Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 758/2004/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 24 tháng 05 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VIỆC CHUYỂN ĐỔI, THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ CÔNG TY CỔ PHẦN

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Căn cứ Luật Công đoàn 1990, Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa IX
Căn cứ Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước sửa đổi 2003, các văn bản pháp quy của Nhà nước về cổ phần hoá và đa dạng hoá sở hữu doanh nghiệp Nhà nước.
Theo đề nghị của Ban Tổ chức TLĐ.

QUYẾT ĐỊNH: 

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về việc chuyển đổi, thành lập và hoạt động của Công đoàn cơ sở công ty cổ phần.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Điều 3: Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, các Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc TLĐ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.

 

 

TM.ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐVN
PHÓ CHỦ TỊCH



 
Nguyễn Đình Thắng

QUY ĐỊNH TẠM

VỀ VIỆC CHUYỂN ĐỔI, THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ CÔNG TY CỔ PHẦN
(Ban hành theo Quyết định số 785/2004/QĐ-TLĐ ngày 24 tháng 5 năm 2004)

 

I - ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG:

1. Quy định này được áp dụng đối với các Công đoàn cơ sở DNNN thực hiện cổ phần bao gồm:

a) Công ty cổ phần Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

b) Công ty cổ phần Nhà nước không nắm cổ phần chi phối hoặc không có cổ phần.

c) CĐCSDNNN thực hiện “Giao bán, khoán kinh doanh, cho thuê DNNN” mà đăng ký hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

2. Các Công đoàn công ty cổ phần đã được thành lập thuộc các thành phần kinh tế cúng áp dụng nội dung bản quy định này.

II - CHUYỂN ĐỔI CÔNG CƠ SỞ DNNN SANG CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ CÔNG TY CỔ PHẦN VÀ THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ CÔNG TY CỔ PHẦN.

1. Chuyển đổi CĐCS DNNN sang CĐCS công ty cổ phần:

1.1 Những DNNN thực hiện cổ phần hoá hoặc thực hiện đa dạng hoá sở hữu khi chuyển sang Công ty cổ phần hoặc hoạt động theo Công ty cổ phần Nhà nước nắm cổ phần chi phối, thì BCH CĐ doanh nghiệp làm thủ tục báo cáo và đề nghị lên Công đoàn cấp trên trực tiếp quản lý ra quyết định chuyển đổi tên thành Công đoàn Công ty Cổ phần và tiếp tục chỉ đạo hoạt động theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

1.2 Công đoàn cơ sở ở những DNNN thuộc Bộ, Tổng công ty do Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng công ty quản lý chỉ đạo khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá hoặc đa dạng hoá hình thức sở hữu mà hoạt đọng theo mô hình công ty cổ phần nhưng Nhà nước không có cổ phần, hoặc không nắm cổ phần chi phối thì Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng công ty làm thủ tục chuyển đổi tên thành Công đoàn Công ty cổ phần và bàn giao cho LĐLĐ tỉnh, thành phố quản lý chỉ đạo; nếu Công đoàn Công ty cổ phần đề nghị được trực thuộc Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng công ty phải được LĐLĐ địa phương đồng ý.

1.3 Công đoàn cơ sở ở những DNNN do UBND tỉnh, thành phố thành lập khi doanh nghiệp cổ phần hoá hoặc đa dạng hoá sở hữu thì LĐLĐ địa phương ra quyết định chuyển đổi tên thành Công đoàn Công ty cổ phần hoặc các hình thức tương ứng để quản lý, chỉ đạo hoạt động theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

2. Thành lập mới Công đoàn Công ty cổ phần:

Công ty cổ phần khi được cấp giấy phép kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp thì Công đoàn ngành TW, LĐLĐ tỉnh, thành phố,…chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày doanh nghiệp bắt đầu hoạt động ra quyết định thành lập Công đoàn công ty cổ phần, chỉ định chủ tịch và BCH lâm thời theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và hướng dẫn của TLĐ.

III - NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA CĐCS DNNN KHI CỔ PHẦN HOÁ HOẶC CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU:

1. Nội dung hoạt động của Công đoàn cơ sở DNNN trong quá trình cổ phần hoá:

Thực hiện theo Văn bản số 2035/TLĐ ngày 9/12/2002 của Đoàn Chủ tịch TLĐ về “Nhiệm vụ của Công đoàn trong và sau khi chuyển DNNN thành Công ty cổ phần” theo Nghị định và các văn bản pháp quy của Chính phủ.

2. Nội dung hoạt động của Công đoàn công ty cổ phần Nhà nước nắm cổ phần chi phối:

Hoạt động của tổ chức Công đoàn trong công ty cổ phần Nhà nước nắm cổ phần chi phối, thực hiện theo quy định tại Điều 18, Điều lệ CĐVN; Luật Công đoàn và Luật DNNN (sửa đổi), ngoài ra cần tập trung thực hiện tốt các việc sau:

2.1 Ban chấp hành công ty cổ phần thoả thuận với người sử dụng lao động những nội dung hoạt động cơ bản theo chức năng của tổ chức công đoàn đã được quy định tại Luật Công đoàn, Bộ luật lao động và đề nghị ghi vào trong điều lệ công ty cổ phần đại hội cổ đông thông qua.

2.2 Thực hiện quyền dân chủ của CNLĐ, BCH Công đoàn Công ty cổ phần thoả thuận với người sử dụng lao động, ngoài việc tổ chức đại hội cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì hàng năm tổ chức Hội nghị toàn thể hoặc Hội nghị đại biểu CNLĐ để người lao động được tham gia và quyết định các nội dung:

a) Được quyền tham gia các biện pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức phong trào thi đua, thực hiện các chế độ chính sách, các biện pháp bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và đời sống của CNLĐ.

- Về những vấn đề sửa đổi, bổ sung các quy chế quản lý công ty cổ phần có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của CNLĐ như: Quy chế về trả lương, khen thưởng, kỷ luật lao động, về sử dụng các quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng (nếu có);

- Xây dựng mới hoặc sửa đổi bổ sung nội dung thoả ước lao động tập thể.

b) Được quyền quyết định:

- Giới thiệu người đại diện Công đoàn có năng lực tham gia Ban kiểm soát công ty cổ phần.

- Bầu Ban thanh tra nhân dân.

3. Nội dung hoạt động của CĐ công ty cổ phần Nhà nước không nắm cổ phần chi phối và không có cổ phần.

Thực nhiện theo quy định tại Điều 18 Điều lệ CĐVN ban chấp hành Công đoàn công ty cổ phần cần thoả thuận với người sử dụng lao động, về những vấn đề liên quan đến hoạt động công đoàn để đại hội cổ đông thông qua, đảm bảo hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Đối với Công ty cổ phần số lượng lao động chiếm1/3 tổng số lao động không phải là cổ đông thì CĐCS tổ chức hội nghị CNLĐ hàng năm để:

CNLĐ tham gia vào các nội dung mà BCH Công đoàn Công ty cổ phần đại diện CNLĐ xây dựng và ký thoả ước lao động tập thể với người sử dụng lao động.

IV – KIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA CĐCS CÔNG TY CỔ PHẦN:

1. Thời gian hoạt động Công đoàn

Thời gian hoạt động của cán bộ Công đoàn công ty cổ phần không chuyên trách thực hiện theo luật Công đoàn, Bộ luật lao động, các Nghị định của Chính phủ và các quy định hướng dẫn của TLĐ.

Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần không chuyên trách được sử dụng một số thời gian trong giờ làm việc để làm công tác công đoàn và được người sử dụng trả lương. Số thời gian này theo quy mô của công ty cổ phần và theo sự thoả thuận của người sử dụng lao động và BCH Công đoàn Công ty cổ phần nhưng ít nhất không được dưới 3 ngày làm việc trong một tháng.

Đối với Công cổ phần có quy mô lớn, số lượng đoàn viên công đoàn đông (có trên 500 đoàn viên) việc bố trí cán bộ chuyên trách công đoàn vận dụng theo Quy định số 395/TLĐ ngày 6 tháng 3 năm 2002.

2. Tài chính công đoàn:

Thực hiện thu ,chi, quản lý tài chính công đoàn công ty cổ phần theo quy định của Nhà nước và TLĐ.

V - NHIỆM VỤ CỦA CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN CƠ SỞ:

LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành TW, CĐ Tổng Công ty trực thuộc TLĐ hoặc Công đoàn cấp trên cơ sở được phân cấp quản lý, phân công cán bộ trong Ban thường vụ để chỉ đạo công tác chuyển đổi, thành lập mới Công đoàn Công ty cổ phần, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động của Công đoàn công ty cổ phần phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.

Bản quy định này thay thế Văn bản số 105/TLĐ ngày 25/01/2000 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có trách nhiệm tổ chức triển khai quy định này, trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, tồn tại phản ánh về Tổng Liên đoàn để nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 758/2004/QĐ-TLĐ quy định tạm thời việc chuyển đổi, thành lập và hoạt động của công đoàn cơ sở công ty cổ phần do Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 758/2004/QĐ-TLĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/05/2004
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Đình Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/05/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản