Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 23 tháng 3 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;

Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản;

Căn cứ Văn bản số 6667/VPCP-CN ngày 27 tháng 6 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi toàn quốc năm 2016;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 97/TTr-STNMT ngày 13 tháng 3 năm 2018 về việc ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh và các đoàn thể tỉnh;
- Các Ban Đảng của Tỉnh ủy;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thành ủy;
- Báo Tuyên Quang;
- Đài phát thanh và truyền hình tỉnh;
- Như Điều 3; (thực hiện)
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng Tin học và Công báo;
- Trưởng, Phó TP và các CV VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT. (..........)

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Đình Quang

 

PHƯƠNG ÁN

BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số:77/QĐ-UBND ngày 23tháng 3 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

Thực hiện quy định tại Điều 16, Điều 18 Luật Khoáng sản năm 2010, Điều 13 Nghị định 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ; Điều 17, Điều 18 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cụ thể như sau:

I. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; những tồn tại hạn chế và nguyên nhân

1.1. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh

a) Công tác ban hành văn bản

Để quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản. Đặc biệt là các quyết định sau:

- Quyết định số 1446/QĐ-UBND ngày 20/11/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc thành lập Ban chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

- Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 21/01/2014 về việc phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Quyết định số 91/QĐ-UBND ngày 24/02/2014 về việc thành lập Hội đồng thẩm định Đề án thăm dò khoáng sản.

- Quyết định số 578/QĐ-UBND ngày 12/6/2014 về việc phê duyệt chủ trương và đề cương, nhiệm vụ Dự án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 316/QĐ-UBND ngày 06/8/2014 về việc phê duyệt Quy định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Quyết định số 326/QĐ-UBND ngày 13/8/2014 về việc Ban hành bảng giá tối thiểu tính thuế các loại tài nguyên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 18/12/2014 thành lập Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản (thay thế Quyết định số 327/QĐ-UBND ngày 05/7/2005 của UBND tỉnh).

- Quyết định số 1077/QĐ-UBND ngày 01/9/2015 về việc kiện toàn ban chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

- Quyết định số 1078/QĐ-UBND ngày 01/9/2015 về việc thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra hoạt động khoáng sản khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Quyết định số 05/QĐ-UBND ngày 11/01/2016 Ban hành bảng giá tối thiểu tính thuế các loại tài nguyên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2016.

- Quyết định số 39/QĐ-UBND ngày 19/02/2016 và Quyết định số 171/QĐ-UBND ngày 28/5/2016 Ban hành bổ sung bảng giá tối thiểu tính thuế các loại tài nguyên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2016.

- Quyết định số 1254/QĐ-UBND ngày 08/9/2016 về việc thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra việc vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 16/01/2017 về viêc ban hành bảng giá tối thiểu tính thuế các loại tài nguyên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2017.

- Quyết định số 1181/QĐ-UBND ngày 14/10/2017 về việc thành lập Ban chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

- Quyết định số 370/QĐ-UBND ngày 26/10/2017 về việc thành lập Hội đồng thẩm định đề án đóng cửa mỏ khoáng sản.

- Quyết định số 1242/QĐ-UBND ngày 28/10/2017 về việc kiện toàn Tổ công tác liên ngành kiểm tra hoạt động khoáng sản khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Quyết định số 375/QĐ-UBND ngày 31/10/2017 về việc ban hành bảng giá tối thiểu tính thuế các loại tài nguyên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2017 (thay thế Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 16/01/2017).

- Quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 12/01/2018 về việc ban hành bảng giá tối thiểu tính thuế các loại tài nguyên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2018.

- UBND tỉnh đã phê duyệt Quy chế phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản với các tỉnh có địa giới hành chính giáp ranh như: Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Cạn; trong quý I năm 2018, tiếp tục hoàn thiện ký Quy chế phối hợp với các tỉnh còn lại: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Cao Bằng.

Ngoài ra UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đặc biệt là các văn bản sau:

- Văn bản số 317/UBND-TNMT ngày 01/3/2012 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

- Văn bản số 14/KH-UBND ngày 26/3/2012 về việc thực hiện Kế hoạch số 17-KH/TU ngày 06/11/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Văn bản số 1474/UBND-TNMT ngày 03/6/2015 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ;...

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố đã ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn và tổ chức thực hiện.

b) Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoángsản

Tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản bằng nhiều hình thức như: mở hội nghị triển khai, hội nghị tập huấn, tuyên truyền qua các buổi tọa đàm, phổ biến pháp luật trên trang Webstie; đối tượng tuyên truyền là cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản được làm thường xuyên thông qua các đợt thanh tra, kiểm tra về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản đã có chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân địa phương; đặc biệt là nhân dân địa phương nơi có khoáng sản trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

c) Công tác quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản và khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản

UBND tỉnh đã ban hành các văn bản: Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND ngày 17/4/2008 về việc phê duyệt các khu vực cấm, tạm cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quyết định số 24/2008/QĐ-UBND ngày 22/12/2008 về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, có xét đến năm 2020; Quyết định số 13/2009/QĐ-UBND ngày 15/9/2009 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020 của tỉnh Tuyên Quang (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 12/2011/QĐ-UBND ngày 06/8/2012); Quyết định số 481/QĐ-UBND ngày 23/12/2011 về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng cát, sỏi đến năm 2015 của tỉnh Tuyên Quang.

Hiện nay, đã hoàn thành“Báo cáo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVIII kỳ họp thứ 4 thông qua, phê duyệt tại Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 26/7/2017 và UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 514/QĐ-UBND ngày 31/12/2017.

d) Công tác khoanh định khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản

(1) Khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Đang triển khai thực hiện theo Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ngày 09/9/2014 của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ Quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Ngày 01/02/2018, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 304/UBND-TNMT đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa 02 khu vực chì-kẽm: khu vực Lũng Mơ-Đồng Chang, xã Tân Tiến và khu vực Sơn Đô, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn vào đầu giá quyền khai thác khoáng sản.

Trong quá trình thực hiện Quy hoạch khoáng sản, tiếp tục xem xét các khu vực, điểm khoáng sản khi có nhiều doanh nghiệp cùng xin đầu tư thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.

(2) Khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 21/01/2014 về việc phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, bao gồm 102 khu vực và bổ sung 44 khu vực khoáng sản khác (kim loại, nhiên liệu, khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng thông thường) vào Báo cáo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

đ) Công tác thẩm định, tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Từ năm 2014 đến năm 2017, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh (theo Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ) đã được cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh) phê duyệt là 266,3 tỷ đồng/110 dự án; đến hết năm 2017, đã thu 99,9 tỷ đồng.

e) Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản

Đến nay, tổng số các giấy phép được cấp đang còn hiệu lực trên địa bàn toàn tỉnh: 99 giấy phép thăm dò, khai thác; trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 14 giấy phép khai thác, UBND tỉnh cấp 85 giấy phép thăm dò, khai thác; cụ thể:

- Giấy phép thăm dò: 05 Giấy phép do UBND tỉnh cấp.

- Giấy phép khai thác: 94 giấy phép

+ Khoáng sản nhiên liệu, kim loại (than, quặng thiếc, sắt, mangan, thiếc, antimon): 14 giấy phép (Bộ TN&MT cấp 07 giấy phép; UBND tỉnh cấp 07 giấy phép).

+ Khoáng chất công nghiệp (đá vôi trắng, caolanh - fenspat, barite): 16 giấy phép (Bộ TN&MT cấp 04 giấy phép; UBND tỉnh cấp 12 giấy phép).

+ Khoáng sản làm vật liệu xây dựng: 64 Giấy phép (đá vôi, sét làm nguyên liệu xi măng: 03 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; đá, cát, sỏi, sét gạch ngói: 61 giấy phép do UBND tỉnh cấp).

f) Công tác thanh, kiểm tra hoạt động khoáng sản

- Công tác kiểm tra, thanh tra các đơn vị hoạt động khoáng sản:

Từ năm 2011 đến năm 2017, qua kiểm tra đã yêu cầu 57 doanh nghiệp khắc phục các vi phạm trong hoạt động khoáng sản trong thời gian 90 ngày; thu hồi 06 giấy phép khai thác, trả lại 02 giấy phép khai thác; đóng cửa mỏ 70 giấy phép; dừng thực hiện 20 dự án; xử phạt vi phạm hành chính 2,7 tỷ đồng.

- Công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động khoáng sản trái phép:

Từ năm 2011 đến năm 2017, các ngành, các cấp của tỉnh đã tổ chức 1.009 đợt kiểm tra, giải tỏa, hoạt động khoáng sản trái phép. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý 370 vụ vi phạm khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép, với số tiền xử phạt là 15,06 tỷ đồng; tiến hành tịch thu 8.565 tấn quặng (chì, kẽm; vonfram, thiếc, antimon, barit), 1.600 m3 cát, sỏi và nhiều phương tiện dùng để khai thác khoáng sản trái phép.

Đến nay, về cơ bản tình trạng hoạt động khoáng sản trái phép đã được ngăn chặn, các hầm lò khai thác trái phép trước đây đã được san lấp; các vụ việc vi phạm đã được xử lý theo quy định của pháp luật.

g) Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh tại thời điểm lập Phương án

Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được thực hiện theo quy định của pháp luật và các Quyết định của UBND tỉnh: Quyết định số 1446/QĐ-CT ngày 20/11/2012 về việc thành lập Ban chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1077/QĐ-UBND ngày 01/9/2015 về việc kiện toàn ban chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1078/QĐ-UBND ngày 01/9/2015 về việc thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra hoạt động khoáng sản khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quyết định số 1181/QĐ-UBND ngày 14/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Ban chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1242/QĐ-UBND ngày 28/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc kiện toàn Tổ công tác liên ngành kiểm tra hoạt động khoáng sản khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang... Theo đó, các cơ quan liên quan, UBND cấp huyện, cấp xã đã thường xuyên tổ chức các đợt truy quét, chấn chỉnh kịp thời các tụ điểm khai thác khoáng sản trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

1.2. Về tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

a) Về tồn tại, hạn chế

(1) Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nhỏ lẻ còn diễn ra tại một số nơi trên địa bàn như: Khai thác quặng sắt tại huyện Yên Sơn, Hàm Yên; quặng chì - kẽm huyện Yên Sơn; quặng thiếc huyện Sơn Dương; quặng ăntinmon, vàng gốc huyện Chiêm Hóa, Na Hang; cát, sỏi trên sông Lô, sông Gâm,… làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, sạt lở đất ven sông, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương.

(2) Nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân vẫn còn hạn chế.

b) Nguyên nhân

- Nguyên nhân khách quan:

(1) Pháp luật về khoáng sản nói chung và pháp luật khác có liên quan đến hoạt động khoáng sản như đất đai, môi trường, đầu tư, kinh doanh, xây dựng, thuế ... vẫn còn nhiều bất cập, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung gây khó khăn cho công việc tổ chức thực hiện. Chưa điều chỉnh hành vi tàng trữ, buôn bán, vận chuyển khoáng sản sản trái phép trong quy định xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

(2) Kinh phí phục vụ cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chưa được xác định cụ thể.

(3) Một số loại khoáng sản có giá trị phân bố rải rác và chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn do địa hình chia cắt. Một số loại khoáng sản nằm lộ thiên, phân bố không tập trung, hình thức khai thác không đòi hỏi máy móc thiết bị phức tạp và lao động trình độ cao, vì vậy rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản.

(4) Một bộ phận dân cư ở vùng sâu, vùng xa đời sống còn nhiều khó khăn nên thường đào đãi khoáng sản để có thêm thu nhập; ở một số vùng sông nước dân cư sống bằng nghề khai thác cát, sỏi qua nhiều thế hệ, lấy khai thác cát, sỏi làm nghề sinh sống hàng ngày. Vì vậy, để xử lý dứt điểm việc khai thác khoáng sản trái phép là một vấn đề đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

- Nguyên nhân chủ quan:

(1) Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản chủ yếu tập trung vào đối tượng là cán bộ quản lý, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản, chưa tổ chức tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục đến mọi người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có khoáng sản.

(2) Công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép đã được tăng cường, nhưng việc xử lý sau kiểm tra chưa triệt để. Công tác phối hợp giữa các cơ quan cấp tỉnh với UBND cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn (viết tắt là UBND cấp xã) trong công tác kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn hạn chế.

(3) Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương (cấp huyện, cấp xã) chưa thật sự quan tâm tới công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa cấp phép, còn có hiện tượng né tránh trong việc xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (thực tiễn cho thấy, địa phương nào cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện quyết liệt, thì ở đó không có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép).

(4) Một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật hoặc lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, lợi dụng việc cơ quan nhà nước cho phép cải tạo, san ủi đất để khai thác khoáng sản trái phép.

(5) Công tác phối hợp, trao đổi thông tin liên quan đến công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép giữa các địa phương giáp ranh còn hạn chế.

II. Thống kê số lượng, diện tích, tọa độ các khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản đang hoạt động của tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép trên địa bàn tỉnh; các khu vực đã kết thúc khai thác, đóng cửa mỏ để bảo vệ; khu vực đã và đang được điều tra, đánh giá; khu vực dự trữ khoáng sản; khu vực cấm hoạt động khoáng sản; khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ

2.1. Các khu vực thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản

Bao gồm 25 khu vực thăm dò, phê duyệt trữ lượng nhưng chưa cấp phép khai thác gồm các loại khoáng sản: vonfram, chì-kẽm, thiếc, antimon, caolanh-fenspat, đá hoa, vật liệu xây dựng thông thường (đá vôi, cát sỏi, đất sét). Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép và Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia phê duyệt 09 mỏ; Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép, phê duyệt 16 mỏ.

(Chi tiết tại Phụ lục số 01)

2.2. Các khu vực khai thác khoáng sản

Bao gồm khu vực khai thác khoáng sản còn thời hạn và khu vực khai thác khoáng sản đã hết thời hạn (khu vực đang xin gia hạn thời gian khai thác và khu vực chưa thực hiện đóng cửa mỏ):

- Khu vực khai thác khoáng sản còn thời hạn có 97 mỏ, bao gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 14 giấy phép, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp 83 giấy phép.

- Khu vực khoáng sản đã hết thời hạn khai thác 46 mỏ, bao gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép 01 mỏ, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép 45 mỏ.

(Chi tiết tại Phụ lục số 02)

2.3. Các khu vực khai thác đã kết thúc, đóng cửa mỏ để bảo vệ; các bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ

Gồm 35 khu vực đóng cửa mỏ khoáng sản, bao gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định 01 mỏ, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định 34 mỏ.

(Chi tiết tại Phụ lục số 03)

2.4. Các khu vực có khoáng sản đã và đang được điều tra, đánh giá

Khu vực thuộc danh mục Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 13/8/2013, gồm:

- Đánh giá tiềm năng quặng chì-kẽm vùng Trung Sơn, Trung Minh, huyện Yên Sơn.

- Đánh giá tổng thể thiếc – vonfram các tỉnh Đông Bắc (tỉnh Tuyên Quang là khu vực quặng thiếc huyện Sơn Dương và xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn; khu vực quặng vonfram xã Thiện Kế, Ninh Lai, huyện Sơn Dương),

- Đánh giá tổng thể tiềm năng đá hoa trắng miền Bắc Việt Nam (tỉnh Tuyên Quang là khu vực thuộc xã Yên Phú, Minh Khương, Bạch Xa, huyện Hàm Yên; xã Kim Quan, Hùng Lợi, huyện Yên Sơn; xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương).

2.5. Khu vực thuộc quy hoạch Trung ương

Bao gồm 66 khu vực, cụ thể:

- Hai mươi hai (22) khu vực khoáng sản đã được phê duyệt trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản của Trung ương.

- Bốn mươi bốn (44) khu vực khoáng sản thuộc quy hoạch địa phương cũ (Quyết định số 24/2008/QĐ-UBND ngày 22/12/2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, có xét đến năm 2020) nay chuyển về quy hoạch Trung ương theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 (Quyết định số 514/QĐ-UBND ngày 31/12/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt báo cáo điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang có xét đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030).

(Chi tiết tại Phụ lục số 04)

2.6. Khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ

Bao gồm 19 khu vực, cụ thể:

- Một (01) khu vực đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định, công bố.

- Mười tám (18) khu vực đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục khoanh định, công bố.

(Chi tiết tại Phụ lục số 05)

2.7. Khu vực dự trữ khoáng sản

Bao gồm 34 khu vực: nguyên liệu xi măng (đá vôi, sét), khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá vôi, đất sét).

(Chi tiết tại Phụ lục số 06)

2.8. Khu vực cấm, tạm thời cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản

- Khu vực cấm, tạm thời cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản như đã nêu trong Quy hoạch khoáng sản năm 2008 (Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND ngày 17/4/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh); bao gồm: 18 khu vực cấm và 12 khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản. Khu vực cấm và hạn chế khai thác cát, sỏi lòng sông theo Quyết định số 481/QĐ-UBND ngày 23/11/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng cát, sỏi xây dựng đến năm 2015 của tỉnh Tuyên Quang.

- Bốn mươi bốn (44) khu vực không cấp phép hoạt động khoáng sản cát sỏi lòng sông; với lý do: bờ sông bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở, các đoạn sông có các công trình, dự án, bến đò ngang sông, trạm bơm điện dọc sông Lô, hành lang bảo vệ cầu – kè, khu vực bảo vệ di tích lịch sử trên sông…

- Bốn mươi bảy (47) khu vực không cấp phép hoạt động khoáng sản đá vôi ven trục đường quốc lộ, tỉnh lộ.

(Chi tiết tại Phụ lục số 07)

2.9. Các khu vực có tiềm năng, triển vọng về khoáng sản

Ngoài danh mục các khu vực khoáng sản nêu trên, các khu vực còn lại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được nhà nước thực hiện công tác điều tra, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 thuộc các nhóm tờ: Sơn Dương – Văn Lãng (1975), Đại Thị - Phia Khao (1982), Chiêm Hóa (1987), Đoan Hùng – Yên Bình (1997), Na Hang – Ba Bể (1992), Đại Từ - Thiện Kế (1985), Bắc Quang – Vĩnh Tuy (1994), Chợ Chu (2001), Thanh Ba (2000), Phúc Hạ (2003)… theo đó đã khoanh định được một số khu vực có tiềm năng, triển vọng về khoáng sản, đáp ứng điều kiện cần thiết để thực hiện công tác đánh giá tiềm năng và thực hiện công tác thăm dò khoáng sản, làm cơ sở để lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản và các khu vực khoáng sản chưa được điều tra, đánh giá, phát hiện. Theo quy định của pháp luật khoáng sản hiện hành, đối tượng khoáng sản này thuộc danh mục cần thực hiện công tác quản lý, bảo vệ.

III. Cập nhật thông tin Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh; thông tin về Quy hoạch khoáng sản chung của cả nước đã được phê duyệt tính đến thời điểm lập phương án

3.1. Thông tin về Quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh

a) Các Quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt

(1) Quyết định số 24/2008/QĐ-UBND ngày 22/12/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, có xét đến năm 2020.

(2) Quyết định số 13/2009/QĐ-UBND ngày 15/9/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020 của tỉnh Tuyên Quang.

Quyết định số 12/2011/QĐ-UBND ngày 06/8/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 13/2009/QĐ-UBND ngày 15/9/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020 của tỉnh Tuyên Quang.

(3) Quyết định số 481/2011/QĐ-UBND ngày 23/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng cát, sỏi xây dựng đến năm 2015 của tỉnh Tuyên Quang.

b) Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch khoáng sản

Báo cáo điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang có xét đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 26/7/2017, UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 514/QĐ-UBND ngày 31/12/2017.

3.2. Thông tin về quy hoạch khoáng sản cả nước

(1) Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

(2) Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

(3) Quặng sắt: Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 05/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

(4) Quặng mangan: Quyết định số 33/2007/QĐ-BCN ngày 26/7/2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng cromit, mangan giai đoạn 2007 – 2015, định hướng đến năm 2025.

Quyết định số 4346/QĐ-BCT ngày 17/8/2010 của Bộ Công Thương về việc bổ sung Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng cromit, mangan giai đoạn 2007 – 2015, định hướng đến năm 2025.

(5) Quặng chì-kẽm: Quyết định số 1997/QĐ-TTg ngày 13/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì – kẽm đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

(6) Quặng thiếc, vonfram và antimon: Quyết định số 05/2008/QĐ-BCT ngày 04/3/2008 của Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng thiếc, vonfram và antimon giai đoạn 2007 – 2015, định hướng đến năm 2025.

(7) Nhóm khoáng chất nguyên liệu (đá vôi trắng (đá hoa), fenspat, caolanh và magnezit): Quyết định số 47/2008/QĐ-BCT ngày 17/12/2008 của Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng (đá hoa), fenspat, caolanh và magnezit đến năm 2015, có xét đến năm 2025.

Quyết định số 3550/QĐ-BCT ngày 05/7/2010, Quyết định số 3238/QĐ-BCT ngày 20/5/2013 và Quyết định số 3584/QĐ-BCT ngày 03/6/2013 của Bộ Công Thương về việc bổ sung Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng (đá hoa), fenspat, caolanh và magnezit đến năm 2015, có xét đến năm 2025.

(8) Nhóm khoáng chất công nghiệp (secpentin, barit, graphit, fluorit, bentonit, diatomit và talc): Quyết định số 41/2008/QĐ-BCT ngày 17/11/2008 của Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất công nghiệp (secpentin, barit, graphit, fluorit, bentonit, diatomit và talc) đến năm 2015, có xét đến năm 2025.

(9) Khoáng sản làm xi măng: Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng đến năm 2020.

Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 09/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng đến năm 2020.

IV. Trách nhiệm của các cơ quan cấp tỉnh trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh

4.1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Tham mưu UBND tỉnh tổ chức, chỉ đạo có hiệu quả công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh theo Phương án này; tham mưu cụ thể hoá văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo đôn đốc và xử lý vi phạm trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

b) Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan cấp tỉnh có liên quan, UBND cấp huyện phối hợp với lực lượng Công an và Quân đội để ngăn chặn, giải toả hoạt động khai thác khoáng sản trái phép xẩy ra trên địa bàn. Phối hợp kịp thời với các cơ quan liên quan để xử lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, sau khi tiếp nhận thông tin từ cơ quan báo chí, các tổ chức và cá nhân phản ánh, kiến nghị.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu UBND tỉnh ký quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản vùng giáp ranh giữa tỉnh Tuyên Quang với tỉnh Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái (đối với khu vực có khoáng sản), làm cơ sở để phối hợp trong công tác tiếp nhận thông tin, kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý khoáng sản.

d) Đôn đốc, chỉ đạo và kiểm tra UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc địa bàn quản lý.

đ) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản tại khu vực mỏ được cấp phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nếu tái phạm tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép.

e) Tổng kết, đánh giá công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và lập báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước theo quy định.

4.2. Sở Công Thương

a) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; đấu tranh phòng chống gian lận thương mại trong lĩnh vực khoáng sản.

b) Kịp thời thông tin về việc khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình hệ thống dẫn điện và xăng dầu, được khoanh định vào khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản.

c) Chủ động phối hợp với địa phương hoặc khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

4.3. Sở Xây dựng

a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung quy hoạch khoáng sản đối với các khu vực có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường làm nguyên liệu phục vụ cho việc xây dựng, san lấp công trình hạ tầng kĩ thuật, các dự án, công trình dân sinh.

b) Tham mưu UBND tỉnh thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

c) Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương hoặc khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

4.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chỉ đạo giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan trực thuộc sở (đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm, Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các chủ rừng, các Ban quản lý công trình thuỷ lợi, thuỷ sản, chủ dự án) thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong khu vực được giao quản lý. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng diện tích rừng và đất được giao quản lý, sử dụng để khai thác khoáng sản trái phép.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng đến rừng và đất sản xuất nông lâm nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, hành lang tiêu thoát lũ trên các tuyến sông theo quy định của pháp luật.

c) Chủ động phối hợp với địa phương hoặc khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

4.5. Sở Giao thông vận tải

a) Phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

b) Phối hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đối với các khu vực thuộc phạm vi bảo vệ công trình giao thông theo quy định.

4.6. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đối với các khu vực đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc thuộc danh mục kiểm kê, đất tại các khu, điểm du lịch, được khoanh định vào khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản.

4.7. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chỉ đạo các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Kịp thời thông tin về việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong các khu đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình thông tin liên lạc, được khoanh định vào khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản.

4.8. Công an tỉnh

a) Tổ chức phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản theo chức năng và nhiệm vụ của ngành; chỉ đạo công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền các cấp, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh, tàng trữ và vận chuyển khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường.

b) Thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đối với các khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích an ninh hoặc hoạt động khoáng sản có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ an ninh, được khoanh định vào khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản.

4.9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

a) Chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan thực hiện tốt công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép trong khu vực quản lý.

b) Thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đối với các khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng hoặc hoạt động khoáng sản có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, được khoanh định vào khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản.

c) Phối hợp bố trí lực lượng để giải toả, xử lý các điểm nóng về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh khi có chỉ đạo của UBND tỉnh.

4.10. Cục thuế tỉnh

Tăng cường công tác quản lý thu thuế, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Tham mưu UBND tỉnh xử lý về thuế đối với hành vi khai thác, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép theo quy định của pháp luật.

4.11. Các cơ quan cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý khoáng sản chưa khai thác và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của ngành.

V. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (viết tắt là UBND cấp huyện), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (viết tắt là UBND cấp xã) trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân là người đứng đầu chính quyền huyện, xã để xảy ra khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không giải tỏa dứt điểm, để tái diễn, kéo dài; trách nhiệm của Trưởng thôn, khu phố, bản (viết tắt là Trưởng thôn) trong việc thông tin kịp thời cho chính quyền xã, huyện khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn

5.1. UBND cấp huyện, cấp xã

- Có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện đúng các quy định tại: Khoản 2, Khoản 3 Điều 18 Luật Khoáng sản; Khoản 2, Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 19/11/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

- UBND cấp huyện, cấp xã nếu để xảy ra việc khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật, để tái diễn, kéo dài; gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương thì phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho hoạt động khoáng sản trái phép thì phải xử lý, kỷ luật.

5.2. Chủ tịch UBND cấp huyện

Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài theo quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 19/11/2016 của Chính phủ.

5.3. Chủ tịch UBND cấp xã

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.

5.4. Trách nhiệm của Trưởng thôn

Khi phát hiện hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn thì trưởng thôn có trách nhiệm thông tin kịp thời cho chính quyền cấp xã để có biện pháp xử lý.

VI. Trách nhiệm phối hợp giữa các Sở, ngành có liên quan; các cấp chính quyền huyện, xã trong việc cung cấp, xử lý thông tin và giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; trách nhiệm của cơ quan, người tiếp nhận thông tin, cơ chế xử lý thông tin được tiếp nhận

6.1. Các Sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin và phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương bảo vệ khoáng sản chưa được cấp phép khai thác.

6.2. UBND cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời đến UBND cấp huyện khi phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giải tỏa các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

6.3. UBND cấp huyện có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời đến UBND tỉnh khi phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vượt thẩm quyền xử lý và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giải tỏa các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

6.4. UBND các huyện giáp ranh có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; đồng thời thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các khu vực giáp ranh giữa tỉnh Tuyên Quang với tỉnh lân cận đã được UBND tỉnh phê duyệt Quy chế. Báo cáo UBND tỉnh trường hợp chính quyền địa phương giáp ranh không quan tâm phối hợp hoặc phối hợp không chặt chẽ, thường xuyên trong công tác bảo vệ khoáng sản.

6.5. Trách nhiệm của cơ quan, người tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân, cơ chế xử lý thông tin được tiếp nhận:

a) Thiết lập số điện thoại (đường dây nóng), số FAX, hộp thư điện tử của cơ quan, công bố công khai để tiếp nhận ý kiến phản ánh của tổ chức, cá nhân về các trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý khoáng sản trên địa bàn. Đường dây nóng phải đảm bảo được duy trì 24/24 giờ và tiếp nhận đầy đủ các ý kiến phản ánh của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và sau khi tiếp nhận, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định; cơ quan tiếp nhận phản ánh không được từ chối tiếp nhận phản ánh, kể cả không thuộc thẩm quyền giải quyết, trừ trường hợp không thuộc địa bàn quản lý; 100% phản ánh phải được tiếp nhận và xử lý kịp thời, đúng pháp luật.

b) Khi tiếp nhận thông tin, đối với vụ việc phức tạp phải xác định, làm rõ chứng cứ hành vi vi phạm, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Công an tỉnh, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện kịp thời tổ chức lực lượng để kiểm tra, xác minh, xử lý theo quy định.

VII. Kế hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện; kinh phí thực hiện

7.1. Kế hoạch và các giải pháp thực hiện

a) UBND cấp huyện, cấp xã:

- Căn cứ Quy chế phối hợp với các địa phương có địa bàn giáp ranh và Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND cấp huyện, cấp xã chủ động lập kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác hàng năm và tổ chức thực hiện kiểm tra, giải tỏa, ngăn chặn, xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý; báo cáo UBND cấp trên các trường hợp vượt thẩm quyền để xử lý theo quy định.

- Đối với các trường hợp phức tạp, nằm ngoài tầm kiểm soát, đã tổ chức lực lượng và có các biện pháp xử lý nhưng vẫn không thể giải quyết phải kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên. Các trường hợp khẩn cấp có thể thông báo qua điện thoại, sau đó phải có văn bản báo cáo cụ thể.

b) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Hàng năm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của tỉnh đối với các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn theo Phương án đã được phê duyệt.

- Tham mưu UBND tỉnh tổng kết, đánh giá công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.

7.2. Chế độ báo cáo

a) UBND cấp xã định kỳ 6 tháng báo cáo tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương cho Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

b) UBND cấp huyện, trước ngày 15 tháng 12 hàng năm báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) về tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

c) Sở Tài nguyên và Môi trường, trước ngày 15 tháng 2 hàng năm tổng hợp báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản cho UBND tỉnh để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 7 và điểm c Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

d) Ngoài chế độ báo cáo định kỳ nêu trên, khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản hoặc do nhiệm vụ đột xuất, các cơ quan liên quan phải báo cáo kịp thời công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cho cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền.

7.3. Kinh phí thực hiện

Trước ngày 15 tháng 8 hàng năm (cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước), các cơ quan, gồm:

a) UBND cấp huyện, cấp xã:

Cơ quan tài nguyên môi trường cấp huyện có trách nhiệm lập dự toán kinh phí chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định, trình UBND cấp huyện phê duyệt; đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp.

b) Sở Tài nguyên và Môi trường:

Lập dự toán chi nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

c) Sở Tài chính:

Trên cơ sở dự toán chi nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường lập, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách và dự toán thu từ nguồn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm kế hoạch được hưởng theo phân cấp; tổ chức thẩm định phương án phân bổ chi ngân sách trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định.

VIII. Tổ chức Thực hiện

8.1. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản thực hiện nghiêm túc Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

8.2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan và UBND cấp huyện kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 77/QĐ-UBND năm 2018 về Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

  • Số hiệu: 77/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/03/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Đình Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/03/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản