Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5181/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KHU RỪNG ĐẶC DỤNG HƯƠNG SƠN, HUYỆN MỸ ĐỨC, THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020”.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về “Tổ chức và Quản lý hệ thống rừng đặc dụng”;

Căn cứ Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT , ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về “Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ”;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/08/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế quản lý rừng”;

Căn cứ Quyết định số 57/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011-2020”;

Căn cứ Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng, giai đoạn 2011-2020”;

Căn cứ Thông tư số 100/2013/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 26/7/2013 của liên Bộ: Tài chính - Nông nghiệp và PTNT về “Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg , ngày 01/6/2012 của Thủ Tướng Chính phủ”;

Căn cứ Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”;

Căn cứ Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 29/7/2012 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt “Quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng 2030”;

Căn cứ Quyết định số 710/2013/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt “Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012-2020”;

Căn cứ Quyết định số 690/QĐ-UBND ngày 31/1/2013 của UBND thành phố Hà Nội về phê duyệt nhiệm vụ lập dự án “Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND ngày 26/02/2014 của UBND Thành phố về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội 2011 - 2015;

Căn cứ Công văn số 558/BNN-TCLN ngày 19/02/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ý kiến đồng thuận “Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội”;

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại Thông báo số 173/TB-UBND ngày 13/8/2014 của UBND Thành phố;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại văn bản số 2887/SNN-TT ngày 19/12/2013 về báo cáo kết quả thẩm định “Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đến năm 2020” và văn bản số 2034/SNN-TT ngày 29/9/2014 về báo cáo kết quả chỉnh sửa, rà soát, bổ sung và hoàn thiện “Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đến năm 2020”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đến năm 2020”, với nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên gọi: “Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đến năm 2020”.

2. Chủ quản đầu tư: UBND thành phố Hà Nội.

3. Chủ đầu tư: Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội).

4. Mục tiêu Quy hoạch:

4.1. Mục tiêu chung:

- Quản lý bảo tồn, phát triển, sử dụng bền vững tài nguyên rừng nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng nhu cầu quản lý bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội khu rừng Hương Sơn, phục vụ nghiên cứu khoa học, lễ hội tâm linh và du lịch sinh thái.

- Thiết lập, quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững quỹ đất quy hoạch cho rừng đặc dụng trên cơ sở bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, khoanh nuôi phục hồi rừng, nâng cấp chất lượng rừng trồng các loài cây bản địa và phát triển trồng cây phân tán.

- Thực hiện chủ trương bảo tồn, mở rộng và từng bước đầu tư phát triển khu rừng đặc dụng Hương Sơn. Trên cơ sở ưu tiên xây dựng các dự án đầu tư, mở rộng (cả diện tích mặt nước) khu rừng đặc dụng Hương Sơn, nhằm phát huy hiệu quả và tiềm năng lợi thế của khu di sản văn hóa cấp quốc gia.

4.2. Mục tiêu cụ thể:

- Xây dựng và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hương Sơn, đảm bảo các tiêu chí về phân loại hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Ưu tiên bảo tồn nguồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái rừng, nâng cao chất lượng và tỷ lệ che phủ của khu rừng Hương Sơn từ 48,3% (năm 2014) lên 49,7% (năm 2020).

- Bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật quý hiếm có giá trị bảo tồn cao đang có nguy cơ tuyệt chủng, cụ thể:

+ Bảo vệ các hệ sinh thái rừng tự nhiên, trong đó tập trung quản lý bảo vệ 28 loài thực vật quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam, trong đó có 14 loài được ghi trong sách đỏ thế giới.

+ Bảo vệ và bảo tồn 40 loài động vật quý hiếm; bao gồm 18 loài thú có tên trong Sách đỏ Việt Nam (năm 2007), trong đó có 2 loài ở thứ hạng nguy cấp (EN) và 11 loài ở thứ hạng đang bị đe dọa (VU)

- Xây dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, nghiên cứu, đào tạo, thăm quan học tập cho cán bộ, học sinh, sinh viên.

- Thu hút nhiều lao động tham gia các hoạt động lâm nghiệp, giảm tệ nạn xã hội, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cộng đồng, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững của Chính phủ.

5. Nội dung Quy hoạch khu rừng đặc dụng Hương Sơn:

5.1. Nhiệm vụ của khu rừng đặc dụng:

a) Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng tự nhiên hiện có, các loài động thực vật hoang dã quý hiếm thông qua việc bảo vệ rừng, bình quân 3.596,0 ha/năm. Khoanh nuôi phục hồi rừng 119,0 ha/năm, xây dựng mô hình nâng cấp rừng trồng, cây đặc sản 40,5 ha, trồng cây phân tán 1.000 cây/năm. Hỗ trợ cho những hoạt động sản xuất, dịch vụ của cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu rừng đặc dụng Hương Sơn.

b) Thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn, nghiên cứu khoa học: Điều tra theo dõi 5 ô nghiên cứu (5 năm một lần); Bảo tồn nội, ngoại vi vườn thực vật 2,0 ha; Xây dựng vườn ươm cây giống lâm nghiệp 0,5 ha; Bảo tồn các loài Lan 0,5 ha, thực hiện 4 đề tài nghiên cứu khoa học; Xây dựng 10 mô hình giáo dục môi trường và 14 lớp tập huấn về giáo dục môi trường.

c) Xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng cháy chữa cháy rừng:

- Xây dựng cơ sở hạ tầng: Hoàn thiện xây dựng bổ sung, cải tạo nâng cấp khu văn phòng Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn, phòng trưng bày bảo quản mẫu vật, nhà khách, bể nước 30m3, đóng mốc ranh giới khu rừng và các phân khu chức năng khoảng 80 km.

- Xây dựng công trình phòng cháy, chữa cháy rừng: Xây mới 3 trạm bảo vệ rừng, cải tạo nâng cấp 2 trạm quản lý bảo vệ rừng, xây mới 03 chòi canh kết hợp với điểm quan sát động vật, bể chứa nước phục vụ chữa cháy rừng, bảng tuyên truyền, mua sắm trang thiết bị.

- Xây dựng hạ tầng giao thông: Xây dựng đường tuần tra, bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái và dân sinh 25,3 km.

d) Phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái:

- Bảo vệ, cải thiện môi trường rừng góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn;

- Xây dựng bổ sung các công trình phục vụ du lịch sinh thái: 10 điểm dừng chân, 10 khu vệ sinh công cộng, 3 điểm thu gom xử lý rác thải, 40 thùng chứa rác thải, 5 biển quảng cáo.

đ) Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm và tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giá trị bảo tồn, bảo vệ môi trường, bảo vệ các di tích lịch sử danh thắng tới mọi người dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa khu vực phía Nam huyện Mỹ Đức.

5.2. Quy hoạch ranh giới, diện tích và các phân khu chức năng:

a) Quy hoạch ranh giới, diện tích khu rừng đặc dụng Hương Sơn:

- Diện tích Quy hoạch ranh giới, diện tích khu rừng đặc dụng Hương Sơn:

Loại đất, loại rừng

Tổng cộng

Phân theo xã

Hương Sơn

Hùng Tiến

An Tiến

An Phú

Diện tích khu rừng (ha)

3.760,0

2.783,5

131,6

235,8

609,1

1. Đất có rừng (ha)

3.640,5

2.720,0

101,0

235,8

583,7

1.1. Rừng gỗ tự nhiên (ha)

3.379,3

2.542,2

100,0

231,5

505,6

1.2. Rừng trồng (ha)

261,2

177,8

1,0

4,3

78,1

2. Đất chưa có rừng (ha)

119,5

63,5

30,6

 

25,4

- So sánh giữa Hiện trạng và Quy hoạch khu rừng đặc dụng Hương Sơn:

Loại đất, loại rừng

Hiện trạng (năm 2013)

Quy hoạch (năm 2020)

Tăng/giảm

Diện tích khu rừng (ha)

2.764,0

3.760,0

+996,0

1. Đất có rừng (ha)

2.720,0

3.640,5

+920,5

1.1. Rừng gỗ tự nhiên (ha)

2.542,2

3.379,3

+837,1

1.2. Rừng trồng (ha)

177,8

261,2

+83,4

2. Đất chưa có rừng (ha)

44,0

119,5

+75,5

b) Quy hoạch diện tích các phân khu:

- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 1.194,3 ha, diện tích có rừng: 1.182,5 ha, chưa có rừng: 11,8 ha.

- Phân khu phục hồi sinh thái: 2.534,7 ha, diện tích có rừng: 2.438,6 ha, chưa có rừng: 96,1 ha.

- Phân khu dịch vụ hành chính: 31,0 ha, diện tích có rừng: 19,4 ha, chưa có rừng: 11,6 ha.

5.3. Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển rừng:

a) Bảo tồn và quản lý bảo vệ rừng:

Khối lượng công việc cần bảo tồn và quản lý bảo vệ rừng tại khu rừng đặc dụng Hương Sơn được xác định trong bảng sau:

- Bảo vệ rừng: 3.596,0 ha (rừng tự nhiên: 3.379,0 ha; rừng trồng: 217,0 ha).

- Bảo tồn loài cây đặc hữu, quý, hiếm: 68 loài.

- Xây dựng và quản lý bảo tồn: 100,0 ha.

b) Khoanh nuôi phát triển rừng: Khối lượng 119,0 ha/năm (thực hiện 5 năm).

c) Nâng cấp rừng trồng, cây đặc sản: Khối lượng mô hình nâng cấp rừng trồng là 40,5 ha, bình quân 20,0 ha/năm (thực hiện trong 2 năm 2014 và 2015).

- Tại phân khu phục hồi sinh thái: 29,7 ha (xã Hương Sơn).

- Tại phân khu dịch vụ - hành chính 2: 10,8 ha (xã Hương Sơn).

d) Trồng cây phân tán: Khối lượng: 7.000 cây, bình quân 1.000 cây/năm. Loài cây trồng được lựa chọn gồm: Đa, Si, Vàng Anh, Sấu, Ngọc Lan, Lát, Hoàng linh cảnh, Sữa...

5.4. Chương trình nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường:

a) Chương trình nghiên cứu khoa học:

- Nghiên cứu, đánh giá đa dạng các loài thực vật thân thảo, các loài cây dược liệu quý hiếm và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững;

- Nghiên cứu, đánh giá đa dạng các loài cây thuốc và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững;

- Nghiên cứu, áp dụng chính sách khai thác các giá trị tài nguyên và các giá trị dịch vụ môi trường rừng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong việc bảo tồn và phát triển bền vững;

- Nghiên cứu giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hoạt động dịch vụ du lịch ảnh hưởng đến chất lượng không khí, chất lượng đất và nước.

b) Cải tạo vườn thực vật và xây dựng vườn ươm cây giống:

- Quy hoạch lại mặt bằng vườn thực vật, với diện tích 2,5 ha:

+ Khu vực bảo tồn nội vi.

+ Khu vực bảo tồn ngoại vi.

+ Khu vực bảo tồn các loài Lan.

+ Hệ thống đường đi, nước tưới.

- Xây dựng vườn ươm.

- Trồng bổ sung một số loài cây bản địa trong khu bảo tồn nội vi, xác định và đóng biển tên cây.

- Lập kế hoạch cụ thể cho việc bảo tồn ngoại vi.

c) Chương trình bảo tồn tự nhiên và bảo tồn mẫu vật:

- Thiết lập hệ thống ô định vị nghiên cứu: 5ô (2.000 m2/ô) phục vụ theo dõi biến động các loài thực vật và diễn biến hiện trạng tài nguyên rừng

- Điều tra đánh giá, xây dựng nội dung bảo tồn tự nhiên và xây dựng bộ tiêu bản các mẫu động thực vật rừng quý hiếm khu rừng đặc dụng Hương Sơn.

- Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho bảo tồn tự nhiên và bảo tồn mẫu vật cho khu rừng, đến năm 2020.

- Xây dựng kế hoạch hoạt động và công tác quản lý, lưu trữ về bảo tồn tự nhiên, bảo tồn mẫu vật của khu rừng đặc dụng Hương Sơn.

d) Chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và giáo dục môi trường:

- Xây dựng các mô hình về bảo vệ, giáo dục môi trường theo cụm dân cư, cơ quan, trường học từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng.

- Đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ của Ban quản lý rừng đặc dụng và cán bộ địa phương tham gia công tác bảo tồn, phát triển rừng.

- Ban quản lý khu rừng có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ công nhân viên chức về các lĩnh vực quản lý kỹ thuật lâm sinh, cán bộ bảo tồn, giáo dục tuyên truyền vv.... Đến năm 2020, có khoảng 20 cán bộ của Ban đạt trình độ đại học, 3-5 cán bộ có trình độ chuyên sâu về bảo tồn và đa dạng sinh học.

- Lập kế hoạch đào tạo, tuyên truyền pháp luật QLBVR và đa dạng sinh học, phổ biến kinh nghiệm và kiến thức bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng và cán bộ cấp xã, thôn.

- Tuyên truyền chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng dân cư địa phương về bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

- Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ giáo dục môi trường.

5.5. Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng:

a) Xây dựng hạ tầng khu dịch vụ - hành chính:

Hoàn thiện quy hoạch, thiết kế và xây dựng các công trình tại Ban quản lý rừng đặc dụng.

- Nhà lưu giữ, bảo quản mẫu vật

- Nhà khách và hệ thống công trình phụ.

- Quy hoạch lại vườn thực vật, vườn ươm, đường đi, nhà kho, bể nước.

b) Xây dựng công trình bảo vệ, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng:

- Xây dựng công trình bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng: Chòi canh lửa kết hợp điểm ngắm động vật hoang dã, bể chứa nước và hệ thống đường dẫn, biển, bảng tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng.

c) Xây dựng đường tuần tra lâm nghiệp: 25,3 km.

d) Cơ sở hạ tầng khác.

- Hệ thống mốc giới khu rừng đặc dụng (bao quanh khu rừng, không cắm trên ranh giới tỉnh), khoảng 50 km.

- Hệ thống mốc giới các phân khu chức năng, đặc biệt giữa phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với các phân khu khác 30 km.

- Trạm xử lý cấp nước sạch tuyến chùa Thiên Trù-Hương Tích (lập dự án).

- Bãi tập kết rác tại động Hương Tích: 0,5 ha.

- Bãi tập kết rác Só Mả (xã Hương Sơn): 2,0 ha.

- Nghĩa trang Thung Đùi (xã Hương Sơn): 4,0 ha.

- Quy hoạch nghĩa trang Thành phố tại Thung Tiêu (xã Hương Sơn): 20,0ha.

5.6. Quy hoạch phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái:

Để thu hút khách du lịch, việc xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở cần phải đi trước một bước, cụ thể: xây dựng Khu đón tiếp khách tại 4 thôn: Yến Vỹ, Đục Khê, Hội Xá, Tiên Mai xã Hương Sơn; Khu vực Thiên Trù (phân khu hành chính - dịch vụ 2), khu vực Chùa Giải oan và Động Hương Tích. Tại các khu vực trên cần xây dựng trạm dừng chân, nhà vệ sinh công cộng, hệ thống thu gom rác thải và một số công trình phụ trợ khác.

a) Các tuyến du lịch tâm linh (đã có) kết hợp du lịch sinh thái:

- Tuyến 1: Đền Ngũ Nhạc (Đền Trình) - Thiên Trù (Chùa ngoài) - Động Hương Tích (Chùa trong). Trên đường đi có thể thăm Chùa Tiên Sơn, Giải oan, Đền cửa Võng, Động Đại Binh, Đền Chấn Song.

- Tuyến 2: Từ suối Yến rẽ vào theo ngả Cầu Hội - Chùa Thanh Sơn - Động Hương Đài (Chùa Hang Luận).

- Tuyến 3: Đền Trình - Suối Long Vân - Chùa Long Vân - Động Long Vân - Chùa Cây Khế - Hang Sũng Sàm - Chùa Tiên (xã Phú Lão-Hòa Bình)

- Tuyến 4: Chùa Tuyết Sơn - Bảo Đài. Quy hoạch mở mới tuyến đường tuần tra kết hợp phục vụ du lịch sinh thái, qua khu vực Thung Chùa - đi Hà Nam.

b) Các tuyến du lịch sinh thái mở mới (kết hợp đường tuần tra lâm nghiệp):

- Tuyến 1: Từ bến Tuyết Sơn - Thung Chùa.

- Tuyến 2: Từ Thung Chàm (sau Động Hương Tích) - Thiên Trù (không quay lại đường cũ).

- Tuyến 3: Từ bến Đồng Lỗ (Yến Vỹ) - Hồ Đầu Voi (xã An Phú).

- Tuyến 4: Động Hương Tích - Thôn Thanh Hà (xã An Phú).

- Tuyến 5: Hồ Đầu Voi - Hồ Thung Cấm - Thôn An Đà.

c) Tuyến du lịch sinh thái hồ, khai thác mặt nước tự nhiên của các dòng suối: hồ Hương Tích, hồ Thung Cấm, hồ Đầu Voi và suối Yến, suối Long Vân.

d) Tuyến liên vùng:

- Tuyến Tuy Lai - Quan Sơn - Hương Sơn. Sản phẩm du lịch chính là Du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội, nghỉ dưỡng, sinh thái và thể thao cao cấp.

- Tuyến Mỹ Đình (Giáp Bát) - Hương Sơn - Ba Sao (Hà Nam). Là tuyến liên tỉnh, nối trung tâm thành phố Hà Nội với khu Ba Sao, sẽ làm tăng lợi thế so sánh của khu vực Hương Sơn.

5.7. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm:

Vùng đệm của khu rừng đặc dụng Hương Sơn được quy hoạch với tổng diện tích 944,7 ha, trên địa bàn 4 xã (Hương Sơn, Hùng Tiến, An Tiến, An Phú) thuộc huyện Mỹ Đức.

- Xã Hương Sơn gồm diện tích đất mặt nước: Hồ Hương Tích, suối Yến, suối Long Vân, Tuyết Sơn giới hạn từ đê về phía chân núi. Diện tích 316,9 ha, trong đó: Mặt nước 256,3 ha; đất đồi núi chưa có rừng 60,6 ha.

- Xã Hùng Tiến (32,0ha), An Tiến (74,0 ha) là diện tích đất ngập nước (1 vụ) giới hạn bởi sông Mỹ Hà.

- Xã An Phú gồm đất có rừng và đất mặt nước (hồ Thung Cấm, hồ Đầu Voi). Diện tích 521,8ha, trong đó: Mặt nước 133,5ha; đất có rừng 388,3ha.

6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch, nhu cầu kinh phí, hiệu quả đầu tư:

6.1. Giải pháp về tổ chức và quản lý:

a) Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn: Căn cứ Quyết định số 1045/QĐ-SNN ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Sở nông nghiệp và PTNT Hà Nội, Quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn. Đến năm 2020 tổng số CBCNV của Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn khoảng 28 người với 3 phòng chuyên môn và 2 đơn vị trực thuộc (phòng Tổ chức - Hành chính, phòng Kế hoạch - Tài chính, phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Giáo dục môi trường và các trạm bảo vệ rừng).

b) Các cơ quan, đơn vị phối hợp:

- Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội).

- UBND các xã trong vùng khu rừng đặc dụng Hương Sơn.

- Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn.

6.2. Giải pháp về sử dụng đất và sử dụng bền vững tài nguyên rừng:

Bảo tồn và Phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hương Sơn trên cơ sở Luật đất đai và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền của thành phố Hà Nội phê duyệt.

6.3. Giải pháp về khoa học công nghệ:

a) Về Bảo tồn và Phát triển: Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu liên quan thực hiện có hiệu quả lĩnh vực khoa học công nghệ để đảm bảo cơ sở khoa học và thực tiễn đối với việc Bảo tồn và Phát triển rừng bền vững.

b) Về phục hồi các hệ sinh thái: Điều tra, nghiên cứu, xác định các hạng mục và khối lượng công việc về phục hồi các hệ sinh thái, xây dựng kế hoạch thực hiện 5 năm và từng năm cho từng hệ sinh thái, trong đó đặc biệt là hệ sinh thái rừng tự nhiên trên núi đá vôi.

c) Công nghệ sinh học, thông tin: Ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn lọc và nhân giống, bảo quản giống cây lâm nghiệp bản địa có phẩm chất tốt và có tính chống chịu điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh cao.

6.4. Giải pháp về cơ chế chính sách:

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan: xây dựng cơ chế chính sách đặc thù nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển rừng bền vững, thống nhất trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.

6.5. Giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực:

Tuyển dụng cán bộ chuyên ngành lâm nghiệp; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực, tâm huyết phục cơ quan lâu dài theo học cao học và nghiên cứu sinh theo kế hoạch và nhu cầu công việc của khu rừng.

6.6. Giải pháp về vốn đầu tư:

a) Các nguồn vốn đầu tư:

- Nguồn vốn đầu tư của các cấp ngân sách.

- Nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân.

- Nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

b) Phương hướng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn để đảm bảo cho việc bảo tồn và phát triển khu rừng đạt mục tiêu đặt ra.

7. Tổng hợp nhu cầu kinh phí đầu tư (dự tính):

111.270,3 triệu đồng.

7.1. Tổng nhu cầu kinh phí theo hạng mục đầu tư:

111.270,3 triệu đồng, gồm:

- Bảo tồn và Phát triển rừng:

32.058,5 triệu đồng.

- Nghiên cứu khoa học:

3.900,0 triệu đồng.

- Đào tạo, giáo dục môi trường:

970,0 triệu đồng.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng:

60.789,0 triệu đồng.

- Trang bị, thiết bị, phương tiện:

2.392,8 triệu đồng.

- Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm:

11.160,0 triệu đồng.

7.2. Tổng hợp kinh phí đầu tư phân theo nguồn:

111.270,3 triệu đồng, gồm:

- Vốn Ngân sách:

 93.033,3 triệu đồng.

- Vốn huy động của các tổ chức, cá nhân:

18.237,0 triệu đồng.

7.3. Tổng kinh phí đầu tư theo giai đoạn:

111.270,3 triệu đồng, gồm:

- Giai đoạn 2015 - 2016:

28.850,3 triệu đồng.

- Giai đoạn 2016 - 2020:

82.420,0 triệu đồng.

8. Dự báo hiệu quả đầu tư:

8.1. Hiệu quả bảo tồn:

Tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái, kiểu rừng, loại rừng, các loài động thực vật; cảnh quan thiên nhiên, các điểm di tích lịch sử văn hóa được giữ gìn, bảo vệ tốt. Chất lượng và độ che phủ của rừng được cải thiện, có tác dụng bảo vệ đất đai, điều tiết nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt nhân dân và sản xuất nông nghiệp trong vùng.

8.2. Hiệu quả kinh tế - xã hội:

a) Hiệu quả về kinh tế: Bảo tồn và Phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hương Sơn có hiệu quả kinh tế (gián tiếp) rất lớn, cụ thể nguồn tài nguyên thiên nhiên được bảo vệ, bảo tồn những giá trị về lịch sử văn hóa, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.

b) Hiệu quả về xã hội: Cộng đồng dân cư địa phương hiểu biết về giá trị của rừng thông qua công tác tuyên truyền giáo dục về lợi ích của rừng đặc dụng Hương Sơn, từ đó người dân tự giác tham gia quản lý bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường.

8.3. Hiệu quả về môi trường:

Góp phần duy trì cảnh quan môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế tác hại của thiên tai, rửa trôi, sa mạc hóa đất đai, hấp thụ và lưu giữ Cácbon, làm sạch môi trường không khí, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, ngăn chặn sự biến đổi khí hậu của vùng.

9. Danh mục các dự án và chương trình nghiên cứu ưu tiên đầu tư:

9.1. Dự án cắm mốc ranh giới khu rừng và các phân khu chức năng: Ổn định ranh giới khu rừng, ngăn ngừa sự xâm lấn và các hoạt động trái phép ảnh hưởng bất lợi đến khu rừng, phục vụ công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khu rừng đặc dụng.

9.2. Dự án Rà soát, hoàn thiện hệ thống phân chia lô, khoảnh, tiểu khu cho rừng đặc dụng Hương Sơn: Thống nhất hệ thống phân chia, để quản lý khu rừng thuận lợi, đảm bảo khoa học; nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho nhóm hộ và hộ gia đình đến từng lô, khoảnh; theo dõi diễn biến tài nguyên rừng theo lô, thống kê lên khoảnh, tiểu khu và cả khu rừng.

9.3. Dự án xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc quản lý, bảo vệ rừng, đào tạo, tuyên truyền, tập huấn, nghiên cứu khoa học và giới thiệu du khách tham quan, du lịch sinh thái; đồng thời góp phần tạo nhiều việc làm nâng cao đời sống nhân dân trong vùng.

9.4. Dự án xây dựng khu bảo tồn đặc biệt: Nhằm đánh giá số lượng, thành phần loài thực vật đặc hữu quý hiếm để đề xuất các giải pháp bảo tồn. Là nơi lưu giữ, bảo tồn mẫu vật tự nhiên phục vụ tham quan học tập. Quy mô 100,0 ha tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

9.5. Dự án quản lý và phát triển, tôn tạo cảnh quan hồ Hương Tích, hồ Thung Cấm, hồ Đầu Voi và suối Yến, suối Long Vân: mục tiêu bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học, quản lý, bảo vệ môi trường và tôn tạo cảnh quan sinh thái với quy mô 389,8 ha mặt nước.

9.6. Chương trình nghiên cứu khoa học: Phục vụ theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, phát hiện vị trí phân bố và bảo tồn loài đặc hữu quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Nghiên cứu áp dụng các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển bền vững khu rừng đặc dụng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở ngành liên quan: Thẩm định các dự án ưu tiên, kế hoạch hoạt động, quy mô, địa điểm, đối tượng được hỗ trợ phù hợp với Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Nội đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 710/2013/QĐ-UBND ngày 01/02/2013, phù hợp với Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, trình UBND thành phố phê duyệt để giao Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn thực hiện.

- Tổng hợp vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện, đề xuất UBND Thành phố xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kế hoạch để đảm bảo thực hiện có hiệu quả mục tiêu Dự án. Kiểm tra định kỳ, đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động Dự án quy hoạch theo các hạng mục đã được phê duyệt hàng năm.

2. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc thẩm định kế hoạch cấp kinh phí thực hiện các hạng mục đầu tư đã được phê duyệt hàng năm cho khu rừng đặc dụng Hương Sơn.

- Kiểm tra, giám sát quản lý sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động, kiểm tra tiến độ thực hiện, hiệu quả vốn đầu tư cho các hoạt động hàng năm.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với Sở Tài chính đảm bảo kế hoạch thực hiện và cân đối vốn theo kế hoạch hoạt động hàng năm.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Thẩm định Kế hoạch hàng năm và trình UBND Thành phố phê duyệt. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra thực hiện kế hoạch, tiến độ và hiệu quả của dự án theo đúng chức năng.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Chỉ đạo Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn làm tốt chức năng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích thắng cảnh Hương Sơn theo Luật di sản văn hóa.

- Thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/NĐ-CP của Chính phủ, tiến tới thực hiện phương án cho thuê môi trường rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

5. UBND huyện Mỹ Đức:

- Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành các thủ tục cần thiết trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo UBND các xã trong vùng khu rừng đặc dụng Hương Sơn phối hợp và tạo điều kiện tốt nhất để Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn tổ chức quản lý, bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng đặc dụng và các nguồn gen đặc hữu, quý hiếm hiện có tại khu rừng.

6. Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn:

- Công khai quy hoạch, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy hoạch ranh giới khu rừng và các phân khu chức năng đã được phê duyệt và kế hoạch hoạt động hàng năm của khu rừng đặc dụng Hương Sơn.

- Xây dựng kế hoạch hàng năm, các chương trình, đề án, dự án để quản lý bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng đặc dụng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khôi phục và bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng, bảo tồn tính đa dạng sinh học...

- Thực hiện các biện pháp nhằm phát triển bền vững tài nguyên sinh vật rừng. Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và các ngành chức năng có liên quan để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu rừng, các di tích lịch sử danh lam thắng cảnh thuộc khu rừng. Thực hiện các biện pháp PCCCR, phòng trừ sâu bệnh hại, ngăn chặn các hành vi gây hại đến tài nguyên rừng.

- Nghiên cứu xây dựng các mô hình lâm nghiệp, vườn rừng, cây lâm sản ngoài gỗ, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật lâm sinh.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Văn hóa Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Quy hoạch Kiến trúc; Xây dựng, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn và Thủ trưởng các Sở ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (để báo cáo)
- TT Thành ủy, TT HĐND TP; (để báo cáo)
- Đ/c Chủ tịch UBND TP; (để báo cáo)
- Các đ/c PCT UBND TP;
- Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT);
- Chi cục Kiểm lâm Hà Nội;
- UBND các xã: Hương Sơn, Hùng Tiến, An Tiến, An Phú (huyện Mỹ Đức);
- VPUB: các đ/c PCVP, NN(Hùng), VX, TH;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Việt

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5181/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đến năm 2020

  • Số hiệu: 5181/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/10/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Trần Xuân Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản