã tạo dựng một nền văn hóa đồ gốm rực rỡ, trở thành một bộ phận quan trọng của đỉnh cao gốm tiền sơ sử ở miền Bắc Việt Nam. Những đồ gốm Mán Bạc không chỉ có ý nghĩa đối với đời sống vật chất, mà còn thể hiện sâu đậm trong đời sống tinh thần của con người. Hoa văn trên đồ gốm Mán Bạc cho thấy nhận thức của con người về thế giới tự nhiên, đồ gốm trong các ngôi mộ táng cho thấy quan niệm về thế giới sau khi chết của con người nơi đây… Những đồ gốm cổ Mán Bạc đã trở thành một trong những di sản đặc trưng của Ninh Bình, ở nó vừa mang giá trị lịch sử, vừa hàm chứa giá trị văn hóa đặc sắc.
Bên cạnh di tích Mán Bạc, tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô còn từng tồn tại một làng gốm cổ Bồ Bát thịnh vượng trong lịch sử. Theo các nguồn tài liệu dân gian tại làng gốm Bát Tràng hiện nay, nghề gốm Bát Tràng được hình thành từ những người thợ đầu tiên ở Bồ Bát và Ninh Tràng di cư đến. Gốm Bát Tràng đã nổi danh trong ngoài nước, từ thế kỷ 14 đã khởi dựng và sản xuất nhiều mặt hàng không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu nhiều nơi trên thế giới. Việc nghiên cứu nghề gốm Bồ Bát, những mối liên hệ với làng gốm Bát Tràng là một trong những vấn đề giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu nhiều thập kỷ nay. Việc khôi phục một làng nghề có tiếng từ hàng nghìn năm trước, cũng như mục tiêu xây dựng thương hiệu quốc gia về một sản phẩm gốm sứ Bồ Bát càng trở nên quan trọng.
Từ những lý do trên, việc xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô) là cần thiết và phải được thực hiện một cách bài bản, hiệu quả thiết thực.
II. CƠ SỞ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Chủ trương, đường lối của Đảng
Xuất phát từ tầm quan trọng, yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển nguồn lực văn hóa, việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã hình thành từ sớm. Từ năm 1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, cho thấy tầm quan trọng của văn hóa cũng như quan niệm về cách mạng văn hóa của Đảng. Năm 1946, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ quan điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Năm 1987, Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới. Năm 1998, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã nhận định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội” đã tạo nên những bước ngoặt trong nhận thức của Đảng về vai trò và động lực của văn hóa.
Năm 2004, Kết luận của Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX xác định: “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định đảm bảo cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước”. Quan điểm này của Đảng đã đánh giá vị trí của văn hóa ngang hàng với kinh tế và chính trị đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước trong tình hình mới.
Năm 2011, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” .
Năm 2014, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Một trong những mục tiêu quan trọng mà Đảng ta nhấn mạnh trong Nghị quyết này là: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo tinh thần đó của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, văn hóa được xem là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp… biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.
Năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết này đã xác định quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội” .
Năm 2020, Bộ Chính trị khóa XII thông qua Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Kết luận này đã khẳng định, phát triển văn hóa ngày càng gắn bó hơn với xây dựng con người Việt Nam, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng của sự nghiệp phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.
Năm 2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò và vị trí của văn hóa: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng giải pháp: “Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa”.
- Các văn bản của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển văn hóa:
+ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.
+ Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26 tháng 6 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.
+ Kết luận số 90-KL/TU ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XXI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.
+ Chương trình hành động số 07-Ctr/TU ngày 22 tháng 6 năm 2021 của Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025.
+ Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045.
2. Cơ sở pháp lý
- Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009.
- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.
- Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh;
- Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;
- Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;
- Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025;
- Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh;
- Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2015 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;
- Quyết định số 1007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2021 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư giai đoạn 2021-2030.
3. Cơ sở thực tiễn
- Ninh Bình là một vùng đất cổ. Từ thời tiền sử, con người đã lựa chọn các hang động thuộc sơn khối đá vôi Ninh Bình để cư trú. Trong quá trình sinh sống và thích ứng với tự nhiên, cư dân cổ Ninh Bình đã có nhiều sáng tạo vật chất. Đặc biệt trong số đó, họ đã phát minh ra đồ gốm đất nung. Theo các nghiên cứu khảo cổ học hiện biết, đồ gốm Ninh Bình được đánh giá là đồ gốm sớm nhất ở Việt Nam, có niên đại cách ngày nay khoảng 8.000-9.000 năm. Gốm Ninh Bình cũng là một trong những đồ gốm có niên đại thuộc loại sớm nhất trong khu vực và trên thế giới.
- Di tích khảo cổ học Mán Bạc, nằm ở làng Bồ Bát xưa, nay là thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, là một trong những di tích khảo cổ học có giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng. Di tích đã được các nhà khoa học trong nước và quốc tế khai quật 5 lần vào các năm 1999, 2001, 2004
- 2005, 2005 và năm 2007. Kết quả khai quật cho thấy di tích chứa đựng khối lượng tư liệu đồ sộ về đồ đá, đồ gốm, di tích động, thực vật, đặc biệt là di tích mộ táng thuộc giai đoạn văn hóa cuối Phùng Nguyên, đầu Đồng Đậu, có niên đại gần 4.000 năm cách ngày nay. Đây là những bằng chứng khoa học lịch sử quan trọng để phác thảo về diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân Mán Bạc nói riêng, người Việt cổ nói chung thời kỳ tiền Đông Sơn.
Tại di tích Mán Bạc, vào thời đại kim khí, cộng đồng cư dân nơi đây đã tạo dựng một nền văn hóa đồ gốm rực rỡ, trở thành một bộ phận quan trọng của đỉnh cao gốm tiền sơ sử ở miền Bắc Việt Nam. Những đồ gốm Mán Bạc không chỉ có ý nghĩa đối với đời sống vật chất, mà còn thể hiện sâu đậm trong đời sống tinh thần của con người. Hoa văn trên đồ gốm Mán Bạc cho thấy nhận thức của con người về thế giới tự nhiên, đồ gốm trong các ngôi mộ táng cho thấy quan niệm về thế giới sau khi chết của con người…
- Thời lịch sử, theo các tài liệu dân gian còn lưu truyền hiện nay, Bồ Bát là một làng gốm lớn, đã di rời ra Thăng Long cùng quá trình rời đô của Lý Thái Tổ để hình thành làng gốm Bát Tràng nổi danh. Trong hơn 20 dòng họ xây dựng làng gốm Bát Tràng, lúc đầu chỉ có dòng họ Nguyễn (Ninh Tràng) và 4 dòng họ Trần, Bùi, Phùng, Vũ di cư từ Bồ Bát tới Bát Tràng lập thành phường sản xuất đồ gốm, gọi là Bạch Thổ phường. Rồi sau đó lại đổi tên là Bát Tràng phường và cuối cùng chuyển thành tên gọi Bát Tràng như ngày nay.
- Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, mang nhiều tiềm năng phát huy giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát đã được các cấp, các ngành tỉnh Ninh Bình và cộng đồng dân cư quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Di tích khảo cổ học Mán Bạc đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, được lập hồ sơ khoa học, xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu, viết thành luận án tiến sĩ khảo cổ học, giới thiệu bằng nhiều ngôn ngữ. Mán Bạc đã được UBND tỉnh Ninh Bình xếp hạng là di tích khảo cổ học cấp tỉnh, định hướng xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia, được khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích.
- Sau hàng trăm năm thất truyền, nghề gốm Bồ Bát đã được khôi phục trong hơn 20 năm nay. Sau nhiều năm nỗ lực không ngừng nghỉ, với niềm đam mê, sự tâm huyết của những người thợ gốm nơi đây, gốm Bồ Bát đã được thị trường đón nhận tích cực, ước mơ khôi phục và phát triển nghề gốm cổ đã được thực hiện. Ngày nay, gốm Bồ Bát không những đã nổi danh khắp cả nước mà còn vươn ra các thị trường thế giới như Mỹ, Nhật… Sự hồi sinh và sức sống của làng nghề gốm góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa làng xã và phát triển kinh tế địa phương.
- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát còn một số hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị to lớn của di tích và nghề gốm cổ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn khiêm tốn. Khu vực di tích Mán Bạc đang tiếp tục bị xâm lấn bởi các hoạt động kinh tế - xã hội. Các công trình xâm lấn diện tích khai quật đang diễn ra và chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Công tác phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa chưa được quan tâm. Công tác nghiên cứu khai quật tại di tích đã tạm dừng một thời gian dài dẫn đến nhiều giá trị của di tích chưa được khám phá hết. Nghề gốm Bồ Bát sau thời gian dài thất truyền, những bí quyết nghề nghiệp đã mai một. Việc khôi phục nghề gốm Bồ Bát trong những năm qua mới dừng ở quy mô nhỏ lẻ, chỉ có một xưởng sản xuất nhỏ với hơn 20 lao động thường xuyên. Sản phẩm còn đơn điệu, chưa có đặc trưng, bản sắc riêng, khó tạo nên thương hiệu vững chắc trên thị trường. Mục tiêu khôi phục quy mô lớn làng nghề, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, xây dựng trung tâm gốm sứ quốc gia và thương hiệu quốc gia về gốm Bồ Bát còn gặp nhiều khó khăn trước mắt và lâu dài.
- Ngày 20/4/2023, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học Nghề gốm cổ Ninh Bình: Truyền thống và hiện đại. Hội thảo đã nhận được 32 báo cáo chuyên đề của 40 tác giả là các nhà nghiên cứu và quản lý trong lĩnh vực khảo cổ học, lịch sử, bảo tàng học, di sản văn hóa, văn hóa học, quản lý văn hóa… Hội thảo đã đề xuất một số kiến nghị đến UBND tỉnh Ninh Bình: Cần tập trung nghiên cứu từ nhiều góc độ đối với nghề gốm tại Bồ Bát. Đặc biệt, cần tiếp tục chú trọng vào việc tìm kiếm và phát hiện dấu tích của hoạt động sản xuất gốm tại Bồ Bát thời kỳ lịch sử. Có như vậy, vấn đề mối quan hệ nguồn gốc Bồ Bát và Bát Tràng mới có hướng nghiên cứu mới và ngày càng xác thực hơn.
Từ thực tế đó, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô)” là nhiệm vụ cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình theo các chủ trương đường lối của Đảng và chính sách của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, toàn tỉnh nói chung phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Khai thác một cách có hiệu quả các giá trị lịch sử - văn hóa, kinh tế to lớn của di tích khảo cổ Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát, đem đến một hướng phát triển mới, mở ra triển vọng phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Tây Nam của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi quy hoạch tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.
III. PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN
Đề án được thực hiện trên phạm vi di tích Mán Bạc, xã Yên Thành, có mở rộng ra các vùng lân cận thuộc xã Yên Thắng, Yên Đồng, Yên Thái... (huyện Yên Mô) và các địa điểm có tiềm năng của nghề gốm cổ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Công tác điều tra, nghiên cứu được mở rộng trong việc điều tra làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội) trong lịch sử và hiện tại, điều tra một số mô hình khôi phục làng nghề sản xuất gốm ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam; đề xuất các mô hình nhằm bảo tồn và phát huy di tích khảo cổ học Bồ Bát và khôi phục nghề gốm Bồ Bát; xây dựng kế hoạch, lộ trình, phân công nhiệm vụ và xác định các nguồn lực thực hiện Đề án.
Phần II
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Tập trung nghiên cứu, bổ sung, làm rõ thêm những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích khảo cổ học Mán Bạc, xác định các luận cứ khoa học và thực chứng về nghề gốm cổ Bồ Bát trong bối cảnh chung của vùng đất và con người Ninh Bình, từ đó đề xuất và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản trên trở thành nguồn lực và động lực cho phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng các trung tâm văn hóa - lịch sử, dịch vụ - du lịch, sáng tạo, ứng dụng, phát triển nghề gốm truyền thống và hiện đại, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Tây Nam tỉnh Ninh Bình.
2. Mục tiêu cụ thể
- Mục tiêu văn hóa:
+ Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khảo cổ học để có nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Mán Bạc cổ và vai trò của Mán Bạc trong dòng chảy lịch sử dân tộc, trong mối liên hệ mật thiết với cư dân khu vực đồng bằng Sông Hồng và vùng lân cận, tạo cơ sở khoa học thực hiện tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, văn hóa vùng đất Yên Mô, Ninh Bình và đề xuất phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nói riêng, khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung.
+ Tăng cường nghiên cứu về nghề và làng nghề gốm ở Ninh Bình từ truyền thống đến hiện đại làm cơ sở thực hiện các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghề/làng nghề gốm, đồng thời đề xuất phương án xây dựng các trung tâm văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ gốm, tạo cơ hội giao lưu, thúc đẩy phát triển cho nghề/làng nghề gốm trong tỉnh, trong nước và quốc tế.
+ Nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất, bồi dưỡng niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ tinh thần, ý thức tự giác, tự nguyện của người dân trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, đóng góp xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
- Mục tiêu kinh tế: Tạo nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa; làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, trải nghiệm mang đặc trưng văn hóa Ninh Bình, xây dựng tuyến du lịch lịch sử - văn hóa làng nghề, du lịch sinh thái vùng phía nam huyện Yên Mô, phục vụ phát triển du lịch bền vững; xây dựng nguồn lực, động lực và mở rộng cơ hội phát triển, gia tăng giá trị cho nghề/làng nghề gốm nói riêng, nghề truyền thống nói chung trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; mở rộng giao lưu, hợp tác phát triển trong khu vực, trong nước, quốc tế, góp phần xây dựng thương hiệu của tỉnh Ninh Bình.
- Mục tiêu chính trị - xã hội: Đề án được thực hiện hiệu quả là hành động thiết thực khẳng định sự đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa, tạo động lực cho phát triển xã hội. Đồng thời, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động địa phương, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền trong tỉnh, trong khu vực.
II. NHIỆM VỤ
1. Nhiệm vụ chung
- Thực hiện công tác xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc, làng nghề gốm truyền thống Bồ Bát, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có tầm nhìn dài hạn, hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển, khai thác tối đa các tiềm năng lợi thế sẵn có, kết nối với các vùng tăng trưởng khác của tỉnh.
- Tăng cường thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, nhận diện và làm rõ những giá trị nổi bật của di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm cổ Bồ Bát, làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của khu vực xã Yên Thành.
- Thực hiện đồng bộ các hoạt động bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị của di tích khảo cổ Mán Bạc và nghề gốm cổ Bồ Bát. Trong đó, chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thực hiện bảo tồn tại chỗ, phục dựng trực quan, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch; khôi phục và phát triển nghề gốm cổ Bồ Bát trên cơ sở các giá trị bản địa đặc trưng, có thương hiệu mạnh.
- Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông; xây dựng các công trình văn hóa nhằm phát huy các giá trị của di tích Mán Bạc và nghề gốm cổ Bồ Bát, các công trình dịch vụ du lịch đồng bộ, tiến tới xây dựng khu du lịch trải nghiệm lịch sử - văn hóa, thương mại - dịch vụ chất lượng cao.
2. Nhiệm vụ cụ thể và phân kỳ thực hiện
2.1. Giai đoạn 2024 - 2025: Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, lập hồ sơ di tích và đề xuất phương hướng, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất.
2.1.1 Nghiên cứu, khai quật khảo cổ học làm rõ thêm giá trị di tích Mán Bạc; lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia, tập hợp, biên soạn, xuất bản các công trình nghiên cứu về Mán Bạc:
- Tiếp tục khai quật khảo cổ nhằm mục đích thu thập tư liệu mọi mặt phục vụ xây dựng bảo tàng tại chỗ.
- Nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo nhằm xác định phạm vi và lượng hóa giá trị tiêu biểu đặc sắc của di tích khảo cổ học Mán Bạc.
- Lập hồ sơ khoa học, đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia.
- Cắm mốc giới khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích.
- Hệ thống hóa các nguồn tư liệu từ các đợt khai quật khảo cổ, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu về di tích.
2.1.2. Nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển và giải pháp bảo tồn nghề gốm ở Ninh Bình và làng gốm cổ Bồ Bát:
- Tổ chức điều tra, nghiên cứu về nghề gốm cổ Bồ Bát, trao đổi kinh nghiệm tái sinh, khôi phục và phát triển làng nghề gốm cổ truyền ở các địa phương trong cả nước.
- Triển khai thực nghiệm chế tạo gốm cổ Bồ Bát, xác định tính đặc trưng của dòng gốm cổ Mán Bạc - Bồ Bát.
- Tổ chức hội thảo khoa học, trao đổi ý kiến chuyên gia và nhà quản lý để có cơ sở khoa học nhằm xây dựng kế hoạch khôi phục và phát triển nghề gốm Bồ Bát.
2.1.3. Tổ chức các hội nghị, hội thảo và thực hiện truyền thông, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất, nhằm thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư.
2.1.4. Nghiên cứu, đề xuất lập và thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát.
2.1.5. Đề xuất phương hướng, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất gắn với phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng; ban hành cơ chế, chính sách, tăng cường nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển.
2.1.6. Tư vấn chuyên gia đánh giá tác động môi trường và văn hóa xã hội khi thực hiện đề án.
2.2. Giai đoạn 2026 - 2030: Huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di tích Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát
2.2.1. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông, kết nối di tích Mán Bạc và làng gốm Bồ Bát với các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh và khu vực.
2.2.2. Xây dựng bảo tàng Mán Bạc với 02 hợp phần: hợp phần bảo quản tại chỗ ngoài trời, trưng bày, giới thiệu về di tích khảo cổ Mán Bạc và hợp phần trưng bày, giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển nghề gốm ở Ninh Bình nói riêng, nghề gốm Việt Nam nói chung.
2.2.3. Tọa đàm xin ý kiến và xây dựng khu văn hóa tâm linh làm nơi thờ cúng các bậc tổ nghề gốm và tưởng niệm các cư dân Mán Bạc xưa tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô.
2.2.4. Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, xây dựng trung tâm đào tạo và phát triển gốm trở thành nơi hỗ trợ các tài năng trẻ khởi nghiệp bằng nghề gốm; công bố các nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, các sáng tạo, sản phẩm mới trong ngành gốm; thực nghiệm ứng dụng sáng tạo mới về khoa học kỹ/mỹ thuật ngành gốm; đào tạo kỹ năng/kỹ thuật phát triển sản xuất, kinh doanh gốm; công bố sản phẩm mới; trưng bày, giao lưu, trao đổi các sản phẩm gốm cổ, các tác phẩm nghệ thuật gốm...
2.2.5. Xây dựng không gian văn hóa nghệ thuật, trải nghiệm, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại gắn với sản phẩm gốm, nghề gốm và các khu dịch vụ cần thiết khác.
2.2.6. Xây dựng cơ chế quản lý, phối hợp khai thác giá trị các sản phẩm của Đề án.
III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Mán Bạc và nghề gốm cổ Bồ Bát. Lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án vào nghị quyết các cấp ủy Đảng, kế hoạch công tác của chính quyền các cấp.
- Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát huy giá trị gắn với phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và bảo vệ di tích khảo cổ học Mán Bạc. Gắn trách nhiệm bảo tồn các giá trị di sản với lợi ích kinh tế, xã hội của người dân. Từng bước ngăn chặn và giải quyết dứt điểm các hoạt động xâm hại di tích.
- Thực hiện các hoạt động trao đổi, nghiên cứu trong lĩnh vực di sản văn hóa giữa cơ quan tỉnh Ninh Bình với cơ quan, tổ chức chuyên ngành, nhà khoa học trong nước và nước ngoài để thực hiện công tác nghiên cứu khoa học về giá trị của di tích, quảng bá hình ảnh, tiếp thu những công nghệ, kiến thức, kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học, khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống, tổ chức các hoạt động thương mại, dịch vụ, thu hút khách du lịch.
- Hình thành các tổ chức tư vấn, nhóm chuyên gia để tư vấn trong việc đánh giá giá trị của di tích, giá trị của di vật trong di tích, các bí quyết, quy trình sản xuất gốm sứ, tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm gốm sứ cũng như trong quá trình xây dựng, thực hiện các dự án bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học, khôi phục và phát triển nghề sản xuất gốm sứ.
2. Nâng cao nhận thức về giá trị di sản và ý thức chấp hành pháp luật về di sản, bảo vệ di sản trong cộng đồng
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân địa phương về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích khảo cổ Mán Bạc, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử lâu đời và tinh hoa nghề truyền thống của quê hương, từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án.
- Coi trọng giải quyết các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng cư dân trong toàn bộ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị của di tích Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát
- Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, quảng bá về giá trị của di tích Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát. Tuyên truyền trên báo, đài phát thanh và truyền hình (Xây dựng các mục, phóng sự giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển nghề gốm Bồ Bát, tinh hoa của sản phẩm làng nghề, các giá trị nổi bật của di tích Mán Bạc, khuyến khích xây dựng các kênh truyền thông xã hội trải nghiệm về di tích và làng nghề).
- Xuất bản các ấn phẩm về di tích Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát dưới các hình thức sách, báo, tờ gấp, USB, bảng tuyên truyền, chỉ dẫn di tích, làng nghề để quảng bá những sản phẩm với cộng đồng và khách du lịch.
- Tăng cường giáo dục lịch sử, văn hóa trong các trường học tại địa phương; tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên tại các điểm di tích và làng nghề.
4. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm bảo vệ di tích và môi trường làng nghề sản xuất gốm sứ
- Xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa đạt chuẩn nhằm phục vụ các nhiệm vụ thiết kế trưng bày bảo tàng, phát triển sản phẩm gốm sứ thương mại, quảng bá giá trị lịch sử văn hóa thương mại, giáo dục công chúng...
- Đẩy mạnh khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ mới vào việc bảo tồn và diễn giải các giá trị của di tích khảo cổ Mán Bạc; áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất gốm sứ, trên cơ sở tôn trọng tối đa các kỹ thuật truyền thống. Hỗ trợ đầu tư mua trang thiết bị, máy móc tiên tiến, sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực di tích và làng nghề.
- Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề, thực hiện khôi phục và phát triển nghề sản xuất gốm sứ ở Bồ Bát một cách bền vững.
5. Huy động nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ của Đề án
- Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo tồn phát huy giá trị di tích Mán Bạc và nghề thủ công truyền thống, trong đó tập trung ưu tiên cho các nội dung về thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, khai quật khảo cổ học, quy hoạch di tích và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, phát huy giá trị của các di sản trong khu vực thực hiện Đề án.
- Đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, thu hút các doanh nghiệp gốm sứ, làng nghề gốm truyền thống trên cả nước để thực hiện việc khôi phục nghề sản xuất gốm cổ truyền, xây dựng bảo tàng gốm sứ, công trình tâm linh thờ tự tổ nghề gốm ở Bồ Bát.
- Mở rộng, đa dạng hóa việc quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, giá trị để thu hút các nhà đầu tư khai thác, phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại nghề gốm.
IV. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN
1. Hiệu quả về kinh tế
Việc khôi phục làng nghề sản xuất gốm, sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp để mở rộng sản xuất, qua đó tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng, tăng thu nhập của người dân.
Việc kết nối bảo tồn và phát huy giá trị di tích với tái sinh nghề gốm góp phần quan trọng xây dựng tuyến du lịch lịch sử văn hóa làng nghề và du lịch sinh thái vùng phía Tây Nam tỉnh Ninh Bình. Đây là cơ sở quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Mô nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
2. Hiệu quả về văn hóa
Đề án được xây dựng có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm cổ Bồ Bát nói riêng, di sản văn hóa tỉnh Ninh Bình nói chung, để di sản lịch sử văn hóa của dân tộc được bảo lưu và phát huy trong đời sống văn hóa hiện nay.
Các sản phẩm của Đề án bao gồm các thiết chế văn hóa mới, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương.
Việc tái sinh nghề gốm Bồ Bát, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia của tỉnh Ninh Bình. Tạo ra các sản phẩm gốm sứ chứa đựng văn hóa tiêu biểu của tỉnh, trở thành các biểu tượng cho con người và vùng đất Ninh Bình trong chính sách phát triển văn hóa hiện nay của Đảng và Nhà nước.
3. Hiệu quả về chính trị - xã hội
Đề án được thực hiện chính là hành động thiết thực nhất khẳng định sự đúng đắn trong đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về văn hóa, nhìn nhận văn hóa như một nguồn lực và thực sự là một nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thực hiện được Đề án này, góp phần khẳng định sự tồn tại của văn hóa là nền tảng cho sự phát triển của dân tộc, của đất nước. Các sản phẩm của Đề án, từ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mán Bạc đến tái sinh và phát triển nghề gốm, kết hợp phát triển du lịch lịch sử văn hóa làng nghề và du lịch sinh thái vùng phía nam huyện Yên Mô sẽ dẫn đến sự đổi thay và phát triển nhất định của kinh tế địa phương. Từ đó, hiệu quả của đề án sẽ tạo dựng niềm tin của nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Những di sản được bảo tồn, phát huy và quảng bá; các sản phẩm gốm sứ được sản xuất, thương mại và trao đổi trong nước và nước ngoài, tạo dựng thương hiệu quốc gia về gốm Bồ Bát... góp phần quan trọng xây dựng lòng tự hào về vùng đất Ninh Bình đối với người dân Cố đô và người dân cả nước.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. THỜI GIAN
Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2024 đến năm 2030.
II. KINH PHÍ
1. Nguồn kinh phí: Ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành và các nguồn huy động hợp pháp khác.
2. Hằng năm các cơ quan đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao, lập dự toán kinh phí thực hiện gửi sở Tài chính thẩm định, tổng hợp dự toán chi ngân sách, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Sở Văn hóa và Thể thao
- Là cơ quan thường trực, có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
- Xây dựng, trình HĐND, UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các dự án về đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích; các chương trình, đề án, kế hoạch, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, các hội nghị hội thảo tại Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp kết quả và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp nhu cầu, báo cáo UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư công cho các công trình, dự án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công.
- Tăng cường xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, đầu tư các dự án ngoài nguồn ngân sách nhà nước với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát.
3. Sở Xây dựng
Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát theo chức năng, nhiệm vụ.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và địa phương rà soát tổng thể về tình hình sử dụng đất khu vực xã Yên Thành, huyện Yên Mô. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, phù hợp với nhu cầu bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ Mán Bạc và khôi phục, phát triển nghề gốm Bồ Bát, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
- Hướng dẫn địa phương thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất để xây dựng các công trình, thực hiện nhiệm vụ của Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề.
5. Sở Du lịch
- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ Mán Bạc và nghề gốm cổ Bồ Bát.
- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND huyện Yên Mô, tuyên truyền, quảng bá các giá trị di tích khảo cổ Mán Bạc và nghề gốm cổ Bồ Bát đến với du khách trong và ngoài nước; xây dựng các sản phẩm du lịch có hàm lượng văn hóa cao phục vụ đa dạng nhu cầu của du khách; tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh du lịch.
6. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở gốm sứ Bồ Bát xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề, tổ chức kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tiếp cận mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
- Thực hiện tốt chương trình khuyến công và tạo điều kiện cho các cơ sở trong làng nghề sản xuất, kinh doanh.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, UBND huyện Yên Mô rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch làng nghề sản xuất gốm sứ Bồ Bát nói riêng và sản xuất gốm sứ trên địa bàn tỉnh nói chung.
- Chủ trì tham mưu cơ chế chính sách của tỉnh hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống gốm sứ Bồ Bát gắn với văn hóa địa phương; các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, OCOP mang tính truyền thống, đáp ứng yêu cầu bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển kinh tế du lịch.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, thông tin, tuyên truyền trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa của di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm cổ Bồ Bát.
9. Sở Tài chính
Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách tỉnh, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
10. UBND huyện Yên Mô
- Đưa nội dung thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện; bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan, tham mưu, đề xuất HĐND, UBND các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện Đề án.
- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
11. Các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và các nội dung có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của Đề án, có trách nhiệm thực hiện và phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao trong quá trình triển khai Đề án.
IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Hằng năm, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa và Thể thao) trước ngày 30 tháng 10.
Trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa và Thể thao) xem xét, giải quyết./.
- 1Quyết định 855/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030
- 2Quyết định 51/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030
- 3Quyết định 867/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030
- 4Quyết định 2019/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị các điểm di tích khảo cổ tiêu biểu đã được phát hiện, khai quật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024-2030
- 1Luật di sản văn hóa 2001
- 2Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009
- 3Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi
- 4Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL về Quy định nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 5Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 6Nghị quyết 102/NQ-CP năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Chính phủ ban hành
- 7Luật ngân sách nhà nước 2015
- 8Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 9Quyết định 34/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- 10Quyết định 1755/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 12Luật Đầu tư công 2019
- 13Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 14Kết luận 76-KL/TW năm 2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 15Quyết định 2215/QĐ-TTg năm 2020 về Kế hoạch thực hiện Kết luận 76-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16Quyết định 855/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030
- 17Quyết định 1230/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 18Quyết định 1007/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư” giai đoạn 2021-2030 do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 19Quyết định 51/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030
- 20Quyết định 867/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030
- 21Quyết định 2019/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị các điểm di tích khảo cổ tiêu biểu đã được phát hiện, khai quật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024-2030
Quyết định 847/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô)" do tỉnh Ninh Bình ban hành
- Số hiệu: 847/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/11/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
- Người ký: Tống Quang Thìn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra