Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2019/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 23 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC ĐIỂM DI TÍCH KHẢO CỔ TIÊU BIỂU ĐÃ ĐƯỢC PHÁT HIỆN, KHAI QUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2024 -2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 154/TTr-SVHTTDL ngày 11/12/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.Phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị các điểm di tích khảo cổ tiêu biểu đã được phát hiện, khai quật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024-2030(Có Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2.Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Đề án theo đúng các quy định hiện hành.

Điều 3. Giám đốc sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (b/c)
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- VPUBND tỉnh:
+ LĐVP, KTTH, TH;
+ Lưu: VT, KGVX.Quân.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Mai Sơn

 

ĐỀ ÁN

BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC ĐIỂM DI TÍCH KHẢO CỔ TIÊU BIỂU ĐÃ ĐƯỢC PHÁT HIỆN, KHAI QUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2023-2030
(Ban hành kèm theo quyết định số 2019/QĐ-UBND ngày 23/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Bắc Giang là miền đất cổ thuộc khu vực phía Đông Bắc Việt Nam. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, con người đã đến đây cư trú từ hàng ngàn năm, xây dựng lên các làng, bản, hình thành nên diện mạo của một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử- văn hóa lâu đời, thể hiện qua những dấu tích vật chất được phát hiện thông qua các di chỉ, di vật từ lòng đất và những di sản văn hóa phi vật thể có giá trị mà ngày nay chúng ta đang tiếp tục gìn giữ, phát huy.

Trong những năm qua, công tác khảo cổ trên địa bàn tỉnh đã từng bước được quan tâm nghiên cứu, nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa về vùng đất, con người Bắc Giang đã được gợi mở và giải đáp thông qua các đợt khai quật khảo cổ. Tuy nhiên, công tác khảo cổ mới chỉ dừng lại việc điều tra, khai quật phục vụ công tác nghiên cứu; việc bảo vệ và phát huy giá trị các địa điểm khảo cổ sau khai quật chưa thực sự được chú trọng. Hầu hết các địa điểm khai quật sau khi nghiên cứu xong đều lấp lại bảo tồn tại chỗ, chưa có biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị một cách hiệu quả. Vì vậy, việc xây dựng Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị các điểm di tích khảo cổ tiêu biểu đã được phát hiện, khai quật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030 là việc làm cần thiết, nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị các di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh.

2. Căn cứ xây dựng Đề án

- Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009;

- Luật Ngân sách năm 2015;

- Luật Đầu tư công năm 2019;

- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

- Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

- Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025;

- Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050;

- Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ;

- Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ từ thực tiễn của công tác bảo vệ và phát huy giá trị các điểm di tích khảo cổ tiêu biểu đã được phát hiện, khai quật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

II. KẾT QUẢ CÔNG TÁC BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC ĐIỂM DI TÍCH KHẢO CỔ TIÊU BIỂU ĐÃ ĐƯỢC PHÁT HIỆN, KHAI QUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Kết quả đạt được

Là một vùng đất có nhiều tiềm năng về khảo cổ, trong thời gian qua, công tác nghiên cứu khảo cổ ở Bắc Giang đã được quan tâm nghiên cứu, tổ chức các cuộc khai quật từ rất sớm. Ngay từ những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Viện Khảo cổ, các cơ quan nghiên cứu, các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ ở Trung ương, các huyện, thành phố tiến hành hàng chục cuộc điều tra khảo sát, khai quật khảo cổ tại 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Qua các đợt khai quật đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp, với hàng loạt phát hiện và nghiên cứu cho thấy, khảo cổ Bắc Giang không chỉ giới hạn ở một giai đoạn nhất định mà trải dài từ thời đại hậu kỳ đá cũ, qua thời đại kim khí (giai đoạn đồng thau phát triển: Văn hoá Đông Sơn), cho đến các dấu tích thời Bắc thuộc, tiếp theo là thời Lý- Trần, Lê - Nguyễn và trải dài cho tới ngày nay.

Trong đó, kết quả nổi bật của công tác khảo cổ đó là những phát hiện khảo cổ về giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XX, cụ thể: Từ đầu những năm 2000 kéo dài đến 2022, công tác khảo cổ ở Bắc Giang tiếp tục được nghiên cứu, khai quật với nhiều phát hiện về các dấu tích thời Lý - Trần, Lê - Nguyễn ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt quan trọng là hệ thống chùa - tháp cổ và hàng loạt dấu tích thời Lý - Trần dọc sườn Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang gắn với Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử như: Chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng); chùa Hòn Tháp, Mã Yên, Bình Long, Hồ Bấc, Đám Trì, Khám Lạng, chùa Cao... (Lục Nam); chùa Am Vãi, đền Cầu Từ (huyện Lục Ngạn); chùa Tuấn Mậu (huyện Sơn Động); địa điểm Đồi Bia (huyện Yên Thế); chùa Nghĩa Trung (huyện Việt Yên)... Các kết quả khai quật khảo cổ là cơ sở cho việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử- Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc, trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đồng thời, đó còn là minh chứng xác thực cho việc nghiên cứu khoa học về các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, khẳng định Bắc Giang là vùng đất ngàn năm văn hiến.

Qua hơn 50 năm (từ lần tổ chức khai quật đầu tiên năm 1968 tại di chỉ Đông Lâm, huyện Hiệp Hòa), đến nay tỉnh Bắc Giang thực hiện được 24 cuộc khai quật khảo cổ tại 19 địa điểm với tổng diện tích khai quật là 4.573m2, thu về hơn 50.000 tài liệu, hiện vật. Trong đó, có hàng ngàn hiện vật có giá trị trong nghiên cứu khoa học, nhiều hiện vật quý được lựa chọn trưng bày, giới thiệu phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng tỉnh.

Sau mỗi lần khai quật, Bảo tàng tỉnh đều tổ chức hội nghị công bố kết quả khai quật khảo cổ kết hợp với công tác trưng bày, nghiên cứu đánh giá về các di vật, hiện vật phát hiện; các địa điểm khảo cổ sau khi công bố kết quả xong đều được bảo tồn tại chỗ và cắm cột mốc đánh dấu theo quy định của ngành khảo cổ. Đến nay, đã có hàng trăm bài báo, tạp chí, công trình nghiên cứu về giá trị các tài liệu, hiện vật khảo cổ trên địa bàn tỉnh được giới thiệu, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các Hội nghị Thông báo Khảo cổ học hằng năm của Viện Khảo cổ học. Đặc biệt, năm 2008, Viện Khảo cổ học, Sở VHTT, Bảo tàng tỉnh đã nghiên cứu xuất bản sách “Di sản văn hóa Bắc Giang- Khảo cổ học từ tiền sử đến lịch sử” do PGS, TS Hà Văn Phùng chủ biên. Công tác nghiên cứu xếp hạng di tích khảo cổ được quan tâm, nhiều di tích khảo cổ hoặc di tích liên quan đến địa điểm khảo cổ được xếp hạng cấp tỉnh (chùa Cao, xã Khám Lạng và chùa Đám Trì, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam); di tích quốc gia đặc biệt (chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng; Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, thành phố Bắc Giang; di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế...), làm cơ sở cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

Như vậy, công tác khai quật khảo cổ tại Bắc Giang thời gian vừa qua đã thu được nhiều kết quả, qua các đợt khai quật phát hiện nhiều dấu tích nền móng công trình kiến trúc, vật liệu xây dựng, các di vật có niên đại từ thế kỷ XI, XII đến thế kỷ XIII, XIV và có sự tiếp nối đến các giai đoạn sau này. Kết quả khai quật làm cơ sở để thực hiện các dự án phục hồi, tôn tạo các di tích gắn với phát triển kinh tế-xã hội, phát triển du lịch bền vững, phục vụ giáo dục truyền thống và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh ngày càng cao của Nhân dân (kèm theo Bảng phụ lục số 1).

2. Đánh giá chung

2.1. Ưu điểm

- Công tác khảo cổ học trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm nghiên cứu, triển khai thực hiện từ rất sớm. Việc tiến hành công tác điều tra, khảo sát, khai quật, nghiên cứu các di tích, di vật khảo cổ học đã bổ sung rất nhiều tài liệu, hiện vật quý, có giá trị cho Bảo tàng tỉnh và các địa phương nhằm lưu giữ, trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Việc kiểm kê, bảo quản các hiện vật sau khi được khai quật tại các địa điểm khảo cổ được Bảo tàng tỉnh thực hiện đầy đủ theo quy định, bảo đảm tính pháp lý và khoa học cho hiện vật, tạo điều kiện để sử dụng khai thác có hiệu quả các hiện vật, kịp thời phục vụ trưng bày tại các sự kiện văn hóa trên địa bàn tỉnh.

- Qua công tác khảo cổ đã góp phần đặt cơ sở cho việc bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Bắc Giang, là tiền đề để thực hiện các dự án phục dựng các công trình kiến trúc trong quá khứ, như: Phục dựng hệ thống di tích Lý -Trần bên sườn Tây Yên Tử gắn với con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo

Trúc Lâm Yên Tử; phục dựng các đồn,lũy thuộc hệ thống di tích Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế...

2.2. Hạn chế, tồn tại

- Di tích, di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ, nằm rải rác ở các địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở khu vực núi cao, địa hình hiểm trở, nên việc nghiên cứu, khảo sát, tổ chức khai quật khảo cổ cũng như bảo vệ và phát huy gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

- Trải qua thời gian dài, nhiều di tích, di chỉ khảo cổ chịu sự tác động của thiên nhiên, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế -xã hội, nạn đào bới tìm kiếm cổ vật, do nhận thức hạn chế của một số bộ phận người dân và chính quyền ở một số địa phương nên bị xâm hại và có nguy cơ mất hẳn; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và cơ quan khảo cổ học trong việc triển khai các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản khảo cổ học.

- Công tác nghiên cứu khảo cổ trong thời gian qua chưa mang tính tổng thể, chuyên sâu; khai quật khảo cổ chỉ ở mức độ thám sát, diện tích nhỏ, chưa có hệ thống dẫn đến việc nghiên cứu, đánh giá về giá trị di chỉ khảo cổ chưa được triệt để, toàn diện. Sự hạn chế của trang thiết bị nghiên cứu ảnh hưởng lớn đến công tác nghiên cứu, đánh giá di chỉ. Việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di chỉ khảo cổ sau khai quật còn khó khăn, hạn chế, bất cập. Chưa có quy hoạch tổng thể khảo cổ học trên địa bàn toàn tỉnh.

- Công tác khai quật khảo cổ chưa gắn kết chặt chẽ với công tác tu bổ, tôn tạo di tích nói riêng, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương nói chung. Còn nhiều công trình tu bổ, xây dựng tại các di tích, khu vực có nhận định, đánh giá bước đầu về giá trị di sản khảo cổ, nhưng chưa được khảo sát, thăm dò khai quật khảo cổ trước khi tu bổ, xây dựng do khó khăn về kinh phí.

- Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác khảo cổ còn nhiều khó khăn, mới chỉ dành cho việc khảo sát, khai quật với quy mô nhỏ, chưa quan tâm đầu tư cho việc bảo vệ và phát huy di tích sau khai quật; việc huy động các nguồn lực từ xã hội hoá cho công tác khai quật khảo cổ còn gặp nhiều khó khăn.

2.3. Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại

2.3.1. Nguyên nhân khách quan: Bắc Giang là tỉnh miền núi, các khu vực khảo cổ nằm rải rác ở các địa phương, đường giao thông không thuận lợi, trong khi đó thu ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho công tác khảo cổ nói chung và công tác bảo vệ phát huy giá trị di tích, địa điểm khảo cổ sau khai quật còn nhiều hạn chế.

2.3.2. Nguyên nhân chủ quan

- Chưa có đề án riêng cho việc bảo vệ và phát huy giá trị các địa điểm di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã được phát hiện, khai quật khảo cổ để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện một cách bài bản, khoa học.

- Nhận thức của cộng đồng và chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị địa điểm khảo cổ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội chưa đầy đủ, sâu sắc dẫn đến một số địa điểm khảo cổ chưa được bảo vệ và phát huy giá trị kịp thời, tương xứng với giá trị vốn có.

- Công tác tuyên truyền chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ và Nhân dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và công tác khảo cổ nói riêng chưa thật sâu sắc, toàn diện.

2.4. Bài học kinh nghiệm

- Một là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp uỷ đảng, chính quyền phải nắm vững các quy định của pháp luật về lĩnh vực di sản văn hoá nói chung và lĩnh vực khảo cổ nói riêng; thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy giá trị địa điểm, di tích khảo cổ.

- Hai là, đi đôi với phát triển kinh tế, phải thường xuyên quan tâm đầu tư cho công tác khảo cổ; khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng tự nguyện tham gia vào việc bảo vệ và phát huy giá trị địa điểm, di tích khảo cổ tại địa phương.

- Ba là, khi triển khai thực hiện công tác khảo cổ cần bám sát các chương trình, đề án, quy hoạch của tỉnh để đảm bảo triển khai đồng bộ, có hiệu quả, tránh sự chồng chéo; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết các chương trình, kế hoạch, đề án đã được tỉnh phê duyệt, trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo.

III. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu đề án

- Đối tượng: Các di tích là địa điểm khảo cổ tiêu biểu đã được phát hiện, khai quật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

- Phạm vi: Thuộc phạm vi các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có di tích khảo cổ tiêu biểu.

2. Quan điểm

- Việc bảo vệ và phát huy giá trị các điểm di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã được phát hiện, khai quật khảo cổ là nhiệm vụ mang tính lâu dài, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư nơi có di tích đang hiện hữu. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò định hướng, tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan, tổ chức, đơn vị và các cá nhân tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh.

- Bảo vệ và phát huy giá trị các điểm di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã được phát hiện, khai quật khảo cổ gắn với phát triển du lịch văn hóa-tâm linh bền vững; đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế, giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội.

- Ưu tiên nguồn kinh phí để bảo vệ và phát huy giá trị các điểm di tích khảo cổ đã được nhà nước xếp hạng, các điểm di tích có giá trị tiêu biểu đã được phát hiện, khai quật khảo cổ.

3. Mục tiêu chung

- Tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử-văn hoá, khoa học,... của các di chỉ, hiện vật tại các điểm di tích khảo cổ tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; hạn chế tối đa tác động của môi trường, sự biến đổi của xã hội,...đến các điểm di tích khảo cổ đã được phát hiện, khai quật khảo cổ.

- Tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các địa điểm khảo cổ tiêu biểu đã được phát hiện, khai quật khảo cổ trên địa bàn tỉnh. Các địa điểm đã được khai quật khảo cổ có giá trị tiêu biểu sẽ được bảo tồn mở tại chỗ, tạo điểm nhấn cho di tích và gắn với việc phục vụ khách tham quan.

- Các điểm di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã được phát hiện, khai quật khảo cổ đều được nghiên cứu bài bản, đánh giá quy mô, giá trị của di tích, di chỉ khảo cổ, từ đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Kết hợp hài hòa việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ với các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, du lịch một cách bền vững.

4. Mục tiêu cụ thể

4.1. Giai đoạn 1 (2024-2026)

- Có 01-02 địa điểm, di tích khảo cổ xếp hạng di tích cấp tỉnh; 01-02 địa điểm được xếp hạng cấp quốc gia;

- Có 01-02 di tích khảo cổ được lập dự án đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị tại chỗ;

- Có 01-02 di tích khảo cổ đã xếp hạng được đầu tư tu bổ, tôn tạo;

- Chỉnh lý, số hoá hiện vật khảo cổ đã phát hiện tại 02-03 điểm di chỉ, di tích;

- 60% các điểm di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã được phát hiện, khai quật khảo cổ được đánh giá quy mô, giá trị của di tích, di chỉ khảo cổ, khoanh vùng bảo vệ;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ phân bố các địa điểm đã phát hiện và khai quật khảo cổ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;

- Xuất bản 01-02 đầu sách nghiên cứu, sách ảnh giới thiệu về hiện vật, địa điểm khảo cổ tiêu biểu tỉnh Bắc Giang;

- Tổ chức 01-02 cuộc trưng bày lưu động giới thiệu kết quả khai quật khảo cổ tại các di tích đã được phát hiện khai quật khảo cổ.

4.2. Giai đoạn 2 (2027 - 2030)

- Có 01- 02 địa điểm, di tích khảo cổ xếp hạng di tích cấp tỉnh; 01-02 địa điểm được xếp hạng cấp quốc gia;

- Có 01-02 di tích khảo cổ được lập dự án bảo tồn và phát huy giá trị tại chỗ;

- Có 01-02 di tích khảo cổ đã xếp hạng được hỗ trợ tu bổ, phục hồi;

- Chỉnh lý, số hoá hiện vật khảo cổ đã phát hiện tại 02-03 điểm di chỉ, di tích;

- 100% các điểm di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã được phát hiện, khai quật khảo cổ được đánh giá quy mô, giá trị của di tích, di chỉ khảo cổ, khoanh vùng bảo vệ;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ phân bố các địa điểm đã phát hiện và khai quật khảo cổ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;

- Xuất bản 01-02 đầu sách nghiên cứu, sách ảnh giới thiệu về hiện vật, địa điểm khảo cổ tiêu biểu tỉnh Bắc Giang;

- Tổ chức 01-02 cuộc trưng bày lưu động giới thiệu kết quả khai quật khảo cổ tại các di tích đã được phát hiện khai quật khảo cổ;

- Tổ chức 01 cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm tranh thủ ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý thảo luận, đề xuất phương án, giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị các địa điểm di tích đã được phát hiện khai quật khảo cổ trong thời gian vừa qua.

IV. NHIỆM VỤ VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ cụ thể

1.1. Tổ chức nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh, quốc gia đối với các địa điểm khảo cổ tại các địa phương

1.1.1. Lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia: Đối với những di tích khảo cổ đã được xếp hạng cấp tỉnh có đủ điều kiện sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia theo quy định, cụ thể:

- Giai đoạn 2024-2026: Chùa Cao, xã Khám Lạng; chùa Đám Trì, xã Lục Sơn (huyện Lục Nam).

- Giai đoạn 2027-2030: Đền Cầu Từ, xã Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn); chùa Đông Lâm, xã Hương Lâm (huyện Hiệp Hòa).

1.1.2. Lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh: Lựa chọn các địa điểm đã được khai quật khảo cổ có giá trị tiêu biểu để lập hồ sơ, cụ thể:

- Giai đoạn 2024-2026: Chùa Mã Yên, xã Bắc Lũng; chùa Bình Long (Bát Nhã), xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam.

- Giai đoạn 2027-2030: Chùa Hồ Bấc, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam; chùa Nghĩa Trung, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên; địa điểm Đồi Bia, xã An Thượng, huyện Yên Thế.

1.2. Tổ chức xây dựng dự án bảo tồn tại chỗ địa điểm di tích khảo cổ

- Tiến hành đánh giá toàn bộ những địa điểm đã được phát hiện, khai quật khảo cổ có giá trị tiêu biểu để xây dựng các dự án về bảo tồn, phục dựng, tôn tạo di tích, khai thác và phát huy giá trị di sản khảo cổ, phục vụ phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

- Lập dự án bảo tồn mở tại chỗ các điểm: chùa Bình Long (Bát Nhã), huyện Lục Nam; đền Cầu Từ, huyện Lục Ngạn (giai đoạn 2024-2026); đền Hả, huyện Lục Ngạn; chùa Đám Trì, huyện Lục Nam (giai đoạn 2027 -2030).

1.3. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các địa điểm di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã được khai quật khảo cổ

- Lựa chọn 2-3 di tích khảo cổ đã được xếp hạng hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, trong đó ưu tiên các di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử -văn hoá và di tích có tiềm năng gắn với phát triển du lịch, cụ thể:

+ Giai đoạn 2024-2026: Phục hồi điểm chùa Nghĩa Trung, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên.

+ Giai đoạn 2027-2030: Phục hồi điểm chùa địa điểm Đồi Bia, xã An Thượng, huyện Yên Thế.

- Xây dựng biển chỉ dẫn, bảng giới thiệu di tích khảo cổ học, khẳng định giá trị di tích, gắn với bảo vệ cảnh quan rừng, thu hút khách du lịch, tạo công việc và thu nhập cho nhân dân địa phương.

- Tiếp tục sưu tầm, số hóa hiện vật khảo cổ một cách đầy đủ, khoa học; xây dựng và thực hiện các phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi, khai thác di sản cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Lập dự án tu bổ, tôn tạo 02 di tích khảo cổ đã được xếp hạng cấp tỉnh: Chùa Cao, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam (giai đoạn 2024-2026) và chùa Đông Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa (giai đoạn 2027-2030); trong đó có nội dung định hướng tổ chức không gian các hạng mục công trình xây mới, hạ tầng kỹ thuật và tạo lập môi trường cảnh quan thích hợp trong khu vực di tích.

- Xuất bản 02 đầu sách nghiên cứu, sách ảnh giới thiệu về hiện vật, địa điểm khảo cổ tiêu biểu tỉnh Bắc Giang, cụ thể: Giai đoạn 2024-2026, xuất bản sách nghiên cứu về khảo cổ học Bắc Giang từ năm 2008 đến nay. Giai đoạn 2027-2030, xuất bản sách ảnh về những hiện vật khảo cổ tiêu biểu tỉnh Bắc Giang.

- Chỉnh lý, số hoá hiện vật khảo cổ đã phát hiện tại các điểm di chỉ, di tích: Giai đoạn 2024-2026 có 03 địa điểm (di chỉ Đông Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa; Đồi Bia, xã An Thượng, huyện Yên Thế; chùa Cao, xã Khám Lạng huyện Lục Nam). Giai đoạn 2027-2030 có 3 địa điểm (vườn Lò, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa; lò luyện kim cổ Bùi Bến, xã Yên Lư; chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng).

1.4. Quản lý, tổ chức bảo vệ và phát huy giá trị địa điểm khảo cổ

- Áp dụng các biện pháp bảo quản các phế tích kiến trúc, di vật và các dấu vết khảo cổ khác mà không thể di dời; cắm mốc giới đánh dấu vị trí hố khai quật và đặt biển chỉ dẫn về địa điểm khảo cổ.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ và khai quật địa điểm khảo cổ; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao sự hiểu biết về kỹ thuật bảo quản địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ; tổ chức, quản lý các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào việc bảo vệ và phát huy giá trị địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ.

Ngoài các địa điểm dự kiến đưa vào thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nếu có phát hiện mới về khảo cổ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo UBND tỉnh, đề xuất bổ sung địa điểm mới để tổ chức thực hiện.

2. Kinh phí thực hiện Đề án

Kinh phí thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp (căn cứ vào nhiệm vụ được giao theo Đề án, hằng năm Sở VHTTDL xây dựng dự toán cùng với dự toán NSNN của ngành trình cấp thẩm quyền bố trí kinh phí).

(Gửi kèm Bảng phân kỳ thực hiện theo giai đoạn và hằng năm).

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Về công tác quản lý Nhà nước

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc bảo vệ địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ; bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ sau khi được phát hiện, khai quật khảo cổ.

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của địa điểm khảo cổ sau khi được phát hiện, khai quật khảo cổ. Tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định về khảo cổ; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.

- Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực khảo cổ với các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị các địa điểm, di tích khảo cổ.

- Việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản từ khảo cổ học không chỉ là sự tham gia, vào cuộc của nhà nghiên cứu, những người làm khảo cổ học, các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp, mà còn cả sự chung tay của cộng đồng xã hội. Quá trình bảo vệ di sản phải giúp cộng đồng địa phương có được quyền tham gia tìm hiểu, nghiên cứu, quyền được tiếp cận và chia sẻ thông tin nghiên cứu khảo cổ, quyền được hưởng các lợi ích từ di sản và quyền được kiểm tra, giám sát, tham gia vào quy hoạch di sản.

2. Về giải pháp đầu tư

- Ưu tiên đầu tư kinh phí để bảo vệ và phát huy các di tích, địa điểm đã được phát hiện, khai quật khảo cổ có giá trị tiêu biểu, minh chứng cho sự hình thành và phát triển của vùng đất, con người Bắc Giang; những địa điểm khảo cổ có tiềm năng gắn với phát triển du lịch.

- Hằng năm, bố trí nguồn ngân sách cho cấp huyện và xã trong việc bảo vệ và phát huy các di tích, địa điểm khảo cổ đã được khoanh vùng bảo vệ.

3. Về nguồn nhân lực

- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác di sản văn hóa nói chung, khảo cổ nói riêng từ tỉnh đến cơ sở. Thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở để làm tốt công tác phát hiện, bảo vệ địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ.

- Tuyển chọn, bổ sung, đào tạo cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về khảo cổ cho Bảo tàng tỉnh để tăng cường tham mưu, hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt công tác khảo cổ trên địa bàn tỉnh.

4. Về khoa học, công nghệ

- Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố, các trường đại học, các cục, vụ, viện, các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước để tiến hành nghiên cứu khoa học khảo cổ. Nội dung hợp tác bao gồm: Hợp tác điều tra, khảo sát, khai quật khảo cổ; hợp tác tư vấn, tổ chức hội thảo, xuất bản sách; hợp tác tổ chức không gian trưng bày, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực khảo cổ.

- Chú trọng công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác khai quật khảo cổ; tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về khảo cổ.

5. Giải pháp về tuyên truyền, quảng bá

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa và các quy định của pháp luật có liên quan khác trên Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên đề, tuyên truyền trực quan..., nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong việc phát hiện địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ, chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ trên địa bàn.

- Tăng cường công tác truyền thông trên các nền tảng: website, internet, mạng xã hội,... Xuất bản tờ rơi, sách ảnh giới thiệu về di tích khảo cổ Bắc Giang.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các đơn vị khác có liên quan căn cứ vào nhiệm vụ được giao theo Đề án, hằng năm xây dựng dự toán cùng với dự toán NSNN của ngành trình cấp thẩm quyền bố trí kinh phí.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án của UBND tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thuộc trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các ngành, các huyện, thành phố triển khai việc thực hiện Đề án; hằng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh theo quy định. Tổ chức Hội nghị thông báo kết quả khảo cổ trên địa bàn tỉnh và tổng kết việc thực hiện sau khi kết thúc Đề án.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị khác có liên quan trong việc tham mưu, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện Đề án.

- Phối hợp các ngành, cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, tham mưu UBND, HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách về đầu tư, khuyến khích thu hút đầu tư để thực hiện Đề án.

3. Sở Tài chính

- Tham mưu cho UBND tỉnh cân đối ngân sách hằng năm bảo đảm yêu cầu tiến độ thực hiện Đề án.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND, HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện Đề án.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ trong công tác khai quật khảo cổ; ưu tiên đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về khảo cổ trong nội dung định hướng nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ hằng năm.

5. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý di sản văn hóa từ tỉnh đến cơ sở để quản lý, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị chuyên môn trong quá trình thực hiện khai quật khảo cổ. Thực hiện tốt trong việc phối hợp cắm mốc ranh giới, phạm vi bảo vệ đối với các di tích, di chỉ khảo cổ.

7. Báo Bắc Giang; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Tổ chức tuyên truyền kết quả sau khi các điểm khai quật khảo cổ được đầu tư tu bổ và kết quả thực hiện Đề án này trên Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt và phê phán các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt.

8. UBND các huyện, thành phố: Thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc bảo vệ địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ; bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ trên địa bàn. Chủ động lồng ghép công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ với Đề án phát triển kinh tế - xã hội, du lịch ở địa phương./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2019/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị các điểm di tích khảo cổ tiêu biểu đã được phát hiện, khai quật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024-2030

  • Số hiệu: 2019/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Mai Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản