Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 732/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 10 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KHU RỪNG BẢO VỆ CẢNH QUAN TÂN TRÀO ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ; Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý rừng; Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Quyết định số 375/QĐ-CT ngày 26/4/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt chủ trương lập Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020;

Căn cứ Công văn số 1720/TCLN-BTTN ngày 06/11/2013 của Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp ý báo cáo Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng bền vững 03 khu rừng đặc dụng tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2226/TTr-SNN, ngày 09/12/2013 về đề nghị phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng bảo vệ cảnh quan Tân Trào đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu

- Quản lý bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên để nâng tỷ lệ độ che phủ của rừng từ 63,20% năm 2012 lên 68,0 % năm 2020; bảo tồn các hệ sinh thái, đa dạng sinh học trong đó đặc biệt là 21 loài động vật và 12 loài thực vật quý hiếm, đặc hữu; bảo tồn các di tích lịch sử, thắng cảnh tự nhiên thông qua các chương trình, dự án ưu tiên.

- Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, du lịch; nâng cao chất lượng nghiên cứu, giáo dục bảo tồn và giáo dục môi trường, trên cơ sở phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ bảo tồn, phục hồi rừng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các thôn vùng đệm, góp phần tạo nguồn thu phục vụ quản lý, bảo tồn, bảo vệ rừng và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Tân Trào.

- Bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng bảo vệ cảnh quan Tân Trào có sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng; tạo nguồn thu ổn định, bền vững thông qua các hoạt động dịch vụ, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đệm góp phần hạn chế các tác động xâm hại đến khu rừng đặc dụng.

2. Nội dung quy hoạch

2.1. Tổng diện tích: 3.892,70 ha, gồm 05 xã: Tân Trào, Trung Yên, Minh Thanh, Bình Yên, Lương Thiện, huyện Sơn Dương.

2.2. Quy hoạch các phân khu chức năng:

a) Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 942,38 ha bằng 24,21% diện tích khu rừng đặc dụng.

b) Phân khu phục hồi sinh thái: 2.763,47 ha, bằng 70,99% diện tích khu rừng đặc dụng.

c) Phân khu dịch vụ Hành chính: 186,86 ha bằng 4,80% diện tích khu rừng đặc dụng.

2.3. Quy hoạch phát triển vùng đệm:

a) Vùng đệm bên ngoài, diện tích: 13.769,86 ha, gồm toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch rừng phòng hộ, rừng sản xuất của các xã Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện, huyện Sơn Dương; xã Kim Quan, Công Đa, Hùng Lợi, huyện Yên Sơn.

b) Vùng đệm bên trong: gồm 3 thôn: Tân Lập, Mỏ Ché và Lúng Búng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.

2.4. Quy hoạch bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng:

a) Quản lý bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học

- Thực hiện quản lý, bảo vệ 3.892,70 ha rừng, trong đó tập trung bảo vệ Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, nơi tập trung đa dạng sinh học cao, nơi phân bố của nhiều loài động, thực vật đặc hữu.

- Ngăn chặn các hoạt động trái phép như săn bắt thú rừng, chăn thả gia súc, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép…; nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng bảo vệ rừng.

b) Phục hồi hệ sinh thái: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên 195,03 ha đất chưa có rừng.

c) Bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường: Bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên các điểm di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia; hệ sinh thái rừng nguyên sinh tại các xã Trung Yên, Tân Trào, Bình Yên; các điểm du lịch cộng đồng tại xã Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện; các cảnh quan thiên nhiên như Hồ Nà Lừa, thác Lũng Tẩu...

2.5. Quy hoạch phát triển dịch vụ, du lịch và giáo dục môi trường:

a) Quy hoạch phát triển dịch vụ, du lịch

- Xây dựng khu bảo vệ cảnh quan Tân Trào trở thành khu du lịch sinh thái, đáp ứng yêu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế; nâng cao thu nhập của người dân từ hoạt động du lịch, giảm thiểu tác động của cộng đồng tới tài nguyên rừng.

- Định hướng một số tuyến du lịch:

+ Tuyến 1: Trụ sở Ban quản lý - vườn sưu tập thực vật - đình Tân Trào - cây Đa Tân Trào - lán Nà Lừa - tham quan Rừng Tự nhiên - du lịch cộng đồng Thôn Tân Lập (xã Tân Trào).

+ Tuyến 2: Trụ sở Ban quản lý - lán Hang Bòng - lán Hang Thia - cụm di tích phủ Chủ tịch - phủ Thủ tướng - Bộ Công Thương (tại xã Bình Yên).

+ Tuyến 3: Trụ sở Ban quản lý - đình Hồng Thái - các điểm di tích Ban Thường trực Quốc Hội - điểm du lịch cộng đồng thôn Quan Hạ (xã Trung Yên) - các điểm di tích lịch sử thuộc xã Kim Quan - huyện Yên Sơn.

+ Tuyến 4: Trụ sở Ban quản lý - đình Hồng Thái - điểm Du lịch cộng đồng thôn Cò - Nha Công an - các điểm di tích thôn Lê, thôn Toa, thôn Mới, thôn Niếng (xã Minh Thanh).

+ Tuyến 5: Trụ sở Ban quản lý - điểm du lịch cộng đồng thôn Khuôn Mản - các điểm di tích lịch sử: Trạm gác Mùng Mìn, lán Ba Hòn, lán Hội Nghị 3 xã (Tân Trào, Lương Thiện, Kháng Nhật) tại xã Lương Thiện.

+ Tuyến 6: Kết nối khu di tích lịch sử Tân Trào - ATK Định Hóa - Chợ Đồn - Pắc Bó...

b) Giáo dục môi trường

- Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, gắn với bảo tồn và phát triển bền vững nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức để người dân tham gia tích cực và hiệu quả hơn công tác bảo vệ và phát triển rừng.

- Thực hiện các chương trình, dự án đào tạo bảo vệ môi trường, trong đó có ưu tiên hoạt động dịch vụ, du lịch; tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, nhân dân địa phương sống gần rừng.

2.6. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực và phát triển cộng đồng:

- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng điều hành cho đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật khu bảo tồn sinh cảnh trong quản lý, sử dụng rừng, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên của Khu bảo tồn.

- Tập huấn đào tạo kỹ năng cho đội ngũ tham gia hoạt động dịch vụ du lịch tại các thôn bản; hỗ trợ cộng đồng trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc; chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển làng nghề truyền thống... tạo sinh kế mới, giảm bớt sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng; tuyên truyền pháp luật về Bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

2.7. Quy hoạch phát triển hạ tầng:

Cải tạo, nâng cấp trụ sở Ban quản lý Khu bảo vệ cảnh quan Tân Trào; các chốt, trạm kiểm lâm hiện có; xây dựng Trung tâm nghiên cứu, giáo dục môi trường và du lịch; xây dựng các biển báo, biển cấm và cắm mốc ranh giới rừng đặc dụng; xây dựng nhà quản lý trưng bày mẫu vật; xây dựng hệ thống đường tuần tra, bảo vệ phòng cháy chữa cháy rừng kết hợp du lịch sinh thái; xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch.

3. Giải pháp thực hiện quy hoạch

3.1. Giải pháp về cơ chế chính sách:

a) Chính sách về đất đai: Thực hiện các thủ tục giao đất, cấp GCNQSD đất cho Ban Quản lý; cắm mốc ranh giới các khu rừng; sử dụng đất trong khu rừng đặc dụng theo điều 13, khoản 2 Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; sử dụng bền vững tài nguyên theo điều 21, Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

b) Chính sách về tài chính, đầu tư: Tập trung các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo tồn phát triển rừng, phát triển cơ sở hạ tầng; đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm nâng cao đời sống của nhân dân trong và ngoài vùng dự án; vận dụng và tổ chức thực hiện linh hoạt Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh doanh du lịch sinh thái trong khu rừng đặc dụng.

c) Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và chuyển nhượng Chứng chỉ Cacbon: Thực hiện theo Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

d) Chính sách hỗ trợ phát triển vùng đệm: Hỗ trợ phát triển vùng đệm theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/06/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg ngày 09/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015” và các Quyết định hỗ trợ đầu tư của tỉnh.

3.2. Giải pháp về khoa học công nghệ:

Phối hợp với các tổ chức, các nhà khoa học và viện nghiên cứu liên quan xây dựng các Chương trình, Dự án khoa học công nghệ bảo tồn đa dạng sinh học và ứng dụng khoa học công nghệ để phục hồi các loài động vật, thực vật quý hiếm, đặc hữu và các loài có giá trị kinh tế cao.

3.3. Giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực và phát triển cộng đồng:

Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt các kỹ năng về bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, du lịch sinh thái, phát triển cộng đồng thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo ngắn hạn, dài hạn như: tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề hoặc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp.

3.4. Giải pháp bảo vệ môi trường:

Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường chung của khu rừng bảo vệ sinh cảnh Tân Trào, thông qua các phương tiện truyền thông, sách báo, tờ rơi, bảng hiệu, hội thảo...; thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

3.5. Giải pháp ổn định dân cư và phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm:

- Tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; về ổn định dân cư; về di chuyển dân ra khỏi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; vùng dễ xảy ra thiên tai nguy hiểm cho nhân dân, thực hiện di chuyển ra khỏi rừng đặc dụng 40 hộ ở Thôn Khuôn Đào, xã Trung Yên; bố trí đủ đất sản xuất và thực hiện đầy đủ các chính sách đối với hộ tái định cư, giúp hộ tái định cư ổn định sản xuất và đời sống.

- Hỗ trợ các thôn vùng đệm phục hồi các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan..... xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn cho các hộ gia đình về kỹ thuật thâm canh các loại cây trồng vật nuôi; tạo điều kiện cho người dân vùng đệm tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng để tăng thu nhập.

3.6. Giải pháp liên kết vùng và hợp tác quốc tế:

- Ban quản lý khu rừng bảo vệ sinh cảnh Tân Trào chủ động phối hợp với các huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên xây dựng chương trình phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng các xã vùng giáp ranh giữa các huyện, các tỉnh.

- Phối hợp với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, các viện nghiên cứu có liên quan xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án về khoa học và công nghệ bảo tồn Đa dạng sinh học khu rừng bảo vệ sinh cảnh Tân Trào; kêu gọi các nguồn đầu tư của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ phục vụ công tác bảo tồn và phát triển.

3.7. Giải pháp về tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch:

- Thành lập Ban quản lý khu rừng bảo vệ sinh cảnh Tân Trào để quản lý bảo vệ và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng.

- Chi cục Kiểm lâm là cơ quan tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý Nhà nước đối với Khu rừng bảo vệ sinh cảnh Tân Trào.

4. Tổng vốn đầu tư

a) Tổng nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2020: 89,506 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách nhà nước: 74,936 tỷ đồng, chiếm 83,72%.

- Huy động nguồn vốn hợp pháp khác: 14,570 tỷ đồng, chiếm 16,28%.

b) Phân kỳ đầu tư:

- Giai đoạn 2014-2015: 20,812 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2016-2020: 68,694 tỷ đồng.

5. Danh mục các dự án ưu tiên

a) Đề án thành lập Ban quản lý Khu bảo vệ cảnh quan Tân Trào, thời gian thực hiện: Năm 2014 – 2015.

b) Dự án Cắm mốc ranh giới phân khu chức năng Khu bảo vệ cảnh quan Tân Trào, thời gian thực hiện: 2015-2016.

c) Dự án Giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho Ban quản lý Khu bảo vệ cảnh quan Tân Trào, thời gian thực hiện: 2015-2016.

d) Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu bảo vệ cảnh quan Tân Trào và vùng đệm đến năm 2020, thời gian thực hiện: 2017 -2020.

đ) Dự án điều tra đánh giá đa dạng sinh học của Khu bảo vệ cảnh quan Tân Trào, thời gian: 2015 – 2016.

e) Dự án Hỗ trợ phát triển Kinh tế xã hội vùng đệm Khu bảo vệ cảnh quan Tân Trào đến năm 2020, thời gian thực hiện: 2015 -2020.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương công bố công khai quy hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng bảo vệ cảnh quan Tân Trào đến năm 2020.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất cân đối, bố trí vốn ngân sách và các nguồn vốn khác để thực hiện có hiệu quả các nội dung Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng bảo vệ cảnh quan Tân Trào đến năm 2020.

3. Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện: Sơn Dương, Yên Sơn rà soát quy hoạch sử dụng đất và giao đất lâm nghiệp, giao rừng, cho phù hợp với Quy hoạch được duyệt.

4. Các sở, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương, Yên Sơn có trách nhiệm thực hiện có hiệu quả nội dung Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng bảo vệ sinh cảnh Tân Trào đến năm 2020.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện: Sơn Dương, Yên Sơn; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng Tin học và Công báo;
- Trưởng phòng KT, TH, QH;
- Chuyên viên NLN, ĐC;
- Lưu: VT, (Hòa 35).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Quang

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 732/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng bảo vệ cảnh quan Tân Trào đến năm 2020 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

  • Số hiệu: 732/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Đình Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản