Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 262/TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 5 năm 1995

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG CHUẨN BỊ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Ngày 20 tháng 4 năm 1995, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá IX đã thông qua Luật doanh nghiệp nhà nước. Để kịp tổ chức thực hiện khi Luật doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực thi hành, Thủ tướng Chính phủ giao cho các cơ quan liên quan khẩn trương chuẩn bị dự thảo các văn bản pháp quy với các nội dung sau:

I. UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC CHỦ TRÌ:

1) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan Nhà nước khác có liên quan chuẩn bị dự thảo hướng dẫn việc thi hành Luật doanh nghiệp nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích trong một số lĩnh vực đặc biệt quan trọng và trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 5 năm 1995;

2) Nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn phân loại doanh nghiêp hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp hoạt động công ích, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 1995. Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có doanh nghiệp nhà nước, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành phân loại và lập danh mục doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động công ích, trình Chính phủ vào cuối quý 3 năm 1995;

3) Phối hợp với các cơ quan liên quan để dự thảo Quy chế về thủ tục và trình tự thành lập, đăng ký kinh doanh, tổ chức lại, giải thể, mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và ngoài nước đối với doanh nghiệp nhà nước (gồm cả tổng công ty nhà nước), trên cơ sở rà soát, bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế các văn bản hiện hành, như Nghị định số 388/ HĐBT, Quyết định số 315/HĐBT, 330/HĐBT và Nghị định số 40/CP, ngày 19 tháng 5 năm 1994 của Chính phủ, ban hành Quy chế đặt văn phòng đại diện doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài cho phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 5 năm 1995.

Lưu ý hướng dẫn cụ thể việc thành lập, tổ chức, quy chế hoạt động của các hội đồng thẩm định; quy định những nội dung cơ bản cần phải thẩm định khi thành lập, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp nhà nước. Quy định quyền, nghĩa vụ, thủ tục khi doanh nghiệp bổ sung ngành nghề kinh doanh ngoài những ngành nghề kinh doanh chính Nhà nước đã giao cho doanh nghiệp;

4) Xây dựng các chỉ tiêu, tiêu thức cơ bản làm căn cứ để phối hợp với các cơ quan liên quan lập danh mục các doanh nghiệp có quy mô lớn phải thành lập hội đồng quản trị, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 5 năm 1995;

5) Phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự thảo quy chế về tổ chức, hoạt động của Hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc. Quy định chế độ lương, thưởng, phụ cấp kiêm nhiệm và các chế độ khác đối với các thành viên Hội đồng quản trị, tổng giám đốc và các chức danh khác trong bộ máy giúp việc, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 5 năm 1995;

6) Dự thảo Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của các tổng công ty nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 5 năm 1995;

7) Phối hợp với các cơ quan liên quan, lập danh mục những ngành, lĩnh vực quan trọng được Nhà nước ưu tiên thành lập doanh nghiệp mới; Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối quý 3 năm 1995.

II. BỘ TÀI CHÍNH CHỦ TRÌ:

1) Phối hợp với Bộ Tư pháp, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước dự thảo quy định mức vốn pháp định để thành lập mới doanh nghiệp nhà nước phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 5 năm 1995;

2) Phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của tổ chức giám sát tại các doanh nghiệp không tổ chức Hội đồng quản trị, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 5 năm 1995;

3) Hướng dẫn về việc doanh nghiệp được quyền chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp; xây dựng các chỉ tiêu hoặc tiêu thức cơ bản làm căn cứ xác định thiết bị, nhà xưởng quan trọng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì doanh nghiệp mới được chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, cầm cố, trình Thủ tướng Chính phủ trước 20 tháng 5 năm 1995;

4) Hướng dẫn về quyền, nghĩa vụ quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước; chế độ quản lý nhà nước đối với các hoạt động tài chính tại các doanh nghiệp; chế độ giao vốn, sử dụng vốn, sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn, huy động vốn, phát hành trái phiếu và cổ phiếu; chế độ đánh giá lại tài sản cố định, chế độ trích lập và sử dụng quỹ khấu hao cơ bản, quỹ khuyến khích phát triển sản xuất và các quỹ khác; cơ chế phân phối lợi nhuận sau thuế; rà soát để bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế các quy định hiện hành về kế toán, hạch toán, kiểm toán, quyết toán, công khai tài chính; quy định chế độ tài chính, kế toán, hạch toán đối với các doanh nghiệp hoạt động động công ích; chế độ thu và sử dụng các loại phí đối với các doanh nghiệp hoạt động có thu phí; chế độ tài chính và kế toán, hình thức hạch toán trong các tổng công ty; chế độ chịu trách nhiệm kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước trong phạm vi số vốn do doanh nghiệp doanh nghiệp quản lý; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tài chính đối với việc quản lý vốn, tài sản của Nhà nước trong các doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ trước 30 tháng 5 năm 1995.

III. BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ CHỦ TRÌ, PHỐI HỢP VỚI CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN XÂY DỰNG DANH MỤC SẢN PHẨM, DỊCH VỤ NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ HOẶC KIỂM SOÁT GIÁ; RÀ SOÁT ĐỂ BỔ SUNG, SỬA ĐỔI CÁC QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ TRỢ GIÁ ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP KINH DOANH SẢN PHẨM, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC QUY ĐỊNH HOẶC KIỂM SOÁT GIÁ ĐỂ BÙ ĐẮP CHI PHÍ VÀ CÓ LÃI THÍCH HỢP CHO CÁC DOANH NGHIỆP NÀY, TRÌNH THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÀO CUỐI THÁNG 6 NĂM 1995.

IV. BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUY ĐỊNH VỀ TUYỂN CHỌN, THUÊ MƯỚN, BỐ TRÍ, SỬ DỤNG, ĐÀO TẠO LAO ĐỘNG; CHẾ ĐỘ TRẢ LƯƠNG, THƯỞNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG; ĐỊNH MỨC LAO ĐỘNG, ĐƠN GIÁ TIỀN LƯƠNG, LÀM CƠ SỞ ĐỂ DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN QUYỀN TỰ CHỦ TRONG LĨNH VỰC NÀY, TRÌNH THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRƯỚC NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 1995.

V. TỔNG CỤC THỐNG KÊ CHỦ TRÌ, PHỐI HỢP VỚI BỘ TÀI CHÍNH, UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NGHIÊN CỨU ĐỂ BỔ SUNG, SỬA ĐỔI CÁC QUY ĐỊNH VỀ BÁO CÁO THỐNG KÊ, CÁC CHẾ ĐỘ BÁO CÁO KHÁC THEO QUY ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC PHÙ HỢP VỚI LUẬT DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC, TRÌNH THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÀO CUỐI THÁNG 6 NĂM 1995.

VI. ĐỀ NGHỊ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM HƯỚNG DẪN VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI HỘI CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC.

Các cơ quan được giao nhiệm vụ trên đây, căn cứ vào các nội dung được phân công chuẩn bị để đề xuất hình thức pháp lý, số lượng các văn bản phải ban hành, trên tinh thần hạn chế tối đa hình thức thông tư hướng dẫn của các bộ và liên bộ.

Ngoài nhiệm vụ được giao trên đây, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo trung ương Đổi mới doanh nghiệp thẩm định tất cả các dự thảo văn bản trước khi trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Các vấn đề phải hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp nhà nước tương đối phức tạp, thời gian lại rất gấp; vì vậy các cơ quan được giao nhiệm vụ phải ưu tiên, tập trung lực lượng các chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài cơ quan để hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ như đã nói trên đây.

 

 

Trần Đức Lương

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 262/TTg năm 1995 về việc phân công chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 262/TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/05/1995
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trần Đức Lương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/05/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản