Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 584/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 11 tháng 4 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG ĐẶC DỤNG TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT , ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ các Quyết định của UBND Tỉnh: số 1819/2011/QĐ-UBND, ngày 02/11/2011 về việc phê duyệt Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020; số 1191/QĐ-UBND ngày 12/7/2013 về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Phú Yên đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Tờ trình số 51/TTr-SNN ngày 17/3/2014 và Báo cáo thẩm định số 286/BC-SNN ngày 03/12/2013; kèm theo ý kiến góp ý và chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các văn bản: số 40/BNN-TCLN, ngày 07/01/2014; số 226/TCLN-BTTN, ngày 26/02/2014),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Phú Yên đến năm 2020, gồm các nội dung sau:

I. TÊN GỌI: Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Phú Yên đến năm 2020.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Tình hình hiện trạng các khu rừng đặc dụng

a) Hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học:

* Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai (thuộc huyện Sơn Hòa):

- Thảm thực vật rừng bao gồm một số kiểu rừng và các trảng chính: Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới; rừng kín nửa rụng lá hơi ẩm nhiệt đới; rừng thưa cây lá rộng hơi khô nhiệt đới (rừng khộp); rừng trồng; trảng cây bụi; trảng cỏ.

- Hệ thực vật: Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai thống kê được 151 họ với 983 loài, 587 chi thuộc 05 ngành, lớp thực vật.

- Về động vật rừng: Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai với 87 loài thuộc 28 họ và 10 bộ.

Yếu tố quý hiếm, bảo tồn nguồn gen và nghiên cứu khoa học: Về động vật có 12 loài quý, hiếm có giá trị cao về kinh tế, khoa học, đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Về thực vật đã xác định có 12 loài quý, hiếm có giá trị bảo tồn cao.

b) Hiện trạng các di tích lịch sử và danh thắng cảnh:

* Khu văn hóa, lịch sử và môi trường Đèo Cả (thuộc huyện Đông Hòa):

- Thảm thực vật rừng: Rừng tự nhiên thuộc loại rừng lá rộng thường xanh, tổ thành loài khá phong phú và mang đặc trưng của vùng khí hậu đồi núi và ven biển, với các loài ưu thế: giẻ, dầu, cà ná, trâm, tuế... Rừng phân bố dày nhiều tầng tán.

- Các di tích lịch sử và danh thắng cảnh:

+ Núi Đá Bia được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia;

+ Vũng Rô được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

2. Nội dung quy hoạch

a) Luận chứng về Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Phú Yên đến năm 2020:

- Dự án đầu tư rà soát, điều chỉnh lại lâm phần của các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng;

- Quy hoạch bảo vệ phát triển rừng tỉnh Phú Yên đến năm 2020;

- Phương án sử dụng đất của các khu rừng đặc dụng;

- Dự án đầu tư bảo vệ, phát triển rừng của các khu rừng đặc dụng theo Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2011-2015;

- Luận chứng kinh tế kỹ thuật Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai xây dựng năm 1987 (Liên đoàn Điều tra III, Viện Điều tra Quy hoạch rừng Hà Nội);

- Báo cáo đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai xây dựng năm 2012 (Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp nhiệt đới);

- Báo cáo lâm sản ngoài gỗ Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai xây dựng năm 2012 (Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp nhiệt đới);

- Các tài liệu, báo cáo về tình hình sinh trưởng rừng, về dân sinh kinh tế - xã hội liên quan đến rừng đặc dụng tỉnh Phú Yên được xây dựng năm 2012;

- Các tài liệu khác có liên quan.

b) Mục tiêu quy hoạch:

- Mục tiêu tổng quát: Quản lý bảo tồn, phát triển và sử dụng rừng bền vững các khu rừng đặc dụng trên địa bàn Tỉnh trên cơ sở bảo tồn và phát triển các loài động vật, thực vật đặc hữu, các hệ sinh thái đặc thù. Nâng cao tính đa dạng sinh học; nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan trong khu vực và khả năng phòng hộ môi trường cảnh quan. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng, gắn với phát triển kinh tế của khu rừng đặc dụng, phục vụ nghiên cứu khoa học, thực tập, tham quan du lịch, nghỉ dưỡng.

- Mục tiêu cụ thể: Xác lập các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Phú Yên phù hợp với tiêu chí, phân loại theo quy định, phù hợp với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Xây dựng cơ chế tổ chức, quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững các khu rừng đặc dụng trên cơ sở xác định các chương trình, dự án và hệ thống giải pháp thực thi nhằm tạo điều kiện môi trường, sinh cảnh tốt nhất để bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, các hệ sinh thái, đa dạng sinh học đặc thù nhằm bảo tồn nguồn gen. Đầu tư tương xứng, phát huy thế mạnh, gìn giữ bảo tồn nguyên trạng các di tích lịch sử phục vụ cho các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong giai đoạn hiện tại và tương lai.

c) Xác lập khu rừng đặc dụng:

- Xác lập quy mô rừng đặc dụng toàn Tỉnh: Tổng diện tích khu vực bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng: 19.559,0 ha (bao gồm 02 khu rừng đặc dụng). Trong đó: Rừng tự nhiên: 11.118,4 ha; rừng trồng: 1.786,4 ha; đất chưa có rừng: 6.531,7 ha; đất khác: 122,6 ha.

- Xác lập các khu rừng đặc dụng:

* Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai:

+ Tổng diện tích tự nhiên: 13.775 ha. Phân bố trên địa bàn 06 xã: Cà Lúi, Ea Chà Rang, Sơn Phước, Krông Pa, Suối Trai, Suối Bạc thuộc huyện Sơn Hòa. Trong đó, xã Cà Lúi: 38ha, xã Ea Chà Rang: 5.672,3ha, xã Sơn Phước: 2.519,6ha, xã Krông Pa: 1.724,3ha, xã Suối Trai: 3.613,0ha và xã Suối Bạc: 207,8ha.

+ Được phân chia thành 03 phân khu:

• Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 7.882,2 ha. Cụ thể, xã Cà Lúi: Tiểu khu 178; xã Sơn Phước: Tiểu khu 179, 181, 184, 185; xã Krông Pa: Tiểu khu 207, 208, 209, 210; xã Suối Trai: Tiểu khu 218, 219, 220.

• Phân khu phục hồi sinh thái: 5.890,6 ha. Cụ thể, xã Ea Chà Rang: Tiểu khu 198, 200, 201, 202, 203, 204, 205, 206; xã Sơn Phước: Tiểu khu 185; xã Suối Bạc: Tiểu khu 213; xã Suối Trai: Tiểu khu 221, 222, 223, 224.

• Phân khu hành chính dịch vụ: 2,2 ha, thuộc xã Ea Chà Rang: Tiểu khu 202.

* Khu văn hóa, lịch sử, môi trường Đèo Cả:

Tổng diện tích tự nhiên: 5.784,0 ha. Trong đó:

+ Xã Hòa Xuân Nam: 5.246,9 ha; gồm các tiểu khu: 346, 347, 348, 349, 350, 351, 352.

+ Xã Hòa Tâm: 537,1 ha; gồm các tiểu khu: 344, 345.

- Tổ chức quản lý: Củng cố, kiện toàn 02 Ban quản lý rừng đặc dụng hiện có của Tỉnh với việc tăng cường biên chế đảm bảo theo quy định (theo Quyết định 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ):

+ Ban quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả: Gồm Văn phòng Ban quản lý và 02 trạm Kiểm lâm; xây dựng lực lượng Kiểm lâm đến năm 2020 sẽ là 12 biên chế;

+ Ban quản lý và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Krông Trai: Gồm Văn phòng Ban quản lý và 03 trạm kiểm lâm; xây dựng lực lượng Kiểm lâm đến năm 2020 sẽ là 24 biên chế.

- Các chương trình, dự án, giải pháp bảo tồn:

+ Chương trình bảo vệ, phát triển rừng: Chương trình bảo vệ phát triển rừng của các khu rừng đặc dụng tỉnh Phú Yên trước mắt thực hiện theo dự án đầu tư phát triển rừng đặc dụng đã được UBND Tỉnh phê duyệt vào năm 2012. Cụ thể:

• Dự án đầu tư phát triển rừng đặc dụng Krông Trai giai đoạn 2011-2015 được UBND Tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 929/QĐ-UBND ngày 26/6/2012;

• Dự án đầu tư phát triển rừng đặc dụng Đèo Cả giai đoạn 2011-2015 được UBND Tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 928/QĐ-UBND ngày 28/6/2012.

+ Một số chương trình đang đề xuất đầu tư:

• Chương trình phục hồi hệ sinh thái rừng đặc dụng;

• Chương trình lưu trữ cơ sở dữ liệu; xây dựng nhà bảo tàng đa dạng sinh học các loài động, thực vật rừng, trạm cứu hộ động vật rừng;

• Chương trình thí điểm ứng dụng giải pháp đồng quản lý rừng;

• Chương trình phát triển du lịch sinh thái trong các khu rừng đặc dụng;

• Chương trình hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm các khu rừng đặc dụng.

d) Giải pháp bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng:

- Nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng;

- Tuyên truyền, giáo dục người dân và cộng đồng tham gia bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học;

- Xây dựng giải pháp phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư;

- Giải pháp về các chủ trương, chính sách của Nhà nước;

- Giải pháp về khoa học công nghệ;

- Giải pháp về hỗ trợ của các ngành khác trong bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học khu bảo tồn.

3. Các nội dung khác: Theo nội dung Báo cáo Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Phú Yên đến năm 2020.

Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Trúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 584/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Phú Yên đến năm 2020

  • Số hiệu: 584/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/04/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Lê Văn Trúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản